Friday, November 26, 2021

"Đồng Chí" Gái - Trân Ngân Tiêu

 

“Đồng Chí” Gái



 

 

Cứ sau bữa cơm chiều thì tôi sẽ “phải” có “trà đàm” với Yến vì đó là thông lệ. Tôi gọi là trà đàm cho nó văn vẻ chứ thực ra đó là lúc Yến “anh ơi anh à” để nàng…. Nói “hành tôi” thì không đúng nhưng Mỹ họ gọi là “nag, nag” ấy. May mắn thì Yến chỉ cần nói vài ba chuyện mà nàng cần ý kiến của tôi, còn chẳng may thì toàn là khiếu nại thế nọ thế kia có khi đến nhức tim. Riết rồi tôi cũng quen đi và bữa nào không được nàng “nag, nag” thì lại thấy nhơ nhớ một cái gì đó.

Bữa nay vừa ngả người xuống thì thằng con chạy lại nói:

– Bố! Hồi chiều có ông chú HO của bố ở Cali gọi…

Cái thằng đã dậy rồi cũng không nhớ. Cứ ông chú HO của bố. Trước đây tám chín năm ông chú HO được bảo trợ qua còn ở gần nhưng ông ấy làm được đồng nào cứ đi thăm Việt Nam hoài nên tôi bực mình. Sau đó thấy ở đây buồn quá ông dọn qua Cali đông người Việt Nam cho có bạn bè hơn là ở gần thằng cháu “đâm ba chẩy củ”.

Bữa đó vừa mở PC đánh được vài câu thơ con cóc thì thằng con út chạy đến báo: “Có ông chú HO của bố đến”. Bực mình sẵn vì trong đầu hồn thơ tưởng như lai láng mà khi ngồi xuống viết thì bí tắc bí tị. Nghe thằng con nói vậy tiện thể tôi trút cái bực mình lên đầu nó:

-Chú của tao tức là ông của mày. Lần sau mày phải nói có ông Tân đến chứ “chú của bố” là cái đếch gì”.

Thằng con ngơ ngác vài giây rồi lỉnh đi đếch thèm phải trái với bố. Tôi thấy mình hơi vô lý. Thằng nhóc mới trên mười tuổi mà nói tiếng Việt được như vậy là phước rồi. Chứ nó nói “your uncle comes” thì còn bực hơn nữa. Ông chú qua theo diện HO nên nó gọi ông chú HO cho khỏi lộn với ông chú khác. Tuy là hai chú cháu nhưng ông chú chỉ hơn tôi vài ba tuổi nên từ hồi còn nhỏ vẫn coi nhau như bạn.

Ông chú ào vào khoe rối rít:

-Bên nhà mới gửi qua cuốn băng hay lắm tao mang qua cho mày coi.

-Ông đã ở nhà mười mấy năm, đi cải tạo từ Nam đến Bắc, còn lạ gì nữa mà bắt gia đình gửi “tape” qua cho tốn tiền. Ở nhà kiếm ăn từng đồng một…

-Mày chưa chi đã cướp lời. Chị Cung về thăm nhà rồi mang qua đưa tao. Quay cảnh sinh hoạt làng mình ở ngoài Bắc chứ không phải ở Sài Gòn. Tao đã về thăm làng rồi thì đâu có lạ gì nên tao mới mang cho mày coi.

Nghe tới làng cũ lòng tôi cũng xốn xang. Khi di cư vào Nam tôi mới mười năm tuổi. Tôi trông ngóng một ngày về, ai ngờ hai mươi năm sau tôi lại đi xa hơn nữa. Tôi nhớ lại hồi xuống tầu há mồm di cư vào Nam, đi đâu cũng nghe hát “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh…” khiến nhiều người thổn thức. Coi cuốn băng, tôi không nhận ra đó là làng tôi; không thấy cái cổng gạch xây đầu làng; không thấy những cây nhãn cây vải xum xuê, hay không có lũy tre. Không thấy cả ngôi nhà ngói đỏ cao nghều nghệu của nhà tôi mà hồi đó đứng mãi ngoài đồng cũng đã nhìn thấy. Ngôi đình làng xộc xệch loang lở như một cái miếu hoang. Làng xóm xơ xác như xóm Bàu Cá Trạch hay xóm Tầm Đinh ở cửa khẩu mật khu Hố Bò (Bắc Củ Chi) mà trước kia tôi hay hành quân quần thảo với các “đồng chí” Việt Cộng. Tôi hỏi ông chú:

-Sao không thấy cái nhà ngói đỏ nhà mình?

-Nó đập hết rồi. Nghe nói họ đập ra lấy gạch để xây trụ sở Ủy Ban Hành Chánh.

-Sao đường vào làng lầy lội thế? Cái cổng làng bằng gạch, cái bậc gạch ở cái ao đầu đình biến đi đâu rồi?

-Tất cả bị cậy lên để lấy gạch xây trụ sở, trạm y tế hết rồi. Ngay gạch lát đường trong làng cũng không còn một viên. Chỉ có ngôi đình đổ nát là được chừa lại thôi.

Tôi bồi hồi chua xót: Thật là thảm. Cái làng không còn một chút vẻ xanh tươi đằm thắm như hơn bốn mươi năm về trước. Coi tới đoạn dân làng đang tụ tập lễ chùa lại càng thê thảm. Ngôi chùa ngày xưa bị Pháp bỏ bom đổ nát bây giờ trơ trơ như đống đất hoang. Chỉ còn lại một căn nhỏ như cái miếu, ngang dọc khoảng 100 thước Anh. Một cái rạp bằng vải dù được dựng tạm để che nắng. Con đường đến chùa lậy lội, mọi người tay cầm dép, tay vén quần, khi đến vũng nước trước chùa khoắng chân cho sạch bùn rồi mới xỏ chân vào dép. Con nít thì hầu hết đi chân không. Tôi nghĩ ngợi bâng quơ: Thế này mà hồi đó cái anh tướng gốc khố xanh viết sách rằng: Đồng quê bây giờ khá lắm. “Trẻ con ra đường đều có quần áo tươm tất và có giầy đi chứ không như ngày xưa”. Anh ta cố ý không nói rõ cái “ngày xưa” là ngày nào. Một khứa lão đang cầm cái loa đọc dự án tu bổ chùa và kêu gọi những người làng đang ở phương xa hãy đóng góp ủng hộ dân làng… Trong cái đám đông lam lũ đó tôi không nhận ra được ai là bà con, ai là người cùng trang lứa với tôi ngày xưa. Tôi hỏi ông chú:

-Chú có biết cái lão đang cầm máy nói là thằng nào không”

-Thằng Nhơn con thằng Nhỡn đấy. Nó là em họ mày, bố nó với tao là con chú con bác. Lão gì? Hồi mình vô Nam nó mới có năm tuổi. Ngoài đó ai cũng già trước tuổi.

À thì ra thằng này là em họ tôi. Thế mà trông nó như ông lão sáu mươi. Tôi bật cười khi thấy Nhơn cố hét to văng cả nước miếng: “Chú ý! Chú ý! Xin đồng bào im lặng để tôi đọc lời nhắn tới bà con ở xa để quay phim gửi xin họ ủng họ làng ta…”. Nó đọc một dọc tên những người làng ở Sài Gòn, ở Mỹ và có cả tên tôi. Tôi hoảng quá hỏi ông chú:

-Làm sao nó biết tên tôi và làm sao nó biết tôi ở Mỹ?

-Thì họ hàng nhà mình ở Sài Gòn về chơi ngoài đó nói thì cái gì nó không biết.

Tôi gay gắt với ông chú:

-Nó treo cái hình Hồ Chí Minh trong chánh điện thế kia tôi cho nó cái búa chứ ở đó mà ủng hộ.

-Không treo hình Hồ Chí Minh trong đó thì họ dẹp chùa. Mày làm gì họ?

-Chú có nhận ra được hết những người trong cuốn băng này không?

-Đâu có! Chỉ một vài người thôi. Hồi ở nhà, thằng Nhơn vào đón tao về Bắc chơi nhân dịp bốn mươi chín ngày của bố nó. Cũng may hồi đó nhờ mày gửi về cho tí tiền chứ không thì chưa biết khi nào tao mới về thăm ngoài đó được. Có nó bảo đảm tao mới dám về. Tiền không có mà bà con xa gần thì đếm không hết, họ bu vào thì thật ái ngại nên tao cũng chỉ nói chuyện với mấy người gần nhất mà thôi.

-Thế tụi cán bộ địa phương có đến cà khịa gì không?

-Cà khịa thì không nhưng cứ đến nhòm ngó hoài, nhưng thằng Nhơn coi bộ cũng sừng xỏ lắm nên tao không bị quấy rầy.

Tôi chợt lưu ý tới một bà mặt choắt mắt lé đang chắp tay xì xụp lễ lia lễ lịa. Bà ta ngồi bệt ở đằng sau đám người đang đứng tế, rồi cứ thế lậy sau lưng mấy người đó. Bên cạnh bà ta là một ông dong dỏng hom hem chột mắt. Ông ta ngồi thẩn thờ như người ngớ ngẩn. Thỉnh thoảng bà ta quay qua nghiến răng nói một điều gì khiến ông ta giật thót người, vội chắp tay vái vái. Tôi bật cười khi thấy bà ta lễ Phật mà hằm hằm thế kia. Tôi chỉ tay hỏi ông chú:

-Chú có biết bà đó không”

-Cái Gái đấy. Đồng chí Gái trung đội trưởng trung đội nữ du kích hồi đó đấy.

-Tôi đâu có nhớ.

-Cái con bé có giọng the thé hồi đó mà mỗi khi hội họp thỉnh thoảng nó lại thét lên: “Anh em hò một bài chăng” mày nhớ không? Còn cái thằng già ngồi bên cạnh nó là thằng Ung chồng nó đó.

À! Tôi nhớ ra rồi. Đồng chí Gái hồi đó lớn hơn tôi 4 tuổi, hoạt động rất hăng trong đoàn phụ nữ. Chị em nào lơ đãng thì đồng chí Gái báo cáo để kiểm thảo. Hồi còn tuổi thiếu nhi Gái ở mướn cho ông Hội Tẩy. Một lần ông Hội Tẩy bị mất cắp mấy đồng bạc Đông Dương ông giấu dưới chân bát hương trên bàn thờ. Ông nghi cho người ăn kẻ ở nên kêu hết ba đứa, trong đó có cái Gái ra xét nhưng chả đứa nào nhận. Ông bèn lấy ba cái nõn tre (lá non) dài ngắn bằng nhau, đưa cho ba đứa ngậm vào miệng. Ông bảo nếu cái nõn của đứa nào mọc dài thêm là đứa đó ăn cắp. Sau năm phút ông bảo đưa trả nõn tre cho ông. Sau khi xem xét ông chỉ mặt con Gái bảo: Chính mày ăn cắp chứ không ai vào đây. Con gái chối leo lẻo ông mới giải thích: “Mày gian mà không ngoan con ạ. Cái nõn của mày ngắn hơn của mấy đứa này vì mày sợ nó dài ra nên mày cắn đi một khúc. Không mang tiền trả lại ông dần cho một trận bây giờ”. Lúc đó cái Gái mới chịu lòi tiền ra trả.

Vài năm sau khi Việt Minh thực sự kiểm soát làng này thì Gái không ở mướn cho ông Hội Tẩy nữa. Gái đi cấy thuê và gia nhập hội phụ nữ và du kích. Gái được bầu làm trung đội trưởng đội nữ du kích cũng nhờ cái giọng hô the thé nghe rợn người của nó. Nhân ông Hội Tẩy có người con dâu góa chồng mà lại chửa hoang. Cán bộ và các đoàn viên phụ nữ hỏi thì chị ta khai là đã ngủ với bố chồng. Ông Hội Tẩy được mời ra trụ sở cùng dân làng đối chứng. Cán bộ hỏi tới hỏi lui chị con dâu rồi quát: “Có thật không? Hay ai xui bẩy chị? Chị nên nhớ là vu gian thì tù mọt gông nghe chưa?”. Chị con dâu sợ quá nói: “Đồng chí Gái bảo tôi khai như thế”. Cả dân làng té ngửa. Gặng hỏi chửa với ai thì chị con dâu lúc thì bảo là đồng chí bí thư xã, lúc thì bảo đồng chí trưởng thôn nên chả biết đâu mà mò. Đồng chí Gái chối bay chối biến và lanh lảnh kết án chị con dâu của ông Hội Tẩy là làm nhục dân làng và chị em phụ nữ làng ta. Đề nghị đuổi chị ta ra khỏi làng. Thế là con dâu ông Hội Tẩy cắp nón thất thểu đi về quê mẹ tận bên Hải Dương. Còn ông Hội Tẩy thoát nạn trong đương tơ kẽ tóc.

Đồng chí Gái không biết chữ nhưng có cái tài nhớ và thuộc lòng tất cả những điều cán bộ thuyết nên Gái lập lại cứ như cháo chẩy. Có lần cán bộ phát động phong trào chống nạn mù chữ; họ chia từng toán đứng ở mỗi đầu làng kê một cái bảng có viết chữ sẵn và giăng sợi giây qua đường. Ai tới đó mà đọc được hàng chữ trên bảng thì được đi đàng hoàng. Ai không đọc được thì phải chui dưới sợi giây. Làm như vậy để ai mù chữ sẽ bị xấu hổ thì mới tích cực tham gia lớp bình dân học vụ để tập viết tập đọc. Oái oăm thay đồng chí Gái lại làm trưởng toán kiểm soát ở một cổng làng. Có cái Tăm con ông Cúc biết tẩy đồng chí Gái nên chị ta không chịu đọc, lại thách đồng chí Gái đọc được thì chị ta sẵn sàng chui qua sợi giây. Những người đứng đó đều cười ồ khiến đồng chí Gái mặt đỏ như gấc hùng hổ mắng chị Tăm là đồ phản động phá hoại chính sách v.v… và dọa sẽ mang cái Tăm ra bình nghị kiểm thảo. Nhưng nói cho oai vậy thôi chứ cho kẹo đồng chí Gái cũng không dám làm lớn vì đồng chí Tăm rất được đồng chí bí thư xã tin cậy.

Mỗi khi các đoàn thể và dân làng hội họp thì thế nào đồng chí Gái cũng nhẩm ra được vài câu vè để hò lơ hó lơ. Khi muốn thay đổi không khí thì cán bộ điều khiển chương trình lại nhắc: “Đồng chí Gái đâu?” Lập tức đồng chí Gái đứng lên làm một màn văn nghệ nhân dân hô to: “Anh em hò bài chăng?”. Tất cả hô to: “Chăng”. Thế là đồng chí gái lanh lảnh bắt hò đại khái như: “Đêm qua dưới ánh trăng tà”; đám đông hô: “Ai di hò lờ”. Gái tiếp: “Nhân dân tả ngạn sông Đà hoan hô”. Đám đông đồng hò: “Hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ…”. Cứ nghe hò lơ hó lơ mãi cũng chán tai, một hôm tôi bảo đồng chí Gái: “Để em dậy đồng chí thêm một câu hò mới, chứ hò lơ hó lơ mãi chắn lắm”. Đồng chí Gái đồng ý. Từ đó đồng chí Gái có thêm câu hò: “Dô hò, anh cùng tôi đồng thanh ta hò, hò khoan khoan hỡi hò hoan, hò khoan khoan hỡi hò khoan…” Ít lâu sau câu hò đó bị các đồng chí cấm vì nghe nó lãng mạn và tiểu tư sản quá…

Đang lẩn thẩn nghĩ tới đó chợt ông chú đột ngột hỏi: “Mày có nhớ tại sao con Gái lại lấy thằng Ung không?”

-Thằng Ung thì tôi nhớ chứ còn vụ chúng nó lấy nhau tôi còn bé biết gì.

-Bé gì mày! Cả ngày mày bám đuôi con Mến mày tưởng tao không biết hả?

Thằng Ung hồi nhỏ chăn trâu cho nhà tôi và cũng lớn hơn tôi khoảng bốn năm tuổi. Nó nổi tiếng tinh nghịch nhất làng. Có lần mấy bà vác đòn gánh đuổi đánh nó nhừ tử mà nó vẫn nhăn răng ra chả sợ gì cả. Chẳng là có những đêm hè các bà các cô thường trải chiếu ở sân gạch ngủ cho mát. Thằng Ung xúc một bát cám heo, kiếm bà nào mặc váy nó tốc váy lên nhẹ đổ bát cám heo vào đó. Rồi nó dắt con chó đến để ăn đống cám đó. Bà nào bị chó liếm cũng giật mình thức giấc hốt hoảng khi thấy mình tô hô nhoe nhoét, không biết là cái gì. Thằng Ung không nhịn được cười tóe lên thế là mấy bà cứ túm lấy nó khện cho nhừ tử tra hỏi cho ra lẽ. Nó còn có cái tật lấp ló ở chuồng trồ rình người ta đi cầu hay rình người ta tắm ao. Một bữa bà cô tôi mới 15 tuổi ra tắm ở cầu ao sau nhà. Tưởng không có ai cô ta cứ tồng ngồng kỳ cọ rồi thụp lên thụp xuống. Khi xong lên sau cây sung tính mặc quần áo thì thằng Ung ở trong bụi hắt hơi “ạch xì” một phát. Cô ta sợ quá cứ thế tồng ngồng ù té chạy lên nhà vừa khóc vừa mách mẹ. Mọi người cứ tưởng là nó nghịch thôi chứ không có ý gì. Nhưng một hôm khác bà cô tôi la ơi ới trong nhà cầu: “Bu ơi thằng Ung nó đang vạch nhà xí nó nhòm con đây này”. Lần đó bà tôi bắt mẹ tôi phải đuổi thằng Ung ra khỏi nhà. Không ngờ sau này nó cũng làm đến trung đội phó trung đội du kích. Tôi hỏi ông chú:

-Tại sao ông lại thắc mắc vụ cái Gái và thằng Ung lấy nhau?

-Nó có một vài điều bí ẩn. Hồi đó tao cũng biết lơ mơ thôi nhưng sau này mẹ mày nói ra và mới đây chị Cung bổ túc thêm tao mới vỡ lẽ. Câu chuyện nó như thế này này…

Thằng Ung nó mê cái Gái, nhưng cái Gái lại mê thằng Sĩ, trung đội trưởng du kích. Nhưng thằng Sĩ lại mê cái Tăm con ông Cúc. Bố thằng Sĩ là ông Lý Tể xúi con lấy cái Gái để nhà có dính một tí bần cố nông nhưng thằng Sĩ nhất định không chịu. Nó đòi cưới cái Tăm nên cái Gái thù hận vợ chồng thằng Sĩ. Vụ thằng Sĩ chết hôm mang trung đội du kích tăng viện cho bộ đội đánh làng Cao Xá không phải vì trận mạc mà chết. Thằng Ung và cái Gái nó giết thằng Sĩ đấy. Kỳ đó bộ đội đánh làng Cao Xá bị thất bại chết nhiều quá nên các du kích thôn ở quận Phù Cừ phải đến bổ xung tăng viện. Làng Cao Xá có đâu những bẩy thôn như Cao Xá, Trần Xá, Từa Xá .v.v. Một trung đoàn bộ đội bao vây tiến vào làng tưởng sẽ dễ giải phóng như những làng tề khác. Nào ngờ dân làng chống cự bằng hai đợt. Trai tráng thì súng đạn núp ở trên nóc nhà và nhà thờ. Đàn bà con gái thì giấu liềm búa trong người; khi bộ đội tiến vào họ ùa ra tay bắt mặt mừng chào đón. Cứ hai bà thì túm lấy một anh. Các “đồng chí” bộ đội tưởng bở đang hân hoan thì bất thình lình các bà rút liềm búa ra ghè, cứa rồi tước súng. Đợt này bộ đội tổn thất hơn một tiểu đoàn. Các đơn vị ở ngoài vào tiếp viện thì trung liên đại liên bắn ra như mưa. Bao vây nhà thờ bẩy ngày mà không chiếm được, bộ đội đành rút ra ngoài cầu cứu du kích các thôn tăng viện. Lợi dụng dịp này cái Gái dụ thằng Ung nếu giết được thằng Sĩ thì nó sẽ bằng lòng làm vợ thằng Ung. Đến đêm thằng Ung liệng lựu đạn vào hố cá nhân của thằng Sĩ khiến nó chết banh xác. Thế là thằng Ung không những lấy được đồng chí Gái mà lại còn lên chức trung đội trưởng. Tôi nghiệp bà Lý Tể có thằng con trai giỏi giang thì bị chết oan. Đồng chí Ung và đồng chí Gái còn đến làm lễ truy điệu và đọc tuyên dương cho thằng Sĩ. Đồng chí Gái an ủi bà Lý Tể: “Xin cụ bớt đau lòng. Dù sao anh Sĩ cũng đã chết vì dân vì nước, chết thơm chết tho”… Trong cơn đau khổ bà Lý Tể chẳng còn biết sợ sệt gì nữa. Bà chửi đồng chí Gái: “Thôi câm mẹ nó cái mồm chị lại. Chết thì sẽ thối chứ thơm tho cái ngữ gì”. Bà ấy còn gào lên: “Cha tiên nhân bố chúng mày rủ con tao vào du kích để cho nó chết không toàn thây toàn xác…”

Tôi vội hỏi ông chú: “Cái chuyện bí mật ấy làm sao mà người ta biết?”

-Thì sau này vợ chồng nó chửi nhau, chúng nó khui ra chứ ai mà biết. Con Gái riếc ráy thằng Ung: “Tao đâu có muốn lấy mày. Mày là thằng khốn kiếp, mày giết cả đồng chí của mày”. Thằng Ung giận quá chửi: “Mẹ mày! Mày xui ông giết nó bây giờ mày lại đổ cho ông. Ông còn lạ gì! Mày thù nó lấy cái Tăm nên mày muốn giết nó chứ ông à?”. Cái Gái điên tiết lấy thanh củi xỉa một phát làm thằng Ung nổ một con mắt. Tiện tay nó lấy dao phay phạng một phát làm thằng này lọi giò luôn. Cho nên thằng Ung bây giờ một mắt chột một cẳng tập tễnh. Còn cái Gái thì nửa điên nửa khùng. Chị Cung kể rằng cái Tăm sau này khi nào rảnh rỗi lại đến cửa ngõ vợ chồng thằng Ung réo chửi như hát hay. Cái Gái lại lôi thằng Ung ra đay nghiến nên chúng nó đánh nhau hoài à… Cái làng hẻo lánh vậy chứ có nhiều chuyện lắm nghe mày.

-Thế cán bộ làng xã nghe vậy cũng không “xử lý” gì cả à?

-Những mười mấy năm sau mới lộ ra và ông bà Lý Tể chết rồi thì còn ai đâu mà khiếu nại.

Nhìn người đàn bà đang phủ phục lậy Phật trong phim tôi tặc lưỡi: “Tiên sư đồng chí Gái…”

 

Trân Ngân Tiêu

304Đen – llttm -tvvn

 

 

No comments: