Hương Hành Kho
Hồi
bốn giờ rưỡi, bà Vĩnh Xương nói lớn lên nỗi lo lắng của bà:
–
Hay là họ tìm nhà mới nầy không được?
Ông
Vĩnh Xương đang khuấy xi-rô trong ly rôm nguyên chất, cười ha hả mà rằng:
– Bộ
bà tưởng họ khù khờ như người “khuê môn bất xuất” là bà hay sao? Một thằng ở
bên Tây về, còn một thằng từ bên Xiêm qua…
Ông
Vĩnh Xương không theo dõi chánh trị, cứ quen miệng gọi Thái lan là Xiêm.
Đến
lượt bà Vĩnh Xương bật cười:
– Ừ,
thằng ấy từ bên Xiêm qua, nhưng nó về xứ hồi bốn tuổi thì cũng không phải là
tay giang hồ dọc ngang trời biển gì đâu mà thạo đường.
Biệt
thự mới của nhà thầu khoán Vĩnh Xương cất ở một nơi hẻo lánh, dựa thôn lộ số 22
của tỉnh Gia định, dẫn từ ngã năm Cây Quéo vô Gò vấp. Đó là một con đường vô
danh đối với người Sài gòn mà cho đến cả một số tài xế tắc-xi cũng không biết.
Nhưng
ông Vĩnh Xương tin chắc rằng họ sẽ tìm được, vì họ là hai kẻ rấp ranh lượm cầu
mà cô Thúy, con gái độc nhứt của ông, đang gieo cầu. Ông giàu, còn Thúy là hoa
hậu, thì ông mà có xây cất nhà cửa ở trên Cheo reo, họ cũng tìm được.
Họ
đã đến chơi nhà ông trên mười lăm lần rồi, lần nào họ cũng được mời tới cùng
một lúc với nhau. Ông bà Vĩnh Xương tiếp đãi niềm nở cả hai người, cho con gái
ra đàm thoại với họ, nhưng ông cứ làm như quên rằng họ đã cầu hôn, không hề đá
động đến vấn đề đó, chớ đừng nói là không chịu trả lời dứt khoát.
Bà
thường hỏi nhỏ ông trong phòng the:
–
Đến mấy thế kỷ nữa ông mới quyết định?
–
Khó liệu quá!
–
Quả khó thật! Cả hai đứa đều là kỹ sư điện, đều bảnh trai và có giáo dục, nhưng
tôi nghĩ đó là quyền hạn của con Thúy, nó chọn ai tùy lòng nó, sao ông không
hỏi nó để cho một đứa khỏi mất công đeo đuổi?
– Cả
hai đứa đều có khuyết điểm, tôi do dự vì khuyết điểm của chúng nó chớ không
phải bối rối không biết chọn đứa nào đức tính nhiều hơn.
–
Thằng Côn học ở đây, chắc phải dở hơn thằng Tập học bên Tây, có phải như vậy
không ông?
–
Không, trường nào cũng có thể sản xuất nhơn tài.
–
Chớ còn…
–
Như thế nầy: thằng Tập là con nhà thợ thuyền lao động.
–
Nghe nói ông già nó làm ông gì lớn lắm bên ấy mà!
–
Đâu có! Cha nó hồi chiến tranh được mộ làm thợ không chuyên (O.N.S.) cho Pháp.
Tại Ba-lê, ba nó gặp má nó làm bồi cho một ông quan thuộc địa về hưu. Nó sanh
đẻ ở Ba-lê.
–
Như vậy thì rất dễ tính vì thằng Côn là con của cai tổng.
–
Cũng không phải. Chỉ là con nuôi thôi. Nó là người Xiêm.
–
Thật à? Tôi ngỡ ông nói cà rỡn chớ?
– Ba
nó là một sĩ quan Xiêm, đảo chánh hụt năm 1941, tị nạn ở đây. Má nó bỏ mình
trong cuộc đảo chánh, ba nó thương nó quá, mang nó theo hồi nó bốn tuổi. Mấy
năm sau ông ấy mới cho nó cho ông cai tổng Lành trên Bình dương nuôi làm dưỡng
tử.
–
Thì nó là con quan võ rồi, còn gì hơn!
–
Nhưng nó mang máu phiêu lưu, sẽ rắc rối về sau lắm. Cái thứ phiêu lưu, nó sẽ
làm xằng cả đời thì khổ cho con mình.
Rồi
ông Vĩnh Xương thở dài mà thêm:
–
Ông vua Hùng Vương ổng nhẹ trách nhiệm hơn tôi không biết bao nhiêu! Sơn Tinh
và Thủy Tinh bằng tài nhau, hai anh kỹ sư này cũng vậy. Nhưng đời nay không thể
đưa cái điều kiện nạp sính lễ sớm như đời xưa.
–
Hay là không gả cho thằng nào hết. Con mình thiếu gì đám gắm ghé!
– Nó
cũng đã tới tuổi rồi, gặp nơi phải chỗ, nên tính cho xong.
Trong
khi ấy thì ở buồng cạnh sân thượng, nơi ông bà Vĩnh Xương đang giải khát và
hứng gió, cô Thúy mở cửa sổ trông xuống đường nhìn về Ngã Năm Cây Quéo.
Thúy
không ngóng chồng mà chỉ mong đợi người con trai đã làm cho tim dại của cô bắt
đầu rung động.
Cách
đây ba tháng, khi nghe cha kể lai lịch của hai thanh niên cử tử, Thúy buồn cười
quá mà hình dung ra một người Thái lan trẻ tuổi, mập và lùn, đi cà nơ như một
con vịt Xiêm. Ừ, loại vịt Xiêm đi như vậy và danh từ xưa “Xiêm” mà ông cụ đã
dùng, khiến cho nàng liên tưởng ngay đến một con vịt Xiêm.
Nhưng
lần đầu hai người khách trẻ tuổi ấy được mời đến ăn cơm tối, hồi gia đình còn ở
tại trung tâm thành phố, Thúy đã kinh ngạc mà thấy cả hai đều mảnh khảnh, người
nào cũng trái hẳn hình ảnh mà nàng đã vẽ vời ra trong trí.
Riêng
một trong hai người đó, đã làm nàng bối rối, lúc hắn hỏi nàng một câu đầu,
trong buổi gặp mặt đó.
Đến
giữa bữa ăn, Thúy mới biết chàng là Côn, mà Côn là người thanh niên Việt gốc
Thái lan mà ông cụ nàng đã nói đến.
Tập
tương đối đẹp trai hơn, “mông-đen” hơn – sanh trưởng ở Ba-lê mà lại! – biết
nịnh đầm hơn, nhưng không hiểu sao Thúy lại bị xúc động trước Côn trong khi đó
thì nàng không nghe gì khác lạ khi trò chuyện với Tập, mà nàng chỉ xem như một
người bạn trai thường.
Từ
ấy những nay, nàng cứ mong Côn đến chơi. Câu chuyện chồng con là ông cụ bày vẽ
ra thôi chớ riêng Thúy, nàng không nôn nao về vấn đề đó lắm. Nàng chỉ nghe rạo
rực yêu đương mà Côn là ông hoàng đẹp trai của mộng gái thơ, đến rất đúng lúc,
cái lúc mà mộng đang lớn mạnh.
Năm
giờ kém năm. Thúy xem đồng hồ tay rồi bứt rứt, và như mẹ, nàng thầm lo họ tìm
không được ngôi nhà mới nầy.
Nhưng
mà kia, họ đến: chiếc Simca l.000 của Tập chạy trước, chiếc 203 cũ mèm của Côn
theo sau.
Hai
anh chàng nầy thật là dị kỳ. Không hẹn nhau, hơn thế, còn muốn lẩn tránh nhau
là khác, họ lại cứ bị đụng đầu với nhau mãi, ngay từ lúc sơ giao giữa họ với
gia đình nàng đến giờ. Ban đầu họ ganh tị nhau, có vẻ thù nghịch nhau, nhưng
thấy ông cụ cầm cân đúng mực, họ đành phải hòa với nhau cho đúng tinh thần thể
thao. Hai người cùng làm điện cả và Thúy tự hỏi về sau, anh chàng hỏng giò sẽ
tấn công trả thù anh chàng tốt phúc bằng thứ khí giới nào? Chớ kỹ sư điện khó
lòng mà gây thủy tai như con tinh ở biển ngày xưa.
Cả
hai xe đều vào sân, và hai người khách được quản gia mời lên lầu ngay.
Thúy
hồi hộp lắng nghe tiếng bước của bốn chiếc giày, cố truy tầm căn cước của nhịp
bước bạn, nhưng chịu là không phân biệt được vì họ bước mạnh y như nhau.
Nàng
còn phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ nữa mới được ra mặt. Ông cụ bà cụ nàng muốn
dung hòa Âu Á, cho phép nàng tiếp họ, nhưng hạn chế thời gian gặp mặt. Lần nào
cũng thế cả, và sau bữa ăn là nàng phải xin phép rút vào phòng liền.
Cô
con gái của ông Vĩnh Xương lấy truyện trinh thám ra đọc, mong một đoạn hấp dẫn
nào lôi cuốn cô vào câu chuyện để quên những phút giây chờ đợi dài như hàng thế
kỷ. Nhưng không thể được. Nàng cứ muốn gặp mặt ngay người con trai ít nói, có
gương mặt thật thà nhưng giọng đượm một âm sắc chân thành, mắt mãnh liệt sống
tất cả những tình cảm đang sôi nổi một cách lặng lẽ nơi lòng chàng như canh hầm
trong một cái nồi đậy vung thật kín.
Thúy
đợi đến muốn rã cả lòng mới nghe mẹ gọi:
–
Thúy a! Ra đây, con.
Đây
là giây phút khổ sở nhứt của người thừa tự độc nhứt của nhà Vĩnh Xương.
Mối
cảm kích, nỗi cuồng hỷ của nàng khi thấy mặt Côn, nàng phải cố mà che giấu,
không phải sợ mẹ cha mắng khi khách về rồi, mà vì không thể ban cho cả hai, cảm
tình bồng bột của nàng, mà chỉ một người được ân huệ thì người kia sẽ buồn, mất
lịch sự quá.
Thúy
phải chia đều ân cần, thành thử không nồng nhiệt với người lý tưởng của nàng
được.
– À,
hai anh!
– Cô
Thúy!
Cả
hai đều đứng dậy và Thúy hỏi:
–
Hai anh tìm nhà có khó lắm không?
Mỗi
người trả lời bằng một lối văn khác, nhưng đại ý là như vầy: “Tôi phải đến sở
đạc điền tìm địa đồ làng Bình hòa xã đấy. Nhưng được cái là đến đây, gặp hai cụ
với cô thì bao nhiêu mất công đều được đền bù xứng đáng”.
–
Hai anh thấy nhà mới như thế nào?
–
Kiến trúc hết sức tân thời, Tập đáp.
–
Khung cảnh quanh đây nên thơ lắm, đó là câu trả lời hơi lạc đề của Côn.
Bà
Vĩnh Xương hơi phật ý. Người ta hỏi nhà mới thế nào? Cái anh lù khù lại đưa ý
kiến về phong cảnh chung quanh, làm như ngôi nhà bảy triệu của bà không đáng
kể.
Không
bảo nhau mà cả bốn người, trừ bà Vĩnh Xương, đều đưa mắt một vòng ra ngoài.
Bên
kia đường, một kiểng chùa cổ với mấy cây phù đồ rêu phủ, vây quanh vị lãnh tụ
tinh thần ấy là mấy mươi nếp nhà lá cất giữa những miếng vườn con con. Sau lưng
xóm, đồng trống trải ra xanh nõn, cho tới một con rạch nhỏ uốn khúc quanh co,
rồi một bức tường cây cối hình bán nguyệt, đóng khung tất cả lại, nơi chân
trời.
Khói
thổi cơm chiều, một buổi chiều gió nín, mọc lên từ các mái lá xám xịt, giống
như khói của những nén hương khổng lồ, mà Phật tử trong vùng thắp lên để tỏ
lòng sùng bái đấng Từ Bi.
Bỗng
ông Vĩnh Xương và người thanh niên tên là Côn, cả hai đều hỉnh mũi, ngước lên
đó đón gió, một ngọn gió vắng mặt, cố tìm thêm trong không khí một cái mùi vừa
thoang thoảng bay lên tận sân thượng nầy.
Đó
là mùi đặc biệt của hương hành lá pha với mùi nước mắm của một trách cá kho nào
vừa sôi.
Ông
Vĩnh Xương xoay lại nhìn Côn rồi mỉm cười như để phân trần: “Ấy, thuở bé tôi ở
nhà quê nên mùi của món ăn thôn dã nầy rất quen thuộc với tôi… anh khó chịu lắm
hả?”
Côn
không đáp mà giựt mình dáo dác nghe ngóng! Tiếng chuông chùa vừa nổi lên, ngân
nga trong gió chiều mới thổi. Nhưng hình như là hắn không phải lắng nghe tiếng
chuông chùa, gần quá, rõ quá, mà trông về đằng xa, nghe một thứ tiếng bí mật
thì thầm nào.
Trong
khi đó thì Tập chỉ một ngôi chùa bằng sứ cất cheo leo trên sườn đồi núi ở bộ
giả sơn mà ông Vĩnh Xương đã cho xây giữa sân thượng, rồi hỏi Thúy:
–
Mái nhà sao lại cong quớt lên như vậy, cô Thúy?
– Đó
là mái nhà của người Tàu họ kiến trúc như vậy. Chớ anh không thấy nhà chùa vẽ
trên các bao nhang sao?
–
Không, tôi mới thấy lần đầu trong đời tôi loại mái nhà kỳ dị nầy.
–
Mái chùa dưới kia cũng cong cong.
– À,
tôi không có nhìn xuống dưới ấy.
Chỉ
có bốn người mà họ chia thành hai nhóm một cách vô tình, nói chuyện riêng rẽ
với nhau. Bà Vĩnh Xương hơi bực mình trước cảnh bị bỏ rơi của bà.
–
Anh khó chịu lắm à? Ông Vĩnh Xương hỏi lên câu hỏi thầm lặng của ông.
–
Không, thưa bác. Trái lại nữa. Những sợi khói trắng mỏng, tiếng chuông chùa và
nhứt là mùi hành kho, ba thứ ấy xuất hiện cùng một lúc gợi cho cháu nhớ thời
thơ ấu của cháu quá Thời ấy, sau nhà dưỡng phụ của cháu cũng là một xóm nghèo,
ở dưới trũng, với ngôi chùa cổ danh tiếng là chùa Hội Khanh.
Thưa
bác, năm ngoái, đi tu nghiệp bên Tây Đức, cháu vào làng Leonberg Eltingen để
thăm một người đàn bà Việt lấy chồng Đức và theo chồng sống ở đó. Bà ấy để dành
được một ve nước mắm, và hôm ấy bà ta đã đãi cháu món cá kho, kho bằng thứ nước
xốt của quê nhà giấu kín gần mười năm rồi,với một thứ rau có mùi tương tự như
hương hành ta. Đó rồi bà ấy với cháu, cả hai cùng ngồi trong nhà bếp để nhớ nhà
và thương mến quê hương (bên Âu châu các gia đình khiêm tốn tiếp khách tại nhà
bếp, vì nhà bếp của họ là nơi sạch sẽ nhứt trong nhà).
Mắt
ông Vĩnh Xương bỗng sáng lên rồi ông đâm ra bối rối, vì phấn khởi hơn là vì một
bài toán bể đầu nào. Ông hối người nhà đưa đồ nhắm lên để khách uống khai vị
cho ngon, và săn sóc hai thanh niên nầy như là thượng khách.
Bà
Vĩnh Xương và Thúy quan sát người gia trưởng thì thấy ông ấy hôm nay vô cớ bộc
lộ tất cả vui sướng y hệt như là ông vừa đại thắng trong một cuộc doanh thương
nào.
Nhưng
lạ lùng hết sức, vào đầu bữa ăn, ông tuyên bố với khách rằng cả gia đình ông
đều có hẹn gặp mặt một gia đình bạn, ngoài Sài gòn, hồi bảy giở rưỡi. Bà Vĩnh
Xương và Thúy không hề được báo tin nầy, trước đó. Bữa cơm thật vui, nhưng
không kéo dài. Khách biết điều, quyết trả tự do cho ông vào giờ ông cần ra đi,
nên họ xin phép rút lui ngay sau bữa ăn gần như là tốc hành nầy. Thúy không
phải lánh mặt sớm nữa, nên đưa khách xuống dưới nhà rồi tiển họ ra tận cổng.
Khi
nàng trở lên lầu, toan vào buồng mình thì nghe được câu đối thoại sau đây của
cha:
–
Tôi đã quyết định được rồi đó! Tôi gả Thúy cho thằng Việt Nam!
Thúy
rụng rời, nghe choáng váng cả người, rồi lảo đảo, nàng té quị xuống.
Nghe
tiếng động, ông bà Vĩnh Xương day lại và hoảng hốt, bà kêu rú lên:
–
Con tôi, trời ơi, con tôi chết rồi ?
Hai
vợ chồng khiêng con vào buồng của cô ấy. Thúy toát mồ hôi dầm dề.
–
Con ơi, sao con thế này, con?
–
Con chóng mặt quá à! Con mệt lắm.
–
Con tôi đau tim, ông ơi, gọi đốc-tơ mau lên!
Ông
Vĩnh Xương không gọi ai cả mà chỉ chạy tìm nước lạnh thôi.
Thúy
ôm mẹ khóc oà.
–
Làm sao con? Lát nữa có thầy thuốc, con ráng sống thêm để đợi ông ấy.
–
Chắc con chết, má ơi!
Bà
Vĩnh Xương khóc hu hu, vừa khóc vừa réo chồng.
– Má
ơi, con không thể lấy ông Kỹ Sư Tập được, con không chịu đâu, ba gả con cho ông
ấy, chắc con phải chết.
–
Trời, té ra như vậy? Mầy làm tao hết cả hồn vía. Được, để tao nói với ba mầy
liệu lại.
Bấy
giờ ông Vĩnh Xương bưng ly nước, thần tốc phóng vào buồng. Ông ngạc nhiên mà
thấy hai mẹ con Thúy tỉnh ru, hơn thế, bà Vĩnh Xương sẵn sàng khiêu khích để
gây sự:
–
Tôi nhứt đinh không nhận thằng Việt Nam, bà Vĩnh Xương nói bằng một giọng cương
quyết, không tha thứ cuộc thảo luận nào hết.
Thấy
con đã hồng hào da mặt trở lại, ông Vĩnh Xương hết lo, đặt ly nước lên đầu tủ
đầu giường của Thúy, cười ha hả rồi nói:
– Bà
có biết thằng Việt Nam là thằng nào hay không mà bà làm dữ như vậy?
–
Thằng Việt Nam là cái thằng…, cái thằng không phải là Xiêm đó, chớ ai?
–
Ấy, bà không biết mà! Chính cái thằng Xiêm ấy mới là Việt Nam.
–
Sao lạ vậy? Ông điều tra lộn hử?
–
Không. Nhưng nó có một quê hương nhỏ để mà thương, mà nhớ. Quê hương nhỏ của nó
lại nằm trong quê hương lớn là nước Việt Nam. Vậy nó sẽ thương quê hương lớn
bao bọc quê hương nhỏ thân mến của nó.
Còn
quê hương nhỏ, với chơn trời quen thuộc, thân yêu, của thằng Tập là một xóm ở
Ba-lê. Thằng Tập sẽ yêu nước Việt nam đúng y theo sách vở nói, chớ không yêu
bằng tấm lòng như thằng Xiêm đâu.
Thúy
ôm mẹ rồi cũng khóc òa như khi nãy, nhưng đấy là những giọt lệ sung sướng. Nàng
vừa khóc vừa nói:
– Ba
nghĩ đúng, cái thằng Việt Nam Tập, thật ra một người Pháp Lăng Sa.
– Ừ,
xa lắc! Bà Vĩnh Xương tiếp theo ý nghĩ của con, bất chấp ý thiệt của danh từ.
Bình Nguyên Lộc
304Đen – llttm -tvvn
No comments:
Post a Comment