Sunday, April 29, 2018

Những Tử Sĩ Không Cần Ai Gọi Hồn - Duyên Anh




NHỮNG TỬ SĨ KHÔNG CẦN AI GỌI HỒN




Xe tăng cộng sản từ Long Khánh qua Gia Kiệm, Hố Nai định ra xa lộ Biên Hòa đã bị chặn đánh tại Tam Hiệp trước lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. “Chiến lũy Tam Hiệp”, phải coi như thế, được sáng tạo bởi một số lính nhẩy dù, lính thủy quân lục chiến mà đại đơn vị đã tan hàng từ đêm 29-4. Họ phối hợp cùng nhân dân tự vệ và dân chúng Tam Hiệp, dùng máy cầy ủi đất đắp mô ụ nghênh địch. Mẩu chuyện này nghe kể và xem những thước phim của đài truyền hình Pháp ghi lại.

Trận chiến thật ngắn ngủi nhưng rất anh dũng. Không cần hỏa tiễn Tow của Mỹ viện trợ, không cần không lực Hoa Kỳ yểm trợ. Lúc ấy, người Mỹ đã “cút”, ông đại sứ Martin cũng cuốn cờ sao xọc leo lên trực thăng bay ra hạm đội số 7. Thế giới nên công bình ghi nhận rằng, Mỹ đã “cút”, ngụy đã “nhào”, chỉ còn quân dân miền Nam chiến đấu chống cộng sản xâm lăng. Xe tăng cộng sản phải dừng lại. Chúng nổi giận bắn thẳng vào chiến lũy. Đạn của T-54 khạc tới tấp, khạc không thương xót. Quân dân ta chống trả kịch liệt. Những em nhỏ trên 10 tuổi bám sát các anh lính để được sai bảo. Một em trúng đạn giặc, máu me đầy mặt. Hai anh lính dìu em vào chỗ an toàn, băng bó cho em. Em bé khóc. Khuôn mặt hai anh lính ưu tư. Một hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất của lính quốc gia. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Những người lính mà tướng lãnh đã bỏ trốn phóng lên phía trước. Đạn thù bắn như mưa. Lính của ta gục ngã trên những vũng máu danh dự, trách nhiệm, tổ quốc. Họ chết hết. Họ yên lòng vì họ thật sự biết họ chết vì tổ quốc, vì dân tộc. Trận chiến kết thúc mau lẹ. Xe tăng cộng sản nghiến lên xác lính của ta, nghiến lên xác của dân ta, san bằng mô ụ.

Chúng ngạo nghễ bò ra xa lộ và tiến vào Sài gòn. Bất ngờ, đến cây cầu nhỏ gần nhà máy xi măng Hà Tiên, xe tăng cộng sản bị lính chi khu Thủ Đức chặn đánh thêm. Súng phóng lựu đạn, súng mọc chê, súng đại liên của lính chi khu dũng cảm đã bắn cháy một T 54. Chiến trận cũng không thể kéo dài. Cộng sản làm chủ tình hình và kết thúc lẹ. Chúng khẩn trương chạy vô thành phố.

Những người lính nhẩy dù, thủy quân lục chiến và chi khu Thủ Đức đã hy sinh vào buổi sáng 30-4. Họ không cần ai mạc mặt, gọi hồn cả..

Duyên Anh
Trích “Sài Gòn Ngày Dài Nhất”

 

30 Tháng 4 Nào Con Cũng Cứ Ngẩn Ngơ - Đặng Huy Văn


30 Tháng Tư nào con cũng cứ ngẩn ngơ

 
 
 


Hồi đi dạy ở Sài Gòn, tôi tình cờ gặp một người bán dạo trên đường phố Sài Gòn kể cho nghe câu chuyện đời của anh ấy. Nhân dip kỷ niệm lần thứ 43 ngày 30 /4/1975, ngày hai ba con anh ấy bị thất lạc nhau, tôi xin trân trọng gửi tới quí vị độc giả một bài viết về cái ngày đáng ghi nhớ đó với hy vọng anh ấy có thể gặp lại được người ba ruột yêu dấu của mình nếu may mắn ba của anh ấy đang được sống an lành ở đâu đó trong các cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng ta. 

 

30 Tháng Tư nào con cũng cứ ngẩn ngơ 

 
Ba dìu con dọc theo Đường Tự Do ra thẳng Bến Bạch Đằng[1] 
Khoảng 2 giờ sáng ngày 30 tháng Tư 43 năm rồi, con vẫn nhớ! 
Giữa hàng ngàn người chạy di tản cùng bà già trẻ nhỏ 
Đang cố níu bám trên cầu tàu chờ chiến hạm quay sang 

 
Con bị lạc ba giữa những tiếng còi hụ hú vang 
Từ những con tàu nhổ neo ra khơi không bao giờ trở lại 
Ba có lên được không trên chuyến tàu hôm ấy 
Hay đã quay xuống tìm con rồi bị kẹt lại trên bờ? 

 
Ba đã chạy về đâu khi đứa con tàn tật ngây thơ 
Không có cơm để ăn, không còn nhà để ở? 
Con bò lết đến sáng đêm rồi một người đàn bà quay lại đỡ 
Đưa về nhà chăm nom và nuôi con đến bây giờ 

 
30 tháng Tư nào con cũng cứ ngẩn ngơ 
Đau nhớ lời ba: “Ông nội con theo Việt Minh đánh Pháp 
Rồi đội cải cách ruộng đất về xử bắn ông ở Đại Từ[2] 
Ba phải trốn di cư vào Nam theo giáo dân ở Bùi Chu!”[3] 

 
Nay ba sống ở nơi nào có còn nhớ Mậu Thân xưa? 
Lúc cả nhà ta đang yên giấc trong đêm Mùng Một Tết 
Một quả B40 rơi trúng giừơng làm má và em con bị chết 
Con nằm kế bên, một chân bị đứt ngang tàn phế đến bây giờ! 

 
Nếu không được má nuôi cưu mang và sắm cho xe bán dạo 
Thì con trai ba chắc đã không còn sống được để mong chờ 
Thương má nuôi, chồng má bị mất tích khi vượt tù Côn Đảo[4] 
Cứ 30 tháng Tư về má lại tủi thân, ngồi khóc tựa trẻ thơ! 

 
Đi bán dạo đến nơi nào con cũng cố hỏi dò 
Để xem ba có còn sống qua những tháng năm cải tạo? 
Hay đã chung số phận với hàng vạn thuyền nhân gặp bão?[5] 
Nhưng con vẫn thầm mong ba đang sống an lành ở một nơi xa 

 
Con ao ước sẽ có một ngày được về tận quê ta 
Để xây cất lại mồ mả của tổ tiên cùng của ông bà nội 
Nhưng Đại Từ quá xa má nuôi già không đi nổi 
Mình con đi khó khăn nên chưa thể về, xin tạ tội cùng ba! 

 
Con cũng hay qua Gò Dưa thăm em và cầu nguyện má[6] 
Phù hộ cho ba sống lâu để còn về gặp con và thăm lại quê nhà! 
Nhưng nếu không may ba đã mãi mãi không trở về được nữa 
Xin hãy báo mộng cho con để con lo hương khói nghe ba! 

 
Hà Nội, 29/4/2018 

 

Ghi chú:

 
[1] Bến Bạch Đằng là một quân cảng của Hải Quân VNCH trước ngày 30/4/1975. 

 [2] Đại Từ, Thái Nguyên, nơi mở đầu chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất của miền Bắc từ 1953-1956. 

[3] Bùi Chu, một giáo phận ở Nam Định, nơi giúp đỡ cho những ai muốn di cư vào Nam từ 1954-1955. 

[4] Côn Đảo là nhà tù của Pháp, sau này là của VNCH dùng để giam giữ những tù nhân chính trị. 

[5] Từ 1975-1990 đã có trên 40 vạn thuyền nhân VN bị chết trên biển do bị bão tố, hư hỏng tàu, hải tặc... 

[6] Gò Dưa là một nghĩa trang thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM (Sài Gòn).

304Đen – Llttm - DLB

 

Cuộc Tháo Chạy Trần Ai .. - FB Đổ Ngà


Cuộc tháo chạy trần ai và ngày trở lại còn bị sát thêm muối vào vết thương long
 
 

Sau 21 năm mang súng đạn và đàn em qua nhà em ruột mình bắn giết, cuối cùng cũng tàn sát được gia đình nhà em ruột mình. Sau khi đã giết chết thằng em, Bắc đã cho truy sát những đứa con còn lại của em trai mình để diệt tận gốc.

Thấy hết đường sống, con cái của Nam túa nhau tháo chạy ra biển, nhưng trong đầu chúng cũng chẳng biết đi về đâu. Chúng chỉ biết phải chạy khỏi bàn tay sắt máu của ông bác ruột mà thôi. Vì vậy, con cái của Nam nhiều đứa đã bị chìm xuống biển làm mồi cho cá mập. Có đứa thì lênh đênh trên biển đến nhiều ngày, lúc sắp chết vì đói và khát thì gặp phải tàu của bạn bố Nam ra tay cứu. Trong cơn đại hoạ, chỉ những đứa này vì quá may mắn nên sống sót và đến tá túc tại nơi đất mới.

Lại nói đến những đứa con chưa kịp tháo chạy, chúng nó ở lại và nghe bác Bắc bảo rằng “các cháu yên tâm, bác đưa các cháu vào một lớp học trong rừng để các cháu học tập và cải tạo thành người mới. Chỉ cần tuần lễ, học xong các cháu sẽ về”. Nghe bác nói với lời có vẻ rất thành tâm, thế là mâý đứa con nhà Nam vâng lời. Khi được dẫn tới bìa rừng, Bắc cho đám con mình dùng báng súng đập vỡ sọ chết tươi vài đứa và nói dằn giọng rằng “Đây là trại tù khổ sai, bọn bây phải chung thân ở đây chứ không phải 7 ngày. Nếu đứa nào dám lên tiếng thì số phận sẽ như thế như mấy đứa này, hiểu chửa?”. Nhìn thấy 2 đứa mằm bất động với hộp sọ vỡ toác máu chảy đỏ một vũng như cái nia, đám con nhà Nam sợ xanh mặt và chỉ biết “dạ” mà chẳng dám ý kiến ý cò gì nữa.

Làm trên “trại cải tạo” một thời gian, nhiều đứa mắc bệnh và phải nằm chết như con gà dịch mà chẳng được thuốc men hay chữa trị. Nhìn cảnh cái chết luôn rình rập, nếu không đến từ báng súng thì cũng đến từ họng súng, nếu không đến từ họng súng thì cũng đến từ bệnh tật. Thế là một số đứa trốn trại, bị lộ thế là đám cai ngục nổ AK quét, đạn bay xối xả như mưa và quá nửa trúng đạn chết tại chỗ. Số còn lại may mắn thoát làn đạn về được đến nhà. Thế là bí mật tổ chức vượt biên.

Trong nhóm này, có đứa tổ chức đi trong bí mật tuyệt đối, nếu bị lộ chấp nhận chết. Có đứa thì nghĩ rằng, để chắc ăn thì dùng vàng hối lộ cho đám con nhà Bắc. Thế là đám con nhà Bắc nhận vàng và gật đầu để cho đi. Khi ra khơi không xa, bọn con Bắc nháy nhau thế là chúng hiểu phải làm gì. Bọn chúng nhảy lên xuồng máy và rượt theo. Vì ỉ i rằng mới đưa hối lộ lẽ nào bọn con Bắc lật lọng? Vì thế mà con nhà Nam đã sập bẫy. Bọn con Bắc đuổi gần đến thuyền vượt biên, bọn họ xả súng, thế là những người đi trên thuyền không còn một mạng sống sót. Giết xong, chúng kéo thuyền và các nạn nhân về gặp bố Bắc của nó báo cáo thành tích để nhận thưởng. Đấy là cách làm giàu của con cái nhà Bắc.

Như vậy sau tầng tầng lớp lớp đường bố ráp và truy sát của bên thắng cuộc. Một số rất ít con cái nhà Nam cũng đến được bến bờ tự do, và hơn nữa là chúng đã giàu có. Đám Bắc chỉ biết chém giết, không biết làm ăn nên phải đi ăn mày lạy lục khắp nơi để xin ăn. Thấy con Nam giàu quá, Bắc trở giọng gọi con cái nhà Nam trốn chạy khi xưa là “khúc ruột ngàn dặm”. Thế là mỗi năm Bắc được tụi con Nam gởi về cho 10 tỷ để xài phung phí.

Được nạn nhân nuôi, thế nhưng, như đồ vong ân bội nghĩa, hằng năm Bắc còn cho tổ chức ăn mừng ngày “Đại thắng mùa xuân” rầm rộ. Để chi vậy? Để khoe công về thành tích đã tương tàn thằng em ruột. Như một thói quen ngạo mạn, 43 năm liên tục Bắc vẫn làm thế, vẫn cứ cố sát muối vào vết thương tinh thần của con cháu phương xa. Tay thì luôn sát muối vào vết thương, miệng vẫn cứ hô hào “hòa hợp hòa giải”, nhưng thực sự không bao giờ hòa hợp hòa giải được.

Mẹ Việt Nam bảo, chỉ cần thằng Bắc nhận ra lỗi lầm thay đổi là đủ. Nhưng dường như vô phương, vì Bắc quá hung hãn và bất chấp. Đụng đến quyền lợi của nó, nó sẽ giết tất cả bất kể ai, kể cả mẹ cũng không có ngoại lệ. Nếu cần, nó cũng sẽ bán luôn cả mẹ để lo riêng cho mình phận nó. Bất hạnh!

FB Đổ Ngà
304Đen – Llttm - TD

Sài Gòn Trăm Nhớ Ngìn Thương - Hồng Thủy


SÀI GÒN TRĂM NHỚ NGHÌN THƯƠNG
 
 

Tôi là con gái Bắc kỳ chính cống, nhưng lại lớn lên ở Sàigòn, nên Sàigòn đối với tôi là một ‘quê nhà’ thắm thiết vô cùng. Tôi đến với Sàigòn, thuở Sàigòn còn là một thành phố với những hình ảnh mộc mạc thanh khiết. Gái Sàigòn đơn giản hiền hòa với áo bà ba trắng, với quần đen ống thật rộng, với đôi guốc mộc nhẹ tênh hình cái thuyền, với mái tóc dài ôm trọn khuôn mặt không chút phấn son.

Hồi mới tới Sàigòn, gia đình tôi tạm trú tại nhà bà dì ở đường Quai de Belgique, sau này đổi thành bến Chương Dương. Ðứng ở trên lầu, tôi có thể nhìn thấy quang cảnh thuyền bè đi lại tấp nập. Những chiếc thuyền chở đầy những buồng chuối vàng au, những lồng gà, lồng vịt, những chùm dừa xiêm còn nguyên cả cành nằm chen chúc nhau, khoe cái vỏ xanh láng mướt.. Tất cả tượng trưng cho sự trù phú của miền Nam.

Nhà dì tôi ở gần chợ Cầu Kho nên ngày đầu tiên chúng tôi đã được một ông chú họ dẫn đi chợ. Tôi mê nhất là gian hàng trái cây bởi vì có nhiều thứ ngoài Bắc không có. Tôi còn đang trố mắt ngó những trái to tròn như trái banh có hai mầu khác nhau, trái xanh mướt như ngọc, trái tím thẫm như mầu trái bồ quân thì cô bán hàng đã đon đả nhìn ông chú tôi:

– Mua ‘dú sữa’ đi thầy hai. ‘Dú sữa’ của em đặc biệt ‘giường nhà’ ngọt lắm đó.

Thì ra mấy trái mà tôi đang ngó là mấy trái vú sữa ở vườn nhà cô ta. Hồi đó tôi mới có 12 tuổi, còn ngây ngô chưa biết nói tiếu lâm nên hơi ngạc nhiên khi thấy ông chú tôi nhìn cô ta cười tủm tỉm với đôi mắt tinh nghịch :

– Vú sữa của cô ngon thiệt hả ?

Cô ta gật đầu lia lịa :

– Ngon thiệt mà thầy hai.

Chú tôi chọn mua một chục trái, cô ta đưa thêm 4 trái và nói :

– Thường một chục có 12 trái thôi nhưng là của ‘giường nhà’ nên một chục em tính 14 trái lận.

Chú tôi đưa tiền trả, thay vì phải thối lại 50 xu, cô ta cầm tờ 1$ xé toạc ra làm đôi, đưa chú tôi một nửa. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngày đầu tiên đã học được hai cái đặc biệt của Sàigòn. Một chục là 12 hoặc 14, nửa tờ giấy 1$ là 50 xu.

Phải công nhận người miền Nam rộng rãi và đơn giản. Một chục mà cho thêm thành 12 tới 14 và thay vì mất công đi tìm tiền xu thì cứ việc cầm tờ giấy 1$ xé béng ra làm 2 là xong ngay. Giản dị và tiện lợi biết bao.

Sàigòn đã thu phục tình cảm của tôi một cách nhanh chóng. Hai mươi mốt năm sau, khi rời bỏ Sàigòn tôi đã khóc như phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Sàigòn đã trở thành một nơi chốn thân thiết vô cùng. Không yêu Sàigòn sao được khi Sàigòn là nơi chứng kiến tất cả kỷ niệm vàng son của thời con gái. Sàigòn với ngôi trường Trưng Vương yêu dấu, nơi đã cho tôi biết bao nhiêu người thầy đáng kính, bao nhiêu người bạn dễ thương, bao nhiêu tình cảm quí mến chân thành.

Làm sao quên được con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp lá me bay, những chiều tan học, tràn ngập những tà áo trắng quấn quít gót chân son. Thảo cầm viên đã được nghe không biết bao nhiêu lời thì thầm tâm sự của các nàng Trưng Vương, những giờ nghỉ học, vừa chuyện trò, vừa lang thang hái trộm những cánh hoa mầu tím, ép vào những trang sách học trò.

Con đường Thống Nhất rộng thênh thang đưa tới rạp Norodom tưng bừng rộn rã của những ngày Đại hội Văn nghệ học sinh. Tôi như vẫn còn mường tượng thấy khung cảnh rộn ràng trong hậu trường sân khấu. Tuy bận rộn sửa soạn cho những màn trình diễn, nhưng các chàng Chu Văn An vẫn không bao giờ quên gửi đến các nàng Trưng Vương những ánh nhìn say đắm. Chỉ một cái nhìn thật nhanh, thật nhẹ mà sao cũng đủ làm cho ai kia má phải ửng hồng.

Vòng ra bờ sông là bến tàu lộng gió của những sáng đón đưa, những chiều hò hẹn. Con đường Lê Lợi với những chiều thứ bẩy đẹp trời cùng bạn bè dạo phố. Mỗi lần đi qua tiệm Kim Sơn ở góc đường, chúng tôi luôn luôn phải vờ chăm chú ngó mấy món hàng linh tinh bầy bán lề đường, để tránh những cặp mắt nhìn hau háu của mấy ‘ông nội’ ngồi ‘pẹc mơ năng’ ở ngoài hiên giống như mấy ‘Side-walk café’. Tiệm sách Khai Trí là nơi hấp dẫn nhất. Luôn luôn làm chúng tôi mê mẩn trước những cuốn tiểu thuyết còn thơm mùi mực mới.

Màn cuối cùng của buổi dạo phố thường thường là góp tiền lại, rủ nhau vào một tiệm kem. Vừa nhấm nháp những thìa kem dâu, kem dừa mát rượi, vừa nghe những bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng thịnh hành mà chúng tôi thay phiên nhau yêu cầu nhà hàng để dĩa hát, như A Certain Smile, You’re My Destiny, I Went to Your Wedding, Diana v.v…

Hôm nào có phim hay cả bọn lại rủ nhau chui vào một trong hai rạp ciné permanent Lê Lợi hay Vĩnh Lợi. Mỗi lần vào đây là chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Vì luôn luôn có một số các chàng thanh niên hay lợi dụng sự đông đúc chen lấn để dở trò ba mươi lăm. Một hôm có một chàng làm bộ đứng sát sau lưng, tôi bèn làm như vô tình quay ngang người lại hích cho chàng một cái cùi chỏ nên thân.

Tan ciné, tôi kể chuyện cho lũ bạn nghe, chúng cười hi hí có vẻ khoái chí lắm. Từ đó các bạn tôi học được màn hích cùi chỏ để trừng trị các chàng gian manh. Sau khi xem ciné, nếu còn đủ tiền rủng rỉnh trong túi, chúng tôi rủ nhau vào hẻm Casino làm một chầu bánh tôm, bún chả. Nếu chỉ còn ít tiền, thì ra góc Viễn Ðông. Ðứng ở lề đường ăn phá lấu với thịt bò khô. Ăn xong, ớt còn cay xè trong miệng mà vẫn đủ tiền uống một ly nước mía cốt vắt thêm miếng chanh nhỏ xíu, hoặc sang hơn, vắt nguyên nửa quả quít thì còn gì sướng hơn nữa.

Có hôm thay vì ăn ở góc Viễn Ðông, chúng tôi lại đi ngược chiều ra góc chợ Bến Thành. Nơi có hàng bò viên nóng hổi, thơm phức mùi tiêu với hành ngò. Sau đó, tráng miệng bằng một ly đậu đỏ bánh lọt. Hoặc rủ nhau vào quán Bà Ba Bủng ở đường Thủ Khoa Huân, sau chợ Bến Thành, ăn bún riêu, bánh cuốn. Sàigòn có không biết bao nhiêu món ngon, hấp dẫn những cái miệng thích ăn quà vặt của các nàng Trưng Vương thuở đó.

Mùa Giáng Sinh tới. Sàigòn tưng bừng như mở hội. Người ta không phải bận tâm lo mua quà tặng nhau như ở xứ Mỹ. Ðêm Noel, có đạo hay không, mọi người cũng thích rủ nhau đi dạo trên đường Tự Do. Trai thanh, gái lịch, quần áo lượt là, chen vai, thích cánh, suốt dọc hè phố từ nhà Quốc Hội đến nhà thờ Ðức Bà.

Người trẻ đi để ngắm nhau. Người lớn tuổi đi tìm không khí Noel, cái không khí mà suốt 26 năm sống trên đất Mỹ tôi không làm sao tìm lại được. Hầu như tất cả dân ‘chịu ăn chịu chơi’ của Sàigòn đều có mặt trên đường Tự Do. Ði dạo mỏi chân, mọi người lại rủ nhau vào ngồi trong Givral, La Pagode, Continental hay ngồi ở công viên rộng lớn trước nhà Quốc Hội hoặc trước tòa Ðô chánh để chờ nghe tiếng chuông đổ hồi rền rã của nhà thờ Ðức Bà báo hiệu lễ nửa đêm mừng Chúa ra đời.

Sau lễ, mọi người về nhà ăn Réveillon. Nồi cháo gà nóng hổi, khói lên nghi ngút, là món không thể thiếu trong bữa tiệc mừng Giáng Sinh đặc biệt này. Noel của Sàigòn thật vui, thật đầm ấm, thật nhẹ nhàng, thoải mái. Không có quá nhiều lo nghĩ về vấn đề tài chánh phải chi tiêu cho quà cáp.. Không khí Noel ở đất Mỹ mang tính cách thương mại nhiều hơn là không khí thiêng liêng đặt biệt của ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh.

Trước Noel cả mấy tháng người ta đã trưng bầy cây Noel để bán. Bắt mọi người phải nhìn ngắm mãi đâm nhàm chán. Gần sát ngày lễ Noel ai cũng tất bật lo chuyện mua quà, gói ghém cho kịp giờ mở quà đêm mừng Chúa ra đời. Tất cả chỉ có vậy. Ðêm Noel người ta chỉ thấy quá mệt mỏi. Rộn ràng được một chút lúc mở quà. Sau đó là hết. Trống vắng buồn tênh. Thời tiết lạnh lẽo.

Nhà thờ Việt Nam thì ở xa. Kiếm được chỗ đậu xe không phải là dễ. Mùa đông buốt giá, chưa kể nếu có tuyết, đường trơn trượt nguy hiểm.. Do đó ít ai nghĩ đến chuyện đi lễ nửa đêm. Bởi vậy cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh tới là tôi lại nhớ Sàigòn da diết. Nhớ thánh lễ nửa đêm thật tưng bừng ở nhà thờ Ðức Bà. Nhớ con đường Tự Do tràn ngập người đi của những đêm Noel đầm ấm năm xưa.

Tết đến còn vui hơn nữa.

Xung quanh chợ Bến Thành những gian hàng bán bánh mứt được dựng lên san sát với nhau. Tiếng rao hàng của những lao phóng thanh vang lên rộn rã. Người đi mua sắm tấp nập. Ai cũng tay sách nách mang. Ngày Tết không nhà nào là không có đủ thứ mứt, hạt dưa, bánh chưng, dò chả.

Nhắc đến Tết ở Sàigòn là ai cũng phải nhớ ngay đến chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ với những cành đào, cành mai tươi thắm. Những chậu cúc, chậu thược dược đủ màu đua nhau khoe sắc. Những chậu quất trĩu quả vàng tươi. Những bát thủy tiên toả hương thơm thật dịu dàng, thanh khiết. Nhưng có một thứ hoa đẹp nhất làm chợ rực rỡ hẳn lên đó là hoa biết nói. Các nàng thiếu nữ yểu điệu trong những tà áo dài đủ mầu tha thướt đi dạo trong chợ hoa là hình ảnh đẹp nhất của ngày Tết ở Sàigòn.

Tôi còn nhớ thời con gái, cứ 23, 24 Tết là chúng tôi đã nôn nao sửa soạn quần áo để rủ nhau đi chợ hoa. Dạo chợ hoa là một náo nức không thể thiếu của các nàng thiếu nữ mỗi lần Tết đến. Cũng như đi chợ hoa để ngắm người đẹp là một điều bắt buộc, không thể nào quên của các chàng trai.

Chợ hoa ở đây sao tẻ nhạt quá. Có lẽ vì hoa không đủ thắm, lại chỉ có lưa thưa, bầy bán rải rác nên không hấp dẫn được người đi. Vả lại các chàng nếu có muốn đi chợ hoa để ngắm người đẹp, thì cũng chỉ tìm thấy những áo ‘cốt’ dầy cồm cộm, to xù xù di động.. Chứ làm sao có thể tìm lại được những bóng dáng yêu kiều trong tà áo dài lả lướt của chợ hoa Nguyễn Huệ năm xưa.

Thời tiết lạnh lẽo quá, ít ai ở đây còn nghĩ đến chuyện mặc áo dài đi chợ Tết, nên hình ảnh chiếc áo dài trở nên hiếm quí vô cùng. Thật tội nghiệp cho những người Việt Nam xa xứ. Phải cố gắng tưởng tượng mùa xuân trong cái giá buốt của mùa đông. Hoa tuyết rơi mà phải tưởng tượng là hoa đào nở, gió đông lạnh lẽo mà cứ cố nhắm mắt lại để mơ tưởng đến ánh xuân nồng. Tết năm nào tôi cũng cố gắng tìm cho được một cành hoa forsythia để trang hoàng nhà cửa. Ðể tự đánh lừa mình là nhà ta cũng có mai vàng.

Tết nhất đến nơi mà sao giọng Don Hồ cứ buồn não nuột, anh chàng đang hát một bài mà tôi rất thích của nhạc sĩ Ðức Huy:…’ Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là những buổi chiều hay mưa. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sàigòn. Nếu không, tôi đã khóc một giòng sông…’

Ngoài cửa sổ, chiều nay trời thật đẹp. Những giải nắng vàng còn vương vấn trên mấy ngọn cây cao. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, không có lấy một giọt mưa nhỏ. Vậy mà không hiểu sao bỗng nhiên lòng tôi chùng hẳn xuống và hình như hồn tôi đang ‘Khóc một giòng sông..’

Hồng Thủy, WDC

304Đen – Llttm - YD

Saturday, April 28, 2018

Để Nhớ Đám Bạn Cùng Lớp Nhị Niên 10 Sư Phạm Sài Gòn - Phạm Nguyễn Định


  Để Nhớ Đám Bạn Cùng Lớp Nhị niên 10 Sư Phạm Sài Gòn

Viết cho bạn cùng lớp Nhất 10 Nhị 10, khóa 8 SPSG, đã không găp lại từ ngày ra trường năm 1971

 


       Đọc những bài viết của quý anh chị SPSG trên các trang mạng quen, tôi hết sức phục vì quý anh chị còn nhớ rành rành, tên thầy cô, tên môn học này môn học kia, chứ bản thân mình, tiếc và xin “chịu thua” vì không nhớ được gì nhiều, chỉ man mán nhớ năm đó hiệu trưởng là thầy Nguyễn Hữu Phước, giáo sư Tôn Thất Trung Nghĩa, giám thị bác Huỳnh Hữu Thanh và cô Hảo, vậy thôi, không thêm được ai nữa nhưng nhóm bạn cùng lớp Nhị niên 10 thì lại không quên tên, còn nhớ mặt dù có lẽ bây giờ, gần nửa thế kỷ rồi.

     Bài viết này xin được xem như một chút hồi nhớ về mớ kỷ niệm vụn vặt xưa, có buồn có vui, với những người bạn đã cùng tôi “đi bên và đi qua một phần đời nhau” trong những ngày tháng ở trường SPSG của năm bảy mươi bảy mốt, những kỷ niệm sẽ mang theo hay bỏ lại cho đời làm sao biết, thôi thì xin hãy “tha thứ cho nhau để được an lòng”, trong chuyến đi xa thiên thu định mạng mai này, ở một phía bên trời nào đó của một kiếp người.

    Rớt Tú Tài Hai, tội vì mình, “ham vui, yêu vội” hơn là tại trời, tôi không dám về nhà, biết ba mẹ tôi buồn nhiều lắm nhưng cũng đành, nhất là đám con nhà giàu bên kia phố chợ, đều đậu hết. Tôi ở lại Sài Gòn, dù mới chỉ biết Sài Gòn vài ngày qua hai lần thi, nhắn người chị gái bà con, chuyên mua hàng về tỉnh bán lại, cho ông bà biết tin, bỏ lên Đà Lạt, mang theo cái túi xách bằng vải bố chất đầy sách vở, quyết tâm “học ngày học đêm”, nhất định phải thi lại kỳ hai cho đậu, tôi không lo chuyện phải vào lính vì là con một trong khi đó, buồn cho mấy thằng bạn học dỡ, chơi chung đám cùng lớp không may, đang cố mà vui cái vui còn sót lại của một thời học trò “bảng đen phấn trắng, ghế đá công viên” vốn chắc không còn bao nhiêu, trước khi khăn gói vào quân trường. Vùi đầu, trời lạnh đắp kín mền “thề thốt với đèn khuya” chừng một tuần lễ, không học vô được chữ nào hết, càng rối bời thêm, chữ nhớ chữ quên, cuối cùng bỏ cuộc, theo xe đò về lại Sài Gòn, lang thang cơm chay bánh mì cho qua ngày tháng, thôi đành trở lại ngồi ghế đệ nhất năm tới, trường nào, ở đâu cũng chưa biết.

    Vào SPSG để mà có học cái gì đó, chứ nói yêu nghề “gõ đầu trẻ” thì không chắc lắm, tình cờ một hôm trời mưa lâm râm giữa mùa hè, vào quán cơm chay bên góc đường Hàm Nghi, ngó ra ga xe lửa, bàn chật hết, xớ rớ dáo dác tìm chỗ, một chị ngồi một mình khá đẹp, còn ghế trống đối diện, gọi bảo tới ngồi chung, có lẽ thấy thằng nhỏ “mặt mũi thư sinh, áo quần thất thểu sao đó”, chị tức cười rồi gợi chuyện, tôi cũng làm một màn “tâm sự đời tôi”, chị tên Tuyền, là cô giáo trường tiểu học Bà Triệu, gần hảng bia 33, đường Trần Hoàng Quân, học SPSG ra trường cách đây ba bốn năm, chị nói về trường và những cái lợi ở đó có, vừa học vừa thi lại, nghe lời chị khuyên, tôi thấy có lý gật đầu, ăn xong chị đi trước, ra tới cửa còn quay lại cười, chúc may mắn, vì phải thi vô, nếu thấy được, cuối cùng tôi đậu vào trường SPSG, nhờ cái may mắn mà chị Tuyền chúc, chứ chắc chẳng tài giỏi gì.

    Tôi quen Trung, ngày đầu nhập học, Trung dân Phú Giáo, Bình Dương, cùng một lớp, anh ta đưa tôi về gác trọ, nhỏ nhưng khá gọn, trong cái hẽm sâu, trên đường Cộng Hòa, gần chợ Nancy, không xa trường Sư Phạm bao nhiêu, ở đây có Sinh, cũng người Bình Dương, lên năm thứ hai trọ chung, hai người giới thiệu tôi với bà chủ, bác Hai, người miệt Cái Bè Cai Lậy, có xe hàng lên xuống Sài Gòn, tôi dọn về ở đây hôm sau, xem như có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng từ ngày đó.

    Người tôi nhớ trước nhất phải nói là Trung, không có Trung tôi không có được một chỗ tương đối tươm tất, tiền ở tiền ăn vừa phải, đối với tôi, “không người thân không họ hàng” ở Sài Gòn này thì đó là một may mắn quá lớn, Trung hiền lắm, ăn nói từ từ, ít khi cãi cọ gì với ai, chuyện gì cũng bỏ qua cũng cười trừ, bên cạnh Trung thì Sinh, vì là đàn anh, cũng hiền khô nhưng đôi lúc thắc mắc chút đỉnh cho vui vậy thôi, chắc là trời sinh ra như vậy để có thể gọi là “thầy giáo làng” mới đúng, hai ba lần theo anh ta về quê Phú Giáo chơi, gia đình Trung không khá  giả gì, đủ ăn nhưng ba mẹ rất niềm nỡ ân cần. Cũng hiền, cũng không to tiếng nhưng hay đưa ra ý này ý nọ, là Thật, dân Phan Thiết, người ốm cao, giọng rặt dân Phan Thiết, nhanh nhẹn, có mấy cô xúm quanh thì thường ra vẻ nghiêm trang nhưng trong suốt hai năm học SP, không thấy anh ta cũng như Trung “anh theo Ngọ về” với ai cả. Trong lớp còn Đông, cùng quê với Thật, người có nước da đen, hay kiểu cọ chút chút nhưng dễ thương, dễ có cảm tình.

    Cũng khó mà quên anh chàng trưởng lớp “Bắc kỳ” Phố, để râu mép, xuề xòa, ai nói sao cũng được, chẳng làm phiền bạn bè, cởi mở, không so đo thắc mắc, không kiểu cọ bày vẻ, hút thuốc chút ít. Quan, coi như người anh, cùng với Thưa và Quân, cùng khóa nhưng khác lớp nhị niên, không nhớ là nhị niên nào, ba người quê Long Hoa Tây Ninh, Thưa với Quân cả hai đều ưa hút thuốc, hiền khô chẳng làm phiền lòng ai, tuy nhiên Quân vì quá nhỏ con, khá thấp, nên đôi khi đổ quạu vì bị chọc chuyện “cao thấp”. Quan có cái miệng cười tươi, ăn nói chậm rãi, tĩ mĩ, thường ngày đến trường lúc nào cũng cái quần “jean” xanh dương và  áo sơ mi trắng cụt tay ủi thẳng băng, cả Quan và Thưa đều đã có bạn gái trên tỉnh nhà, nên không thấy “trộm nhìn nhau” gì cô này cô nọ. Gòn thì trầm lặng, chưa tốt nghiệp mà đã mẫu mực như “ông thầy” rồi, Hoàn, không nhớ được họ, biết đàn vọng cỗ sáu câu, người trông có vẻ “văn nghệ văn gừng”, cũng không làm ai phiền, chọc phá tiếu lâm cười cho vui vậy thôi, Luông, dân Suối Sâu, Suối Cụt, nhà nằm bên quốc lộ đi Tây Ninh, tướng tá cao lớn nhưng lưng tôm, người ít nói nhất trong đám, lo học nhiều hơn chơi, chưa ra trường đã “cặp đôi” với Thu Thủy, cùng lớp, rồi cưới nhau. Tân dân Huế nói chuyện như ông “cụ non”, vui vẻ siêng năng, đi đứng điệu bộ như “thầy thứ thiệt”. Phụng trai thì lầm lầm lì lì, chăm chỉ học hành, không nói năng gì, cười cũng để dành cho mình nhưng được cái là không phiền hà ai, bạn bè cũng chẳng ai thắc mắc.

    Mấy chị gái, thì hai người ngồi chung bàn đầu trong lớp khó mà quên được, Kim Loan và Phụng, Kim Loan, nhỏ nhẹ, ít nói hơn Phụng, chị này đôi khi khó chịu chút chút nhưng cũng vui vẻ hòa đồng với cả lớp, Thu Thủy trầm tính, ngó qua ngó lại không lâu thì anh Luông đã phải lòng rồi ưng ý nhau, trở thành “đôi tình nhân” đầu tiên trong lớp, Vy Thủy dáng dấp cao sang, cũng cười nói, giọng Bắc nhưng xem ra lạnh lùng, không giống Phố, cũng “Bắc kỳ” nhưng bị “Nam kỳ hóa” mất rồi, Vy Thủy không gần gũi lắm với bạn bè, khác với Kim Loan, Phụng và mấy chị khác lúc nào cũng ồn ào “mình mình tui tui”, Huệ, gầy cao, mặt xương xương, người nam nhưng khó chịu, khó chịu vậy chứ chẳng phiền hà ai, Huệ thường cặp đôi với Chói, đôi khi cũng Phố đi kèm. Với Chói, tôi có nhiều chuyện nhớ hơn mấy người khác, nhưng những chuyện này, coi như là “xin nhớ cho mùa thu đã chết rồi”, chỉ riêng mình hiểu.

     Tôi đậu lại tú tài hai, thí sinh tự do cuối năm nhất niên SP rồi năm sau đậu chứng chỉ cử nhân 1 Văn khoa ban Sử Địa, cùng lúc thi tốt nghiệp SP. Hè tan trường năm cuối ra trường, ai nấy tất tả về quê, chờ ngày đi dạy đâu đó xa gần, tôi đã không gặp lại đám bạn từ đó, năm sau tôi sang học ngành khác, rồi cũng ra trường, làm việc ở một tỉnh cao nguyên đèo heo hút gió mà người ta hát “phố xá không xa trời đất thật gần, đi dăm phút trở về chốn cũ, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông”, yên lòng với những gì mình đã chọn, lăn lóc theo đời, quên dần ngày tháng SPSG cũ, trong đó có bạn bè và một người có nhiều kỷ niệm với nhau hơn dù không trọn nhưng không bao giờ quên được.

    Tháng Ba Ban Mê Thuộc mất, quân VNCH rút bỏ cao nguyên, đoàn người hơn mấy chục ngàn dân lớn nhỏ, ròng rã ngày đêm, gồng gánh, dắt dìu nhau xuôi Nam từ Pleiku xuống theo con đường liên tỉnh lộ 7, con đường còn lại duy nhất mà đi. Cũng cả chục ngày đêm, qua Hậu Bổn, Phú Thiện, Phú Túc, nắng sáng sương đêm, đoàn người tới được Cung Sơn, một quận nhỏ của tỉnh Phú Yên, kẹt ở đó mấy ngày rồi lội bộ ngang sông Ba, nước tới gối, đến cái ấp nhỏ nằm dọc theo đập Đồng Cam, đã có đoàn người đi trước mấy ngày, ứ lại, mặt mày thất thơ thất thểu, mệt lã chờ, phía trước đoạn đường về Phú Lâm, quận Hiếu Xương đã bị quân Bắc việt đóng chốt kín, chận ngang, không biết chừng nào mới qua được, làm sao hơn đành chịu trận, qua đêm, rạng sáng sớm, thấy một nhóm chừng hai ba chục, ngủ gần bên bờ cái bờ ruộng khô cuối ấp, nhỏ to chuyện tìm đường băng qua bên cái núi nhỏ, bên này đập, băng qua cánh đồng cỏ tranh cao chưa tới nửa người, lấp xấp nước, tôi nhập theo nhóm, từ người một nối đuôi nhau, lặng lẽ theo đường đê về hướng núi, mặt trời vừa hừng lên, sương chưa tan, từ xa nhìn lại, mù mờ ở đó vẫn người và người.

    Qua dốc núi, chằng chịt cây rừng, nhóm tôi bị một toán quân Bắc việt, quần áo xanh ô liêu Nam Định mới, chận lại bắt tập trung tại một khoảng đất trống, lá rừng che kín trên cao, ngồi chờ một người chừng bốn mươi, tự xưng là chính trị viên tiểu đoàn hỏi tên tuổi, nghề nghiệp, có bốn năm người là lính VNCH bị hai anh bộ đội dẫn ra ngồi riêng ở một chỗ xa, tôi khai là giáo viên tiểu học ở Phú Túc, và có lẽ tên chính trị viên thấy cũng đáng tin sao đó, nên xé miếng giấy tập học trò, viết tên tôi, nghề nghiệp rồi thêm mấy chữ được phép về Sài Gòn, ký tên và chức vụ, rồi lấy con dấu trong cái túi da đóng bên dưới, xong xuôi, họ giữ lại mấy anh lính, cho một anh bộ đội dẫn tôi và số người còn lại ra khỏi khu rừng, chỉ hướng theo đường mòn mà đi. Bỏ SP đi, không chịu làm “ông giáo làng” rồi bây giờ nhận bừa là “ông giáo làng” nghĩ cũng nực cười, may mà kịp nhớ lại, nhờ ba chữ này mà tôi đã thoát được chuyện bắt giữ làm tù binh vì cứ bị nghi là “lính ngụy” khi ngang qua mấy chốt kiểm soát của quân Bắc việt, trên đường về Sài Gòn trong suốt hơn hai mươi mấy ngày đói khát tính từ giữa đêm bỏ Pleiku đi.

    Trời mưa lớn, cuối mùa ở đây, mưa xứ người, đông vẫn còn nấn ná lạnh ngoài sân trường, ngồi nhìn đám học trò yên lặng làm bài thi cuối năm trong phòng, nghe tiếng mưa bỗng dưng chợt nhớ người xưa bạn cũ, đám bạn khiêm nhượng học làm “thầy cô giáo” cùng lớp SPSG, da diết, vui ít buồn nhiều, lăn lóc mấy chục năm qua, hơn nửa đời người mà mỗi lần nhắc tới cứ nhớ.

Lời cuối gởi gió cho mây ngàn bay:
*Quan, Thưa, Quân, Trung, Thật, Đông, Luông,  Gòn, Hoàn, Sinh, Tân, Kim Loan, Phụng, Phụng trai, Thủy, Vy Thủy, Huệ, và những anh chị khác nữa, không nhớ tên dù cố nhớ... xin cám ơn các bạn đã cho tôi những kỷ niệm đẹp khó tìm của tháng ngày xa xưa đó.

*Riêng Chói, xin được xem như là một lời tạ lỗi muộn màng, người đã cho tôi rất nhiều dù không nhận lại được bao nhiêu nhưng vẫn không trách móc.

Phạm Nguyễn Định
Phố quê Colac mưa cuối đông 2017

 

 

 

 

   

Mười Năm Xa - Nguyễn Liên Châu


Mười năm xa
 
 









Mười năm… Chớp bể mưa nguồn
Cành thơ ngây gởi lại vườn chiêm bao
Thời gian lăn nhịp con tàu
Băng qua ga xép bạc đầu tháng năm


Xa nhau buổi ấy rằm trăng
Tiếng cười buồn vọng chậm dần vào đêm
Tay gầy gõ cửa tìm quên
Mắt hồn nhiên thoắt buồn tênh vết chàm


Mười năm… Mùa đã muộn màng
Cành khô kỷ niệm chắn ngang lối về
Thẫn thờ cuồng bước chân quê
Ngáo ngơ mình giữa bộn bề phố đông


Nhớ thương như khói bay vòng
Đùn cay giăng xót mù chong bến bờ
Vụng về gọi nắng tìm mưa
Lòng riêng lạc lõng chim mùa ngu ngơ


Mười năm… Trăng vẫn ơ thờ
Mảnh gương vỡ cứa vần thơ đứt lìa
Mười năm… Mờ mịt lối về
Tàu qua ga xép còi khuya chiêu hồn


NGUYỄN LIÊN CHÂU

304Đen – llttm - OVV

Cỏ Hoang - Lưu Na



Cỏ Hoang
 
 

Má về Việt Nam ăn Tết đã trở lại. Buổi sáng, Má mở va ly bắt đầu soạn ra những món quà Tết. Cái va ly đầy ắp từng gói giấy báo to nhỏ. Mây lại sắp được nghe chuyện đời khi những tờ giấy báo mở ra.

-Con nhỏ con của Cậu chết rồi.

-Chết?

-Ừ, hôm Tết mẹ hỏi sao không thấy nó tới, con Chi bảo nó chết rồi còn đâu.

Má ngừng tay soạn va ly. Chung quanh Má giấy báo bắt đầu vun lên bừa bãi. Cái gì dễ vỡ là cuộn vào giấy báo, cho dù nó đã nằm trên kệ ngoài ga ra. Nhiều lúc Mây nghĩ lôi cái đã yên vị ra sắp xếp loay hoay còn vỡ lẹ hơn, nhưng không nên cãi cọ với Má.

-Chả biết nó bịnh gì mà cứ sốt liên miên, người cứ gầy rộc đi. Con Chi nói vào nhà thương thăm nó đã vài lần, lần chót thấy nó tươi tỉnh ai cũng tưởng sẽ về, nó cũng hớn hở. Vậy rồi nó chết. Mẹ nghi nó bị AIDS.

Mây vẫn ngồi im xoay mặt vào màn hình nơi bàn viết. Đằng sau lớp chữ khuôn mặt con nhỏ từ từ hiện ra. Má đã ngưng hẳn việc soạn cái va ly đầy tú hụ na từ Việt Nam qua.

-Còn đứa con của nó thì sao?

-Thì cô Mai phải nuôi chứ còn làm sao. Tội nghiệp, dạo sau nó lấy chồng rồi thì đẹp lộng lẫy. Năm đó nó đến nhà chúc Tết mặc áo dài, môi son má phấn trông ngồn ngộn.

Khuôn mặt con bé đã rõ, ánh mắt hoang dại to và ướt, nét mặt nửa ngang bướng nửa ngây thơ. Nó không hẳn giống Cậu, nhưng nhìn nó thì biết ngay nó phải là con của Cậu. Năm đó nó tròn mười tám, nhưng đôi mắt nó vẫn là đôi mắt của trẻ thơ với khóe mắt tròn đầy và đuôi mắt mở rộng.

-Cách đây mấy năm mẹ nó có tới hỏi mẹ cho nó ở tạm vài tháng…

-???

-Mẹ nó bảo nó đang bị tụi băng đảng rượt tìm cần lánh mặt một thời gian, “Vì chị đã nói là quyền huynh thế phụ nên em mới đến nhờ”. Vớ vẩn, huynh với chẳng phụ, ai dại gì mà chứa nó để bọn du đãng tìm đến. Cô Mai cô ấy không biết dạy con. Ai lại con bé đẹp như thế mà rồi chỉ giao du với lũ băng đảng rấc riếc. Mà khố rách áo ôm thì cũng đến vậy thôi.

Mây gặp con nhỏ chỉ một lần, lúc Mây độ ba lăm tuổi, suy nghĩ lung tung mà chả đâu vào đâu, cứ như kẻ mộng du. Má nói Cậu có một đứa con gái. Con ai? Con cô Mai. Mày chưa biết à? Dạ chưa. Được, để tao bảo thằng Hùng gọi nó lên đây tao bảo.

Ngày 28 Tết, hai mẹ con đến. Mây nhận ra ngay cô gái năm xưa. Cô Mai vẫn gầy, nhưng đen và khắc khổ hơn dù nét đẹp thầm kín dịu dàng vẫn còn.

Má bắt đầu mở máy. Cháu viết thư cho Bố thì phải lễ độ. Cháu có biết Bố kiếm tiền cực nhọc, đời sống ra sao mà trách bố không nhớ đến cháu. Cháu đã làm được gì mà đòi hỏi sinh nhật. Em phải dạy con ăn nói cho đàng hoàng. Chị là quyền huynh thế phụ, chị không chấp nhận chuyện con viết thư trách móc bố. Nếu em và con muốn chị chuyển thư thì phải về viết lại cho lịch sự lễ độ.

Má còn nói gì gì nữa Mây chả nhớ. Cô Mai ngồi im suốt buổi, ánh mắt ướt buồn.

Hồi đó Cậu đi “học tập” về thì đâu có gì để làm ngoại trừ lêu bêu. Cậu xoay xở một cái bàn cắt, một cái bàn ủi và những cái gì linh tinh chả rõ, bỏ vào bị vải ra đường Bạch Đằng làm nghề bọc nhựa. Tối đến Cậu về ngủ ở cái đi văng ngoài hiên dưới tàng cây bươm bướm. Mây không rõ những ngày mưa Cậu có bị ướt không.

Khi Cậu thôi nghề ép bọc nhựa, chắc hết tiền, thì Cậu quen cô Mai. Vài ba ngày Cậu về nhà một lần rồi tối đến nói Mây chở Cậu đi. Cậu không nói đi đâu, vì Cậu đèo Mây, đến chợ Bà Chiểu vào một ngõ rộng nơi có quán cà phê hay quán ăn gì đó đèn sáng trưng thì Cậu xuống xe và Mây đạp về một mình. Cứ đều đều vài tối một lần, riết rồi sao đó chả rõ Mây biết là Cậu có cô Mai. Mây chỉ bận tâm chuyện thi vào đại học được không nên chả thắc mắc cái chuyện yêu đương kia làm sao kết thành khi người ta bị lâm cảnh “khố rách áo ôm”. Ha. Cái chữ ác nghiệt. Lâu lâu Cậu về, bảo Mây lấy cho Cậu một túi mì sợi. Đó là một cách xin Má mà không phải đối diện cùng Má để phải trả lời những câu “biết trả lời sao?”.

Rồi chuyện gì xảy ra giữa hai người?

Con bé cứ nhìn Mây chòng chọc. Ánh mắt hoang dại của nó như tò mò như chịu đựng như đợi chờ. Mây càng lúng túng, lùi vào nhà trong ngồi nơi cầu thang. Mây không bao giờ quên cảm giác xấu hổ ngượng ngùng những khi Má mắng ai đó xối xả. Lúc thì cô thợ đan, lúc thì anh Hùng hậu đậu, khi thì chính là Mây “đoảng vị”, cứng đầu. Sau bếp, anh Hùng chị Chi thằng Tí con Chín bum ngồi cười cười, trúng quả. Cái bếp này ngày trước chưa có. Khi Mây đi rồi Má làm ăn có tiền mới mua luôn căn nhà ọp ẹp mười hai thước vuông sau lưng nối vào nhà của mình và biến nó thành nhà bếp, thay cho bếp cũ.

Ngồi nơi cầu thang, Mây nhớ những ngày học thi đại học. Con Quyên vài bữa qua chơi một lần. Con Hiếu thì qua thường hơn. Tụi nó ngồi ở bực cầu thang, chỗ Mây đang ngồi, và nói đủ thứ chuyện trong khi Mây vần hết thau quần áo thì đến chà sàn rửa bát, rồi nhóm bếp nấu cơm, rồi dọn mâm chén, rồi quét bếp. Đều đặn, gần đến giờ cơm thì tụi nó sẽ rút lui theo đúng thủ tục con nhà có giáo dục. Lâu dần con Hiếu thú nhận nó tưởng Mây lười không chịu đi học thêm Lý Hóa với thầy Hùng chứ không dè Mây bận túi bụi thật. Bên Mỹ, gặp lại con Quyên sau mấy mươi năm, nó cười cười kể ra cái kỷ niệm “lao động” của Mây và khen Mây giỏi. Giỏi hay nghèo?

Đang ngồi ngẩn ngơ, cả lũ giật mình nhận ra sao nhà quá im lặng. Cô Mai về hồi nào? Mây ló đầu ra. Không, cô Mai vẫn ngồi đó, vẫn làm thinh chịu đựng. Một mối tình trong thời khốn khó, một đứa con không cha. Cô chắc đã quen với điều cay đắng. Và con bé, quả nó toát ra vẻ của một đứa trẻ đứng ngoài xã hội. Má lặp lại về lá thư để kết thúc buổi gặp gỡ.

Khi về lại Mỹ, thật lâu về sau, lần hồi nhớ lại mọi điều, Mây tự trách mình không biết bao nhiêu mà kể. Nỗi ray rứt đi kèm ánh mắt của con bé bám riết theo Mây trong thinh lặng. Sao Mây ngu vậy. Ngày tư ngày Tết, mẹ con cô Mai đã chịu nhiếc móc mà không có được một chút quà, cả lá thư cầu viện cũng không được chuyển. Ngu dốt đã biến Mây thành vô tâm. Mà đúng hơn, Mây chỉ là một con bù nhìn những khi đứng bên Má. Mây buồn mình, quá tệ.

Má đã quay lại với đống giấy báo và cái va ly. Mây loay hoay viết thư cho Cậu, viết rồi lại xóa. Mây nhớ tới ánh mắt của Cậu lúc Mây nói đến con bé. Cậu nhìn về hướng đứa con gái (Mây chưa biết mặt Mợ), như muốn bảo Mây cẩn thận, đừng để nó nghe thấy. Buồn. Ánh mắt hoang dại vẫn đậu sau gáy Mây.

Má đưa ra ba cái áo dài Mây gửi may lúc Má đi Việt Nam. Mây chạy vào thay áo rồi ra săm soi trước gương. Tóc Mây ngắn ngang cằm, không đủ thướt tha. Có một dạo Mây “điên” nuôi tóc dài, nuôi gần hai năm, được một mái tóc đen bóng ngang lưng, nhưng mỏng te. Các lúc đó đã thôi Mây mà đi lấy vợ, nhưng vẫn với miệng qua người bạn mà bảo Mây cắt đi, “già” lắm. Mây xoay bên này xoay bên kia, vừa ngắm nghía vừa tưởng tượng xem con nhỏ mặc áo dài đẹp như thế nào. Hình như cả đứa con gái của Cậu và Mợ bây giờ cũng xương xương, cao vừa vặn và tóc dài. Còn con bé nữa với người vợ đầu, Cậu và gia đình không ai được biết nữa. Cậu có bao nhiêu mối tình?

Má tiếp tục giọng đều đều. Hồi đó mày đi rồi thì vài năm sau Cậu hỏi cưới Mợ. Mẹ phải qua bảo đảm với nhà gái là Cậu vẫn độc thân không có dây mơ rễ má gì cả…

Mây bắt đầu phiêu lưu về xóm cũ. Đêm đêm cứ chín giờ thì nhà cây ổi lùa đám con về đọc kinh tối. Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời ở cùng bà… Thuộc rồi thì đến phiên anh Hùng học Đắc Lộ về nhà đọc cho nghe Lạy Cha chúng con ở trên trời. Mười giờ đêm chị Thành sẽ ra cửa sổ trên lầu leo cây ổi xuống đi nhảy đầm ở các hộp đêm. Chị Triệu chơi trống đã lấy chồng rồi nên ông bà Mười không thắc mắc nữa. Đến mười một giờ thì thằng Long sẽ lên sân thượng ôm ghi ta đánh liên miên hết bài này sang bài khác.

Những đêm trăng sáng Mây thường nằm trong mùng ngó mông ra cửa lưới chờ những bản nhạc và sẽ ngủ trước khi thằng Long dứt tiếng đàn. Ở cái xóm nhỏ đó, Mây thấy anh của mình lớn lên cùng với đám anh em nhà cây ổi, anh Ba Tề vào lính rồi trở về năm sau mất một chân trước khi anh Hùng kịp vào Hải quân. Anh Long đi quân trường chưa đầy sáu tháng khi về đã bị vợ bỏ. Nhịp đời rộn rã mà lại thờ ơ, mọi điều lớn lao của cuộc sống hình như qua đi trong hối hả và hững hờ. Trong cái tẻ nhạt vô nghĩa mà lại sôi sục ấy, một bữa Mây thấy Cậu về, bộ đồ lính còn đầy bụi, và ngay chiều đó thấy Cậu đánh Mợ, Mợ chỉ khóc. Rồi Mợ bồng đứa con gái đi mất. Hai mươi năm sau Mây mới được biết, là Cậu về, lối xóm mách chuyện Mợ bồ với anh Ba Tề. Cậu lấy người vợ đầu tiên ấy lúc nào?

Trước khi Mây kịp lớn, nhà Mây có thêm một người khách những dịp giỗ Tết. Cô Lan và một đứa con bồng trên tay, Má nói không phải con của Cậu, nhưng cô Lan thì cứ làm như là con của Cậu, và Cậu thì tránh cô. Những việc đó trôi qua trước mặt Mây như những đám mây trắng trôi từ góc này qua góc kia mỗi chiều. Mà việc lạ lắm, giật gân lắm cũng chỉ quá bữa cơm chiều hoặc qua sớm mai thì sẽ bị tiếng chân rầm rập của thợ thuyền dậy từ năm giờ sáng, tiếng băm củ sắn của ông Tiều đối diện làm bò bía đi bán… che lấp. “Sống trong thời buổi chiến tranh”, ai cũng nói vậy, và Mây cũng thường bắt gặp mình nghĩ về cuộc đời của mình như vậy cho đến bây giờ.

Những ngày thanh bình ở đây, lòng Mây không êm ả hơn những ngày ở xóm Phan Đình Phùng ấy đâu. Ánh đèn vàng nơi đây sao hiu hắt, cái thanh tịnh sao thê lương. Cái gì cũng có sẵn, tràn trề, không cần phải trốn vào một cái xó nào đó tìm chút riêng tư, không cần phải chờ những lúc mọi người đều bận hay đang ngủ để tìm chút tĩnh lặng. Dường như âm thanh và nhịp sống thuở chiến chinh đã là một phần của con người mình, nên khi xa nó Mây thấy lao đao khốn khổ.

Đi được một bước trên cái bất an là đi được một bước trong cõi bình an, xa cái hỗn độn bấp bênh là xa cái tịch lặng tìm được. Mây nhớ thiết tha những ngày nắng cháy được đi dưới hàng me đường Trần Quý Cáp, những ngày mưa vừa dứt­­, lá xanh non và không khí trong mát làm dịu cả một quãng đường.

Chiến tranh, Mây ngờ rằng cả những khi người ta sinh ra lúc không có một cuộc binh đao thì người dân Việt cũng chưa bao giờ sống trong thanh bình. Họ chỉ sống tạm trong thời không chiến tranh, được thong thả làm nốt những việc mà cha anh chồng vợ đã không kịp hoàn tất hồi năm ngoái năm kia, được làm đôi ba việc mà mình đã lỡ quên hay lỡ thời cơ để làm trong kiếp trước.

Và như vậy, kiếp sau hay một kiếp nào đó quành lại, Mây rồi sẽ được xem phim Cleopatra, phim Love Story cho thỏa con mắt. Mây sẽ chịu khó chải chuốt mái tóc, săm soi tà áo để là một đứa con gái xinh tươi. Cái chuyện có ra chùa Xá Lợi ăn quà nữa hay không thì có lẽ chờ tới đó sẽ hay. Nhưng rồi Mây cũng sẽ bị hụt hẫng khi ông Ngoại mất.

Ông mất khi Má vừa mua được căn nhà đầu tiên từ di cư. Căn nhà này dĩ nhiên hơn hẳn cái buồng thuê bên nhà cậu Lộ ngõ hàng quà. Và cuộc sống nơi xóm này cũng sắc màu hơn nhiều lắm so với cái buồn buồn êm ả và nghèo nàn của ngõ bên kia. Nhưng như có gì ngao ngán treo trong không khí. Mây mấy tuổi mà sao đã thấm vào lòng nỗi ngao ngán ấy. Ông mất một ngày trong tuần, vắng lặng. Lúc đó dì Hai vừa xuống bếp, và Cậu cũng vừa xuống gác ra trước sân hút điếu thuốc với anh Hùng.

Ông nằm bệnh đã tháng nay rồi, ông không còn bảo Mây dắt gậy cho ông vịn vai đến căn gác bên kia hẻm hút thuốc phiện nữa. Dì Hai phải phụ Cậu tắm rửa thay quần áo cho ông một ngày vài bận. Mọi người chắc đã mệt mỏi mà phải đành. Mây nghe ông gọi Cậu, nhưng ai cũng làm lơ chờ một tí. Cái nông nỗi nuôi bịnh là vậy, sau nhiều ngày vất vả quanh giường, chính ngay cái lúc người ta lơi tay là lúc con bệnh gọi gấp cho giây phút sau cùng, và mối ân hận theo hoài với những người đã chần chừ.

Cậu ôm ông vào lòng khóc ngất. Nét mặt trắng trẻo xương xương của Cậu xanh lại, ướt đẫm. Cậu cúi xuống kề sát mặt ông, lúc đó Mây tưởng như thấy hai anh em sinh đôi, một người trắng và một người tím tái. Mây đứng nhìn mọi người, hoang mang không biết mình có buồn không. Cái chết của ông không làm Mây đau đớn xót xa như khi Mây gặp người lính Mỹ trẻ tuổi ngồi uống một mình trong nightclub. Mây đã khóc nhiều ngày sau đó khi nhớ lại cái vóc cô đơn dưới ánh đèn mờ mờ khói thuốc mà không hiểu vì sao. Cuộc đời, Mây chưa biết gọi nó là cuộc đời, nhưng Mây thấy một cái gì đó nhếch nhác buồn tênh.

Dạo đó Mây cứ phải đi lang thang một mình trong xóm vắng khi mọi người đổ nhau vào ti vi xem phim Combat hay xem đánh bốc. Đánh đấm giết nhau có gì vui? Sao người ta có thể lấy chuyện thoi vào mặt nhau cho đổ máu để làm trò giải trí? Quen cảnh máu xương? Cái gác ọp ẹp kia có gì gọi mời mà ông cứ phải lần dò níu vai Mây lụm cụm leo lên ấy? Cuộc sống lướt qua mắt trẻ thơ như những khúc phim bị cắt gọn rồi ghép vào nhau cho đỡ mất thì giờ xem, hay nói đúng hơn là đỡ phải sống qua.

Có đỡ được không?

Má bắt đầu mở cái va ly thứ hai lôi ra những món đồ mang từ Việt Nam qua. Giấy báo lại bắt đầu phơi ra sàn từng tờ nhàu nhĩ. Má lại nhẩn nha kể.

-Hồi đó Ba mày cũng đâu có phải là hiền.

-Ủa, bộ…?

-Mẹ không rõ, nhưng năm đó Ba mày nằm nhà thương Cộng Hòa đã ba năm trời, tưởng không qua được nên có bà tới xin Mẹ cho bà và đứa con vào thăm “ông ấy”.

-A ha, chuyện này hấp dẫn. Rồi sao Má?

-Chả sao cả, họ nghĩ sao đó không tới nữa.

-Nhưng Ba là người cù lần…

-Đừng có tưởng bở

-???

-Hồi di cư Mẹ vào trước, Ba mày làm cho hết tháng rồi vào sau. Nhưng sáu tháng vẫn không thấy tăm hơi, rồi một hôm thấy xe đỗ trước nhà ở trọ, ông vào bảo đưa tiền trả tiền xe. Hỏi ra, thì tiền chính phủ cho mỗi gia đình định cư ông đã dùng để đi du lịch Huế Đà Nẵng trước khi vào Nam hết cả rồi.

-Hết?

-Ừ, không còn tiền trả tiền xe.

-Sao Má không nói Ba?

-Thì cũng đâu làm gì được nữa

Má đã quen rồi với số phận đè nặng lên mình? Má đã quen với xã hội o ép buộc ràng? Mây luôn thấy ngạc nhiên, có cái gì kỳ bí cột những người đàn bà Việt Nam vào cái số phận rất tầm phào. Im lặng chấp nhận có vẻ là giải pháp khôn ngoan nhất. Nhìn đống giấy báo bắt đầu vun lên, Mây ngao ngán liên tưởng, hình như mọi người đàn bà trong xã hội Việt Nam đều trở thành những tờ báo, chỉ được một vài giờ đầu lúc mới ra khỏi máy in trên đường tới sạp báo là được đối đãi trong sự toàn vẹn, chỉ được những phút đầu tiên khi người đọc mở trang giấy là được nhìn đúng giá trị. Rồi là tèm lem bôi bẩn xé rách chà đạp. Lượm lên chỉ để “đỡ nóng tay”.

Ai đó nói Việt Nam không chỉ có chiến tranh.

Ừ, nói cho rõ thì không chỉ có chiến-tranh-Việt-Nam. Và nói cho rõ hơn nữa thì mình có cả một nửa dân tộc mang họ Khổng và nửa kia là giấy báo.

Đống giấy báo của Má đã vun cao và chiếm lối đi, Mây đứng lên sửa soạn đi làm. Sau lưng, Má lại chép miệng tội nghiệp con nhỏ.

***

Sáng ngủ dậy Mây nằm nướng trong giường nhớ lại giấc mơ. Mây thấy cô Cúc mặc áo dài đen mái tóc thướt tha đi trên cầu Trương Minh Giảng. Cô chỉ chừng hăm mấy, hình như sinh viên Văn Khoa. Cô trắng như bông, giọng Huế nhỏ nhẹ hiền lành, đẹp như một cô tiên nhân hậu. Cô lấy ông giám đốc Hàng không thì phải, mới có một đứa con, họ thuê một căn phòng chung nhà Mây ở. Vợ lớn tới chửi, nhưng không thèm chửi cái chuyện thê thiếp của chồng mà bà chửi sao ông dám đánh thằng con tám tuổi.

Hình như mọi người chấp nhận cái chuyện một kiểng hai quê năm thê bảy thiếp. Cái vóc cao gầy buồn bã ấy cúi đầu rảo bước qua cầu; cô đi lễ về. Bất chợt Mây thấy một đám người đổ tới đánh ghen cô Cúc, cô hốt hoảng chạy xuống dốc cầu, mà lạ, sao rồi người bỏ chạy thục mạng đó lại là Mây. Mây nghĩ chỉ cần chạy vào được chùa ở ngay đầu ngõ dưới chân cầu thì sẽ thoát. Nhưng một nhát dao đã bổ xuống vai Mây buốt cháy. Mây la không được, Mây khóc không ai nghe, Mây vùng vẫy. Nước mắt ướt mặt khi Mây thoát ra khỏi cơn mơ. Mơ thôi mà.

Mây ra bếp pha cà phê.

Con nhỏ – em họ của mình – tên gì, cho đến bây giờ Mây cũng chưa biết.

 

Lưu Na

304Đen – Llttm - VV