Saturday, February 5, 2022

Ký Ức Một Thời - Phần 2: Tôi Đi Tù (Cải Tạo) - Nguyễn Cang

KÝ ỨC MỘT THỜI

 

PHẦN II: TÔI ĐI TÙ (CẢI TẠO)

 


NẾU không có ngày 30/4  đen tối thì cuộc đời tôi và nhân dân Miền Nam VN sẽ tươi sáng hơn nhiều. Ở thời điểm đó, mặc dù có chiến tranh nhưng miền Nam vẫn phát triễn mạnh mẽ về mọi mặt: kinh tế , xã hội, văn hóa, giáo dục…Nếu miền Nam không bị sụp đổ và nếu Giáo sư Nguyễn Văn Bông không bị ám sát thì các nhân tài xuất thân từ Quốc Gia Hành Chánh sẽ kiện toàn cơ cấu tổ chức chánh quyền, tạo nên nền tảng vững chắc xây dựng đất nước.  Ngoài ra các trường đại học miễn phí được mở thêm, thu hút nhân tài, nâng cao trình độ dân trí, ý thức bảo vệ tổ quốc.  Giáo sư Vũ Quốc Thúc có kế hoạch xây dựng và phát triễn đất nước thời hậu chiến, sẵn sàng đem ra áp dụng khi hết chiến tranh. Về quốc phòng, chánh phủ mở rộng, nâng cao kỹ thuật tác chiến quân sự, mở trường Võ Bị Đà Lạt hệ 4 năm, áp dụng vào chương trình học mới, tiếp thu những tinh hoa của các nước tư bản về quân sự, đào tạo quân nhân thành những người tài giỏi phục vụ đất nước. Thêm vào đó là những yếu tố tích cực khác thì làm sao bên kia thắng  được? Trong khi miền Nam đang phát triễn thì miền Bắc tàn lụi  mọi mặt. Kinh tế lụng  bại, Nhà nước phải phát động thi đua sản xuất, làm việc gấp đôi gấp ba, ban hành kế hoạch  phát triễn 5 năm, 10 năm nhằm trấn an dân chúng. Họ sống lây lất bằng viện trợ lương thực và vũ khí từ các nước XHCN. Nguồn nhân lực bị cạn kiệt, các giáo sư từ đại học xuống trung học, các học sinh, sinh viên đều phải đi lính phục vụ chiến trường miền Nam. Trường học nhiều nơi bị đóng của, chương trình trung học rút xuống còn 5 năm thay vì 7 năm như ở Miền Nam. Sau những trận đánh khốc liệt của Tết Mậu Thân ( tháng 1/1968), Khe Sanh ( tháng 1/ 1968), Mùa Hè Đỏ Lửa Quảng Trị ( tháng 4/1972), miền Bắc bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng, nhiều làng xã báo cáo đã hết thanh niên! Thanh niên ra đi phục vụ chiến trường miền Nam, làm mồi cho bom đạn Mỹ từ B52 rãi xuống dọc đường mòn HCM, và những chiến trường lớn đẫm máu như  Khe Sanh, Charlie, Làng Vây, Đường 9 Nam Lào... Hình ảnh cho thấy trong trận  Mậu Thân 1968, một số bộ đội tuổi 14,15 vác súng AK cao khỏi đầu , đi ruồng trong Thành Nội Huế lúc họ chiếm đóng trong 25 ngày .  Nhưng có ai ngờ đất nước  lại có ngày 30/4, đánh dấu một chấm hết cho chế độ tự do miền Nam . Tôi và các quân dân cán chính chế độ cũ phải khăn gói đi tù .

        

Tôi trình diện tại trường Chu Văn An SG, tháng 6/1975 theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản thành phố HCM, sau đó chuyển lên Trãng Lớn TN, rồi “biên chế” về Long Khánh, sau cùng là Phước Long . Trại cải tạo Long Giao (tỉnh Long Khánh) là một khu vực rất rộng chia làm 3 khu mỗi khu chứa khoảng 500 tù cải tạo. Tính từ ngoài vào trong tới khe suối, thì tôi thuộc khu 1, nghe nói đây là căn cứ pháo binh của sư  đoàn 18 Bộ binh trước kia. Mỗi khu lại chia thành tổ, khu của tôi gồm 7 tổ, tôi nằm ở tổ 2. Những buổi tối không có sinh hoạt phê bình kiểm điểm,  tôi thường đến tổ 7 nghe một anh kỹ sư điện Biên Hòa kể chuyện kiếm hiệp  Anh Hùng Xạ Điêu, Tam Quốc Chí v.v Trong dịp nầy tôi làm quen với 2 anh bạn giáo chức là Nguyễn Văn Chiển và Trần Văn Khiêm. Anh Khiêm dạy Toán cấp 3 tại Trung Học Nhà Bè còn anh Chiển là giáo sư dạy tại Đại học Sư Phạm ban Toán, Sài Gòn. Khoảng tháng 6 năm 1976, sau khi cơm chiều xong, bỗng tiếng còi báo động vang lên, vệ binh mang súng ống chạy rầm rập xuống các tổ, ra lịnh cho anh em cải tạo dọn dẹp hết đồ đạc cá nhân, mang ra sắp hàng trước nhà, sau đó nghe đọc tên, ai có tên thì sắp hàng riêng một bên. Công việc  hoàn tất, vệ binh ra lịnh dẫn toán thanh lọc ra xe Molotova đang đậu sẵn trước trại, chuẩn bị di chuyển đến chỗ mới, rộng rãi hơn, tiện lợi cho lao động sản xuất, một vệ binh cho biết như thế. Đoàn xe 5 chiếc mỗi chiếc chở 20 người với đồ đạc lỉnh kỉnh, ngoài tài xế còn 2 vệ binh súng ống lăm le như muốn nhả đạn, một tên  ngồi cabin phía trước một tên phía sau. Xe được phủ một tấm bạt màu cứt ngựa thật kín mít. Độ 10 phút sau tên chỉ huy ra lệnh khởi hành, tất cả chúng tôi đều im lặng, có người nói nhỏ vừa đủ nghe: Không biết chúng có chở mình đi thủ tiêu như hồi Mậu Thân ở Huế không ?  Xe chạy thật lâu mà không thấy tới, không ai biết tới đâu vì xe bịt kín không còn kẻ hở để nhìn ra ngoài . Giờ nầy hình như có sương xuống  nên nghe lạnh ngắt mà áo mặc thì mỏng manh.  Cho đến khi xe chạy chậm lại, có tiếng cành cây quẹt rào rào quanh xe, chúng tôi mới tĩnh ngủ, xe đổ cạnh một con suối bên nầy cây cầu sắt, thì ra đây là tỉnh Phước Long! Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng, mọi người xuống xe, lóp ngóp tìm chỗ nằm ngủ tiếp. Tôi nằm cạnh gốc cây khô, co rút đầu, tấm khăn trải làm mền không đủ che ấm, sương xuống nhiều giăng phủ cả khu rừng âm u, lạnh buốt trong da lẫn trong xương. Tôi chập chờn trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, rồi giật mình ngồi dậy, nghe ngứa ngáy trong thân,  kéo áo lên, vài con vắt no tròn rớt ra , tôi lạnh người cởi hết áo quần ra giũ, thân nhuộm đầy máu do vắt cắn, đâu ngờ cạnh suối lại có nhiều vắt đĩa như thế ! Sáng ra, thân thể rã rời nhưng quản giáo tập họp lại phân công từng nhóm đi chặt nứa, lấy cỏ tranh, hái lá trung quân, chặt gỗ trong rừng đem về làm nhà cho những người mới tới .  Xong nơi ăn chốn ở, chúng tôi bắt đầu lao động sản xuất, cuốc đất trồng khoai mì, trồng lúa, đốt rừng làm rẫy . Khi nào có rãnh tôi năn nỉ anh Chiển chỉ cho học Toán để quên nỗi thất vọng, sự buồn rầu khi thấy ngày về còn xa thăm thẳm, bù lại tôi nấu nước uống cho anh mỗi chiều tối .  Cũng cần nói thêm để bạn đọc rõ: do cơ duyên nào đó mà khi “biên chế” lên Phước Long, bộ ba: tôi, anh Khiêm và giáo sư Chiển lại ở chung một tổ một phòng cạnh nhau và chúng tôi trở nên thân thương như anh em một nhà, nương tựa gíup đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã. Tôi lớn tuổi nhất gọi 2 người kia bằng mầy xưng tao rất thân mật. Tôi hỏi: Ê Chiển, mầy để lon guigoz ở đâu mà tao không thấy ? Chiển trả lời: Tui để trên kệ đó anh Cang ! ( tới đây tôi xin mở dấu ngoặc để nói thêm về Gs. Chiển, anh thuộc gia đình người Bắc di cư vào Nam năm 1954, học rất giỏi Toán, là học trò của giáo sư Đặng Đình Áng, đậu cao học Toán, làm giáo sư rất trẻ, anh viết quyển Toán Giải Tích dùng cho năm thứ nhất, hai,ba, ban Toán tại Đại học Sư Phạm SG lúc 25 tuổi. Sách dày 325 trang chữ in nhỏ xíu, nếu in chữ size 12 thì chắc cũng gần 900 trang. Sách rất có giá trị cho sinh viên học Toán thời bấy giờ vì hồi đó chưa có ai in sách Toán đầy đủ như thầy Chiển, ngay cả giáo sư tiến sĩ Đặng Đình Áng ( người bảo trợ anh thi đậu cao học Toán) cũng mới chuẩn bị in sách Toán cho sinh viên. Chiển cho biết đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Toán thì bị sập tiệm! Tài liệu Toán học cao cấp anh mua sách tham khảo từ bên Pháp, Mỹ và hội Toán học quốc tế gởi tới. Tôi gặp anh ở trại cải tạo Long Khánh lúc anh 26 tuổi, còn tôi lớn hơn anh 7 tuổi . Thầy Chiển bằng lòng nhận tôi làm đệ tử, tôi ra mắt Thầy bằng lễ vật gồm 1 con khô cá sặc và một tán đường thẻ ! Thầy dạy tôi mỗi ngày 5 tới 10 phút, chương trình toán đại học.  Tôi đưa cho Thầy cuốn tập để Thầy viết và vẽ hình, Thầy giảng về số nguyên thiên nhiên, tập hợp hợp hữu hạn, vô hạn, tập hợp đếm được , không đếm được, số thực, các phép tính trên số thực v.v. Việc học kéo dài được 1 tháng thì Thầy bảo ngưng vì quá mệt mỏi mà thực tế đâu phải ngày nào cũng dạy có khi nghỉ cả tuần hoặc 2 tuần mới học 1 bài . Thầy bảo kỳ thăm nuôi tới sẽ nhắn vợ đem tặng tôi quyển sách Toán Giải Tích  để tôi đọc, chỗ nào không hiểu thì Thầy giải thích . Sau đó độ 1 tháng có thăm nuôi Thầy tặng tôi quyển sách đó, tôi mừng lắm. Tôi bắt đầu đọc chương I, thấy còn dễ hiểu, sang chương II và III thì khó quá, tôi hỏi Chiển, anh trả lời rành mạch từ định nghĩa, tính chất cho tới định lý, vanh vách không ngập ngừng. Tôi kinh ngạc: sách gần 900 trang chứa cả trăm định lý mà làm sao anh nhớ cho hết từ định nghĩa cho tới chứng minh? Đó là chưa kể những bài tập hóc búa. Vậy mà anh hiểu và thuộc lào lào!  Được một thời gian ngắn thì thầy trò đều bỏ cuộc vì lao động qúa mệt mỏi không còn sức để thầy dạy và để trò học nữa.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, mới đó mà gần một năm lao động vất vả. Ba anh em chúng tôi ốm thấy rõ, mặt mày hốc hác, áo quần te tua.  Ngày nào cũng vậy: một chén cơm lưng buổi sáng, một chén cơm lưng buổi chiều thêm một bát canh rau muống lỏng bỏng nước. Cơ thể lúc nào cũng nghe đói, mới vừa ăn xong một chén cơm mà bụng cảm thấy trống rỗng, đói từ sáng tới tối, đêm khuya bụng cồn cào không ngủ được. Cái đói nó hành hạ cơ thể khủng khiếp biết chừng nào! Lao động nặng nhọc, cơ thể gầy còm đi đứng không vững, áo quần tơi tả vì thiếu tiếp tế. Chỉ vài tháng sau khi nhập trại, toàn thể sĩ quan trở nên rách rưới, ốm đói, phờ phạc, hãi hùng. Có người quá tuyệt vọng đã tự tử chết (ở Trảng Lớn Tây Ninh) .

         Bản năng sinh tồn con người rất mạnh, trước bế tắc, chúng tôi tự tìm cách cứu mình. Khi đi ra ngoài lao động, hễ gặp con vật gì ăn được là chộp lấy ngay,  nhét vội vào túi áo, túi quần, chiều về nấu nướng linh tinh:  dế cơm, cào cào, nhái bén, chim, chuột, cắc ké, thằng lằng v.v.  Rau cỏ thì có: cải trời, lục bình, măng tre, nứa… Có một lần cả đội đi thu hoạch  củ mì, tôi tranh thủ ngắt một nắm đọt mì non đem về nấu cháo với nửa chén cơm lưng . Đang lúc đói bụng tôi ăn ngon lành một lon guigoz cháo lõng bõng, vừa lên giường nằm ngủ thì nghe đau bụng dữ dội, cơ thể giật giật mấy cái rồi mê mang bất tỉnh. Cho tới sáng hôm sau tôi giật mình tỉnh dậy, miệng đắng, mắt hoa , đầu nặng trịch.  Nắng gay gắt hất lên mái nhà, ngơ ngác tưởng mình đang thức dậy từ chiếc giường nơi quê nhà. Thần chết bỏ đi, tôi dụi mắt nhận ra mình đang trong trại cải tạo, lòng buồn se thắt, nhìn quanh thấy vắng hoe, thì ra anh em đi lao động cả rồi, tôi lết ra ngoài cửa ói linh láng. Chợt nhớ trong túi đựng đồ có mấy viên Tifomycine tôi đem theo lúc mới trình điện nhập trại, tôi lấy ra uống liền 2 viên, thế là tôi thoát chết. Hú hồn !

Trước nguy cơ cải tạo bị chết vì bệnh hoạn, thiếu ăn, kiệt sức ; đảng và nhà nước cho phép  thân nhân gởi quà và thăm nuôi, anh em  thấy khá hơn,  nhưng không phải ai cũng may mắn, có người bị vợ bỏ hoặc không tiền mua đổ tiếp tế thì vẫn đói meo . Một  hôm chúng tôi được lệnh cả tổ đi qua cây cầu sắt Đắc Luông rồi tiến vào khu rừng rậm phía bên trái để chặt cây cất nhà tiếp. Mặt trời chưa lên khỏi ngọn cây, sương mù còn giăng kín cả một cánh rừng mênh mông, những ngọn đồi chập chùng, xa xa ngọn núi Bà Rá ẩn hiện trong sương khói mịt mù. Thêm vào đó là cái lạnh cắt da của núi rừng cao nguyên khiến lòng tôi chùng xuống,  thương thân tù tội,  mất tự do, lại nghĩ tới vợ con bây giờ không biết ra sao , nên  chân bước đi thấy nặng nề.

 Vệ binh căn dặn đúng 3 giờ chiều phải trở ra đầy đủ ở chỗ nầy. Tổ trưởng phân công cứ 2 người chặt một cây rồi khiêng về nhưng phải chia nhiều hướng cho dễ tìm cây lớn. Tôi và Chiển cầm dao hướng về trước mặt, đi một đổi chúng tôi hạ được một cây khá lớn, anh  em kề vai khiêng ra, nhưng hỡi ôi vì mãi lo làm việc mà chúng tôi không để ý chung quanh, bây giờ nhìn lại không thấy một bóng người. Tất cả đều im lặng cái im lặng chết người. Tôi hối Chiển tiến nhanh về phía trước rồi hất thân cây ra khỏi vai cho nhẹ bước, cây rừng chằng chịt làm vướng chân, té lên té xuống, mồ hôi đổ ra như tắm mặc dầu trời lạnh căm căm . Càng đi, không gian  càng trở nên đen tối, không còn thấy một chút ánh sáng mặt trời.  Bất chợt Chiển la lên: Phía bên trái có khoảng trống ánh sáng kìa ! Chúng tôi mừng rỡ, chạy nhanh về hướng đó , độ 15 phút sau, thì ra khỏi khu rừng già. Một lần nữa tôi  thất vọng, vì không biết nơi đây là đâu, chúng tôi hoàn toàn mất phương hứơng, mất lối về, tôi kinh hoàng sợ hãi cực độ, nếu không về được thì can tội trốn trại có thể bị xử bắn hoặc bị đánh mềm xương , đó là quy luật của trại ! Chạy tới chạy lui một hồi thì gặp nhà người Thượng, thấy một anh thượng đang đứng trước cửa tôi liền tiến tới hỏi thăm đưởng. Không ngờ vừa thấy chúng tôi anh liền bỏ chạy, tôi thất vọng, mới nhận ra anh ta đâu biết nói tiếng Việt. Mà dẫu có biết anh ta cũng không dám giúp đỡ vì sợ bị liên lụy. Tôi nhìn đồng hồ, 5 giờ chiều ! như vậy chúng tôi đã lố hẹn quá xa! Màn  đêm xuống thật nhanh, mới có 5 giờ chiều mà bóng tối vây quanh chập chờn, tôi lóe ra một ý nghĩ rồi nói với Chiển: Sáng giờ mình cứ hướng về phía bắc, tại sao ta không quay lại hướng nam, ngược chiều, ắt tới nhà?

Nói xong tôi cắm đầu chạy, Chiển cũng chạy theo. Lúc nầy đường trống nên dễ chạy tuy vậy cũng vấp té mấy lần. Tôi hoảng lọan tinh thần, chạy mà không chắc tìm được lối về, trước mắt chập chờn những bóng ma đang nhảy múa ! Được khoảng một tiếng đồng hồ thì xa xa hiện ra con đường đất lớn, tới gần tôi mới nhận ra đây là con đường quen thuộc mà chúng tôi thường đi lao động cuốc đất trồng mì tại một địa điểm thuộc xã Đức Hạnh cách trại chừng 7 cây số. Chúng tôi mửng rỡ lấy sức chạy tiếp đoạn đường cuối cùng nầy. Được một giờ thì về tới trại, nhìn đồng hồ, đúng 7 giờ tối ! Sửa lại quần áo cho chỉnh tề, lúc nầy mới thấy mình không giống ai, áo quần rách tơi tả do vương cây , gai rừng. Chúng tôi đứng trước nhà của khung cán bộ, tôi la lớn : Xin trình diện cán bộ chúng tôi vừa mới về tới. Bên trong vài ba người lính đi tới đi lui, trên bàn còn chén dĩa bày ra, họ vừa ăn cơm xong.

Một tên tiến ra hỏi: Các anh tên gì? Đội mấy ?Trả lời: Nguyễn Văn Chiển, Nguyễn Văn Cang, đội 2. Các anh định trốn trại phải hôn? – Thưa cán bộ không phải ạ! Chúng tôi bị lạc trong rừng không tìm được lối ra. Hỏi: Anh kia, trước 75 anh ở đơn vị nào của ngụy, đóng quân ở đâu? Chiển trả lời: Thưa cán bộ tôi đi lính ra trường được biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo dục, dạy tại Đại học sư phạm SG, không có đóng quân tại đâu hết ! Còn tôi trả lời: Tôi ra đơn vị về đóng quân tại Mỹ Tho thuộc miền Tây. (Nếu tôi hoặc Chiển có đóng quân tại Phước Long thì sẽ thông thạo đường xá vùng nầy,  hắn có lý do kết tội chúng tôi muốn trốn trại ).

Hắn trở vô lục lọi gì đó một hồi lâu, tôi nghĩ hắn tìm lý lịch trích ngang của chúng tôi xem có khai gian chỗ nào hôn? Một tên  khác , như là xếp, đi ra nói với tên kia: Thôi,  cho 2 thằng ngụy nầy về trại đi! Nghe thế tôi mừng húm, chào cán bộ rồi lui ra. Nhưng ô kìa, sao tên vệ binh lại cầm AK đi theo chúng tôi ra tới ngoài đường ? Thình lình hắn vượt lên trên,  chận đầu rồi nói một câu xanh dờn đầy thù hận và ấm ức khi phải chấp hành lệnh cấp trên: Hồi chiều nầy nếu các anh ra tới cầu sắt sau 3 giờ thì tôi sẽ giết các anh ngay tại chỗ, tôi ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ đợi 2 anh ở đó! Tôi nghe mà lạnh xương sống, biết hắn nói thật vì trước kia có một anh cải tạo bị vệ binh bắn chết tại cây cầu sắt nầy! Nói xong hắn quay gót trở lại khung. Tôi bị ám ảnh cả tháng trời không ngủ được vì sợ ban đêm có tiếng gọi tên mình lên khung, xử tử! Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu nổi tại sao họ lại tha chết cho chúng tôi dễ dàng như vậy, cũng không tra tấn nhục hình ? Chỉ có câu trả lời : “nhờ Trời cứu” mới giải thích được.

Tôi được tha sau hơn 3 năm, Khiêm về sau tôi 3 tháng còn Chiển về sau tôi 6 tháng. Được  tin Chiển về tôi có đến trường Đại học sư phạm tìm thăm, gặp Chiển chúng tôi mừng vô hạn. Chiển cho biết vừa trình diện nhiệm sở cũ ngày hôm trước thì ngày hôm sau Ban giám hiệu yêu cầu anh lên lớp dạy ngay. Lúc nầy nhằm giờ chơi tôi thấy trên bàn anh có quyển sách Toán Giải Tích mà anh đã tặng tôi khi trước, trên bàn sinh viên ngồi,  tôi cũng thấy vài quyển sách đó mà sinh viên đang sử dụng . Ba tháng sau tôi đến nhà Chiển ở Ngã Ba Ông Tạ, người nhà cho biết Chiển đã vượt biên không biết sống chết ra sao? Từ đó cho tới bây giờ tôi không còn nghe tin tức gì của Chiển nữa. Cầu mong cho THẦY CHIỂN gặp may mắn đến được bến bờ tự do.



Nguyễn Cang

Đầu xuân Nhâm Dần 2022

·        Bên dưới là quyển Giải Tích Học của Thầy Chiển, nhà in Tổng Hợp, ấn loát xuất bản sách báo Đại Học Việt Nam

       ( Đó là một đứa con tinh thần còn sót lại ở VN của Thầy Chiển, khi Thầy bỏ nước ra đi tìm tự do, đánh dấu một giai đoạn nhiễu  nhương của đất nước sau 75, một nghiệt  ngã cuộc đời Thầy Chiển suýt bỏ mạng ở trại cải tạo Phước Long.  Sách của Thầy tới nay tôi thấy vẫn còn hữu ích cho sinh viên ban Toán đại học,  vì toán học căn bản được  xây dựng bằng những định lý được chứng minh rõ ràng nên không đổi với  mọi thời điểm không gian và thời gian. Ngay các đại học bên Mỹ  vẫn dùng kiến thức đó ở ban Toán đại học, như đạo hàm, nguyên hàm, tích phân, vi phân, giới hạn và liên  tục của hàm số, mà sách Thầy Chiển đã giải nghĩa rất kỹ ở chương cuối năm thứ ba của cử nhân Toán Việt Nam.    NC)

 

 

  

No comments: