Saturday, February 5, 2022

Duyên Anh 225B Công Lý - Vũ Trung Hiền

Duyên Anh 225B Công Lý

 

Căn biệt thự xinh xắn nay không còn nữa.
Cây khế trái chín mọng trĩu cành mỗi mùa hè chẳng còn dấu vết.
Bờ tường cao, đôi cánh cổng vững chãi cũng đã biến mất.

 

Vũ Trung Hiền

 


Một thời gian, trước khi tôi rời Saigon, người ta mở một quán cafe tại nơi này. Có thể vì biết đây là nơi Duyên Anh đã từng sống; có thể vì vẫn còn nhớ đến tên tuổi anh, người mở quán đã đặt tên nó là Hoa Thiên Lý.

Mấy năm trước, về thăm quê, tôi còn thấy địa chỉ này. Hai cánh cổng, bờ tường xưa vẫn còn đó, tuy mầu vôi, nước sơn đã đổi.

Tháng giêng 2017, hai mươi năm sau ngày Duyên Anh qua đời, tôi thả bộ từ chợ Phú Nhuận, bước chầm chậm qua cầu Công Lý; ngõ hẻm dẫn vào Phở Bà Dậu, tiệm phở Duyên Anh ưa thích nhất, len lỏi giữa dòng xe cộ tấp nập, tôi ghé ngang căn nhà cũ, tìm lại kỷ niệm với Duyên Anh.

Trước, và sau ngày 30 tháng 4, tôi đã nhiều lần ghé thăm anh tại đó, những lần chỉ có hai anh em ở phòng khách, Duyên Anh cởi trần, co hai chân ngồi gọn lỏn trong ghế bành, chúng tôi vừa uống rượu đỏ vừa trò chuyện; những lần ngồi bên anh ngoài sân, xem anh rửa chén bát. Duyên Anh ít khi rửa bát, nhưng khi nào rửa, anh rửa rất kỹ, và rất sạch. Anh bảo tôi:

– Làm việc gì cũng thế, mình cứ thích làm cho kỹ, cho sạch và đẹp mới được.

Cũng tại địa chỉ này, tôi gặp thân phụ Duyên Anh. Năm ấy, ông cụ khoảng ngoài 60 tuổi, dáng người và nụ cười Duyên Anh giống hệt ông cụ.

Người con gái đầu lòng của Duyên Anh, năm ấy hai mươi tuổi, cũng từ miền Bắc vào thăm bố. Duyên Anh rời miền Bắc, tháng 8, 1954, để lại người vợ do cha mẹ cưới cho anh và cô con gái, có thể lúc ấy vừa mới chào đời.

Tháng 9, 1981, Duyên Anh và tôi cùng ra tù. Tôi đến 225 B Công Lý thăm anh, và được gặp những nhân vật nổi tiếng trong giới văn học và xuất bản trước 75 như Doãn Quốc Sỹ, Tạ Tỵ, Nguyễn Hùng Trương…; hầu hết các vị này đều đã qua đời.

Thời gian ở tù về, Duyên Anh nằm nhà nhiều hơn ra đường. Trong lúc rỗi rảnh, anh làm nhiều thơ bảy chữ và tám chữ, mỗi lần tôi ghé chơi, anh đều lấy ra khoe, và đọc cho tôi nghe. Có dạo, tôi vui bạn bè, đi buôn than củi chơi. Một tối mưa, tôi theo chuyến xe than từ Long Khánh về, ghé nhà Duyên Anh, nhờ anh cho để nhờ khoảng bảy tám bao than ở dưới mái hiên bên phải, hôm sau tôi sẽ đến lấy, đem giao cho người mua. Duyên Anh kéo tôi vào phòng khách, đọc cho tôi nghe bài thơ Saigon Ra Đường anh mới làm, và đưa luôn tờ giấy cho tôi:

– Em giữ đi. Anh tặng em đấy.

Saigon ra đường không áo dài
Em sợ đang mùa gió chướng bay
Gió bay cuốn hút mùi hương cũ
Chỉ để riêng mình ta ngất ngây
Saigon ra đường không phấn son
Em sợ rừng sâu gỗ giận hờn
Chinh phu gió cát nghìn phương lạnh
Chinh phụ nào ham chuyện lược gương
Saigon ra đường không thích cười
Em sợ đèo cao lệ đá rơi
Nên mãi mùa Đông về tạm trú
Đã về sương tuyết phủ niềm vui
Saigon ra đường không giống ai
Tóc mây lớp lớp khói u hoài
Mắt chim khuyên đã diều hâu hết
Cúi xuống nhìn lên vẫn ngậm ngùi

Bài thơ khiến tôi xúc động, và trong một sáng ảm đạm của Saigon xơ xác, tháng 10, 1981, trong lúc đứng núp mưa trên đường Trương Minh Giảng, chờ chuyến xe than đi Long Khánh, những nốt nhạc đầu tiên của Saigon Ra Đường cũng thánh thót rơi, vang vọng trong lòng tôi

Suốt trên đường đi, tôi cứ lẩm nhẩm mãi những câu nhạc của bài hát này, cho đến lúc thuộc lòng. Mất cả buổi với cây guitar, tôi mày mò ghi lại bản nhạc trên khung nốt, đem tới nhà Duyên Anh, hát cho anh nghe. Trí nhớ Duyên Anh quả thật phi thường! Anh nghe tôi hát có vài lần thôi. Vậy mà hai năm sau, sang Paris, anh ghi lại thật chính xác bài Saigon Ra Đường, nhờ Bạch Yến hát, thu vào băng Ru Đời Phù Ảo.

(Trích từ Duyên Anh và tôi, Những Câu Chuyện Bên Ly Rượu”)

Tháng 6, 1982, tôi rời VN, và Duyên Anh cũng vượt biên năm sau. Gặp lại nhau trên đất Hoa Kỳ từ 1987; rồi Duyên Anh gặp nạn, tháng 4/ 1988.

Sau khi bình phục, anh viết lại bằng tay trái, những cuốn về ca dao, và xuất bản tác phẩm cuối cùng, Hồn Say Phấn Lạ, chỉ in 500 cuốn, nay đã tuyệt bản.

Tháng 9, 1996, Duyên Anh về Pháp. Trước khi rời Mỹ, Duyên Anh bảo tôi:

– Anh sẽ về vài ba tháng thôi, rồi lại sang đây. Phải lo cho xong việc vào dân Tây cái đã.

Không ngờ lần tiễn anh ra phi trường đó lại là lần cuối cùng anh em chúng tôi còn thấy nhau.

Tháng 1/1997, Duyên Anh đau nặng, và sau một tháng điều trị, anh qua đời sáng sớm 6 tháng 2, 1997, trong lúc tôi đang trên đường bay sang Paris, đem thuốc trị bệnh cho anh.

Tham dự tang lễ anh trong một ngày Paris mưa ảm đạm, ngoài chị Duyên Anh, hai con trai của anh, Vũ Nguyễn Thiên Chương, Vũ Nguyễn Thiên Sơn,  anh chị Đặng Xuân Côn, có khoảng bảy chục thân hữu, trong số đó, tôi nhận ra anh chị Mai Trung Ngọc, giám đốc nhà xuất bản Nam Á, sư huynh Trần Văn Nghiêm, người dịch hai tác phẩm Đồi Fanta và Những Đứa Trẻ Thái Bình ra Pháp ngữ, nhạc sĩ Lương Ngọc Châu và vợ ông, bà Phạm Thị Hoàn, con gái học giả Phạm Quỳnh, anh Bạch Thái Hà, một trong những người bạn thân của Duyên Anh ở Paris, chị Phương, chủ nhân nhà hàng Đào Viên, chị Mỹ Hòa của Tam Ca Ba Con Mèo, các Vũ Đức Anh, Trần Quang Hải, chị Bạch Yến, linh mục Jean Mais và linh mục Đinh Đồng Thượng Sách,…

Rất tiếc, tôi không được biết tên những thân hữu khác, mà tôi tin chắc, các vị ấy phải yêu mến Duyên Anh lắm, mới nghỉ làm, và đội mưa đến dự tang lễ trong buổi sáng thứ sáu lạnh lẽo này.

Duyên Anh qua đời năm anh 62 tuổi.

Còn tôi, năm nay, đã bước vào tuổi 70. Nhưng lúc nào, nhớ đến anh, tôi vẫn thấy mình vẫn là đứa em nhỏ bé được anh yêu thương, dìu dắt trên nhiều phương diện.

Duyên Anh ra đi, để lại một văn nghiệp đồ sộ, ít người sánh kịp. Tư tưởng nhân bản trong các tác phẩm của anh, lòng tha thiết yêu mến quê hương Việt Nam của anh, vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trên những người trẻ, dù lúc Duyên Anh nổi tiếng trên văn đàn thuở trước 75, họ mới còn là những em học sinh tiểu học, chưa bao giờ đọc sách của anh, chưa bao giờ gặp anh, và chỉ mới đọc văn Duyên Anh khi ra hải ngoại.

Suốt nhiều tháng, sau ngày Duyên Anh qua đời, tôi nghe đi nghe lại Hồn Muôn Năm Cũ, nhạc Lương Ngọc Châu, lời Duyên Anh, nghe cho đến thuộc lòng.

Và hôm nay, sắp đến ngày giỗ thứ 20 của anh, những lời ca bi thiết của bản nhạc chiêu hồn này lại vang lên trong hồn tôi:

Người xưa vẫn sống trong lòng người nay

Hồn xưa lay bóng, phất phơ cờ bay

Hương trầm tỏa khói ngất ngây, nhạc ấp u hoài…

 

Vũ Trung Hiền, Sài Gòn 29/1/2017

Nguồn: https://hung-viet.org/a23676/duyen-anh-225b-cong-ly

304Đen – llttm - sgtc

 

  

No comments: