Saturday, April 28, 2018

Để Nhớ Đám Bạn Cùng Lớp Nhị Niên 10 Sư Phạm Sài Gòn - Phạm Nguyễn Định


  Để Nhớ Đám Bạn Cùng Lớp Nhị niên 10 Sư Phạm Sài Gòn

Viết cho bạn cùng lớp Nhất 10 Nhị 10, khóa 8 SPSG, đã không găp lại từ ngày ra trường năm 1971

 


       Đọc những bài viết của quý anh chị SPSG trên các trang mạng quen, tôi hết sức phục vì quý anh chị còn nhớ rành rành, tên thầy cô, tên môn học này môn học kia, chứ bản thân mình, tiếc và xin “chịu thua” vì không nhớ được gì nhiều, chỉ man mán nhớ năm đó hiệu trưởng là thầy Nguyễn Hữu Phước, giáo sư Tôn Thất Trung Nghĩa, giám thị bác Huỳnh Hữu Thanh và cô Hảo, vậy thôi, không thêm được ai nữa nhưng nhóm bạn cùng lớp Nhị niên 10 thì lại không quên tên, còn nhớ mặt dù có lẽ bây giờ, gần nửa thế kỷ rồi.

     Bài viết này xin được xem như một chút hồi nhớ về mớ kỷ niệm vụn vặt xưa, có buồn có vui, với những người bạn đã cùng tôi “đi bên và đi qua một phần đời nhau” trong những ngày tháng ở trường SPSG của năm bảy mươi bảy mốt, những kỷ niệm sẽ mang theo hay bỏ lại cho đời làm sao biết, thôi thì xin hãy “tha thứ cho nhau để được an lòng”, trong chuyến đi xa thiên thu định mạng mai này, ở một phía bên trời nào đó của một kiếp người.

    Rớt Tú Tài Hai, tội vì mình, “ham vui, yêu vội” hơn là tại trời, tôi không dám về nhà, biết ba mẹ tôi buồn nhiều lắm nhưng cũng đành, nhất là đám con nhà giàu bên kia phố chợ, đều đậu hết. Tôi ở lại Sài Gòn, dù mới chỉ biết Sài Gòn vài ngày qua hai lần thi, nhắn người chị gái bà con, chuyên mua hàng về tỉnh bán lại, cho ông bà biết tin, bỏ lên Đà Lạt, mang theo cái túi xách bằng vải bố chất đầy sách vở, quyết tâm “học ngày học đêm”, nhất định phải thi lại kỳ hai cho đậu, tôi không lo chuyện phải vào lính vì là con một trong khi đó, buồn cho mấy thằng bạn học dỡ, chơi chung đám cùng lớp không may, đang cố mà vui cái vui còn sót lại của một thời học trò “bảng đen phấn trắng, ghế đá công viên” vốn chắc không còn bao nhiêu, trước khi khăn gói vào quân trường. Vùi đầu, trời lạnh đắp kín mền “thề thốt với đèn khuya” chừng một tuần lễ, không học vô được chữ nào hết, càng rối bời thêm, chữ nhớ chữ quên, cuối cùng bỏ cuộc, theo xe đò về lại Sài Gòn, lang thang cơm chay bánh mì cho qua ngày tháng, thôi đành trở lại ngồi ghế đệ nhất năm tới, trường nào, ở đâu cũng chưa biết.

    Vào SPSG để mà có học cái gì đó, chứ nói yêu nghề “gõ đầu trẻ” thì không chắc lắm, tình cờ một hôm trời mưa lâm râm giữa mùa hè, vào quán cơm chay bên góc đường Hàm Nghi, ngó ra ga xe lửa, bàn chật hết, xớ rớ dáo dác tìm chỗ, một chị ngồi một mình khá đẹp, còn ghế trống đối diện, gọi bảo tới ngồi chung, có lẽ thấy thằng nhỏ “mặt mũi thư sinh, áo quần thất thểu sao đó”, chị tức cười rồi gợi chuyện, tôi cũng làm một màn “tâm sự đời tôi”, chị tên Tuyền, là cô giáo trường tiểu học Bà Triệu, gần hảng bia 33, đường Trần Hoàng Quân, học SPSG ra trường cách đây ba bốn năm, chị nói về trường và những cái lợi ở đó có, vừa học vừa thi lại, nghe lời chị khuyên, tôi thấy có lý gật đầu, ăn xong chị đi trước, ra tới cửa còn quay lại cười, chúc may mắn, vì phải thi vô, nếu thấy được, cuối cùng tôi đậu vào trường SPSG, nhờ cái may mắn mà chị Tuyền chúc, chứ chắc chẳng tài giỏi gì.

    Tôi quen Trung, ngày đầu nhập học, Trung dân Phú Giáo, Bình Dương, cùng một lớp, anh ta đưa tôi về gác trọ, nhỏ nhưng khá gọn, trong cái hẽm sâu, trên đường Cộng Hòa, gần chợ Nancy, không xa trường Sư Phạm bao nhiêu, ở đây có Sinh, cũng người Bình Dương, lên năm thứ hai trọ chung, hai người giới thiệu tôi với bà chủ, bác Hai, người miệt Cái Bè Cai Lậy, có xe hàng lên xuống Sài Gòn, tôi dọn về ở đây hôm sau, xem như có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng từ ngày đó.

    Người tôi nhớ trước nhất phải nói là Trung, không có Trung tôi không có được một chỗ tương đối tươm tất, tiền ở tiền ăn vừa phải, đối với tôi, “không người thân không họ hàng” ở Sài Gòn này thì đó là một may mắn quá lớn, Trung hiền lắm, ăn nói từ từ, ít khi cãi cọ gì với ai, chuyện gì cũng bỏ qua cũng cười trừ, bên cạnh Trung thì Sinh, vì là đàn anh, cũng hiền khô nhưng đôi lúc thắc mắc chút đỉnh cho vui vậy thôi, chắc là trời sinh ra như vậy để có thể gọi là “thầy giáo làng” mới đúng, hai ba lần theo anh ta về quê Phú Giáo chơi, gia đình Trung không khá  giả gì, đủ ăn nhưng ba mẹ rất niềm nỡ ân cần. Cũng hiền, cũng không to tiếng nhưng hay đưa ra ý này ý nọ, là Thật, dân Phan Thiết, người ốm cao, giọng rặt dân Phan Thiết, nhanh nhẹn, có mấy cô xúm quanh thì thường ra vẻ nghiêm trang nhưng trong suốt hai năm học SP, không thấy anh ta cũng như Trung “anh theo Ngọ về” với ai cả. Trong lớp còn Đông, cùng quê với Thật, người có nước da đen, hay kiểu cọ chút chút nhưng dễ thương, dễ có cảm tình.

    Cũng khó mà quên anh chàng trưởng lớp “Bắc kỳ” Phố, để râu mép, xuề xòa, ai nói sao cũng được, chẳng làm phiền bạn bè, cởi mở, không so đo thắc mắc, không kiểu cọ bày vẻ, hút thuốc chút ít. Quan, coi như người anh, cùng với Thưa và Quân, cùng khóa nhưng khác lớp nhị niên, không nhớ là nhị niên nào, ba người quê Long Hoa Tây Ninh, Thưa với Quân cả hai đều ưa hút thuốc, hiền khô chẳng làm phiền lòng ai, tuy nhiên Quân vì quá nhỏ con, khá thấp, nên đôi khi đổ quạu vì bị chọc chuyện “cao thấp”. Quan có cái miệng cười tươi, ăn nói chậm rãi, tĩ mĩ, thường ngày đến trường lúc nào cũng cái quần “jean” xanh dương và  áo sơ mi trắng cụt tay ủi thẳng băng, cả Quan và Thưa đều đã có bạn gái trên tỉnh nhà, nên không thấy “trộm nhìn nhau” gì cô này cô nọ. Gòn thì trầm lặng, chưa tốt nghiệp mà đã mẫu mực như “ông thầy” rồi, Hoàn, không nhớ được họ, biết đàn vọng cỗ sáu câu, người trông có vẻ “văn nghệ văn gừng”, cũng không làm ai phiền, chọc phá tiếu lâm cười cho vui vậy thôi, Luông, dân Suối Sâu, Suối Cụt, nhà nằm bên quốc lộ đi Tây Ninh, tướng tá cao lớn nhưng lưng tôm, người ít nói nhất trong đám, lo học nhiều hơn chơi, chưa ra trường đã “cặp đôi” với Thu Thủy, cùng lớp, rồi cưới nhau. Tân dân Huế nói chuyện như ông “cụ non”, vui vẻ siêng năng, đi đứng điệu bộ như “thầy thứ thiệt”. Phụng trai thì lầm lầm lì lì, chăm chỉ học hành, không nói năng gì, cười cũng để dành cho mình nhưng được cái là không phiền hà ai, bạn bè cũng chẳng ai thắc mắc.

    Mấy chị gái, thì hai người ngồi chung bàn đầu trong lớp khó mà quên được, Kim Loan và Phụng, Kim Loan, nhỏ nhẹ, ít nói hơn Phụng, chị này đôi khi khó chịu chút chút nhưng cũng vui vẻ hòa đồng với cả lớp, Thu Thủy trầm tính, ngó qua ngó lại không lâu thì anh Luông đã phải lòng rồi ưng ý nhau, trở thành “đôi tình nhân” đầu tiên trong lớp, Vy Thủy dáng dấp cao sang, cũng cười nói, giọng Bắc nhưng xem ra lạnh lùng, không giống Phố, cũng “Bắc kỳ” nhưng bị “Nam kỳ hóa” mất rồi, Vy Thủy không gần gũi lắm với bạn bè, khác với Kim Loan, Phụng và mấy chị khác lúc nào cũng ồn ào “mình mình tui tui”, Huệ, gầy cao, mặt xương xương, người nam nhưng khó chịu, khó chịu vậy chứ chẳng phiền hà ai, Huệ thường cặp đôi với Chói, đôi khi cũng Phố đi kèm. Với Chói, tôi có nhiều chuyện nhớ hơn mấy người khác, nhưng những chuyện này, coi như là “xin nhớ cho mùa thu đã chết rồi”, chỉ riêng mình hiểu.

     Tôi đậu lại tú tài hai, thí sinh tự do cuối năm nhất niên SP rồi năm sau đậu chứng chỉ cử nhân 1 Văn khoa ban Sử Địa, cùng lúc thi tốt nghiệp SP. Hè tan trường năm cuối ra trường, ai nấy tất tả về quê, chờ ngày đi dạy đâu đó xa gần, tôi đã không gặp lại đám bạn từ đó, năm sau tôi sang học ngành khác, rồi cũng ra trường, làm việc ở một tỉnh cao nguyên đèo heo hút gió mà người ta hát “phố xá không xa trời đất thật gần, đi dăm phút trở về chốn cũ, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông”, yên lòng với những gì mình đã chọn, lăn lóc theo đời, quên dần ngày tháng SPSG cũ, trong đó có bạn bè và một người có nhiều kỷ niệm với nhau hơn dù không trọn nhưng không bao giờ quên được.

    Tháng Ba Ban Mê Thuộc mất, quân VNCH rút bỏ cao nguyên, đoàn người hơn mấy chục ngàn dân lớn nhỏ, ròng rã ngày đêm, gồng gánh, dắt dìu nhau xuôi Nam từ Pleiku xuống theo con đường liên tỉnh lộ 7, con đường còn lại duy nhất mà đi. Cũng cả chục ngày đêm, qua Hậu Bổn, Phú Thiện, Phú Túc, nắng sáng sương đêm, đoàn người tới được Cung Sơn, một quận nhỏ của tỉnh Phú Yên, kẹt ở đó mấy ngày rồi lội bộ ngang sông Ba, nước tới gối, đến cái ấp nhỏ nằm dọc theo đập Đồng Cam, đã có đoàn người đi trước mấy ngày, ứ lại, mặt mày thất thơ thất thểu, mệt lã chờ, phía trước đoạn đường về Phú Lâm, quận Hiếu Xương đã bị quân Bắc việt đóng chốt kín, chận ngang, không biết chừng nào mới qua được, làm sao hơn đành chịu trận, qua đêm, rạng sáng sớm, thấy một nhóm chừng hai ba chục, ngủ gần bên bờ cái bờ ruộng khô cuối ấp, nhỏ to chuyện tìm đường băng qua bên cái núi nhỏ, bên này đập, băng qua cánh đồng cỏ tranh cao chưa tới nửa người, lấp xấp nước, tôi nhập theo nhóm, từ người một nối đuôi nhau, lặng lẽ theo đường đê về hướng núi, mặt trời vừa hừng lên, sương chưa tan, từ xa nhìn lại, mù mờ ở đó vẫn người và người.

    Qua dốc núi, chằng chịt cây rừng, nhóm tôi bị một toán quân Bắc việt, quần áo xanh ô liêu Nam Định mới, chận lại bắt tập trung tại một khoảng đất trống, lá rừng che kín trên cao, ngồi chờ một người chừng bốn mươi, tự xưng là chính trị viên tiểu đoàn hỏi tên tuổi, nghề nghiệp, có bốn năm người là lính VNCH bị hai anh bộ đội dẫn ra ngồi riêng ở một chỗ xa, tôi khai là giáo viên tiểu học ở Phú Túc, và có lẽ tên chính trị viên thấy cũng đáng tin sao đó, nên xé miếng giấy tập học trò, viết tên tôi, nghề nghiệp rồi thêm mấy chữ được phép về Sài Gòn, ký tên và chức vụ, rồi lấy con dấu trong cái túi da đóng bên dưới, xong xuôi, họ giữ lại mấy anh lính, cho một anh bộ đội dẫn tôi và số người còn lại ra khỏi khu rừng, chỉ hướng theo đường mòn mà đi. Bỏ SP đi, không chịu làm “ông giáo làng” rồi bây giờ nhận bừa là “ông giáo làng” nghĩ cũng nực cười, may mà kịp nhớ lại, nhờ ba chữ này mà tôi đã thoát được chuyện bắt giữ làm tù binh vì cứ bị nghi là “lính ngụy” khi ngang qua mấy chốt kiểm soát của quân Bắc việt, trên đường về Sài Gòn trong suốt hơn hai mươi mấy ngày đói khát tính từ giữa đêm bỏ Pleiku đi.

    Trời mưa lớn, cuối mùa ở đây, mưa xứ người, đông vẫn còn nấn ná lạnh ngoài sân trường, ngồi nhìn đám học trò yên lặng làm bài thi cuối năm trong phòng, nghe tiếng mưa bỗng dưng chợt nhớ người xưa bạn cũ, đám bạn khiêm nhượng học làm “thầy cô giáo” cùng lớp SPSG, da diết, vui ít buồn nhiều, lăn lóc mấy chục năm qua, hơn nửa đời người mà mỗi lần nhắc tới cứ nhớ.

Lời cuối gởi gió cho mây ngàn bay:
*Quan, Thưa, Quân, Trung, Thật, Đông, Luông,  Gòn, Hoàn, Sinh, Tân, Kim Loan, Phụng, Phụng trai, Thủy, Vy Thủy, Huệ, và những anh chị khác nữa, không nhớ tên dù cố nhớ... xin cám ơn các bạn đã cho tôi những kỷ niệm đẹp khó tìm của tháng ngày xa xưa đó.

*Riêng Chói, xin được xem như là một lời tạ lỗi muộn màng, người đã cho tôi rất nhiều dù không nhận lại được bao nhiêu nhưng vẫn không trách móc.

Phạm Nguyễn Định
Phố quê Colac mưa cuối đông 2017

 

 

 

 

   

No comments: