Con
Bà Phước
Tôi gặp Phan Đằng lần đầu tiên ở Quảng Trị. Lúc đó đơn vị đang húc nhau
với Sao Vàng trong vùng Động Ông Đô, phía tây nam vương cung thánh đường La
Vang. Buổi chiều hôm đó, đơn vị được tiếp tế và bổ sung quân
số. Những ngày tiếp tế là những ngày vui, vì ngoài lương thực, thư nhà,
thuốc lá, cà phê, tụi tôi thường thường được có thêm tân binh, những nai tơ từ
quân trường Vương Mộng Hồng ra, để mà đì.
Hải Lăng – Quảng Trị (1970)
Tôi đang loay hoay sửa lại cái hố cá nhân thì Phan Đằng lòm còm
đến. Không phải một nai tơ mà là một trung đội phó. Trong bộ đồ rằn ri
không mới toanh, nhưng sạch sẻ, Phan Đằng mới từ hậu cứ ra lại đơn vị sau lần
bị thương nằm ở bịnh viện Đỗ Vinh hai tháng. Phan Đằng nhe răng cười, nụ cười
nhìn chỉ thấy hàm răng, câu nói đầu tiên lúc gặp tôi là hầm hố gì mà như c.,
phải sâu tới ngực nghe em. Nói xong, Phan Đằng thả ba lô ra, nhảy vô phụ tôi
đào hầm chiến đấu cho hai người. Nhìn Phan Đằng cầm xẽng đào hầm tôi thấy mình
còn rất nai tơ. Đất đá Quảng Trị nhiều đá ít đất mà chỉ sau một tiếng đồng
hồ là đã xong, Phan Đằng bảo tôi đi bẻ cành lá sim ngụy trang cho kỹ, che cho
hết màu đất mới.
Đối với những thằng lính trong đại đội, Phan Đằng là anh Đằng, không lon
lá cấp bực gì cả, mặc dù trên giấy tờ anh Đằng lúc đó đã là trung sĩ nhất. Tôi
nghe nói anh Đằng là một trong những người lính thâm niên nhất của đơn vị.
Thời gian ở với anh Đằng tôi trưởng thành trận mạc mau lẹ nhất. Anh Đằng
chỉ cho tôi kinh nghiệm khinh binh. Đi “point” phải lẹ làng và chính xác, di
chuyển im lặng và nhanh như sóc. Phải không nhìn mà thấy, mọi linh động của núi
rừng đều có lý do. Phải thính hơi, ngửi được mùi nguy hiểm, trước khi nguy hiểm
tới. Ở rừng ở núi anh Đằng, như là một ngư phủ lão luyện trên biển cả,
nhìn trời nhìn đất mà đoán được tình hình.
Anh Đằng còn chỉ cho tụi lính như tôi nhiều món ăn chơi khác chằng hạn
như là dựng tuyến phòng thủ. Gài lựu đạn đi từ ngoài tuyến vô trong (từ trong
ra ngoài là nướng nghe em), và phải đánh dấu chỗ gài cho dễ nhận định khi đi
gở. Căng mìn Claymore thì phải chéo lại với nhau và che đậy đường dây điện (tụi
đặc công nó khèo khèo giỏi lắm nghe em). Khi bị tụi nó tấp thì chỉ chơi lựu đạn
(bắn là tụi nó thấy ánh lửa của súng, ăn B40 là cái chắc). Ném lựu đạn thì phải
bật kíp và đếm ngàn-lẻ-một ngàn-lẻ-hai trước khi thẩy đi.
Mỗi khi đơn vị báo động tôi lại thấy anh Đằng rời hầm đi vòng tuyến
nguyên đêm, kiểm soát từng vọng gác. Nhiều lần anh bò đến chổ thằng gác mà
thằng gác cũng không biết.
Năm tháng miệt mài chiến trận tạo cho anh Đằng một ngũ giác quan kỳ
diệu. Anh có thể đánh hơi chiến trường môt các chính xác. Nghe tiếng
“depart” của pháo là anh có thể đoán được pháo cở nào, từ đâu bắn đi, và sẽ rớt
ở đâu. Nhiều đêm nghe tiếng đại pháo rất gần mà tôi thấy anh Đằng cứ tỉnh
bơ, trùm poncho ngủ kỹ.
Đối với cấp chỉ huy đơn vị, anh Đằng là môt mối yên tâm. Các trung đội
trưởng mới ra trường Thủ Đức, Đà Lạt cũng học hỏi nhiều thứ từ anh Đằng: từ chỗ
đặt tiền đồn chỗ toạ độ pháo binh, và chỗ đặt vọng gác. Đại đội trưỏng thì coi
anh Đằng như là một thành phần trừ bị của đại đội, như một món võ cuối cùng,
khi nào bí quá mới tung ra.
Đánh giặc hay mà uống rượu thì khỏi nói. Tôi chưa từng thấy một người
nào chưa đầy 55 kg mà tửu lượng cao như vậy. Anh Đằng có thể nhậu từ sáng đến
tối. Anh uống đủ thứ rượu chẳng chê thứ nào. Ngồi vào bàn rượu tôi thấy anh cứ
cười cười nụ cười chỉ thấy hàm răng: dzô đi em, chừng nào về Sài Gòn tao dẫn đi
chơi (trước khi về đơn vị, tôi cũng có ở Sài Gòn nhưng chỉ biết có trại Vương
Mộng Hồng và Hoàng Hoa Thám).
Thời gian ở trung đội tôi chẳng hề thấy anh Đằng nhận thư nhà hoặc viết
thư cho ai. Có lần tôi hỏi thì anh cười cười: tao con bà phước trên răng dưới
súng thì thư từ cho ai. Tuy vậy nhưng huyền thoại trong đơn vị nói anh là con
nuôi của bà chủ động nào đó ở đường Lê Văn Duyệt. Mỗi lần có lương là anh nhờ thường
vụ hậu cứ mang về một nửa cho người đó để khi về dưỡng quân còn có “chỗ ăn chỗ
ở” cho đỡ bơ vơ.
Tháng năm tháng chinh chiến đưa đơn vị tôi đi từ chỗ nay qua chỗ khác.
Hải Lăng, Mỹ Chánh, căn cứ Bình Minh, Văn Xá, Văn Thánh, La Vang, Thạch Hãn,
núi Bạch Mã, Cảnh Dương, Túy Loan, Hiếu Đức, Đại Lộc, Thương Đức… chỗ nào cũng
có anh Đằng. Anh bị thương nhiều lần, nhưng lần nào cũng vài tuần một tháng rồi
ra trở lại với đơn vị. Cũng nhe răng cười nụ cười chỉ thầy toàn răng. Cũng
vẫn là con bà phước.
Giữa tháng ba, năm 74 đơn vị tôi giao mặt trận Thượng Đức cho TQLC trở
về Sài Gòn. Một hay hai tuần sau đó thì Huế và Đà Nẵng mất. Lính tráng tụi tôi
đâu biết gì, về hậu cứ là ra trại gia binh nhậu cho hềt tiền thì thôi. Một buổi
tối đi nhậu về nghiêng ngữa, vừa vô khỏi cổng trai tiểu đoàn, tụi tôi thấy anh
Đằng đặt khẩu đại liên M60 ngay ở sân cờ la lớn: “đ.m. mất Huế, mất Đà
Nẵng mà tụi bây còn lo đi nhậu, tao bắn cho tụi bây chết hết.” Anh Đằng ria một
tràng đại liên chĩa lên trời, tụi tôi dzọt lẹ, riêng tôi chun xuống cống nước
mưa ngủ luôn cho đến sáng.
Sáng hôm sau, đơn vị tâp họp nhận lệnh đi Xuân Lôc. Cả đám tụi tôi sắp
hàng mà thằng nào cũng cúi mặt nhìn xuống đất. Tôi không giám nhìn anh Đằng, mà
biết chắc là buổi sang đó mắt anh đỏ ngầu giận dữ.
Những ngày hành quân ở Long Khánh Xuân Lộc Phú Mỹ Phước Tuy Vũng Tàu qua
như cơn bão dữ. Rồi đùng một cái, những thằng con bà phước như tụi tôi trôi
giạt đến đảo Guam. Ngợp thở như cá trên bờ. Tôi nhớ anh hình ảnh anh Đằng rúng
rính trong cái quần ca-rô cao gần đến ngực và một áo thun thinh thang thật là
tội nghiệp.
Anh Đằng bật nhiên trở thành ít nói, anh cũng chẵng còn cười cười nữa.
Anh ngủ say sưa trên chiếc ghế bố trong tent city cho người tỵ nan. Mỗi ngày
tụi tôi còn chạy tới chạy lui tìm người quen, mặc dù biết là vô vọng, nhưng anh
thì chỉ thấm lặng ngủ vùi. Trong những giây phút thức, anh và người bạn nối khố
chí thân, Phạm Thụ, đi loanh quanh bên những khu nhà ăn tìm dế nhủi.
Rồi một hôm thằng bạn đến nói nhỏ: Anh Đằng anh Thụ muốn ghi danh trở về
Việt Nam, tao cũng đang suy nghĩ, mày có muốn đi theo không? Tôi rúng động, vậy
sao? Họ hứa hẹn gì, làm sao tin tụi nó được? Đầu óc tôi bừng bừng suy nghĩ, tôi
thật sự cũng muốn trở về tìm lai ba mẹ anh em tôi ở Huế, Đà Nẵng, nhưng hình
ảnh tàn bạo vô nhân bản của năm tháng Mậu Thân, đại lộ kinh hoàng trong mùa hè
72 cứ ám ảnh tôi. Tôi lại nhớ đến hính ảnh và câu chuyện trong cuốn phim “Chúng
Tôi Muốn Sống” mà tôi đã xem nhiều lần hồi còn nhỏ: những người đi trước đã
phải trả một gía rất đắt cho sự tự do, bây giờ mình có tự do mà không lẽ đem
trao cho kẻ thù vì một lời hứa hẹn.
Mấy ngày hôm sau tụi tôi không thấy anh Đằng anh Thụ trong tent city
nữa. Hỏi ra thì người ta đã đưa những ngừơi muốn trở về qua một trại riêng rẽ,
để tránh đụng chạm đến những người muốn ra đi. Tôi cũng muổn gặp riêng anh Đằng
để nghe anh nói tại sao anh muốn trở về nhưng chẳng có còn cơ hôi. Tôi cứ suy
nghĩ hoài anh Đằng là con bà phước mà về làm gì vậy nhưng tôi cũng mờ mờ hiểu:
sự níu kéo trở về và chiều sâu của nhớ thương là chuyện riêng của từng người.
Ngày trước khi rời đảo Guam, tuị tôi có kéo đến khu trại của người trở
về để chia tay với anh Đằng mà không vào được tận nơi. Đứng ngoài hàng rào vẫy
tay chào mà rưng rưng nước mắt. Tôi thầm nghĩ trong lòng: kỳ này anh đánh hơi chiến trường không trúng rồi, anh Đằng ạ.
Mấy chục năm sau, ở đây người ta ít dùng danh từ con bà phước trong đời
sống hàng ngày, nhưng năm khi mười hoạ thì tôi cũng được nghe một lần. Và mổi
lần như vậy tôi lại nghì đến Phan Đằng, thăm thẳm trong quê hương và trí nhớ.
Trung Hậu
304Đen –
Llttm - dsc
No comments:
Post a Comment