Monday, May 31, 2021

Sáng Nay Em Theo Chồng - Thuyên Huy

 Sáng Nay Em Theo Chồng

Cho Kim Cúc ngày xưa

 

















Nhà em vang tiếng pháo

Cổng ngập hoa Giấy hồng

Người vào ra khăn áo

Sáng nay em theo chồng

 

Tôi đứng nhìn cuối ngõ

Con đường này mình đi

Trời thu vàng lá đổ

Khóc thầm tiếng biệt ly

 

Em đi rồi cổng khép

Xác pháo tàn đầy sân

Lầm lũi về ngỏ hẹp

Cuối phố xe xa dần

 

Đau đớn lòng nhìn lại

Trời thoi thóp nắng chiều

Giờ em về bên ấy

Còn nhớ một thời yêu

 

Đời vẫn đường trăm ngả

Em chọn lối riêng mình

Ngậm ngùi tôi đa tạ

Cám ơn nửa cuộc tình

 

Thuyên Huy

Cuối năm 2020

Con Bảy Đưa Đò - Sơn Nam

 

Con Bảy Đưa Đò


 


Rạch Cái Cau là ngọn sông Cái Lớn ăn qua địa phận tỉnh Cần Thơ. Trên ba mươi năm về trước, đó là nơi sầm uất, lau sậy mọc um tùm quanh mấy gốc bần to lớn cỡ hai người ôm không xuể. Sớm thì chim kêu, chiều thì vượn hú, quang cảnh buồn bã làm sao ! Thỉnh thoảng, có người bảo rằng : giữa đêm khuya nghe tiếng cọp rống. Những tin đồn đãi bất lành như vậy lần lần bị đánh tan và không còn làm cho ai sợ sệt nữa. Kìa kinh Xáng Lái Hiếu vừa múc xong ! Ngọn nước bạc mát lạnh, ngon lành đổ tuôn qua Rạch Giá, mang mấy dề lục bình lá xanh bông tím trôi phiêu lưu từ sông Hậu Giang ra ngoài khơi vịnh Xiêm La xa thẳm.

Sông rạch thông thương, vàm Cái Cau lần lần có người đến cất nhà đông đúc thành xóm nhỏ, có ông hương ấp đứng đầu. Ông hương ấp họ tên gì ? Nhà ở lối nào ? Ðiều đó khách thương hồ ít ai quan tâm đến.

Có qua đây, dầu vô tình đến cách mấy đi nữa họ cũng phải chú ý đến một cái tên, hay nói đúng hơn là một giọng hát : giọng hát của con Bảy đưa đò. Nó xa lạ nhưng quen thân, ấm áp. Khi cất lên thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh ; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả giòng sông, chuyển rung mặt nước dẫu khi thuyền đã xa khuất. Nó trở thành một lớp mù sương mờ ảo che lấp bóng dáng của người hát. Khách ngẩn ngơ nhìn theo không còn thấy gì nữa tâm trí bâng khuâng giữa cảnh sông rạch âm u với nhánh “bần gie con đốm đậu sáng ngời”.
Người hát hay thường thường là có nhan sắc.

Bao nhiêu người tưởng tượng như vậy. Họ tìm tòi rồi đâm ra thất vọng. Vài người quả quyết :

-Cô lái đò này mặt rỗ hoa mè.

Nhưng rồi không nói ra, họ cũng phải nhìn nhận một sự thật : con Bảy có gương mặt chữ điền, đôi mắt đen lánh và vóc hình cao ráo.

Lý lịch của con Bảy ra sao ? Chuyện đó lại càng khó hiểu. Chính ông hương ấp cũng chưa rõ vì hồi đó đàn bà, con gái không mang giấy chứng chỉ nên không có ghi tên vào bộ sổ. Mấy người ở lâu năm tại vùng này nói lại : năm đó, đâu từ miệt Cần Thơ, con Bảy xuống đây gặt mướn. Có điều lạ là đến khi rồi mùa thì cất chòi mà ở luôn chớ không về xứ. Năm sau, người mẹ già mang bịnh mà chết. Con Bảy đành sống một mình, hằng đêm chuyên nghề bán bánh bò cho ghe xuồng qua lại để độ nhựt ; sau đó, đưa đò. Xóm này bao nhiêu trai làng gấm ghé nhưng nó không ưng ai. Lần lần thiên hạ phải dang ra.

Dạo nọ, cậu trai làng con của ông hương ấp vừa học được câu hát :

Hò… ơ… Anh muốn gá chữ lương duyên với em trăm năm tình chồng nghĩa vợ. Mai sau anh có vô phần từ trần, xấu phước chết trước thì em ơi ! Ðừng chôn xác anh dưới nước sâu sợ e con đỉa cắn, đừng chôn anh trên gò bởi ngại con mối ăn…

Gái trong làng không ai đối được. Cậu trai nọ thích chí hát mãi một câu ấy hầu khoe tài khoe trí của mình. Nhưng đêm sau, giọng hò con Bảy trả lời :

Hò… ơ… Em gá chữ lương duyên với anh trăm năm tình chồng nghĩa vợ. Mai sau anh có xấu phần từ trần chết trước, em rước thợ Bắc về cẩn đá lục lăng để chôn chàng.

Nghe câu đáp, ai nấy tấm tắc khen ngợi. Khi nấm mồ được cẩn đá thì sợ gì đỉa cắn, mối ăn. Ðó là cách giải quyết ổn thỏa nhất của mối tình bền như đá. Cậu trai nọ suy nghĩ tìm nhớ câu rao khác để thử tài con Bảy. Nhưng giọng con Bảy vội đuổi theo :

Hò ơ… Gái tôi không hò đến chuyện Tây Du thì thôi, chớ hò đến chuyện Tây Du thì nhắc từ thuở xưa kia Tề Thiên Ðại Thánh loạn Thiên Cung đánh trời giành đất làm cho ông Nhạc Hoàng xang bang xấc bấc, đến chừng thác xuống đất bị Ngũ Hành Sơn chụp đè. Phật Bà có dặn : Này Tôn Hành Giả ơi ! Nằm xuống đây chờ chừng nào Tam Tạng đi thỉnh kinh mi hãy đi theo làm đệ tử, Tam Tạng đi đến chợt thấy Tề Thiên nên mau mau chạy đến gỡ hai lá bùa… Tề thiên vùng mình đứng dậy được, nhưng mình mẩy thì ôi thôi… rong rêu đóng giáp, lỗ mũi thì cỏ mọc xanh lè… Bớ trai chàng có thấy không?

Cậu trai đành chịu thua không đáp được, về nhà sanh bịnh tương tư. Trong cơn bịnh triền miên, có lần cậu đánh bạo bơi xuồng qua nhà con Bảy để tỏ nổi lòng :

Hò… ơ… Hột châu nhỏ xuống khoang hầm,
Em ơi ! Phận em là gái phải có chồng nay mai.

Con Bảy vội đáp :

– Hộ hôn, điền thổ, đổ lửa mái nhà,
Ðứa nào muốn bậu, ông bà cháy tiêu…

Tức tối biết bao nhiêu ! Cậu trai quay trở về. Quả thật cô ta hỗn xược dám khinh rẻ cậu và cả đám trai tơ ở xóm vàm này. Cũng may, câu đáp ấy nhỏ giọng vừa đủ cho cậu nghe thôi. Câu âm thầm ôm mối hận, hằng đêm tự an ủi :

Ðèn treo Trường án, tỏ rạng bờ kinh.
Bình Thủy lưu linh, đáo lại Long Tuyền.
Trà Niền, Kinh Xăng, Ba Láng, Cái Răng
Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng.
Có đâu thua bạn, bạn hành cười chê…

Nhưng ở đồng quê, chuyện gì xảy ra lần lần thiên hạ đều hay biết. Họ không tiếc lời để mỉa mai con Bảy :

-Ừ, Trời cao có mắt. “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”. “Trèo cao té nặng. Ngó cao đau ót”.

Cái ngày ấy lại đến.

Như thường lệ, con Bảy sửa soạn lên bờ ngủ. Khuya ít có khách sang ngang. Hơn nửa, trời chuyển mưa đen kịt phía Nam. Nhưng kia, một ánh đèn nho nhỏ chói lềnh bềnh giữa sông, từ từ trôi lại như cố ý đón đầu :

Hò… ơ… Thân anh như con phụng lạc bầy.
Thấy em lẻ bạn, anh muốn vầy duyên loan.

Câu rao ấy thuộc loại tầm thường ! Nhưng cảm mến cái giọng trai ấm áp, con Bảy hát lại :

Gặp mặt anh đây, em muốn vầy hai họ,
Sợ vợ anh ở nhà tiếng nọ tiếng kia.

Khách cười to :

Anh nói với em, anh đã có vợ nhà.
Vợ thì mặc vợ, anh xử hoà thì thôi !

Thừa lúc con Bảy đang rối trí, khách hò thêm một hơi :

Anh thương em, thương quấn thương quít,
Bồng ra gốc mít. Bồng xít gốc chanh.
Bồng quanh đám sậy. Bồng bậy vô mui.
Bồng lủi sang lái. Bồng ngoáy trước mũi.
Ðặt em nằm xuống đây…
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng, miệng đắng, cơm hôi.
Tiếc công anh đỡ đứng, bồng ngồi.
Bây giờ em vinh hiển… em bắt anh đi bán nồi làm chi ?

Ý trách người tình nhân bạc bẽo ! Trí nhớ của con Bảy bao giờ cũng có cách sẵn sàng ứng phó :

Bánh bò một vốn ba bốn đồng lời, khuyên anh ở nhà cứ việc ăn chơi. Ðể em đi bán kiếm ít tiền lời, trước nuôi ba với má, sau lại nuôi mình…
Cũng là tưởng nghĩa tưởng tình. Ai dè anh bạc nghĩa em phải ở một mình bơ vơ !

Khách bên xuồng nọ lên tiếng :

Ờ nàng ơi !
Khiến nghĩa bất vi vô dõng giã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Nàng còn nghĩ phận chữ tùng, thì trao dây xích buộc vòng sau đây.

Tức thì khách quày xuồng đi trước, rủ con Bảy tranh tài với khách. Nào chịu thua, con Bảy liền bơi theo sau.
Mái chèo phía trước nhịp nhàng :

Ðêm khuya anh thức dậy xem trời ;
Anh thấy sao Nguyệt Bạch, ngó xuống lòng rạch, anh thấy con cá chạch nó lội đỏ đuôi.
Nước chảy xuôi, con cá buôi nó lội ngược.
Nước chảy ngược, con cá nược nó lội theo.
Anh than với em rằng số phận anh nghèo.
Ðũa tre đâu dám đánh đèo với đũa mun.

Giọng con bảy lảnh lót đuổi theo :

Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn,
Tay em san rượu chát, miệng em hát một đôi câu.
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ,
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh.
Em đây lịch sự chi đó mà đi đâu năm bảy người giành ?
Giả như con cá kia ở chợ, dạ ai đành nấy mua.

Ðến khúc sông vắng, xuồng của chàng từ từ dừng lại. Con Bảy cũng lơi mái chèo. Bên ngọn, gương mặt của chàng rõ ràng là khôi ngô, tuấn tú. Chàng nói :

-Cô Bảy hò hay quá.

Con Bảy cúi đầu :

-Anh hò hay hơn em đó chớ !

-Anh khen cái giọng hò của cô em. Nghe sao mà ngộ quá. Cô em dạy cho tôi…

-Có gì mà dạy. Ðó là điệu “hò bánh bò” bắt chước giọng rao bán bánh bò trên sông. Ở đây sông rộng, nhà cửa, ghe xuồng thưa thớt. Mình phải có giọng vừa cao vừa dài, che lấp hết, để cho ai nấy nghe được mình. Khó hơn giọng hò cấy nhiều lắm, vì hò cấy có nhiều người ở gần mình để “hòa hơi” theo. Ở đây mình hò một mình.

Ðôi mắt của chàng sáng lên, ngạc nhiên :

-Vậy sao ? Hồi nào tới giờ tôi không hiểu rành.

-Ủa ! Chàng ở xứ lạ mới đến à ?

-Phải. Tôi ở Bình Thủy-Phong Ðiền xuống đây. Nhưng ở đâu cũng là non với nước.

-Em gốc ở Ba Láng. Vậy là cũng như một quê. Em đến đây hai năm rồi. Lúc này ở trển ra sao ?

-Cũng vậy… Hồi tháng sáu, Tây ăn lễ lộc gì đó. Cụ cử Hoành ở Sa Ðéc không chịu treo cờ của nó trước nhà. Thiên hạ đồn, không biết hư thiệt… rằng ngày lễ ấy cụ treo quần trước cửa để phản đối. Ở Bình Thủy, cụ Tòng Hiên làm bài thơ tự trào. May thay, hương chức làng giấu nhẹm nhưng vẫn thấu tai quan trên. Lúc đề bài thơ ấy, cụ Tòng Hiên kẹp ngọn bút ở giữa hai ngón chân mà viết. Ngạo nghễ quá ! Khí khái quá ! Vừa rồi ở Cái Răng có người bị tình nghi vì đã chép bài thơ “Vịnh chó chết trôi sông” Của cụ Cử Trị mà dán giữa nhà. Vì vậy, tôi phải đi. Qua đây gặp cô, vui biết mấy. Thôi ta tạm biệt…
Nghe qua, con Bảy bùi ngùi tấc dạ ; Từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bảy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.

-Bao giờ chàng trở lại. Em xin chờ.

Chàng cười mà đáp :

-Cám ơn.

-Lời em hứa là chắc. Hay chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.

-Ðâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa của tôi. Chí trai bốn biển là nhà. Không có sức như chim bằng, như cá kình chớ phận con se sẻ, con tép, con tôm này cũng đòi học ngao du trong vòng đất nước nhỏ hẹp.

Dứt lời, chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bảy xúc động, rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần.

-Vậy thì xin chàng dạy lại cho em một đôi câu hò… để em nhớ đời.

-Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dạy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này…

“Một tấm lòng” ! Con Bảy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya.

Cầu cao ba mươi sáu nhịp,
Em qua không kịp,
Nhắn lại cùng chàng :
Cái nghĩa tào khang sao chàng vội dứt ?
Ðêm nằm thao thức, tưởng đó với đây,
Biết nơi nao cho phụng gặp bầy,
Cho le gặp bạn,
Ruột đau từng đoạn,
Gan thắt chín từng,
Ðôi ta như quế với gừng,
Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi.

 

Bây giờ, con Bảy đưa đò đã già ; người ở chợ vàm lại kêu bằng dì Bảy Ðò. Cứ mỗi sáng, dì ngồi đó nhưng tâm trí bâng khuâng theo câu hát nói trên. Chàng trai trẻ năm xưa như con nhạn bay xa. Phận của dì ví như con le bơi lội lẩn quẩn trong ao hồ nhỏ hẹp. “Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi”. Phải chăng là dì năn nỉ chàng trai năm xưa đừng khinh dì là người kém lòng yêu non nước ? Mấy năm rồi, dì không còn đưa đò nữa. Ngang kinh Xàng đã có cây cầu sắt. Trên, xe hơi chạy. Dưới, tàu đò đưa. Ngay tại vàm xóm nhà cũ lần lần tản ra, nhường chỗ cho một nhà lồng chợ.

Hồi nào thênh thang trời rộng sông dài, giờ đây dì ngồi lì một chỗ. Hồi nào trăng trong gió mát, giờ đây dì phải chịu đựng từ hừng đông tới lúc tan chợ trưa, bên một lò lửa cháy và một nồi nước sôi ! Nãy giờ chúng tôi quên nói rõ : dì chuyên bán thịt heo luộc.

Nếu thời xưa dì nổi danh về câu hát câu hò, ngày nay món thịt heo luộc của dì cũng ngon ngọt không đâu sánh kịp. Thịt heo già, thịt heo nái mà dì luộc rồi thì cũng trở nên mềm mại, không dai, da thật dòn. Bởi vậy, lắm người ở chợ lân cận đến đây tìm mua cho được để nhậu hoặc ăn với bánh hỏi.

Lắm người khách tò mò :

-Dì Bảy à, Dượng Bảy đâu rồi ! Sao ở đây không ai biết cả ?

Dì đáp :

-Dượng Bảy đâu còn ! Cũng như không. Dì… ở góa hằng chục năm rồi mấy cháu à…

-Làm sao thịt heo của dì luộc ngon quá vậy ? Chỉ cho chúng tôi học với.

-Có khó gì đâu. Nhưng… mà khó lắm ! Phải luộc trong nồi nước có để chút xíu phèn. Ðừng cho nước quá sôi mà hại đó mấy cháu ! khi nước sôi thì đổ vô một lon nước lạnh. Cứ như vậy hoài. Dì chỉ cho nhiều người nhưng họ luộc không ngon, nói rằng dì giấu nghề…

-Ờ… nghe mấy bà già nói rằng hồi đó dì đưa đò, hò hát hay lắm phải không dì Bảy ? Dì nhớ lại, dạy dùm chúng tôi…

Thiệt là khó quá. Không dạy, e mang tiếng làm hiểm. Mà dạy thì dạy làm sao ? Ngồi đây mà nhớ đến cái thời xuân xanh năm nào ! Nó như chiếc lá già rụng, mục nát trở về lòng đất để làm phân cho nghững cây tơ khác đâm lộc nẩy hoa. Nó như một chiếc xuồng cũ kéo lên trên đất khô, phơi dưới ánh nắng day gắt. Còn đâu hơi gió cũ ? Còn đâu ánh trăng xưa ? Còn đâu hơi thở, còn đâu dáng người ? Còn đâu bến sông “nhánh bần gie con đốm đậu” ?

Buộc lòng dì Bảy nói một câu :

-Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.

-Công phu là thế nào dì Bảy ?

Im Lặng, chập sau dì đáp :

-Ở đây, hồi đó có người nói là cần “một tấm lòng”.

Sơn Nam

Khi Con Chim Ngừng Hát - Viết từ Sài Gòn

 

Khi Con Chim Ngừng Hát



 

    Kỉ niệm đẹp và buồn của tuổi thơ tôi có lẽ là kỉ niệm về con chim cu gáy. Đó là con chim cu gáy nở trong chiếc ổ lót bằng mấy cọng cỏ sơ sài trên cây ô ma, còn gọi là lê ki ma. Sau một trận gió lốc, chiếc tổ bị rơi và hai con chim con rơi xuống đất, chết một con, bà mang con còn lại vào nuôi. Không ngờ nó lớn rất nhanh và nó là cu cườm (tức là chim cu gáy có một chuỗi hạt cườm vòng quanh cổ lốm đốm nhìn rất đẹp. Đây cũng là loài chim cu đá rất giỏi, người ta nuôi để đá thi, gáy thi). Và con chim cu gáy đó đã để lại ấn tượng rất mạnh với tôi bởi tiếng hát và cái chết của nó. Câu chuyện của nữ danh ca Khánh Ly trong mấy ngày gần đây khiến tôi nhớ đến con chim cu gáy tưởng như đã đi vào hộp ký ức tuổi thơ của tôi.

Xin kể về con chim cu gáy trước. Bà nhặt được nó khi nó đang ướt sũng, bộ lông mọc chưa đủ không giúp nó tự bay được. Bà cho nó ăn đậu xanh bằng cách nhai thật kĩ và mớm cho nó. Không bao lâu, nó lớn mạnh, mọc đủ lông đủ cánh và bắt đầu tập bay. Biết bay, nó được tự do, bay từ tấm phảng lên cây trính, rồi bay lên mái nhà, bay ra ngọn tre và cuối cùng là bay vào bầu trời rộng. Lúc đó tôi nghĩ là nó đã bay đi luôn, nhưng không, tối nó lại quay về nhà, bởi nó xem nhà tôi như tổ của nó.

Và nó cứ bay đi bay về như vậy từ lúc đó cho đến lúc nó chết, ướt chừng hơn mười năm thì phải. Vì nó thường quanh quẩn trong vườn nên tôi biết được nó gáy bộ Ngũ (tức là gáy liên tục 5 tiếng một chuỗi, ví dụ Cù Cú Cu Cu Cu hoặc Cúc Cù Cu Cu Cu, thay vì bộ tam thì Cù Cú Cu hoặc Cúc Cù Cu, có con gáy bộ nhị chỉ đúng hai tiếng Cu Cu, Cu Cu, Cù Cu…). Riêng giống chim cu gáy, tiếng hót thể hiện đẳng cấp và tầm cỡ của nó. Ví dụ như chim gáy bộ Tứ mà gặp chim gáy bộ Ngũ thì tự xếp cánh mà im lặng chứ không dám gáy nữa, vì gáy thêm sẽ bị chim bộ Ngũ tấn công. Mà một khi chim bộ Ngũ tấn công thì chim bộ Tứ chỉ có thua. Bởi tiếng gáy chứa cả sức khỏe, nội lực của con chim.

Thời vàng son của chim cu gáy kéo dài chừng ba năm, nghĩa là thời gian này, tiếng gáy thể hiện sức mạnh cũng như lãnh địa của nó. Và dường như đến năm thứ tư trở đi, chim lười gáy hơn, thỉnh thoảng có chim lạ đến thì nó lấy hết sức bình sinh gáy một tràn để báo hiệu là lãnh thổ đã có chủ, đừng quấy phá, hoặc thỉnh thoảng gáy gọi tình chứ không còn gáy máu lửa như thời vàng son.

Càng về già, chim cu gáy càng ít gáy, đến chừng 7 tuổi trở đi thì hiếm khi nghe nó gáy. Tôi để ý những con chim ông nuôi (trừ con chim tự do mà tôi đang kể ra) và hỏi ông bởi ông là chuyên gia đánh cu nên ông biết. Ông giải thích với tôi là hầu hết, chim cu gáy khi già nó chẳng dại gì cất tiếng gáy, bởi nó muốn giữ uy lực thời trẻ của nó, nếu nó gáy lên, chim trẻ sẽ biết nó già và nó mất lãnh thổ, thậm chí có thể mất mạng.

Và thường thì những con chim gáy khi về già chỉ quanh quẩn trong địa giới của nó, thỉnh thoảng bay đi kiếm ăn rồi lại về, ít thấy gáy và tuyệt nhiên không tham gia các trận chiến giữa các con chim gáy với nhau cho dù chim gáy bộ thấp hơn nó đến gây hấn, nó cũng im lặng, không thèm gáy lại. Đó là tập quán của chim gáy cũng không chừng!

Nhưng con chim gáy mà bà nuôi thì lại khác, bởi nó được sống trong nhà, khi nào trời mưa to gió lớn thì nó bay vào nhà, đậu trên cây trính để ngủ, sáng mai trời quang mây tạnh thì nó bay. Và hễ nghe có chim lạ tới gáy thì nó gáy ngay, nó luôn thi thố, dường như chưa bao giờ ngừng gáy thi mặc dù đã sáu, bảy tuổi, nghĩa là đã quá già. Gặp chim gáy bộ thấp hơn thì nó tấn công, gặp chim gáy ngang bộ thì nó gáy lại rồi trốn vào nhà. Cho đến một bữa cả nhà tôi đi chạp mả, đóng cửa, đến trưa tôi về thì thấy con chim gáy đang chiến đấu với một con chim gáy khác, nó bị thương khắp mình, bị vặt lông, bị mổ cháy máu, và nó cũng không còn sức chiến đấu. Tôi chạy đến xua con chim gáy kia đi thì nó tấn công thêm mấy phát nữa rồi bay đi. Sau đó, mặc dù có cố gắng cứu, con chim gáy thân thuộc của gia đình tôi cũng không sống thêm được ngày nào.

Ông nhìn nó rồi bảo: “Thôi để nó chết, vì nó chết như vậy cũng hay, nó chết trẻ, bởi nó chưa bao giờ nhìn thấy nó già, như vậy cũng hay!”. Câu nói bâng quơ của ông tưởng như nói rồi thôi, tự dưng mấy ngày nay tôi lại nhớ đến ông một cách lạ thường, nhất là sau khi danh ca Khánh Ly bị một vố đau không có khán giả trong một chương trình ca nhạc tại nhà thi đấu Quân Khu 7, Sài Gòn.

Thực ra chuyện này cũng dễ hiểu, cách đây 5 năm, tôi từng nghe một CD mới nhất của Khánh Ly và thừa nhận là bà đã quá già, giọng của bà không còn khỏe, tròn trịa và truyền cảm như xưa mà thay vào đó là giọng hát của kinh nghiệm, ky thuật cộng với một chút nhựa âm do tuổi già mang lại. Nó hoàn toàn không hay và thiếu truyền cảm. Nhưng điều đó không làm vơi đi sự hâm mộ của tôi đối với bà. Bởi vì bà là giọng ca vàng son một thuở và hơn hết là những phát biểu đậm chất “ưu thời mẫn thế” của bà trong các video khiến tôi khâm phục bà lắm lắm.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà đã nói:

§  “Tôi sẽ không về Việt Nam khi cộng đồng người Việt giống như tôi chưa được về, khi Việt Nam chưa có tự do. Tôi đã ra đi như thế nào và sẽ trở về như thế ấy!”.

Lời phát biểu này được tôi hiểu với hàm ý rằng nếu Việt Nam vẫn còn chế độ Cộng Sản độc tài, người dân vẫn còn mất tự do, còn đau khổ thì bà sẽ không về nước. Nếu bà về nước, nhất định phải trong một tâm thế hoàn toàn tự do, quê hương đã xóa được đêm trường độc tài…

Nhưng có vẻ như tôi đã hiểu không đúng ý bà. Bởi hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi, người dân vẫn mất tự do, văn nghệ sĩ, báo giới không được nói tiếng nói của tự do, không được tự do phát biểu chính kiến và dân oan ngày càng nhiều, những cuộc biểu tình, tuần hành ôn hòa của người dân bị đàn áp không thương tiếc… Nhưng bà đã về. Mà không về một cách bình thường, bà về để hát, và hát phục vụ cho giới quan chức, giới lãnh đạo Cộng sản.

Sở dĩ tôi nói quả quyết rằng bà hát phục vụ cho giới quan chức, giới lãnh đạo Cộng sản là vì bà là người khá thông minh, sắc sảo, bà thừa biết rằng dân Việt Nam, nhất là giới lao động, thu nhập mỗi tháng của họ chỉ dao động từ hai triệu đồng đến ba triệu đồng, giới trí thức chân chính cũng có thu nhập rất thấp, giới kinh doanh tại Việt Nam đang thời kỳ khó khăn tột độ, chuyện duy trì doanh nghiệp không thôi cũng đủ làm họ bạc tóc… Chính vì vậy, giá vé dao động từ 800 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng không phải là giá vé dành cho người dân Việt Nam mà là giá vé dành cho giới quan chức, giới cán bộ có nhiều tiền và họ không hề xót xa khi vung tiền qua cửa sổ.

Bà có thể nói rằng giá vé là do ban tổ chức định ra. Nhưng bà có thừa khả năng để yêu cầu ban tổ chức hạ giá vé, hạ luôn mức tiền cát-sê của bà để những người yêu quí bà được nghe bà hát, được mục kích sở thị bà. Bởi vì, giới cán bộ Cộng sản không thể là giới hâm mộ bà được rồi, trừ khi…?! Còn những người hâm mộ bà là những trí thức, những công chức và những quân nhân thời Việt Nam Cộng Hòa, họ đang là nạn nhân, đang lây lất trên quê hương và trong mỗi buổi tối đau khổ của họ, không chừng tiếng hát của bà đã bầu bạn với họ, tiếp thêm lửa hi vọng cho họ.

Nhưng lần này, bà về nước, bà hát và phục vụ cho một nhóm người có tiền, vô hình trung, bà làm tổn thương những người đã yêu quí, hâm mộ bà bấy lâu nay. Và sự tổn thương này là có thật, là hợp lý. Vì sao? Vì họ đã nâng niu tiếng hát của bà qua thời gian, qua chiến tranh và mất tự do, qua cả đau khổ và tuyệt vọng. Còn bà, ngược lại, bà đã ném tiếng hát của bà vào một canh bạc chính trị đầy rẻ rúng, ở đó, không có gì khác ngoài một sự thỏa hiệp.

Tự dưng, cái chết của tiếng hát Khánh Ly một thuở trong tôi lại làm cho tôi thấy vui. Bởi lẽ, cái chết này cũng giống như cái chết rất ư trẻ trung và bồng bột của con chim cu gáy mà gia đình tôi đã nuôi thuở tôi tấm bé. Nó luôn tin rằng nó còn trẻ, còn khỏe và nó đúng. Và nó đã chết trong niềm tin đó!

 

Viết Từ Sài Gòn

304Đen – llttm – tvvn

 

Có Một Người - Phương Ngô

 CÓ MỘT NGƯỜI

















Có một người ta mãi gọi người dưng
Mà thẳm sâu trong tim là tận cùng nỗi nhớ
Là khắc khoải mỗi khi trời gió trở
Là xót xa khi thăm thẳm đêm về.
Là một người ta chỉ gặp trong mơ
Chẳng hiện hữu bằng xương bằng thịt
Chẳng đan tay,mắt môi cuồng nhiệt
Chẳng thể ở bên lúc mệt mỏi chán chường.
Chẳng thể gần và chẳng thể gần hơn
Cứ thế đấy sao cứ hoài mong nhớ
Như kiếp ba sinh mình từng mắc nợ
Nên cõi hồng trần giờ mình gặp lại nhau.

Có gì đâu
Ừ ! Chỉ một khúc sông sâu
Em chẳng thể sang,còn anh thì không tới
Nên bây giờ mình vẫn hoài mong đợi
Như mùa ngâu chẳng thể về qua.
Có một người ta mãi cứ xót xa
Để nỗi nhớ cứ lưng chừng nhịp thở
Có một người đi qua thời bỡ ngỡ
Trĩu lòng thương dù ngược hướng ngược đường.
Có một người ta vẫn mãi còn thương.

Phương Ngô

Nhân Chuyện Liên Xô Nói Chuyện Việt Nam - Nguyễn Lân Thắng

 

Nhân Chuyện Liên Sô Nói Chuyện Việt Nam




 

Liên Sô. Ấy là hai từ cực kỳ vĩ đại, hằn sâu trong ký ức xa xưa thời trẻ con của tôi. Tất cả những gì đẹp nhất, kỳ diệu nhất, lung linh nhất mà trí tuệ của một thằng trẻ con có thể tưởng tượng ra đều gắn với hai chữ Liên Sô. Có gì để mà so sánh đâu khi xung quanh chúng tôi ngày ấy tràn ngập phim ảnh Liên Sô, hoạ báo Liên Sô, khẩu hiệu Liên Xô, anh hùng Liên Sô. Chưa kể những thứ vĩ đại, đẹp đẽ khác như cung văn hoá hữu nghị Việt Sô, cầu Thăng Long hai tầng hiện đại, thuỷ điện Hoà Bình chặn dòng sông Đà hung dữ, tàu vũ trụ Liên Sô đưa người lên không gian… Ngày đó cứ nghĩ đến đất nước Liên Sô là tôi lại tưởng tượng ra một thiên đường có thật trên hành tinh này.

Nhưng rồi đời không như là mơ, hôm nay chính là một ngày kỷ niệm rất trọng đại trong lịch sử phát triển của loài người. Cách đây 28 năm vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, Tổng Thống Liên Sô Mikhail Gorbachev đã từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho tổng thống Nga Boris Yeltsin. Một ngày sau Liên Bang Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Sô Viết (Liên Sô) đã chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26 tháng 12 năm 1991, bởi bản tuyên bố số 142-H của Xô Viết Tối cao. Tuyên bố này công nhận nền độc lập của mười hai nước cộng hòa của Liên bang Sô Viết còn lại (tổng cộng 15 nước) và thành lập Cộng Dồng Các Quốc Gia Độc Lập (CIS).
Trải qua 28 năm, những tưởng ngày đó là dấu chấm hết cho một hệ thống mô hình xã hội vừa ảo tưởng, vừa tàn bạo nhất trên hành tinh, nhưng chủ nghĩa xã hội và các thực thể quốc gia đi theo chủ thuyết này vẫn còn tồn tại, và có quốc gia như Trung Quốc còn trở nên hùng mạnh và thách thức toàn thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn trở thành một “mạnh thường quân” thay thế cho Liên Sô trước kia, bảo kê cho tất cả các quốc gia khác còn theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đây là một nghịch lý mà loài người tiến bộ còn phải đau đầu vì nó trong nhiều thập kỷ tới.

Có nhiều nhà phân tích và bình luận chính trị đã bàn cãi về vấn đề này. Đặc biệt là khi bàn về Việt Nam, người thì cho rằng Việt Nam suy mà chưa sụp là bởi tương quan giữa phe bảo thủ và phe đòi hỏi cải cách chưa đủ lớn. Người thì lại cho rằng xu hướng sau chiến tranh lạnh là chuyển đổi xã hội bằng các hình thức hoà bình, nên cần nhiều thời gian hơn. Và nhất là quan điểm cho rằng Trung Quốc đang xiết chặt vòng kim cô đỏ lên đầu hệ thống chính trị Việt Nam, nên nhiều đảng viên cấp tiến dù muốn thoát khỏi ý thức hệ cộng sản để đi theo nguyện vọng của nhân dân, nhưng không thoát nổi những ràng buộc chết người từ miếng ăn cho đến sinh mạng của mình, để dám mở ra con đường mới cho dân tộc này.

Tôi cho rằng những lập luận trên đây là rất xác đáng, nhưng xin bàn thêm một chút về vấn đề này để góp phần nhận diện cho đúng tình thế chính trị xã hội của Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau những khó khăn nhất định khi thành trì to lớn của nó sụp đổ đã không dừng lại. Nó đã học được những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, tự đổi màu để thích ứng với điều kiện xã hội mới, bám chặt vào các yếu tố về văn hoá, dân tộc, tâm linh… để giữ lấy quyền lãnh đạo đất nước. Nó cướp bóc những gì thuộc về thế hệ tương lai như tài nguyên, môi trường, lãnh thổ nhằm đổi lấy những giá trị vật chất nhất thời, hòng kéo dài sự sống sót cho hệ thống. Nó xây dựng một lớp tư bản thân hữu, hay còn gọi là tư bản đỏ, dù điều này hoàn toàn trái ngược với chủ thuyết cộng sản, nhằm tạo ra một sân sau để giải quyết trong bí mật những góc tối của nền kinh tế quái thai mang danh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài việc tiếp tục nuôi dưỡng lực lượng công thần chế độ, hay các lực lượng khác có lợi ích gắn chặt với đế độ, nó còn nuôi cấy những niềm tin vào một lớp người mới, nhằm tạo ra một sự hậu thuẫn xã hội, hoặc ít ra là cổ xuý cho một thái độ bỏ mặc, buông xuôi cho sự lũng đoạn đất nước của nó. Và nó tiếp tục sử dụng bàn tay sắt bọc nhung để đàn áp một cách tinh vi, có hệ thống tất cả những tiếng nói đối lập đang kêu đòi thay đổi xã hội này.

Hệ quả là dù cứu vớt được quyền lực, nhưng đảng cộng sản đã phải đánh đổi rất nhiều thứ thuộc về nhân dân, để tạo nên một đất nước dù có vẻ ngoài phát triển, nhưng thụt lùi thảm hại về môi trường, y tế, giáo dục, chủ quyền bị xâm phạm và nợ nước ngoài tiếp tục tăng cao không có điểm dừng.

Trong ngắn hạn, những thay đổi kinh tế dưới vỏ bọc đổi mới trước đây phần nào tạo dựng được niềm tin của người dân vào hệ thống. Nhưng thật không may cho đảng cộng sản Việt Nam, niềm tin thì luôn được hình thành dựa trên cơ sở các hệ giá trị. Khi một hệ giá trị không được xây dựng dựa trên những cái có thật, mà chỉ có được là nhờ đánh cắp từ chỗ này đập vào chỗ kia, thì nhất định những giá trị đó sẽ có ngày sụp đổ, bởi nó đã không được xây dựng dựa trên nền tảng vững chãi của những gì thuộc về quy luật tự nhiên.

Giá trị sụp đổ thì niềm tin sẽ sụp đổ. Niềm tin sụp đổ thì chế độ không thể tồn tại. Chính vì thế không phải bỗng dưng bao nhiêu năm nay hệ thống tuyên truyền của đảng gào thét về việc chỉnh đốn đảng, xây dựng niềm tin trong quần chúng. Nhưng càng gào thét thì đảng càng nát. Công chúng hiện nay đang được chiêm ngưỡng hàng loạt các vụ đại án phá hoại đất nước mà toàn là người của đảng cầm đầu. Công chúng cũng đang hỏi còn bao nhiêu kẻ trong đảng chưa bị lôi ra ánh sáng, hay đây chỉ là vở kịch đấu đá tranh giành quyền lực của các phe phái trong đảng trước đại hội?

Bàn về chuyện chính trị Việt Nam cho ngọn ngành thì rất nhức đầu và cần có độ lùi về mặt lịch sử. Nhưng tôi luôn tin rằng với cung cách điều hành đất nước của đảng cộng sản như hiện nay, nhất định niềm tin và các hệ giá trị trong đất nước này rồi sớm sẽ phải thay đổi. Cùng tất biến, khi đó đất nước sẽ bừng tỉnh và thay đổi trong chốc lát như Liên Xô khi xưa.
Tuy nhiên công cuộc thay đổi và dân chủ hoá một đất nước là một hành trình dài. Ngay đến cả nước Nga và các quốc gia tách từ Liên Xô trước đây tuy đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản 28 năm, nhưng vẫn vật vã với nhưng mâu thuẫn nội tại của nó mà chưa thể trở thành một quốc gia dân chủ. Tôi cho rằng điều này là do họ chưa thực sự giải ảo được các hệ thống giá trị và niềm tin có từ thời cộng sản.

Xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản đã khó, giải quyết hậu quả mà chế độ cộng sản để lại trên một đất nước còn khó hơn nhiều. Xin hãy bền chí, vững tâm và khôn khéo trên hành trình gian khó này. Sóng sau cứ nối đuôi xô sóng trước. Đất nước này nhất định phải được tự do.

Yêu thương tất cả

Nguyễn Lân Thắng

304Đen – llttm - tvvn

 

Friday, May 28, 2021

Viếng Chùa - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 76-VƯỜN THƠ MỚI

 

Chủ đề: Mùa Phật Đản



















Bài xướng:

          

VIẾNG CHÙA

 

Chuông vọng đầu non động thức mây

Đường nghiêng nghiêng dốc khói sương đầy

Cành khom kính Phật hoa chen quả

Nhánh rũ che Tăng lá tủ cây

Nắng mới mừng xuân khoe cánh mỏng

Tre già ghẹo gió ưỡn thân gầy

Thoảng trong đất đá mùi hương quyện

Ý Đạo bao trùm nhẹ tỏa vây.

 

Chu Hà

 

Họa 1:

 

LỄ PHẬT

 

Bình minh khơi sáng vẹt ngàn mây

Lễ niệm dâng hương khói toả đầy

Kỉnh Phật ban ơn tiêu dịch bệnh

An đời thoả mắt ngắm phong- cây

Đổi thay cuộc thế màu tâm đắc

Thương vọng trần gian bóng nguyệt gầy

Thống nhất yên bình thông vạn nẻo

Xoá tan cảnh khổ mãi cuồng vây.

 

Kim Trân kính bút

 Họa 2:

 

PHẬT ĐẢN SINH 

(HAPPY VESAK DAY 2021 DL 2565 PL)

 

Hào quang lấp lánh mấy tầng mây

Phật Đản chư Thiên hội đủ đầy

Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc  

Vô Ưu* vạn cánh nở ngàn cây

Đêm rằm trăng sáng soi vô tận

Tháng hạ trời thanh tắm nắng gầy

Tam giới**đuốc thiêng kinh vạn pháp

Thoát vòng tục lụy***vẫn luôn vây .

 

Hương Lệ Oanh VA 

 

Chú thích:

*Hoa Vô Ưu: còn gọi là Sala hay Ưu Đàm nở rộ tỏa ngát hương khi thế tôn ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, hiện được trồng thật nhiều tại các chùa ở VN thân mộc cao to nở đầy hoa từ thân cây và cành .

**Tam giới gồm: Dục giới sắc giới và vô sắc giới nơi mà loài hữu tình tái sinh theo hướng lục đạo luân hồi nhân quả, có thể hiểu là vũ trụ quan của đạo Phật .

***Thoát vòng tục lụy: tựa bài truyện ngắn Phật giáo.

 

 Họa 3:

 

DU SƠN YÊN TỬ


Đầu non trắng xóa một màu mây,
Yên Tử mờ sương khí lạnh đầy.
Chân ngại đường trơn, tay chống gậy,
Cỏ loang suối cạn, đá chen cây.
Chùa đồng cao ngất, chuông thong thả,
Rừng trúc xơ rơ, nhánh héo gầy.
Gió quyện hương trầm tâm tĩnh lặng,
Nhẹ nhàng buông bỏ nỗi buồn vây.

Minh Tâm

 

Họa 4:

 

HÀNH HƯƠNG CÚNG PHẬT

 

Đường lên núi Điện* ẩn trong mây

Dốc đứng đá nghiêng lá phủ đầy

Niệm Phật nam mô xin một quẻ

Dâng hương cúng bái đốt vài cây

Nam thanh mấy cậu thân cao lớn

Nữ tú vài cô dáng nhỏ gầy

Nhan khói mịt mù hòa tiếng mõ

Nam mô mầu nhiệm, bóng chiều vây !

 

Nguyễn Cang

*Núi Điện Bà ở Tây Ninh.

 

Họa 5:

         

 AM THIỀN


Ngước nhìn, đỉnh núi ngập trong mây,

Lối dốc mờ sương sỏi đá đầy.

Yến hót vui chân trên bậc cỏ,

Thông reo  nhẹ bước giữa hàng cây.

Am Thiền đón khách ly trà đậm,

Phật tử dừng chân gốc trúc gầy.

Tiếng mõ hồi chuông nơi thoát tục,

Nhang đèn nhẹ tỏa khói trầm vây.

 

Mỹ Ngọc.

 

 Họa 6:

           

PHẬT ĐẢN

 

Bình minh trong sáng chín tầng mây

Hớn hở vui tươi lễ hội đầy

Phật đản hân hoan nhiều tín hữu

Cổng chùa tràn ngập dưới hàng cây

Nhìn ra trước ngõ người đông đúc

Đứng đợi ngoài xa rặng liễu gầy

Tay chắp cùng nhau nhìn hướng Phật

Hàng hàng lớp lớp ngỡ cờ vây.

 

 PTL

14-4-Phật lịch 2565

 

Phụ bản bài “Mừng Đản Sinh” của HLO:

 

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2564 - DL 2020

(Ngày 30/4/2020 nhằm ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch)

CON THÀNH KÍNH CẦU NGUYỆN CHO QUỐC THỚI DÂN AN NHÂN LOẠI TOÀN CẦU VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH COVIT 19

HAPPY VESAK DAY

             

MỪNG ĐẢN SINH

 

Chan chứa niềm vui Phật đản sinh

Trăng rằm tháng hạ, ánh lung linh

Đóa Vô Ưu nở bừng hy vọng

Khắp cõi ta bà thắm đức tin

Nhớ mãi Lâm Tỳ Ni thuở ấy

Nâng bước người, sen nở bảy toà

Và người hiện hữu trong nhân loại

Với kiếp phù sinh chẳng khác ta

Nên hiểu sâu xa vòng tứ khổ . . . !

Bằng trái tim đầy ắp vị tha

Bằng khối óc vầng dương rạng rỡ

Một con đường chính phải tìm ra

Vứt bỏ cả uy quyền tột đỉnh

Bởi nó không hề giải thoát ai . . .

Người cũng chẳng tìm vào khổ hạnh

Mà soi đuốc tuệ giữa muôn loài

Ôi đấng đại từ và đại giác

Lời người đánh thức mỗi tâm tư

Giúp ta vững bước đường hành thiện

Và sống quên mình theo Bổn Sư .

 

Hương Lệ Oanh

 

PL 2564 - DL 2020

Kỷ niệm Bài thơ tôi đã sáng tác từ nhiều năm trước trong niềm vui vị đạo , thơ vừa đăng và phát hành ở đặc  san của ban trị sự Phật giáo Tây Ninh xong, tôi tình cờ nghe  thiền sư Thích Thiện Thọ ( chùa Phước Huệ TN) ngâm bài thơ nầy rất hay trong lần đại lễ Phật Đản năm 2001,  là động lực khiến tôi tinh tấn hơn .

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!