Saturday, February 26, 2022

Ừ Em Về Phố Cũ Đi - Thuyên Huy

 Ừ Em Về Phố Cũ Đi

Chiều về ngang phố Fairfield giữa thu 2018 chợt nhớ người trên phố cũ cuối đường Gia Long, Tây Ninh

 












Ừ em về phố cũ đi

Khúc kinh chiều muộn dài lê thê rồi

Con sông vẫn đó chia đôi

Bên kia nắng lỡ bên này mưa thưa

Ngày mai trời sẽ sang mùa

Tiếc thương cho lắm cũng thừa đời nhau

Khép khung cửa nhốt hồn đau

Vẫy tay nghẹn nuốt nỗi sầu từ đây

Thôi em quên chuyện kiếp này

Tiễn thêm bước nữa làm cây cỏ buồn

Điểm trang chi chút giận hờn

Ngựa xe son phấn đã sờn mặt hoa

Em về phố cũ đi xa

 

Thuyên Huy

Vòng Nguyệt Quế Cho Phố Núi Cao - Trương Đình Tuấn

VÒNG NGUYỆT QUẾ CHO PHỐ NÚI CAO

     Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:




phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quê

Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè là “em” trong bài thơ này chỉ là nhân vật mà anh đã… nhặt được trong tưởng tượng trong giây phút linh hiển nhất của mình là khi làm thơ.

Khi Phạm Duy “chắp cánh” cho bài thơ bằng một bài hát bất tử, cả nhà thơ và nhạc sĩ đã đội vòng nguyệt quế cho Pleiku, một miền cao nguyên trung phần quanh năm sương phủ núi đồi, một vùng thủ phủ của quân khu 2 nên lính đóng quân nhiều hơn thường dân ở. Nếu không có bài thơ này thì ít ai biết đến một thành phố xa xôi “quanh năm mùa đông” và những người yêu thơ không thuộc nằm lòng câu: May mà có em đời còn dễ thương.

Bài thơ gắn liền với tên tuổi của Vũ Hữu Định, nhắc đến tác giả là người ta nhớ Còn Chút Gì Để Nhớ và ngược lại. Thi sĩ Kim Tuấn là lính đóng quân gắn bó nhiều năm ở Pleiku, từng làm nhiều bài thơ cho phố núi sương mù này đã thốt lên về Vũ Hữu Định: “Mình từng ăn dầm ở dề ở đây mà chẳng làm được tích sự gì, vậy mà bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm bài thơ nổi đình nổi đám cho Pleiku!”

Như vậy mới biết là một địa danh nào đó để cho nhiều người biết đến phải nhờ đến âm nhạc và thi ca. Những cung bậc tài hoa của nghệ thuật đã gây cảm xúc và lưu lại “chút gì để nhớ” để thôi thúc độc giả một ngày nào đó sẽ làm du khách được ghé thăm.

Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, được lọt vào mắt của Phạm Duy, và nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định, người lính đào ngũ hai năm rồi bị bắt đày lên cao nguyên để phục dịch chiến trường.

Trong một buổi chiều họp mặt nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định. Anh mặc cái áo màu xám khắc sau lưng bốn chữ LCĐB (Lao công đào binh). Trong giới văn nghệ, người ta quí trọng tài năng của nhau chứ không phân biệt người đương thời quan cách và kẻ làm tội nhân.

Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo và kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ và sau đó bài hát đã nổi tiếng ngay sau khi phát hành.

Thi sĩ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung (1942- 1981) sinh tại Thừa Thiên. Đã từng sống nhiều nơi ở Cao nguyên và Đà Nẵng, anh sống nghèo túng trong khoảng đời ngắn ngủi của mình, có tật mê rượu và thường giang hồ lang bạt đi đây đi đó.

 

Anh đã có nhiều thơ đang rải rác ở các báo với nhiều bút hiệu khác nhau và cuối cùng tên Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ ra đời.

“Giang hồ đâu cần ai phong ấn”

Chỉ trong chuỗi ngày giang hồ của mình, Vũ Hữu Định để lại cho đời một bài thơ làm nhiều người biết và để ý đến phố núi Pleiku. Tác phẩm đôi khi do ghi lại tình tiết của đời tư của nghệ sĩ, và nghệ phẩm không phải xuất xứ từ salon, từ chăn êm nệm ấm, mà từ nỗi đày ải nhân gian mà tác giả đã trải qua.

Một địa danh vốn ở ngoài đời đã đẹp, khi đi vào thi ca và âm nhạc sẽ trở thành nên thơ hơn, làm du khách muốn đến thăm hơn. Như bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử và bài nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên.

Tôi đã có một đôi lần ghé lại Pleiku, từ con dốc cao đổ vào trung tâm, đã thấy “quanh năm mùa đông” ở trên từng màn sương ướt màu thông xứ sở cao nguyên. Không thể không nhớ đến một gã giang hồ làm thơ Vũ Hữu Định tài hoa bạc mệnh đã từ giã cuộc chơi trần thế vào năm 39 tuổi.

Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy đã được Vũ Hữu Định khoác lên cho chiếc áo thi ca, đi loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ như xưa để có đúng là “đi dăm phút đã về chốn cũ” không?

“Xin cảm ơn một mái tóc mềm” nào đó của Vũ Hữu Định đã cho chúng ta những hình dung về một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm dẫu không có thật ở ngoài đời cũng kệ, cũng đủ làm cho May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương.

Sinh thời Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Để Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy.

Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Định:

Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942, mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng.

Trương Đình Tuấn

Từ trang DĐQGHCTC 

Giục Giã - Xuân Diệu

 GIỤC GIÃ

 









Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.

 

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ.

Vì chút mây đi, theo làn vút gió.
Biết thế nào mà chậm rãi, em ơi?
Sớm nay sương xê xích cả chân trời,
Giục hồng nhạn thiên đi về cõi Bắc.

Ai nói trước lòng anh không phản trắc;
Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?

Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói;

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi… 

Xuân Diệu

Buồn Trông Con Nhện Giăng Tơ - Nguyễn Thạch Giang

BUỒN TRÔNG CON NHỆN GIĂNG TƠ

 

Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai

(Ca Dao)

 

Phụng thấy hai con về đến cửa liền lật đật đi bới hai tô cơm cho hai đứa, xong rồi nàng còn phải đi làm thêm buổi tối ở quán cháo vịt đầu đường. Hai đứa nhỏ đi học về là phải đi bán vé số, kiếm thêm chút đỉnh tiền bỏ ống heo để dành tiền mua sách vở, tiền đóng học phí, chớ đồng lương giáo viên cấp một của nàng chỉ vừa đủ chi tiêu trong gia đình ba mẹ con cùng bà mẹ già. Chồng nàng chết trong một tai nạn xe cộ ba năm về trước,  để lại cho nàng những ngày tháng đầu tắt mặt tối, chỉ biết đi làm ... và đi làm.
Thằng con trai khoe với mẹ:

– Bữa nào cậu Hoà cũng mua giấy số giùm cho con.



Cậu Hoà! người đàn ông Việt kiều lối xóm ngày nào cũng thấy đi ngang nhà. Cậu Hoà là con cô Hai, con ông bà Năm Thiệt. Cô Hai là chị lớn có người em trai là chú Tuấn bạn học của cha nàng. Chú Tuấn học cùng lớp và cùng nhập ngũ một lượt với cha Phụng, khoá 8/68 Thủ Đức. Chú Tuấn và gia đình đi Mỹ theo diện H.O. còn cha nàng qua đời bất thình lình, chỉ ba tháng trước khi có tin tù cải tạo được đi Mỹ. Cha nàng khỏe mạnh bình thường, buổi tối hôm đó ông cảm thấy hơi mệt đi ngủ sớm, và ông đã ngủ một giấc ngàn thu không bao giờ thức dậy, để nhìn thấy bạn bè lần lượt kéo nhau đi Mỹ. Mỗi khi nghĩ đến điều đó Phụng cảm thấy thật buồn cho số phận của gia đình nàng.

Đi phụ bếp ở quán cháo vịt nàng cũng bị đồng nghiệp và ông hiệu trưởng lời ong tiếng ve. Lúc đầu nàng còn nhỏ nhẹ nói là chỉ làm trong bếp chớ không làm tiếp viên. Nhưng ông hiệu trưởng cứ nói đon ren, cứ sợ người ta dị nghị này nọ cô giáo mà đi làm quán nhậu. Nàng đổ lì mặc kệ, có đuổi thì tôi kiếm việc khác chớ đồng lương giáo viên không đủ nuôi con.

Ông bà chủ quán là người lối xóm cũng là bạn học của cha nàng. Lúc chồng nàng thình lình bị tai nạn qua đời, bà kêu nàng ra phụ bếp. Miệng bà ngọt sớt, "thấy tội nghiệp con nhỏ này quá, ba nó mà còn sống, giờ này tụi nó ở Mỹ chớ đâu ở đây. Hồi trước tui khoái ba nó lắm, ngặt nỗi thời buổi chiến tranh, ổng đi lính xa nhà, chớ nếu không…"  bà cười hì hì. Ông chủ quán cũng là bạn học của cha nàng, ông cũng ăn nói vui vẻ, lâu lâu nhắc chuyện xưa, "tội nghiệp trung uý Trí, tối ngủ rồi ngủ luôn không thức dậy. Hồi trước tụi này là bạn học, ổng đậu tú tài đi sĩ quan, tui thi rớt đi lính nghĩa quân, thiệt hồi đó… ai mà không đi lính". 

 Ông chủ quán có người em họ, vợ chết muốn tiến thêm bước nữa với Phụng. Ông này cứ theo o bế ve vản Phụng hoài: "Thôi thì rổ rá cạp lại, cô hai con tui cũng hai con, tui thích con đông, mai mốt về già không nhờ đứa này thì cũng còn đứa khác".  Ông này cũng chuyên trị quán nhậu, cũng cháo vịt gỏi vịt. Phụng nghĩ đến cái ngày mà sáu giờ sáng thức dậy làm quần quật đến mười giờ đêm. Ngày nào cũng như ngày nấy, đôi tay lốp bốp chặt hết con vịt này đến con vịt khác… nàng thầm nói: "thôi anh ơi! em thà ở vậy sướng hơn". 

Hôm mới đi làm thêm ở quán nhậu, buổi tối về nhà nàng nằm vật xuống giường tay chân rã rời, giờ quen việc nhưng thật tình… "cứ ngửi tới mùi cháo vịt…  là tui ớn tận cổ". Tội nghiệp hai đứa con nàng, hôm nào trời mưa bán ế, đồ ăn dư ở quán đem về, tụi nó ăn ngon lành. Bà chủ bảo Phụng đem về cho mấy đứa nhỏ, đồ ăn mà bỏ tội chết. Nàng nấu nước sôi trụng sơ hai đứa ăn ngon lành. 

Cậu Hoà thấy hai đứa nhỏ bán vé số đi ngang nhà, liền bước ra kêu mua giùm giúp cháu. Cậu bảo vô nhà cậu cho mấy cái bánh ích mẹ cậu vừa nấu. Cậu nói với mẹ, hai đứa này là cháu ngoại cậu trung uý Trí. Má biết thằng nhỏ này tên gì không? Hoàng Thiên Thạch. Dữ dội nhe, rồi cậu quay sang hỏi nó:

– Có bà con họ hàng gì với Hoàng Phi Hồng không vậy?

Thằng nhỏ trầm ngâm nhẹ lắc đầu, chắc nó không biết Hoàng Phi Hồng là ai.Còn con nhỏ này tên Hoàng Thiên Trang. Tên đẹp nhe, tên như tên ca sĩ.

Cậu nhìn mẹ:– Má à! Có phải hồi xưa có cô ca sĩ tên Hoàng Thiên Trang tóc dài đẹp đẹp hát hay hay phải không má.

 Bà mẹ cố nhớ, hồi xưa cho tới hồi nay, cái cô ca sĩ tóc dài hơi đẹp đẹp hát hơi hay hay… thì con ơi… nhiều không nhớ hết.

Cậu Hoà nhìn đứa con trai xong nhìn sang đứa con gái so sánh. Con trai thì đẹp, con gái lại xấu.

– Chị con đâu có xấu, chỉ là không được đẹp.

Cậu Hoà cười khùng khục. Mày mấy tuổi.

 Dạ con chín tuổi. 

Cậu nói với mẹ, cái thằng này chín tuổi mà ăn nói khôn dữ hôn, hồi con chín tuổi còn khờ câm, đi học vô lớp sợ thầy giáo cô giáo muốn chết.

Bà mẹ nhìn thằng con, ông bữa nay bốn chục chưa thấy khôn nói chi hồi đó.

Cậu Hoà nhìn thằng con trai, mặt mày sáng láng chắc học giỏi lắm phải không ?

– Dạ chị con mới học giỏi, giỏi toàn diện, giỏi nhứt là toán với lý. Con học cũng trung bình, nhưng con giỏi môn văn.

Cậu Hoà nhìn thằng nhỏ trề môi, con trai mà giỏi văn, chắc lớn lên làm nhà thơ. Rồi cậu lắc đầu, nhưng mày đẹp trai quá làm thơ không có hay.

– Nhưng con không muốn làm nhà thơ, nhà thơ thì đâu có giàu.

– Nhà thơ nghèo hả? Không có tiền nhưng có tiếng, gái mê, gái mê.

Chừng như thích thú với ý nghĩ đó cậu Hoà lại ôm bụng cười khùng khục. Bà Hai bước ra sau lấy hai cái bánh ích cho hai đứa nhỏ. Thằng con trai định ăn, con chị kề tai nói nhỏ. Hai đứa đứng dậy xin phép ra về, cậu Hoà đưa mắt dõi theo rồi nói với mẹ:

– Má biết con nhỏ chị nói với em nó cái gì không, nó nói đừng ăn đem về cho má. Rồi cậu có lời khen, còn nhỏ xíu mà biết thương mẹ.

Bà Tuyết đẩy cửa bước vào đưa mắt ngó quanh, cô Hai từ nhà sau bước ra mừng rỡ gặp lại bà chị họ mấy mươi năm không thay đổi. Quần áo lúc nào cũng ủi thẳng nếp và người lúc nào cũng thơm phức mùi nước hoa.

– Chị Tuyết ngồi chơi… hay là sợ nhăn cái quần mới ủi. Lâu ngày gặp lại thấy chị vẫn vậy, má em hồi còn sống nhắc chị hoài, nói con Tuyết qua nhà không dám ngồi, sợ nhăn cái quần.

Chị Tuyết cười hề hề. Đâu có phải vậy nè, mà sao mình bao nhiêu năm vẫn thích mặc quần trắng, mà ghét nhứt ngồi xuống dính bụi. Chị về chơi chừng nào trở qua bển. Nghe tụi nhỏ nói cậu Hoà đi ngoài đường bị giật dây chuyền, mà lúc công an dẫn thằng nhỏ đem trả lại cậu Hoà không nhận, nói không biết của ai.

– Thằng con em kể lại thấy thằng nhỏ mặt mày xanh lét, run lập cập nó tội nghiệp. Vàng thì giống vàng, đâu biết chắc có phải của mình hay không, nói oan người ta tội chết.

– Vậy à! Cậu Hòa tánh tốt quá! Mà cậu nói vậy cũng phải. Nghe đồn cậu đang tìm vợ phải không em, đừng ham cưới người trẻ quá, sợ không bền.

– Cái đó hên xui dì Tuyết ơi! 

Hoà từ ngoài bước vào lớn tiếng vừa cười vừa nói trả lời dì Tuyết. 

Chào dì mới qua chơi. Hồi trước con cũng nghĩ vậy, vợ chồng chênh lệch tuổi tác quá…dễ xa nhau. Nhưng con thấy nhiều người, như ông anh thằng bạn chẳng hạn, sáu chục tuổi ly dị vợ, về Việt Nam cưới gái hai mươi, ai cũng cản. Nhưng ảnh nói, "tui chẳng có tiền bạc chẳng có sự nghiệp, ở đây ai cũng chê. Giờ có người hai mươi chịu lấy mình, chờ gì nữa. Tới đâu hay tới đó! qua đây nó có bỏ tui đi lấy chồng khác, tui sẽ là người đi cưới chồng cho vợ, tui sẽ đứng ra lo đám cưới cho nó đàng hoàng". Vậy mà hai người ăn ở tới giờ có hai mặt con lớn đại. Cô vợ làm nail mấy năm mở tiệm, bảo lãnh ông già bà già anh em qua một nhà. Ai nói vợ chồng là cái duyên nợ hên xui thiệt là đúng.

Dì Tuyết nhìn cậu Hoà cười cười. Thấy cậu như trai mới lớn đòi vợ. 

Bà mẹ nhìn thằng con, nói chuyện sung dữ hé! Rồi bà nhìn dì Tuyết, em định kiếm chỗ nào được được cưới vợ cho nó. Mới vừa nói, ba bốn chỗ kêu gả con.

Dì Tuyết nhìn cậu Hoà. Cái điệu của cậu, chắc cậu thích người trẻ và đẹp.

Cậu Hoà cười hề hề. Thật ra… cũng không hẳn… nhiều khi… người trẻ đẹp mình không ưng lại nhào vô người dang dở hai ba con. Cậu lại cười hề hề… hên xui.

Không biết tin tức ở đâu mà mau thiệt, hai ba chỗ đòi làm mai. Anh Chín Trọng giới thiệu cho một cô con nhà gia giáo, cả gia đình lớn nhỏ ai cũng làm nghề gõ đầu trẻ. Cô vừa đúng ba mươi, nhưng nhất định chờ đúng người, đúng người trong mơ mới lấy. Cô đặc biệt yêu thơ và thích làm thơ, đã có một tập thơ trình làng và đang là thư ký của hội văn nghệ thị trấn. Còn chú Mười Đồng thì đòi giới thiệu cho một cô người mẫu, đã từng đại diện thị trấn dự thi cuộc tuyển lựa hoa hậu Việt Nam. Cậu Hoà bỏ nhỏ, mặc dầu là rớt từ vòng gởi xe, nhưng cái nhan sắc đó cũng làm cho mấy cô gái trong làng ganh tỵ.

Dì Tuyết cười hê hê, vui quá hé, trai bốn mươi tìm vợ, con ơi coi chừng “già kén kẹn hom”. 

Cậu Hoà cười hê hê, dì ơi con đang theo phong trào hát “Duyên phận”, duyên phận hên xui.

Phụng đi ngang nhà cô Hai thấy Hoà đang đứng trước nhà lui cui trồng cây, cậu mặc quần đùi cởi trần, làn da trắng bóc. Sao đàn ông Việt kiều người nào cũng có làn da thiệt đẹp. Cậu Hoà nhìn Phụng mĩm cười, trống ngực nàng đánh thình thịch. Cô Hai từ trong nhà bước ra kêu nàng lại cho chai thuốc.

– Ngày mai cô về Mỹ, chiều nay nhà cô có đám giỗ con dẫn hai đứa nhỏ qua chơi. Chai thuốc cảm nhức đầu với lại chai thuốc trị tiêu chảy cô đem về phòng hờ mà chưa có dùng, con giữ để dành có khi cần.

– Dạ con cám ơn cô, chiều con qua sớm phụ bếp.

Phụng vừa nói chuyện với cô Hai vừa liếc nhìn trộm cậu Hoà. Cậu cũng đang nhìn nàng, đôi mắt biết nói không cần che đậy. Phụng bước đi không dám quay lại nhưng biết chắc cậu đang nhìn dõi theo. Lòng nàng rộn rã một niềm vui khôn tả. Bước vào nhà lòng còn bâng khuâng. Nàng bước đến mở nhạc, muốn nghe lại bài hát “Lời Rêu”. Thèm có ngày được một người đàn ông đến gần bên nói lời âu yếm như lời bài hát:

…Uống cùng nhau một giọt, đắng cay nào chia đôi. Say cùng nhau một giọt, trong mối đời pha phôi. Say cùng nhau người ơi, chút nồng thơm cuối đời. Vương dùm nhau sợi tóc, ràng buộc trời sinh đôi…” 

Phụng ở trong bếp mà cứ ngó ra phía nhà trên. Cái cô người mẫu từng dự thi hoa hậu đẹp thì cũng đẹp, nhưng người đã ốm tự nhiên mà lại ăn kiêng chi cho ốm nhìn khẳng khiu như cây tre miễu. Đã cao còn ốm đứng gần cậu Hoà hai người như con số 10, mà người nữ dành phần con số một. Còn cái cô nhà thơ nãy giờ lăng xăng đi ra đi vô tập dợt cho màn ngâm thơ. Cô nói thơ thì phải ngâm nghe mới hay chớ ai lại đi đọc thơ. Cô còn căn dặn anh chàng dẫn chương trình phải nhớ và nói tên cô cho đầy đủ: "Nguyễn Hữu Hoàng Uyên Phượng Uyển". 

Anh chàng chu cái miệng nói nhà thơ mà bút hiệu chi dài dữ rứa.

 "Không phải, đó là tên thật của em". Và để chứng minh, cô móc bóp lấy thẻ căn cước trình làng, thấy chưa, tên thật mà. Nhưng anh chàng emcee chẳng buồn để ý định vội bước đi, cô kéo lại dặn dò. Nhớ nói cho đúng tên của em, Hoàng Uyên chớ không phải Hoàng Quyên nhe anh.

Nhà thơ nữ từ từ bước ra, phải chi có nhạc đệm thì dáng đi không thấy chênh vênh. Nhà thơ thì phải gầy mới ra dáng nhà thơ. Đằng này cô to người quá, lại mặc quần áo bó sát phô rõ ba vòng. Đặc biệt vòng số ba to quá, cái mông bự này họa may sang Mỹ mới nổi tiếng, chớ còn ở xứ này, đàn ông chỉ chuộng phụ nữ ngực bự.

Mặt mày cô hớn hở nói em xin được trình bày một bài thơ vừa sáng tác, đặc biệt dành riêng tặng người đàn ông từ một nơi xa lắm… chàng về đây như vị hoàng tử đánh thức nàng thơ, như đánh thức nàng công chúa đang ngủ trong rừng.

Phụng nhìn cậu Hoà, không, vị hoàng tử, coi chàng cảm động ra sao. Nhưng chàng hình như không để ý thơ với thẩn mà bù lu bù loa cùng bạn nhậu.

Một vài tiếng vỗ tay lác đác, nhà thơ ngập ngừng muốn làm thêm một bài nữa. Nhưng anh chàng MC bước đến lấy micro giới thiệu màn tiếp theo, xin lỗi có nhiều người đang xếp hàng chờ tới phiên trình diễn. Một cặp đôi bước ra chơi liên khúc bolero đang nổi đình nổi đám. Có múa minh họa, học sinh trường múa đàng hoàng. Màn này coi bộ hấp dẫn, nhiều người hát theo, nhiều người vỗ tay hưởng ứng. Đám giỗ mà vui như đám cưới.

Bà Hai bước ra sau bếp nói lời cám ơn quý bà con đến phụ giúp. Bà nói ai có mệt cứ về nhà nghỉ ngơi, chớ còn cái màn nhậu này không biết kéo dài tới bao giờ. Bà bước tới hỏi mẹ con Phụng ăn có ngon không, rồi bà xoay qua nói với bà Bảy, thằng con tui thương hai đứa nhỏ này lắm, nó khen hai đứa vừa ngoan vừa biết thương mẹ.

Bà bước đến vỗ đầu hai cháu, ráng học giỏi mai mốt giúp mẹ nhe con. Có muốn theo bà sang Mỹ đi học không hai cháu?

Phụng nhìn bà ứa nước mắt, muốn nói cô Hai ơi! Đó là điều con mong ước cả đời. Nhưng nàng xúc động quá, toàn thân run lẫy bẫy, chạy vội ra hàng hiên ôm mặt khóc như mưa.

Nguyễn Thạch Giang

Bài hát "Lời Rêu", nhạc Phú Quang, thơ Nguyễn Thị Hoàng. 

  

Bình Minh Trên Biển & Nhớ Hương Trà - Nguyễn Thị Châu

 BÌNH MINH TRÊN BIỂN

 













Đứng trên bờ cát lặng nhìn

Ngoài xa biển lớn bình minh lại gần

Chói chan tia nắng lâng lâng

Gió bay lất phất sóng phân nhịp nhàng

Trộm nhìn bờ cát khô khan

Dấu chân lãng tử không màng nắng mưa

Ở đâu sỏi đá lưa thưa?

Trôi lên dạt xuống cho vừa lòng ai ..

Chân Trời góc biển nào phai

Mây xanh nước biếc hôm nay hữu tình

Ở đây ngẫm lại chuyện mình

Cũng như con sóng bình minh lúc nầy

Họp tan tan họp phút giây

Trôi ra biển lớn hao gầy nhớ thương

Không thương sao lại vấn vương

Bấy nhiêu hạt cát tình thương sánh bằng

Cát ơi! Cát chớ lang thang

Để tôi như cát trái ngang cuộc tình!

 

20-02-2022

Nguyễn thị Châu

 

NHỚ HƯƠNG TRÀ

 

Bỗng dưng nhớ lại hương trà

Mùi thơm vị đắng lẫn pha ngọt ngào

Ngồi đây nhớ lại hôm nào

Tay bưng ly uống mà sao nhớ hoài

Chan chát hương vị mà say

Quên đi bao nỗi đắng cay trong lòng

Vì ai tôi phải hằng mong?

Gió mưa đừng đến trà không phai mùi

Hôm nay trong dạ rất vui

Thèm ly trà nóng ngát mùi thương yêu

Ly nầy ly nữa liêu xiêu

Uống đi nỗi nhớ tình yêu ngọt ngào

Người ơi ! Có nhớ hôm nào ?

Nhớ nhung vì bởi người trao ly trà

Bây giờ sao vội chia xa !

Hương trà còn đó người xa đâu rồi ??

 

22-02-2022

Nguyễn thị Châu