Tuesday, November 30, 2021

Niệm Khúc Đời - Thuyên Huy

 Nim Khúc Đi




 













Ta về đứng giữa dốc đời

Nhìn hoàng hôn nhốt tuổi người chung thân

Tiếc gì thuở biết ngại ngùng

Chấp tay lạy tạ hư không bụi trần

Trả đời một nửa nợ nần

Cố gom góp lại chỉ ngần ấy thôi

Tình xa cũng đã xa rồi

Đâu đây trống giục liên hồi gọi tên

Ngày sau nếu lỡ lầm quên

Thì thôi cứ đó để mình nhớ ta

Đường thiên thu chẳng còn xa

 

Thuyên Huy

Trên dốc đồi Lake Boga chiều chờ nắng tàn 2019

Cho Tôi Được Một Lần - Thuyên Huy

 Cho Tôi Được Một Lần

Nhớ quán nhỏ góc ngã ba đường, ngó ra cổng trường trung học Tây Ninh những năm sáu tám sáu chín





 















Cho tôi được một lần

Ngồi bên hiên quán cũ

Thu vàng chiều bâng khuâng

Nhìn em về cuối phố

 

Gió lùa áo tan trường

Trắng đôi tà khép nép

Chênh chếch bóng trên đường

Em chân chim lá xếp

 

Tôi buông theo dòng đời

Miệt mài chưa trở lại

Làm kẻ lạ xứ người

Vẫn nhớ em ngày ấy

 

Cho tôi được một lần

Biết thương chưa kịp ngỏ

Nhìn theo mà ngại ngần

Chiều nào hiên quán cũ

 

Nửa bải chia nắng chiều

Em không về cuối phố

Cho nhìn em một lần

Một lần thôi cũng đủ

 

Thuyên Huy

Xứ người Thu 2020

Bên Con Đường Sắt - Thanh Tịnh

 

Bên con đường sắt



 

Đường từ huyện Sơn-hải về làng Mỹ-lý có hai ba ngả. Ngả tiện và gần nhất là con đường mòn đi băng qua làng Thanh-ý. Con đường này đi qua một cánh đồng ruộng mênh mông rồi lẩn lút trong đám tre xanh chừng nửa dặm trước khi vươn mình qua sông Phù Mỹ.

 

Thanh Tịnh

 

Qua khỏi sông thì gặp ngay con đường sắt chắn ngang nên con đường mòn lại nhập với con đường lớn đi thẳng về làng Mỹ-lý. 

Bên con đường mòn, dưới bóng một cây bàng cao lớn, một cái quán tranh đã điểm một chấm đen bên lưng đồi sỏi trắng. Cái quán ấy trở mặt nhìn con đường sắt cách xa đấy không đầy một trăm thước. 

Ba năm về trước, người ta có dựng lên ở vùng này một cái ga tạm. Nhưng sau nhận thấy khách lên xuống ở ga ấy ít quá nên lại bỏ đi. Thật ra lúc mới dựng ga thì quang cảnh chung quanh không đến nổi lạnh lùng quá. 

Lúc nào khách bộ hành cũng qua lại tấp nập, và bao nhiêu đường ở làng Mỹ-lý đều quay đầu về ga ấy hết. 

Dân trong làng thấy ở địa phận mình có cái ga ấy thì vui thích lắm. Họ thường lên xuống để xem tàu chạy và để nhìn những dân mấy làng bên cạnh qua lại ở làng mình. Được thấy những người lạ mặt ấy họ vui mừng và sung sướng vì họ cho là điềm thịnh vượng của dân cư và sự vẻ vang của làng nước. 

Hồi ấy trong làng có một cô gái bán gạo trông xinh tươi và thùy mị. Cô ta ở một mình với người em trai vì cha mẹ cô qua đời lúc cô mới mười bốn tuổi, cô ta bán gạo để nuôi em đi học và để trả những món nợ của cha mẹ để lại. Thấy cách bán gạo kiếm tiền không được mấy, nên cô ta dọn một cái quán gần bên ga. 

Nghỉ bán gạo ba hôm, cô Duyên – cô ấy tên Duyên – đã dời được cái nhà của cô đem ở khít bên đồi sỏi trắng. Mấy tháng đầu, cô ta buôn bán thịnh vượng lắm. Cô chỉ chuyên bán cơm quán cho những khách lên xuống tàu nên quán cô ta lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào.

Tiếng mõ đầu làng mới trở canh ba, cô Duyên đã phải dậy nấu cơm để cho những người đi chuyến tàu bốn giờ sáng. Ngày đêm cô ta chỉ lấy những chuyến tàu qua lại để làm chừng. 

Cô ta tiếp đón khách qua đường vui vẻ và chân thật nên ai cũng bằng lòng. Riêng các cô gái trong làng thì không ai ưa tính tình thẳng thắn của cô Duyên. Họ quen ra vào trong những nếp nhà nghi lễ gắt gao nên họ cho lối tiếp khách của cô Duyên trông không được đứng đắn lắm. Gặp nhau trên con đường đi xuống chợ hay giữa quãng đồng lúa chín, họ thường khúc khích cười rồi bảo thầm với nhau những câu rất khó chịu: 

– Được duyên số như cô Duyên thì thà chịu phận hẫm duyên hờn còn hơn. 

Một cô khác lấy nón che miệng cười, nói tiếp: 

– Các chị em chớ nói đùa! Trong chị em mình chị nào ế chồng thì lên quán cô Duyên cô sẽ chia bớt chồng cho. Vì quán cô Duyên thì đa nhân duyên lắm đấy! 

Mỗi lần những tiếng ấy đến tai cô Duyên thì cô chỉ mỉm cười rồi lật đật đi tìm việc để làm chứ không bao giờ cô chịu bận lòng để ý đến. 

Một hôm trời chưa tảng sáng, ở trước quán cô có người gọi cửa. Cô lật đật ngồi nhỏm dậy rồi đưa hai chân xuống giường sờ soạng tìm đôi guốc. Tiếng gõ cửa càng nghe càng manh hơn trước. Cô Duyên vừa lấy diêm thắp đèn vừa tươi cười hỏi bỡn: 

– Quí khách nào đấy? 

Ở bên ngoài có tiếng đáp: 

– Quí khách đến mở hàng cho cô đây. 

– Vâng cháu sắp mở cửa. Ngài cần dùng gì? 

Tiếng ở ngoài nghe the thé và có vẻ gắt gỏng khó chịu:

– Cần dùng ngủ lại với chủ quán một đêm.

Nhận được tiếng cô Lân, một người bạn gái xưa kia cùng ở một xóm, cô Duyên mừng lắm: 

– Cô Lân đấy phải không? Đi đâu mà khuya thế? 

Tiếng bên ngoài lần này đổi ra giọng mỉa mai: 

-Vâng, con Lân đây, nhưng làm trò gì ở trong lại để tôi phải gọi rát cả cổ. Hay chị bảo tôi là khách đàn bà… nên chị không tiếp. 

Dứt tìếng nói thì tiếp đến tiếng guốc kéo thiệt nhanh đi về phía ga rồi im bặt sau hàng thông cao vút. 

Cô Duyên biết cô Lân nói mỉa mình nhưng cô cũng không buồn cãi lại. Vì cô chán biết không ai muốn tin đến tấm lòng nhi nữ đã ẩn được thanh bạch trong túp lều tranh mục nát. Nhưng lúc cô vừa đặt mình xuống giường thì tự nhiên hai mắt cô lại chan hoà cả nước mắt. Lần này cô tủi vì đời cô không có người che chở.

Người thường đi lại quán cô ta nhiều bận nhất là thầy xếp ga. Thầy này cứ ngày hai buổi đến ăn cơm ở quán cô Duyên, còn đêm thì ngủ lại trong ga tạm. Thầy ta tên Trưu, tính tình lúc nào cũng vui vẻ và hiền từ. Đến mấy bận ở quán cô Duyên, thầy đã đem lại cho cô quán trẻ tuổi lắm ý kiến hay và sáng suốt. Thày Trưu khuyên cô Duyên nên cho người em trai đi học chữ Pháp vì Hán-văn đã mất hết vẻ thông dụng của thời xưa rồi. Cô Duyên lúc nào cũng sẵn sàng nghe lời thầy Trưu vì những ý kiến tươi sáng của thầy ta lúc nào cũng kèm theo những ý kiến xa xuôi về cuộc nhân duyên tình ái. 

Lửa ái ân của hai ngựời mới bắt đầu nhóm thì một chuyện không hay bất ngờ xảy ra. 

Cách ga tạm ở làng Mỹ-lý ba cây số, có một cái ga lớn ở chính giữa làng Kỳ-lâm. Dân vùng quê thường tính lợi hại từng li từng tí nên họ không chịu lên tầu ở ga Mỹ-lý nữa. Vì chịu khó đi đến ga Kỳ Lâm thì họ được lợi bốn xu. Vì vậy mà ga tạm ở làng Mỹ-lý trở nên hẻo lánh và quang cảnh chung quanh cũng mất vẻ sầm uất. Một vài cái quán nước gần ga đã bắt dầu dời đi nơi khác. 

Qua mùa đông năm ấy, thầy Trưu được giấy bổ vào Nha-trang. Nhà ga tạm Mỹ-lý từ đấy trở nên chỗ trú ngụ của bọn dân nghèo khổ. Quán cơm cô Duyên cũng vì thế mà trở nên buồn tẻ. 

Nhưng cô Duyên nhứt định không chịu giỡ quán đem về làng. Cô ta đoán biết trước những vẻ mặt khinh khỉnh, những lời nói mỉa mai của lắm người không ưa cô ta ngày trước. 

Khách bộ hành càng ngày càng thưa thớt dần, nhưng cũng may những người làm ruộng thường ghé lại quán mua nước hay khoai nên nghề buôn bán của cô Duyên cũng tạm gọi là sống được. Rồi ngày hai buổi, lúc nghe tiếng còi tàu văng vẳng bên đồng xa, cô Duyên lại lững thững đi lên trước sân ga tạm cũ để nhìn tàu chạy. Tiếng máy chạy đều đều của con tàu từ phương xa đi lại đã hoà nhịp với tiếng đập mạah của quả tim cô. Lần nào cô ta cũng hy vọng thầy Trưu sẽ trở về với cô, với cái quán tranh tựa bên đồi sỏi trắng. Nhưng lúc không nhận thấy một mặt nào quen trên chiếc tàu đang vùn vụt chay, cô ta lại buồn rầu nhìn xuống đất để âm thầm tự hứa sẽ lên ga đón chiếc tàu sắp đến. Trong lúc ấy thì sau lũy tre già, con tàu ngạo nghễ phụt vài lớp khói lên không và thét lên một chuỗi tiếng dài để ra oai với quãng đường muôn dặm. 

Qua mùa đông năm sau, giữa một đêm mưa gió dầm dề, cô Duyên chợt tỉnh nghe bên ngoài có tiếng gọi. Cô ta đưa hai tay dụi mắt rồi sờ soạng trong bóng tối để tìm lối đi. 

– Cô Duyên ơi! Cô còn thức hay ngủ? 

Nhận được tiếng thầy Trưu, cô Duyên mừng quá run cả người. Cô ta phải vịn vào cột để giữ hơi thở mạnh và để lấy giọng điềm nhiên trả lời: 

– Thày Trưu đấy phải không? 

Bên ngoài tiếng thầy Trưu đáp lại hơi run run: 

– Phải tôi đây, cô mở cửa nhanh cho tôi vào với. 

Tấm cửa tranh vừa mới hé mở thì thầy Trưu nhanh nhẹn bước chân vào. Một luồng gió tràn vào mạnh đã làm tắt cây đèn để trên ngựa. Cô Duyên loay loay đi tìm diêm để thắp lại. Cây diêm đã kề ngọn lửa bên bấc, nhưng vì tay cô Dayên run quá nên cây đèn vẫn chưa chịu đỏ.

Lúc ánh sáng lù mù đã toả ra khắp nhà, thầy Trưu mới đến vắt cái áo tơi trên lưng ghế, rồi đăm đăm đứng nhìn cô Duyên không chớp mắt. Gương mặt cô Duyên tuy không tươi bằng trước, nhưng cái duyên xưa, cái duyên mộc mạc trên đôi môi hồng thắm, trên cặp má núng đồng liền vẫn còn mơn mởn như đoá hoa hồng buổi sáng. Thấy đồ đạc trong nhà ngổn ngang và đầy bụi bặm, thầy Trưu cũng đủ biết cảnh nhà cô Duyên ra thế nào rồi. Biết cô Duyên ngượng vì mình đứng nhìn quá lâu, thầy Trưu đưa tay phủi bụi mưa trên cái mũ dạ để tìm vài câu hỏi. 

Sau một lúc đứng yên, thầy Trưu ngập ngừng lên tiếng trước:

– Độ này cô làm ăn có khá không? 

Được dịp ngẫng đầu lên, cô Duyên đưa cặp mắt nhung nhìn thầy Trưu từ đầu xuống chân, rồi e dè sẽ đáp: 

– Làm gì mà khá bằng trước được. 

Thầy Trưu cũng biết mình đã hỏi một câu thừa nên đứng yên không hỏi nữa. Thấy bút nghiên chữ Hán để bên cây đèn, thầy Trưu sực nhớ đến người em trai của cô Duyên nên vội hỏi: 

– Em Nhàn năm nay lên lớp mấy rồi? 

– Em Nhàn đã trở lại học chữ Hán mấy tháng nay. 

Ngạc nhiên thầy Trưu hỏi dằn từng tiếng: 

– Học chữ Hán? 

– Vâng, vì sách học chữ Pháp bán đắt tiền quá, nhà nghèo em mua không nổi. 

Nhận thấy cảnh túng bấn của cô Duyên, thầy Trưu ngậm ngùi thở dài, yên lặng. 

Biết mình vô tình để thầy Trưu đứng lâu quá, cô Duyên xoa tay tươi cười nói: 

– Mời thầy ghé ngồi tạm đã. 

Như người tỉnh mộng, thầy Trưu giật mình đưa trái cánh tay nhìn đồng hồ rồi nhìn cô Duyên nói khẽ:

– Cô Duyên ạ, tôi cũng không ngờ đêm hôm nay lại gặp được cô. Vì hôm qua được giấy đổi ra Vinh, tôi phải đáp chuyến tàu suốt đi liền. Nhưng gần đến trước ga tạm Mỹ-lý, con tàu lại bị chết máy. Thừa dịp ấy tôi vội vàng xuống thăm cô. Thật tôi không ngờ quán của cô lại còn ở đây. 

Cô Duyên nghẹn ngào nhìn thầy Trưu. Cô đang thầm cảm ơn Trời Đất đã bắt con tàu chết máy, thì văng vẳng ở bên đồng xa, tiếng còi tàu lại thét lên trong đêm vắng. 

Thầy Trưu giật mình cúi xuống vớ cái áo tơi rồi tiến đến nắm tay cô Duyên cúi đầu sẽ nói: 

– Máy tàu họ đã chữa được rồi. Thôi xin chào cô, ngày gặp gỡ trăm năm xin chờ hôm khác. 

Nói xong thầy Trưu quay lưng đi ra cửa thật nhanh để dấu hai hàng lệ đã tràn trề trên má, trong lúc cô Duyên đứng chơi vơi nhìn theo với cặp mắt đẫm lệ và với tấm lòng tan nát. 

Ngoài trời hạt mưa đêm vẫn còn rì rào trong bụi tre gần bên quán. 

Từ đấy về sau, mỗi lần chuyến tầu đêm đi qua trước sân ga Mỹ lý, cô Duyên lại tưởng trái tim cô ngừng đập. Vì lúc nào cô ta cũng tưởng tượng đến ở máy tàu ngừng kêu, và bên ngoài có tiếng người gọi cửa. 

Nhưng sự thật thì con tàu vẫn vùn vụt đi qua giữa những cảnh đồng hoang vắng, giữa những đêm mưa gió dầm dề, lạnh lùng và mãnh liệt. 

Thanh Tịnh

Nguồn: Thanh Tịnh, Quê Mẹ, NXB Bút Việt, 1975.

304Đen – llttm -sgtc

 

Người Mẹ Già - Bùi Phạm Thành

 

Người Mẹ Già






Ngày xửa ngày xưa, bên Nhật, ở dưới chân núi nọ có một ngôi nhà nhỏ, nơi đó có một anh nông dân trẻ và người mẹ già của anh ta. Họ có một mảnh đất nhỏ để trồng trọt rau cỏ, cây trái mà sinh sống, và như thế, hai mẹ con họ sống rất êm đềm và hạnh phúc.
Hai mẹ con người nông dân đó sống dưới quyền cai trị của một vị sứ quân. Ông ta là một võ sĩ đạo, thế nhưng lại có tư tưởng rất hẹp hòi về những người bệnh hoạn và yếu đuối. Bởi thế, ông ta đã truyền ra một mệnh lệnh rất tàn nhẫn. Toàn thể dân trong vùng phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh là, ngay lập tức, phải giết chết tất cả những người già cả. Trong thời bấy giờ, con người vẫn còn man rợ, và phong tục phế bỏ người già, để mặc cho chết là chuyện thường tình. Thế nhưng anh nông dân này thì rất yêu kính mẹ của anh ta, nên cảm thấy rất đau buồn về lệnh của vị sứ quân. Tuy nhiên, không ai dám trái lệnh của sứ quân, bởi vậy các người trẻ không thể làm gì khác hơn là chuẩn bị một cái chết êm đẹp nhất cho cha mẹ già của họ.
Vào lúc chiều xuống, ngay sau khi xong công việc đồng áng, người nông dân lấy một số gạo thật ngon, đây là loại thực phẩm chính của nông dân nghèo thời bấy giờ, nấu chín, rồi nắm lại thành nhiều nắm cơm, và dùng vải buộc thành một dây đeo quanh cổ, cùng với những bầu đựng nước ngon ngọt nhất mà anh ta có thể tìm thấy. Thế rồi anh ta cõng người mẹ già trên lưng và bắt đầu một cuộc hành trình đau thương nhất trên đời, leo lên đỉnh núi. Con đường lên núi thì thật dài, nhỏ hẹp và chằng chịt với những lối đi được tạo nên bởi những kẻ đốn cây hay săn thú rừng. Thế cho nên, người nông dân đã bị lạc ở một vài nơi, nhưng anh ta vẫn len lỏi và cố gắng để có thể leo lên đỉnh núi, nơi có tên là Obatsuyama, có nghĩa là "nơi phế bỏ người già."
Trái với sự mệt nhọc của người con, đôi mắt vẫn còn tinh anh của người mẹ già đã nhìn ra những rắc rối, khó khăn của những con đường leo núi chằng chịt. Lòng mẹ thương con khiến bà ta nghĩ rằng con trai mình sẽ, không những, gặp khó khăn trên đường xuống núi, mà có thể bị lạc vào những con đường nguy hiểm. Thế cho nên bà đã, lặng lẽ, cố gắng vươn cánh tay già nua, yếu đuối để bẻ những nhánh cây, vứt xuống đường làm dấu.
Sau cùng thì người con đã cõng mẹ lên đến đỉnh núi. Người nông dân, trong lòng đau sót vô cùng nhưng vẫn nén lòng để sửa soạn cho mẹ mình một một chỗ nằm cuối cùng thật yên ấm. Anh ta thu góp những lá thông để làm làm thành một chiếc nệm thật êm và đặt người mẹ nằm trên đó, rồi với dòng nước mắt chan hoà trên mặt, anh ta vái lạy từ biệt người mẹ thân yêu.
Với giọng nói run rẩy, và tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ, bà ta dặn dò người con lần cuối 
"Con hãy cẩn thẩn thận trên đường về. Đường lối chằng chịt, dễ bị lạc. Mẹ đã bẻ nhánh cây vứt xuống đường làm dấu, con cứ theo đó để về nhà an toàn."
Người con rất ngạc nhiên quay lại nhìn con đường núi vừa đi qua và đôi tay gầy guộc của mẹ già với hàng trăm vết trầy xước còn rướm máu. Quá đau sót, anh ta quỳ xuống đất, với giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt 
"Lòng mẹ thương con quả là bao la như trời biển. Con không thể để mẹ ở nơi này. Nếu sứ quân có xử con tội chết, thì con sẽ cùng chết bên mẹ."

Và như thế, dưới ánh trăng soi đường, người nông dân cõng mẹ xuống núi trở về ngôi nhà nhỏ của họ ở dưới chân núi. Rồi thì anh ta cố gắng che dấu người mẹ, cho dù phải sống trong sự sợ hãi bởi mệnh lệnh của vị sứ quân. Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Một hôm vị sứ quân, vì muốn chứng tỏ quyền uy tối thượng của mình, đã ra một mệnh lệnh kỳ quặc rằng người dân sống dưới quyền cai trị của ông phải làm cho được một sợi dây bằng tro.
Nghe qua lệnh này tất cả người dân trong làng đều run sợ. Bởi vì họ phải tuân lệnh của sứ quân một cách tuyệt đối, thế nhưng làm sao có được một sợi dây bằng tro? Đêm nọ, người nông dân than thở với người mẹ về lệnh của sứ quân. Người mẹ nói rằng 
"Con không nên quá lo lắng. Hãy chờ ta một chút. Hãy để ta suy nghĩ." Ngày hôm sau, người mẹ bảo con "Hãy bện một sợi dây bằng rơm, rồi để trên một phiến đá, sau đó đốt cháy nó."
Người nông dân đem lời khuyên đó nói với dân trong làng, và kết quả là sau khi đốt thì quả nhiên có một sợi dây bằng tro nằm trên phiến đá.
Vị sứ quân rất hài lòng và khen ngợi người nông dân trẻ tuổi, và hỏi rằng từ đâu một người trẻ tuổi như anh nông dân này lại có một kiến thức thông minh như thế. Người nông dân kính cẩn 
"Thưa tướng quân, tôi không dám dấu ..."
Và anh ta đã nói rõ sự tình. Vị sứ quân lắng nghe câu chuyện, và sau một khoảng thời gian cúi đầu suy ngẫm, ông ta ngửng mặt lên tuyên bố 
"Sự khôn ngoan không phải chỉ có ở giới trẻ. Trong giây phút, ta đã quên rằng 'Bên dưới mái tóc bạc trắng như tuyết là cả một kho tàng về kinh nghiệm và sự khôn ngoan.'"

Kể từ đó, cái luật lệ quái ác kia đã bị bãi bỏ, và câu chuyện này được truyền tụng lại ngàn sau như một chuyện ngụ ngôn để người đời suy ngẫm.

Bùi Phạm Thành
(ngày 11 tháng 9 năm 2021)

Chuyển ngữ theo The Aged Mother của tác giả Matsuo Basho (1644 - 1694)

Matsuo Bashō, born Matsuo Kinsaku, then Matsuo Chūemon Munefusa, was the most famous poet of the Edo period in Japan. During his lifetime, Bashō was recognized for his works in the collaborative haikai no renga form; today, after centuries of commentary, he is recognized as the greatest master of haiku.
https://americanliterature.com/autho...he-aged-mother

304Đen – llttm - YD

Đường Thi Chuyện Bên Lề - Võ Kỳ Điền

 

Đường Thi Chuyện Bên Lề




 

Tiết Phụ Ngâm

 

Chuyện chữ nho, nói ra không hết. Cũng không biết tại sao tôi lai đâm ra mê thơ Đường một cách điên cuồng. Nhớ lúc mới bắt đầu học ban Việt Hán ở Đại học Sư Phạm tôi có một anh bạn thân cũng có chung một niềm say mê y như vậy. Nhà anh ở một ngõ hẻm đường Trần Hưng Đạo, gần Đại Thế Giới miệt Chợ Lớn, vô sâu chừng vài trăm mét. Vào một buổi trưa tôi đi kiếm nhà bạn để mượn bài vở. Lần lần kiếm từng số nhà. Quanh qua quẹo lại, đường xá ở đây như là một nùi chỉ rối. May quá, qua một khúc quanh tôi tìm ra dãy phố nhỏ nầy với số nhà chính xác. Nhìn kỹ thì thấy cái ổ khóa to chần dần trước cửa. Thấy mà tức ứa gan. Làm sao bây giờ, bạn không có nhà, mà cũng không biết phải làm sao. Tôi bèn lượm một cục gạch bể định ghi vài dòng nhắn tin lại. Đương loay hoay thì cạnh bên có một cô người Tàu xinh xinh, khá đẹp mở cửa nhà đi ra. Tôi dọ hỏi thì cô không biết tiếng Việt. Thôi đành. Cầm cục gạch, tôi viết lên cửa cái bốn chữ Hán: Hận Bất Tương Phùng. Cô Tàu nhìn sững tôi và vừa bỏ đi vừa ngoái nhìn lại. Tôi vẫn nhớ hoài ánh mắt ngạc nhiên đó, cho đến bây giờ.

Các bạn biết tại sao không? Vì đó là bốn chữ trích từ bài thơ Tiết Phụ Ngâm của thi sĩ Trương Tịch đời Đường. Nguyên câu là “Hận bất tương phùng vị giá thì”. Có nghĩa là Giận mà không gặp lúc em chưa có chồng. Viết như vậy tôi cho là đối với anh bạn chủ nhà thì là tiếc không được gặp, còn đối với cô Tàu hàng xóm xinh xinh nầy là phải chi tôi gặp cô ta sớm hơn lúc còn son… Cô nhìn tôi lom lom chắc là do ý nghĩa câu thơ Tiết Phụ nầy hay là cô hoài nghi trình độ chữ Hán chỉ mới học được vài tháng của tôi?

Bài thơ Lô Sơn của Tô Thức

 

Cũng lại ba cái chuyện thơ Tàu. Các bạn đừng trách nhen. Hình như tôi bị ghiền nó như ghiền thuốc phiện vậy. Hồi nhỏ mê thơ Tàu, về già mê phim bộ, cũng là của Tàu. Sao mà kỳ cục quá, có gì hay đâu sao mà mê man, chết lên chết xuống, kỳ cục thiệt. Bạn bè nghe qua ai cũng tức cười.. Rồi học gì không học lại đi học ba cái chữ nho rắc rối, hèn chi cả đời rắc rối, cho tới già rồi vẫn còn bị tiếp tục rắc rối. Tính đổi sang sở thích khác chuyện Tây, chuyện Mỹ cho vui . Nào ngờ loanh quanh cũng lại chuyện Tàu. Y như phim bộ nhiều tập, phải nhịn cơm, nhịn nước mà coi. Rồi lại tại nhớ tới bài thơ mắc dịch nầy. Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nhận định, phân tách nghe đã thiệt là đã! Các bạn muốn biết thì tìm vô Google kiếm bài Lô Sơn của Tô Thức (Tô Đông Pha) mà coi cho sướng cái bụng. Xin chép ra đây bài thơ:

Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt dị
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều

 

Thiền Sư Mật Thể đã dịch như thế nầy

Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang

 

Nếu bàn về những cái tuyệt diệu của bài thơ nầy thì phải cần bao nhiêu trang sách báo cho đủ. Nội hai đại danh Tô Đông Pha với Thiền Sư Mật Thể nghe qua là muốn té xỉu rồi. Thiệt tình là không dám… dù chỉ một lời. Với tài hèn sức mọn nầy, công lực bún thiu nầy, biết lấy gì mà thưa thốt. Tuy vậy cũng rón rén nói một ý, tuy không ăn nhập gì với bài thơ. Đi tới Lô Sơn rồi về vì không có gì lạ hết. Sắc tức là không, mà không tức là sắc. Có và không đối đãi nhau. Cái tâm khi động khi tĩnh nhưng thật ra chỉ có một, có khác chi đâu, ngó tới ngó lui. Lô Sơn cũng vẫn là Lô Sơn, coi chi cho mất công. Thiên hạ ca tụng tầm bậy tầm bạ không hà, đâu có chi lạ mà coi. Chán ơi là chán. Vậy thì tôi không thèm đi Lô Sơn ở Triết Giang, nằm nhà tán gẫu với bạn bè, thì hình như sướng hơn, có lợi hơn vì đỡ vất vả, trèo đèo lội suối, không phải tốn kém mà lại đỡ bực mình. Lý luận ngu ngu như vậy, các bạn thấy được không, xin thành tâm chỉ giáo. Còn bạn nào có hưỡn,muốn đi chơi Lô Sơn xem cảnh đẹp như lời đồn đãi, thì tôi không cản, cứ đi đi rồi về kể lại cho tôi nghe với. Nhớ chụp ảnh quay phim cho nhiều rồi sang cho một bản. Tại hạ muôn vàn cảm tạ!

Cố Hương, Tạp Thi của Vương Duy

 

Sáng nay thức sớm, đọc được nhiều thơ bạn bè đồng nghiệp, cùng học trò cũ quê nhà. Vui buồn lẫn lộn. Đâm nhớ bài thơ cổ của thi sĩ Vương Duy đời Đường:

quân tự cố hương lai
ưng tri cố hương sự
lai nhật ỷ song tiền
hàn mai chước hoa vị

Bài thơ rất đơn giản dễ hiểu, nghĩa là vầy:

bạn từ quê hương đến
ắt biêt rõ chuyện quê hương.
hôm trước tựa cửa sổ,
thấy hoa mai nở hay chưa ?

 

Tứ thơ của bài nầy là: thấy hoa mai nở hay chưa? Và nhãn tự của câu nầy là chữ Chước, cũng đọc là trước, có nghĩa là “nở”. Thơ Đường nhiều bài đơn giản lắm, chữ dùng đơn giản, ý nghĩa đơn giản… y như anh em mình nói chuyện. Cứ đọc thơ Lý Bạch, Đổ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Vương Hàn, Mạnh Hạo Nhiên… thì tháy ngay. Không có khó khăn rắc rối như thơ bây giờ, chữ dùng nghe mà thấy sợ. Trở lại chuyện tại sao tôi nhắc đến bài thơ nầy. Bỡi vì gần bốn mươi năm xa quê, tôi chưa một lần về. Phải chi không về mà không nhớ thì cũng đâu có sao. Cái nầy không về mà lại nhớ, nhớ quay nhớ quắc … Cái rắc rối là ở chỗ nầy. May nhờ có facebook gặp lại rất nhiều bạn đến từ cố hương, lòng tôi không còn gì sướng hơn nữa. Chuyện của bạn thì biết đã đành rồi nhưng đóa hoa cạnh nhà bạn…. mà có một thời tôi đi tới đi lui, đi qua đi lại để ngắm, không biết bây giờ đã nở hay chưa, còn trên cành hay đã rụng mất tiêu rồi.. Tôi hoàn toàn không biết gì hết trơn hết trọi. Chờ câu trả lời bạn thân, trái tim tôi đập trật nhịp, tuy là đã rất già, rất già. Có bạn trả lời tôi rất an tâm, có bạn nói, tôi đã khóc, khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Những người thương yêu cũ, hồn ở đâu bây giờ. Òu sont les neiges d,antan!.

Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn

 

Lại chuyện chữ nho. Do học văn thơ Trung Hoa nên tôi rất thích cây cỏ hoa lá xứ nầy (xin mời bạn đọc bài Thảo Mộc Trong Cổ Văn VN ). Cây Ngô Đồng và hoa Mẫu Đơn được giới văn nhân xứ nầy yêu thích nhất. Qua các thư tịch kim cổ, chúng ta đọc tới đọc lui nếu không bắt gặp cây nầy thì sẽ thấy được hoa kia. Hình như ở xứ Trung Hoa không có cây và hoa nào khác vậy.

Hồi nhỏ khi học thơ Lưu Vũ Tích, tôi thích bài Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn:

Kim nhật hoa tiền ẩm
cam tâm túy sổ bôi
đản sầu hoa hữu ngữ
bất vị lão nhân khai

 

Nguyễn Hoàng đã dịch như thế nầy:

vài chén bên hoa nở
cũng đành say bên hoa
chạnh buồn e hoa nói
đâu nở cho người già

 

Hồi đó tôi cho là tác giả dùng chữ đơn giản, câu thơ đơn giản, bất cứ ai đọc cũng có thể hiểu được dễ dàng. Nhưng thiệt ra có phải như tôi nghĩ đơn giản vậy không? Đến bây giờ tôi đã là một ông già, đọc lại tứ thơ.. đâm lạnh toát mồ hôi:

đản sầu hoa hữu ngữ
bất vị lão nhân khai

(chạnh buồn hoa biết nói,
không nở vì ông già)

 

Đôi khi có dịp tôi cũng biết ngắm hoa. Hoa đẹp trong vườn và hoa đẹp nằm phơi nắng trong sân cỏ, balcon. Hình như ngàn năm trước thi sĩ Lưu Vũ Tích viết riêng bài nầy cho tôi. Câu thơ cứ lãng vãng trong đầu và khi thấy hoa đẹp tôi bèn quên mất, cứ mãi mê ngắm nhìn như lúc tuổi mười tám. Và khi nhớ lại thì đau thiệt là đau, hoa đẹp đâu nở vì ông già… Như tôi bây giờ!

 

Võ Kỳ Điền

Từ trang QGHCUC

 

 

Monday, November 29, 2021

Cám Ơn - 304Đen

 

Cám Ơn

Xin được gởi tới Quý Anh Chị và Bạn Bè gần xa lời cám ơn thật tình, đã dành chút thời giờ quý báu vào xem trang 304Đen trong suốt thời gian qua.

Trang 304Đen