Người Mẹ Già
Ngày xửa ngày xưa, bên Nhật, ở dưới chân núi nọ
có một ngôi nhà nhỏ, nơi đó có một anh nông dân trẻ và người mẹ già của anh ta.
Họ có một mảnh đất nhỏ để trồng trọt rau cỏ, cây trái mà sinh sống, và như thế,
hai mẹ con họ sống rất êm đềm và hạnh phúc.
Hai mẹ con người nông dân đó sống dưới quyền cai
trị của một vị sứ quân. Ông ta là một võ sĩ đạo, thế nhưng lại có tư tưởng rất
hẹp hòi về những người bệnh hoạn và yếu đuối. Bởi thế, ông ta đã truyền ra một
mệnh lệnh rất tàn nhẫn. Toàn thể dân trong vùng phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh
là, ngay lập tức, phải giết chết tất cả những người già cả. Trong thời bấy giờ,
con người vẫn còn man rợ, và phong tục phế bỏ người già, để mặc cho chết là
chuyện thường tình. Thế nhưng anh nông dân này thì rất yêu kính mẹ của anh ta,
nên cảm thấy rất đau buồn về lệnh của vị sứ quân. Tuy nhiên, không ai dám trái
lệnh của sứ quân, bởi vậy các người trẻ không thể làm gì khác hơn là chuẩn bị một
cái chết êm đẹp nhất cho cha mẹ già của họ.
Vào lúc chiều xuống, ngay sau khi xong công việc
đồng áng, người nông dân lấy một số gạo thật ngon, đây là loại thực phẩm chính
của nông dân nghèo thời bấy giờ, nấu chín, rồi nắm lại thành nhiều nắm cơm, và
dùng vải buộc thành một dây đeo quanh cổ, cùng với những bầu đựng nước ngon ngọt
nhất mà anh ta có thể tìm thấy. Thế rồi anh ta cõng người mẹ già trên lưng và bắt
đầu một cuộc hành trình đau thương nhất trên đời, leo lên đỉnh núi. Con đường
lên núi thì thật dài, nhỏ hẹp và chằng chịt với những lối đi được tạo nên bởi
những kẻ đốn cây hay săn thú rừng. Thế cho nên, người nông dân đã bị lạc ở một
vài nơi, nhưng anh ta vẫn len lỏi và cố gắng để có thể leo lên đỉnh núi, nơi có
tên là Obatsuyama, có nghĩa là "nơi phế bỏ người già."
Trái với sự mệt nhọc của người con, đôi mắt vẫn
còn tinh anh của người mẹ già đã nhìn ra những rắc rối, khó khăn của những con
đường leo núi chằng chịt. Lòng mẹ thương con khiến bà ta nghĩ rằng con trai
mình sẽ, không những, gặp khó khăn trên đường xuống núi, mà có thể bị lạc vào
những con đường nguy hiểm. Thế cho nên bà đã, lặng lẽ, cố gắng vươn cánh tay
già nua, yếu đuối để bẻ những nhánh cây, vứt xuống đường làm dấu.
Sau cùng thì người con đã cõng mẹ lên đến đỉnh
núi. Người nông dân, trong lòng đau sót vô cùng nhưng vẫn nén lòng để sửa soạn
cho mẹ mình một một chỗ nằm cuối cùng thật yên ấm. Anh ta thu góp những lá
thông để làm làm thành một chiếc nệm thật êm và đặt người mẹ nằm trên đó, rồi với
dòng nước mắt chan hoà trên mặt, anh ta vái lạy từ biệt người mẹ thân yêu.
Với giọng nói run rẩy, và tấm lòng yêu thương
bao la của người mẹ, bà ta dặn dò người con lần cuối "Con
hãy cẩn thẩn thận trên đường về. Đường lối chằng chịt, dễ bị lạc. Mẹ đã bẻ
nhánh cây vứt xuống đường làm dấu, con cứ theo đó để về nhà an toàn."
Người con rất ngạc nhiên quay lại nhìn con đường
núi vừa đi qua và đôi tay gầy guộc của mẹ già với hàng trăm vết trầy xước còn
rướm máu. Quá đau sót, anh ta quỳ xuống đất, với giọng nói nghẹn ngào đầy nước
mắt "Lòng mẹ thương con quả là bao la như trời biển. Con
không thể để mẹ ở nơi này. Nếu sứ quân có xử con tội chết, thì con sẽ cùng chết
bên mẹ."
Và như thế, dưới ánh trăng soi đường, người nông
dân cõng mẹ xuống núi trở về ngôi nhà nhỏ của họ ở dưới chân núi. Rồi thì anh
ta cố gắng che dấu người mẹ, cho dù phải sống trong sự sợ hãi bởi mệnh lệnh của
vị sứ quân. Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Một hôm vị sứ quân, vì muốn chứng tỏ quyền uy tối
thượng của mình, đã ra một mệnh lệnh kỳ quặc rằng người dân sống dưới quyền cai
trị của ông phải làm cho được một sợi dây bằng tro.
Nghe qua lệnh này tất cả người dân trong làng đều
run sợ. Bởi vì họ phải tuân lệnh của sứ quân một cách tuyệt đối, thế nhưng làm
sao có được một sợi dây bằng tro? Đêm nọ, người nông dân than thở với người mẹ
về lệnh của sứ quân. Người mẹ nói rằng "Con
không nên quá lo lắng. Hãy chờ ta một chút. Hãy để ta suy nghĩ." Ngày hôm
sau, người mẹ bảo con "Hãy bện một sợi dây bằng rơm, rồi để
trên một phiến đá, sau đó đốt cháy nó."
Người nông dân đem lời khuyên đó nói với dân
trong làng, và kết quả là sau khi đốt thì quả nhiên có một sợi dây bằng tro nằm
trên phiến đá.
Vị sứ quân rất hài lòng và khen ngợi người nông
dân trẻ tuổi, và hỏi rằng từ đâu một người trẻ tuổi như anh nông dân này lại có
một kiến thức thông minh như thế. Người nông dân kính cẩn "Thưa tướng
quân, tôi không dám dấu ..."
Và anh ta đã nói rõ sự tình. Vị sứ quân lắng
nghe câu chuyện, và sau một khoảng thời gian cúi đầu suy ngẫm, ông ta ngửng mặt
lên tuyên bố "Sự khôn ngoan không phải chỉ có ở giới trẻ. Trong giây
phút, ta đã quên rằng 'Bên dưới mái tóc bạc trắng như tuyết là cả một kho tàng
về kinh nghiệm và sự khôn ngoan.'"
Kể từ
đó, cái luật lệ quái ác kia đã bị bãi bỏ, và câu chuyện này được truyền tụng lại
ngàn sau như một chuyện ngụ ngôn để người đời suy ngẫm.
Bùi Phạm
Thành
(ngày
11 tháng 9 năm 2021)
Chuyển
ngữ theo The Aged Mother của tác giả Matsuo Basho (1644 - 1694)
Matsuo
Bashō, born Matsuo Kinsaku, then Matsuo Chūemon Munefusa, was the most famous
poet of the Edo period in Japan. During his lifetime, Bashō was recognized for
his works in the collaborative haikai no renga form; today, after centuries of
commentary, he is recognized as the greatest master of haiku.
https://americanliterature.com/autho...he-aged-mother
304Đen
– llttm - YD
No comments:
Post a Comment