Thương thương cái đẤt
Nam kỲ
Cũng như tôi,
nhiều người bạn có một thắc mắc rất là thắc mắc: Rất nhiều bài viết về cảnh cũ
nhưng người xưa Sài Gòn thì thấy hiếm có bài báo nào đề cập. Quả đúng thật.
Bởi vì cảnh
trí có thể thay đổi nhưng những nhà khảo cổ, nghiên cứu có thể tìm lại, phục
dựng lại được qua hình ảnh, hiện vật, tư liệu. Nhưng lối sống, tính cách con
người thì có cách chi mà diễn tả lại được. Cũng phải tìm trong sách báo mà
thôi.
Nhưng trong
những bài viết của tác giả người Sài Gòn khi nói về tính cách của người Sài Gòn
xưa có làm mấy ai tin được. Sự hoài nghi này cũng hết sức khoa học. Vả lại hình
như cái gì quen quá cũng chẳng ai muốn viết. Báo chí muốn ăn khách thì phải lạ,
có thông tin. Thời nay trong lúc tẩn mẩn, tò mò “tầm chương trích cú” tôi lại
tìm được bài của nhà văn Nguyễn Ngu Í phỏng vấn cụ Á Nam Trần Tuấn Khải – một
nhà văn, nhà giáo vốn dòng Nho học.
Cụ Á Nam sinh
năm 1895 tại Nam Định và vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1955. Bài phỏng vấn này
được trích trong quyển Sống và Viết của Nguyễn Ngu Í (trang 77, in năm 1966 tại
Sài Gòn). Xin được trích nguyên đoạn cụ Á Nam có nhận xét về tính cách người
Sài Gòn để bạn đọc tham khảo.
Nhà văn, nhà
giáo Á Nam Trần Tuấn Khải.
. Nguyễn Ngu
Í hỏi: Dường như lúc thiếu thời, cụ đã từng vào Nam?
+ Cụ (Á Nam
Trần Tuấn Khải) gật đầu: Tôi không nhớ rõ năm. Khoảng tôi trên 30 tuổi thì
phải, tức là lối 28-29 gì đó.
. Hẳn cụ còn
giữ ít kỷ niệm sau lần đầu tiên tiếp xúc với người và cảnh miền Nam?
+ Cảnh thì
tôi quên mất. Còn người thì còn nhớ một kỷ niệm mà riêng tôi, tôi cho là rất
thú. Một hôm nọ, tôi ghé thăm một người đồng hương, bán đồ cẩn xà cừ bên hông
chợ Sài Gòn, đường Sabourain, bây giờ là đường Tạ Thu Thâu. Đang hàn huyên thì
có một ông khách vào, hỏi giá một món đồ. Người Nam, mặc bà ba trắng, đi guốc
vông. Dân thợ không ra dân thợ; dân thầy không ra dân thầy. Tôi tưởng ông ta là
một khách qua đường, rỗi rãi, hỏi chơi để giết thời giờ, chớ cái bộ vó ông ta
thế, tiền đâu mà mua nổi món đồ bạc ngàn.
Ông ta xin
bớt hai trăm. Chủ hiệu bằng lòng bớt một trăm. Tôi tưởng ông ta sẽ bỏ đi, qua
cửa hàng khác, nào ngờ ông ta ưng thuận, móc bóp ra, lấy chín trăm đồng trả.
Hai ông biết chín trăm đồng hồi 40 năm về trước là cái gia tài nhỏ. Khi ông ta
mở bóp, tôi nhìn thấy bạc giấy lớn còn nhiều. Người nhà hàng bao, cột món đồ
xong, ông ta ra cửa, ngoắc một người tài xế Tây vội vã đến, ôm món đồ vừa mua
để lên một chiếc xe nhà sang trọng. Ông ta vui vẻ bắt tay người chủ hiệu, lên
xe. Thấy tôi ngạc nhiên ra mặt, ông bạn tôi cười:
“Người trong này, họ như vậy đó, bác. Một nhà giàu có hạng ở đây mà đi
phố, họ ăn mặc giản dị như thế đó. Lúc mới vào, tôi cũng thường đánh giá họ lầm
như bác”. Tôi như được mở mắt ra và cảm thấy thương thương cái đất “Nam… Kỳ”
này: Nơi đây, người ta sống hồn nhiên, ít bị lễ nghi, tập quán ràng buộc như ở
Bắc, ở Trung”.
“Và cụ tiếp
sau một ngụm rượu:
+ À còn điều
này nữa. Một chiều thứ Bảy, tôi được thấy cảnh thầy thông, thầy phán, anh em
thợ máy, anh em phu xe ngồi quây quần trong các quán ăn ở trong chợ Bến Thành
cùng nhau bàn chuyện phiếm, chuyện đời hay chuyện thời sự một cách tự nhiên,
thẳng thắn. Bầu không khí cởi mở giữa những hạng người khác nhau ấy làm tôi
càng thích lối sống trong Nam.
“Vì thế mà
nay về già (lúc này cụ Á Nam được 70 tuổi – tác giả chú thích) cụ được toại
nguyện” – người bạn khoa học, cũng là người Bắc, vừa cười vừa nói. Rồi anh
tiếp, sau mấy giây nghĩ ngợi: “Tôi cũng thích lối sống hồn nhiên của đồng bào
trong này. Nhưng ta phải nhận rằng nay có khác xưa. Cũng đã có ít phần kiểu
cách, trọng cái bề ngoài”. Anh đưa ly lên môi, giọng nửa đùa, nửa thật: “Kết
quả của sự di cư gần triệu đồng bào miền Bắc chúng ta đấy”.
LÊ VĂN NGHĨA
304Đen – llttm - dsg
No comments:
Post a Comment