Nghe
cô bạn báo tin là đã tìm được việc làm, Doãn rời Cali nắng ấm, dẫn theo đứa con
gái đang còn học cấp ba, qua vùng New England giá lạnh. Thấy chỉ hai mẹ con dắt
díu nhau, cô bạn sửng sốt:
-Thế
anh Hùng đâu?
Doãn
cười buồn:
-Tụi
tui bỏ nhau rồi.
-Trời
ơi là trời! Sao mà đến nông nổi này, Doãn? Ngoại tình? Gây gỗ nhau hàng ngày?
Tiền bạc không rõ ràng, sòng phẳng? Hay mẹ chồng khó tính?
Doãn
xua tay:
-Tui
có cái may là không dính gì đến mấy chuyện đó. Nhưng vô phước lại dính đến một
cái khác, còn tệ hơn. Nhưng chuyện dài lắm, phải có thì giờ mới kể hết được.
-Lạ
chưa!
-Ừ,
thì lạ. Tóm tắt là như thế này: Hùng ghen.
-Tưởng
gì. Có ghen mới có yêu, có yêu mới có ghen. Vợ chồng ai mà không có lúc ghen
tuông này nọ. Tụi tui cũng vậy thôi, đâu có khác gì bà.
-Ghen
tuông vớ vẩn thì nói làm gì. Hùng mắc bệnh ghen. Cái gì ông ấy cũng ghen, kỳ
quặc hết chỗ nói. Trang điểm ngó cho được mắt đi làm, cũng thắc mắc: để cho mấy
thằng đàn ông trong hãng ngắm phải không? Mua cái áo đẹp cũng hỏi: có chồng hai
con thì cần gì phải mặc áo đẹp. Xin về Việt Nam thăm nhà, thì đay đi nghiến
lại, nói là về để thăm thằng bồ cũ. Thế thì còn được đi, ghen kiểu này mới
chết. Ông anh họ tui từ tiểu bang khác tới chơi, ông ấy đi làm về thấy hai anh
em tui đang ngồi nói chuyện, chẳng nói chẳng rằng, tới tát ngay mặt ông anh họ
tui một cái tát xửng vửng. Một lần khác, buổi chiều xong ca, hãng cần hàng gấp,
yêu cầu công nhân ở lại thêm ít chục phút làm cho xong, ông ấy về nhà không
thấy tui, chạy tới hãng tìm, vào thấy tui với mấy bà đang còn ngồi làm, liền đi
tìm thằng Mễ group leader gây gỗ, vác nguyên cái ghế ném thẳng vào nó, may mà
không trúng. Kể sơ sơ vậy, bà nghĩ xem, tui làm sao chịu nổi…
-Ờ…ờ…ghen
kiểu đó thì thiệt tình đây là lần đầu tui nghe kể… Mà thôi, đèn nhà ai nấy
rạng, tui không ngờ bà lâm cảnh éo le như thế. Đã lỡ, thôi cứ ở đây, tiểu bang
này job nhiều lắm, tha hồ mà chọn lựa. Cứ đi làm cái đã rồi hẳn hay.
Nửa
tháng sau, cô bạn đã tìm được việc làm cho Doãn. Ngày đầu tiên đi nhận việc, cô
bạn chở Doãn đến hãng, dặn:
-Có
một số người Việt làm trong hãng. Tạm thời chưa có xe, tui chở bà đi hàng ngày.
Chiều, tui có nhờ người chở bà về. Đển cuối tuần này, vợ chồng tui sẽ dẫn bà đi
mua xe. Ở đây tuyết dữ lắm, phải kiếm xe thật tốt mới yên tâm đi làm mùa đông.
Vào
làm thủ tục giấy tờ, chị đụng ngay một tay sếp người Á Đông. Mặt mày láng bóng,
thân hình cao lớn, điệu bộ bệ vệ. Tóc hớt cao. Chắc là Đại Hàn, chị nghĩ thầm.
Anh ta lặng lẽ đưa giấy tờ cho chị điền vào, rồi tiếp tục làm việc với cái máy
vi tính. Xong xuôi, bằng một thứ tiếng Anh khá sánh sõi, anh ta giải thích cho
chị một số chính sách của hãng về giờ giấc làm việc, lương bổng, nghỉ phép… Anh
ta nói vắn tắt, mắt không nhìn thẳng vào mặt chị, rồi chấm dứt bằng một câu hỏi
đầy nguyên tắc:
-Chị
còn muốn hỏi gì nữa không?
-Không,
chị đáp cộc lốc.
Thấy
cái mặt là hết muốn thắc mắc rồi, chị bực dọc nói thầm trong trí. Sau đó, anh
ta im lặng dẫn chị xuống khu vực làm việc, giới thiệu với mọi người, rồi đi
ngay. Tay sếp này trông bộ khó chơi. Cũng chẳng sao, mình đâu phải thứ lười
nhác gì mà sợ.
Sau
khi đã làm quen với công việc được giao, chị bắt đầu nghĩ về người đàn ông.
Khuôn mặt anh ta cứ như níu kéo mãi ý nghĩ của chị. Nó gợi cho chị về một cái
gì rất mơ hồ, nhưng dai dẳng. Chị cố xua đuổi ra khỏi đầu óc để tập trung làm
quen với công việc mới mẻ. Nhưng vô ích. Thỉnh thoảng, khi nghe tiếng bước chân
đi vòng vòng của anh ta trong khu làm việc, chị liếc nhìn. Lạ thì thật lạ, mà
quen thì cũng thật quen. Cảm giác lẫn lộn đó cứ thoắt biến thoắt hiện trong đầu
óc chị. Cuối cùng, chị quả quyết: dứt khoát anh ta phải giống một ai đó trong
số những người chị quen biết, có thể là quen thân.
Giờ
giải lao, chị hỏi những người cùng làm thì được biết anh ta cũng là người Việt
với cái tên nửa nạc nửa mỡ: Bruce Nguyen, mới đến nhận việc ở đây chỉ chừng
năm, sáu tháng. Anh ta không bao giờ dùng tiếng Việt, kể cả đối với những công
nhân không hề biết một tiếng Mỹ nào. Có người ngờ rằng anh ta không biết nói
tiếng Việt. Nhưng đa số cho là anh ta biết, nhưng không muốn nói. Mất gốc, đôi
ba người thì thào như vậy. Tuy thế, không ai ghét anh ta, vì anh ta cư xử rất
công bằng, không mấy khi to tiếng với ai, thậm chí đôi lúc còn khá dễ dãi đối với
công nhân.
Một
hôm, vào giờ ăn trưa thường lệ, chị muốn gọi điện thoại cho đứa con, nhưng cái
điện thoại trả tiền duy nhất trong hãng bị một anh chàng chiếm lấy, giữ chặt để
nói chuyện. Chị đứng đợi hoài, sốt ruột vì giờ ăn trua sắp hết. Anh chàng
supervisor bỗng từ đâu đó trong văn phòng xuất hiện, hỏi chị:
-Cô
cần điện thoại?
-Vâng.
Anh
ta vẫy chị vào văn phòng, chỉ cái điện thoại treo trên tường gần cửa ra vào,
rồi đi tránh ra bên ngoài. Gọi xong, chị quay ra, thấy anh ta đang đi lui đi
tới, buột miệng nói tiếng bằng tiếng Việt:
-Cám
ơn ông nhiều lắm.
-Không
có gì!
Chị
nhìn anh ta, lắp bắp:
-Ông…
cũng biết nói tiếng Việt?
Anh
ta cười, không đáp, vội vã quay vào phòng. Một tia sáng chợt lóe lên trong ký
ức mù tăm của chị, khiến chị đột ngột quay lại vào phòng, nhìn thằng vào mặt
anh ta, kêu lên:
-Thảo,
anh Thảo. Nhất định anh là Thảo…
Chị
nghẹn lời. Vẫn cúi mặt trên đống giấy tờ, anh ta đáp một cách hờ hững:
-Không
có gì, cô.
Cái
nhếch mép làm phần môi trên phía bên phải nhích lên khiến cái miệng như hơi méo
đi một chút là của Thảo, chứ không thể của ai khác. Dấu tích nhỏ nhoi này đúng
là một tia sáng xuyên vào tầng sâu xa nhất của ký ức, đánh thức dậy tất cả mọi
điều tưởng như đã yên ngủ, tưởng như tan biến hẳn. Cái nhếch môi ấy, chao ôi,
là dễ ghét! Nó ngạo mạn, bất cần đời. Nó thách thức, mỉa mai. Nhưng chính cái
nhếch môi ấy, chị nghĩ, lại đã là một phần đời của chị.
Thực
ra, đâu phải chỉ là một cái nhếch môi!
Lai
Doãn, 15 tuổi rưởi, học đệ tứ, một hôm, bỗng nhiên khám phá ra có một gia đình
đến ở cạnh nhà, chênh chếch về phía trái nhìn từ vuông cửa sổ phòng cô. Nói
bỗng nhiên, vì tình cờ chiều hôm ấy, sau một giấc ngủ trưa hè mệt mỏi, cô thức
dậy mở toang cửa sổ, chợt nghe tiếng dội nước ào ào phía bên kia hàng chìa tàu.
Cô nhìn sang, đỏ mặt vì nhìn thấy một thanh niên đang tắm, thân hình cao lớn,
khỏe, với những bắp thịt tay, chân rắn chắc đẫm nước dưới ánh nắng nồng. Cô vội
khép cửa lại, băn khoăn tự hỏi anh chàng này từ đâu đến. Cô hỏi mẹ, mới hay có
một gia đình đâu từ dưới quê lên xin che lều ở tạm để lánh bom đạn. Họ ở đó đã
hai tuần rồi. Chỗ ở là góc của một ngôi đền đổ nát, từ lâu bỏ hoang, nơi mà
thuở bé, cô vẫn thường ra chơi nhảy dây, lò cò, đuổi bắt với đám trẻ con hàng
xóm. Cô tự nhủ: may mà mình đã lớn, chứ không thì tức biết mấy, vì bị mất chỗ
chơi đùa.
Dần
dà, cô biết gia đình đó có bốn người: một bà mẹ trung niên, lam lũ, và ba đứa
con, hai trai một gái. Cái lều che tạm như một cái cây mua về trông trong vườn,
lớn dần. Lúc đầu, chỉ đâu có vài miếng tôn che quanh, trên lợp ít tấm tranh.
Chừng tháng sau, mở cửa nhìn sang, cô bỡ ngỡ khi nhìn thấy ở đó là một căn nhà
tương đối đàng hoàng, có cửa ngõ, có mái. Cái cảnh nấu nướng, tắm rửa ở ngoài
trời không còn nữa. Tất cả sinh hoạt biến đâu mất đằng sau ngôi nhà. Cũng từ
đó, cô thấy mấy người con cắp sách đi học. Gia đình mới và ngôi nhà điềm nhiên
hòa nhập vào trong cuộc sống thường ngày của xóm cô. Nói đúng hơn, không phải
xóm cô, mà là xóm sau, nơi mà từ khi bắt đầu lớn, cô không hề đặt chân đến nữa.
Chỉ cách có một hàng rào, mà cái xóm sau đó như thể là một thế giới khác, càng
lúc càng xa lạ với cô, mặc dù hàng ngày cô vẫn nhìn ra lối đi, nhìn đám trẻ con
nô đùa và những người lớn đi vô đi ra. Vẫn còn đó, bao nhiêu người cũ. Xóm sau
nghèo hèn cùng với những cái tên nghe cũng nghèo hèn: chị Mận kẹo kéo, bà Dần
mù, ông Bảy xích lô, chị Chắc bánh bèo, mụ Thu bún bò, thằng Vẻ sẹo… Bây giờ,
với sự tham dự của gia đình mới, xóm sau lại có thêm tên: mụ Bầm mắm ruốc, con
Mượn lùn. Nhà cô thuộc xóm trước, giàu có, bề thế. Ngay cái tên của cô, nghe
cũng khác: Lai Doãn.
Một
hôm, trên đường đi học về, gặp mưa giông, cô chạy vào trú mưa ở một góc phố và
quen với Mượn, cô con gái của cái gia đình mới ngụ cư đó. Mượn trạc tuổi cô,
nhưng học thua cô hai lớp ở trường bán công, vì ở nhà quê, chiến tranh làm việc
học hành của Mượn bị gián đoạn. Qua trò chuyện, cô đâm ra có cảm tình với cô
gái nhà nghèo này. Hai người thân nhau. Nhờ thế, cô có dịp trở lại xóm sau, ghé
thăm nhà người bạn nghèo. Lần đầu tiên, khung cảnh một nhà nghèo làm cô khiếp
đảm: nền nhà đất lổ chổ, lồi lõm, những chiếc ghế cáu bẩn, nhớp nhúa, bếp ám
khói, giường ngủ thì là giường tre, ọp ẹp, ly chén thô tháp, chiếc mùng ngủ cáu
bẩn, vá chằng vá đụp, ảng nước, gáo dừa… Cô nghe mùi ruốc kho, mùi đất, mùi
tranh tre, mùi đồ ăn tanh tao, khó thở. Cô tự nhủ thôi đừng đến nữa, gặp nhau
chơi đâu đó ngoài đường là được rồi.
Nhưng,
cô lại đến, vì thấy Mượn vui tính. Một vài lần. Nhiều lần khác. Rồi hầu như
ngày nào cũng đến. Có ngày vài lần. Lúc đầu, cô còn dùng lối cửa ngõ, phía
trước nhà cô, đi vòng theo con hẻm nhỏ để đến nhà Mượn. Sau, để cho tiện và
mau, cô trổ lối đi tắt ngang qua một khoảng hở trong hàng chìa tàu. Nếu thích,
cô đi xuống nhà bếp, vạch lá, chui ngang là đến ngay cửa trước nhà Mượn. Ăn cơm
nguội với nước mắm. Luộc khoai. Nấu chè. Đọc truyện. Làm bài. Học bài.Tâm sự.
Hóa ra nhà nghèo có những thứ thú vị riêng. Đến một lúc, cô kinh ngạc nhận thấy
cô đâm ra mê căn nhà của Mượn còn hơn nhà mình. Được ăn uống tự do. Được nghe
những lời tán tụng quê mùa, nhưng chân thật của bà mẹ nghèo. Được cô bạn gái
vui tính, ân cần, sẵn sàng chìu cô. Lại được có người anh của Mượn để hỏi han
bài vở. Cô lại càng kinh ngạc hơn khi khám phá ra cô còn có một ước mơ kỳ quặc
khác: ước mơ được nghèo như Mượn. Cô nói ý nghĩ đó với Mượn thì Mượn cười nghặt
nghẽo:
-Doãn
muốn mỉa mai mình chăng? Có ai lại thích được nghèo. Còn cái gì đau đớn hơn cái
nghèo đâu, Doãn? Mà lại, muốn giàu thì khó, chứ muốn nghèo thì quá dễ.
-Nào,
bày cho mình đi. Làm sao để được nghèo ?
-Thì…thì…thì…
Mượn lúng túng. Để mình suy nghĩ đã. Ừ, thì …sao nhỉ ?
-Thấy
chưa, đâu có dễ. Nhiều lần, mình cũng suy nghĩ thử xem có cách gì để được
nghèo, nhưng khó quá.
Đúng
là cô có suy nghĩ về những cái cách để được nghèo. Thậm chí, đôi lúc, chuyện đó
đi cả vào trong giấc mơ. Nhưng dường như cô không tìm hiểu tại sao cô lại cứ
băn khoăn về chuyện đó như thế.
Một
hôm, thứ bảy, như thường lệ, cô sang nhà Mượn chơi. Chuyện trò, làm bài, nấu
ăn. Suốt buổi chiều. Khi trở về nhà, tự dưng, cô bâng khuâng. Một cảm giác rất
mới lạ. Như thiêu thiếu một cái gì. Đứng trên phòng, nhiều lần cô mở cửa sổ
nhìn vơ vẩn xuống nhà Mượn. Trời nhá nhem tối. Hàng chìa tàu có những nhánh cao
vươn lên. Căn nhà tranh buồn bã lẫn với những bức tường rêu phong của ngôi đền
cũ. Đêm đó, cô khó ngủ. Hôm sau, cô lại sang nhà Mượn. Ở lại chơi lâu hơn. Khi
về, cũng vậy, cô man mác buồn. Đầu nhưng nhức muốn đau. Cô mệt, không muốn ăn.
Mẹ sờ đầu, hỏi cô có muốn đi khám bác sĩ không. Cô đáp là chẳng có gì.
Hôm
sau nữa, cô định sang nhà Mượn, nhưng cô mở cửa sổ nhìn một hồi lâu, rồi chần
chừ không muốn đi. Đến chiều, Mượn đứng bên kia gọi. Cô uể oải chui qua hàng
rào. Mượn nấu chè khoai trộn đậu phụng đãi cô. Cô ăn cầm chừng, nhìn quanh,
hỏi:
-Bác
đi chợ à ?
-Ừ,
mẹ mình đi bán. Giờ này đâu đã về, Doãn biết mà.
-Còn
thằng Tống đâu không thấy ?
-Câu
cá sau hồ, có lẽ. Nó như con sóc, chẳng khi nào chịu ở yên một chỗ. Ngày nào
cũng như ngày nào, không chịu ở nhà.
Cô
bối rối, hồi hộp hỏi tiếp:
-Còn
anh, anh gì… à anh Thảo, phải anh Thảo không, anh đi học nhỉ ?
Mượn
phá lên cười:
-Doãn
độ này lẩm cẩm quá. Bữa nay nghỉ hè, làm gì mà đi học. Anh về làng học thi.
Trời,
về làng, hèn gì! Cô cố húp hết chén chè, nói giọng ra vẻ lơ là:
-Anh
đi lâu vậy mà Mượn không nhớ à?
Mượn
vỗ vai cô:
-Anh
có việc của anh, mình có việc của mình. Mà lại, anh là anh chứ bồ bịch chi mà
phải nhớ? Ờ, mà có. Thiếu anh, mình cũng có hơi mệt với việc nhà. Nhưng không
sao. Để cho anh học. Về làng học yên tĩnh hơn.
-Anh
chịu khó nhỉ?
-Ừ,
lên đây, anh học nhảy hai lớp đó, vì ở quê bị trễ hai năm. Năm nay thi tú tài
bán.
Đêm
đó về, cô tự thú với lòng mình: cô nhớ anh Thảo của Mượn. Thì ra lâu nay, cô
thích đến chơi với Mượn chỉ vì cái anh chàng Thảo này. Cô tự hỏi: chẳng lẽ mình
mà lại, mà lại… cái anh chàng Thảo đó. Đúng là cô phải ghét cái anh chàng nhà
nghèo mà khó thương đó chứ! Gặp cô, thấy cô chào, anh ta chỉ gật đầu nói nhỏ
“chào cô”, rồi đi mất. Hỏi anh ta một bài toán khó, anh ta chỉ vẻ vội vàng,
xong là đi ngay. Cô ở nhà trên, anh ta xuống nhà dưới. Cô ở trong bếp với Mượn,
thì anh ta ra ngoài sân. Thỉnh thoảng, cô nhìn anh ta, nói một câu pha trò gì
đó, anh ta chỉ cười nửa môi. Phần môi trên phía bên phải hơi nhếch lên, nhìn
thấy ghét không chịu được. Nhiều lần, tức quá, cô ăn mặc thật đẹp, xuống nhà
Mượn. Anh ta vẫn thế, nhìn cô chào qua loa rồi bỏ đi, không thèm ngắm nghía,
không tỏ ra bối rối, không… gì cả. Thỉnh thoảng, cô dò hỏi Mượn xem anh ta có
bình phẩm gì về cô không, Mượn cho biết anh ta chẳng nói gì cả. Qua lời Mượn,
cô chỉ biết anh ta vừa đi làm vừa đi học. Học hành siêng năng, chăm chỉ. Ai kêu
việc gì cũng đi làm: dạy kèm, phụ thợ nề, bốc vác…
Anh
chàng vắng mặt cả tháng trời. Mấy ngày đầu, cô chỉ hơi buồn buồn. Dần dà, cô
nhớ. Rồi nhớ quay, nhớ quắt. Từ căn phòng, cô mở cửa nhìn xuống, qua hàng chìa
tàu, trông ngóng. Mượn gọi, cô chần chừ không muốn đi. Nhìn đâu, cô cũng thấy
anh chàng Thảo. Đầu húi cao, chiếc áo sơ mi trắng mỏng, sờn. Chiếc quần xanh
nội hóa, bạc thếch. Chiếc xe đạp đàn ông, không có chắn bùn, để trơ ra hai bánh
xe trông giống người ốm ở trần. Khi đi, dáng hơi khum về phía trước. Giọng nói
ngắn, chắc nịch. Anh ta đi đi về về. Thỉnh thoảng cô thấy, thỉnh thoảng cô
không thấy, nhưng biết chắc anh ta ở đâu đó, quanh cô. Cô yên trí vui chơi, học
hành, ngủ ngáy. Giờ anh ta đi rồi, cô thấy mọi thứ trong đời trông chênh vênh,
lấp lửng. Ngày, cô nghe chung quanh lao xao liếng xiếng như thể sắp có chuyện
gì xảy ra. Đêm, cây cối, nhà cửa, ghế bàn lặng im thin thít, y như sợ hãi một
ai.
Anh
chàng trở lại. Nắng vỡ òa cùng với tiếng ve kêu ầm ĩ. Hàng chìa tàu lớn thêm
một đoạn. Xóm sau, người vô ra tấp nập. Đám trẻ con cũng túa ra đường rộn ràng
chơi giỡn. Thảo về. Cô xuống Mượn chuyện trò ríu rít. Lại nấu chè. Chiên cơm.
Luộc khoai. Làm bánh. Thảo vẫn thế, không biểu lộ một cái gì khác đối với cô.
Nhưng bây giờ cô chẳng lấy đó làm phiền. Sao cũng được, miễn Thảo quanh quẩn ở
đâu đó. Cô thích mọi thứ nơi anh ta. Dáng đi. Điệu nói. Thái độ nghiêm nghị,
pha chút kiêu ngạo vô lý. Cái nhếch môi bất cần đời. Cái áo sờn. Cái quần cũ.
Chiếc xe đạp vứt ngoài đường không ai thèm lấy. Cô yêu mến căn nhà tồi tàn này.
Mùi đất. Mùi ẩm mốc. Ghế giường xọp xẹp, cáu bẩn. Chiếc mùng vá chằng vá đụp.
Son quánh, chén đũa, ly tách rẻ tiền, cái sứt, cái mẻ, cái móp. Những bữa ăn vô
cùng đạm bạc: rau dền chấm nước ruốc, cơm nguội chan nước mắm ớt, cá cấn kho
khô, canh bắp chuối, bánh canh bột lọc nhân đậu, không tôm thịt. Cô thương bà
mẹ tóc rối, khuôn mặt già trước tuổi, hai bàn tay cục mịch xắt chuối, quậy cám
heo, rửa rau, giọng nói nhà quê chơn chất, khi nào cũng “cô cô tui tui” với cô.
Mượn vui tính, chân thành. Thằng Tống ngoan ngoãn.
Và
cô đâm phiền với cái sạch sẽ, ngăn nắp, phú quý của nhà cô. Cái nền nhà lót
gạch hoa láng bóng trông vô duyên tệ. Tủ buýp phê với bao ly, tách, tượng, bình
hoa, máy nghe nhạc, quạt trần trông thừa thãi. Cô cũng không ưa những ông,
những bà ăn mặc sang trọng, bạn bè của ba má thường đến nhà cô, rượu trà, nhậu
nhẹt, cười đùa sảng khoái. Cô ghét đám bạn học của anh cô, chị cô và cả của cô.
Cô cũng ghét luôn cái trò tặng quà, rủ đi cắm trại, đi xi nê, đi picnic…
Cô
thích nghèo. Thích lạ lùng. Thích da diết. Thích hết thảy những gì mà cái nghèo
sản sinh ra: sự chơn chất, bẩn thỉu, thiếu thốn. Thích Thảo. Vì sao? Cô không
rõ vì sao. Trong thâm tâm cô, cô ao ước một ngày vật đổi sao dời thế nào dó để
cô có thể yêu Thảo thoải mái và lấy Thảo.
Hè
năm đó, Thảo thi đậu tú tài bán. Cả nhà Mượn vui. Cô vui. Ngoài cái vui vì thấy
cái vui của gia đình Thảo, cô có một cái vui riêng khác: chiếc bằng tú tài nâng
Thảo lên một bậc, khiến khoảng cách giữa hai gia đình thu hẹp lại, nhờ đó, biết
đâu, ước mơ của cô có thể thực hiện được. Nhưng đùng một cái, gia đình Thảo ra
đi. Đột ngột. Đi hẳn. Không thư, không từ, không liên lạc. Căn nhà và toàn bộ
người trong gia đình Thảo biến mất y như chẳng hề có ở đó.
Cô
bàng hoàng, ngã bệnh.
Đúng
là Thảo của chị mấy chục năm về trước. Chính cái nhếch môi của anh đã nhắc chị
nhớ lại những ngày tháng xa xưa đó, mà bao năm rồi, chị không hề nhớ. Chị yêu.
Đó là một thứ tình yêu đầu đời, lặng lẽ và đơn giản, vô cùng đơn giản. Một tình
yêu đơn phương, theo kiểu nói thời thượng hồi đó. Nếu Thảo còn ở đó, thì sao
chẳng rõ. Thảo đi rồi, mọi thứ như tan vỡ, vụn vằn trong đời chị. Cô học trò
Lai Doãn mười bảy tuổi mất phương hướng. Buồn. Chán. Đau đớn. Hụt hẫng. Chênh
vênh. Dường như có cả năm trời sau, cô mới lai tỉnh.
Một
hôm, chị có việc vào gặp Thảo để điều chỉnh chuyện lương bổng. Sau khi xong,
chị đứng lại, ngập ngừng hỏi:
-Xin
lỗi, nếu tôi nhớ không lầm thì ông là ông Thảo, anh của Mượn, ở kế nhà tôi hồi
đó. Tôi là Lai Doãn.
Anh
ta tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, nhìn chăm chị một lát, rồi nói:
-Lai
Doãn. Cô Lai Doãn. Tôi nhớ.
Chị
định hỏi thêm đôi điều nữa, nhưng anh ta đã cúi đầu xuống trên đống giấp tờ,
tiếp tục làm việc. Chị bực mình, đi ra, lẩm bẩm: “cũng chẳng khác gì ngày xưa,
cái anh chàng dễ ghét này.” Từ đó, chị không có ý định hỏi thêm anh ta bất cứ
điều gì nữa.
Chừng
một tháng sau, chị nhận được một hộp nhỏ gửi qua đường bưu điện. Đó là một hộp
giấy cứng, gói ghém cẩn thận. Mở hộp, một tấm thiệp kèm theo một lá thư ngắn
rơi ra. Chữ viết nắn nót, tròn trịa:
Cô
Lai Doãn,
Đáng
lẽ món quà này sẽ đến với cô vào ngày sinh nhật của cô nửa năm sau, ngày 18
tháng 9. Nhưng món quà này đã đợi cô quá lâu, đến những hai mươi sáu năm, sáu
tháng và ba ngày. Tôi nhận ra cô ngay khi cô vừa mới đến làm việc, dù có ít
nhiều thay đổi. Đôi mắt cô, như ngày nào, dễ gì quên được! Gia đình tôi không
còn ai. Bà già mất trước 1975. Mượn và đứa em út chết trên đường vượt biên. Tôi
sang đây từ năm 1975.
Xin
được hoàn lại cố chủ, như một gợi nhớ về những ngày xưa không thể nào tìm lại
được. Chúc cô vui.
Phùng
Tiến Thảo.
Đọc
xong, chị ôm lấy ngực, cảm thấy ngộp thở. Chị run run mở hộp quà. Xé hết băng
keo dán, chị sửng sốt khi thấy chẳng có gì ngoài một lô toàn những mảnh giấy
học trò cũ rích, một số ảnh vàng ố, ít sợi tóc, và cuốn sổ ghi chép nhỏ. Chị
vội vàng cầm ảnh lên xem. Thì ra là ảnh chị chụp hồi nhỏ: ảnh chụp riêng, ảnh
chụp chung với Mượn. Còn những mảnh giấy thì toàn là nét chữ chị viết đủ hình
dáng: vuông có, tròn có, hình chữ nhật có, hình nhiều cạnh có…Chúng được cắt
xén cẩn thận quanh những chữ ký, hoặc những hàng chữ mà chị viết bậy bạ cho vui
khi ngồi trên bàn hay ngồi đâu đó ở nhà Thảo. Nhiều nhất là chữ ký. Ký ngang,
ký dọc. Có những giòng chữ đại loại như: “đêm buồn”, “những chiều vui”, “chiều
nắng đổ ngoài hiên”, “trời, chè ngon quá”, “có cái chi đây mà quên mất”, “cái
con khỉ”, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”… Những hàng chữ viết nguệch ngoạc, vu
vơ. Cũng có những trang giấy nháp làm toán đại số, hình học, mấy bài thơ học
trò chị chép cho Mượn, cuốn sổ nhỏ ghi nhạc, thơ và những việc phải làm trong
ngày, các ngày giỗ, ngày nghỉ học. Lục lọi hết thảy những thứ để trong hộp, chị
có cảm giác như tất cả những vết tích gì mà chị để lại nhà Thảo đều được Thảo
thu gom lại, cất giữ, không sót một thứ gì, kể cả những sợi tóc, hẳn là vương
vãi vô tình đâu đó trên trang giấy mà chị viết ngày nào.
Ôi,
Thảo! Chị kêu lên và nghe đôi mắt nhòe nhoẹt. Cả một thời mộng mị hiển hiện trở
lại. Vuông cửa sổ, hàng chìa tàu, lối đi vào xóm, ngôi nhà tồi tàn với mùi đất,
mùi ẩm mốc, và anh chàng Thảo đi vô đi ra, áo sờn, quần bạc. Mùi ruốc kho. Cơm
chiên. Khoai luộc. Chè chuối. Và cái nghèo yêu dấu!
Tình
yêu, phải tình yêu! Chị bâng khuâng nhìn vào khoảng không và tự hỏi: có phải
món quà này là lời tỏ tình kỳ lạ nhất mà chị nhận được vào cái tuổi mà tình yêu
chỉ còn là một âm vang không còn mấy ý nghĩa. Thảo ơi, nếu Thảo biết được rằng,
hồi đó, cô bé Lai Doãn mười bảy tuổi đã quay quắc như thế nào khi bỗng Thảo
không còn ở đó nữa y như thể Thảo đã biến mất khỏi trần gian. Cô bé đau. Cô bé
chết đứng chết ngồi bên vuông cửa sổ, khi nhìn qua hàng chìa tàu, chỉ thấy bức
tường gạch cũ rêu phong, cây bông sứ khẳng khiu, chơ vơ, buồn thảm. Cô bé nhớ
mùi ruốc kho, mùi cám lợn, mùi chè khoai, nhớ chiếc bàn gỗ sần sùi với hai
chiếc ghế đẩu mà có lần cô bé suýt bị rách quần khi ngồi xuống vì bị cái đinh
sút ra ngoài, móc phải. Cô bé cứ ngồi bần thần ngắm mãi cái khoảng trống nơi
hàng rào mà cô bé chui qua chui về biết bao nhiêu lần. Thảo đi rồi, cái khoảng
trống dần dần bị bít lại vì những nhánh chìa tàu đâm chỉa ra. Có lần, cô bé tức,
cô bé tìm cách bẻ hết chúng đi.Nhưng làm sao được, chỉ một thời gian ngắn sau,
chúng mọc ra lại. Chúng vô tình, cô bé biết. Nhưng mỗi lần mở cửa sổ ra nhìn,
cô bé cứ có cảm giác như chúng đồng lõa với Thảo, cố tình khép lại, khép hẳn đi
của cô bé một đoạn đời. Cô bé đau lòng lắm, vì cô bé biết cô bé đã yêu. Cô bé
ngã bệnh. Rồi cô bé lành. Tức quá, cô bé tìm cách quên. Và quên được. Hai mươi
sáu năm (Thảo nhắc cô bé mới biết, đã hai mươi sáu năm). Thời gian quá dài, đủ
để vùi chôn tất cả, sá gì những kỷ niệm mong manh thuở đầu đời.
Trong
thoáng chốc, chị hóa thân thành cô bé Lai Doãn ngày nào. Chị khóc nhẹ, thẩn thờ
nhìn ra. Phố xá. Xe cộ. Buyn- đinh. Hình dáng anh chàng supervisor nói tiếng
Anh, mặt mày trắng trẻo, bệ vệ. Mọi thứ chung quanh đều giàu có, no đủ. Tìm đâu
ra mái tranh, con đường hẻm, cây bông sứ, ngôi đền cũ. Còn đâu mùi… nghèo. Và
tìm đâu ra hàng chìa tàu với cái khoảng trống bâng khuâng để chị chui qua chui
về một thời điên mê mộng mị!
Trần
Doãn Nho
304Đen – Llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment