Saturday, May 8, 2021

Vẫn Là Chuyện Của Người - Thuyên Huy

 

Vẫn Là Chuyện Của Người

Chuyện Một

    

    Trong chợ làng, có thể nói không sai, chị là người xấu nhất, có lẽ do “trời bắt xấu”. Người chị béo mập, thấp lùn, mặt tròn to, mũi tẹt, nước da đen hơn bánh ít nhưng được một cái chị rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, thưa gởi dạ thưa, chăm chỉ làm lụng, ít khi ra ngoài, đánh đôi đánh đọ nên chẳng làm phiền ai. Người ta không biết chị sinh đẻ ở đâu, chỉ biết chị là con nuôi của hai bác Tư, căn nhà mái tôn, vách thiếc, cách nhà lồng chợ một con đường đất mòn, có sân trước rộng, chạy dọc theo bờ mương, ngó xéo qua dãy tiệm quán bên kia phố.

   Nhà cũng đủ ăn, hai bác có chừng chục mẫu ruộng, cho người ta mướn đâu đó bên miệt dưới. Hai bác có mỗi một người con trai duy nhất nhưng không may, anh mất khi vừa lên ba tuổi vì bệnh sốt xuất huyết, chết trên đường xe lam chở tới bệnh viện quận lúc chưa kịp nửa đêm, chừng hơn một năm sau, thì chị từ đâu đó chừng sáu bảy tuổi, về ở với ông bà, láng giềng xung quanh từ đó có thêm một con nhỏ họ luôn miệng gọi “con nhỏ con bác tư ruộng” mà không gọi tên.

    Hai bác cho chị đi học trường làng, học ráng lên tới lớp ba, chậm hiểu, chữ vào chữ ra, học hơi dỡ, dù hai bác khuyến khích đủ thứ, cũng không khá hơn, thôi thì chị biết đọc biết viết chút đỉnh, dăm ba chữ thì tốt rồi, đành để chị bỏ học, ở nhà phụ giúp lặt vặt, cũng ngộ, xem ra chị không có gì nhớ gì buồn, dù trống trường mỗi ngày sát cạnh nhà, nghe vẳng vẳng bên tai, với chị không có mùa hè không có hoa phượng nở.

    Rồi chị lớn lên, vốn đã xấu giờ lại xấu thêm, mấy người, trai gái cùng tuổi chị trong những ngày tiểu học, giờ người đã làm cô giáo, y tá, hay đã có chồng, có vợ, chị vẫn quạnh quẽ một mình, người trong chợ ngồi lê mách lẽo, họ thì thầm rù rì rủ rỉ chê chị “xấu quá chắc không ai thèm ngó” hay “chắc đành phải ế thôi” nhưng không dám to tiếng ra mặt vì vẫn còn kính nể hai bác Tư, vì họ, đã từng nhờ hai bác giúp, nhất là đám nhà nghèo ấp dưới, tuy không nhiều nhưng cũng qua được những cơn túng thiếu.

    Chị biết chứ, nhưng chị làm ngơ, chị vẫn cười tươi như đã từng cười khi mới về chợ làng, mỗi khi gặp mặt nhưng nếu nhìn cho kỹ, nhất là những buổi chiều tàn, lùa đàn gà vào chuồng, đếm cho đủ số xong, nghỉ tay, thấy chị đứng bên góc cây chùm ruột góc sân sau nhìn mông lung xa xa, một nơi nào đó không ai biết, lưa thưa gió chiều thổi qua đầu, lùa mớ tóc dài rối, ít khi chảy gọn, lòa xòa che không trọn hết đôi mắt, đôi mắt chị buồn dịu vợi, buồn se thắt, buồn nảo nuột.

    Cũng may, không lâu sau đó, chị có người thương, anh là con trai một của hai vợ chồng nhà trồng xà lách trên miếng đất nhỏ, ở cuối ấp, bên ngoài bờ rào ấp chiến lược bị tháo bỏ từng mãnh từ mấy năm trước, không mấy xa, bán ở chợ làng, như chị, không may anh cũng xấu, một chân một tay có tật, đi cà nhắc, miệng hơi méo, nói tiếng mất tiếng còn, nhưng hai người lại phải lòng nhau, vì lẽ nào không biết rõ, chỉ biết là lúc này, bác tư gái hơi yếu, chị đi chợ sáng thường hơn trước và người ta thấy chị thường đứng hơi lâu nơi chỗ bán xà lách. Vậy là dân chợ làng có thêm chuyện để xầm xì, nói gần nói xa “nồi nào úp vun nấy”, anh chị không màn, nghe đó, nhưng cứ tản lờ không nghe, cười vui với số phận trời định, bên nhau cuốc đất, nhổ cỏ ở miếng đất trồng xà lách.

    Cũng như các nơi khác, chiến tranh bắt đầu lớn dần sau vài năm chỉ có tiếng súng lẻ tẻ xa xa, quân du kích gì đó từ cái gọi là “mật khu”, nhiều lần về đêm tràn vào chợ làng, súng đạn đầy người, đánh nhau với lính nghĩa quân VNCH, đèn tắt, cửa đóng sớm hơn trước. Một ngày, buổi sáng, sương mù mờ, mặt trời chưa lên hẳn, mới hé chút xíu hừng đỏ bên kia sông, có tiếng nổ lớn vang trời ngoài phía hàng rào bờ ấp chiến lược, gần chỗ trồng xà lách, người trong chợ làng, ùa chạy ra đó, xác anh chị nằm chéo nhau, đầy máu, trên luống đất còn dấu mới xới lên, ướt đẩm sương đêm, vì trái mìn nổ không biết do bên phía nào, du kích hay lính nghĩa quân gài còn xót lại, tung lên sáng hơn cả sấm chớp.

    Anh chị chết bên nhau, trước ngày hai bên gia đình định làm cái lễ nhỏ, cho hai người nên vợ nên chồng, một hai bữa.

   

Chuyện Hai

 

    Trong đám cùng quê cùng làng lên trung học trường tỉnh, bốn năm đứa, Triệu là thằng ít nói nhất, cười mĩm nhiều và đặc biệt là cái gì cũng từ từ, từ đi đứng tới hành động, không có gì đối với nó là vội vàng, hối hả cả. Lên tỉnh, cả bọn đều ở trong ký túc xá của trường, không cần lo chuyện chỗ ăn chỗ ở, trong cả đám chỉ có một đứa học giỏi là con của nhà khá giả ở chợ xã, mấy đứa còn lại trong đó có Triệu, học hành cở trung bình, khi vầy khi khác, nhưng năm nào cũng lên lớp, vẫn chơi thân, giúp nhau chuyện này chuyện kia, kể cả chia nhau mấy cái thứ quà ăn lặt vặt mỗi khi sáng lên những khi chiều xuống.

    Ở mấy năm lớp dưới, không nghe nó có nói câu gì đáng để người ta nhớ lắm nhưng tới cuối năm đệ tứ, không biết nó có ý gì hay đã thấm nhuần lý lẽ đất trời, chắc không phải vậy vì ít khi thấy nó đọc sách, ngoại trừ ba bốn cuốn truyện trinh thám này nọ, mỗi khi thấy ai đó lăng xăng, hối hả, lo chuyện này trễ nãi, chưa xong chẳng hạn, ngay cả giờ cơm ở ký túc xá, nó cũng từ tốn, cười cười lập tới lui cái câu “đời phù du mà”, do câu nói đó  mà bạn bè, gắn cho nó cái biệt danh “Triệu phù du” cho tới cuối mùa thi Tú Tài Một.

    Đầu năm Đệ Nhị, sau buổi lửa trại của trường, coi vậy dù đời phù du, nó để ý tới một cô học lớp Đệ Tam, dễ thương lắm, cô này hát bài tình ca gì đó trong buổi văn nghệ, vậy là biết thương, biết yêu, không lâu nó lại làm quen được và xem ra cô này cũng có vẻ thích nó, những chiều chờ giờ cơm, bạn bè giờ thấy nó đôi khi ngồi nhìn xa xa “sầu tư biếng lự”, nhưng nó cũng cứ từ từ như thường, bạn bè nói ra nói vô, thúc nó tiến tới nhanh tay kẻo vụt mất “theo gió ngàn bay”, nó cứ cười “đời phù du, có gì đâu mà hối hả”. Đôi khi thấy nó đi bên cô gái đó, chiều trên đường tan trường về, thấy nói qua nói lại, nó có nói nhưng không ai biết nó nói gì.

     Rồi theo chu kỳ năm tháng, cuối năm Đệ Nhị, mùa hè đến, phượng nở ve kêu, học trò sân trường, bảng đen phấn trắng, buồn buồn hát bài “Nổi buồn hoa Phượng”, lớp nhỏ, ngây thơ, nắn nót, lựa màu chuyền nhau viết lưu bút, lớp lớn cũng viết nhưng lời lẽ của tuổi biết buồn, tuổi ngấp nghé sắp làm người lớn. Nó cũng vậy, cũng viết gì đó trong cuốn lưu bút mà cô con gái Đệ Tam trên trang giấy màu xanh hy vọng, viết xong xem ra nó hài lòng, chắc là làm thơ nhưng không chịu đưa cho đám bạn cùng quê xem, hỏi tới hỏi lui thì vẫn cứ như cũ, cười mĩm với ba chữ “đời phù du”.

    Tựu trường trở lại, mùa thi xong, không may đám bạn nó, ba thằng rớt Tú Tài Một, trong đó có nó, nó không buồn không trách trời cao đất rộng, hai người đậu, trở lại trường năm Đệ Nhất, ba người kia cũng trở lại trường nhưng đứng ngoài cổng rào, chào giã biệt ngôi trường, lớp học trước ngày vào lính, cũng hôm đó, nó biết tin cô con gái lớp Đệ Tam đã lấy chồng về xứ khác.

    Ra trường Hạ sĩ quan, nó về một tiểu đoàn Địa phương quân, ở một quận nhỏ, nghèo nàn miền Tây. Một buổi sáng trời nắng sớm, nó cùng vài người lính khác, ngồi uống cà phê, ở cái bàn đặt bên hông nhà lồng chợ của cái tiệm bán cơm duy nhất trong quận, bị hai tên du kích chạy xe gắn máy Honda ngang, quăng mấy trái lựu đạn nổ tung rồi biến mất cuối chợ, không may, mấy người lính khác bị thương nhẹ, và có lẽ số mệnh đã dành hai chữ “phù du” cho nó từ ngày còn nhỏ, nó gục chết dưới đất. Nó, “Triệu phù du” không còn nữa trên cõi đời khi tuổi vừa qua mười chin.

   

Chuyện Ba

 

    Nhà hắn bên này chợ, mỗi sáng cứ thức sớm, ra cầu đò chờ mấy thằng bạn cùng lớp theo chuyến đò ngang từ cù lao bên kia nhánh sông, không rộng lắm, chưa có cầu qua đi học, hắn không hẳn là khoái mấy thằng bạn này nhưng thật ra là hắn thầm để ý nhỏ con gái, áo dài trắng bông bưởi, tóc dài đen mướt, học chung trường, dưới lớp, thường ngày đi đò sang, đón cùng chuyến xe đò nhỏ “Traction 403”, chiếc xe đò của của ông bác tư già, đậu ngay đầu chợ, đi xuống trường trung học quận.

    Chuyến đi chuyến về, chuyến sáng chuyến chiều, xe cũng ít khi có khách lạ, cũng chừng đó người trong xã, đám học trò như hắn thì vẫn như vậy dù cho xuân có đi hay thu có về, ngay cả chỗ ngồi cũng cứ thế. Mỗi môt ngày đi học với hắn là môt ngày vui, ngồi cuối cái băng ghế bên này lén trộm nhìn chỗ đầu cái băng ghế bên kia, gần cửa ngăn nơi chú tài xế, nơi cô con gái bên cù lao ngồi, vài phút cũng đủ cho hắn có một giấc mơ đẹp, êm ái suốt đêm.

    Vậy rồi hắn cũng quen được và đã đưa nhau về đón nhau đi, mấy thằng bạn ngày nào lúc này đã trở thành chuyện của người dưng nước lã, nhưng vẫn còn là cái thuở ban đầu thôi chứ chưa có thề nguyền hẹn ước, nói nôm na là chút tình bạn thân, mặc dù hắn đã thương mất rồi nhưng chưa dám nói ra.

    Giữa mùa hè vài năm sau, năm cuối của trung học, sau ngày theo ba mẹ hắn về dưới quê nội, chừng hơn mười mấy ngày, trở lại nhà, buổi sáng, hắn theo đò ngang qua cù lao, cũng cái nắng của những ngày mới quen, trời âm ấm và lòng hắn cũng ấm, vội vã theo con đường đất quen, hai bên vẫn còn những cụm hoa dại vàng nở rộ, thong thả, ngay ngã ba, căn nhà của cô con gái đóng kín cửa, hoa cỏ trước sân vườn héo hắt úa rũ, hắn đứng tần ngần trước cái cổng rào cây lỡ, chờ một hồi đủ lâu, nhà vắng không người. Mưa từ cuối sông lớn ngoài kia bổng chợt lất phất về ngang, ướt sương sương trên đầu, hắn thẩn thờ nhìn ra nhánh sông nhỏ quen, con đò ngang đã qua bên kia bến chợ, mắt cay xé mắt. Cô con gái mà hắn thương thầm chưa kịp ngỏ đã theo gia đình rời cù lao, dọn đi xa, xa đâu đó tận ngoài miền biển mặn, một lần đi không một lời chia tay, một lời hẹn hờ.

   Mấy năm sau, một hôm buổi sáng trời sáng rực, trải dài một màu vàng ấm trên sân trường tiểu học xã, một cái xã hiền như cục bột, không xa không gần tỉnh thành lắm, học trò đã vào lớp từ lâu, một mình hắn đi qua đi lại trước cửa văn phòng, vui ra mặt, nhìn ra cổng chờ, chờ đón một cô giáo mới ra trường về nhận lớp ba, mà hắn phải dạy tạm hơn cả tháng rồi ngoài bổn phận của “ông hiệu trưởng”, tiếng dễ gọi của cha mẹ học trò nhà quê, đồng chua nước mặn, cua ruộng cá rạch. Hắn đứng khựng, chết trân, trước bực thềm, cô giáo mới, cô con gái của cái cù lao bên kia sông quê nhà ngày cũ, cũng không khác gì hắn, cô giáo mới cũng chết trân, bỡ ngỡ cả hai nhìn nhau không nói được gì hơn là hai tiếng gọi tên.

    Nắng lên cao thêm, cái nắng lấp xấp trưa, đong đưa len vào song cửa sổ, chen màu  áo cô giáo mới làm căn phòng ngập một trời tình hồng, không biết họ đã nói với nhau những gì nhưng, khi tiếng chuông reo báo giờ ra chơi, người ta thấy “ông hiệu trưởng” đứng bên cạnh cô giáo mới, có mấy cô khác vây quanh, cười khúc kha khúc khích ở một góc sân trường, dưới bóng mát tàn cây Phượng già vừa thay màu lá muộn, đám học trò chạy qua chạy lại, cũng cười rộn rã gọi cô gọi thầy, từ đó mấy cô dạy chung không gọi tên cô giáo mới nữa mà gọi cái gì đó khác, ai cũng biết tại sao.

 

Chuyện Bốn




 

    Bà ngồi bên này băng ghế, nhìn qua phía đối diện, chuyến xe đò nhỏ từ Sài Gòn về quê chiều nay vắng, không đông khách, hai đứa nhỏ, chắc là hai chị em, vì mặt trông giống nhau, đứa lớn độ chín hay mười, thằng nhỏ cũng không hơn bốn, ngồi hai bên người ni cô mặc áo nâu sồng bạc màu, cả ba lặng thinh nhìn ra xa, mấy cánh đồng ngoài đó, mùa này sau mùa gặt, khô cằn, trơ trơ gốc ra, chưa hẳn chiều nhưng mặt trời dường như ngấp nghé bỏ đi sau một ngày như mọi ngày. Bà về quê thăm mộ người thân, chứ không phải là người ở dưới đó, thấy hai đứa nhỏ dễ thương quá, nhất là nụ cười vô tư của thằng con trai, thắc mắc chợt lóe lên trong đầu, bất chợt khơi chút tò mò, bà khẻ xách túi vải mang theo, xề qua phía đó, làm dấu xin làm quen, bà ngồi xuống kế bên thằng nhỏ, người ni cô gật đầu cười đáp lễ, đứa con gái vẫn im lặng, hai người lớn nói qua nói lại, tiếng mất tiếng còn vì tiếng máy xe ầm ầm lùa vào bởi những luồng gió, những luồng gió ngược.

    Bà tới chùa thật sớm như đã hứa với người ni cô trên chuyến xe về quê chiều hôm qua, chùa nhỏ nghèo nàn, phong rêu xưa cũ, nằm chơ vơ, lẻ loi núp mình sau hai cây đa lớn, hàng cây Gòn rào xung quanh, ngó ra nhánh sông, bề ngang đủ rộng cho con đò ngang mõi tay chèo. Bà đến, hai đứa nhỏ nhớ mặt, đã có dạ thưa rồi, chạy ra vòng tay chào, người ni cô đứng ngay đầu lối đi nhỏ tới hậu liêu, hai người đi trước, hai đứa nhỏ quay lại chạy ra sân, tiếp tục việc quét lá chưa xong.

    Ngồi bên trong hậu liệu, cả hai, người kể chuyện và người nghe chuyện đều khóc, hai đứa nhỏ nhà ở cuối dòng của nhánh sông, phía cái ấp nhỏ, nghèo như người trong ấp, cha mẹ chết đuối khi chiếc xuồng ba lá đi quăng câu, bị dòng nước xoáy mạnh trong một buổi chiều giông bão lớn, ngay khúc sông trước sân chùa, ụp xuống thình lình giữa mùa mưa tháng Sáu, mưa gió ngập trời nước cuồn cuộn như lụt lũ, dân trong làng hai bên sông, tay hò miệng hét, người ghe người lội, túa ra, cuối cùng mấy giờ sau, và cho tới mấy ngày sau không tìm được xác, chắc có lẽ đã trôi ra ngoài biển, người ni cô làm lễ cầu siêu mấy ngày, viết tên họ trên tấm bài vị bằng cây, để trên cái bàn nhỏ, gần chánh điện. Hai đứa nhỏ mồ côi, người ni cô đem về chùa nuôi hơn hai năm qua.

    Hai đứa nhỏ theo bà về Sài Gòn, gọi bà ngoại, bà không giàu có gì, nhưng cái gánh chè bà bán mỗi chiều chạng vạng, từ đầu hẽm tới cuối hẽm, con hẽm dài quanh co như rắn, nối hai con đường lớn, nhộn nhịp người xe, xuôi ngược, đi về cũng làm bà đủ ăn ngày hai bữa. Căn nhà cây nhỏ, e dè nép mình giữa hai căn tường lầu khuất nắng, bà mua được từ lâu lắm rồi, trước thì vắng tanh, ra vào một mình thui thủi giờ tiếng nói tiếng cười vang rân, bà vui như chưa được vui từ ngày người con gái duy nhất của bà, mất vì một tai nạn lật xe đò, trên đèo gì đó từ ngoài miền Trung, trong chuyến mang trà thuốc về Sài Gòn bán như thường lệ, cô mất lúc vừa tròn hai mươi, trên bàn thờ cô vẫn cười, cái cười ngày cô còn sống.

     Bà cho hai đứa đi học ở trường tiểu học khu ngã ba ngoài đường lớn, đi bộ không xa, ê a cũng vui nhà vui cửa, chiều nào cũng vậy, cơm nước xong, bà quảy gánh chè đi bán, đi cho quen, biết đường biết ngõ, đứa chị theo nói cười luôn miệng, thằng em ở nhà, đóng cửa, chờ họ về, thường là về sớm. Những lúc nấu chè, chờ chín, hai chị em loanh quanh, bà dạy cách làm cách nấu, sắp xếp chén muỗng, nước nôi cho hai cái thùng đầu gánh, mười một tuổi rồi, bà tin rằng, là con gái nữa, chắc nó biết và nhớ.

    Bà ngoại mất mấy năm sau, đứa chị lên trung học, thằng em lớp nhì tiểu học, ngoại nghèo,sau ngày bà mất mấy hôm, trong hộc tủ, chỗ hai chị em chưa dám tới gần, đứa chị tìm thấy một cái bao vải đen bạc màu nhỏ có dây cột kín, không biết ở trong hộc tủ bao lâu rồi, trong đó có chừng mấy ngàn đồng tiền giấy và miếng giấy có chữ viết tay của bà ngoại “để dành cho hai con”, đứa chị cầm bao vải, hai chị em ngồi bệt xuống nền nhà, ôm nhau gọi “ngoại hởi ngoại ơi”, khóc sướt mướt. Những ngày sau đó, cũng gánh chè cũ, cũng buổi chiều khi phố sắp lên đèn, đi bán trong hẽm như ngày nào, nhưng người gánh chè không phải là bà ngoại nữa, mà là đứa chị, đứa con gái mồ côi vừa lên mười lăm.

    Một ngày trước Ba Mươi Tết, đứa chị dắt đứa em đón xe đò về quê, mang theo tấm hình ngoại và người chị gái con bà để trên bàn thờ, về tìm lại người ni cô và ngôi chùa năm xưa. Hai chị em ở lại chùa tới qua ngày mùng Hai Tết, trước khi về lại Sài Gòn, hai chị em đứng trước sân chùa, ngay bờ sông, chấp tay xá một hơi, lạy không biết bao nhiêu lần, mỗi lần là một lần khóc, người ni cô đứng phía sau cũng khóc. Người ni cô xưa giờ cũng già yếu, trong chùa từ hôm đó có thêm hai bài vị, tiếng mõ cầu kinh buổi chiều thường ngày, kéo dài thật dài và buồn nảo lòng hơn trước.

   

Thuyên Huy

Viết bằng tưởng tượng, cho những người ở quê nhà xưa, có thể mình là người trong chuyện, xứ người 2020.

 

  

No comments: