Tuổi Dần là con giáp đứng thứ ba
trong 12 con giáp. Dần cầm tinh con cọp, cũng còn được gọi bằng nhiều danh xưng
khác nữa như Hổ, Hùm, Ông Ba Mươi, Chúa Sơn Lâm… Hổ được ví như “Chúa Sơn
Lâm”, chúa tể của núi rừng, có sức mạnh và hung hãn đối đầu với tất cả kẻ
thù. Do đó, không một thế lực nào có thể vượt qua được sức mạnh của hổ. Hổ
hay cọp là con vật tượng trưng cho sự quyền uy, mạnh mẽ, nhanh nhẹn và bản
lãnh.
Hổ là động vật có thật và gần
như là duy nhất được
người ta sánh đôi với rồng - một loài vật hư cấu tượng trưng cho quyền
năng của tự nhiên. Hổ
là một trong những linh vật có sức mạnh
to lớn đứng thứ 2 sau Rồng và thường gắn liền với Rồng như cặp bổ trợ sức mạnh
cho nhau. Thời phong kiến ở một số nước phương Đông, Hổ cùng với Rồng là biểu
trưng cho vương quyền. Vì vậy, hình ảnh Hổ và Rồng xuất hiện khá phổ biến trong
các cung cấm.
Hình tượng hổ cũng thường
xuất hiện nhiều trong kiến trúc chùa chiền, đình miếu ở Việt Nam vì người xưa
quan niệm, hình tượng hổ trấn giữa cửa vào thì tà ma không dám xâm nhập. Từ rất lâu trong tín ngưỡng dân gian Việt,
hổ được coi là con vật linh thiêng, bởi thế mà danh xưng của nó cũng được thần
thánh hóa bằng những cái tên như ngài, ông... Rất nhiều gia đình có tục
thờ Ông Ba Mươi như một cách để cầu công danh, mang lại sự may
mắn. Tranh Ngũ hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống đất Thăng Long trở thành
dòng tranh thờ nổi tiếng. Hình tượng hổ còn xuất hiện rất
nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng
khác. Trong một số lãnh vực đặc biệt như lãnh vực quân sự thời hiện đại hình ảnh
con hổ cũng được dùng để biểu tượng cho sức mạnh của các đơn vị võ trang, các
loại vũ khí...
Trong ngôn ngữ, chữ “Hổ”
trong Hán tự có nghĩa là dọa nạt, trong tiếng Việt chữ “hùng hổ” được xuất phát
từ ý nghĩa này nên “hùng hổ” ngoài nghĩa hung hăng, dữ dội còn có ý đe dọa như
trong “ra oai hùng hổ”. Trong văn hóa dân gian, câu chuyện về ”Hùm thiêng Yên
Thế” nhắc chúng ta về lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám. Chuyện “Trí khôn của ta
đây” nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh. Tục ngữ "Hổ dữ chẳng
nỡ ăn thịt con" nói về tình yêu bao la cha mẹ dành cho con và trong năm
mới, ai ai cũng mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước
như câu: "Hổ phụ sinh hổ tử".
Trong lãnh vực phong thủy,
hổ cũng hiện diện ở vị thứ ba trong 12 con giáp, và đứng ở phương Đông, cung
Dần, góc vuông thứ nhất của môn toán học tử vi. Người tuổi Dần biểu trưng cho những người có bản lãnh, cứng rắn, lạnh
lùng, thường thiên về lý trí nhiều hơn tình cảm, tôn trọng lẽ phải và rất nghĩa
khí. Người tuổi Dần luôn có ý chí phấn đấu mạnh
mẽ, họ không bao giờ sợ hãi, khuất phục trước công việc khó khăn nào, càng khó khăn họ càng vươn dậy mạnh mẽ, không
bao giờ ngần ngại, lùi bước. Quan điểm của những người này là “khó khăn, nguy
hiểm bao nhiêu thì chiến công càng vang dội, hãnh diện bấy nhiêu”. Con giáp này
thường bị cuốn hút bởi những thứ quyền lực, địa vị cao sang và quyền quý, họ sẽ
không làm những công việc tầm thường, vô ích, không đem lại cho mình tiếng tăm.
Người
tuổi Dần cũng có trí nhớ tốt và tinh thần ham học hỏi, điều đó giúp cho họ thu
thập được thông tin, kiến thức ở bất kỳ đâu. Với con mắt nhìn xa trông rộng,
những người tuổi này có thể nhìn nhận, phân tích vấn đề một cách logic, khoa
học. Người tuổi Dần có đặc trưng với khả
năng phản ứng nhanh trong nhiều trường hợp khác nhau, vì thế thích hợp để làm
lãnh đạo hoặc người dẫn đầu. Đối
với những việc cần quyết định, họ quyết mạnh mẽ, cương nghị, thể hiện tâm thế
thẳng thắn, bộc trực và công tâm. Người tuổi Dần cũng được đánh giá là người
trung thành, thường xuyên làm đúng chức trách của mình. Trong công việc, họ tập
trung, tư duy cao độ, thường không bị tác động bởi ngoại cảnh. Họ coi trọng
danh dự và chữ tín của mình, có trách nhiệm với công việc và với mọi người xung
quanh. Vì vậy, tuổi Dần thường hay ra tay bảo vệ những con người yếu đuối, khổ
cực.
Về tình duyên, Nam giới tuổi Dần
đa số có đường tình duyên rất thuận lợi, may mắn. Họ sẽ chẳng phải chạy theo ai
trong cuộc đời mà ngược lại, người tuổi Dần luôn có nhiều người theo đuổi mình.
Giữa đám đông, họ luôn là người nổi bật nhất, không chỉ vì hình thức bên ngoài
mà còn vì phong cách nói chuyện, sự cởi mở, hài hước của mình. Tuy nhiên, đàn
ông tuổi Dần thường rất gia trưởng, luôn muốn người khác phải nghe theo sự chỉ
đạo của mình.
Trong
khi đó, Nữ giới tuổi Dần thích kiểu tình yêu lãng mạn, tình yêu đắm say như
trong tiểu thuyết, hơn nữa còn thích cất giữ mối tình của mình trong tâm, mãi
mãi không phai. Nhưng do bản tính nhiệt tình, lòng chiếm hữu mạnh, khiến nửa
kia của họ có cảm giác khó thích nghi, thậm chí còn có thể bực bội.
Nhược điểm của người tuổi Dần nói chung là đôi khi họ hơi
nóng tính, bảo thủ, cái tôi cá nhân lớn, cản trở một số cơ hội thăng tiến hay
làm mất lòng người khác. Đôi khi, vì quá đề cao lý trí, họ bị cho là lạnh lùng,
khó gần, khó tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu đã tìm hiểu người tuổi Dần sẽ thấy họ cao
thương, có uy tín, đã nói là làm và luôn tích cực hướng về phía trước. Ngoài
ra, người tuổi Dần cũng hay đa nghi, hay dao
động, nên đôi khi dễ đưa ra những quyết định vội vàng. Họ dễ xúc động,
dễ nổi giận vì nguyên nhân nào đó, mỗi cơn nóng giận đi qua, hậu quả nó để lại
không thể lường trước. Cho nên, điều mà những người tuổi Dần phải mất cả đời để
học đó là học cách tự kiềm chế bản thân.
Với tất cả những ưu điểm
và nhược điểm đó, con hổ hay cọp đã trở thành một biểu tượng
trong nền văn hóa cổ phương Đông, tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền của vị
tướng quân dũng mãnh, can trường, oai phong lẫm liệt hoặc những cá nhân tài
năng xuất chúng. Truyện Tam quốc có “Ngũ hổ tướng” gồm Quan Vũ, Trương Phi,
Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung đã trở thành đề tài bàn luận hàng mấy thế kỉ
chưa dứt. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng dùng hình tượng hổ để miêu tả Từ Hải
với “Râu hùm hàm én, mày ngài” để chỉ
tướng mạo uy dũng phi thường của bậc anh hùng hoặc “Trướng hùm mở giữa trung
quân” để chỉ nơi ở của Từ Hải.
Theo quan niệm của tử vi phương
Đông, người con trai sinh tuổi Dần thường có tư chất thủ lãnh, tướng mạo oai
phong, tính cách nóng nảy, quyết đoán, can trường, kiêu hãnh, đầy đam mê, nhân
hậu. Trên thế giới có nhiều danh nhân tuổi Dần xuất chúng, sự nghiệp lẫy lừng
như Euclide (Canh Dần, 330-257 tr.CN), Francois Reblais (Giáp Dần, 1494-1553),
Tướng Tokugawa Ieyasu (Nhâm Dần, 1542-1616), Hegel Goerg Wilhelm Friedric (Canh
Dần, 1770-1831), Karl Mark (Mậu Dần, 1818-1883), Tôn Trung Sơn (Bính Dần,
1866-1925, Tướng De Gaulle (Canh Dần, 1890-1970),…Trong lịch
sử Việt Nam cũng không thiếu những danh nhân tuổi Dần thể hiện đúng những tánh
cách người tuổi Dần và để lại nhiều trang sử oanh liệt lưu truyền hậu thế mà
sau đây chỉ là một số tiêu biểu; đó là Thái sư Trần Thủ Độ (Giáp Dần, 1194),
Vua Trần Thái Tông (Mậu Dần 1218), Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ (Canh Dần,
1230), Ngô Thời Nhậm (Bính Dần, 1746), Công chúa Lê Ngôc Hân (Canh Dần, 1770),
Phan Huy Chú (Nhâm Dần, 1782), Nữ sĩ Nguyễn Nhược Thị Bích (Canh Dần, 1830), và
nhiều nữa...
Như vậy, Cọp là một hình tượng phức tạp trong tâm
linh người Việt: vừa uy dũng hùng tráng, vùa diễm lệ kỳ
ảo, hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống đời thường cũng như
trong văn học từ ngàn xưa.... Chúc các bạn một năm Nhâm Dần táo bạo,
liều lĩnh, vẫy vùng ngang dọc như cọp trở về rừng...
01/22
Nguyễn Minh Triết (CH2)
Từ trang DĐQGHCTC
No comments:
Post a Comment