Monday, December 30, 2019

Màu Thời Gian - Thơ Xướng Họa Nhóm Vươn Thơ Mới



THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 37 / NHÓM VƯỜN THƠ MỚI

Chủ đề: Màu thời gian

 

 















Bài xướng:

THỜI GIAN CHỚ VỘI QUA MAU
 
Đẹp nhất đời ta thuở học trò,
Lòng như giấy trắng chẳng phiền lo.
Những khi bắt dế hòa sương sớm,
Nhiều lúc thả diều đón gió to.
Chào hạ, phượng hồng luôn sáng rỡ
Đón xuân, áo mới quá thơm tho
Nay già tựa lá thu phai nhạt,
Ước máy thời gian chậm chậm bò…

 
Minh Tâm
 
Họa 1:
         
TÓC ƠI ĐỪNG BẠC
 
Vừa chơi vừa học khó ra trò
Thi rớt_ Thôi rồi... Ai chẳng lo?
Đâu ngại tiêu hao làn khói mỏng
Miễn sao có được cái bằng to
Học tài cố gắng chưa thành đạt
Thi mạng kiên trì đâu để tho
Hoạn lộ chông chênh đầu trắng xóa
Giờ đây thiếu gậy phí công bò.

Nguyên Triêu Dương
*Tho:  nghĩa là thua ( tiếng Việt cổ)

Họa 2:
 
KỶ NIỆM THỜI THƠ
 
Vô tư cái thuở thich chơi trò
It học lười ăn chẳng biết lo
Rủ bạn nhảy dây phơi nắng nóng
Lội sình nghịch nước trốn mưa to
Theo cha thăm miệt vườn quê mẹ
Nhéo ruột vượt cầu đoạn Mỹ Tho
Chợt nhớ thời thơ bao kỷ niệm
Ngây ngô chân sáo nắm đuôi bò. . .

Kim Trân
 
Họa 3:
           

CHẠNH LÒNG
Thế sự thăng trầm khéo vẽ trò
Chạnh lòng lữ thứ phải âu lo
Thương người nhẹ dạ thân lầm lỡ
Xót kẻ mềm lòng tiếng nhỏ to
Sống kiếp đong đưa, mùa gió chướng

Về quê câu cắm, cá lò tho
Tỉnh ra mới biết đời hư ảo
Nhàn rỗi xem phim trận đấu bò.



Nguyễn Cang
 
Họa 4:
       
THỜI GIAN QUA MAU 
 
Ngây thơ thuở nhỏ thích bày trò 
Đùa giởn cả ngày chẳng thấy lo
Xuân đến tung tăn khoe áo mới 
Hè về rộn rả tiếng cười to
Làm thơ tạo ngữ đôi khi khó 
Ghép ý lựa lời hợp chữ tho
Tuổi trẻ qua nhanh chừ tiếc nuối 
Bây giờ chậm chạp rán mà bò .

 Hương Lệ Oanh 
  

 

 

Tản Mạn Cuối Năm - Trần Nhật Phong


Tản mạn cuối năm
 





Dù bận rộn chuẩn bị khai trương cửa tiệm, tối qua về tới nhà, tôi nhận được inbox của một người bạn trẻ (28 tuổi), đang sinh sống ở Hà Nội hỏi tôi rằng
“liệu sự thay đổi có làm cho Việt Nam tốt lên hay không? Hay thật sự sẽ tệ hơn tình hình hiện nay?”
Người bạn này bên cạnh câu hỏi đã kể cho tôi nghe rằng cha mẹ của cậu đã trải qua thời kỳ ném bom oanh tạc của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, cậu mô tả rằng cha mẹ cậu rất kinh hoàng với quá khứ chiến tranh, nên sợ thay đổi sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh khác.

Thật khó cho tôi khi phải viết một bài trả lời câu hỏi của người bạn trẻ này, vì câu trả lời này kể cả các bạn và tôi đều không có câu trả lời chính xác, tuy nhiên nếu nhìn về quá khứ, đối chiếu với những quốc gia xung quanh Việt Nam, có thể chúng ta sẽ có phần nào suy luận được kết quả của sự thay đổi.

Tôi nhớ khi còn bé (dường như mới 5 hay 6 tuổi), có một lần, bố tôi dẫn tôi ghé qua khu bưu chính ở Sài Gòn (nằm cạnh Nhà Thờ Đức Bà), khi đi ngang các kiot bán hàng bên ngoài khu bưu chính, tôi níu áo đòi bố tôi mua cho tôi một khẩu súng bằng nhựa, ông quay lại mua cho tôi, cùng lúc có một người ăn mày đang ngồi bên lề đường, ông móc ít tiền lẻ cho người ăn mày. Khi về đến nhà, bất chợt ông hỏi tôi, trong lúc tôi đang mân mê món đồ chơi mới ông vừa mua cho tôi,
“nếu một ngày nào đó, con giống như người ăn mày kia, đã nhiều ngày không có hột cơm vào bụng, bỗng nhiên có một người đi ngang làm rớt ví tiền, con nghĩ con sẽ trả lại ví tiền cho người đó, hay sẽ lượm ví tiền để qua cơn đói?”

Bất ngờ trước câu hỏi của ông, ở cái tuổi chả biết gì cả, nhưng còn lúc bé tôi là một đứa trẻ “láu cá”, lại đang để tâm vào cây súng nhựa ông vừa mua, làm gì biết trả lời, tôi nói với ông rằng
“bố cho con vài ngày, để con suy nghĩ rồi trả lời bố”, tuy nói vậy nhưng trong bụng tôi nghĩ sẽ kiếm mẹ tôi để tìm câu trả lời, không ngờ bố tôi xoa đầu tôi và mĩm cười
“bố cho con 20 năm để kiếm câu trả lời”.

Lúc đó tôi trố mắt nhìn bố tôi tưởng rằng ông đang nói chơi với tôi, nhưng thú thật cho đến ngày bố của tôi qua đời (2009) và đến nay, tôi vẫn chưa có một câu trả lời chính xác về câu hỏi của ông.

Những lúc tôi cực khổ ở trại tị nạn lúc vượt biển (trại Pulau Bidong), khi nằm giữa mùa bão tháng 10, vừa đói vừa rét, nghĩ đến câu hỏi của bố tôi, thời điểm đó tôi khẳng định rằng, tôi sẽ giữ lại ví tiền để qua cơn đói. Nhưng rồi khi định cư ở Hoa Kỳ, qua thời kỳ đầu khó khăn hội nhập, ổn định cuộc sống, thu nhập hàng tháng dư dả, khi nghĩ đến câu hỏi của ông, tôi lại có câu trả lời khác, lỡ như người đánh rớt ví tiền, trong đó là toàn bộ gia sản của người ta, và số tiền đó có thể là số tiền cứu mạng ai đó, nếu mình lấy đi thì có khác nào gián tiếp hại chết mạng người, tôi lại khẳng định là dù chết đói cũng trả ví tiền cho người làm rớt.

Và cả hai câu trả lời của những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời đã đeo đẳng tôi đến ngay hôm nay, tôi vẫn chưa có câu trả lời chung cuộc.
Kể câu chuyện này cho các bạn nghe, tôi muốn nói rằng, tư duy con người luôn thay đổi theo từng chu kỳ, theo từng bối cảnh sinh sống để thích ứng với xã hội, và thúc đẩy sự tiến bộ.

Việt Nam kể từ sau năm 1975, các bạn hỏi tôi có thay đổi hay không?

Câu trả lời của tôi là không, tất cả những cái mà các bạn nghĩ là thay đổi như những tòa cao ốc mọc lên, những đường xá được đắp thêm nhựa, những chiếc Iphone các bạn cầm trên tay, đó chỉ là sự chắp vá chứ không phải là thay đổi, hay nói một cách chính xác là những kẻ cầm quyền đang cố gắng xây nhà trên khối gỗ mục nát, có thể xập bất cứ giờ phút nào.

Các bạn có biết tại sao trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” hay không?

Và Sài Gòn từng là niềm mơ ước của Singapore, Hàn Quốc hay Thái Lan. Ngoài trừ những kiến trúc mà người dân miền Nam và người Pháp xây dựng ra, Sài Gòn còn mang hình ảnh của con người, kinh tế, văn hóa và nền giáo dục khiến những quốc gia đó mơ ước.
Con người ở Sài Gòn hội tụ những tinh túy của cả miền nam, mộc mạc, hiền hòa và hiếu khách.
Văn hóa ở Sài Gòn thời điểm 50,60 và giữa 70 được xem là phát triển rực rỡ, hàng ngàn nhạc phẩm, thi ca, văn chương sáng tác ở thời điểm đó, mãi đến bây giờ mọi người vẫn không ai quên, từ những nhạc phẩm trữ tình của Lam Phương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Ngô Thụy Miên, cho đến những tác phẩm văn học lừng danh của Nguyễn Thụy Long, Chu Tử, Duyên Anh. Và những đoàn trình diễn Cải Lương đêm nào cũng nghẹt rạp, đông khách như Thanh Minh Thanh Nga, Phụng Hảo, Kim Chung, Kim Chưởng.
Kinh tế của miền nam Việt Nam chủ lực nhờ vào nông sản, với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, sông nước miền nam sạch sẽ, cá lội tung tăng thò tay là bắt được cá, lúa vàng óng ả, môi trường sinh sống không bị ô nhiễm.
Còn nền giáo dục thì quả thật Sài Gòn chính là giấc mơ của Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan, các bạn cứ nhìn câu chuyện tôi kể ở trên là hiểu, bố tôi là người được đào tạo trong nền giáo dục của miền nam Việt Nam, cái triết lý mà ông dạy tôi qua câu chuyện tôi vừa kể, cho thấy nền giáo dục đó tốt đẹp như thế nào, chưa kể đến các ngôi trường ở Sài Gòn, những nữ sinh, nam sinh đều có những sinh hoạt mang tính hướng thiện, chứ không có những trò “bề hội đồng”, chữi thề hay hỗn láo với trưởng bối.
Tất cả những điều tôi kể trên đã làm nên một Sài Gòn hoa lệ, một Hòn Ngọc Viễn Đông đúng nghĩa, chứ không phải chỉ là những tòa kiến trúc làm nên một Sài Gòn, từng một thời là niềm mơ ước của Đài Bắc, của Seoul, của Bangkok hay của Singapore.

Và hơn 40 năm nay đảng Cộng Sản cầm quyền, các bạn đã thấy điều gì thay đổi?

Hoàn toàn không có, mà chỉ chắp vá dựa trên hạ tầng cơ sở của Sài Gòn cũ, giáo dục thì bế tắc, con người trở nên nhiều cái ác hơn cái thiện, văn hóa thì hoa hòe, 40 năm qua có được những sáng tác văn học nào ra hồn, ngoại trừ những thứ ca ngợi, tô hồng cho chủ nghĩa cộng sản. Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm khắp nơi.
Nói lịch sự là Việt Nam cần thay đổi, nhưng nói một cách trực tiếp thì Việt Nam cần môi trường xã hội hoàn toàn khác với hiện nay, nếu không nói là đối lập với những kẻ cầm quyền hiện nay, chỉ có xóa bỏ hoàn toàn, để xây dựng lại, Việt Nam không còn giải pháp nào khác là đào thãi cái đảng cầm quyền hiện tại.

Bạn hỏi tôi thay đổi có mang đến chiến tranh hay không?
Tôi hỏi lại các bạn ai sẽ gây chiến tranh?
Từ quá khứ các bạn đã biết rõ ai là kẻ gây chiến, ai là kẻ dành quyền quản lý miền nam của chúng tôi, đảng cộng sản có nhiều “thế lực thù địch”, vì những điều tàn ác mà họ đã gây ra với người dân miền nam Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam và người dân miền nam thì hoàn toàn không có “thù địch” với ai cả. Do đó các bạn hiểu rõ, nếu thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam thì kẻ gây ra chiến tranh là ai.

Vậy đi nhé các bạn trẻ thân mến, cuối năm tản mạn với các bạn những điều mà các bạn chưa hề biết, vì nó không nằm trong hệ thống giáo dục của đảng cộng sản, đơn giản là vì những điều tôi vừa nói với các bạn, mang tính nhân văn của người miền nam Việt Nam, sự nhân vân hoàn toàn không có trong chủ thuyết của đảng cộng sản.

Trần Nhật Phong
304Đen – Llttm -YD

Những Ký Ức Sài Gòn - Từ Kế Tường


Những ký ức Sài Gòn
 
 
 
 

 

Sài Gòn bây giờ náo nhiệt, thay đổi nhiều, phố xá sang trọng, kiểu cách nổi bật lên ở khu trung tâm Q.1, nhất là các đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Mỗi ngày tôi thường qua đây, nhưng vẫn không quên được góc phố cũ khu Lê Thánh Tôn – Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) với quán cà phê Chùa (La Pagode). Xích xuống phía dưới, trước nhà hát thành phố, đối diện khách sạn Continental là cà phê Givral và rạp xi nê Eden, còn bên kia đường Nguyễn Huệ là rạp Rex.

Hồi trước, những ngày cuối năm khu vực đó thật rộn ràng, nam thanh nữ tú đưa nhau đi bát phố, vào thương xá mua quà tặng, ngồi cà phê nhìn chiều xuống chậm, đợi đèn đường bật lên sáng bừng hàng me xanh, sau đó dẫn người yêu vào rạp coi phim. Những bộ phim chọn lọc, nhớ đời. Bây giờ thú rong chơi cuối năm ấy đâu còn nữa, những quán cà phê, rạp chiếu phim ấy đã mất dấu, chỉ còn hiện ra trong hồi tưởng cuối năm thôi.

Xa hơn một chút, góc Pasteur – Lê Lợi có rạp xi nê Casino Sài Gòn, một rạp hạng B nhưng bọn trẻ yêu nhau rất thích, thường ngồi ở cánh gà A hoặc B trên lầu khá tình tứ, lãng mạn. Bây giờ rạp này mất tăm, chỗ ấy người ta đang xây dựng công trình gì đó rất hoành tráng. Tôi nhớ nhất (và nhiều người cùng thời với tôi chắc cũng vậy) con hẻm sát bên rạp Casino dẫn vào khu ăn uống với đủ các món 3 miền. Thanh niên nam nữ đi từng nhóm, các cặp tình nhân thường vào đây. Bún chả, bánh tôm, phở… thứ gì cũng có, giá cả phù hợp túi tiền học sinh, sinh viên. Tôi có quá nhiều kỷ niệm về con hẻm này. Một thời đã qua, tái hiện như giấc mơ. Thoáng chốc đã là quá khứ, đã là ngày xưa… Ai còn ai mất, ai vẫn ở Sài Gòn, ai xa cách mấy phương trời còn ngồi nhớ?

 

Người ở Sài Gòn trước đây hầu như ai cũng biết 3 thương xá lớn nằm ngay trung tâm Q.1, cũng có nghĩa trung tâm Sài Gòn: Thương xá Eden góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, ngoài những quầy bán mặt hàng tiêu dùng sang trọng còn có cả rạp chiếu phim Eden, ngày đó là một trong những rạp chiếu phim bậc nhất của Sài Gòn. Ngoài mặt tiền Eden, ngay góc đường là quán cà phê sang trọng, nổi tiếng theo phong cách Pháp, nơi báo giới đến nắm bắt tin tức, quán Givral. Thương xá Eden, rạp chiếu phim Eden và quán cà phê Givral nay cũng đã biến mất.

Ở góc Nguyễn Huệ – Lê Lợi, ngay vòng xoay hồ nước là thương xá Tax. Khu thương xá này rộng lớn, bán nhiều mặt hàng tiêu dùng: kim khí điện máy, vải vóc, vàng… Ở khu tứ giác Lê Lợi – Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Trương Công Định – Lê Thánh Tôn là thương xá Cystal Palace, cao mấy tầng lầu. Ở tầng 1 tôi còn nhớ có quầy nhạc Phạm Mạnh Cương, quầy sách Tuổi Ngọc của Duyên Anh, dưới trệt là quầy nhạc Minh Phát, bên kia là quán cà phê Kim Sơn, nhà hàng Thanh Thế nổi tiếng vì giới văn nghệ sĩ thường la cà ở đó. Đặc biệt ngay góc Lê Lợi – Trương Định có quầy sách báo rất hoành tráng của cô Nga, đám văn nghệ sĩ thường gọi là Nga ốm, vì cô nhỏ con, rất gầy và… móm. Nhưng cô chủ quầy thật dễ thương, sẵn sàng cho mấy anh nhà thơ nhà văn nghèo tới đọc cọp sách báo, thậm chí cho mượn tiền uống cà phê mà ít đòi. Người thường xuyên có mặt ở đây là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn.

Bây giờ hầu như tất cả chỉ còn trong trí nhớ.

Từ Kế Tường

304Đen – llttm - dsg

 

Cô Bạc - Tạo Ân


Cô Bạc
 
 
 

Cô Bạc là người giúp việc cho gia đình tôi. Cái tên bạc chả có gì gắn liền với tiền bạc. Có lẽ bạc như vôi thì đúng hơn. Từ lúc có trí khôn tôi đã thấy cô không được may mắn. Cô là một thành viên của gia đình, gồm bố mẹ, tôi, và Bé Ti. Nghe nói ông nội nhân một một chuyến đi xa, đem về một cô gái nhỏ giúp việc cho bà nội. Khi ông bà mất, bố tôi nghiễm nhiên thừa hưởng gia tài gồm căn nhà và cả cô Bạc.

Công việc mỗi ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, pha trà, pha nước rửa mặt, nấu ăn sáng, giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn trưa chiều, dọn dẹp, đút ăn cho Bé Ti, tắm rửa cho hai anh em chúng tôi… Bằng ấy công việc cô làm quần quật như một cái máy, không than van, hêt năm này qua năm khác.

Một hôm bé Ti ốm không ăn được cơm. Cô năn nỉ mãi cũng chẳng được. Cô đành cho bé Ti uống thuốc rôi đi ngủ. Bố mẹ tối hôm ấy biết đươc. Bố lấy roi quất túi bụi vào cô, chửi cô lười biếng. Lần đầu trong đời tôi hiểu được thế nào là bất công. Có cái gì đó không đúng. Mẹ đứng bên chửi hùa:

– Dạy cho Cô biết. Nhà này không có cơm cho kẻ lười chảy mỡ như cô ăn rồi nằm. Ăn thì phải làm. Lần tới đuổi ra khỏi nhà.

Nghe tới đuổi cô sợ lắm. Hai tay vẫn còn che đầu.

– Cậu mợ đừng đuổi con. Con biết lỗi rồi.

Ngày hôm sau tôi hỏi cô:

– Cô Bạc còn đau không?

– Vậy Cu Tí bị đòn có đau không?

– Lúc ấy thì đau, nhưng Mẹ bôi dầu cù là thì hôm sau hết đau.

Tôi xòe tay đưa cô xem hộp dầu cù là con cọp bé bằng ngón tay cái. Tôi bảo cô kéo áo lưng lên tôi bôi cho. Những vết roi còn bầm tím. Khi bàn tay tôi đụng vào tấm lưng gầy guộc, nhìn thấy rõ xương, cô rùng mình. Có lẽ lần đầu cô được người khác chăm sóc, ánh mắt cô nhìn vào khoảng không. Cô ôm tôi vào lòng thật lâu.

Cô không ăn cơm chung với gia đình. Chúng tôi ăn trước, cô dọn dẹp rồi ăn sau ở nhà bếp. Thường là những gì còn thừa mới tới lần cô. Có lần tôi bắt gặp cô lén lút mút miếng xương cá chúng tôi ăn xong vất đi, hay nhặt những hạt cơm còn dính đáy nồi, bỏ nhanh vào miệng như sợ mẹ tôi bắt gặp.

***

Mấy hôm nay trời trở lạnh. Nhìn cô mặc cái áo cũ sờn mòng manh tôi thương hại. Tôi về phòng lấy cái áo thun cũ bảo cô mặc bên trong rồi tròng cái áo bên ngoài cho đỡ lạnh. Cô cảm động lắm. Quần áo của cô là đồ cũ của Mẹ để lại. Mẹ to và cao hơn cô cả cái đầu cho nên cô mặc vào trông luộm thuộm buồn cười. Có lần tôi nói đùa: “Cô Bạc mặc quần này đi tới đi lui khỏi quét nhà.” Khi thấy tôi để ý, cô tự ý sửa lại cho vừa vặn; nhưng nhìn kỹ hơn tôi vẫn thấy có cái gì đó không ăn khớp lắm. Cái áo lòe loẹt đi với cái quần bạc thếch. Trông cô như thằng hề.

Có một lần duy nhất tôi thấy cô mặc áo mới. Đó là ngày tết. Cô cột tóc cao, khuôn mặt cô tươi hơn thường ngày. Lần đầu tiên tôi thấy cô đẹp. Mẹ bảo năm nay bố được lên chức và tăng lương, mình sẽ ăn tết lớn hơn mọi năm. Mẹ may áo mới cho cả nhà. Cô cám ơn Mẹ ríu rít. Bữa cơm hôm đó bố uống mấy cốc rượu vang. Bố nhìn cô Bạc nhiều hơn với ánh mắt khác thường. Tất cả không qua mắt được Mẹ. Ngay tối hôm đó tôi nghe Mẹ nói với Cô ở sau bếp: “Từ nay trở đi cô không được lên nhà trên khi có Cậu ở nhà. Cái áo đó cô không được mặc trong nhà này.” Cô cúi gầm mặt xuống và chấp nhận số phận. Từ đó cô ở hẳn dưới bếp, cũng là chổ ngủ của cô.

Một buổi trưa lúc cô đang dỗ bé Ti ngủ. Cô hát vu vơ gì đó với âm điệu lạ tai. Tôi tò mò:

– Quê Cô ở đâu?

Đôi mắt cô buồn rầu:

– Không biết. Xa lắm. Tây nó đốt nhà. Tía má chết hết. Cô còn nhỏ đi ăn xin. Ông nội gặp ngoài chợ mang về nuôi.

Có gì đó kinh khủng lắm, cô sợ hãi khi nhắc lại quá khứ. Tôi hỏi thêm:

– Cô thích gì nhất?

– Ở đây không có. Cô nhớ Tía Má.

Cô lại giải thích thêm “Tía Má” là bố mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng tôi biết an ủi cô:

– Bố mẹ cô, Cu Tí không biết làm sao để mang về được. Thế cô thích ăn gì? Cu Tí mua cho.

Mắt cô trở nên mơ màng: “Cu Tí không mua được đâu. Môi năm đến mùa cá linh, cá nhiều lắm. Tía má mang từng rổ to về nhà. Cứ một lớp cá, một lớp muối, một lớp thính, bỏ vào lu. Một hai tuần mang ra, ăn kèm khế chua, chuối chát. Ôi ăn hoài không thấy no.”

***

Năm đệ lục tôi phải chia tay với gia đình lên tỉnh học. Ngày chia tay Cô Bạc theo mẹ tiễn tôi ra bến tàu. Cô im lặng trong cái im lặng thường có hằng ngày. Cô không nhìn thẳng vào tôi, nói rất khẽ bên tai “Cu Tí đi xa cẩn thận. Tết về chơi.” Khi tàu chạy, tôi ngoái lại, mẹ cao to đứng vẫy tay bên cạnh một thân hình gày guộc mờ trong bụi đường.

Tuổi trẻ hời hợt. Tôi quên bẵng đi cô Bạc. Tôi quên hẳn cả cái hương vị cay cay ngọt ngọt trong các món ăn cô thường nấu. Và tôi quên hẳn câu chuyện về món mắm cá linh. Năm đầu tiên tôi còn về ăn Tết. Tuy chỉ có một năm xa cách, Cô già hẳn đi. Tóc cô lốm đốm bạc trong khi mẹ tôi tóc còn đen nhánh. Thỉnh thoảng cô hung hắng ho. Trong tiếng ho báo điềm không lành.

Nhờ có bằng tú tài, tôi kiếm được việc làm và ở luôn ở tỉnh. Bố mẹ dạo này cãi nhau nhiều hơn. Mẹ viết thư cho tôi kể tội Bố có thêm tật hư là đánh bạc. Bố thua to đến độ cầm nhà. Em gái tôi lấy chồng, tôi cũng chẳng về. Mẹ viết thư kể lể khóc lóc “Con phải vay cho mẹ một số tiền lớn, không thì mất nhà!” Bất đắc dĩ tôi phải cầm một món tiền lớn về đưa cho mẹ trả nợ. Khi tôi về bố không có nhà. Mẹ sau khi cầm tiền đi mất hút. Tôi nghe có tiếng ho sau bếp. Cô Bạc giờ teo lại như con cá khô. Khi không có mẹ ở bên, tôi dúi cho cô mấy đồng bạc. Cô cảm động lắm. Tôi nói khẽ: “Cu Tí đi đây. Kỳ này chắc không về nữa.” Cô nhìn tôi thật lâu. Có lẽ cô nhớ lại Tía Má cô lúc chia tay.

Từ đó tôi bỏ nhà đi thật xa. Cố quên đi cô Bạc. Cố quên đi căn nhà xưa. Quên luôn cả cái bếp, bên cạnh đó có cái gường ọp ẹp, có thân hình gầy guộc của một người đàn bà. Khuôn mặt cô Bạc hầu như không còn rõ, chỉ còn lại tiếng ho yếu ớt.

Một hôm có người bạn rủ tôi về quê chơi. Quê anh ở Châu Đốc. Cũng vào mùa cá linh. Trên bàn vỏn vẹn chỉ có đĩa mắm cá linh, một đĩa khế chua và dưa leo cắt lát. Con cá còn dính màu vàng thính. Tôi gắp thử một con, mắm còn mới nhưng đã có mùi thơm đặc biệt. Ăn kèm với khế chua và dưa leo, tôi lùa một lúc bốn bát cơm. Tuy là lần đầu thực sự ăn món này, nhưng cái cảm giác quen thuộc kéo tôi trở lại câu chuyện cô kể xa xưa. Nhìn qua cửa sổ. Mặt trời xuống thật nhanh. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày gợi tôi chợt nhớ về cô Bạc, nhớ ánh mắt mơ màng của cô khi nói về mắm cá linh. Bàn tay gầy guộc mỗi lần vuốt tóc tôi. Những lần cô ôm tôi thật chặt trong nước mắt. Không biết cô giờ này ra sao?

 

Tạo Ân
Dec 25, 2019

304Đen – llttm - BCT

 

Sai Một Ly Có Đy Một Dặm? - Không đề tên tác giả


Sai một ly, có đy một dặm?



 
Không ạ, tựa của bài viết này tôi không nhầm một chút nào. Chỉ là làm một thử nghiệm nho nhỏ thế thôi. Xem có ai cảm thấy khó chịu không í mà. Và, có đúng là các bạn đều cảm thấy hơi khó chịu một chút, đúng không? Nhưng mà, tôi làm cái thý nghiệm ấy để làm gỳ ấy nhỷ? :-)

Ừ thì số là trong entry mà tôi mới post lên sáng nay, có 2 bản dịch bài hát Stardust của bạn bè. Một bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người kia thì sinh sống ở miền Nam trước năm 75, giống tôi.

Sống ở hai miền khác nhau, hồi nhỏ đi học với những chương trình khác nhau, thì thói quen, suy nghĩ, ăn mặc, lời ăn tiếng nói khác nhau cũng là bình thường. Cái khác giữa người miền Bắc và người miền Nam về ngôn ngữ nói thì rất rõ ràng rồi, ai cũng biết. Nhưng ngay cả trong chính tả - tức là cách ghi âm lại những từ ngữ - thì cũng có những chỗ khác biệt. Một trong cái khác biệt ấy là trong cách viết i - y đấy các bạn ạ.

Thực ra thì tôi cũng không để ý lắm đâu. Mắt tôi nhìn quen cả hai cách rồi. Cũng phải thôi, tôi sống ở miền Nam dưới thời VNCH đến năm 1975 thì được 15 tuổi. Học được 9 năm học đầu tiên dưới thời VNCH. Sau đó thì học tiếp 3 năm cấp 3 và 4 năm đại học (= 7 năm) dưới mái trường XHCN, tức là một thời gian gần tương đương với trước đó. Rồi sau đó là mấy chục năm sống dưới chế độ mới này. Nên cách viết theo chuẩn mực miền Bắc tôi còn nhìn quen hơn nhiều chứ, vì được nhìn thấy nhiều hơn mà. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thói quen viết chính tả theo kiểu miền Nam.

À, phải giải thích chút về 2 từ Bắc, Nam mà tôi dùng trong đoạn trên. Tôi tạm gọi như thế cho dễ thôi ạ, chứ tôi không có ý định phân biệt Bắc Nam gì đâu. Mà phân biệt sao được cơ chứ khi tôi sinh ra lớn lên ở miền Nam nhưng cha mẹ là người miền Bắc, gia đình còn giữ nguyên văn hóa Bắc, rồi lấy chồng cũng là người có gốc gác y chang như tôi, nên gia đình nhỏ của tôi bây giờ vẫn còn giữ kha khá văn hóa Bắc. Mặc dù con cái phát âm đã gần gần như giọng Nam rồi - well, giọng Sài Gòn ạ, hãnh diện lắm chứ - nhưng vẫn còn nhiều chỗ có thể khiến cho người ta nhận ra mình là gốc Bắc lắm, ví dụ như gọi là "bố" chứ không gọi là "ba" như người miền Nam.

Nói một cách ngắn gọn, tôi tự hào là mặc dù tôi và ông xã, chứ đừng nói đến các con, đều sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng mình vẫn cứ còn giữ được khá nhiều nét văn hóa Bắc, để có thể khoe với mọi người mình là "Bắc rặt" (well, "Bắc rặc" vì người miền Nam không đọc được âm 't' ở cuối âm tiết mà luôn đổi sang thành 'k'). Chỉ có điều, có một lần khi còn ở Úc, đến chơi nhà một anh bạn (bạn nhưng mà lớn hơn tôi đến 15 tuổi) Việt kiều, cũng gốc Bắc di cư, khi được hỏi tôi quê ở đâu tôi đã xưng quê quán ra và khoe tôi là "người Bắc rặt, còn giữ văn hóa y chang người miền Bắc" thì tôi được chủ nhà cười ầm lên mà bảo: Đã khoe là người Bắc, nhưng là "Bắc rặc", mà lại còn "y chang" nữa chứ, thì lòi chuôi ra mất rồi, Bắc đâu mà Bắc, người Bắc chẳng ai dùng mấy từ ấy cả! Ôi, quê ơi là quê!

Lan man dài dòng rồi, xin trở lại chuyện "sai một ly". Tất nhiên là tôi đang cố tình viết sai ạ, lẽ ra phải là 'sai một li'. Tất nhiên cũng có "ly", và li hay ly gì thì cũng đọc giống nhau thôi, nhưng rõ ràng là chúng có khác nhau về nghĩa. Một li tức là một chút xíu, một mili (như trong milimét), dịch sang tiếng Anh là a bit hoặc a tiny bit; còn một ly thì là một cái cốc uống nước bằng thủy tinh, cao, không có quai, dịch sang tiếng Anh là a glass đấy ạ. Ly cũng còn dùng trong những từ ghép như chia ly, ly biệt, ly dị, ly thân vv nữa. Tại sao lại thế thì không biết, mà có lẽ cũng không cần biết, vì ... ngôn ngữ có tính quy ước mà lại! (Hì hì, khoe một chút lý thuyết ngôn ngữ mà!)

Well, đấy là tôi đang nói theo chuẩn mực mà tôi đã được học từ lâu lắm, đã trở thành thói quen mất rồi, viết ra từ nào i từ nào y là do quen tay thôi, không cần suy nghĩ gì cả. Nhưng ở miền Bắc thì hình như có chuẩn mực khác thì phải. Từ sau năm 75 tôi bắt đầu làm quen với cách viết 'li' cho cả hai nghĩa nói trên. Ví dụ như 'li nước', như thế này:
https://www.google.com/search?q=%22l...w=1366&bih=618.
Hay chia li, li biệt, li dị vv.


Quả thực là ban đầu khi nhìn thấy mấy từ ấy thì tôi dị ứng lắm, khó chịu lạ, có cảm giác chỉ "muốn tới ăn gan/ muốn ra cắn cổ" cái người có cách viết đó mà thôi (à không, tôi đùa chút thôi ạ, ai mà dám làm thế, đi tù mọt gông chứ chả chơi!) Nhưng dần dần thì tôi quen mắt, và chấp nhận, vì nó cũng chỉ là thói quen, đọc lên thì dù có viết li hay là ly thì vẫn thế, mà nghĩa thì hoàn toàn có thể đoán ra được trong ngữ cảnh, có bao giờ bị nhầm lẫn gì đâu. Chỉ có điều quen mắt thì quen, nhưng tôi cũng không đổi thói quen cũ của mình, thành ra đối với tôi thì những từ đó có 2 cách viết, li cũng được mà ly cũng chẳng sao. Chuẩn Nam chuẩn Bắc gì cũng sống đề huề hết, thì "Việt Nam ta thống nhất rồi, Việt Nam ta độc lập rồi", còn gì nữa!

Tưởng mọi việc đến đấy là ổn rồi, nhưng hóa ra vẫn chưa ổn! Cách đây vài năm khi còn làm tại ĐHQG-HCM, tôi có ra một tờ bản tin giáo dục (nay vẫn còn được tiếp tục), và thỉnh thoảng có nhận bài viết của các tác giả bên ngoài, hoặc nhờ những tác giả bên ngoài đọc và góp ý cho một vài bài viết. Và có một lần tôi bị một vị khách như thế bắt bẻ về i, y; đại khái là tôi không được dùng ly mà phải dùng li, li ti rồi chia li rồi li thân gì cũng là li hết. Cậu ấy còn trích từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục (hình như thế) ra để chứng minh cho sự đúng đắn của mình. Tôi nhớ tôi đã trả lời rằng có sự khác biệt giữa hai miền và tôi cho rằng dùng cách nào cũng được miễn là nhất quán, chứ đừng ba hồi dùng 'ly' rồi bốn hồi lại dùng 'li'!
Nhưng cậu ấy vẫn không chịu, và khi tôi đưa những trang tôi tìm trên google có cách viết của tôi (chia ly, biệt ly, ly thân ...) thì cậu ấy lại còn phán cho một câu xanh rờn rằng:
"Không được dùng google để làm chuẩn, vì nó chả có chuẩn mực gì cả!" Thế là tôi đành lắc đầu, bó tay và ... thua nuôn! (hi hi, nói ngọng chút cho khôi hài í mà).

Chuyện cũng đã cũ, nên tôi cũng lại tưởng rằng mọi việc tranh cãi tới đây là chấm dứt. Nhưng không ngờ đến hôm nay, khi tôi đăng bài thơ của người bạn ở Hà Nội lên blog thì tôi lại nhận được một vài comment cho biết sự hơi khó chịu về mấy cái i-y kia. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm, vì nhớ lại cái cảm giác khó chịu của mình khi mới nhìn thấy mấy cái từ ... kì cục ấy (hy hy, í tôi muốn nói là "kỳ cục"). Nhưng mặt khác tôi cũng thấy, thực ra cách dùng i, y thời trước năm 75 cũng không phải là đã hoàn toàn logic (à mà từ logic này trước năm 75 không dùng nhé, chắc là dùng từ 'hợp lí' - ý quên hợp lý nhỷ?)

Vậy, có cách nào viết cho hợp lí, well, hợp lý - hơn không? Nói cách khác, chọn lựa i - y có qui luật ý quên quy luật gỳ không nhỷ? Thử nghĩ xem nào? Hình như có ai đấy bảo rằng dùng 'y' thì mặt chữ trông đẹp hơn là 'i', vì 'i' nhỏ bé quá, ngắn cụt, xấu xí. Và nó thường dùng với từ gốc Hán (từ Hán Việt), chẳng hạn 'biệt ly". Còn 'i' thỳ dùng với những từ thuần Việt, hoặc những từ nào có nghĩa nhỏ bé, li ti, bé tí, nói lí nhí .... Xem nào, thế từ cu li - well, cu ly? - thì sao nhỉ, viết i hay là y nào, mà dựa trên luật nào mới được chứ?

Uy chu choa, tôy bắt đầu cảm thấi đau đầu rồy đấi các bạn ạ. Có bạn nào chỷ cho tôy bý quiết sử dụng 'i' và 'y', tôi sẽ đội ơn lắm lắm! (just kidding)

Khuyến mãi: Gửi cho các bạn link này, bàn về quy luật sử dụng i và y này. Khá hợp lý đấy ạ.

http://khoahocviet.info/site/index.p...tieng-viet-i-y
-----------
Cập nhật sáng ngày 10/7

Entry tôi viết hồi đêm không ngờ được nhiều người đọc và hưởng ứng đến thế; sáng ra đã thấy có đến 5 cái comments và mấy trăm người đọc, hurrah! Thực ra tôi biết là có những quy định chứ, nhưng rồi quy định lại cũng thay đổi, thì ngôn ngữ là phản ánh cuộc sống, phản ánh quan niệm con người, nên quan điểm con người thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi thôi.

Riêng tôi thì tôi thấy có một cuộc cách mạng đường vòng như thế này:

- Mới đầu cả hai miền đều viết giống như miền Nam thì phải, sau đó ở miền Bắc, lúc đất nước đã chia đôi, thì có một cuộc "cách mạng" nhất thể hóa, i nào cũng là y (!) cho nên đưa mọi thứ về "i" hết, trừ trường hợp có khác biệt về ngữ âm như thúi và thúy, tai và tay.

- Sau đó, khi đất nước mới thống nhất thì với tư cách là bên thắng cuộc, tất nhiên thói quen của bên thắng cuộc sẽ trở thành quy định hoặc chuẩn mực, còn thói quen của bên thua cuộc thì bị mất dần nhưng cũng khó mà mất hẳn (thì thói quen mà, dễ gì thay đổi).

- Rồi một thời gian lại có những con người thuộc bên thắng cuộc nhận ra cái vô lý của sự cải cách (nhất thể hóa mọi i, y thành "i" hết) nên ta lại có một cuộc cách mạng ngược lại, trở về với cái thói quen cũ. Thành ra ... ha ha ha, những người như tôi đã phải bỏ cả cuộc đời của mình ra để learn, unlearn rồi lại relearn mấy cái quy luật linh tinh (hay là lynh tynh nhỷ?) này, haizzz...


Cập nhật 2: Có một số bạn đọc nói chưa thấy ai quy định bao giờ. Vậy đây là thông tin: Có một quyết định do Bộ Giáo dục ký năm 1984 (chưa có quyết định nào mới hơn thì phải), người ký lúc ấy là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, số hiệu quyết định là QĐ/240. Có thể tìm trên mạng, hoặc nếu không thì vào đây ạ:

http://violet.vn/huusaudv/present/sh...try_id/6050364


Cập nhật 3: Tôi mới tìm được bài viết này của Đoàn Xuân Kiên (ĐXK) về vấn đề này, khá đáng đọc, trong đó có lập luận rằng i hay y chẳng phải là Bắc hay Nam gì mà cả 2 miền đều có những người muốn cải cách chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn. Ở miền Nam cũng có phong trào tương tự mà; cái này thì tôi có thể xác nhận vì hồi đó có tác giả Nguyễn Ngu Ý tự viết tên mình từ thành Nguiễn Ngu Í và cổ vũ cách viết giống chuẩn bây giờ tức là i ngắn y dài gì cũng là y hết, như tôi đã nêu ở trên. Bài ấy đây:
http://www.voviphatphap.org/vn/pdf/ThemIvaY.pdf.

Tác giả ĐXK hình như hải ngoại, và bài viết từ năm 1988 nhé. Tuy nhiên phải nói thêm là hồi ấy cách viết như NNY chỉ mới là một phong trào cá nhân rất nhỏ bé và chưa phổ biến, riêng tôi thì thấy thầy cô, gia đình mình nhìn cách viết ấy như là nghịch ngợm mà thôi, không chính thống. Phải đến sau năm 1975 thì mới có cách viết y thay i phổ biến, có cả quy định hẳn hoi như tôi đã nêu ở Cập nhật 2 trên đầu bài viết này.

Nhưng mấy năm gần đây thì hình như lại có phong trào trở về kiểu viết cũ, như có thể thấy trong bài viết năm 2010 từ ĐH KHXH-NV của Hà Nội của tác giả Đào Tiến Thi mà tôi thấy rất thuyết phục, ai quan tâm thì đọc ở đây nhé:
http://ussh.vnu.edu.vn/van-de-phan-b...-va-y-dai/2070.
Tóm lại, tôi cho rằng nỗ lực "chuẩn hóa" chính tả tiếng Việt là mong muốn của một số nhà khoa học của cả 2 miền chứ không riêng gì miền Bắc hay miền Nam, nhưng đưa ra thành quy định luật lệ thì sau năm 1975 mới thấy có. Đó là lý do tại sao tôi và nhiều người khác cho rằng cách viết đó là từ miền Bắc du nhập vào!


Không đề tên tác giả
304Đen – llttm  - yd

Friday, December 27, 2019

Giới Thiệu Sách Mới In - Nguyễn Cang


Giới thiệu sách mới in

Nguyễn Cang viết lời giới thiệu
 
 
 

 

Kính gởi quý độc giả ,

Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc nhà giáo kiêm nhà văn Hồ Thị Đậm mới vừa cho ra mắt quyển “Học tiếng Việt II”, dày 282  trang, biên soạn công phu,   giá trị,  phụ huynh cần có trong tủ sách gia đình dành cho con cháu muốn học tiếng Việt để duy trì nguồn gốc Lạc Việt ở hải ngoại cũng như trong nước.

Sau khi cho ra mắt sách “Học tiếng Việt I”, tác giả  đựơc nhiều người ủng hộ, khuyến khích, nay cho ra tiếp quyển thứ nhì nhằm bổ sung kiến thức ban đầu: tách vần, ráp vần rồi đọc bản văn tiếng Việt thông thạo trong thời gian ngắn nhất,  do tác giả có  kinh nghiệm lâu năm trong nghề dạy học nên đã  biên soạn cẩn thận  từ tài liệu giáo khoa của chương trình cải cách giáo dục, ráp vần theo phương pháp hỗn hợp do Bộ quốc gia giáo dục cho ra vào năm 1969, thí điểm áp dụng đầu tiên tại trường Sư Phạm Thực Hành Sài Gòn trước 1975 .  Phương pháp nầy rất hay, thầy cô giáo chỉ cần dạy các em những vần đơn giản như: ai oi, ip, om, am.....rồi  dạy các em phân tách chữ và các hoà âm, là các em đọc được tẫt cả  chữ Việt, không cần dạy 40 vần vừa khó đọc, vừa khó nhớ,như: oai, oac, oem, uych, uyên....

        Sang quyển 2 là những kiến thức nâng cao, biên soạn công phu dễ hiểu, giúp học sinh đọc và hiểu những tác phẩm văn học giá trị của tiền nhân để lại, bằng cách phân tích, giải nghĩa từ ngữ khó, phân biệt những từ ngữ đồng âm khác nghĩa  v.v. ngoài ra còn phiên dịch ra Anh ngữ để học sinh hải ngoại dễ tiếp thu, soạn thêm phần thi ca,  đó là những nét đặc sắc của soạn giả mà tôi không thấy ai làm ở hải ngoại. Có thể nói quyển nầy và những quyển đã xuất bản trước, là một bộ sách được biên soạn rất công phu,  khó tìm thấy ! Thật hay và hiệu quả !  Đề tài khảo sát là những bài  ngụ ngôn có ý nghĩa, hay, lạ, chọn lọc trích từ những tác phẩm danh tiếng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, của tác giả ngoại quốc (như bài The milk woman and her pail: cô bán sữa và cái xô, The frog and the ox: con ếch và con bò v.v. ). Còn thơ thì có những bài trích từ Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), những bài thơ của Nguyển Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân  Hương, Hồ Nam ( Lý Trường Đức), Truyện Kiều ( Nguyễn Du) v.v.   Đặc biệt có phụ bản nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du được tác giả chú thích tù ngữ khó, thành ngữ điển tích, phân đoạn rất tiện theo dõi tìm hiểu cặn kẻ nội dung cốt truyện, môt áng văn hay còn truyền tụng cho tới ngày nay.

Xin trích dẫn một bài khảo sát của tác giả để hiểu rõ nội dung cuốn sách mà tác giả muốn truyền đạt cho học sinh. Lấy ví dụ bài tập đọc số 1 : Cha tôi ( của Hà mai Anh) . Không chép ra đây, mời xem trong sách.  Sau khi đọc xong bài , thì có những câu hỏi gợi ý như sau:

I . Giải nghĩa ( Explain):

Vô lễ: thiếu lễ phép (impolite)

Tưởng tượng: to think

Đối xử: to behave

Thề: to swear, to take an oath

v.v.------

II. Câu hỏi ( Question)

1. Enrico trả lời với cha nó thế nào? (How did Enrico respond to his father?)

2. Tại sao cha nó phải mắng nó? ( Why did his father scold him?)

3.-----------

-----------

III.  Đại ý (General idea)

Vì muốn con trở thành người tốt cha mẹ mới la rầy con cái. Ta phải vâng lời không được vô lễ với cha mẹ.( Parents want their children become good people, they have to reprimand their children when they did something wrong. We must love and respect our parents) .

III. Phân biệt ( Discriminate between):

Mắng: mắng chửi ( scold and curse), mắng nhiếc ( vituperate), mắng như tát nước (soudly reprimand), viết có "g".

Mắn: may mắn (good luck): viết không "g".

Trăng: trối trăng (leave a will),  trăng (moon): viết có "g".

Trăn: con trăn (boa snake), trăn trở ( toss and turn): viết không có "g".

IV. Bản dịch tiếng Anh My Father ( Cha tôi). Không chép ra đây, mời xem trong sách.

Nhận xét bài soạn của tác giả:

Phải công nhận tác giả biên soạn rất đầy đủ, công phu, dễ hiểu, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh đí song song rất tiện cho học sinh đọc sách mà cũng tiện cho phụ huynh muốn dạy con em mình. Từ ngữ không những được giải nghĩa rành mạch mà còn phân biệt ngữ nghĩa  của những từ có âm  giống mà nghĩa khác hẳn,  điều nầy khiến học sinh mau nhập tâm, thấu hiểu một cách sâu sắc từ ngữ tiếng Việt. Tác giả còn dịch nguyên bài văn sang tiếng Anh để trẻ chưa rành tiếng Việt có thể đọc bản tiếng Anh, gây hứng thú học thêm tiếng Việt, còn học sinh trong nước cũng có thể sử dụng sách để trau dồi thêm sinh ngữ, thật tiện lợi vô cùng! Tôi hết lòng ca ngợi việc làm của tác giả, người đã có quá trình kinh ngiệm dạy học hơn 20 năm ở trong nước và 10 năm ở hải ngoại, nay tuổi xế chiều mà vẫn gắn bó với  nghề giáo, bỏ thời giờ biên soạn tài liệu thật công phu, cô đọng, giá trị, truyền lại cho con cháu mai sau .

Ngoài ra tác giả còn biên soạn tập sách hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập ( Study guide) rất tiện lợi cho phụ huynh và học sinh kiểm tra lại những câu trả lời, thật chuyên nghiệp giống như thầy cô giáo chính thống bên Mỹ nầy vậy.

Một ưu điểm khác cần nói thêm là tác giả đã viết phụ bản "Cách làm các thể thơ Việt Nam" trong đó bao gồm nhiều loại thơ thông dụng trong thi ca Việt Nạm: thơ 4,5,6,7,8 chữ, thơ lục bát, song thất lục bát,  cho đến thơ tự do. Phần nầy được trình bày thật đơn giản nhưng cũng rất đầy đủ dễ hiểu để sau khi  biết đọc, viết thông thạo tiếng Việt thì có thể tập tành làm thơ, nhưng dụng ý chính của tác giả là muốn trang bị cho học sinh kiến thức căn bản về các thể thơ để có thể tiếp thu những bài thơ hay của tiền nhân để lại. Có thể nói trong văn học Việt Nam, thì  “thơ” chiếm phần  quan trọng trong nền văn học nước nhà .

Sau đây là những ấn phẩm của tác giả đã xuất bản:

1. Quyển truyện ngắn Tình Người.

2. Ba quyển sách giáo khoa ( song ngữ Việt- Anh):

-Sách giáo khoa "mẫu giáo", có cuốn bài tập riêng.

-Sách Học Tiếng Việt quyển I( đơn giản, dễ hiểu, bỏ 40 vần khí đọc, khó nhớ).Học sinh học xong quyển I coi như có trình độ Việt ngữ lớp năm ở Việt Nam.

-Sách Học Tiếng Việt II. Học sinh học xong quyển sách nầy coi như các em có trình độ Việt ngữ lớp chín ở Việt Nam.

Địa chỉ liên lạc:

1. Hồ Thị Đậm

14004 Spring Mill Rd.

Louisville, KY 40245

Phone#: (502)966.3997

Email: hothidam38@gmail.com

2. Chi phiếu xin đề: Danh Phan, 7218 Thelfor court

Spring, TX 77379. Email: phandanh@hotmail.com

Phone #: 832.455.2598

3. Jinxu: Email: Jinxusnowday@gmail.com

 

Trân trọng,

Nguyễn Cang