Tuesday, June 30, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Sáu) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc – Chương Sáu

 

Chương Sáu

      Bon về lại Hà Nội, ghé thăm ông già đở đầu, bộ trưởng của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, bị khai tử không kèn không trống, khi đảng tuyên bố thống nhất hai miền. Ông giờ bệnh hoạn luôn, không có lấy một đồng xu dính túi, sống nhờ vào tiền hưu ba đồng ba cọc, do đảng ân huệ cấp phát cho mỗi tháng, kèm theo số nhu yếu phẩm linh tinh, may mà còn căn nhà, nếu không, đã ra lề đường từ lâu, tuy vậy, ông vẫn ôm hy vọng là đảng sẽ xây dựng đất nước, tốt đẹp hơn xưa mười lần. Bon vẫn còn nghe ông nói điều này, dù biết là trong nhà gạo đôi khi không đủ ăn, điện mấy lần trong tuần không đủ sáng. Trước ngày hai vợ chồng Bon trở vô Sài Gòn, Linh mang một số quà từ miền Nam đem ra và số tiền, mà Bon dành dụm trong thời gian ở Sài Gòn, để lại cho ông, phòng khi hữu sự.

 

    Công tác bắt công chức và sĩ quan của VNCH, còn ở lại miền Nam, theo lệnh đảng, đã đạt yêu cầu nhà nước đưa ra. Bên cạnh đó, việc truy lùng, giam giữ, các thành phần trí thức tiểu tư sản, văn nghệ sĩ, tư sản mại bản, có tiếng tăm chống đối chính quyền Cộng sản miền Bắc trong suốt hai mươi năm chiến tranh, vẫn bí mật tiếp tục, dù cho từ nhà tù Phạm Đăng Lưu tới khám lớn Chí Hòa không còn chỗ chứa. Bon hăng say lựa lọc, với sự tiếp tay của đám cán bộ nằm vùng trong miền Nam, trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, cho bắt giam bất cứ ai, được coi là nguy hiểm cho nhà nước trên đường xây dựng một chính quyền “cộng sản chuyên chính”. Cái gọi là “Ủy ban Quân quản” bị giải thể, toàn bộ tổ chức hành chánh miền Nam, được bố trí theo khuôn mẫu miền Bắc. Hàng chữ Ủy ban Nhân dân Thành phố vàng hực trên nóc tòa đô chánh cũ, bộ đội không còn thấy nhiều trên đường, lâu lâu, lác đác vài ba anh, công an sắc phục màu da bò ngập tràn phố xá. Vợ Bon, Linh, giờ nắm chức vụ Giám đốc Xí nghiệp dệt Vinatexco, có xe riêng đưa đón hằng ngày, dư thừa người hầu người hạ.

     Sài Gòn bắt đầu có chuyện chạy chọt, lo lót cho thân nhân bị đi tù cải tạo, được thả ra, từ một số trại như Long Giao, Dầu Giây, Nha Trang, Mộc Hóa, Ka Tum... Người Sài Gòn ồn ào, bàn tính chuyện làm ăn mới, có nhiều người được thả ra thật do mấy đường dây này, phí tổn tính bằng vàng lá,chợ vàng lậu góc Lê Thánh Tôn, chùa Chà Và rộn rịp, công an dọa nạt, thấy vàng vô tay quen rồi cũng lặng câm, ít nhất vài hôm có xe Honda chạy, còn hơn là dài cổ ôm cái xe đạp Trung cộng xấu xí. Dân Sài Gòn nhờ vậy mà sống trong “tình đồng chí” với cán bộ nhà nước. Gia đình nào, có anh em chú bác, tập kết về còn làm quan to chức lớn, đem hiến tặng tài sản, xe hơi, xe Honda, máy may, tủ lạnh, ti vi, không kể tiền bạc vàng vòng, nhớ nói giùm một tiếng, cho con cháu, thằng sĩ quan, thằng công chức, đang bị giam cầm trong trại cải tạo, được thả về. Cái gì bà con tặng cho, ông tướng ông tá, ông bí thư, ông giám đốc của “chính quyền nhân dân” nhả nhặn nhận, không nửa lời từ chối, thế nhưng, người đem quà cho, chờ dài cả cổ, ngày này qua ngày nọ, bà cô ông chú “cách mạng” làm thinh, để thủng thẳng, cho tụi nó “học tập tốt” một thời gian, hình như họ quên nói chuyện này, trước khi quà cáp đem vô nhà và rồi không làm sao lấy lại, không phải chỉ vài ông to bà lớn, mà cả cái thành phố có tên “hồ chí minh” này, bà lớn ông to nào cũng vui vẻm hồ hỡi nhận lời giúp đở bà con cách đó.

    Đợt đánh tư sản mại bản ở tỉnh tạm xong, một số gia đình quen ông bà Đốc Nhân, tài sản bị tịch thu gần hết, nhà nước thương tình, cho phép còn được căn nhà, lội bộ trên lề đường, nhìn cái xe hơi, xe Honda do mồ hôi nước mắt tạo ra, bỗng phút chốc trở thành “tài sản nhân dân”, ông Bí thư, ông Chủ tịch, thay mặt dân chạy ngang tàng qua lại, lòng đau thảm thiết. Cũng vẫn còn may, nếu lộn xộn, chắc đã bồng bế nhau lên Bù Đăng, Cầy Xiêng, sống đời “lao động vinh quang”, thay nhà nước mở mang vùng kinh tế mới. Ở thời buổi này, ông bà Đốc biết là cái may không chắc sẽ đến hai lần, lợi dụng mớ giấy tờ mà Bon đã giao lại, ông bà kêu người mối mai, bán căn biệt thư, mua lại miếng đất nhỏ, có vài cây bưởi, cây xoài thanh, ngoài ngả ba Giang Tân, nằm sát tỉnh lộ. Nhà bán xong, chừng vài tháng sau, có lần ra chợ tỉnh, ghé thăm người bạn già, gần trường học, mới biết nhà của ông, hiện tên Chủ tịch đang ở. Ông bà Đốc quyết định không cho Bon hay, coi như đã không gặp nữa, sau ngày xuống Đồng Cò trở về Tây Ninh mười mấy năm trước đây.

    Chị Trâm đứng chờ Linh, ngay cửa văn phòng giám đốc, sau giờ nghỉ trưa, trời mưa lâm râm, không thấy công nhân tụm năm tụm ba ngoài sân xưởng dệt như thường ngày, bạn bè than cũ, cùng làm chung phòng giờ không còn mấy ai, người mới từ Hà Nội vô, vui vẻ đó nhưng làm sao than thiết được, khi mà hai bên, có hai lối suy nghĩ khác xa nhau. Anh Đức, kỹ sư trưởng phòng, cùng gia đình, rời Sài Gòn hôm 29 tháng 4, nhà nước cộng sản tiếp thu xưởn dệt, chị hụt mất chuyến tàu, kẹt ở lại, được ban giám đốc mới cử thay anh, ôm chức vụ đó cho đến giờ, chị mong họ mang ai đó đến thay nhưng mấy năm qua, chẳng rục rịch gì hết. Chị cùng chồng, anh Mẫn, giáo sư toán Võ Trường Toản, giờ còn lưu dụng, dạy trường phổ thông cấp hai Võ Thị Sáu, vượt biên vài lần, không may bất thành, nấn ná chờ dịp khác. Làm việc dưới quyền Linh, tương đối cũng dễ chịu hơn, cô ta nói năng có vẻ hiểu biết, uyển chuyển, không nặc mùi “bác đảng”, đôi khi cười đùa, vui vẻ với nhân viên, công nhân cũ mới. Là kỹ sư trưởng, chị Trâm gặp Linh gần như hằng ngày, cho nên riết rồi cũng quen, thỉnh thoảng hai người đi ăn sáng chung, nói chuyện bên này bên kia, chuyện bây giờ, chuyện ngày trước.

    Người trưởng ban trực ca chiều bước ra, thấy chị Trâm chào rồi hối hả bỏ đi, Linh theo sau, mời chị vào. Hai người ngồi cùng một bên với nhau, tránh nắng trưa chiếu hực nóng, qua khung cửa sổ phòng làm việc. Linh vui vẻ nhìn chị hỏi:

-Chị cơm nước xong chưa mà tìm em đây?

Chị Trâm cười khẩy đáp lại:

-Còn Linh thế nào, bữa nay không về sao?

-Có một vài việc cần làm, vã lại hôm nay không thấy đói chị ạ!

-Thôi, nếu có việc cần làm thì để hôm khác, chị xuống xưởng đây, chị Trâm vừa nói vừa nhỏm dậy.

-Không sai đâu, mấy cái báo cáo thường thôi, chị ở chơi, có gì cần em giúp không?

Chị Trâm ngồi trở lại:

-Chị có một việc muốn nhờ Linh, có thể Linh giúp được, nhưng tùy ở Linh, nếu thấy không được thì cứ cho chị biết là không được nghe.

Linh cười:

-Cái gì mà khẩn trương dữ vậy, chị cứ nói đi, nếu em giúp được, em sẽ giúp ngay.

Chị Trâm buồn buồn, nhờ Linh nói với chồng, can thiệp thả người chú ruột, Trung tá VNCH, giải ngủ từ 1960, làm hiệu trưởng trường mù, hai mắt không còn thấy đường, nghe lệnh nhà nước, nhờ con cháu, cầm gậy dắt đi trình diện, rồi bị đưa đi cải tạo trên trại Dầu Giây, hơn bảy mươi tuổi già, bệnh loét bao tử hành hạ mấy ngày gần đây, chắc không sống bao lâu, làm không biết bao nhiêu lá đơn, xin ban quản lý trại, ủy ban nhân dân thành phố, Thành ủy, đủ nợ, không thấy trả lời. Chị Trâm mắt đỏ hoe, sụt sùi:

-Tội nghiệp ông, nếu được về chết ở nhà, cũng an ủi phần nào, chị thật tình nhờ em, chị nguyện không quên ơn của Linh đâu!

Linh nhìn chị Trâm gật đầu:

-Em hứa sẽ nói với anh Bon, xem tình huống này có cách nào không, còn được hay không thì tùy nhà nước chị ạ!

    Chị Trâm thấy người nhẹ nhõm, ít nhất, chị cũng đã nói ra được những gì mình muốn nói, nắm lấy tay Linh cám ơn rồi trở xuống xưởng máy, Linh đứng nhìn theo thật lâu.

    Sáng chủ nhật, sau đó vài hôm, tờ mờ sáng, sương đêm đọng chưa kịp tan trên đường, chị Trâm cùng mấy đứa em, con ông chú mù lòa, dắt díu nhau, đón xe đò đi Long Khánh, cầm theo lá thư của Bon, và của Thành ủy gởi cho Trưởng trại cải tạo Dầu Giây. Tới nơi, trời chưa hẳn giữa trưa, tên trưởng trại đi ra chợ chưa về, mấy chị em ngồi chờ trong dãy nhà thăm nuôi, ngoài vòng rào trại, cách cổng vào không mấy xa. Bên trong im lìm, vài ba người lác đác lại qua, gầy còm bệnh hoạn, đám còn đủ sức khỏe đã theo bộ đội ra rừng đốn cây từ sáng sớm.

   Tên trưởng trại đọc lá thư thật lâu, nhìn chị em chị Trâm, hết người này rồi người kia, chau mài chau mặt, chậm rãi uống hết tách nước trà, hỏi chị Trâm qua loa chuyện này việc nọ, bằng giọng miền Bắc rặc. Hắn kêu anh bộ đội gát cửa vào, nói to nhỏ mấy câu, chờ anh bộ đội bỏ đi, bước ra ngoài hiên nhà, ngoài sân cát trời bắt đầu chang chang nắng. Mấy chị em ngồi chết trân, nhìn ông chú bơ phờ, mang cái túi xách cũ mèm, rách bương, bám vai anh bộ đội quờ quạng bước vào, chị em cắn môi, nước mắt ràng rụa. Tên trưởng trại, vổ vai ông chú vài cái, không nói gì, kéo hộc bàn, đưa cho chị Trâm tờ giấy “ra trại’. Đám em đở ba mình đứng lên, chị Trâm mở túi xách, để gói quà mang theo, trong đó có hai hộp bánh Trung thu và vài bịch trà sen, trên bàn tên trưởng trại, còn hai bữa nữa là Rằm tháng Tám, tết Trung thu, cám ơn rồi hối hả giục đám em, dìu ông chú đi ra khỏi trại, chừng như sợ hắn đổi ý, trên đường tới ngã ba đón x era Long Khánh, mấy chị em ôm cứng ông chú khóc òa lên, mờ mờ nước mắt, trong cái nắng muộn gần cuối chiều, trại tù nhỏ dần rồi lẻ loi giữa khu rừng dầy đặc cây già, ngập lá úa.

    Buổi chiều, hai chị em đạp xe đạp qua nhà Bon như chị Trâm đã hẹn. Linh ra tới cổng đón, chị bộ đội phụ việc, đứng tưới cây ngoài sân, ngẩng đầu lên chào, chờ mọi người vào trog, chậm rãi kéo cánh cửa sắt đóng lại. Chị Trâm cẩn thận, đặt thùng giấy đựng quà, gói thật kỹ lưởng bằng giấy hoa nhập cảng, còn thơm mùi nước hoa, trên cái bàn nhò, kê sát bộ sa –lông, nhìn vợ chồng Bon, bùi ngùi cám ơn. Bon chợt thấy mình xúc động, cái xúc động không khác lần về Tây Ninh gặp lại ông bà Đốc Nhân, sau mười mấy năm dài biền biệt, Bon nhìn gói quà, rồi nhìn quanh trong nhà, tất cả những gì ông tướng VNCH ỏ lại, vẫn chừng bao nhiêu đó, vợ chồng không sắm thêm được cái gì khác, dù có muốn cũng đành thôi, số tiền lương nhà nước trả cho, may mắn lắm thì dư dăm ba chục bạc, anh nhiều lần để ý quanh mình, chính Linh, vợ Bon, cũng có cùng ý nghĩ nhưng không ai nói ra, từ phượng quận tới thành phố, từ cục sở đến thành ủy, cán bộ trông có vẻ giàu có, sắm sửa xe cộ mới tinh, ăn chơi rộn rịp. Nhà bí thư, chủ tịch, sửa sang từng bừng, xây hồ tắm, đặt hòn non bộ đắt tiền, có xe hơi mới, không mấy ai muốn giữ mấy chiếc xe jeep Nga sô cũ kỹ đi rừng từ những ngày dãi dầu vượt Trường sơn, “chống Mỹ”. Vợ con nhởn nhơ phố xá, tiệc tùng suốt đêm. Bon tự hỏi rồi tự trả lời, khi ngồi im lặng một mình trong phòng làm việc, trong những ngày chưa “giải phóng” miền Nam, ngoài Bắc, dù nhà nước đã ổn định từ lâu, nạn móc ngoặc, tham ô của cán bộ các cấp vẫn xãy ra thường ngày, huống chi bây giờ, Sài Gòn của cải dư thừa, dân chúng giàu có thì tránh sao khỏi, Bon coi đó là những sai lầm của cá nhân đảng viên, đảng không bao giờ như vậy, đảng lúc nào cũng sáng suốt, luật lệ nhà nước sẽ xét xử công bằng, nếu ai phạm tội. Trong những ngày mới “giải phóng”, nhà nước chưa kiện toàn, số đảng viên tham ô, hối lộ còn ít, mấy năm qua, gần đây, đảng viên hủ hóa càng ngày càng nhiều, không thấy mấy ai bị thanh trừng, kiểm điểm, xử tội, hiện tượng này làm Bon thấy, tư tưởng anh ta bế tắc đâu đó, nhưng vẫn tin vào lý thuyết Mác Lê, cái lý thuyết mà anh ta đã được rèn luyện và bồi dưỡng cho nhiệm vụ hiện giờ. Vợ chồng miễn cưỡng nhận thùng quà, điện thoại reo, Bon chào hai chị em rồi vội vã bỏ đi, còn lại mấy người trong nhà, chị bộ đội phụ việc đạp xe đi đâu đó từ nãy giờ, Hà, đứa em gái con ông chú đứng lên, bước ra ngoài nhìn cỏ cây hoa lá, chị Trâm lấy trong túi xách tay ra, một gói giấy nhỏ, nhìn Linh có chút ngập ngừng:

-Còn chuyện này, cũng là chút quà riêng, không có mặt Bon ở đây, nên chị mới dám nói, chị gởi cho vợ chồng em, ơn này không biết bao giờ chị đền trả được.

Chị ngưng chút xíu, mở gói giấy ra, năm cây vàng lá vàng rực trên tay, đưa Linh tiếp lời:

-Đây là chút lòng biết ơn của gia đình chị, chị biết Linh khó xử nhưng vì tình chị em quen biết, xin Linh nhận giùm cho ông chú chị vui, mai ông chết, ông cũng an tâm vì đã trả được ơn người cứu mạng.

Lih sửng sờ nhìn số vàng, quả thật trogn đời mình, cô chưa từng được thấy, bối rối nói từng tiếng một

-Ấy chết, không được đâu chị ơi! Em không được phép nhận, anh Bon biết thì rắc rối lắm, chừng thùng quà kia cũng là nhiều lắm rồi

Chị Trâm muốn Linh hiểu là, đám cán bộ đảng ngoài kia, còn làm tới chuyện kinh thiên động địa nữa kìa, xá gì năm ba cây vàng, nhưng chị đàn thôi, chị lựa lời năn nỉ:

-Thời buổi này, có thể vợ chồng em sẽ cần tới nó trong một lúc nào đó, Linh không nhận, chị không biết về ăn nói làm sao với chú chị đây, tội nghiệp ổng bênh quá, nghe chị không làm được việc ổng nhờ, có lẽ, ổng bệnh nặng thêm.

Linh lặng thinh, trố mắt, chị Trâm dúi gói vàng vào tay cô ta:

-Linh cất đi, chỉ có hai người mình biết thôi, để phòng khi có việc cần mà xài Linh nghe.

Hà quay vào nhà, chị Trâm đứng bật nhanh dậy, sửa lại áo, nhìn Linh van lơn, Linh theo hai chị em, đẩy xe đạp ra cổng, đi một khoảng xa, chị Trâm quay nhìn lại, cánh cổng nhà Bon vẫn còn mở rộng.

Thuyên Huy

(Còn tiếp)

Vũ Nữ Cẫm Nhung - Nguyên Sa & 304Đen



Vũ Nữ Cẩm Nhung
 



    Trong niên khoá 1955-56 tôi dạy học môn triết ở Chu Văn An, với tư cách giáo sư dạy giờ, hiểu nôm na là tháng dạy bao nhiêu giờ được trả lương bấy nhiêu giờ, cũng có thể hiểu công việc làm này có tính cách bán thời gian. Tôi bắt đầu làm việc ở Chu Văn An vào đầu năm Dương Lịch, tức là giữa niên khoá. Niên khoá 1957-1958, tôi cũng vẫn phục vụ tại trường Trung Học này với tư cách giáo sư dạy giờ, trường học vẫn do cụ Vũ Ngô Xán làm Hiệu trưởng, tuy gọi là dạy triết, nhưng tôi chỉ dạy có hai môn luận lý học và đạo đờc học trong hai niên khoá đầu tiên đó. Tổng số giờ của tôi ở Chu Văn An, năm đầu chỉ có 6 giờ một tuần, năm sau số giờ được tăng lên 12 giờ. Tuy nhiên tôi phải làm việc, kể từ năm thứ hai này, mỗi lúc một nhiều giờ hơn vì dậy học thêm ở các tư thục và mở lớp riêng về triết, dạy ba môn luận lý học, đạo đức học và tâm lý học, luận lý và đạo đức chung cho hai ban A và B lớp Tú Tài 2, tức là ban Khoa học thực nghiệm và ban Toán, tâm lý cho riêng ban A, không có siêu hình học vì môn này chỉ có ban văn chương mới học và sĩ số của ban này thường thưa vắng, không đủ để mở lớp. Các trường Pasteur và Đông Tây học đường do cụ Cấn Văn Tố làm Hiệu trưởng, trường Văn Lang của cụ Ngô Duy Cầu, trường Nguyễn Bá Tòng do linh mục Nguyễn Quang Lãm làm Hiệu trưởng, mỗi nơi tôi dạy những môn khác biệt, khi thì Pháp văn, khi thì Việt văn, không có dạy triết vì tư thục thời điểm cuối thập niên năm mươi chưa có lớp 12, học sinh thi đậu tú tài 1, cả thi viết lẫn vấn đáp, đều đương nhiên được nhận vào trường công. Càng lúc công việc càng bận bịu hơn nhưng thời gian giờ dạy ít hay thời gian dạy nhiều hơn, ra khỏi lớp học là tôi chạy về gặp Mai Thảo. Những ngày có nửa buổi trống chúng tôi gặp nhau nửa buổi. Những ngày trống nguyên ngày, tôi đến đường Ký Con từ sáng sớm, đập rầm rầm vào cửa sắt đánh thức Mai Thảo dậy. Bạn tôi giọng ngái ngủ nói Nguyên Sa, biết rồi, biết rồi nói đây đây để ngăn chặn tôi tiếp tục thi triển khả năng làm thành những tiếng động trên khung cửa sắt kéo, đóng chặt và có khoá kỹ. Có buổi sáng tôi đập cửa, Mai Thảo giọng vẫn còn ngái ngủ nói tôi dậy rồi ông ơi, cửa mở ông vào đi, tôi vào Mai Thảo tìm kiếm lung lao, rồi cười khà khà nói xong rồi, thấy rồi, mất cái bài này thì hỏng hết. Chủ nhiệm Sáng Tạo giấy tờ bài bản không phải lúc nào cũng được xếp trật tự, tảng sáng tỉnh giấc nhớ đến truyện ngắn đầu tay của Thảo Trường gởi tới, mấy hôm trước đọc thấy hay quá, nhưng không biết để đâu. Chúng tôi ra La Pagode, Mai Thảo đưa cho tôi đọc truyện ngắn đầu tay của Thảo Trường, tôi vừa đọc vừa nghe Mai Thảo hỏi "được không, đưọc không?" Khám phá được ngòi bút mới là niềm vui lớn của chủ nhiệm Mai Thảo. Và anh có để nhiều công khó trong công việc làm quan trọng này, những công việc đã mang tới được cho độc giả những ngòi bút tài ba buổi đầu đời, những Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Ngụy Ngữ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng vv...

Buổi chiều, tan trường, không có lớp tối, tôi bay về Sáng Tạo ngay, là đương nhiên. Trên chiếc xe Austin, chúng tôi bay lượn vòng vèo. Ở Nguyễn Huệ. Ở Trần Hưng Đạo. Những đại lộ. Mai Thảo cũng không quên lượn vòng khi xe tới ngôi nhà gần bờ sông Sài gòn. Anh lái cho xe đi quá mục tiêu rồi mới vòng đầu xe dừng lại trước ngôi nhà. Chúng tôi ngồi trong gian phòng khách nhỏ, người thiếu nữ khuôn mặt đã trang điểm, đôi mắt rất đen và rất to, phấn nền và phấn hồng đều mỏng, nói với tôi chào anh, nói với Mai Thảo chờ em. Mai Thảo giới thiệu, người thiếu nữ và tôi có thêm cơ hội làm những cử chỉ lịch sự. Nàng mau chóng đi ra phía sau bức bình phong, không phải là bức tứ bình có những khoảng không gian ngăn cách mai lan trúc cúc, chỉ là bình phong hình chữ nhật chiều ngang lờn hơn chiều cao, phía ngang kín bưng, ngoại trừ hai phiá đầu và chân không được che kín. Người thiếu nữ đã đứng vào sau bình phong cười với chúng tôi. Thân mình nàng được che khuất, phiá trên ngang tầm vai, phía dưới tới đầu gối. Nàng cũng khởi đầu nói những câu chuyện thông thường với Mai Thảo, em tưởng anh quên, tay chơi cười nhếch mép nói quên thế nào được, thiếu nữ nói tiếp, Mai Thảo chỉ nhếch mép. Thiếu nữ nghiêng đầu nhìn xuống phía dưới. Tôi nhìn theo đường nhìn của nàng, tôi nhìn thấy hai ống chân của thiếu nữ, thấy nàng làm động tác chân đá đá đẩy ra chiếc quần đã rớt xuống. Nàng có di thuyển thế đứng một bước nhỏ, để cho chiếc quần đi ra khỏi vướng víu. Chiếc quần dài rớt xuống trước, trước quần ngắn hơn nhiều, màu sắc cũng nổi bật hơn nhiều rớt xuống sau. Thiếu nữ nhìn tôi cười có nét e thẹn, tôi cười đáp lại, có phần ngượng ngùng. Mai Thảo dường như không chú ý, anh tiếp tục hút thuốc nhìn khói bay lên chậm và tan loãng còn chậm hơn trong gian phòng nhỏ đóng kín. Khi bàn tay của người con gái để lên trên bình phong tôi ghi nhận ngay trên đó đã có để sẵn quần áo, có một chiếc quần dài, màu đen trông loang loáng, chắc sa tanh, càng lấp lánh khi phản chiếu ánh đèn, một chiếc quần ngắn hơn, màu sắc tươi mát hơn, và chiếc áo dài lụa màu nâu gụ có thêu bông. Người con gái lấy xuống chiếc quần ngắn trước, rồi quần dài, đoạn cởi ra chiếc áo cánh, lấy chiếc áo dài nâu thêu bông.

Chúng tôi đi, thiếu nữ ngồi kế bên Mai Thảo trên băng trên, lần đó, nhiều lần khác nàng ngồi băng sau, tôi ngồi kế bên Mai Thảo. Câu hỏi mình đi đâu của tôi khi được nêu lên mỗi lần có những câu trả lời khác nhau. Tôi không hỏi đi đâu từ trước, đi đâu thì đi, lên xe hỏi han thế thôi, không có định kiến. Câu trả lời thường đến từ phía người con gái.

-Cho em vào Arc en Ciel!

- Cho em đi đâu cũng được!

-Hỏi bác tài!

Vào Arc en Ciel những hôm nàng đi làm, em đi chơi với chúng mình là câu trả lời đến từ Mai Thảo những lần khởi hành khác. Mai Thảo lái xe chừng mực hơn mỗi khi có phụ nữ. Anh chỉ bay bưóm nhẹ nhàng khi xe đề pa và khi dừng lại.

Những lần chót tôi gập lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng két, táp xe vào lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích. Tôi không hỏi, xuống theo ngay, linh cảm có chuyện gì khác lạ. Chúng tôi băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút. Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm, tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất, dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, sự va chạm của bàn tay vào những tờ giấy bạc cho nàng biết ngay là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế, nàng ngẩng mặt lên gọi "anh", Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng có tiếng nói an ủi bằng xúc giác, không có âm thanh nào được phát lên.

Tôi muốn nói lên tên người đàn bà hành khất. Tôi chưa kịp nói Mai Thảo kéo tôi băng qua đường. Tôi ngồi vào trong xe, nói lên ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung. Tên người vũ nữ thay quần áo sau tấm bình phong mỗi lần Mai Thảo và tôi đến đón nàng đi làm hay đi ăn, đi ra Pointe des Blagueurs hóng mát. Cẩm Nhung bị tạt át xít trong một trận đòn ghen có sức mạnh của tiền hô hậu ủng, có sự tàn bạo mới của thế kỷ khoa học.

Tôi nhìn bạn tôi ngậm ngùi:

-Cẩm Nhung!

Mai Thảo nhìn về phía trước mặt, như nói một mình, rất khẽ:

-Nhung đấy!

Nguyên Sa

( Hồi Ký, Đời 1998, trang 194-199)

 

Vũ Nữ Cẩm Nhung đã qua đời

    Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ, mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng,và hoàn cảnh đưa đẩy , năm mới 19 tuổi , cô đã là một vũ nữ nổi tiếng của các Dancing Saigon như Arc-en-Ciel , Kim Sơn...

Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Trần Ngọc Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta Cô đâu biết rằng trong lúc cô và trung tá Thức đang vui vẻ ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn.

Khoảng 22h đêm ngày 17/7/1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23h, cho đến 3-4h sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10m, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn

Nếu như cú tạt axít làm Cẩm Nhung đau đớn thân xác, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, thì cú tạt axít này cũng làm người trong cuộc là “ Tr/ tá Thức công binh” đau đớn không kém. Không phải ông đau đớn vì cô vợ nhỏ bị nạn, mà là vì con đường công danh, sự nghiệp của ông ta bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng.

Chẳng những thế, ông còn bị miệng đời chê cười, mỉa mai

Còn Cẩm Nhung, đau khổ, buồn chán đến tuyệt vọng, vũ nữ Cẩm Nhung đã “trả thù đời” bằng cách đập phá, uống rượu, hút thuốc… thiêu đốt hết gia sản kếch sù bao nhiêu năm vắt kiệt mồ hôi trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng…

Cuối cùng, căn nhà trị giá gần 200 lượng vàng cũng bán luôn

Không nhà cửa, không tài sản, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn con đường đi ăn xin.

Lần đầu tiên, người dân Sài Gòn thấy vũ nữ Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào khoảng trước Tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường Lê lợi, khăn che kín mặt mày, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, trước mặt là vỏ lon hộp sữa Ghi-gô cô chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường.

Người Sài Gòn nghe tin đã kéo tới xem Cẩm Nhung đi ăn xin, đông đúc như đi xem cải lương. Ngoài tấm hình đeo trên ngực, người ta còn nhận ra Cẩm Nhung ở đôi bàn tay mịn màng, không chút tì vết và đôi bàn chân gót son thon thả. Ban đầu, người Sài Gòn cho tiền cô thật nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập.

Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ nên càng ít cho tiền. Người dân Sài Gòn khu vực quận 1 lúc đó đã không khỏi bùi ngùi khi thấy Cẩm Nhung mù lòa cầm gậy dò đường trên đại lộ Lê Lợi, con đường Tự Do, trên những lối đi một thời in dấu chân cô vũ nữ Cẩm Nhung từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực chợ Bến Thành, lần mò đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, và cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng (quận3), trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.

Sau 30 tháng 4 , 1975 , người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.

Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo.

Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa..

Bà lão vô gia cư đó chính là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.

* Sau 1975 Đại-Tá Trần-ngọc-Thức đi tù ở Trại Z30C Hàm-Tân -

Giờ này , nếu còn sống hẳn ông cũng đang có mặt trên xứ Mỹ .

Sau vụ Cẩm Nhung , hai ông bà đã ly dị .

304Đen - Llttm

 

Phố Vẫn Tuổi Xa Người - Thuyên Huy



Phố Vẫn Tuổi Xa Người

 


 
 
 
 
 
 
 Đường xưa hoa cỏ úa

Phố vẫn tuổi xa người

Chuông chùa thôi buồn đổ

Cuối chiều sương muộn rơi

 
Người đi từ dạo đó

Quên mang tình cố nhân

Tôi gói trời nhung nhớ

Chôn kín đáy mộ phần

 
Ngày tháng đời lăn lóc

Tình chết thiếu mộ bia

Thư xưa giờ biết khóc

Đò sang bỏ chuyến về

 
Dài tay năm ngón nhỏ

Cố níu chút muộn màng

Trễ cơn mưa đầu phố

Mù xa trắng màu tang

 
Trời sang mùa bất chợt

Người nuối tiếc gọi người

Hồn chập chùng bão rớt

Chờ nhau một lần thôi..

 













Thuyên Huy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cha Và Con - Ty Nguyễn


Cha và Con



 

Hắn ra tù. Tự biết không có ma nào đến đón, đành dứt khoát bước đi. Xe Honda ôm vào giờ này không thiếu, nhưng hắn thích đi bộ. Lững thững đi hoài như người rảnh rang lắm, trời tối mịt mới đến thị xã."Khách sạn công viên" trước Cung thiếu nhi, khi xưa là chỗ ngủ tốt nhất của dân bụi đời. Trong một năm hắn ở tù, khu vực này đã sửa sang, trồng trọt đủ thứ hoa kiểng. Lại thêm nhiều đèn chùm đầy màu sắc, đứng xếp hàng nối dài khoe đẹp khoe sáng.

 10 giờ đêm. Hắn lại quảy túi đi... Rồi cũng phát hiện ra chỗ ngủ lý tưởng. Cái thềm xi măng sát tường rào bệnh viện, có tàn cây phượng vĩ che khuất ánh đèn, giúp lại khoảng thềm tôi tối cỡ ánh sáng đèn ngủ. Hắn nghĩ: "Chỗ này chắc nhiều muỗi, nhưng ngủ rất êm không bị xe cộ ồn ào". Moi từ cái túi ra tấm vải xanh cũ bèo nhèo, có thể gọi tạm là mền, trải ra, kê túi gối đầu lên, hắn nhắm mắt. Đi bộ mệt mỏi cả ngày nên hắn ngủ rất ngon.

 Gần sáng, hắn giật mình tỉnh giấc, lạnh toát với cảm giác nghĩ có con gì đó quấn quanh cổ. Hắn nằm im định thần. Sát ngực hắn là một làn hơi thở nhẹ và một trái tim ai đó đập đều nhịp, cánh tay của người ấy vòng quanh cổ hắn. Hắn lẩm bẩm:

 Con mẹ nào đây?

 Hắn nhè nhẹ ngồi lên, nheo mắt nhìn. Hoá ra là một thằng nhỏ chừng hơn 10 tuổi. Mặc cái áo rách bươm bày ra bộ ngực lép kẹp, đã giành muốn hết cái mền của hắn. Nó cũng thuộc dạng không nhà như hắn, đang ngáy pho pho ngon lành, chẳng hay biết thằng cha nằm kế bên đã thức giấc, đang nhìn mình chăm chăm.

 Hắm dợm người đứng lên, định bỏ đi tìm chỗ khác ngủ. Nhưng nghĩ gì đó, hắn nằm trở xuống, xoay lưng về phía thằng nhỏ, đưa tay kéo lại cái mền. Hắn nhắm mắt cố dỗ giấc nhưng không tài nào ngủ lại được. Hắn ngồi dậy móc thuốc hút, chợt thấy cái mền bỏ không, trong khi thằng bé bị sương xuống lạnh, càng lúc càng co tôm lại. Hắn bất giác chửi thề, rồi kéo mền đắp lên người thằng nhỏ.

 Hút hết điếu thuốc, hắn nằm xuống thiếp được một lúc, tới khi thức dậy thằng nhỏ bỏ đi mất tiêu. Hắn hốt hoảng thọc tay vào túi quần kiểm tra, số tiền vẫn còn nguyên. Hắn thở phào, xếp mền bỏ vào túi, quàng lên vai bước đi.

 Cả ngày hắn đi tìm việc làm nhưng không ai mướn, đành xài thật dè xẻn từng đồng. Xong, trở lại nơi tối qua nằm ngủ.

 Hắn còn hút thuốc thì thằng nhỏ lại về. Nó thò lõ mắt nhìn, trách hắn:

- Sao ông giành chỗ ngủ của tui hoài vậy?

- Chỗ nào của mầy?

- Thì đây chứ đâu?

- Vậy hả? Thôi để tao ngồi chơi một chút rồi đi, trả chỗ cho.

 Thằng nhỏ thấy người đàn ông vạm vỡ nhưng có vẻ biết điều, liền tới ngồi cạnh hỏi chuyện. Bỗng nhiên hắn trút hết tâm sự với thằng nhỏ. Từ chuyện bỏ làng ra đi, đến chuyện ở tù hai lần, cả việc từng ăn ở với đàn bà lang thang và bây giờ là không tìm được việc làm.

 Nghe xong, thằng nhỏ phán một câu xanh rờn:

- Dám chừng tui là con ông lắm à?

- Nói bậy! - Hắn nạt thật sự - Mầy con của ai?

- Má tui làm gái, gặp ông nào đó ở với bả. Bả có bầu thì đẻ ra tui. Bả bệnh chết rồi. Mấy năm trời tui sống với một bà già mù, dắt đi ăn xin lay lất. Rồi bả cũng chết luôn. Còn mình tui.

- Vậy mà nói là con tao?

- Biết đâu được?

- Mầy làm nghề gì mà lúc nào cũng về muộn?

- Buổi sáng tui đi khiêng cá biển, tiếp bà chủ làm khô. Buổi chiều tui đi bán thêm vé số, tới khuya mới về đây ngủ.

- Sao mầy hổng ngủ ở chỗ làm khô luôn, từ bến cảng đi tới đây xa bộn?

- Ông khờ quá! - Thằng nhỏ đập muỗi cái bộp, rồi nói tỉnh queo - Muốn kiếm được việc làm bộ dễ lắm sao, mình cù bơ cù bất ai muốn? Phải nói dóc: Nhà ở xóm Bánh Tằm, có ba má đàng hoàng, tại nghèo mới đi kiếm việc làm tiếp gia đình, tối về nhà chớ bộ.

 - Mầy giỏi hơn tao - Hắn buột miệng khen, hỏi tiếp - Mầy làm đủ sống không?

- Dư! Cho ông biết tui lấy vé số bằng tiền mặt đàng hoàng. Còn tiền gởi cho ông chủ thầu cất giùm một số nữa.

- Quá xạo!

- Hổng tin thì thôi - Thằng nhỏ nằm xuống, ngáp vắn ngáp dài – Ông ngủ đây với tui cũng được, ngủ chung với ông ấm hơn.

 Tự dưng hắn cảm thấy mình bị xúc phạm khi phải ngủ nhờ thằng nhỏ, dù rằng thềm xi măng là của bệnh viện. Nhưng rõ ràng thằng nhỏ oai hơn hắn ở chỗ đầy vẻ tự tin và có việc làm đủ sống. Hắn ôm túi đứng lên bỏ đi. Thằng nhỏ vòng tay ra sau ót, nhóng cổ nói:

- Dân bụi đời mà còn bày đặt tự ái.

 Hắn đảo một vòng nhỏ, kết cuộc đành trở lại. Thằng nhỏ cười hi hi:

Tui nói rồi. Chỗ này là ngon lành nhất thị xã, ngủ lạng quạng tổ bảo vệ lôi về khu phố phạt tiền là chết – Nó lăn người xích qua, nhường phần cho người đàn ông nằm xuống bên cạnh, thì thào – Tôi chỉ cho ông chỗ ngủ ngon lắm.

- Ở đâu?

Trong bệnh viện. Vô ngủ ngoài hành lang người ta tưởng đâu mình đi nuôi bệnh, hổng ai thèm đuổi.

Hắn thở dài trong bóng tối:

- Sao mầy hổng vô đó ngủ, xúi tao?

- Tui ghét mùi thuốc sát trùng.

- Tao cũng vậy.

 Sáng ra, thằng nhỏ lại thức sớm đi trước, hắn tiếp tục quẩn quanh với một ngày không có việc làm. Hắn không dám ăn cơm chỉ ăn bánh mì, uống một bọc trà đá, dành tiền cho những ngày sau.

 Đêm nay, phố thị buồn mênh mang theo tâm trạng. Hắn bắt đầu chùn ý chí, nghĩ thầm: "Lúc mới ra tù còn ít tiền, giá cứ tìm nơi nào đó gần trại giam ở lại, lầm thuê làm mướn chắc dễ dàng hơn".

 Hắn nghe sống mũi cay cay, hình như một vài giọt nước đòi rơi ra từ mắt, hắn không kiềm giữ cứ để nó tuôn trào.

 Bàn tay thằng nhỏ sờ vào mắt hắn:

- Ngủ rồi hả? Ý trời, sao ông khóc, chưa kiếm được việc làm phải không?

Hắn gượng cười:

- Tao khóc hồi nào? Tại ngáp chảy nước mắt thôi.

Thằng nhỏ ra vẻ sành sỏi:

- Má tui nói bụi đời mà còn biết khóc là bụi đời lương thiện. Tui khoái ông rùi đó, ngồi dậy "hưởng xái" với tui cái bánh bao nè.

Hắn ngồi lên sượng sùng:

- Mầy sang quá.

- Ờ! Tui ăn sang lắm, hổng ăn sao đủ sức đi làm suốt ngày! – Nó ngừng lời ngoạm một miếng lớn bánh bao, rồi nói nhẹ xều – Ông chịu để tui giúp, chắc sẽ tìm được việc làm.

- Làm gì? - Hắn có vẻ không tin, thờ ơ hỏi.

- Trước tiên, ông chịu làm ba tui nghen?

Hắn lắc đầu nguầy nguậy:

- Thân tao lo chưa xong, làm sao nuôi mầy?

- Ai bắt ông nuôi tui, tui nuôi ông thì có. Tui giới thiệu với bà chủ ông là ba tui. Nếu được nhận vô làm khô cho bả, sức ông mạnh, kiếm tiền nhiều hơn tui là cái chắc.

- Làm gì?

- Khiêng cá, gỡ khô ngoài nắng, vác khô lên xe - Thằng nhỏ ngừng lời đưa tay nắm cổ tay hắn bóp bóp – Ông bụi đời mà sao hổng ốm, lại khoẻ mà còn hiền nữa chứ!

Một năm ở tù, tao lao động tốt mà - Hắn tự hào khoe, nói tiếp – Ai mới ở tù ra mà hổng hiền, có người sau khi được cải tạo thành tốt luôn, có người hiền được vài ba bữa.

- Nè! Ông nhớ việc cần thiết là: Nhà mình ở xóm Bánh Tằm, vợ ông bán bún cá, tui còn hai đứa em gái đang đi học. Mà ông có bộ đồ nào mới hơn bộ này không, ngày đầu đi xin việc phải đẹp trai, ít te tua một chút.

Hắn vỗ vỗ tay vào cái túi du lịch:

- Có, tao còn một bộ hơi mới. Mầy tên gì, sao má mầy ở xóm Bánh Tằm mà bán bún?

- Thì nói mẹ nó vậy. Tui tên Tèo nghe ba?

- Tao chịu cách xin việc của mầy, nhưng tao ghét có con lắm. Ở chỗ làm mầy kêu tao bằng ba, ngoài ra thì xưng hô như bây giờ.

- Ông cà chớn chết mẹ, người ta giúp cho mà còn làm phách - Thằng Tèo nhe răng cười hì hì – Ăn bánh bao vô khát nước quá ta.

- Tao mua cho - Hắn đứng lên đi lại quán mua hai bọc Pepsi.

Thằng Tèo nhăn mặt:

- Chưa có việc làm mà sài sang quá vậy ba?

Hắn nghiêm mặt:

- Mầy còn kêu như vậy, tao không nói chuyện đâu. Đây là tao đãi mầy, cảm ơn công giúp tao có việc làm.

- Biết đâu người ta hổng nhận thì sao?

- Thì kệ, coi như phá huề cái bánh bao với mầy.

Đêm đó hắn khó ngủ, lầm thầm nghiền ngẫm cái hoàn cảnh gia đình và địa chỉ do thằng Tèo đặt ra giúp hắn.

 Vóc dáng khoẻ mạnh của hắn làm vừa mắt bà chủ. Hắn có việc làm, lương tháng kha khá, bèn bàn với thằng Tèo hùn nhau kiếm một chỗ trọ, thằng Tèo đồng ý.

Cái chỗ ở nhỏ xíu như cái hộp, ban ngày nắng nóng một ngộp thở, nhưng cũng sướng hơn ngủ ở thềm rào bệnh viện. Hơn nữa, ban ngày "cha con" nó có ở nhà đâu mà sợ nóng. Hắn và thằng Tèo có vẻ thương nhau nhiều hơn, nhưng không ai chịu bày tỏ điều đó. Nếu không phải ở chỗ làm khô mà thằng Tèo lỡ miệng kêu ba, là hắn cau mày khó chịu. Thằng Tèo không ưa cái kiểu bực bội của hắn, nên nói chuyện với hắn trống không, hổng ông hổng ba gì hết.

Hắn những tưởng cuộc sống êm trôi với công việc tanh tưởi cá biển. Nhưng sự đời thật không đơn giản, tới tháng làm thứ năm thì có chuyện xảy ra.

Sáng nay mới vác cần xé cá từ tàu lên bờ, thấy xôn xao trên nhà chủ, hắn vội đi lên.

Thằng Tèo đang bị bà chủ nắm áo. Bà ngoác cái miệng tô môi son đỏ chót gào lên:

- Nó ăn cắp bóp tiền, tui mới để đây xoay lưng đi vô, quay ra đã mất. Có mình nó đứng đây, ai vào lấy chớ?

Thằng Tèo nước mắt ngắn nước mắt dài, mũi dãi lòng thòng quẹt lấy quẹt để:

- Tui không ăn cắp đâu. Tui tốt nào giờ bà chủ biết mà?

- Nghèo mà tốt gì mày? Ba mầy hổng biết dạy con, tao tốt với cha con mầy quá, sao trả ơn vậy hả?

Hắn đứng im không thanh minh, mặc cho bà chủ xỉa xói chửi không ra gì cái thằng cha là hắn. Hắn đi lại bên thằng Tèo hỏi ngọt ngào:

- Mầy có lấy tiền của bà chủ không?

- Tui thề có trời, tui không lấy.

 Một bên bà chủ sang trọng nói mất, một bên là thằng con hờ bảo không lấy. Hắn còn đang lúng túng thì hai anh công an phường tới. Mỗi lần gặp công an hắn lại nhớ tới trại giam. Hắn nghĩ thằng Tèo mới hơn mười tuổi mà phải chịu tiếng tù tội, sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của thằng nhỏ không ít và hằn sâu trong ký ức nó khó nguôi quên. Như bản thân hắn đây! Có thể nó lỡ dại một lần, nhưng làm sao nỡ để nó bị bắt, khi thực bụng hắn thương nó như con.

Hắn vẹt đám người hiếu kỳ bu xung quanh, đi tới trước mắt hai anh công an thú tội:

- Tui ăn cắp tiền của bà chủ, lỡ tay đánh rơi xuống nước, chắc là trôi ra biển mất rồi.

Hắn im lặng đi theo đà đẩy của người công an, không thèm nhìn thằng Tèo đang há hốc miệng trông theo hắn. Lòng hắn nặng trĩu nhớ tới tiền án có sẵn. Nhưng rồi hắn chuyển sang niềm hy vọng: "Chắc chắn các anh công an sẽ tìm ra thủ phạm và mình được trả về".

Thằng Tèo thấy niềm thương cảm dâng lên đầy ứ ngực, nó tốc chạy theo, hai tay đưa về phía trước chới với. Giọng nó khàn đục, gào tha thiết:

 - Ba ơi, ba bỏ con sao ba?

Bất giác hắn xúc động tột cùng, cảm giác thương yêu chạy dọc sống lưng làm ớn lạnh. Hắn giật phắt người, quay lại hỏi bằng giọng âu yếm:

- Con kêu ba hả Tèo?

Công an đưa hắn lên xe. Thằng Tèo chạy theo, luồn lách trong dòng xe cộ, hụp hử trong khói bụi sau xe. Nó chạy luôn tới trụ sở công an, lảng vảng đứng ngoài chờ mà không biết chờ cái gì. Không thể làm gì hơn, thằng Tèo chửi cha chửi mẹ kẻ nào ăn cắp bóp tiền của bà chủ và nó tin tưởng các chú công an sẽ bắt được thằng ăn cắp.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, thằng Tèo đang ngồi dựa lưng vào tường, nhắm mắt ngủ gà ngủ gật, thì một bàn tay ai đập mạnh vào vai. Nó giật mình dụi mắt. Bà chủ nách kẹp cái bóp, đứng ngó nó cười toe toét:

- Đi vô lãnh ba mầy ra. Cái bóp dì mang theo lúc đi tiểu, bỏ quên trong toa lét mà tưởng mất. Dì đãng trí quá.

Vậy là "ba" thằng Tèo được thả. Nó nhào tới thót lên cổ ba để ba cõng nó tưng tưng trên lưng miệng liến thoắng:

- Ba thấy chưa? Ở hiền gặp lành mà!

 Bà chủ đi sát bên, đưa tặng cha con nó chút tiền với thái độ của người có lỗi. Hắn lắc đầu không nhận vì đây chỉ là sự hiểu lầm. Thằng Tèo đột ngột dùng cả hai tay giật phắt nắm tiền, nói gọn hơ:

- Con cảm ơn bà chủ. Tiền này cha con mình xài cả tháng đó ba.

Trước hành động đường đột của thằng Tèo, hắn còn biết làm gì hơn là cảm ơn bà chủ. Rồi quay sang rầy "con""

- Con thiệt mất dạy quá, chắc phải cho đi học thôi.

- Ông nói cái gì? - Thằng Tèo khom người xuống nhìn hắn hỏi gằn.

Hắn lặp lại:

- Ba nói con phải đi học để cô giáo dạy những điều hay lẽ phải mới mong lên người.

Thằng Tèo đang ngồi trên lưng đột ngột tụt xuống. Nó lặng im đi miết lên phía trước. Hắn đuổi theo nó, hỏi:

- Sao vậy? Bộ con hổng muốn đi học hả?

Không quay người lại, thằng Tèo chúm chím cười, trả lời:

- Ba hổng biết gì hết trơn, tui đang khoái chớ bộ.

Gió từ biển thổi lộng vào mát rượi. Hắn mỉm cười nhủ thầm: "Gió nhiều thật dễ thở"


Nhân dịp

Father's Day 2015

Ty Nguyễn

304Đen - Llttm