CHÁU TÔI
Hôm nay ngày cuối học kỳ I ( niên khóa 2019-2020) của trường Shirakawa
Elementary tại Sanjose, CA. Đứa cháu ngoại ( Kha Trần) vui hết cỡ vì nó được
nhà trường cấp giấy khen "Honor Roll". Tưởng cũng nên nhắc lại cháu
năm nay học lớp ba , hồi năm ngoái cháu được khen là học sinh khéo tay vẽ được
những hình , tranh thật đẹp. Hôm nay cháu vui mừng vì từ lớp một, lớp hai tới
giờ cháu chưa một lần được khen thưởng về học tập, trái lại năm rồi bị cô giáo
cảnh cáo nếu còn dở Toán và Sinh ngữ sẽ bị xếp vào nhóm học sinh cá biệt có
nguy cơ ở lại lớp. Lạ một điều là bên Mỹ nầy học trò học dở thì thầy cô giáo cứ
đổ thừa cho phụ huynh không chịu rèn luyện con em, chứ thầy cô không bao giờ tự
trách mình dạy dở, hoặc không làm hết bổn phận ! Nghe cô giáo mắng vốn mà tôi xấu
hổ. Đã từng luyện học sinh giỏi Toán và luyện thi lớp 10 vào các trường công lập
thành phố Sài Gòn mà nay không rèn được cháu mình vượt qua lớp hai môn toán
!
Vui với niềm vui của cháu tôi cũng muốn nhân cơ hội nầy "khoe"
với các thân hữu "thành tích" học tập của cháu mình. Chỉ khoe với quý
thân hữu thôi chứ không dám khoe với người khác. Hôm qua khi rước cháu đi học về
nó hí hững reo lên : Ông ngoại ơi, hôm
nay con được giấp khen thưởng của hiệu trưởng nè ! Nó cầm tờ giấy và huy hiệu
đưa lên cao cho tôi thấy. Không để tôi kịp hỏi nó nói luôn: Hồi hộp quá ông ngoại
ơi, nghe thầy gọi tên con lên lãnh thưởng tim con đập mạnh lắm làm con muốn
khóc luôn ! Tôi đứng im ôm cháu vào lòng ngheháu hạnh phúc dâng lên, chớp nhanh
đôi mắt. Từ ngày đi học tới giờ nó đâu có bao giờ được lãnh thưởng dẫu đó là
cây viết chì hay món đồ chơi, nay được hiệu trưởng khen nó mừng chảy nước mắt
là vậy. Các bạn của tôi có ai từng chia sẻ niềm vui với cháu
như trường hợp của tôi không? Tôi tin chắc
ít nhất bạn cũng một lần cảm nhận được
giây phút đáng yêu đó.
Nhắc lại năm cháu học lớp hai, khi nghe cô giáo khiển trách về sự học tập
quá bết của nó, ngày nào tôi cũng ép cháu học
hai môn Toán và Anh văn. Về Anh văn , tôi theo bảng hướng dẫn của cô
giáo mà dạy cháu đi tìm nhân vật chính, là ai? Kể ra? Kế đó tóm tắt nội dung
câu chuyện (main idea), ( sách cháu mang từ trường về độ 4,5 cuốn nhỏ, mỗi ngày
đọc một quyển, cho một tuần lễ). Kế đó cho biết câu chuyện xẩy ra ở đâu, diễn
tiến thế nào, nhân vật đối kháng là ai? tại sao? Kết thúc câu chuyện thế
nào? Em có thích câu chuyện nầy hôn?
Thích nhất là phần nào? Thú thật lúc đó cháu viết còn chưa thông từ ngữ tiếng
Anh nên đôi khi tôi phải viết ra cho cháu chép lại . Khi cháu được mẹ chở về
nhà nó, tôi nằm lăn ra ngất ngư như cá
ngộp nước ! Cháu mệt một mà tôi mệt mười, vì thương cháu mà tôi bất kể mệt nhọc.
Tôi không hiểu tại sao cô giáo đem bài dạy chương trình College xuống dạy lớp
hai? ( tôi đã học cách phân tích để viết một bài luận văn ở trường Mission
College, Sanjose CA hồi mới qua Mỹ mà nội dung giống hệt bài nầy ). Khi lên lớp
ba cháu không học chương trình nặng nề và khó như vậy nữa .
Về môn toán tôi cũng vất vả không
kém. Cháu làm bài tập gồm 2,3 phép cộng trừ liên tiếp giới hạn từ 1 tới 100 (
phép cộng, trừ có giữ), hoặc trong dãy cộng đó rút bớt một số ( biểu diễn bằng
ô vuông) với kết quả cho sẵn, ví dụ= 98.
Hãy tìm số nằm trong ô vuông đó ? ( tức tìm x trong phương trình bậc nhất đơn
giản trong đại số !) . Ở đây nhà trường đã đưa ra khái niệm cân bằng phương
trình ( concept of equilibrium equation) cho học sinh biết được hai vế cách
nhau bởi dấu bằng nhưng khi giải bài toán thì lại áp dụng tính chất của phép trừ
đơn giản ( cô giáo cho biết nhà trường đang áp dụng chương trình cải cách môn
toán). Phải công nhận là bài toán khó cho đứa nhỏ học lớp hai . Thông thường ở
VN mình dùng phương pháp chuyển vế vừa gọn vừa nhanh nhưng ở đây là lớp hai, Mỹ không cho chuyển vế, ngay cả bậc trung học cũng vậy !
Tôi "vật lộn" với cháu suốt cả năm học muốn chết! nhờ vậy cháu khỏi bị
khiển trách và khỏi xếp vào nhóm cá biệt
( phải học riêng).
Thế rồi đầu năm nay cháu lên lớp ba, tôi vẫn tiếp tục kèm dạy cháu 2 môn
Anh Văn và Toán. Về Anh văn thì chương trình có nhiều thay đổi, cháu không học
những bài khảo sát khó khăn rắc rối như năm lớp hai mà thay vào đó là đọc một
bài văn rồi tìm ý, chọn câu trả lời, xem câu nào đúng nhất ( ABCD choice), cuối
học kỳ I nâng cao trình độ: đọc 2 bài văn của 2 tác giả rồi so sánh nội dung ở
một vài điểm nào đó. Học thêm từ ngữ in sẵn trong giấy ( vocabulary), mỗi ngày
cháu phải học thuộc 10 từ mới, vào lớp cô giáo kiểm lại. Và viết Journal mỗi
ngày. Còn Toán thì ôn lại các phép tính cộng trừ, xong học tiếp nhân chia. Thực
hành trên hai loại toán: toán số và toán chữ. Về tính nhân và chia, họ dùng những
khái niệm thật đơn giản. Với tính nhân, thì áp dụng tính chất giao hoán trong
phép nhân, rồi minh họa bằng hình vẽ để tìm kết quả . Ví dụ :3*4 = 12, cũng bằng
4*3=12. Vẽ 3 hàng, mỗi hàng chứa 4 hạt đậu, hoặc vẽ 4 hàng mỗi hàng chứa 3 hạt,
đếm tổng cộng được 12 hạt ( đáp số). Ta thấy cô giáo xây dựng khái niệm căn bản
trước rồi mới áp dụng bảng cửu chương sau ( 3*4=12). Cô dạy (
Kha Tần) còn trình bày thêm cách khác
dùng cho học sinh kém toán : Lấy lại ví
dụ : 3*4, cô viết một dãy số bắt đầu số 3, rồi tăng dần theo cấp số cộng:
3,6,9,12,15…Đếm từ trái sang phải tới con số thứ tư ( vì nhân cho 4) rồi dừng lại ta có kết quả 12. Tôi nói dài dòng để bạn đọc hiểu thêm về
phương pháp dạy toán ở trường tiểu học
bên Mỹ .
Tôi kèm cháu học được 4 tháng, bỗng một
hôm tự dưng cháu "mở não ", tuyên bố
không cần ông ngoại dạy nữa vì cháu biết học rồi ! Tôi chưng hửng, có thật vậy hôn? Cháu quả quyết có thể
tự làm bài một mình. Hỏi ra mới biết cháu thưởng mở internet có lốt sẳn những
bài toán để học sinh tự giải bài tập ( hình như nhà trường install sẵn software
nầy). Còn Anh văn thì ngoài việc đọc
sách, cháu còn mở youtube coi thú rừng
hoang dã nên cháu thuộc tên mấy con thú
đó mà có nhiều tên tôi cũng không biêt`.
Cháu còn mở ra xem những người thợ sửa ráp xe hơi nên biết các bộ phận bên trong mà chính tôi đi xe
nhiếu năm cũng không biết gọi tên là gì
vậy mà cháu biết rành rọt . Cần nói thêm ba cháu là thợ sửa xe. Cháu ngồi trong xe lúc
đi học về, thình lình một chiếc xe khác chạy ngang, hỏi cháu xe đó là xe gì, nước nào sản xuất, có mấy máy cháu đều biết hết,
thậm chí máy xe nào có thể thay vào cho xe nào nữa ! Ôi. tôi phục cháu sát đất
! Quả thật tre tàn măng mọc là đây ! Cháu còn bảo khi nào ông ngoại đi mua đồ
thì chở nó theo để nó hỏi thêm về công dụng món đồ nhất là máy laptop hiệu nào có touch screen hiệu nào không. Cháu còn cho biết iphone 11 mới sản
xuất có 3 đèn nên hình chụp rất rõ, sắc nét ! Cháu còn bắt lỗi tôi đọc chữ mao- tần ( mountain)
sai, phải đọc là mao-tê-ần) , còn dầu cặn Diesel tôi đọc là đì -ơ -zel, cháu bảo sai , phải đọc là đi- zồ . Cháu còn “tài lanh” chê ông ngoaị : Ông ngọai
đọc như vậy Mỹ không hiểu đâu ông ngoại ! Tôi hết ý kiến, thấy mình lạc hậu
thua đứa cháu mới học lớp ba!
Kỳ nầy cháu đạt môn toán điểm A+ ,
còn Anh văn xếp level 4.0
Đính kèm giấy khen và bài “tiểu luận ”
cháu làm, được cô giáo chấm thưởng . Rất tiếc bài văn còn thiếu một đoạn
mà tôi không in vào được.
Nguyễn
Cang ( 13/12/2019)
*Ghi chú: Không lấy được hình ra nên không đăng kèm theo bài được,
304Đen xin thành thật xin lỗi và cám ơn anh nhiều.
No comments:
Post a Comment