Friday, December 13, 2019

Tản Mạn Một Chút Người Sài Gòn Xưa Nhớ Về Quán Cà Phê Năm Dưỡng - 304Đen


Tản Mạn Một Chút Người Sài Gòn Xưa Nhớ Về Quán Cà Phê Năm Dưỡng
 
 
 

 Một đoản văn về cà phê Năm Dưỡng/ Nguyễn Thiện Thuật

Bên cạnh những quán cà phê gắn liền lịch sử, Sài Gòn xưa còn có những quán cà phê bình dân như bộ mặt khác rõ nét và chân thực về người xứ này. Thầy giáo Hoàng Hữu Phước bồi hồi nhớ mãi thuở cầm cốc ra quán cà phê Năm Dưỡng mua cho cha. Ông kể: “Bà chủ cho cả cái vợt đầy bột cà phê nhúng vào bình, vợt lên xuống rồi đổ cà phê ra cốc. Xong bà lại tống nước sôi vào, tiếp tục vợt và đậy nắp lại. Ba tôi ghiền, ông ngoại tôi cũng ghiền”.

Quán cà phê Năm Dưỡng ngày ấy nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Cả cái kiểu pha cà phê dùng vợt (còn gọi là “cafe vớ” - vì vợt để bã giống cái vớ) cũng hiếm còn thấy ở Sài Gòn. Sau này bôn ba khắp nơi, ông Phước vẫn nhớ cà phê vợt ngày nào: “Đó là cách pha của các chàng cao bồi, vì khi nấu nước nóng, hương khói tỏa ra nồng nàn cả phòng...”.

Đạo diễn Tường Phương, ngày xưa còn là chàng sinh viên văn khoa Sài Gòn, nhớ mãi chuyện muôn năm cũ: “Bà lão bán cà phê bị hô nhưng lúc nào cũng cười toe toét. Bà biết hết từng người thích gì. Tay vợt vợt cho cà phê ra nước, ông bà bán hàng chẳng lúc nào ngớt chuyện với khách. Quán Năm Dưỡng bình dân nên đông khách, có lúc chẳng có ghế ngồi. Cà phê thơm thiệt thơm”.

Viết lại theo lời kể

Tigon


*Ông Cụ của Tigon , thời sinh tiền , cũng là khách lâu năm của Năm Dưỡng

Không những đến đó để thưởng thức hương vị cà phê đặc biệt , mà còn đến để nghe thiên hạ bàn luận thời sự : từ tin chiến trường , tin đánh ghen , tin chợ đen chợ đỏ , đến tin xe cán chó ...

Hình như suốt mấy chục năm ở khu Nguyễn Thiện Thuật , ông cụ tôi không vắng mặt Năm Dưỡng ngày nào cả , cho đến khi ông cụ mất .

Nhắc tới cà phê Năm Dưỡng , tôi không thể nào không nhớ tới ông cụ tôi , một người khách trung thành của Năm Dưỡng

 

2. Thỉnh thoảng tôi gặp Đoàn châu Mậu (tài tử movie trong phim Như giọt sương khuya, Xin nhận nơi này làm quê hương. Ông ta có một tiệm chuyên bán đồ cổ trên đường Nguyễn thiện Thuật) ra đây uống café. Ông thường gọi một diã bánh cuốn bên kia đường, ăn xong sau đó mới uống café.

Café Năm Dưỡng có những bàn hình chữ nhật lớn, toàn bằng inox. Những người nhân công thu dọn ly tách nhanh như máy. Vì quán đông vào buổi sáng. Nếu mà ngồi đồng tán gẫu thì không mấy được welcome. Cafe thì ngon, nhưng chỗ ngồi không ngon, không thể hàn huyên tâm sự, cũng không có nhạc tình...

3. Theo SB nhớ, thì quán cà phê Năm Dưỡng nằm ở khu Bàn Cờ, gần đường Nguyễn thiện Thuật (phải quẹo vào một con đường nhỏ nữa, không nhớ tên) chứ không phải nằm trên đường Nguyễn thiện Thuật. SB có một người bạn học ở khu này nên có một lúc cũng ghé quán ND khá thường xuyên.

- Bàn bọc "inox" là một đặc điểm của quán cà phê này (như ForexNew nói)

- Quán nổi tiếng với 1 loại cà phê tên "cứt chồn" ( thơm & có mùi vị đặc biệt) và cách pha ly cà phê đá (rất là đậm đặc)

4. Chính xác, quán không nằm trên đường NTT. Quán nằm trên con đường nhỏ (quên tên) Từ Nguyễn thiện Thuật rẽ vào chừng 100m. Quán này thì hơi ồn ào. Nếu tôi nhớ không lầm thì quán này chỉ bán vào buổi sáng, sau đó dẹp bàn ghế lau nhà. Không bán buổi chiều và tối.

5. Hình như là vậy, vì SB nhớ, nếu đến buổi tối, thì bạn dẫn đi quán tên Cheo Leo cũng gần gần đó (quán này có nhạc nghe cũng được). SB thích ly trà Lipton pha chút xíu Rhum của quán này. Ngồi nhâm nhi nghe nhạc, nói chuyện nắng mưa... cũng qua 1 buổi tối.

6. SB thấy nhiều người nhắc đến rạp hát ở SG, họ đều nhắc đến rạp Rex, Eden , Vĩnh Lợi ( rẽ nhưng phim hay, kế bên có quán Thanh Bạch, vào uống ly/ chai sữa tươi + 1 cái pate-chaud hoặc gần đó có cái xe bán "đầu lòng gà nướng & ghim sẵn" + 1 ly nước mía ... chờ đến giờ xem phim = 1 ngày Chủ nhật tuyệt vời trong vòng tay của đức thánh Trần = 500 đồng VNCH) ở khu Bến Thành .

Còn một rạp, SB thấy tân tiến hơn vì mới cất sau, sáng sủa & sạch sẽ hơn, và phim chọn chiếu cũng hay luôn ... tiền vé thì cũng chỉ ngang với Rex và Eden ... Tên là rạp Quốc Tế, trên đường Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình. Bên cạnh, còn có rạp Mini Quốc tế (ghế đôi & đã lắm:o) mà sau này REX bắt chước theo với Mini REX.

7. Quán Cheo leo nằm tr6n con đường Lý thái Tổ. Bàn ghế thấp, bằng nhựa xanh đỏ, nơi quy tụ cuả mấy ông Ken chích choác, đi mây về gió thì nhiều. Tôi cũng có ghé vài lần rồi chạy. Quán này sống cũng chẳng đuợc bao lâu, cỡ 2 năm gì đó tới ngày đứt film thì fermer boutique rồi. Ở SG có một quán để thưởng thức café lý tưởng nhất theo tôi là quán Phương nằm trên đường Phan đình Phùng không biết SB có biết không? Hầu như không một quán café có nhạc nào ở SG mà tôi không thưởng thức qua. AI đã từng uống café ở Phương sẽ có cảm giác này

8. Tui cũng không có để ý lắm, lúc đó tui còn nhỏ - thi Tú tài sớm hơn vài năm so với tuổi quy định - và không có biết hút thuốc nữa. Khu đó là khu của bạn, nó dẫn đâu tui theo đó.:)
Dân đi học, ở khu đại học xá Minh Mạng thì có 1 quán cà phê, khá quen thuộc với sinh viên, tên gì tui quên rồi ... Và khách, hầu hết là sinh viên .
Vâng, có ghé qua vài lần, vì ngày xưa tui ở khu Cư Xá Đô Thành khoảng 4 năm, đi đường Phan đình Phùng hàng ngày. Đường này một chiều (ngược với Phan Thanh Giản), có rất nhiều tiệm may. Những tiệm đặc biệt như tiệm đàn Phúc Lợi, quán chè thạch Hiển Khánh .. thì dân SG trước 75, hình như ai cũng biết hết.

9. Cà phê Năm Dưỡng ở số 251/2 Nguyễn Thiện Thuật từ đường Nguyễn Thiện Thuật vào có mấy thước thôi. Hồi xửa hồi xưa nhà tôi ở số 251/1 Nguyễn Thiện Thuật

10. Oh, gặp dân thổ công khu Bàn Cờ rồi... Vâng, tôi nhớ từ đường NTT phải quẹo vào mới đến quán cà phê Năm Dưỡng. Ngày xưa, tui cũng lui tới khu đó vài năm, khi bạn dọn đi, thì không có ghé nữa. Hông chừng dám đã gặp mặt (mà không quen) :) .Trái đất tròn & nhỏ thiệt

11. Nghe nói quán này có pha nước mắm cho mặn mà.
Ờ mấy quán cóc khu Quận 3 cư xá đô thành rồi Cao thắng Phan đình phùng, Phan thanh giản nhiều dô kể.
Hẻm tam tông miếu,Ông Dương,hẻm Văn vĩ đều có mấy sạp cà phê cóc
Hồi đó tớ cũng hay uống cà phê cóc ở hẻm trường Cộng Hòa.Rồi đầu ngõ CXDT cái cổng tam quan ,trường Ấu Tiến đối diện nữa.
Đối diện BV bình dân cũng có mầy quán đi sâu vô hẻm rồi ra đường Trần Quốc Toản há
Chà chà, trường Văn Học với đường Nguyền thượng Hiền tớ là sư tổ đi ngược chiều Phan thanh giản quẹo hẻm Cộng Hòa để ra đường Vườn chuối...Hà hà SB có nhớ tiệm sửa TV Việt Hải hôn đó đó.lần ra đường Phan đình Phùng với tiệm Đông Huê Trà gia là quán cà phê "Pạc Xỉu" ghế cao lần đầu tiên tớ được thưởng thức...
Hà hà một trời kỷ niệm mấy Bác ui. Thuở nhỏ tớ là client của bs Nghiêm Bảo Thắng...
Có Bác nào chia sẻ hoài niệm ới ời ơi

10. Quán café khu đại học xá Minh Mạng thì không có tên, thường gọi là cafe đại học xá, hay café con thỏ, vì có hình con thỏ đang ngồi. Ở đó có cô bé thâu ngân xinh đẹp mà bao nhiêu sinh viên trồng cây si. QUán đối diện với nhà thở ngã sáu.

Rạp Quốc tế có tên gọi là Vistarama bên trong rất đẹp, mới có sau này, giống như Mini Capitol..hiện đại nhưng vì mới quá nên chưa nổi tiếng như Rex hay Eden..Ngoài ra rạp Rex luôn chiếu phim nước một, tức là phim mới nhất mới ra lò. Sau đó mới tới những rạp chiếu nước hai như Casino, Capitol, Nguyễn văn Hảo. Rạp Vĩnh Lợi thì chiếu phim cũ, nước ba, nước bốn dành cho những ai ghiền xem phim ngoại mà ít tiền, hoặc cho học sinh cúp cua, hay vào đó để ngủ... Giá vé thường trực permanent buổi sáng ở Rex là 165đ. Từ buổi chiều 5h PM thì chiếu xuất, vé 250đ. Tôi còn nhớ giá tiền vì luôn cúp cua xếp hàng mua vé nên nhớ rất rõ ràng. Hồi ấy ở Rex có những phim Doctor Zhivago, Love story, Roméo and Juliette, Soleil rouge, tình sử Meyerlin, Cleopatre, L'amour dans la pluie...

11. Có Bác nào còn nhớ.Nó bên đây đường nếu đi sâu dô là trường th Phan đình phùng đó...
Sau này VC cho dân sg ăn bo bo nên cà phê chủ yếu là bắp rang thôi.
Thanh niên đốt Hoa mai trốn nghĩa vụ, bàn chuyện vượt biên rồi mấy thằng công an KV kết hợp với quận đội,phường đội chuyên theo dõi rồi đi bắt bọn tớ...
Nghĩ cho cùng cũng bán đồ đạt, cúng tiền cho bọn chúng thôi mấy Bác ui

12. Bạn Johnchamber biết khu này cũng rành há! Vâng, cái cổng vào CXĐT giống giống cái cổng Tam Quan nhỏ.
Mấy cái hẻm đó cũng có in dấu chân của tui đa :)
Tui cũng có học ở Văn Học vài năm.
Ngã tư Phan Thanh Giản & Cao Thắng thì buổi tối (khuya), tụi tui hay ra đó ăn bò vò viên (góc đối diện trường mỹ thuật Cao Thắng).
SB thấy cũng có nhiều tiệm bán TV, nhưng không có để ý tên.
Đường Vườn Chuối thì nối PTG & PĐP. ĐH trà gia và cái quán "cà phê ghế cao" thì cũng có ghé qua.
Từ Phan thanh Giản qua Trần quốc Toản rất gần. Có một lúc SB sáng nào cũng đi bộ từ CXĐT đến Việt Nam Quốc Tự (?) để tập nhu đạo.
Quán Cô Tư thì SB hông biết.

Vâng, một trời kỷ niệm .. và mới đó thì đã mấy chục năm!

13. Đi bộ từ cxdt ra VN quốc tự mà hổng băng qua ăn bánh mì bảy mập cao thắng là uổng đó nhe. Đi bộ mà băng qua Phan thanh giản mí lại Trần quốc toản cái nào khó hơn sb???
tớ nghĩ là Trần Quốc toản(đường 2 chiều)...
Có mấy trường Tư thục nhỏ quanh đó : Khai trí,Cộng Hòa,Phục Hưng,Tiền giang.đặt biệt trường bàn cờ mà lại trong khu cxdt(hổng phải Bàn cờ) Bác nào có nhớ Cư xá xây theo kiểu Pháp đường Cao thắng tên gì hông???
chúc các Bác vui khỏe

14. Bạn ở Ng Thiện Thuật, có biết cà phê Hồng trong chung cư Ng T Thuật khg?
Cô chủ quán rất dễ thương, nhiều vụ đánh nhau xảy ra vì cô chủ quán

15. SB đi ngã qua ra CXĐT (cổng chính) ngược Phan thanh Giản lên Cao Thắng qua Trần quốc Toản. Cái chùa tên Việt Nam Quốc Tự (?)(nơi mấy ông sư mở lớp dạy nhu đạo) thì nằm xéo xéo bên kia đuờng đối diện với phân khoa Kinh Thương (Đại học Minh Đức). <= Đi bộ.

Ngã tư có đèn đỏ đèn xanh mà => Băng qua đường đâu có khó !

Còn đi xe gắn máy thì đi ngược vào trong CXĐT chút, có cái hẻm nhỏ để ra đường Cao Thắng từ đó lại VNQT chưa đầy 5 phút chạy xe.

16. Hẻm này chỉ một chiếc xe gắn máy hoặc xe đạp qua được thôi.Cho nên ai ở đầu Cao thắng đi vào khu cxdt phải nhường nhịn...
Hóa ra sb có Nhu đạo ??? Wào SB tiểu học ở Ôro hay Bàn cờ...nhưng cũng hơn tớ nhiều .SB là khu đó chắc biết
Niệm Phật đường Huệ Quang? Tam tông Miếu? Phước Quang Tự

17. Cà phê Năm Dưỡng nằm trên con hẻm nhỏ nối liền NTT và Lý Thái Tổ . Hẻm đó ở đối diện với hẻm 16/55 là hẻm nhà Tigon . Nghệ sĩ Hùng Cường có nhà ở gần quán Năm Dưỡng .

Một điểm đặc biệt nữa của cà phê ND , là đa số khách bình dân ngồi uống cà phê kiểu " nước lụt ".

Tigon

18. Ông hàng xóm à , tôi ở hẻm đối diện hẻm cà phê Năm Dưỡng mà đi ra đi vô không chạm mặt nhau cà:eek:

Nếu là dân trường công , thì chắc học Petrus Ký ? còn trường tư thì xuôi theo Phan Đình Phùng có trường Kiến Thiết ( gần khúc Chợ Vườn Chuối ) , xa hơn nữa thì rất nhiều trường Tư . Tigon tôi không hề học trường tư , cũng chưa từng dạy trường tư , nên không nhớ tên

Dân Bàn cờ tụi tôi hay đi cine' rạp Văn Hoa , hay rạp Đại Đồng ( Không biết đi xe đạp , hay xe gắn máy , nên chỉ đi gần , cho tới khi có " tài xế " :o )

Ai là con cái Chúa , hẳn không thể quên " nhà thờ trên gác " trong hẻm 16 NTT , tên là nhà thờ Thánh Giu Se . Lễ lớn thì đi qua trường Bùi Thị Xuân , đến nhà thờ Huyện Sĩ .

Nhớ lại những ngày xưa thân ái đó , chợt thấy lòng chùng xuống , tim nhói đau

Tigon

19. Đúng rồi, cái đường nhỏ xíu, chỉ vừa một chiếc xe gắn máy chạy và SB cũng không nhớ tên
Tiểu học học ở nhà. Bắt đầu đệ thất (lớp 6) mới vào trường.
Hồi nhỏ thì thích học lung tung mà và chỉ biết chút đỉnh thôi. Bá nghệ, nhưng không giỏi môn nào hết! :o
Mấy cái "chùa" thì SB cũng biết.

20. ForexNews chắc hồi đó hông có ở nhà thường hả?:)

Mèn, chỗ nào cũng có ghé qua! Vâng, tôi cũng nhớ bạn rũ và hẹn đi cái quán con chi chi đó (không nhớ chắc nên không dám nói ... ai dè là con thỏ). ForexNews có trồng cây si ở đó không?
Vâng, rạp Quốc tế lúc đó chơi màn ảnh "cong" rồi. Phim cũng là loại mới ra lò!

Vĩnh Lợi thì dành cho dân biết chút đỉnh tiếng Anh hoặc Pháp và khoái xem phim hay & rẽ. Chỉ có cái là mấy ông thần PĐ đóng đô ở đó hơi nhiều... hihihi...
(trí nhớ của FN cũng tốt quá hén... SB thì chỉ nhớ, có trong túi 1 tấm Trần Hưng Đạo thì ngày Chủ Nhật có thể vui vẻ & tạm đầy đủ ở chợ Bến Thành cho cái tuổi đi học!)

Rex & Eden có lẽ nằm ở địa điểm thuận lợi hơn...

21. Tôi ở trước năm Mậu Thân chưa có chung cư. Hồi đó còn bé tí xíu nên nhiều việc không biết. Ca sĩ Yến Vĩ cũng ở trong khu đó từ cà phê Năm Dưỡng đi vô mấy hẻm, Sau khi cháy nhà hồi Mậu Thân không biết bà ấy có còn ở khu đó không. Tôi có hình chụp hẻm 251 cách đây mấy năm để lúc nào tìm thấy sẽ post lên đây.

22. Cái vụ cà phê nước lụt ở Năm Dưỡng thì Tigon nhớ chính xác nhất. Mấy ông bà khách hàng của Năm Dưỡng thường ngồi chồm hổm trên ghế, cà phê đổ ra cái đĩa cho nó nguội mới uống. Cà phê Năm Dưỡng hay hát đĩa Cai Lương loại đĩa 78 vòng vừa dầy vừa nặng đĩa hát nhiều nhất là Tư Éch Đi Saigon do Văn Huờng ca vọng cổ.
Tôi học Chu Văn An nhưng khi đó đã ở Gò Vấp chứ không còn ở Bàn Cờ nữa.

23. Từ mấy cái trường tư Hưng-Đạo và Nguyễn-Bá-Tòng xẹt xuống cà phê Năm Dưỡng, đạp có chút xíu hà. Mà cà phê ở Năm Dưỡng nghe nói có hột cau khô xay trộn chung vô cà phê. Tui uống hà rầm ở đó, nhưng không phân biệt nổi!

Mà nè, bà con ở miệt đó cho Tui hỏi thăm cái nha.
Gần đâu khu đó, không nhớ là Nguyễn-Thiện-Thuật hay Cao-Thắng hay gì gì, có một quán cà phê giống như "biệt thự" sửa thành. Chủ quán có chưng bày mấy bức tranh cẩn bằng gỗ to tổ chảng mà chính chủ quán là tác giả. Tui nhớ mài mại là, khi bước vô cửa quán, nguyên bức tường bên tay mặt là bức tranh "Sơn-Tinh Thủy Tinh". Quý bà con thân thương có nhớ quán đó tên gì không

24. Nếu tôi nhớ không lầm thì quán này mở năm 73, quán rất đẹp góc đường Hồng thập Tự và Nguyễn thiện Thuật. Chủ quán là một già tóc muối tiêu thuộc loại tay chơi...mà nguời ta thường gọi là quán Bố già ( the God Father). Quán rất đẹp và khang trang, chém cũng bạo, không biết có phải bạn muốn nói đến quán này?

25. Cách đường HTT cỡ năm mười căn gì đó. Quán này thường chơi nhạc ngoai quốc thịnh hành hồi thập niên 70 cuả những ban nhạc như CCR, The Beatles..., cac ca sĩ Pháp như Adamo, Christophe, Sheila, Sylvie Vartan. Vào những năm 74, 75 những bài hát quen thuộc như Imgine, Pround Mary, who can stop the rain, don't let me down...thì hát ra rả cả ngày

26. Sau 75 VC tàn phá QH. Từ Nguyễn Thiện thuật.Quán đó đã không còn . Mấy con hẽm từ NTT đâm sâu vô(sau lưng Tư Thục Thăng long) cũng đổi thay rất nhiều. Có bạn nào còn nhớ đối diện Thăng Long là Hội Hồng Thập Tự.Sau lưng là con đường Mình quên mất tên.Có ngôi trường mà con em các Cảnh Sát Quốc Gia được ưu tiên.
Rồi cái đường rầy bỏ hoang từ Từ dũ dọc theo con đường đó ra đến bùng binh Cộng Hòa ,qua luôn Công viên Đại Hàn...Có phải là tuyến xe lửa Sài Gòn Mỹ tho ???
Ai đó nói Bà Thiệu là chủ tuyến xe đò SG-MỹTho nên dẹp đường rầy.
Dân Miền Nam mình dễ tin thiệt.Thì là Việt Cộng phá hoại thôi ai dám đi xe lửa, mỗi lần VC dựt mìn thì chết tàn bạo hơn.Ai có đủ can đảm làm Nhân viên hỏa xa đi kiểm tra từng tà vẹt...
À có bạn nào nhớ hình như 2 con hẻm bắt đầu từ đường Cao Thắng.Song song và nằm giữa 2 đường chính Trần Quý Cáp và Hồng Thập Tự .Kết thúc ở đường rầy...Lạ là chung quanh đường phố sầm uất thế mà 2 con hẽm này khá yên tỉnh , có tiếng gà gáy.Bạn nào có kỷ niệm về nó không???
Và con hẽm độc đáo bắt đầu từ Phan Đình Phùng(đối diện cây xăng) thòng qua Trần Quý Cáp(Có 2 nhà bán giấy,sắt vụn người Hoa) Băng qua Trần Quý Cáp cắt tiếp(mà có quán thịt cầy nổi tiếng.Có thời Con chó của mình bị bắt đến đây kiếm xin chuộc lại mà không thấy.Nghèo đói quá dùng Honda bắt chó đang moi ống cống ăn đó mà).Con hẻm này thoát ra Hồng Thập tự.Đường nối dài là Ngô Tùng Châu(có thể sai).
Con hẽm quan trọng đó song song với đường rầy mà không tên.Có Bác nào kỷ niệm về nó không.(Suỵt suỵt Bí mật ,Có thời tớ theo đuối 2 Cô con gái của tiệm Hình Viễn Kính)Còn tiệm hình chụp ảnh nổi tiếng ngã tư Phan đình Phùng và Cao Thắng???(đối diện tiệm Bi da

27. Đúng tên đường là Phan Viết Chánh.Mà trường nằm trên con đường đó VC đổi tên là Nguyễn Thị Năm.Trường nhỏ thôi hình như Con em ngành Cảnh Sát thi vô lớp 6(trung học đệ nhất cấp hơi khó) thì thích chọn trường này chứ không phải ưu tiên.
Bác Ganhaque có nhớ đầu kia của đường Cống Quỳnh là một nhánh(hình như Bệnh viện Cộng Hòa vì là của Lính thì phải,nằm xéo góc Từ Dũ vì Bệnh viện Cộng Hòa gần ngã năm chuồng chó mà)
Con đường rầy dọc theo đường Phan Viết Chánh 1975-76 Bộ đội đào bới trồng khoai lang ,từ 77 đến 78,79 VC lột sạch tà vẹt đường rầy lấy sắt vụn đến 80 thì không còn một mảnh kim loại nào nữa.
À mà sao giữa bùng binh Cộng Hòa không có tượng đài như ngã 7, ngã 6 .Hoài niệm tớ nhớ là khối vuông cây leo đường rầy vẫn nằm giữa.Có lần bánh xe đạp tớ kẹt giữa đường ray, ai chà sợ xe đụng ,kéo ra thì cái niềng cong queo.Thuở đó, Bà con còn hay giúp đỡ nhau dù CS đã vô.Có một Bác tốt bụng đặt xe đạp tớ xuống, dùng tay nắn nắn lại thế là tạm chạy về đến nhà "Rút căm, sửa niềng" Bi giờ, Sức mấy,"lòng tốt hơi bị thừa đấy nhá

28. Trường Trung Thu dành riêng cho con em cảnh sát nằm trên đường Thành Thái, đối diện trường Bác Ái. Cư xá cảnh sát cũng nằm trên đường này.

Song song với HTT là Phạm Viết Chánh (khg phải Phan).

Đầu CH là Petrus Ký, kế là Đại Học Khoa Học, rồi DH Sư Phạm.

29. Ai còn nhớ tại góc Đại lộ Cộng Hoà và đường Thành Thái có Trung Tâm gì nè

30. Phía Trần Bình Trọng trường CDSP là trường Bác Ái cũ,Thêm một block đường nữa khu quận 5.Có con hẻm có cho mướn Nhạc Cụ tên là Trúc Giang là Nhạc Sĩ Ba của Trúc Hồ? Trung Tâm ASIA bi giờ

31. Cũng cảm ơn Bác ganhaque post hình trường Phạm Viết Chánh luôn
Chắc Salsa có biết Photo Ái Mỹ nhìn xéo qua là Nhà Bảo Sanh(ái chà quên mất tên luôn).Đối diện trường Oro đường PDP là một loạt mấy tiệm cho mướn truyện Sách Vàng,kiếm hiệp...Tớ nhớ một tên tiệm Đại Chúng, hình như là nhà thân phụ cuả nhạc sĩ Ngô Thụy Miên,???(vì hồi nhỏ tớ mướn truyện gặp Ổng ở đó từ trên gác đi xuống ,và Anh tớ cũng mất chiếc xe đạp ở đó luôn )

32. Góc đường Cộng Hoà và Thành Thái là căn nhà 2 tầng nhỏ , dùng là Trung Tâm Thính Thị , tới đó để tập nghe tiếng Anh .

Ngã tư Nguyễn Trãi và Trần Bình Trọng có mấy cái quán cóc nhậu .

Bạn thân của tôi ở 100 Nguyễn Biểu , sau 1975 mất liên lạc , thư về cũng không thấy trả lời .

Cuối đời , rất mong muốn tìm lại được nó

33. Đường Cao Thắng có 2 nhà Bảo Sanh : Đức Chính và Đức Huệ ( có bà con với nhau ). Đức Huệ ở gần ngã 3 Cao Thắng + Trần Quý Cáp . Các cháu nhà tôi đều được sinh ra ở Đức Huệ . Sau 1975 , các em gái và em dâu tôi cũng vào Đức Huệ , Bà chủ vẫn còn nhớ và hỏi thăm tôi .

Từ trong hẻm tôi ở , có ngõ thông ra cả 4 đường : Cao Thắng - Hồng Thập Tự , Nguyễn Thiện Thuật , và Phan Đình Phùng .

Hồi Tết Mậu Thân , mấy chú cán Cộng chạy vào đây rồi chịu bị bắt , vì đâu có biết lối ra .

304Đen - Llttm

No comments: