Đi trên đống tro
tàn
Đọc
để mà buồn.
Người Đi trên đống tro tàn !!!
Anh K thương mến,
Những năm trước khi nghe anh nói năm nay anh
cũng chưa về VN được, em rất buồn. Hơn 20 năm rồi còn gì. Nhưng năm nay thì em
lại nghĩ khác. Anh không về hóa ra lại hay. Hãy để VN biến thành tro bụi trong
ký ức. Nhưng anh không về mà cứ muốn em kể chuyện VN cho anh nghe. Em sẽ kể
nhưng anh đừng khóc đấy nhé.
Em sẽ bắt
đầu từ đâu nhỉ?
À. Huyện lỵ của mình bây giờ được gọi là thị xã.
Nếu về anh sẽ không nhận ra đâu là đâu. Ngôi trường bé nhỏ dưới mấy gốc bàng
nơi anh và em học lớp vỡ lòng, đã bị đập bỏ để xây một cung thiếu nhi nguy nga.
Hai hàng tre bên sông Dinh đã được thay bằng bờ kè bằng đá. Đường sá cũng được
mở rộng thay cho những con đường làng nhỏ mà thuở bé anh hay đạp xe chở em về
thăm quê nội hay rong chơi đây đó. Xem ra thì đường xá cầu cống, dinh thự, trường
học có khang trang hơn xưa nhưng đó là hàng mã.
Tất cả đều chỉ đẹp đẽ trong ngày khánh thành,
còn sau đó nó hư hỏng nhanh chóng là điều bình thường ở xứ sở này. Trên những
con đường ở đất nước gọi là thanh bình này, mỗi năm có hàng chục ngàn người chết
vì tai nạn xe cộ. Người chết vì tai nạn giao thông mấy mươi năm nay còn hơn số
người chết trong cuộc chiến vừa qua. Không có ở nước nào mà người dân phải tự
di chuyển bằng xe gắn máy.
Không có ở đâu mà xe gắn máy chạy chung với xe tải,
xe khách, xe chở container. Người mình chết nhiều đã đành. Cứ mỗi lần đọc báo
có tin một chuyên viên nước ngoài đến VN làm việc bị xe tông chết thì em vừa xấu
hổ vừa thương cho họ. Đáng lẽ họ không nên đến đây, một đất nước mà mạng người
chỉ là cỏ rác.
Trong thư anh thường nói phong cảnh ở VN là đẹp
nhất. Núi đẹp, rừng đẹp, những ngôi nhà nho nhỏ giữa những thửa ruộng xinh
tươi.
“Chiều ơi, lúc chiều về là lúc yên vui
Trâu bò về dục mõ xa xôi … ơi chiều” (*)
Anh ơi, làng quê thì vẫn còn màu xanh như cũ,
nhưng nó không còn là chốn yên lành. Rượu, phim bạo lực, phim sex, thất nghiệp
đã làm dậy lên men say cuồng sát và cảnh chém giết nhau anh cũng đã biết rồi
trên các báo online. Anh cũng sẽ không còn tìm ra những nàng thôn nữ:
“gánh gánh, gánh, gánh thóc về gánh về gánh về”
(*)
Không còn nữa nụ cười e ấp dưới vành nón che
nghiêng.
Tìm đâu thấy chiếc áo bà ba quen thuộc của bà, của
mẹ.
Hàng Trung Quốc bây giờ vừa rẻ vừa model đã biến cả các phụ nữ nông thôn
thành những con rối hồn nhiên háo hức với “quần bò” hở rún, áo hai dây hoặc
không có dây nào.
Trước đây, người dân được dạy cho biết lao động
là vinh quang và mọi người mọi nhà phải tăng gia sản xuất. Lúc đó, cây khoai mì
đã trở nên một biểu tượng được tôn sùng của đất nước. Nhưng sau đó, họ sực tỉnh
ra rằng những cây gỗ trăm năm, ngàn năm bạt ngàn trên rừng Trường Sơn mới là
triệu triệu dollars. Và thế là một cuộc thảm sát long trời lỡ đất chưa từng có
đã biến cho đất nước mình thảm hại như một con đại bàng bị vặt trụi lông.
Anh sẽ khóc khi nhìn thấy Dalat mất gần hết rừng
thông, anh sẽ thất vọng khi Dalat không còn cái lạnh đáng yêu của một châu Âu
giữa lòng một đất nước chỉ có hai mùa mưa nắng. Và anh sẽ phì cười khi thấy đã
có tiệm bán quạt máy ở Dalat.
Người Việt dẫu sao cũng dễ thích nghi với mọi
hoàn cảnh. Em thương nhất, đau lòng nhất khi nhìn vào đôi mắt buồn vời vợi của
những người thiểu số khi họ bị bứt khỏi núi rừng.
Núi rừng là quê hương của họ, là ngôi nhà kỳ vỹ
của họ. Thật nhẫn tâm khi để chiếm núi rừng, người ta lùa họ ra sống ở những
ngôi nhà gạch, mái tôn xây vội. Nhìn họ uể oải nhảy múa, đánh cồng, đánh chiêng
phục vụ cho ngành du lịch thấy mà đắng lòng.
Anh đã từng nhìn thấy voi khóc chưa? Mỗi lần
nhìn vào mắt của những con voi chở khách du lịch, em chắc chắn rằng chúng đang
khóc. Những con voi cuối cùng ở buôn Đôn ấy đã lần lượt ngã gục sau một đời nô
lệ, xiềng xích, đói khát.
Dalat không còn hoang sơ, bí ẩn, thơ mộng như
thuở nào.
Rồi đây cáp treo sẽ đưa người lên Phan Xi Pang,
lên Langbian. Những rùa, nhím, trút, chồn hương, nai hoẳng sẽ bị tận diệt cho
những cái bao tử phàm phu khốn nạn.
Người ta cũng phát hiện ra rằng ngoài rừng, biển
cũng là triệu triệu dollars. Không biết vua Duy Tân có lỗi gì với dân tộc mà
sau năm 1975 con đường tuyệt đẹp mang tên ông trải dọc biển Nha Trang đã đổi
thành đường Trần Phú. Và cũng từ đó biển Nha Trang dần dần bị biến dạng. Song
song với cuộc tàn sát rừng, biển cũng bị xâm lấn nặng nề. Nếu anh về thăm biển
Nha Trang, anh sẽ thấy biển không còn gây cho anh cảm giác mênh mông, anh sẽ
không còn cái thú được thấy mình như “con ốc bơ vơ nằm trên cát” (*).
Biển Nha Trang bây giờ bị bao vây bởi một rừng
khách sạn khổng lồ ngạo nghễ nhìn ra biển. Nằm dưới chân những gã khổng lồ
khách sạn, biển Nha Trang đã biến thành một cái ao làng với rất nhiều bao ny
lông nhớt nhát trôi vật vờ. Nha Trang bây giờ không còn thênh thang gió biển.
Còn đâu nữa:
“Phố chiều bao tà áo trắng,
Lượn quanh hè phố nắng
Những cô nàng xinh đang tròn trăng”
(Hoàng Thi Thơ)
Nhưng điều đau buồn nhất là một thế hệ con cháu
chúng ta đã lớn lên như những con gà công nghiệp trong một chiếc lồng chật chội.
Làm sao trách chúng được khi chúng lớn lên trong
một không gian mù mờ về lịch sử..
Chúng được dạy dỗ rằng chúng đang sống rất hạnh
phúc trong một đất nước đã được giải phóng và chúng phải biết ơn Bác, biết ơn Đảng.
Mà hạnh phúc thật đấy. Một diễn viên nổi tiếng của
Hollywood tổ chức đám cưới chỉ mời không đến vài chục khách trong khi bà Hai
bán phở, ông Chín nhân viên thuế vụ, chị Năm y tá làm đám cưới cho con mời bốn,
năm trăm khách. Trong đám cưới, thật ngỡ ngàng khi có ông cựu binh sĩ VNCH hào
hứng lên sân khấu hát bài “Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng” !!!
Nếu anh về đi thăm bà con, anh sẽ chạnh lòng khi
nghe thím Hai khoe con thím đi làm ở Bưu Điện được cử đi học lớp cảm tình đảng.
Điều đó có nghĩa nó có hy vọng vào đảng và lên chức. Buổi tối về nhà, anh sẽ
nghe mấy đứa cháu anh ê a học “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào…”
Không thể trách được. Dù là gà công nghiệp, gà
cũng thèm mổ gạo, cũng thèm sống.
Làm sao trách được người dân Việt khi trong sân
bóng đá họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng để cuồng nhiệt phất
lên mừng đội nhà chiến thắng.
Sau năm 1955, chúng ta có một cuốn phim với một
tên gọi rất hay “Chúng Tôi Muốn Sống”, Sau 1975 em rất thích phim “Phải Sống” của
Trương Nghệ Mưu.
Chúng tôi muốn sống / We want to live (1956)
Phải sống thôi..
Người dân quê mình không còn hơi sức đâu mà buồn
mà lo lắng, suy nghĩ.
Thời gian để sống dường như càng ngày càng vội
vã mà gông cùm thì siết quá chặt.
Phải chi có anh vào những ngày cuối năm này, em
sẽ dẫn anh đi thăm một nơi mà em rất thích vì nó yên tĩnh, đẹp và buồn.
Đó là nghĩa trang nơi có mộ ba, má, mộ cậu Sáu,
dì Bốn, mộ ông Ba Cà, bà Tám Hương, ông Mười Cảnh… Những người hàng xóm thân
thiết của chúng ta đều có mặt ở đây. Đến đây, anh sẽ nhớ lại những ngày thơ ấu
tươi vui của chúng mình, những đứa trẻ nghèo, thiếu thốn, nhưng được tự do bay
nhảy trong khu rừng nguyên sinh bát ngát tuyệt đẹp của một đất nước tên gọi Việt
Nam.
Em thích nhất là được ngắm nhìn những rặng núi
xanh thẳm buồn buồn, được nghe tiếng những hàng cây rủ rỉ trong gió chiều tịch
mịch.
“Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng yên để nghe”.
Người Về - Phạm Duy - Hà Thanh (Pre1975)
Không đề tên tác giả
304Đen – llttm -YD
* Đăng lại nguyên bản văn gốc nhưng hai chữ “trung
quốc” trong bài, xin nếu được đọc là “Trung cộng”. 304Đen kính cám ơn.
No comments:
Post a Comment