Friday, November 26, 2021

Hiện Tượng Lục Vân Tiên - Nguyễn Văn Xuân

 

Hiện tượng Lục Vân Tiên



 

Những cái lợi lớn lao nói trên không phải là miền Nam có đồng đều, hoặc có ngay, hoặc bao giờ cũng phải như thế. Nhưng rõ ràng đó là những yếu tố rất quan trọngđã hợp lại để giúp cho miền Nam mau thiết lập được nền văn nghệ của mình.

 

Nguyễn Văn Xuân

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

 

Miền Nam được hưởng ngay sự luân lưu tuần tự từ nguồn văn nghệ xuất phát mà không bị gián đoạn như chính nơi xuất phát. Ý tôi muốn nói là khi các chúa mới lập, rất nhiều sĩ phu tài giỏi đi theo hoặc lần lượt bỏ theo cho đến khi Trịnh Nguyễn phân tranh thì dường như bị cắt đoạn. Văn nghệ miền Trung phải tự túc trên cơ sở những cái gì đã có sẵn chứ không dễ gì thu nhận những cái đang có rất mới mẻ của Bắc Hà. Lẽ đó đã khiến nền văn nghệ Nam Hà tuần tự nhi tiến, nhưng chắc phải mất một thời gian khá lâu, mới tạo ra những con em có khả năngviết nổi những bài Tư dung vãn, Ngọa Long Cương ngâm của Đào Duy Từ ngay vào đầu thế kỷ XVI. Cái khả năng ấy thong dong đổ vào miền Nam với giòng quan quân vào ra không ngớt. Khiến cho nên chỉ cần đến tiền bán thế kỷ XVI, Miền Nam đã có Song Tinh truyện của Nguyn Hữu Hào và thi phái Chiêu Anh Các ở Hà Tiên. Đó cũng là hai mặt giáp công của văn nghệ Việt Nam đối với khu vực còn lại khá mênh mông của Thủy Chân Lạp mà sau này cũng lại do một nhà văn khác đi nhất thống: Nguyễn Cư Trinh. Từ đó nền văn nghệ này tìm lần cái hướng đúng nhất, những từ ngữ tinh thực nhất đáp ứng với sự đòi hỏi của đa số quần chúng đang phát triển thuận lợi tronmiền bao la để tạo những tác phẩm mang màu sắc riêng biệt của nó. 

Bao nhiêu sự kiện dồn dập xảy ra khi Tây Sơn nổi lên nhưng niềm tin tưởng vào cương thường, đạo lý, cụ thể là vào nhà Nguyễn chỉ càng ngày càng mạnh thêm. Nhất là khi các tầng lớp quan lại và địa chủ cùng thương gia Trung Hoa nhận thấy chính thể ấy càng ngày càng thêm ổn cố tiến bộ. Thời kỳ Lê Văn Duyệt cầm quyền, miền Nam rùng rùng đứng dậy với những tiến bộ hết sức lớn lao. Không nói những thành công về nhiều mặt quân sự, chính trị, cả chính trị kiểu đế quốc đối với Cao Miên, ông còn là một trong những nhà dẫn khởi tư tưởng duy tân. Ông đã tạo nên một sở đóng tàu thủy vào hạng tân tiến trong thế giới[1]. Nói riêng về phương diện nghệ thuật, con người mà truyền thuyết kể lại là đã từng làm vua Minh Mạng đứng bật dậy như một cái lò xo trên ngai đăng quang, khi ông đến chào lạy tỏ sự trung thành, con người ấy cũng là chủ một gánh hát bộ lớn nhất, bề thế nhất của miền Nam. Đội Nhứt Chiêu đã theo lệnh ông, thành lập ban hát, tụ tập rất đông diễn viên thượng thặng và góp phần rất lớn trong việc ổn cố ngành nghệ thuật bề thế này. Nhiều người cho là tuồng Sơn Hậu là của Lê tả quân. Câu ấy chắc chỉ có nghĩa là sản xuất dưới thời Lê tả quân, chứ lẽ nào một ông đại tướng uy vũ cùng mình như thế (mà hình như rất kém chữ nghĩa) lại có thể là tác giả bộ tuồng lẫy lừng như thế? Dù sao, luận cứ cho là tuồng Sơn Hậu có đưới thời họ Lê cũng không phải sai hẳn. Vì ta có thể tin chắc là ngành hát bộ vốn rất tản mác trước kia ở miền Nam, bỗng được tập trung và đề cao, tất nhiên phải gây rất nhiều hứng thú lớn lao cho văn nghệ sĩ. Do đó, những tác phẩm quan trọng, có giá trị thật, có nội dung sâu sắc và hình thức cải tiến thường được sản xuất với niềm tin mãnh liệt của tác giả. Lại thêm sự kiện Sơn Hậu được đặt vào hạng tuồng thầy (cùng với Tứ Linh  Trần trá Hôn) không phải là ngẫu nhiên. Tuồng này thường chỉ đóng vào đầu năm để thiên hạ đi bói, vào dịp ban hát tân trương hay khai trương các đình miếu tân lập, v.v. Có thấy người trong nhà nghề khi nói về tuồng Sơn Hậu với tính cách kính cẩn khâm phục như thế nào, mới hiểu được cái địa vị tinh thần cao cả mà chỉ duy truyện Kiềumới gây cho ta ấn tượng so sánh. Có thể ví một cách không ngoa là Sơn Hậu chính là những kịch bản của Molière đối với diễn viên cổ điển Pháp, Shakespeare đối với diễn viên cổ điển Anh. 

Giá trị tinh thần của Sơn Hậu làđề cao sự trung thànhvà phản đối sự phản loạn. Những vai trung như Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân, Phàn Diệm, Đổng Mẫu v.v. đều là những cái tên mà quần chúng nhắc nhở ngoài đời như cơm bữa, nhiều người cũng lấy luôn nó mà đặt tên con cái mình. Những vai phản loạn như “thằng Đình”, “thằng Nhược” thì cũng bị đời phỉ nhổ và cũng trở thành những thành ngữ chỉ sự độc ác, xấu xa, hèn hạ, bỉ tiện. Thật ra, nhân vật trong vở tuồng này mỗi vai là một sáng tác độc đáo. Không kểnhững vai trung khí phách khác đời mà đến vai phản loạn cũng là những nhân cách đặc biệt của hạng vừa cógan, tài hùng cứ, vừa mưu mô độc ác lại vừa là kẻ cólòng nhân chứ không phải là những vai trò chỉ nói theo một chiều. Về dàn cảnh, ít khi sân khấu cống hiến những cảnh đặc sắc đến thế, dù trăm năm sau thời Lê tả quân: Cảnh hồn Khương Linh Tá dẫn đường, cảnh Đổng Mẫu thượng thành và bên ngoài, “chị Ba” của họ Tạ cũng đăng cao để ứng đối hay làm món hàng chính trị mà mặc cả… 

Về văn chương thì Sơn Hậu còn giữ một chứng cớ khá quan trọng về sự dùng văn nói lối nôm của tiền nhân. Nói lối được xem như là phần chủ yếu và những tình cảm, tư tưởng sâu xa, đau đớn, hùng tráng nhất phần lớn cũng đều diễn tả bằng loại văn bình dân đã thành công lớn lao với Sải Vãi trước kia. Tuy cũng có hát nam, hát bắc… nhưng không quá nhiều và quá rườm rà như các bản tuồng sau này[2]. Điều này nhắc cho ta thấy thêm địa vị tối quan trọng của văn nói lối ở miền Nam, cái miền mà văn chương vốn lấy căn bản nói và trình diễn làm phương thức và quần chúng làm đối tượng. 

Tuồng Sơn Hậu có thể nói là bộ tuồng vĩ đại của ngành hát bộ, ngành nghệ thuật có nhiều tác phẩm giá trị nhất trong kho tàng văn học Việt Nam. Nó cần được nghiên cứu, học hỏi một cách kính cẩn, nghiêm minh và mở rộng như đối với truyện Kiều  Lục Vân Tiên. 

Nhưng niềm tin tưởng của quan lại, địa chủ và thương gia Trung Hoa đó có phải hẳn là của tất cả mọi người? 

Còn các tầng lớp sĩ phu chưa ở vào cương vị lãnh đạo và nhân dân thì saoChắc chắn họ vẫn tin vào nhà Nguyễn nhưng họ có chịu nổi sự toa rập của quan lại, điền chủ và thương gia Trung Hoa khống chế và bóc lột họ không? Họ có chịu nổi những cảnh tham ô trắng trợn, đè đầu cưỡi cổ trắng trợn, cướp giật trắng trợn vẫn xảy ra hằng ngàkhông? Nhất là hạng xưng hùng xưng bá kiểu Tam hùng, Tam kiệt (để rồi sau này biến thành du côn, anh chị bự) thế thiên hành đạo ấy có còn làm cho họ yên ổn trong cuộc sống, để yêu người mình yêu, để nghe hò nghe hát tự do, để yên ổn theo đuổi các cuộc phiêu lưu rất cần thiết hòng tìm đời sống thích hợp hơn, dễ dàng hơn nữa trong một miền chim trời, cá nước đầy dẫy? LêVăn Khôi đã tìm cho họ một lối thoát. Nhưng nhà Nguyễn còn mạnh quá mà cái tư tưởng dân chủ hoặc tiến bộ gì gì nữa, khi có sự hiện diện của các cố đạo ngoại quốc hậu thuẫn thì vẫn không được sĩ phu bấy giờ tán thành. Lối thoát ấy bị cụt. Nhưng trong thâm tâm sĩ phu vẫn không phải thấy sự xuất hiện “giặc Khôi” hoàn toàn không có lý do khi xứ sở càng giàu mạnh, càng đầy dẫy những sự bất bình. 

Ngay như những kẻ đỗ đạt, có địa vị mà còn nhiều thiện lương như Bùi Hữu Nghĩa cũng không thể nào sống nổi trong cảnh kìm kẹp đủ mặt ấy. Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên đề cao những trung, hiếu, tiết, nghĩa, thực sự chỉ là một tác phẩm miêu tả xã hội miền Nam với bọn anh chị bự,bọn giặc cướp tự do hoành hành, bọn nhà giàu tự do tác oai, tác quái, bọn quan lại chà đạp. Ngay chính vợ con các quan cũng phải chịu tác động tàn bạo, khốn nạn ấy, huống gì lương dân vô tội. Nhưng tiếc là tác phẩm trau chuốt, đẽo gọt, có lời văn rất hay, rất điêu luyện của miền Nam ấy lại không thể dễ gì đưa lên sân khấu để quần chúng chia những mối bận tâm, băn khoăn, đau khổ của nhà nho. 

Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu ra đời là một sáng kiến của nhà nho muốn giải quyết một tình trạng bế tắc. Phải làm gìKhông thể đọc những bản âu ca, thái hòa khi chính nho sĩ va chạm thực tế đau xót nhất. Mới từ tạ tôn sư, học cái đạo lý tưởng ra về thì va chạm ngay bọn cướpgiật gái giữa đường. Mới đi làm rể, rủi mang bịnh hoạn đã gặp ngay cha mẹ vợ (nhà giàu) và cả vợ nữa đổi ý kiến, rồi đem vứt thân mình vào hang cho cọp ăn. Trong khi cá nhânmình trải qua đủ tai nạn thì chính quốc gia cũng chịu nạn do quan tể tướng tàn ác xảoquyệt gây ra đến đỗi phải đem người con gái yêu mình đi “hối lộ” cho quốc gia mạnh hơn… Còn đâu là công bằng? Còn đâu là đạo lýChỉ còn cách là chính nhà nho có tài “kinh tế” phải kiêm luôn “côn quyền lược thao” để hành động. Gặp cướp thì đánh cướp cứu kẻ yếu. Gặp tham quan thì bẻ gãy chânnó giải thoát dân lành. Gặp kẻ nhà giàu tham thay lòng đổi dạ thì chửi mắng vào mặt nó. Gặp giặc đến cướp nướcthì lãnh đại quân tiêu diệt giặc chứ không để nó muốn đòi hỏi gì cứ đòi hỏi. 

Đó là tiếng nói tích cực nhất của nhà nho mà Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực là ba phương diện nhất trí của cá thể ấy. Khi phóng ra bậc trượng phu ấy, gián tiếp tác giả còn đứng trên cương vị nhà nho mà chống lại Phật giáo, một tôn giáo vốn từ Bắc vào, nhưng được cải thiện theo dòng giao dịch với Trung Hoa ở các cửa bế, đã càng ngày càng trở nên hư tệ, hủ lậu, rất được các chúa[3] và cả triều Nguyễn sau này dung dưỡng, cũng chống lại thế lực Công giáo rất có công với Gia Long, không chỉ mang vũ khí tàu bè viện trợ mà còn cả hành động nữa. Trong trận đánh với Tây Sơn, chính các người đạo trưởng (tức giáo sĩ, giám mục, linh mục) của đạo Gia Tô ở Tây phương đi khắp trong nước dụ bọn đạo đồ làm loạn, các nơi nổi lên như ong[4]. Nhưng thế lực ấy càng ngày càng trở nên nguy hiểm vì sức bành trướng của nó và vì những mối giao thiệp đáng ngờ của nó với ngoại bang tất cả đều không thể nào phù hợp với đạo Khổng Mạnh và tình yêu nước, đặc biệt là trong một vùng quá màu mỡ, ai cũng muốn xí phần. Khi Lục Vân Tiên đội kim khôi, cầm siêu bạc ngồi ngựa ô lướt trận xông vô và thấy Cốt Đột giở các quỷ thuật yêu ma, thì đó chính là hiện thân tà đạo, tà thuyết. Chống lại nó, họ Lục không cần hô phong hoán vũ mà chỉ theo một tập tục bình dân là lấy máu chó vung ra… Và thế là tà đạo tà thuyết tà nhân tan biến để còn trơ lại cái hình ảnh lồ lộ của vị anh hùng chiến thắng! Thật dễ dàng, thú vị và lý tưởng biết bao! 

Vị trượng phu ấy còn gián tiếp chống đối dòng văn chương miền Bắc có lẽ đã theo thời thống nhất mà tràn vào Nam. Cái dòng văn nghệ ấy đầy tiếng than thở, sầu oán, buồn thương tuyệt vọng và đặc biệt hình như bao giờ cũng phải có vai chính là một người con gái! Từ nàng chinh phụ, nàng cung nữ đến nàng Thúy Kiều chỉ là than thở, nước mắt lâm ly. Rồi thì truyện Phật cũng có đàn bà là Thị Kính, dân nghèo cũng nài cho được bần nữ thán, loài chuột cũng phải chuột cái (Trinh thử). Hình như văn thi sĩ miền Bắc không viết về đàn bà là không chịu được. Những truyện có đàn ông cẩn thận thì đàn ông cũng chỉ là vai phụ, vai đàn bà vẫn nổi bật lên như đó mới chính là văn chương thật. Mà đàn ông nàoHình như không còn người đàn ông đứng cho thẳng lưng, ngưng cho ngay đài trán: Trong Hoa Tiên, anh Lương Sinh chỉ chờ đợi tin tức người yêu mà võ vàng đến còn một nắm xương. Trong truyện Kiu, anh Kim Trọng nhớ người yêu mà “máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao”! Trong Bích cầu kỳ ngộ thì vì mê gái mà “vóc sương nghe đã kém vài bốn phân”. Trong Phan Trần thì vì tương tư mà “đá kia cũng đổ bồ hôi lọ người”. Đó là nhân vật sáng tạo. Còn con người bằng xương thịt như Phạm Thái trong Sơ kính tân trang thì nó chính là tiếng khóc uất nghẹn không nguôi bẻ gãy hết chí anh hùng. Mà có cố giữ chí khí anh hùng thì anh hùng Từ Hải cũng phải chết vì một chữ tình; “trơ như đá vững như đồng” để rồi ngã gục, uốn cong trong vòng tay mềm mại của người yêu như miếng thịt thừa! 

Lục Vân Tiên lồ lộ hiện ra, có vẻ hơi “kỳ cục” khi thấy người đẹp mà lại bảo “ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai”. Chàng cũng “kỳ cục” nữa! Khi một nho sinh đúng thời thượng phải mềm như lá cỏ thì chàng lại bỏ cây làm gậy đánh tan lũ cướp. Suốt quyển truyện con người có đau khổ nhưng không rên rỉ tuyệt vọng, không ẻo lả, uốn ẻo, mềm xịu như những con bún người. Mỗi nhân vật dù tà, dù chính cũng mang một sức sống, một nhân cách, một phong độ. Sự ngang tàng, ngay thẳng, chất phác của một Tử Trực, một Hớn Minh, một ông quán, một tiểu đồng, thật chính là hiện thân của một miền còn đầy sinh lực, lương tri, đối chọi hẳn cái miền đã quá bạc nhược, tê bại nửa người. Chỉ trong Lục Vân Tiên mới có người đàn ông! Và chỉ một mình chàng cũng đủ tả đột hữu xông chống với cái trào lưu văn nghệ phụ nữ, nữ hóa từ Bắc tiến vào. Hình như chàng đã thắng, ít nhất cũng bảo vệ hữu hiện từ mũi Cà Mau đến đèo Hải Vân. Chàng “khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương” cho mãi đến 1932, nhưng đến đó dù có thất bại ở thành thị, chàng vẫn về tổ chức du lịch tại nông thôn rất lâu dài. 

Thật vậy. Ông Hoài Thanh có nhận xét khá đúng là từ bên kia Hải Vân ra Bắc người ta đọc (tôi gọi là xem) Truyện Kiều. Từ bên này vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên. Nói như thế không phải quyển này và quyền kia không ảnh hưởng tới miền kế cận. Nhưntruyện Kiều, khi qua đèo HảiVân rồi, dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên sang bên kia, có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức! 

Nhưng còn từ Hải Vân vào thì Lục Vân Tiên chính là tiếng nói thật, phát tự đáy lòng của người dân ở đó. Sự can trường đối kháng cái xấu, sự thao thức phục hưng cái tốt, lòng ao ước phục vụ hạnh phúc quảng đại nhân dân… phải chăng đó là lý tưởng của đa số, một đa số vẫn chưa quên nếp sống xa đạo lý? Một đa số vẫn cảm thấy cuộc đời mình gắn liền với lịch sử còn nóng hổi những khát vọng bình dị của đám dân đi khai phá? 

Cái thú vị của Lục Vân Tiên chính nằm trong sự phiêu lưu như dân miền Nam đã và đang phiêu lưu. Cái hào hứngcủa Lục Vân Tiên chính là sự tiêu diệt những tên côn đồ, những tham quan, những ác bá như miền Nam vẫn đầy dẫy.Cái sảng khoái trong Lục Vân Tiên là dám phát ra lời cươngtrực để đè bẹp những lời tà vạy. Cái say sưa trong Lục Vân Tiên là các nhân vật hiện ra mỗi người là một điển hình. Lời nói hành động của họ, nếu đổi tên những Cốt đột, vua, tể tướng, tiểu thư, quan lại ra những ông hương, ông lý, ông điền chủ, cô bảy, cô ba, tên anh chị bự đầu chợ thì đó chính là sinh hoạt giản dị thường nhật trong làng, trong huyện, quen thuộc biết bao![5] Cái mê ly trong Lục Vân Tiên chính là lối kết cấu với những tình tiết gọn gàng thay đổi với bối cảnh cũng luôn luôn thay đổi làm cho nó linh hoạt hẳn lên rất thích hợp với hạng thính giả nóng tính. 

Nhiều người nặng về hình thức cho là văn Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ấy là chỉ nhìn bằng cái mắt độc giả mà quên lỗ tai thính giả. Văn Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho văn miền Nam để đọc chứ không hẳn để xem. Đó là văn nặng trình diễn như truyền thống của loại văn ấy. Và giá trị lớn của nỏ chính nằm trong phản ứng của người đọc (chứ không phải xem) và của khán giả[6]. Một phê bình gia Pháp cho là văn Molière đầy lỗi văn phạm, câu rắc rối, văn xuôi mà nhiều câu còn chêm cả thơ 12 chân, thô thiển. Thế nhưng tất cả diễn viên thiên tài lừng lẫy nào khi đọc văn đó lên cũng công nhận là chưa ai viết mà thuận lợi cho lời trình diễn đến thế! 

Với Lục Vân Tiên, chỉ cần nghe một người to giọng, vừa vỗ vào đùi vừa cất tiếng ngâm nga: 

Trước đèn xem chuyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhơn tnh co le… 

Là tất cả những ai có mặt cũng đều chăm chú theo dõi, say sưa… Hình như chưa hề có quyển truyện nào lôi cuốn họ đến như thế. Cả trí thức lẫn bình dân, kẻ giàu cũng như người nghèo, quân nhân cũng như thương gia, ai cũng cảm thấy như chính đó là giọng nói của đất nước. 

Đó là một bước thành công căn bản và vĩ đại. Với Lục Vân Tiên, miền Nam không chỉ đủ trả nợ cho miền Trung mà còn cho mượn lại (như Goethe không chỉ đủ trả nợ chovăn học Pháp mà còn cho nước Pháp vay lại rất nhiều!). Đứa con hoang bắt đầu không chịu nép mình làm một cái bóng trong gia đình mà tự ý thức rõ rệt, vững vàng khả năng và nhân cách của mình để tách ra, tự giới thiệu một bản ngã, một bản sắc làm cho đất cũ ngỡ ngàng! Và điều đặc biệt là Lục Vân Tiên không phải cần chờ đợi lối ấn loát Tây phương mới tìm ra được sự thành công rộng lớn như thế! 

 

Nguyễn Văn Xuân

==========

Chú thích

[1] Đài BBC. Bối cảnh lịch sử Việt Nam. 

[2] Nhiều đoạn hát nam, bắc là do ông Đào Tấn sau này thêm vào Sơn Hậu, hiện nay những người sành môn hát bộ còn thuộc. 

[3] Chúa Nguyễn Phúc Chu nhận làm đệ tử một cao tăng Trung Hoakhi mời ông này sang Việt. (Hải ngoại ký sự). 

[4] Hoàng Lê nhất thống chí, trg 281 – Tự Do. 

[5] Cũng như nhân vật Racine, một phê bình gia cho là nếu đổi tên vua quan ra thì ta gặp dễ dàng những hạng trung lưu quen thuộc trong xã hội với hành động và ngôn ngữ của chính họ. 

[6] Chính Nguyễn Đình Chiểu, khi mù lòa cũng sáng tạo nó bằng lời nói rồi nhờ người chép lại. 

304Đen – Llttm - sgtc

 

No comments: