Rạch
Cái Cau là ngọn sông Cái Lớn ăn qua địa phận tỉnh Cần Thơ. Trên ba mươi năm về
trước, đó là nơi sầm uất, lau sậy mọc um tùm quanh mấy gốc bần to lớn cỡ hai
người ôm không xuể. Sớm thì chim kêu, chiều thì vượn hú, quang cảnh buồn bã làm
sao ! Thỉnh thoảng, có người bảo rằng : giữa đêm khuya nghe tiếng cọp rống.
Những tin đồn đãi bất lành như vậy lần lần bị đánh tan và không còn làm cho ai
sợ sệt nữa. Kìa kinh Xáng Lái Hiếu vừa múc xong ! Ngọn nước bạc mát lạnh, ngon
lành đổ tuôn qua Rạch Giá, mang mấy dề lục bình lá xanh bông tím trôi phiêu lưu
từ sông Hậu Giang ra ngoài khơi vịnh Xiêm La xa thẳm.
Sông
rạch thông thương, vàm Cái Cau lần lần có người đến cất nhà đông đúc thành xóm
nhỏ, có ông hương ấp đứng đầu. Ông hương ấp họ tên gì ? Nhà ở lối nào ? Ðiều đó
khách thương hồ ít ai quan tâm đến.
Có qua
đây, dầu vô tình đến cách mấy đi nữa họ cũng phải chú ý đến một cái tên, hay
nói đúng hơn là một giọng hát : giọng hát của con Bảy đưa đò. Nó xa lạ nhưng
quen thân, ấm áp. Khi cất lên thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao
vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh ; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió
xao động cả giòng sông, chuyển rung mặt nước dẫu khi thuyền đã xa khuất. Nó trở
thành một lớp mù sương mờ ảo che lấp bóng dáng của người hát. Khách ngẩn ngơ
nhìn theo không còn thấy gì nữa tâm trí bâng khuâng giữa cảnh sông rạch âm u
với nhánh “bần gie con đốm đậu sáng ngời”.
Người hát hay thường thường là có nhan sắc.
Bao
nhiêu người tưởng tượng như vậy. Họ tìm tòi rồi đâm ra thất vọng. Vài người quả
quyết :
-Cô lái
đò này mặt rỗ hoa mè.
Nhưng
rồi không nói ra, họ cũng phải nhìn nhận một sự thật : con Bảy có gương mặt chữ
điền, đôi mắt đen lánh và vóc hình cao ráo.
Lý lịch
của con Bảy ra sao ? Chuyện đó lại càng khó hiểu. Chính ông hương ấp cũng chưa
rõ vì hồi đó đàn bà, con gái không mang giấy chứng chỉ nên không có ghi tên vào
bộ sổ. Mấy người ở lâu năm tại vùng này nói lại : năm đó, đâu từ miệt Cần Thơ,
con Bảy xuống đây gặt mướn. Có điều lạ là đến khi rồi mùa thì cất chòi mà ở
luôn chớ không về xứ. Năm sau, người mẹ già mang bịnh mà chết. Con Bảy đành
sống một mình, hằng đêm chuyên nghề bán bánh bò cho ghe xuồng qua lại để độ
nhựt ; sau đó, đưa đò. Xóm này bao nhiêu trai làng gấm ghé nhưng nó không ưng
ai. Lần lần thiên hạ phải dang ra.
Dạo nọ,
cậu trai làng con của ông hương ấp vừa học được câu hát :
–Hò… ơ… Anh muốn gá chữ lương duyên với em trăm năm tình chồng
nghĩa vợ. Mai sau anh có vô phần từ trần, xấu phước chết trước thì em ơi ! Ðừng
chôn xác anh dưới nước sâu sợ e con đỉa cắn, đừng chôn anh trên gò bởi ngại con
mối ăn…
Gái
trong làng không ai đối được. Cậu trai nọ thích chí hát mãi một câu ấy hầu khoe
tài khoe trí của mình. Nhưng đêm sau, giọng hò con Bảy trả lời :
–Hò… ơ… Em gá chữ lương duyên với anh trăm năm tình chồng nghĩa vợ.
Mai sau anh có xấu phần từ trần chết trước, em rước thợ Bắc về cẩn đá lục lăng
để chôn chàng.
Nghe
câu đáp, ai nấy tấm tắc khen ngợi. Khi nấm mồ được cẩn đá thì sợ gì đỉa cắn,
mối ăn. Ðó là cách giải quyết ổn thỏa nhất của mối tình bền như đá. Cậu trai nọ
suy nghĩ tìm nhớ câu rao khác để thử tài con Bảy. Nhưng giọng con Bảy vội đuổi
theo :
–Hò ơ… Gái tôi không hò đến chuyện Tây Du thì thôi, chớ hò đến
chuyện Tây Du thì nhắc từ thuở xưa kia Tề Thiên Ðại Thánh loạn Thiên Cung đánh
trời giành đất làm cho ông Nhạc Hoàng xang bang xấc bấc, đến chừng thác xuống
đất bị Ngũ Hành Sơn chụp đè. Phật Bà có dặn : Này Tôn Hành Giả ơi ! Nằm xuống
đây chờ chừng nào Tam Tạng đi thỉnh kinh mi hãy đi theo làm đệ tử, Tam Tạng đi
đến chợt thấy Tề Thiên nên mau mau chạy đến gỡ hai lá bùa… Tề thiên vùng mình
đứng dậy được, nhưng mình mẩy thì ôi thôi… rong rêu đóng giáp, lỗ mũi thì cỏ
mọc xanh lè… Bớ trai chàng có thấy không?
Cậu
trai đành chịu thua không đáp được, về nhà sanh bịnh tương tư. Trong cơn bịnh
triền miên, có lần cậu đánh bạo bơi xuồng qua nhà con Bảy để tỏ nổi lòng :
–Hò… ơ… Hột châu nhỏ xuống
khoang hầm,
Em ơi ! Phận em là gái phải có chồng nay mai.
Con Bảy vội đáp :
– Hộ hôn, điền thổ, đổ lửa mái
nhà,
Ðứa nào muốn bậu, ông bà cháy tiêu…
Tức tối
biết bao nhiêu ! Cậu trai quay trở về. Quả thật cô ta hỗn xược dám khinh rẻ cậu
và cả đám trai tơ ở xóm vàm này. Cũng may, câu đáp ấy nhỏ giọng vừa đủ cho cậu
nghe thôi. Câu âm thầm ôm mối hận, hằng đêm tự an ủi :
–Ðèn treo Trường án, tỏ rạng bờ
kinh.
Bình Thủy lưu linh, đáo lại Long Tuyền.
Trà Niền, Kinh Xăng, Ba Láng, Cái Răng
Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng.
Có đâu thua bạn, bạn hành cười chê…
Nhưng ở
đồng quê, chuyện gì xảy ra lần lần thiên hạ đều hay biết. Họ không tiếc lời để
mỉa mai con Bảy :
-Ừ,
Trời cao có mắt. “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”. “Trèo cao té nặng. Ngó cao
đau ót”.
Cái ngày
ấy lại đến.
Như
thường lệ, con Bảy sửa soạn lên bờ ngủ. Khuya ít có khách sang ngang. Hơn nửa,
trời chuyển mưa đen kịt phía Nam. Nhưng kia, một ánh đèn nho nhỏ chói lềnh bềnh
giữa sông, từ từ trôi lại như cố ý đón đầu :
–Hò… ơ… Thân anh như con phụng
lạc bầy.
Thấy em lẻ bạn, anh muốn vầy duyên loan.
Câu rao
ấy thuộc loại tầm thường ! Nhưng cảm mến cái giọng trai ấm áp, con Bảy hát lại
:
–Gặp mặt anh đây, em muốn vầy
hai họ,
Sợ vợ anh ở nhà tiếng nọ tiếng kia.
Khách cười to :
–Anh nói với em, anh đã có vợ
nhà.
Vợ thì mặc vợ, anh xử hoà thì thôi !
Thừa
lúc con Bảy đang rối trí, khách hò thêm một hơi :
–Anh thương em, thương quấn
thương quít,
Bồng ra gốc mít. Bồng xít gốc chanh.
Bồng quanh đám sậy. Bồng bậy vô mui.
Bồng lủi sang lái. Bồng ngoáy trước mũi.
Ðặt em nằm xuống đây…
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng, miệng đắng, cơm hôi.
Tiếc công anh đỡ đứng, bồng ngồi.
Bây giờ em vinh hiển… em bắt anh đi bán nồi làm chi ?
Ý trách
người tình nhân bạc bẽo ! Trí nhớ của con Bảy bao giờ cũng có cách sẵn sàng ứng
phó :
–Bánh bò một vốn ba bốn đồng lời, khuyên anh ở nhà cứ việc ăn chơi.
Ðể em đi bán kiếm ít tiền lời, trước nuôi ba với má, sau lại nuôi mình…
Cũng là tưởng nghĩa tưởng tình. Ai dè anh bạc nghĩa em phải ở một mình bơ vơ !
Khách
bên xuồng nọ lên tiếng :
–Ờ nàng ơi !
Khiến nghĩa bất vi vô dõng giã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Nàng còn nghĩ
phận chữ tùng, thì trao dây xích buộc vòng sau đây.
Tức thì
khách quày xuồng đi trước, rủ con Bảy tranh tài với khách. Nào chịu thua, con
Bảy liền bơi theo sau.
Mái chèo phía trước nhịp nhàng :
–Ðêm khuya anh thức dậy xem trời
;
Anh thấy sao Nguyệt Bạch, ngó xuống lòng rạch, anh thấy con cá chạch nó lội đỏ
đuôi.
Nước chảy xuôi, con cá buôi nó lội ngược.
Nước chảy ngược, con cá nược nó lội theo.
Anh than với em rằng số phận anh nghèo.
Ðũa tre đâu dám đánh đèo với đũa mun.
Giọng
con bảy lảnh lót đuổi theo :
–Canh khuya em thức dậy, em lau
nĩa rửa dĩa, dọn bàn,
Tay em san rượu chát, miệng em hát một đôi câu.
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ,
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh.
Em đây lịch sự chi đó mà đi đâu năm bảy người giành ?
Giả như con cá kia ở chợ, dạ ai đành nấy mua.
Ðến
khúc sông vắng, xuồng của chàng từ từ dừng lại. Con Bảy cũng lơi mái chèo. Bên
ngọn, gương mặt của chàng rõ ràng là khôi ngô, tuấn tú. Chàng nói :
-Cô Bảy
hò hay quá.
Con Bảy
cúi đầu :
-Anh hò
hay hơn em đó chớ !
-Anh
khen cái giọng hò của cô em. Nghe sao mà ngộ quá. Cô em dạy cho tôi…
-Có gì
mà dạy. Ðó là điệu “hò bánh bò” bắt chước giọng rao bán bánh bò trên sông. Ở
đây sông rộng, nhà cửa, ghe xuồng thưa thớt. Mình phải có giọng vừa cao vừa
dài, che lấp hết, để cho ai nấy nghe được mình. Khó hơn giọng hò cấy nhiều lắm,
vì hò cấy có nhiều người ở gần mình để “hòa hơi” theo. Ở đây mình hò một mình.
Ðôi mắt
của chàng sáng lên, ngạc nhiên :
-Vậy
sao ? Hồi nào tới giờ tôi không hiểu rành.
-Ủa !
Chàng ở xứ lạ mới đến à ?
-Phải.
Tôi ở Bình Thủy-Phong Ðiền xuống đây. Nhưng ở đâu cũng là non với nước.
-Em gốc
ở Ba Láng. Vậy là cũng như một quê. Em đến đây hai năm rồi. Lúc này ở trển ra
sao ?
-Cũng
vậy… Hồi tháng sáu, Tây ăn lễ lộc gì đó. Cụ cử Hoành ở Sa Ðéc không chịu treo
cờ của nó trước nhà. Thiên hạ đồn, không biết hư thiệt… rằng ngày lễ ấy cụ treo
quần trước cửa để phản đối. Ở Bình Thủy, cụ Tòng Hiên làm bài thơ tự trào. May
thay, hương chức làng giấu nhẹm nhưng vẫn thấu tai quan trên. Lúc đề bài thơ
ấy, cụ Tòng Hiên kẹp ngọn bút ở giữa hai ngón chân mà viết. Ngạo nghễ quá ! Khí
khái quá ! Vừa rồi ở Cái Răng có người bị tình nghi vì đã chép bài thơ “Vịnh
chó chết trôi sông” Của cụ Cử Trị mà dán giữa nhà. Vì vậy, tôi phải đi. Qua đây
gặp cô, vui biết mấy. Thôi ta tạm biệt…
Nghe qua, con Bảy bùi ngùi tấc dạ ; Từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng
trai đó cũng không xa mấy. Con Bảy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn
bần.
-Bao
giờ chàng trở lại. Em xin chờ.
Chàng
cười mà đáp :
-Cám
ơn.
-Lời em
hứa là chắc. Hay chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.
-Ðâu
phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa của tôi. Chí trai bốn biển là nhà.
Không có sức như chim bằng, như cá kình chớ phận con se sẻ, con tép, con tôm
này cũng đòi học ngao du trong vòng đất nước nhỏ hẹp.
Dứt
lời, chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bảy xúc động, rưng rưng nước mắt. Duyên
may một đời chưa chắc gặp hai lần.
-Vậy
thì xin chàng dạy lại cho em một đôi câu hò… để em nhớ đời.
-Cô hò
đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dạy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm
lòng này…
“Một
tấm lòng” ! Con Bảy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì
chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya.
Cầu cao ba mươi sáu nhịp,
Em qua không kịp,
Nhắn lại cùng chàng :
Cái nghĩa tào khang sao chàng vội dứt ?
Ðêm nằm thao thức, tưởng đó với đây,
Biết nơi nao cho phụng gặp bầy,
Cho le gặp bạn,
Ruột đau từng đoạn,
Gan thắt chín từng,
Ðôi ta như quế với gừng,
Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi.
Bây
giờ, con Bảy đưa đò đã già ; người ở chợ vàm lại kêu bằng dì Bảy Ðò. Cứ mỗi
sáng, dì ngồi đó nhưng tâm trí bâng khuâng theo câu hát nói trên. Chàng trai
trẻ năm xưa như con nhạn bay xa. Phận của dì ví như con le bơi lội lẩn quẩn
trong ao hồ nhỏ hẹp. “Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi”. Phải chăng là dì
năn nỉ chàng trai năm xưa đừng khinh dì là người kém lòng yêu non nước ? Mấy
năm rồi, dì không còn đưa đò nữa. Ngang kinh Xàng đã có cây cầu sắt. Trên, xe
hơi chạy. Dưới, tàu đò đưa. Ngay tại vàm xóm nhà cũ lần lần tản ra, nhường chỗ
cho một nhà lồng chợ.
Hồi nào
thênh thang trời rộng sông dài, giờ đây dì ngồi lì một chỗ. Hồi nào trăng trong
gió mát, giờ đây dì phải chịu đựng từ hừng đông tới lúc tan chợ trưa, bên một
lò lửa cháy và một nồi nước sôi ! Nãy giờ chúng tôi quên nói rõ : dì chuyên bán
thịt heo luộc.
Nếu
thời xưa dì nổi danh về câu hát câu hò, ngày nay món thịt heo luộc của dì cũng
ngon ngọt không đâu sánh kịp. Thịt heo già, thịt heo nái mà dì luộc rồi thì
cũng trở nên mềm mại, không dai, da thật dòn. Bởi vậy, lắm người ở chợ lân cận
đến đây tìm mua cho được để nhậu hoặc ăn với bánh hỏi.
Lắm
người khách tò mò :
-Dì Bảy
à, Dượng Bảy đâu rồi ! Sao ở đây không ai biết cả ?
Dì đáp
:
-Dượng
Bảy đâu còn ! Cũng như không. Dì… ở góa hằng chục năm rồi mấy cháu à…
-Làm
sao thịt heo của dì luộc ngon quá vậy ? Chỉ cho chúng tôi học với.
-Có khó
gì đâu. Nhưng… mà khó lắm ! Phải luộc trong nồi nước có để chút xíu phèn. Ðừng
cho nước quá sôi mà hại đó mấy cháu ! khi nước sôi thì đổ vô một lon nước lạnh.
Cứ như vậy hoài. Dì chỉ cho nhiều người nhưng họ luộc không ngon, nói rằng dì
giấu nghề…
-Ờ…
nghe mấy bà già nói rằng hồi đó dì đưa đò, hò hát hay lắm phải không dì Bảy ?
Dì nhớ lại, dạy dùm chúng tôi…
Thiệt
là khó quá. Không dạy, e mang tiếng làm hiểm. Mà dạy thì dạy làm sao ? Ngồi đây
mà nhớ đến cái thời xuân xanh năm nào ! Nó như chiếc lá già rụng, mục nát trở
về lòng đất để làm phân cho nghững cây tơ khác đâm lộc nẩy hoa. Nó như một
chiếc xuồng cũ kéo lên trên đất khô, phơi dưới ánh nắng day gắt. Còn đâu hơi
gió cũ ? Còn đâu ánh trăng xưa ? Còn đâu hơi thở, còn đâu dáng người ? Còn đâu
bến sông “nhánh bần gie con đốm đậu” ?
Buộc
lòng dì Bảy nói một câu :
-Cái
việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ
ợt. Nhưng mà công phu lắm.
-Công
phu là thế nào dì Bảy ?
Im
Lặng, chập sau dì đáp :
-Ở đây,
hồi đó có người nói là cần “một tấm lòng”.
Sơn Nam
No comments:
Post a Comment