Sunday, October 30, 2016

Nụ Hôn Đầu - Nguyễn Cang


 NỤ HÔN ĐẦU

 (Nhớ về T... mối tình đầu của tôi, NC)

 














Cơn mưa chiều nhớ hoài trong ký ức
Tan trường về hai đứa bước song đôi
Cùng che chung một chiếc dù hoa tím
Mong mưa hoài mưa mãi chẳng chịu thôi

 
Mưa ngoài trời theo từng cơn gió thổi
Em thẹn thùng khép nép đứng bên tôi
Rồi ngước mặt nhìn lên cười e lệ
Tôi bàng hoàng cúi hôn vội bờ môi

 
Em ngượng ngùng mắt chớp nhanh không nói
Nét u buồn như hờn dỗi điều chi
Lòng bâng khuâng không biết nói năng gì
Tình vụng dại giờ vẫn còn đeo mãi!

 
Ôi, nụ hôn sao còn nghe nồng cháy
Nay dỡ dang ôm nỗi nhớ trong đời
Tình nghiệt ngã khiến chúng mình xa cách
Chốn cũ giờ em có thấy chơi vơi?

 
Ở nơi đây mỗi lần nhìn mưa đổ
Nghe nhớ thương cay đắng mối tình đầu
Hai hướng đời nay đã rẽ chia phôi
Vẫn nhớ mãi nụ hôn đầu, nuối tiếc!!!

 
Nguyễn Cang (26/10/2016)

 

 

Hương Trà Blao - Dư Thị Diễm Buồn


HƯƠNG TRÀ BLAO

 
  
        

 

 

 
 
 
 
 
 
Từ Blao mẹ gởi cho trà
Tâm tình gói gém chút quà quê hương
Nhớ hoa mắc cỡ bên đường
Hoa cau, hoa bưởi... tỏa hương ngọt ngào
Nhớ hồi đóng ở Vườn Đào
Chiến trường sanh tử, có tao có mầy...
Khi ra Hỏa Xá, Phú Bài
Lúc về An Lộc, Đồng Xoài, Ba Xuyên
Cá nhiều mùa nước Tịnh Biên
Vàng đồng lúa mới tháng giêng Tháp Mười
Trung Nguyên nhìn hỏa châu rơi
Những chiều mưa đổ sụt sùi ven đô
Hành trang nặng chiếc ba-lô
Núi rừng sương gió pông-sô dựng lều
Nấu trà nón sắt làm niêu
Kẹo gừng, đường tán đậm nhiều tình thân
Ba mươi vắng bóng chị hằng
Giữa đêm trừ tịch xuân sang, giặc vào
Mầy nằm chết cạnh chiến hào!
Bạn bè thương khóc! Lòng tao rối bời!
Hận thù chất ngất Ý ơi!
Đưa mầy, tiễn chặn đường đời đã qua
Cao Nguyên đất mẹ, vườn trà
Tao trồng quanh mộ màu hoa tím buồn
Màu nầy mầy thích, mầy thương
Đêm về còn có cả vườn trăng sao
Mỗi lần hương thoảng trà Blao
Nhớ thương se thắt dạt dào tâm tư

 
DƯ THỊ DIỄM BUỒN

ĐT: (530)822 5622
Email: dtdbuon@hotmail.com


Lời Biện Bạch Của "Vợ Hai" Bí Thư Thành Ủy... - Góc Khuất


Lời biện bạch của “vợ hai” Bí thư Thành ủy khiến quan tòa ‘nhục’ không nói nên lời

 Trang applecool.com mới đây đăng tải bài viết, “vợ hai” của ông Vĩ Quân Tử – nguyên Bí thư thành ủy tỉnh Cát Lâm, bị tố cáo phạm tội lừa đảo. Ở trên tòa, cô đã có một lời biện bạch vô cùng đặc sắc, có hai câu nói đã khiến cho “quan tòa” nhục nhã không nói nên lời…
 
 

“Tham quan ‘mua dâm’ còn đáng sợ, vô sỉ hơn cả kỹ nữ ‘bán dâm’! Những ‘người khách’ ngày trước của tôi, hôm nay lại trở thành ‘quan tòa’ để phán xét tôi”…

Dưới đây là lời biện bạch sâu sắc của cô “nhân tình” này:

*****

Kính thưa ông chánh án!

Cảm ơn quan tòa đã cho tôi cơ hội phát biểu sau cùng. Làm một người phụ nữ bán thân, đứng ở trước tòa án trang nghiêm này tôi cảm thấy thật sự rất nhục nhã. Tôi đã theo nghề bán tiếng cười mưu sinh này đã được 5 năm, lại từng làm “vợ hai”, cũng có thể là vợ ba, vợ tư của nguyên Bí thư thành ủy Vĩ Quân Tử.

Nhưng mà, làm “vợ chung” của người ta quyết không phải là tâm nguyện của tôi, sỡ dĩ tôi phải đi theo con đường mang đến nỗi nhục lớn cho gia đình và bản thân này, quả thật là vì cuộc sống bức bách.

Nhà tôi trên thì có bà nội tuổi đã ngoài tám mươi, dưới thì có em trai trẻ người non dạ. Bà nội cần người chăm lo, em trai thì cần phải đi học, tuy nhiên, bố mẹ tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm việc vất vả khó nhọc ngoài đồng quanh năm suốt tháng, thế mà thu nhập cả năm trời lại không đủ để đóng các khoản tiền thuế trong làng. Mỗi lần nếu như không giao nộp đúng thời hạn, cán bộ làng liền đến nhà bắt gà bắt dê, tịch thu lương thực.

Tôi vào thành phố làm người giúp việc, nhưng lại bị ông chủ làm nhục mà không biết khởi tố ở đâu, vò đã mẻ lại sứt, vậy nên từ đó về sau, mới nhắm mắt đi theo con đường này. Thử hỏi, là một cô gái nhà quê yếu đuối, ngoài việc phải bán tuổi thanh xuân của mình ra, tôi còn có thể bán gì nữa đây?

Tham quan Vĩ Quân Tử bị cảm 3 ngày, liền nhận được 50 vạn tệ “tiền hỏi thăm”, điều chỉnh một lần ban lãnh đạo ở huyện, ông ta lại thông qua việc bán quan, kiếm được khoản thu nhập kếch sù 5 triệu Nhân dân tệ.

Nếu như tôi có cơ hội kiếm được một phần mười số tiền như ông ta, bản thân tôi cũng tuyệt đối sẽ không đi theo cái nghề bán nụ cười này!

Có quần chúng trách mắng chúng tôi làm gái bán thân quá đáng sợ! Lý do là làm hư hỏng cán bộ, lây truyền bệnh tật, bại hoại lối sống xã hội. Tôi thừa nhận đây là sự thật. Tuy nhiên, ở trên thế giới này, nếu không có kẻ mua thì hỏi làm sao có người bán? Nếu không có những tham quan, quyền quý mua dâm, thì thử hỏi làm sao có kỹ nữ bán dâm đây? Nếu như nói đáng sợ, thì mua dâm còn đáng sợ hơn cả bán dâm!

Thị trường bán dâm sinh sôi ồ ạt, cũng không phải là chúng tôi phát động, mà là những người quyền quý có quyền trong tay, có tiền trong túi làm nên. Nếu như nói đến nguy hại xã hội, “mua dâm” đối với xã hội thì nguy hại càng nghiêm trọng hơn.

Chúng tôi bán dâm, là bán thân xác thịt của chính mình, nguồn vốn này tuy đáng quý, nhưng lại thuộc về chính bản thân chúng tôi. Còn những người làm quan chức đến mua dâm, “tiền” mua dâm của họ là đến từ đâu đây?

Nhân viên công tố chỉ tố cáo tôi tội lừa đảo, tôi thừa nhận, tôi xác thực là tên lừa đảo. Bản thân tôi ngay cả tiểu học còn chưa tốt nghiệp, vậy mà bây giờ lại có được văn bằng tốt nghiệp đại học chính quy. Nhưng mà, trong xã hội này những người có văn bằng giả đâu phải chỉ hàng nghìn hàng vạn thôi đâu, tham quan Vĩ Quân Tử ngay cả trung học cơ sở còn chưa học xong, không phải cũng đã trở thành “nghiên cứu sinh tại chức” đó sao?

Tôi trước nay chưa từng viết đơn xin gia nhập đảng, vậy mà giờ đây tôi lại trở thành đảng viên có năm năm tuổi đảng. Thân phận đảng viên của tôi là lừa gạt, điều này không sai. Nhưng mà, những quan chức ban ngày đứng trên bục giảng lớn tiếng nói làm trong sạch hóa bộ máy chính trị, tối đến thì “ăn chơi dâm loạn”, thân phận đảng viên của họ lẽ nào cũng là “hàng thật giá thật” hay sao?

Tôi chẳng qua chỉ là gái bán thân bị người đời phỉ nhổ, một năm trước lại ngồi trên ghế cục trưởng. Chức vụ cục trưởng của tôi xác thực là Vĩ Quân Tử ban cho. Nhưng những người được Vĩ Quân Tử ban cho chức vụ cục trưởng có đến hàng mấy chục người, những người này có ai chưa từng tiến cống, dâng đại lễ cho ông ta đây?

Tiền mà họ dùng để dâng đại lễ toàn bộ đều là tiền của công, còn tiền mà tôi tiêu xài chỉ là tiền mà tôi bán thân thể của mình kiếm được. Tuy nhiên, ở trước pháp luật, thử hỏi liệu tôi và họ có thể xếp ngang hàng hay không?

Các người mắng tôi vô sỉ, tôi cũng thừa nhận bản thân tôi vô sỉ! Nhưng tôi cho rằng, những tên tham quan lớn nhỏ giống như Vĩ Quân Tử kia, những người đó còn vô liêm sỉ hơn cả tôi nữa! Những người này ngoài miệng thì nói là vì nhân dân phục vụ, còn những chuyện lén lút sau lưng thì lại là những mánh khóe tội ác, đầu trộm đuôi cướp.

Vĩ Quân Tử ban ngày khi báo cáo với người khác thì dõng dạc hùng hồn, còn buổi tối khi đến chỗ tôi thì lại không bằng cầm thú. Ông ta uống một viên thuốc, thì lập tức thay hình đổi dạng, vắt óc tìm kế để giày vò hành hạ tôi. Những tên ngụy quân tử ra vẻ đạo mạo giống như ông ta, tôi đã gặp nhiều rồi.

Hôm nay trong số những người ngồi ở nơi này, có đến mấy người đã từng là “khách” của tôi trước đây, bây giờ lại lấy thân phận quan tòa để xét xử tôi! Các người giỡn cợt tôi đủ rồi, đùa cợt thỏa thích rồi! Vì để lấy lòng Bí thư thành ủy Vĩ Quân Tử, liền dâng tôi cho ông ta, tôi chỉ trong một đêm đã trở thành khách quý ngồi trên của Vĩ Quân Tử. Các người đều biết nội tình của tôi, khi Vĩ Quân tử mua nhà, mua xe, lại đưa tôi ngồi lên chức vị cục trưởng, các người không phải còn ăn mừng vì điều này sao? Những lúc đó có ai đứng ra nói một lời công đạo cho nhân dân hay không? Bây giờ Vĩ Quân Tử ngã ngựa rồi, các người lại nói năng hùng hồn, viện đến đủ mọi lý do để xét xử tôi!

Kính thưa quý quan tòa, các vị bồi thẩm đoàn, các vị thính giả, bản thân tôi phạm pháp, hôm nay chịu sự trừng phạt quả thật là đúng với tội. Còn những kẻ quyền quý đường hoàng kia, lấy mồ hồ xương máu của đất nước và nhân dân để bao nuôi chúng tôi, “bồi dưỡng” chúng tôi, chà đạp chúng tôi, lẽ nào họ không có tội hay sao? Họ chính là có thể tiêu diêu ngoài vòng pháp luật hay sao? Bây giờ lại còn phán xét tôi….

Chánh án nghe đến đây, liền quát lớn một tiếng: “Lôi bị cáo xuống dưới!”

Theo Secretchina

Góc Khuất
304Đen - Llttm

 

Bác Sĩ Việt Cộng - Hoàng Long Hải


Bác sĩ việt cộng
 
 

Sáng thứ hai, thiếu úy Sơn, Trưởng Cuộc Cảnh Sát xã An Hòa kế núi Trầu, về họp Phụng Hoàng ở Văn Phòng Thường Trực Quận. Họp xong, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát rủ tất cả các Trưởng Cuộc xuống chợ uống càphê.

Sơn cùng với 8 anh em khác, chen nhau lên hai chiếc xe Jeep chật cứng. Tình hình lúc này tương đối êm nên vài ba tuần mới họp Phụng Hoàng một lần, và mỗi lần đi họp anh em lại gặp nhau, rủ nhau đi uống cà phê cho vui, trước khi về lại xã.

Xã của Sơn buồn hiu, trái trục lộ nên chẳng bao giờ có xe hơi chạy qua. Ghe tàu, hai ba ngày mới có một chiếc qua lại, máy nổ xình xịch, chẳng bao giờ ngừng để khách lên xuống. Chỉ phút chốc là chiếc tàu khuất sau rặng dừa nước, trả lại cho trụ sở xã cái vẻ hiu quạnh, lạnh lẽo của những buổi chiều mênh mông, nhất là những buổi chiều mưa mùa đông, có chút hơi lạnh từ trong rừng tràm Trà Tiên thoảng tới.

            Trên đường đi, đại úy Chỉ Huy Trưởng, vừa lái xe vừa nói lớn với Sơn, nhưng Sơn hiểu là muốn nói cho mọi người cùng nghe:

            – “Ê! Sơn. Sáng nay bên Biệt Khu họ hành quân ở mục tiêu cậu mày cho đấy. Nếu có đụng thì hay lắm. Như thế là tin của mình cho chính xác. Bữa trước bên Quân Đội cũng đã khen mình một lần về việc mình cho tin, họ hành quân bắn được thằng Tư Ngọc.”

Ngưng một chút, Chỉ Huy Trưởng nói tiếp: “Đ.M. Bắn được cán bộ kinh tài mà họ nói không có tiền. Mình có đòi chia đâu, cho mấy thằng đi kích nó hưởng. Tụi nó có công.”

            Thiếu úy Ra, Trưởng Cuộc ở xã Tư Ngọc hoạt động, nói:

            – “Em nghi nhiều khi mấy thằng lính nó dấu, chia nhau. Ngay Bộ Chỉ Huy cũng không biết. Nhiều khi họ cũng nghĩ như đại úy, chẳng lưu ý tới, cho mấy thằng có công nó chia nhau. Bây giờ đang mùa cày, kinh tài thâu thuế máy cày nhiều tiền lắm. Có khi bạc triệu như không. Con vợ thằng Tư Ngọc đeo vàng đầy mình.”

            Sơn cảm thấy buồn cười bởi những chuyện mà Sơn, vì sinh ra và lớn lên ở Saigon, không bao giờ Sơn có thể nghĩ ra được.

            Chồng hoạt động kinh tài Việt Cọng trong mật khu. Vợ sống ngoài bờ kinh, dọc lộ, vùng Quốc Gia. Tuần vài lần vợ giả đi đốn tràm để tiếp tế cho chồng. Chồng thâu thuế cho “Cách mạng” lấy bớt đưa cho vợ. Vợ có tiền mua vàng đeo đầy mình. Chừng đó không, cũng đủ vô tình tố cáo chồng với Quốc Gia. Nhìn con vợ, tin tình báo nhân dân cũng biết là thằng chồng có tiền vì đang vụ mùa. Phục kích bắn thằng chồng là vừa có tiền, vừa có công.

            Mười tám tuổi, đậu tú tài xong, Sơn đang ngập ngừng trước nhiều ngã đường: Tiếp tục học nữa? Đi lính: Võ Bị, Không Quân, Hải Quân… thì bỗng người dượng, chồng của cô, đang giữ chức lớn trong ngành Cảnh Sát, khuyến khích Sơn nên đi Cảnh Sát, vừa đỡ vất vã vừa đỡ “lạnh giò”. Cả nhà khuyên Sơn, và Sơn đi. Ra trường, 19 tuổi, về ở cái xã hiu quạnh này, ngày chỉ thấy rừng tràm mênh mông, đêm chỉ thấy đèn dầu và trăng rất sang. Ở Saigon, Sơn ít khi thấy được trăng. Những đêm trăng, Sơn ít lo, dễ bị phát hiện nên ít khi Việt Cọng tấn công.

            Có lần, Chỉ Huy Trưởng nói: “Cụ Ngô nói Việt Cọng là Cọng Phỉ là đúng quá. Cách mạng gì bọn này. Làm Cách Mạng là hy sinh còn tụi Việt Cọng chỉ lo quyền lợi của chúng. Đốn tràm, tát đìa, thu thuế nông nghiệp chỉ nhắm vào lợi riêng. Không là thổ phỉ thì là gì?” Lại có lần, ăn hủ tiếu xong, đang uống càphê, ông ta nói: “Mấy ông biết không, mình đi đánh giặc ở đây là “giặc mùa”. Không phải là giặc mùa như hồi Tây Sơn, Nguyễn Ánh mà là mùa lúa, mùa cày. Mùa lúa Việt Cọng thâu thuế nông nghiệp, mùa cày tụi nó thâu thuế máy cày. Cứ đến mùa là nó ra. Mình cứ thế mà đánh. Chắc ăn trăm phần trăm.”

            Mấy hôm trước, Sơn ghi nhận được tin đồng bào đi đốn tràm cho biết có mấy tên Việt Cộng xuất hiện ở khu rừng tràm cuối kinh Ô Môi, chưa rõ ý đồ. Có thể là chúng đang chuẩn bị tấn công đồn bót hay một xã nào đó. Sơn lật bản đồ, chấm tọa độ rồi làm công điện báo về cho Bộ Chỉ Huy. Bộ Chỉ Huy thông báo là bên phía Biệt Khu đang thi hành “Chiến Thuật Diều Hâu” của Tướng Trưởng, cần có tin họat động của Việt Cọng để chấm mục tiêu hành quân. Nếu họ hành quân, Sơn và lính tráng của Sơn khỏi đi, đỡ vất vả và nguy hiểm. Từ hôm Sơn phối hợp với nghĩa quân giải tỏa một đồn ở cuối xã, bị pháo kích, trung sĩ Lê Bình Thạnh, phó cuộc của Sơn tử trận, Sơn đã buồn, hối hận vì tính hăng của mình, lại còn bị chỉ huy trưởng rầy nên nên ít ham đi hành quân như trước.

            Vừa ăn xong, bỗng Thiếu tá Thanh, Trưởng Phòng 3 Biệt Khu lái xe tới. Ông ta vẫn ngồi trên xe, nói với vào:

            – “Chỉ Huy Trưởng, vừa bắt được Bác sĩ Việt Cọng đấy. Tôi sắp bay vào trong. Đi không? Nhanh lên.”

            Chỉ Huy Trưởng hỏi lại:

            – “Chỗ nào?”

            – “Tọa độ ông cho chớ chỗ nào! Thằng John, cố vấn, được tin nó mừng lắm. Nó cũng đi.”

            Chỉ Huy Trưởng nói gấp, như sợ trễ:

            – “Vâng, vâng, tôi đi. Tôi cũng đi. Tôi ra ngay bãi đáp, phải không?”

            Thiếu tá Thanh nói “OK, OK” rồi đi ngay.

            Chỉ Huy Trưởng quay qua nói với Sơn:

            – “Công của ông đấy. Đi không? Đi cho biết đất đai của mình.”

            Thấy Sơn gật đầu đồng ý, Chỉ Huy Trưởng nói đùa:

            – “Đi là đi. Rủi máy bay trực thăng có sút cánh quạt đừng đổ thừa tui đấy nhé.”

&

            Từ xa, Sơn đã thấy khói vàng bốc lên phía ngoài khu rừng tràm, chỗ đánh dấu bãi đáp trực thăng, trong khi ấy Thiếu tá Thanh đang điện đàm với Đại Đội Trưởng, chỉ huy đơn vị hành quân. Tiếng nói trong loa PRC phát ra rè rè, nhưng nghe cũng khá rõ:

            – “Không có đường vô rừng tràm, nước ngang tới bụng. “Đại Bàng” cứ ở ngoài bãi đáp. Em cho dẫn tù binh ra.”

            Máy bay vừa đáp thì Đại Đội Trưởng đã ra tới nơi, theo sau anh ta là một bà già – nói cho đúng chữ như người ta thường nói là “Bà già trầu” – Quả thật là bà ta đang ăn trầu, nhai trật trệu vì sún răng, miệng đỏ nước vôi. Thiếu tá Thanh nhìn quanh rồi hỏi Đại Đội Trưởng:

            – “Bác sĩ Việt Cọng đâu mày?”

            Đại Đội Trưởng chỉ bà già, cố làm vẻ nghiêm trang, nói:

            – “Dạ! Bà này. Bà già này là bác sĩ Việt Cọng.”

Mọi người đều chưng hững. Cố vấn Mỹ thấy mọi người nhìn nhau, mặt đổi khác, nét vui vẻ vì nghe tin bắt được bác sĩ Việt Cọng đều biến mất, thay vào đó là sững sờ. Anh ta linh cảm một cái gì đó không ổn, bèn hỏi lại Thông Dịch Viên. Trung sĩ Thông Dịch Viên chưa kịp nói thì Thiếu tá Thanh nói luôn bằng tiếng Anh, vẻ bực dọc:

– “Bà già này là Bác Sĩ Việt Cọng. Mày có tin như thế không?”

            Cố vấn Mỹ cười thành thật, trả lời:

            – “Tao tin bà ấy là bác sĩ.”

            Câu trả lời của cố vấn Mỹ làm mọi người cùng cười. Riêng Thiếu tá Thanh thì cười gượng, nói, vẫn không hết bực dọc:

            – “Tin! Tin! Đ.M. Cái gì cũng “tao tin”. Ngu bỏ mẹ. Bà ta đi học hồi nào mà ra bác sĩ được!”

Rồi ông ta quay qua Đại Đội trưởng, cằn nhằn: “Bộ hết chuyện giỡn rồi sao mậy? Mày đem bà già này ra mày nói là bác sĩ?”

            Đại Đội Trưởng trả lời, giọng vui, vẫn không hết nụ cười:

            – “Bà ấy khai bà là bác sĩ thì em báo cáo như vậy. Đâu dám báo cáo láo. Thiếu tá hỏi lại bà ấy coi.”

            Thiếu tá Thanh quay qua bà già, nảy giờ vẫn đứng im, nhìn mọi người với vẻ sợ hãi. Thanh nói:

            – “Này, bà kia. Bà có phải là bác sĩ không?”

            Bà già nghe hỏi tới mình, bỗng thấy sợ thêm. Bà ta khom người xuống, hai tay chắp lại trước bụng, nói, giọng run run:

            – “Dạ thưa . . .quan. Tui là bác sĩ.”

            Thiếu tá Thanh nói như nạt:

            – “Không có quan quyền nào ở đây cả. Tôi là thiếu tá, mấy ông này đều là… sĩ quan. Bà cứ gọi bằng ông hay bằng anh cũng được.” Rồi ông ta hỏi một lần nữa, gay gắt:

            – “Có phải bà là bác sĩ không?” Không đợi trả lời, ông ta nói thêm:

            – “Bác sĩ gì mà kỳ cục dzậy?”

            Sơn cũng cảm thấy kỳ cục thật, và buồn cười nữa. Nghe tin bắt được Bác Sĩ Việt Cọng, Sơn mường tượng hình ảnh một người đàn ông đạo mạo, chững chạc, đeo kính trắng gọng vàng như các bác sĩ mà Sơn đã có dịp gặp ở Saigon, hoặc ít ra thì cũng là một người đàn ông trẻ, mặc quần áo bộ đội, nhưng mặt mày sáng sủa, thông minh. Có dè đâu là một “bà già trầu” như thế này.

            Một lúc sau, sau khi đã hết bực dọc, thiếu tá Thanh mới ôn tồn hỏi:

– “Bà bình tĩnh mà trả lời cho tôi. Trả lời thành thật thì tôi tha còn nếu bà khai gian, khai tầm bậy thì bà đừng trách tôi. Thứ nhất, tôi hỏi, bà có phải là bác sĩ Việt Cộng không?”

            Nghe thiếu tá Thanh nói năng dịu dàng, ôn tồn, bà già bây giờ cũng bớt sợ, bình tĩnh trả lời:

            – “Dạ thưa… ông. Tui là Bác Sĩ… Việt Cọng mà tui không phải là Việt Cọng.”

            Thanh cười:

            – “Bà nói kỳ! Tại sao bà là Bác Sĩ Việt Cọng mà không phải Việt Cọng. Bà học bác sĩ lúc nào, bà theo Việt Cọng lúc nào?”

            – “Dạ thưa! Tui không phải là Việt Cọng mà chính họ bắt tui đi. Họ bắt tui làm theo họ.” Bà già nói.

            Thanh hơi bực mình vì cách nói dông dài, luộm thuộm của bà già, nói:

            – “Bà cứ nói rõ đi. Bà học Bác Sĩ lúc nào?”

            – “Dạ thưa! Tui học hành chưa tới đâu hết. Trào Ngô Đình Diệm, ở trên Quận gọi Xã đưa người đi học “Cô mụ hương thôn”. Cả xã, chẳng bà nào có chữ nghĩa để đi. Cuối cùng, ông Xã trưởng gọi tui, biểu tui đi học. Tui có học “Bình Dân Học Vụ” hồi “chín năm” (1), cũng lõm bõm đọc được chữ Quốc Ngữ. Học xong ba tháng tui về đỡ đẻ cho mấy bà trong xã, chờ Xã xây nhà hộ sinh xong thì giao cho tui. Bất đồ ông xã bị Việt Cọng ám sát chết. Chương trình xây nhà hộ sinh không hiểu sao cũng dẹp luôn. Tui cũng không còn được ăn lương chánh phủ nữa, đỡ cho ai thì người đó trả tiền. Tui không có chồng con gì, sống cũng tạm đủ.”

            Thanh nói gần như gắt:

            – “Sống tạm đủ, vậy bà còn theo Việt Cộng làm gì?”

            Bà già năn nỉ:

            – “Dạ không! Mấy năm sau này đánh nhau dữ lắm. Xã di tản, rồi về, rồi lại đi, có khi sáng về, chiều đi, có khi ở ngoài quận luôn, Xã gần như bỏ không. Nhiều trận “cách mạng” Việt Cọng đánh nhau ở đâu, đem thương binh về để đầy trong hang núi Mo-So, thiếu người chăm sóc. Họ không có bác sĩ. Chỉ có một y tá mà tới mấy chục người bị thương. Họ cần người giúp đỡ băng bó vết thương, chích thuốc cho thương binh. Biết tui có học ở bịnh viện, cũng biết băng bó, chích thuốc, nên họ yêu cầu tui ra “phục vụ cách mạng”. Thấy thương binh đau đớn rên la tội nghiệp nên tui ra. Với lại không ra cũng không được. Không ra họ qui là phản động, bắt đi cải tạo ngay.”

            Thanh hỏi, nôn nóng:

            – “Vậy rồi bà đi lần lên bác sĩ?”

            Bà già bây giờ đã hết sợ hẳn, binh tĩnh trả lời:

            – “Dạ không. Được mấy năm, họ kêu tui đi học y sĩ. Họ biểu đi thì tui đi!”

            – “Học ở đâu?” Thanh hỏi, “Đại Học Hà Nội hay Saigon?”

            Bà già cười, mắc cở:

            – “Có “đại học, học đại” gì đâu! Học trong Cục Rờ (R). Ba tháng là xong khóa. Ban đầu, họ gọi là y sĩ. Sau đó gọi bác sĩ. Họ gọi sao, tui hay vậy”.

            Chỉ Huy Trưởng nói, kinh ngạc:

            – “Ba tháng ra bác sĩ. Học cái gì mà kinh khủng vậy? Y tá còn học cả năm. Học xong bác sĩ, bà biết thêm cái gì? (2) Học như bà thì chỉ làm việc cho hãng Tobia.” (3)

            Mọi người cười vì câu nói đùa đó. Bà già không biết gì, cũng cười theo:

            – “Trước khi đi học thì băng bó, chích thuốc. Học xong về cùng băng bó, chích thuốc. Họ nói sau này ra Hà Nội học bổ túc. Bác sĩ từ y tá lên mới giỏi. Ngoài Bắc, bác sĩ loại giỏi này nhiều lắm!”

            Thanh cười:

            – “Vậy bây giờ tôi đưa bà ra Bắc cho bà học lại nhé?”

            Bà già chắp tay trước ngực, nói, miệng hơi mỉm cười:

            – “Lạy Phật. Đừng đưa tui ra Bắc tội nghiệp tui. Tui không quen ở xứ người ta.”

            Tới bây giờ Đại Đội Trưởng mới nói:

            – “Bà là Việt Cọng mà lạy Phật gì! Bà xạo không?”

            Bà ta nhìn qua phía Đại Đội Trưởng, trần tình:

            – “Dạ tui theo đạo Phật thiệt. Lâu lâu có đi chùa. Hồi đánh nhau một trận, chùa sập. Ông thầy chùa lấy tiền “bồi thường chiến tranh” trên tỉnh về cấp phát rồi bỏ đi mất tiêu. Thành ra xã không còn chùa.”

            Đại Đội Trưởng vẫn chưa hết tức giận:

            – “Vậy Việt Cọng nó cho bà theo Phật sao?” Rồi anh ta lại đùa. “Phật là của tui. Bà là Việt Cọng không có Phật Thánh gì đâu!”

            Bà già nhanh nhẫu:

            – “Dạ không, dạ không! Có lạy Phật tui nói thầm trong miệng thôi. Nếu họ nghe, họ nói mê tín dị đoan. Họ phê bình dữ lắm, thành ra không dám nói “Mô Phật”.

            Thanh cắt ngang:

            – “Thôi việc đó biết rồi. Bây giờ bà phải nói rõ bà ở đơn vị nào?”

            Bà già trả lời:

            – “Sau này núi Mo-So trở thành trạm xá, họ giao cho tui cai quản. Trạm xá này nhận chỉ thị, thuốc men từ tỉnh ủy Long-Châu-Hà”. (4)

            Thanh hỏi:

            – “Tại sao bà không ở trong trạm xá, về đây làm chi để bị bắt. Bà về công tác gì?”

            – “Dạ thưa” – bà già nói – “Tui không có công tác chi hết. Từ hồi ký Hiệp Định tới giờ, ít đánh nhau, thường có tới thương binh nào thì họ đưa về cục Rờ (R) hết, thành ra tui rỗi rãi. Hôm qua có mấy cán bộ từ Huyện xuống, họ đóng nơi rừng tràm chờ thâu thuế. Tui theo họ, tính về Xã thăm bà con. Ra tới nơi thì lính nhảy từ trên trực thăng xuống. Mấy ông kia chống cự bị bắn chết hết. Còn tui hàng đầu.”

            Chỉ Huy Trưởng hỏi:

            – “Bây giờ bà muốn ở tù không? – Tù mấy năm? Già cả như bà chắc chưa hết hạn tù đã “ngủm củ tỏi” rồi. Chính phủ tốn cái hòm.”

            Bà già nói gần như khóc:

– “Xin mấy… quan thương tui già cả tội nghiệp. – Tù chắc  chết. Xin tha cho tui kẻo tội trời!”

            Thanh quay qua hỏi Chỉ Huy Trưởng:

            – “Bây giờ tính sao, Chỉ Huy trưởng? Bắt nhằm bà già này, kẹt ghê! “Cải danh hồi chánh” được không?”

            Chỉ Huy Trưởng nói “Được”, rồi quay sang nói với bà già:

            – “Bây giờ tôi làm giùm cho bà cái đơn xin hồi chánh. Bà đi học ba tháng ở “Trung Tâm Chiêu Hồi” rồi về thôi, khỏi ở tù. Bà có thể xin cấp nhà trong “làng Chiêu Hồi” để ở.”

            Bà già “dạ” mấy tiếng, rồi hỏi tiếp:

            – “Sao hồi chánh rồi lại chiêu hồi? Tui ưng chiêu hồi thôi. Nghe nói chiêu hồi sướng lắm! Chỉ buồn là già rồi, không có con cháu, biết ở với ai!”

            Chỉ Huy Trưởng giải thích:

            – “Hồi chánh cũng là chiêu hồi, là về với Chánh Nghĩa Quốc Gia, không theo Việt Cọng là Phi Nghĩa nữa. Đừng nghe mấy thằng Việt Cọng dụ dỗ ngon ngọt, kêu bằng mẹ, mẹ, rồi theo nó. Có ngày máy bay bắn nát óc, không ai chôn. Nghe chưa?”

            Tuy có khi nói như nạt nộ, nhưng Sơn thấy ai cũng tỏ vẻ tội nghiệp cho bà già. Sơn nghĩ đến mẹ mình và thấy xót xa. “Người ta” vẽ ra thật đẹp hình ảnh “Mẹ Việt Nam”. Chẳng qua là để tuyên truyền, lừa mị, phỉnh gạt. Còn người mẹ Việt Nam đích thực thì được gì? Như bà già này đây hay như mẹ Sơn. Có con như mẹ Sơn hay không có con như bà già này thì họ cũng cô đơn giống nhau. Con của đất nước, con của Giang Sơn Tổ Quốc. Mẹ nuôi khôn lớn rồi con bỏ mẹ ra đi cầm súng, ra chiến trường, đâu còn là con của mẹ!

            Sơn bỗng thấy nhớ mẹ. Đã lâu lắm, Sơn không về thăm, mấy lần Sơn làm đơn xin đi phép nhưng cấp chỉ huy vẫn chưa chấp thuận!

            (1) “hồi chín năm”: Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

            (2)  “Có thể” bà già nầy trầu là “sư mẫu” Nguyễn Tấn Dũng vì tới 30 tháng Tư 1975, Nguyễn Tấn Dũng chỉ mới y sĩ, còn lúc ấy, bà già đã là bác sĩ rồi.

(3) “Tobia”, hãng bán hòm và lo ma chay ở Saigon trước 1975.

            (4) Long-Châu-Hà, tỉnh ủy thu hẹp của ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên của Việt Cọng, trước 1975.

Hoàng Long Hải
(Trích từ Hương Tràm Trà Tiên)

304Đen - Llttm