Thầy
Hoa lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời quang mây và nắng chan hòa ngoài kia.
Hai con sóc đuổi nhau trên cành cây nghiêng qua khung cửa sổ. Trong lòng, thầy
có cả chút ngọt ngào lẫn cay đắng.
Có
tiếng lịch kịch trong bếp, giờ này bà Hiên, vợ thầy đang lo bữa trưa. Vẳng
tiếng phim bộ léo nhéo. Bà Hiên vẫn vậy, thích vừa xem phim, vừa làm gì đó. Đó
cũng là niềm vui riêng của bà sau những giờ trồng cây, nhổ cỏ chăm bón ngoài
vườn. Thầy Hoa ít khi tham dự vào những sinh hoạt của vợ. Thảng hoặc, thầy cũng
ngồi xem phim với bà, nhưng thường bỏ cuộc nửa chừng vì không xem liên tục,
chẳng hiểu đầu đuôi. Với lại, khi không có phim mới, bà lôi phim cũ ra xem đi
xem lại. Bộ phim bà ưa thích nhất là phim “Bản Tình Ca Mùa Đông.”
Từ
ngày hai vợ chồng về hưu, thì giờ như nhiều ra. Mấy đứa con gắn cable, mua TV
đời mới, màn ảnh rộng, gắn trên tường. Thường ngày, mỗi buổi sáng, sau khi đi
bộ chừng nửa giờ quanh xóm, thầy bắt đầu theo dõi thị trường chứng khoán, mua
bán cổ phần các công ty. Thầy ăn cũng nhiều, mà thua cũng lắm. Thầy coi đây như
một thú vui, cũng là cách thử thách sự nhạy bén của trí tuệ. Thầy vẫn thường tự
hào sau hơn hai mươi năm trong thị trường, thầy về hưu với tình trạng tài chánh
tương đối khá, một phần nhờ vào đầu tư. Bà Hiên không hiểu nhiều về cái gì gọi
là đầu tư, tiền kiếm được sau bao năm lăn lộn trong nghề nail, bà nhốt hết vào
mấy cái CD và trương mục tiết kiệm của ngân hàng, tiền lời dư cho bà mua mấy
băng hay dĩa phim truyện bà thích, hay thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bạn bè và
bà con. Thầy cũng chẳng phản đối gì việc làm của bà, vì thầy cho rằng, bà có
quyền hưởng thụ thành quả công việc của bà sau hơn hai mươi năm nơi xứ người.
Công bình mà nói, công sức của bà nhiều hơn của thầy, ít ra từ ngày hai vợ
chồng cùng bốn đứa con thành công trong cuộc vượt biên do người học trò cũ tổ
chức.
Giai
đoạn đầu, nhờ khả năng Anh ngữ, thầy sớm gầy dựng một cuộc sống tương đối thoải
mái cho gia đình. Vài năm sau, bà Hiên học nail, đi làm, mở tiệm… thừa thế đang
có, bà học luôn nghề tóc, mở tiệm tóc… làm nhiều, khai ít, tiền mặt không bao
giờ thiếu. Ngày hai ông bà về hưu, bà sang lại cả bốn tiệm vừa nail vừa tóc,
thu về gần triệu bạc, gửi ngân hàng. Các con lần lượt hoàn tất đại học, đi làm,
lập gia đình ra riêng, bỏ lại hai ông bà sống trong một căn nhà bốn phòng, hai
tầng trị giá gần ba trăm ngàn đã trả đứt.
Lòng
kính nể của bà Hiên đối với thầy cũng giảm dần, cùng nhịp với sự thành công về
tài chánh của bà. Tình yêu và lòng kính trọng chồng cứ mòn dần với thời gian.
Bà cũng không nhận ra là từ lúc nào bà không thấy những lời nói của ông là cần
phải nghe nữa. Có lần, bà nói thẳng giữa đám bạn bè trong một tiệc cưới:
-Nghe
lời ổng, không chừng bây giờ tụi tôi phải sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà
nước rồi. Không có tôi lo làm ăn, còn lâu, ổng mới được như bây giờ. Có bao
nhiêu tiền, ổng đem đầu tư hết, muốn mua cái áo mới, chiếc nhẫn đẹp… lần nào
ổng cũng nói “không có tiền.”
Thầy
chỉ cười độ lượng tha thứ cho tính thiển cận của bà. Từ ngày hái ra tiền, bà đã
quên nhiều thứ, kể cả tình vợ chồng và những lúc gian nan sau tháng Tư Bảy Lăm,
cũng như khi vừa định cư.
Nắng
vẫn chan hòa ngoài kia. Thầy bỗng nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn đọc được ngày
xưa, khi còn là học sinh trung học: “Một người lái buôn Ả Rập trên đường đi
buôn, hết cả nước khi băng ngang sa mạc nóng bỏng. Ông nhìn thấy một ốc đảo,
chạy vội đến, nhưng thất vọng khi chỉ thấy vài bụi cây quanh một vũng khô cạn
nước. Chợt nhìn thấy bên cạnh có túi da, ông nhặt lên với hy vọng tìm thấy
nước, khi mở ra, chỉ thấy toàn kim cương. Ông ném túi xuống thở dài: Ôi chỉ là
kim cương, cái ta cần bây giờ là nước…”
Hai
người sống cạnh nhau, nhưng ai có việc riêng nấy và không ai chạm vào ai. Hai
người cũng mất thói quen nói chuyện với nhau, có chăng là những khoảng thời
gian con cháu về thăm, thường là vào cuối tuần, hay những dịp lễ lớn. Cũng đôi
ba lần trong năm, hai người cùng đi chung với nhau trong những đám cưới. Còn
thì cả hai sống trong thế giới riêng của mình. Bà đi mua sắm với bạn bè, thầy
không đi theo, ở nhà xem CNBC theo dõi thị trường. Cuối tuần, thỉnh thoảng có
cuộc họp mặt đồng hương, thầy đi một mình, bà ở nhà mê mải theo dõi những
chuyện tình tay ba, tay tư, chuyện tình lòng vòng của phim bộ. Cảnh đồng sàng
dị mộng này dễ chừng đã ba năm nay từ lúc ông nghỉ hưu, bà cũng về hưu non. Nói
là đồng sàng cho có vẻ, chứ thật ra, thường thầy ngủ luôn trong phòng làm việc.
Mà hai người cũng mặc nhiên chấp nhận việc ấy, thầy có thể tránh được cái âm
thanh léo nhéo của phim bộ mà thầy cho là mất thì giờ; còn bà có thể tự do xem
thỏa thích, cho đến khi nào mỏi mệt thì đi ngủ, có khi đến hai ba giờ sáng,
khỏi sợ phiền, cũng tránh được tiếng ngáy khó chịu của chồng.
Nói
cho cùng, bà cũng không để thầy thiếu thứ gì, bà vẫn lo liệu cho thầy từ quần
áo, đến bữa ăn. Người ngoài nhìn vào, ai cũng nói vợ chồng thầy sống hạnh phúc,
một cuộc sống mẫu mực được nhiều người ước ao. Nhưng riêng giữa hai người với
nhau, cả hai đều thấy giữa họ chỉ còn nghĩa, chứ không còn tình. Cái nghĩa của
cuộc hôn nhân gắn hai người với nhau gần bốn mươi năm, bốn mặt con, sĩ diện với
con cái, thông gia, người thân và bạn bè… Thầy Hoa không tìm thấy sự ấm áp của
tình vợ chồng già, không tìm thấy người bạn đường hồi nào luôn khâm phục, chia
sẻ những ý tưởng, việc làm của thầy. Đôi lúc riêng tư, những cử chỉ thân mật
ngày nào chỉ được đáp trả bằng những tiếng hứ lạnh lùng cụt lủn hay câu trả lời
phũ phàng. Trong những lúc gia đình đông đủ, nhiều khi bà còn có cách nói làm
mất mặt thầy trước con cái. Thầy không chấp vì nghĩ rằng bà muốn tìm cách chứng
tỏ bà là người quan trọng trong gia đình.
Khoảng
thời gian sau này, thầy sống trong cô đơn. Còn nhớ ngày xưa, quê thầy ngoài
Trung, mùa hạn làm cây cỏ khô héo, chỉ cần vài trận mưa rào, cây lại có sức
sống, nụ xanh lại nhú. Bây giờ, thầy như một cây khô trong mùa hạn mong chờ mưa
rào.
2
Thứ
Bảy hôm đó, thầy đi dự buổi họp mặt cựu học sinh của trường ngày trước. Rủ vợ
đi, nhưng bà Hiên than mệt từ chối, dù ngày xưa bà cũng là một cựu học sinh của
trường. Thầy cũng biết, mệt chỉ là cái cớ, từ lâu rồi bà Hiên vẫn không thích
đi chung với chồng đến những chỗ họp mặt tương tự. Lần trước Hội Ái Hữu Cựu Học
Sinh của trường tổ chức ở tiểu bang khác, thầy không tham dự. Lần này, tổ chức
tại đây, ban tổ chức đã liên lạc gửi thiệp mời. Thầy cũng muốn nhân dịp này gặp
lại những gương mặt thân thương ngày xưa, đồng nghiệp và học sinh cũ. Thầy
không ngờ buổi họp mặt đó đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tưởng như khô
héo của thầy.
Thầy
đã ngỡ ngàng khi một cựu nữ sinh – không còn trẻ nữa – lên sân khấu, gõ nhẹ vào
micro, lên tiếng:
-Trong
không khí đầm ấm và đầy kỷ niệm của một thời cùng quây quần bên mái trường thân
yêu ngày nào, tôi xin góp vui bằng một bản nhạc tiền chiến mà ai cũng biết, và
cũng để riêng tặng thầy Hoa, người thầy ngày nào tôi hằng ngưỡng mộ…
Thầy
giật mình nhìn lên, không nhận ra người hát là ai. Sau hơn mười năm trên bục
giảng, thầy có cả ngàn học sinh cũ, làm sao nhớ hết… Nhưng lời ca của bài Tà Áo
Xanh và giọng ca đó đã đưa thầy về những ngày tháng cũ. Chắc đúng rồi! có lẽ là
Lan rồi. Thoáng chút bối rối nhìn quanh, nhưng thầy không làm gì khác được
trong tình huống này.
Ngày
đó, Thầy mới hai mươi ba, tốt nghiệp Đại Học sư phạm, dạy tại một tỉnh lỵ nhỏ
bên bờ Cửu Long. Lan là học sinh Đệ Nhị A. Mười tám tuổi, con gái vùng sông sâu
nước chảy có tiếng là đẹp. Lan học giỏi, là phó trưởng lớp học tập, con một
thương gia giàu có, dư điều kiện cho bao chàng trai theo đuổi. Nhưng tâm hồn
trong trắng ấy chỉ vương vấn một người, Thầy Hoa, giáo sư hướng dẫn lớp. Mối
tình thầm lặng đơn phương ấy lâu ngày rồi cũng lộ. Bạn bè dần nhận ra tình cảm
của Lan đối với ông thầy trẻ độc thân, tài hoa qua những lời nói vô tình, cử
chỉ lãng mạn, ánh mắt mộng mơ say đắm nhìn thầy như chiêm ngưỡng một thần
tượng. Thầy vẫn vô tình không biết hay làm như không nhận biết tình cảm đặc
biệt ấy. Cho đến một ngày, thầy vào lớp, ngay giờ thứ nhất của buổi học, trên
bảng đen là một đóa hoa lan vẽ bằng phấn. Cả lớp đứng lên chào thầy, nín lặng
một cách cố ý, chờ xem phản ứng, trong khi Lan đang cúi mặt bẽn lẽn mân mê tà
áo dài. Thầy Hoa ra dấu cho học sinh ngồi, thản nhiên bôi bảng, bắt đầu giảng
bài. Tuần sau, cũng giờ học đó, trên bảng lại có hình đóa hoa, bên dưới còn
thêm hai chữ in HOA LAN, tuồng như cố ý phụ đề cho hình vẽ. Thầy Hoa lại bôi
bảng, nhưng lần này thầy nghiêm trang nói:
-Hôm
nay, tổ nào trực lớp? Qui định của trường là bảng phải được lau sạch trước khi
giáo sư vào lớp, các em biết chứ? Cuối giờ, tổ trưởng và phó trưởng lớp trật tự
xuống phòng Tổng Giám Thị gặp tôi.
Sau
đó, thầy thản nhiên giảng bài. Cả lớp im phăng phắc.
Chuyện
cũng qua đi, lớp học không còn dám nói bóng gió gì về chuyện ấy nữa… cho đến
một ngày, thầy bệnh, không đi dạy được. Giám thị vào lớp báo tin, mang theo bài
kiểm thầy gửi vào để giữ lớp ngồi yên trong lúc các lớp khác đang có giờ học
bên cạnh. Lan bứt rứt không yên, làm bài không được… Tối hôm đó, Lan tìm đến
nhà trọ của thầy, mang theo một gào mên cháo cá giải cảm vì biết thầy Tùng ở
trọ chung đã về Sài Gòn vào cuối tuần. Lan ép thầy ăn hết cháo bằng nước mắt của
mình… Khoảng hơn tuần sau, trong lúc Thầy Hoa đang ngồi uống cà phê, Lan ghé
vào nói nhanh “em gửi trả thầy cuốn tập” rồi hấp tấp bỏ đi ngay. Thầy sững
người, nhưng cũng đủ tế nhị không nói gì giữa chốn đông người… Về nhà, thầy mở
tập, một phong thư còn đượm mùi thơm nhè nhẹ rơi ra.
“Thầy yêu,
… Tối hôm qua, em đã soi gương rất lâu để biết mình không phải là
một cô gái xấu, nhưng sao thầy cứ hờ hững? Em phải làm gì, em van thầy nói cho
em biết, em phải làm gì để thầy thấu rõ tấm lòng của em.
… Em đã ôm gối khóc rất nhiều trong những đêm vắng cô đơn.
Tại
sao em không yêu ai khác mà yêu thầy? Yêu thầy của mình đâu phải là thứ tình
yêu tội lỗi, vậy tại sao em phải dấu kín nỗi lòng?…
… Em chép lại đây những dòng thơ tình của cô học trò xứ Huế trót yêu
thầy giáo của mình, để thầy hiểu rõ nổi lòng cô học trò bé bỏng này của thầy:
Chi
lạ rứa? chiều ni tui muốn khóc
Ngó chi tui? đồ cỏ dại hoa hèn,
Nhìn chi tui? hình đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch.
Tui mơ ước, không bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin, răng mà nớ cứ làm ngơ.
Rồi ngó chi tui? chi lạ rứa hững hờ.
Ghét? yêu mến? vô duyên và trơ trẽn!
(…)
Thầy
ơi! em có phải thứ cỏ dại hoa hèn đó không thầy?…”
Thư
Lan kín bốn trang giấy học trò, giải bày mối tình si mê cuồng đắm đơn phương
của mình. Lan cũng không dấu giếm ý nghĩ của mình là sẽ chờ đợi… không phản lại
lòng mình dù không được đáp trả…
Thầy
nhắm mắt thở dài: đáp trả gì? chờ đợi gì? Với thầy, Lan chỉ là một học sinh như
bao học sinh khác. Có chăng là tình cảm vô cùng trong sáng của thầy đối với
trò. Thầy cũng đang có một mối tình say đắm với cô nữ sinh viên Văn Khoa, Hiên,
cũng là học sinh của trường, trước khi thầy về dạy mấy năm. Họ quen nhau từ lúc
thầy Hoa còn học sư phạm, và cũng vì yêu Hiên nên khi tốt nghiệp, thầy xin về
đây dạy để biết rõ thêm về quê hương người yêu của mình. Thầy không thể san sẻ
tình yêu nam nữ với ai khác ngoài Hiên. Cho nên với tình cảm của Lan, thầy chỉ
ghi mà không nhận. Thầy cũng nghĩ rằng, tình yêu của Lan chỉ là tình lãng mạn
của tuổi mới lớn, rồi thời gian sẽ làm cho Lan quên đi mối tình vô vọng đơn
phương của mình.
Cuối
năm học, những giây phút liên hoan văn nghệ lớp xôn xao trong buổi học cuối
trước lúc chia tay nghỉ hè, Lan hát bài “Tà Áo Xanh,” mắt đắm đuối nhìn thầy
Hoa, nàng đã cố ý đổi chủ từ trong lời ca, cả lớp biết Lan mượn lời ca để tỏ
nỗi lòng không còn muốn che dấu “…em còn nhớ anh nói rằng: khi nào em đến với
anh, xin đừng quên chiếc áo xanh… anh ơi có tình nào không phai như tình em với
anh.”
Cuối
bài, Lan gục xuống bàn khóc.
Nắng
quái buổi chiều còn đọng trên các cành phượng vĩ đỏ rực trong sân trường đang
vắng dần bóng học sinh… Liên, bạn của Lan, đến gần thầy ngập ngừng:
-Lan
còn ngồi khóc trong lớp, em nói mấy nó cũng không về. Em sợ nó làm bậy, có lẽ
chỉ có thầy nói nó nghe.
Thầy
Hoa thấy lạnh dài theo xương sống, nhưng cũng rảo bước về phía lớp học. Liên tế
nhị tránh mặt.
…
Lan ngẩng lên, nhìn thầy Hoa qua màn lệ rồi không kềm chế được lòng, Lan ngã
vào lòng thầy nức nở.
-Thầy
ơi, em yêu thầy, em yêu thầy, em yêu thầy. Thầy có biết em yêu thầy đến mức nào
không?…
Sau
hè đó, hình như gia đình Lan biết chuyện, gửi nàng về Sài Gòn ở với người cô
học tiếp. Thầy Hoa và Lan cũng không gặp lại nhau từ dạo ấy
Sau
tháng Tư Bảy Lăm, cơn lốc cuốn mọi người theo mọi hướng, thầy Hoa bị cho nghỉ
việc và đi học tập cảo tạo vì là sĩ quan biệt phái. Sau khi ra trại ít lâu, gia
đình thầy cùng người học trò tốt bụng vượt biên. Trong chuyến hải hành đó,
Tuấn, bạn học cùng lớp với Lan ngày xưa, kể cho thầy Hoa nghe chuyện tình của
Lan đối với thầy lúc đó mà cả lớp đều biết… chuyện Lan cạo đầu để phản đối cha
mẹ khi bị ép đi Sài Gòn… Chuyện Lan tuyên bố không lấy chồng và dọa sẽ tự vẫn
nếu gia đình làm quá… chuyện Lan vượt biên hai năm trước, nghe nói bị hải tặc
Thái Lan cướp tàu và mất tin từ đó. Thầy Hoa ngồi yên nghe, trong lòng có chút
ngậm ngùi, nhớ lại hình bóng mảnh dẻ của Lan và khuôn mặt thanh tú đẫm lệ của
nàng khi ngã vào lòng thầy buổi chiều cuối năm học nào. Thầy đã đưa khăn cho
Lan thấm nước mắt, an ủi, vỗ về nàng như an ủi một cô em gái dại dột. Thầy đã cố
vận dụng mọi khéo léo và uy tín của mình để khuyên Lan về nhà…
3
Những
bận bịu mưu sinh nơi xứ người làm thầy quên đi chuyện cũ cho đến khi nghe lại
bài Tà Áo Xanh với lời ca bị đổi chủ từ một cách cố ý, với ánh mắt đắm đuối
nhìn mình như thủa nào, thầy thấy tim mình như thắt lại, không dám tin người
đang hát chính là Lan.
Bài
hát dứt, tiếng vỗ tay râm ran lôi thầy trở lại thực tế. Người ca sĩ bước xuống
bục, tiến về phía thầy Hoa.
-Thưa
thầy! thầy còn nhớ em chứ, thầy cho em ngồi đây với thầy một chút được không?
-Lan
phải không? – Em ngồi đi
-Cám
ơn thầy còn nhớ tới em.
-Bây
giờ em đang làm gì? gia đình ra sao?
-Trước
em làm cho Compaq bây giờ là Hewlett Packarg đó.
Câu
chuyện có tính xã giao kéo dài không lâu. Lan xin địa chỉ email và số điện thoại
của thầy Hoa.
Sau
buổi họp mặt, Lan mời thầy đi uống cà phê, sau đó về khách sạn nàng đang ở. Lan
đã kể vắn tắt chuyện đời mình một cách bình thản.
Lan
xa thầy từ lúc đó, nhưng trong tim hình ảnh thầy không bôi xóa được. Lan vẫn âm
thầm theo dõi bước chân thầy. Ngày thầy lập gia đình, Lan đã nuốt trọn lọ thuốc
ngủ để quyên sinh, nhưng trời chưa bắt chết nên khiến Liên tình cờ đến chơi,
khám phá đưa nhà thương cấp cứu. Nàng không thể còn yêu ai được nữa, cho đến
khi vượt biên vào năm bảy tám. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, tàu vượt biên
bị hải tặc Thái Lan cướp ba lần, lần nào đàn bà trên tàu cũng bị làm nhục. Lần
cuối, bọn chúng sau khi thỏa mãn thú tính, húc cho tàu chìm để phi tang. Nàng
nghĩ đã đến lúc phủi sạch nợ đời… nhưng khi tỉnh dậy nàng thấy mình đang ở trên
đất liền, sau mới biết là trại Palawan ở Phi Luật Tân. Từ đó, Lan coi như mình
đã chết. Sau một thời gian định cư trên đất Mỹ, nàng chấp nhận lập gia đình với
một người bản xứ. Chẳng may, chồng Lan là một kẻ nghiện rượu và chết trong một
tai nạn xe khi đang say. Ngày đó cách đây cũng hơn mười năm. Lan chán, sống một
mình cho đến ngày nay với cái tên nửa Việt nửa Mỹ: Lan Mc. Lain. Hai năm trước
đây, cũng trong một hội ngộ cựu học sinh của trường, Lan biết thầy sống ở thành
phố này. Nên lần hội ngộ này, Lan nhất quyết tham dự, với lòng mong ước gặp lại
người xưa, dù nàng không biết thầy có đến hay không.
Lan
nói, mắt vẫn nhìn thầy với ánh mắt thiết tha của năm nào. Thầy Hoa ngồi nghe,
trong lòng có chút bùi ngùi. Thầy đã thoáng thấy phần nào ân hận và có chút
trách nhiệm cho cuộc đời đầy gian truân của Lan, dù thầy chẳng có lỗi gì…
Lan
đã vòng ra sau lưng, choàng hai tay qua vai, tựa đầu lên mái tóc đã điểm bạc
của thầy, thổn thức. Tiếng Lan tha thiết, van nài:
-Thầy
hôn em một lần đi! Em ao ước được thầy ôm hôn em, dù chỉ một lần thôi, em cũng
mãn nguyện rồi, em sẽ không làm gì tổn thương tới gia đình thầy đâu. Ngày mai,
em về Cali đi làm lại, rồi chúng ta lại mỗi người một ngã… không lẽ chỉ một ao
ước nhỏ nhoi trong bao năm rồi của em cũng không được thỏa nguyện?
Thầy
Hoa thấy có chút gì rạo rực trong lòng. Bất giác, thầy quay lại, ôm Lan vào
lòng…
Ngoài
kia, trời bỗng đổ mưa.
Hòa
Đa
Từ trang CSVQGHCUC
No comments:
Post a Comment