Tuesday, May 25, 2021

Đôi Khi Không Phải Không Bao Giờ - Thuyên Huy

 

Đôi Khi Không Phải Không Bao Giờ

Tình tiết, bối cảnh và nhân vật được viết bằng tưởng tượng tự dựng, để tặng cho một cô giáo.




 

      Từ văn phòng thả bộ lên chợ tỉnh, đường phố tuy nhỏ nhưng xem ra nhộn nhịp, ngựa xe tấp nập hơn là cái quận miền cao, hun hút sương rừng gió núi mà Khôi vừa bỏ đi. Về Bình Phước, Long An, công việc đăng đăng đê đê, đủ thứ, lại đúng lúc mùa bầu cử Hội đồng Xã nên gần cả hai tuần mới tạm ổn, sáng nay sẳn có phần rảnh rổi, Khôi tới thăm ông anh, cùng quê, cùng nghèo, học trên mấy lớp, là thầy dạy thêm toán, không tiền bạc suốt hai ba năm những năm đầu trung học, lâu lắm rồi mới biết tin, giờ là hiệu trưởng trường trung học công lập ở đây.

    Trời sáng trưng, nắng nóng sớm, may nhờ có gió mang hơi nước đầu ngày còn đẩm hơi sương từ hướng sông thổi lên nên cũng mát chút đỉnh, người gánh, người đội, thúng rỗ, bao bị ngược xuôi trên đường vô chợ, tiếng người gọi nhau, ồn ào inh ỏi dưới bến tàu đi Mộc Hóa, qua ngang Thủ Thừa nghe rõ từng tiếng một, mấy cô học trò nhỏ lớn, cười nói mầy tao vang rân từ phía đường quốc lộ đi ngang qua, lại nín bặt, bẽn lẽn gật đầu chào, tới một khoảng vừa xa, họ quay đầu nhìn lại, Khôi nhìn theo mĩm cười.

    Đứng lại ngoài cổng, chờ học trò làm lễ chào cờ buổi sáng trong sân trường xong, tan dần vào lớp đâu đó, Khôi thong thả tìm đến văn phòng hiệu trưởng. Gỏ cửa, đứng chờ, anh Hậu bước ra, hai người ôm nhau mừng rỡ “anh Hậu, Khôi hả” rồi anh kéo Khôi vào trong, nhìn nhau không ai nói thêm tiếng nào, cửa vẫn còn để mở. Chuyện chưa hết, cũng ngày đó bây giờ, quê mình xứ người, có tiếng con gái, không phải áo dài trắng, chắc là giáo sư, bên ngoài, rồi tiếng gỏ cửa, hai người ngồi cùng nhìn ra, anh Hậu không đứng dậy, nhẹ nói vọng ra “vô đi cô”.

    Cũng như anh Hậu, Khôi đứng dậy nhưng không quay ra cửa, ngó nhìn trên tường, tấm hình toàn cảnh ngôi trường, ai đó chụp quá đẹp, Thu Quyên bước vào, trên tay cầm xấp giấy gì đó, anh Hậu kéo thêm cái ghế khác tiếp, cô chưa kịp ngồi xuống, Khôi quay lại, cùng lúc Thu Quyên nhìn qua, cả hai ngạc nhiên chưng hửng, ba bốn năm rồi không gặp, Khôi chợt rờ cái đồng hồ đeo trên tay, món quà mà Thu Quyên đã tặng, bất chợt lòng mình có chút gì đó xao xuyến, cả hai không ai nói được tiếng nào dù chỉ gọi tên, anh Hậu nhìn hết người này tới người kia, ngờ ngợ “ủa hai người quen nhau hả”, không ai trả lời, chỉ gật đầu, rồi ngồi xuống ghế.

   Ra khỏi phòng, ngoài hành lang Khôi bắt tay từ giã, hẹn gặp nhau ở nhà anh Hậu, rồi theo Thu Quyên về lớp học, anh Hậu đứng nhìn theo, thấy Khôi chỉ cái đồng hồ đang đeo trên tay, hai người nói qua nói lại gì đó, nghe loáng thoáng có tiếng cười, một hồi lâu rồi quay vào phòng, bất chợt anh cũng cười.

*

    Qua tết, trở xuống Sài Gòn, chứng hơn tuần lễ, Khôi phải chạy tìm chổ trọ mới vì vài hôm nữa, vợ chồng bác chủ nhà, có cái gác cây lửng, trong con hẻm nhỏ nơi anh ở từ ngày đầu năm học, nằm xế góc Phan Thanh Giản – Cao Thắng, bán cho người khác, dọn về dưới Cần Thơ. Loay hoay, chạy tới chạy lui mấy ngày chưa tìm được, như thường ngày chiều thứ bảy tới quán cơm tháng quen, căn nhà gạch cũ nhỏ, có cái sân rộng và cây xoài cao rậm lá, trong cư xá hỏa xa trên đường Petrus Ký, ngồi ăn, mặt mày lo ra, không cười nói như mọi lần, bác Năm gái chủ quán thấy hơi lạ đem cơm ra rồi ngồi lại hỏi, Khôi thở dài, nói chuyện tìm chỗ ở, nghe xong, bác không nói gì, bỏ đi vào trong nhà, vì phải lo làm cơm cho vài người quen khác vừa tới, một lát sau bác quay trở lại ngồi kế bên, cơm chưa vơi, canh nguội ngắt mà anh vẫn ngồi thừ người nhìn ra đường, chút nắng chiều còn lại lác đác nhạt màu trên sân, đèn chưa lên, trời chập chững, nhá nhem tối.

    Vậy mà Khôi dọn tới ở trọ trong căn phòng nhỏ phía sau nhà bác Năm cũng được hơn một tháng, không còn ăn cơm như khách hàng mà ăn chung với vợ chồng bác, bác năm trai, công chức hỏa xa thời Pháp đã về hưu từ lâu, gia đình chỉ có người con gái duy nhất, dạy trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc nhưng không may bị tai nạn xe trên Lâm Đồng, mất mấy năm nay, nên trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già, cũng có thêm một người cháu gái, độ hơn 30, nhà trên miệt Bảy Hiền, tới giúp nấu nướng rửa rái, quét dọn, sáng tới chiều về mỗi ngày, không ở lại. Biết thân biết phép, ơn trọng nghĩa sâu, ở chừng hai ba ngày, chiều về, ngày nào cũng như ngày nấy, hai bác không cho nhưng Khôi cứ xông vào làm, phụ bưng phụ dọn, chén đủa nước nôi, tay làm miệng nói với những người quen tới ăn cơm tháng, họ cũng xí xô xí xào, chẳng ai lạ gì mà giữ kẻ, riết rồi hai bác đành chịu, chị Hiền, người cháu gái thấy vậy cũng đứng xa mà cười.

    Hai chị em căn nhà lầu phía trước ngoài mặt đường, thường chiều chiều, hai ba ngày thì, không cô chị cũng cô em, tới mua canh mua thịt, thay vì nấu ở nhà, vốn mau mắn, dễ ăn dễ nói, Khôi làm quen không khó hai cô nàng, mỗi khi giao đồ ăn, Khôi không nói gì về mình nhưng có lẽ họ đã biết anh là ai, học hành cái gì nên xem ra cũng một anh hai anh, vì mỗi lần trả tiền cho bác gái, anh thấy họ nhìn về phía anh lăng xăng dọn dẹp bàn ghế ngoài sân, chào người này người kia, nói qua nói lại khá lâu. Thôi cũng được, nếu vậy đở cho anh phải giới thiệu cái “sơ yếu lý lịch con nhà nghèo nhà quê”.

*

    Quen nhau rồi biết tên, dạn dĩ, tự nhiên, chuyện qua chuyện lại, chuyện học hành chuyện đường phố, gia đình có hai chị em, ba, bác tư Tuân cũng là công chức hỏa xa, ở nhà ga Đà Lạt, cũng về hưu sau bác Năm trai một hai năm, hiện hùn hạp với ai đó có vườn cam lớn dưới miệt Cái Bè, mẹ lo chuyện nhà, theo đạo Phật, thường đi chùa Xá Lợi ngày lễ ngày Rằm, gia cảnh tương đối khá giả, Thu Quyên, cô chị học năm thứ ba đại học Sư Phạm, Thu Trang, cô em còn đang lẩn quẩn với lớp 11 trường Nguyễn Bá Tòng. Cả hai đều đẹp, mắt to đen tuyền, má lúng đồng tiền, không sinh đôi nhưng trông khá giống nhau, dễ thương, dễ mến. Ba mẹ hai cô tánh tình hết sức cởi mở, vui vẻ niềm nở, không biết hai chị em về có nói gì đó về Khôi không, và với hai vợ chồng bác Năm, hai nhà xem ra thân thiện, nhiều lần bác Năm gái cười cười bảo anh là, “bên đó tính mời con hôm nào qua chơi đó nghe”.

    Rồi những ngày sau đó, gia đình hai chị em có thêm một người quen chung đường chung bước, bữa cơm chiều nhiều khi bên nhà hai bác Năm không có Khôi, vợ chồng ngồi ăn mĩm cười nhìn ra ngỏ trước, mừng cho thằng nhỏ, anh đang ngồi ăn nhà bên đó, phố xá Sài Gòn giờ có thêm hai cô một cậu đi về, che nắng trốn mưa giữa giòng người ngựa xe xiêm áo, câu ca tiếng hát. Cũng từ đó, hôm nào vắng bóng Khôi, những hôm anh về quê thăm nhà, với hai bác Tuân, và cả bên quán cơm hai bác Năm, đều đi ra đi vào, trông trông ngóng ngóng, thứ bảy chủ nhật đó hai chị em thấy Sài gòn đâu có gì vui, hai bên nhà, bên này Khôi hởi bên kia Khôi ơi. Cũng có nhiều lần, trong bữa cơm chiều, bác Năm trai, xem ra thích thú nói với Khôi “bên đó chắc là đã chấm con cho con bé Thu Trang rồi đó”, anh nghe cười trừ, giựt mình nhưng thật lòng mà nói, sau ngày quen biết hai chị em, anh cảm thấy mình có vẻ, không chắc lắm, có cảm tình với Thu Trang hơn một chút, phần Thu Quyên thì như lẽ thường, một chị hai chị như mọi người, nói thì nói vậy chứ anh chưa nghĩ tới chuyện thích ai hơn ai bao giờ.

    Những gì có thể đã thật sự xảy ra, xong mùa thi cuối năm học, nghỉ hè, bải trường, rồi bây giờ cuối Hạ, đầu năm học mới, Thu Trang lên Đệ Nhất, chị Thu Quyên năm cuối, về thăm nhà vài hôm trở xuống chuẩn bị rời Sài Gòn đi địa phương thực tập. Mấy ngày gần đây, hai bác Năm rù rì nhỏ to gì đó có vẻ lo lo lắng lắng, mặc dù chuyện để căn phòng cho Khôi ở mỗi khi trở về Sài gòn đã tính xong rồi, hơi là lạ nhưng không dám hỏi, Khôi cũng để ý, nhưng chẳng lưu tâm, đôi lúc thấy, khi thì Thu Trang, khi thì chị Thu Quyên, ngồi nói qua nói lại gì đó với bác Năm gái, xem ra tâm sự hơn là chuyện trời chuyện đất như mỗi khi.

       Buổi sáng, ngồi ăn sáng với hai bác Năm, trước khi xách túi ra bến xe đò đi Cần Thơ, bác Năm gái chậm rãi nói cho Khôi nghe, bác trai ngồi nhìn chỉ cười nhưng xem ra có phần ưu tư trong cái cười đó, không ngờ và không bao giờ nghĩ ra, ‘hai chị em, cô chị cô em, đứa nào cũng thương con hết, nói để con liệu mà tính”. Khôi chết trân cười trừ, bữa ăn sáng bỏ lửng ở đó khi hai chị em nói cười bên nhau, đi qua, theo ra bến xe, tiễn anh như đã tính. Chuyến xe đò giữa trưa chầm chậm rời bến, hai chị em đứng bên lề vẫy tay, không thấy ai buồn, ngồi trong xe Khôi cũng vẫy tay nhưng lòng từ đó bổng dưng buồn lo, một cái buồn lo khó tả mang theo trên suốt đường dài. Rồi ngày tháng cứ theo đó mà qua dần, sự có mặt của Khôi ở hai bên nhà mang đến nhiều vui, có trọn vẹn hay không chưa biết nhưng chưa thấy buồn, dường như đường phố Sài Gòn cũng vui lây, đôi khi, với riêng anh, bất chợt nhớ lời bác Năm gái nói, anh càng thêm lo, lo một mai cho cái gì đó xảy ra, cái gì đó sẽ làm vở tan mọi thứ vốn đã êm ả từ bao lâu nay.

    Nghỉ Tết, buổi sáng trước khi ra bến xe về quê, ngồi ăn sáng, cũng như những buổi ăn sáng trước đó, bác Năm trai ngồi nhìn ra đầu ngõ, không nói gì, bác Năm gái đưa cho Khôi một cái hộp nhỏ, gói bằng giấy màu đỏ, cho biết là món quà Tết mà Thu Quyên cho anh và rồi không nhìn Khôi nhưng cũng nhìn ra đầu ngỏ như bác trai, chậm rãi “Thu Quyên có tâm sự với bác mà không dám nói với ba mẹ mình, nó thương con, con ơi”, Khôi ngừng ăn, chết cứng, bất động, ngỡ ngàng nhìn hai bác mà không nói được tiếng nào. Xách túi qua bên nhà hai bác Tuân chào từ giã, cả nhà chuẩn bị đi chùa, nên hai chị em không theo đưa,  đứng trước hiên nhà, Thu Trang cười đưa Khôi cái thiệp chúc Tết, bỏ trong bao thơ có thêm tờ giấy mỏng màu xanh lá cây, chị Thu Quyên nhìn, không nói gì, cười nhẹ, trời nắng sớm, đường vắng người vắng xe, Khôi có chút thẩn thờ, khỏi một khoảng không mấy xa, trên xích lô nhìn lại, còn chị Thu Quyên vẫn một mình đứng đó nhìn theo, bỗng dưng Khôi sợ ngày trở xuống Sài Gòn hơn bao giờ hết.

*





    Tết năm đó, tết Mậu Thân, quân Bắc Việt tổng tấn công hầu hết miền Nam, ngay cả Sài gòn, quê nhà của Khôicũng chịu cùng số phận, đường xá kẹt cứng, hai bên đánh nhau ác liệt, người dân thị thành, nhất là ở Sài Gòn, giờ mới tận mắt thấy cái gọi là chiến trường máu lửa, cái mà từ lâu họ chỉ nghe loáng thoáng xa xa tiếng đại bác vọng về và màu vàng ánh sáng hỏa châu chập chờn lẻ loi trên trời, cũng vàng vỏ như màu đèn đường phố, ở một nơi nào mà không chắc họ biết gọi đúng tên. Sài Gòn tan hoang từ Chợ Thiếc, Phú Lâm, từ Bảy Hiền qua ngã tư Hàng Xanh, từ ngã sáu ngã bảy qua Thị Nghè Khánh Hội, súng nổ đạn rơi, lửa thiêu rụi nhà cửa, đường phố một màu u ám, suốt mấy ngày, quân phương Bắc tưởng như mình có cái gọi là “đại thắng” nhưng cuối cùng, tàn cuộc họ thua trận, rút đi bỏ lại xác lính mình, tả tơi manh áo, trước sự chống cự mãnh liệt của quân VNCH. Khôi kẹt lại mấy ngày ở nhà, dưới quê, trên tỉnh, chỗ nào cũng vậy, đường về Sài Gòn không đi được, rồi mọi chuyện cũng yên, Khôi hối hả trở xuống để kịp đi Cần Thơ vì đã qua Tết mấy hôm rồi.

    Sài Gòn giờ mới trở lại đời sống ngày cũ, khu cư xá hỏa xa Petrus Ký bị đạn pháo kích, hư hại và cháy rụi, gần như không còn cái nhà nào nữa, Khôi mang túi xách, người đạp xích lô nhận tiền, nhìn vào rồi nhìn Khôi, ông nói thêm sau hai tiếng “cám ơn”, lắc đầu, thở dài “có nhiều người chết, người ở đây đi hết rồi, không còn ai”. Khôi vụt đi nhanh tới đầu cái ngỏ, đúng như người đạp xích lô nói, căn nhà của hai bácTuân không còn gì, trừ một bên tường, nám đen trơ vơ thãm nảo, nhà hai bác Năm cũng không khác hơn, cây xoài rậm lá chỉ còn cái gốc lớn còn mùi than nguội, nhiều người đi lên đi xuống giữa gạch vụn, tro ngói hoang tàn, tìm tìm kiếm kiếm gì đó, chắc là người sống ở đây, anh lần theo, hỏi xem họ có biết gì về hai gia đình này không, họ lắc đầu xin lỗi. Khôi đứng thẩn thờ bên lề đường, mắt đỏ hoe cay xé, “hởi người năm cũ bây giờ ở đâu?”, chiếc xe tuần cảnh chậm qua ngang, người cảnh sát ngồi nhìn, lắc đầu rồi khuất dần cuối đường, anh nhìn theo bật khóc.

    Khôi vào ở tạm với mấy thằng bạn không về quê trong khu nội trú, chạy lòng vòng, đầu trên ngõ dưới, không tìm ra được thêm tin tức của hai gia đình hai bác Tuân và bác Năm, cuối cùng xót xa đành chịu. Suốt nửa năm còn lại, khắc khoải sầu khi ở dưới Cần Thơ, quặn thắt lòng lúc lang thang trên đường phố Sài Gòn, đầu hè cuối năm học cư xá hỏa xa chưa xây cất lại, vẫn là bải đất trống mênh mông, nằm lạnh lùng giữa những con đường quen, đã dập dìu người xe từ lâu lắm rồi. Vào học trở lại, không còn phải lo chỗ ở, vào nội trú ở căn phòng bỏ trống của một anh khóa trên ra trường, chuyện gặp lại hai chị em chị Thu Quyên, Thu Trang và gia đình cũng như vợ chồng bác Năm vẫn canh cánh trong lòng, cứ chần chừ nấn ná, thật lòng anh chưa hề nghĩ tới tình cảm thương yêu gì cả, hiện  giờ thì tìm ra họ, nếu cố gắng cách này cách nọ, không lâu thì mau, cũng không khó lắm nhưng chuyện chị Thu Quyên mà bác Năm gái nói trước đây làm anh lo, đắn đo hoài là nên hay không, cứ vậy mà hẹn lần hẹn lựa khi nào thuận tiện thì tính.

*

    Vậy mà cũng gần cuối năm học, tình cờ, buổi chiều đứng mua bánh mì thay cơm, ở góc đường Cao Thắng Phan Thanh Giản, gặp lại một chị quen, cũng ở trong cư xá hỏa xa và thường đến quán cơm bác Năm mua đồ ăn, mừng quá, hai chị em hỏi qua hỏi lại, nhà chị cũng bị cháy hôm Tết, hiện ở nhà mướn trong hẽm, có chiếc xe bán thịt bò vò viên bên cạnh rạp hát Đại Đồng, nhờ chị, Khôi biết được chỗ ở bác tư Tuân, cầm khúc bánh mì trên đường trở về trường, rưng rưng nước mắt.

    Đứng xớ rớ trước căn nhà nhỏ trong cái hẽm rộng vừa đủ để hai ba người đi, Trần Khắc Chân, đầu đường Nguyễn Biểu, góc Võ Di Nguy, trời cũng sắp chiều, định hỏi thăm bà cụ đang ngó ra cửa sổ bên nhà đối diện thì từ bên trong bác tư gái bước ra, cầm cái giỏ, Khôi mừng hết nói gọi nhỏ “bác Tư”, cùng lúc bác nhìn sững “ủa con, Khôi đây hả”, bác quay vô nhà “thằng Khôi ông ơi, thằng Khôi” rồi trở vô. Ngồi bên nhau, hai bác không nói gì về nhà cháy, chạy loạn Mậu Thân mà cứ hỏi Khôi hết chuyện học hành tới chuyện ăn ở, rồi anh cũng nhắc lại chuyện tìm đến cư xá hỏa xa, không còn ai, may gặp người quen hỏi thăm mới biết nhà, không lâu Thu Trang đi đâu đó về, vẫn nụ cười xưa, giọng nói cũ, cô nàng vồn vã “anh Khôi anh Khôi”, Khôi ở lại ăn cơm chiều hôm đó.

    Chủ nhật hôm sau trở lại nhà Thu Trang, như đã hứa với hai bác Tuân, cũng bữa ăn chiều lần nữa, Khôi biết tin Thu Trang chuẩn bị đi Pháp du học sau mùa thi cuối năm nay ở trường Dược, chị Thu Quyên ra trường, dạy ngoài Vũng Tàu một năm nay, không phải chỉ có vậy mà hai bác muốn gặp lại Khôi, chuyện ngoài những gì anh nghĩ tới. Thu Trang cho biết hai chị em đều thương anh nhưng lại giữ kín cho riêng mình vì không ai muốn người khác buồn, cứ như vậy cho tới bây giờ, giờ thì chị đi xa, nay mai Thu Trang cũng đi, xa hơn chị ngàn dặm, xa lâu lắm, cứ tưởng là không còn dịp gặp lại Khôi nhưng gia đình vẫn hy vọng có ngày và ngày đó là đây, Thu Trang hy vọng anh hiểu cho chị Thu Quyên, quên đi cái thư màu xanh mà cô đã đưa hôm Khôi về quê ăn Tết, nếu một mai còn nghĩ tới duyên nợ, chừng đó đủ cho gia đình vui rồi, suốt buổi, Khôi lặng thinh ngồi nghe, không biết phải nói gì vì thật lòng anh chưa dám nghĩ tới, cái đồng hồ đeo trên tay tưởng chừng như run rẩy.

    Ra về, cả ba đưa Khôi ra tới ngoài đường Nguyễn Biểu, Thu Trang đi phía sau, hai bác kế bên, bác gái nói nhỏ “con hiểu chuyện rồi đó, tùy con”, Khôi nghẹn lời không nói trọn tiếng “dạ”. Đầu hè, Khôi đến thăm hai bác Năm, ở tạm với chị cháu gái, người thường xuống phụ ở quán cơm nhà trên Bảy Hiền, nhờ bác tư Tuân chỉ chỗ, gặp lại nhau mừng vui không ít, Khôi không quên cho hai người biết, đã đến thăm gia đình hai bác Tuân, đã gặp Thu Trang và biết những gì trước đây đúng như bác Năm gái nói, ở không lâu Khôi ra về, hẹn sẽ đến nữa khi trở xuống Sài Gòn.

    Dưới quê ba Khôi dạo này già yếu đi, mệt mõi nhiều, ho cảm liên miên, tiền bạc xem ra khó khăn hơn, sẳn có tiệm thuốc tây quen trong chợ quận cần người phụ bán, Khôi đến làm, ít nhất cũng kiếm thêm một chút tiền, đở cho ba mình lúc này, chờ ngày tốt nghiệp tính sao, định là chỉ về vài ngày nhưng vậy mà ở quê, đi làm cũng gần ba tháng, khi trở xuống Sài Gòn, tạt qua nhà hai bác Năm, biết tin Thu Trang đã đi Pháp giữa mùa hè rồi. Khôi cũng định là gặp lại ba mẹ Thu Trang nhưng, dù hiện chưa thật nghĩ tới chuyện đã xảy ra, anh cảm thấy ái ngại là sẽ gây thêm phiền toái cho người và cho cả mình, thôi thì, Khôi tự nói với lòng, để cho hai tiếng định mạng, Khôi quyết định không đến nữa. Ngày ra trường, lên cao nguyên mưa rừng nắng núi, Khôi lẳng lặng bỏ Sài Gòn và chưa có lần gặp lại họ từ ngày đó.

*

    Từ sau hôm đến nhà anh Hậu ăn bữa tiệc mừng sinh nhật cháu gái lớn, trên đường phố không mấy người của cái tỉnh nửa quê, nửa chợ Long An,  chiều chiều giờ tan trường, khi nắng ngấp nghé loáng thoáng chùng xuống bên kia sông Vàm Cỏ Tây, người ta thường thấy giữa đám học trò, trắng một màu áo,  tản ra như bầy ong vỡ tổ, cô giáoThu Quyên cười nói bên ông phó Khôi cùng đi về phía con đường nhỏ cuối chợ, nơi có cái căn nhà gạch bạc màu nâu, trồng đầy hoa Móng Tay sân trước, chỗ mấy cô giáo khác từ tỉnh xa về dạy ở trọ.

Thuyên Huy 

Xứ người, những ngày cuối năm 2020, nhớ chuyện cũ.

No comments: