Tuesday, October 11, 2016

Chuyện Tình Con Gái Tư Sang - Hoàng Long Hải


Chuyện tình con gái Tư Sang

 


    Ông Tư Sang nhà ở ấp Lung Lớn, xã An Bình, quận Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ấp Lung Lớn, nghe cái tên, người ta có thể nghĩ tới cảnh hoang vu của nó. Lung là một vùng đất trũng, cây hoang, cỏ dại, lau, sậy, đế, ô-rô, cóc kèn mọc um tùm… Nhờ lung nầy ở bên cạnh con đường Rạch Giá – Hà Tiên, là liên tỉnh lộ 8-A, mặt sau là kinh cùng tên, vừa có nước ngọt, vừa tiện việc đi lại, nên dần dần, hết gia đình nầy tới gia đình khác dựng nhà ở đây, lập thành một xóm: Xóm Lung Lớn, rồi thành một ấp của xã An Bình. Tuy cùng một xã, nhưng so với các ấp khác như ấp Lò Bom, ấp Ngã Ba thì ấp nầy nằm cách xa ra về phía đông, cách trụ sở xã đóng ở ấp Lò Bom bằng một khu rừng hoang dài khoảng một cây số, trở thành một nơi khó kiểm soát. Do đó, dân tứ chiếng tụ về đây nhiều hơn: đào binh, trốn quân dịch, hồi chánh viên, cựu can phạm…

            Ông Tư Sang là cựu can phạm.

Hạnh, 17 tuổi là con gái đầu, thứ hai – theo cách gọi trong Nam -, con của Tư Sang.

            Một hôm, chợ Kiên Lương bỗng náo động lên vì một vụ đánh ghen. Hạnh bị vợ Năm Tho, từ Hà Tiên xuống đánh ghen. Vợ Năm Tho thủ sẵn một cái kéo, cắt hơn phân nửa mái tóc của Hạnh. Gây ra chuyện ồn ào, mất trật tự ở chợ, cả hai người đều bị bắt đem về cuộc Cảnh Sát xã An Bình phân xử, phạt vi cảnh rồi cho về.

            Năm Hùng nói với tôi:

            – “Việc nầy kỳ lắm! Ông biết không!? Thằng Năm Tho là du kích trong mật khu Trà Tiên. Ngoài nầy, con vợ Năm Tho đánh ghen con Hạnh. Việc nầy mình đừng xử, giao cho tụi nó kéo nhau vô trong bưng mà xử.”

            Tôi nói:

            – “Dân của mình, mình xử. Sao lại giao cho Việt Cộng xử? Giao cho chúng nó xử là “mất mặt anh hùng” lắm, sao mình chịu được!”

            Thấy việc kỳ cục, tôi gọi thiếu úy Kiệt xem lại đầu đuôi ra làm sao. Việc nầy có dính líu tới chính trị, đâu có phải chỉ là việc vi cảnh mà thôi.

            Điều tra xong, Thiếu úy Kiệt nói với tôi:

            – “Thằng Năm Tho ở trong rừng. Con Hạnh vô ra quan hệ với Năm Tho nên con vợ Năm Tho ghen.”

            – “Vợ Năm Tho ở Hà Tiên, còn con Hạnh ở Kiên Lương, hai nơi khác nhau mà.” Tôi nói.

            – “Với tụi Việt Cộng đều cùng một huyện Hà Tiên hết. Vợ Năm Tho ở Hà Tiên, con Hạnh ở đây cũng vô ra quan hệ với Năm Tho cả. Tui ở đây phải thường liên lạc trao đổi tin tức với Hà Tiên thường xuyên là vì vậy.” Thiếu úy Kiệt giải thích.

Một lúc, ông ấy nói tiếp: “Đại úy nhớ vụ thằng Ba Xỉn không?”

            – “Nhớ”. Tôi trả lời.

Tôi không nhớ thằng Ba Xỉn tên thật là gì nhưng vì nó xỉn tối ngày nên dân người ta gọi nó là thằng Xỉn. Nó thứ ba, dân ấp Lò Bom.

Một hôm, có người báo cáo với Năm Hùng thằng Ba Xỉn theo Việt Cộng bấy lâu nay, cầm AK đứng gác không cho đồng bào đốn tràm. Nay, bỗng dưng thấy nó ngồi nhậu ở Chợ Tròn. Một mặt, Năm Hùng báo cho thiếu úy Kiệt biết, mặt khác tự mình anh chạy xe vô Chợ Tròn, dí súng bắt thằng Ba Xỉn đem về văn phòng.

            Trung sĩ Thân, Ban 2 Chi khu, nghe bắt được tên du kích, bèn qua cảnh sát cùng lấy cung.

            Té ra, có gì đâu!

            Thằng Ba Xỉn ra hồi chánh ở Hà Tiên. Hà Tiên cho đi học ở Trung Tâm Chiêu Hồi Rạch Giá mà chẳng thông báo gì cho Kiên Lương, nơi gốc gác của thằng Ba Xỉn biết, nên Cảnh Sát Kiên Lương cứ đinh ninh thằng nầy còn làm du kích trong bưng. Ba Xỉn học xong, mãn khóa, trước khi nhập ngũ vì trong hạn tuổi “quân dịt quân gà”, xin giấy phép về thăm nhà. Nó chìa cái giấy phép về thăm nhà ra, ai nấy chưng hửng, coi như chụp được con ếch to.

            Nghe thiếu úy Kiệt nói con Hạnh con Tư Sang quan hệ với Năm Tho nên bị đánh ghen, tôi hỏi thiếu úy Kiệt:

            – “Cảnhh sát An Bình có hồ sơ gì con nhỏ nầy không?”

            – “Không!” Thiếu úy Kiệt trả lời.

            – “Bên anh có hồ sơ con nhỏ nầy không?” Tôi lại hỏi.

            – “Không!” Thiếu úy Kiệt trả lời.

            – “Bù trớt!” Tôi nói. Bắt con nhỏ đó, điều tra, xem nó làm gì ở trỏng.”

Thiếu úy Nguyễn Công Bạch, Trưởng Cuộc Cảnh Sát xã An Bình được lệnh xuống ấp Lung Lớn bắt con nhỏ, đem về giao cho thiếu úy Kiệt.

            Khi con nhỏ Hạnh được đưa vào văn phòng thiếu úy Kiệt, tôi thấy buồn cười. Vì bị bắt bất thình lình, mái tóc chưa kẹp, bên dài, bên ngắn, đúng là vì bị vợ Năm Tho cắt mất một nửa. Con nhỏ khóc ròng, mặt mày xanh mét vì sợ.

            Năm Hưng lấy lời khai Hạnh trong vòng hai tiếng là xong, đưa cho tôi xem, nói:

            – “Việc gì ở ngoài nghe cũng dữ. Đi sâu vào trong, không những chỉ thấy mắc cười mà còn tội nghiệp!”

            Tôi không nói gì vì chưa biết đầu đuôi. Thấy tập ghi lời khai con nhỏ Hạnh có kèm hồ sơ Tư Sang, tôi đọc hồ sơ Tư Sang trước.

            Tư Sang nguyên sống ở xã Vàm Rầy (Đức Phương). “Trào” – tiếng y khai trong bản cung – Ngô Đình Diệm, y đi lính Bảo An, mấy năm, vì bệnh phổi, được giải ngũ.

            Thấy vùng Lung Lớn dễ sinh sống, y dọn nhà về đó hồi nhà máy ximăng Hà Tiên khởi công xây dựng được ít lâu. Y kiếm miếng đất dựng cái nhà nhỏ ở cùng vợ con. Phía sau nhà, bờ kinh, y đặt một cái rớ nhỏ, lâu lâu, đạp rớ cất lên, kiếm ít cá, đủ loại: Cá chốt, cá linh, sặc rằng, cá lóc, v.v… Vừa để ăn, còn thừa làm mắm. Phía trước nhà, bên kia đường, y khẩn một đám đất hoang trồng rẫy, tùy theo mùa: cà, rau, bầu bí… Tuần vài lần, y đốn tràm, giao cho chủ vựa, lấy tiền mua gạo, sống qua ngày. Công việc của y có vợ và con gái lớn phụ trợ.

            Năm nhà máy ximăng dự tính đào kinh lấy nước từ sông Hậu xuống, mới cắm cờ, cắm cọc thì ban đêm Việt Cộng ra phá bỏ, lại cấm dân vô đốn tràm. Tư Sang phải làm giao liên cho chúng: tiếp tế thuốc rê, bột ngọt, trà, gạo mới được chúng cho đốn tràm. Vì là đàn ông, lại từng đi lính Quốc gia, chúng bắt Tư Sang phải báo cáo tình hình lính tráng tới lui, hỗ trợ cho công trình xây dựng nhà máy ximăng.

Vậy rồi Tư Sang bị Quốc Gia tình nghi, bắt. Có gì Tư Sang khai nấy, không hỏi cũng khai. Người ta nói: Y thiệt thà quá.

“Thiệt thà là cha dại”, tục ngữ nói vậy. Sáu Lượng, trưởng chi Công an Quốc gia hồi ấy, muốn giúp cho Tư Sang bỏ bớt lời khai, nhất là phần y khai về việc báo cáo lính tráng tới lui di chuyển, cho được nhẹ tội, tha về. Nhưng Sáu Lượng chẳng thấy gia đình Tư Sang quà cáp chi. Nên, Sáu Lượng nói với Hai Ngộ, thẩm vấn viên: “Hơi đâu mà rước của nợ vào mình.” Tư Sang bị giải về tỉnh, lãnh án hai năm tù, đưa đi “trung tâm Cải Huấn Cần Thơ.”

            Hai năm sau, Tư Sang về, trình diện Công An, lập hồ sơ là “cựu can phạm, cần theo dõi”. Có gì đâu mà “theo dõi”. Tư Sang chỉ muốn trở lại cuộc sống cũ nhưng không được. Hai năm ở tù, tuy không làm khổ sai, nhưng ăn uống thiếu thốn, cũng như không khí độc hại, bệnh cũ tái phát: Lại bệnh lao. Tưởng đã hết rồi, ai ngờ ngày càng nặng. Ở vùng quê xa xôi, mỗi lần muốn khám bệnh phải ra Rạch Giá, đi lại khó khăn: Ngày đi, ngày khám, ngày về. Lẹ nhứt cũng mất ba ngày, chưa kể đường đi có khi bị Việt Cộng cấm, bị đắp mô, chôn mìn. Vã, thuốc trụ sinh chữa bệnh lao giá mắt. Nhà nghèo như Tư Sang làm sao mua nỗi. Bệnh cứ để vậy, dần dà, ngày càng nặng.

            Ba năm nay, khi con nhỏ Hạnh ngày càng lớn thì bệnh Tư Sang lại nặng hơn. Vợ Tư Sang không khéo xoay xở, con nhỏ Hạnh phải xông xáo giúp cha mẹ, nuôi em.

            Nó dựng một cái chái nhỏ bên hông nhà, buổi sáng dậy sớm, nấu cà phê bán cho chòm xóm.
 
 

Các ông già, bà già người Nam ở thôn quê có cái thú uống cà phê buổi sáng, khi mặt trời chưa lên, mùa đông cũng như mùa hè. Họ tới quán, ngồi kiểu nước lụt, vừa uống càphê vừa chuyện trò trên trời dưới đất, chờ trời sáng hẵn thì cánh đàn ông lội vô ruộng, làm đồng, bắt cá. Đi sớm, họ sợ bị trực thăng bắn lầm. Còn mấy bà thì về nhà lo việc nhà.

            Sau khi khách ra về, con Hạnh đem dao, rựa xuống xuồng chèo vô rừng đốn tràm. Tràm bán có tiền hơn hết nên ngày nào nó cũng đi đốn tràm. Gặp may, việc xong sớm, cỡ hai ba giờ chiều nó vế tới nhà.

            Được một thời gian, con nhỏ Hạnh hốt hụi mở một tiệm chạp phô nhỏ, giao mẹ trông coi, còn nó cứ công việc cũ mà làm. Nhờ có con gái giỏi giang, Tư Sang phá cái nhà lá cũ, dựng cái nhà mới, vách gạch, lợp “tôn”. Ai cũng khen con gái Tư Sang.

            Thế rồi việc đánh ghen xảy ra. Bấy giờ người ta mới biết kể từ năm trước, nó có quan hệ với Năm Tho, du kích trong rừng.

Theo lời khai của nó, ban đầu, Năm Tho cho nó nhiều ưu tiên. Trong khi dân chúng bị đuổi về, không ai được đốn tràm thì nó được đốn tự do. Tới mùa nước ròng, cá gom lại trong các đìa, không ai được bắt thì nó chỉ cần giao thùng thiếc cho Năm Tho. Năm Tho bắt cá, bỏ vào thùng, giao cho nó đem về bán. Năm Tho không bắt nó tiếp tế gì cho Năm Tho cả. Thuốc hút, thuốc thơm, càphê, xàbông, kem đánh răng, vợ Năm Tho ở Hà Tiên tiếp tế đủ.

Vậy Năm Tho cần gì nơi con Hạnh?

Nó cần con Hạnh ngủ với nó.

            Hạnh khai:

            – “Cháu không chịu. Năm Tho có vợ rồi. Với lại, ai đi lấy du kích Việt Cộng làm chồng. Lính tráng Quốc Gia thiếu chi, ông nào cũng đẹp, ông nào cũng oai. Tại sao lấy thằng du kích. Hễ Quốc Gia hành quân vô, nó lủi như trạch.”

            Năm Hưng cười, cười:

            – “Cháu nói Quốc Gia oai hơn, như ai chẳng hạn?”

            Con Hạnh ngập ngừng một lúc, bẽn lẽn nói:

            – “Như thiếu úy Sơn chẳng hạn.”

            Năm Hưng cười ha hả:

            – “Té ra cháu mê ông thiếu úy Sơn. Liệu có địch nổi với cả chục con gái Kiên Lương không? Ở đây cả chục con mê ông Sơn, ông ấy vừa trẻ, vừa đẹp trai. Con gái nào mà không mê?”

            Chuyện Năm Hưng nói là chuyện thực. Thiếu úy Sơn có số đào hoa.

            Cuối cùng, Năm Tho dùng sức mạnh hiếp nó. Giữa chốn rừng tràm hoang vu, con Hạnh kêu cứu ai được?! Thế rồi ăn quen bén màu, Năm Tho cứ làm tới hoài, con Hạnh cũng thúc thủ hoài.

            Khi tôi đọc xong hồ sơ thì thiếu úy Kiệt với Năm Hưng vừa vào phòng tôi. Tôi hỏi:

            – “Anh Năm, anh có tin con Hạnh bị hiếp không?”

            – “Tin chớ ông. Tui viết cung không hay nhưng khi kể tới đoạn đó, nó khóc dữ lắm.”

            – “Bộ nước mắt cá sấu?” Tôi nói.

            Năm Hưng vẫn khăng khăng:

            – “Tui nghĩ không phải đâu. Con gái như nó sao chịu thằng Năm Tho được. Cỡ như nó phải kiếm một ông nào cho ngon lành hơn chớ. Tuổi đó, đứa nào cũng mơ uớc một thần tượng nào đó chớ!”

            – “Theo đây thì thần tượng nó là thiếu úy Sơn chớ gì!” Tôi nói. “Nó không nghĩ rằng nó trèo cao hay sao?”

            – “Mấy con nhỏ cặp bồ với ông Sơn thua nó nhiều. Nó đẹp hơn đó chớ!”

            – “Nó đẹp thiệt.” Thiếu úy Kiệt tán đồng. “Nó có yêu ông Sơn cũng không có chi lạ.”

            – “Đẹp mà tàn đời với thằng Nam Tho. Uổng thiệt! Vậy là xong đời một đóa tràm Trà Tiên.” Thiếu úy Kiệt vừa cười vừa nói.

            Tôi sực nhớ chuyện hồi còn học ở Quốc Học, vì câu chuyện cô Trà Mi, học cùng lớp lấy chồng nên có anh bạn lên bảng đen viết hai câu Kiều. Tôi đọc hai câu Kiều đó cho hai người kia nghe:

                        Tiếc thay một đóa trà mi

                    Con ong đã tỏ đường đi lối về!

            Khi viết hai câu đó lên bảng đen, người bạn mở đóng ngoặc kép hai chữ “con ong”, khiến các cô bạn cùng lớp ai cũng đỏ mặt.

Nghe kể chuyện đó, Năm Hưng nói đùa: “Không biết con ong Việt Cộng với con ong Quốc Gia, con nào con Hạnh chịu hơn!

                                                &

            Sáng hôm sau, tôi thức dậy, đang ngồi uống trà thì thượng sĩ Năm Huê tới. Năm Huê làm phó cho thiếu úy Sơn. Ông ta mời tôi đi ăn sáng.

Tôi lái xe, Năm Huê ngồi bên cạnh, nói:

            – “Thiếu úy Sơn đang chờ tui với ông ở chợ Tròn.”

            – “Sao nó không tới tui?” Tôi hỏi.

            – “Ông ta sợ!” Năm Huê nói.

            – “Sợ gì?” Tôi hỏi.

            – “Bữa nay, ông ta muốn xin tha cho con Hạnh nhưng sợ, không dám nói với ông. Nhờ tôi mời ông đi ăn sáng, nói giùm.” Năm Huê giải thích.

            Vừa ngồi xuống bên cạnh cái bàn tròn, tôi cự nự ngay thiếu úy Sơn:

            – “Hôm ra mắt đảng Dân Chủ ở Rạch Giá, chú mầy đã dắt một lô con gái ra ngoài đó. Bữa nay lại léng phéng với con Việt Cộng nầy. Bộ muốn đi Hiếu Lễ hả?” (1)

            Thiếu úy Sơn than vãn:

            – “Tại vì ông Tư Sang năn nỉ quá, em không cầm lòng được, chớ có phải em có gì với con Hạnh đâu. Tư Sang bệnh phổi tới thời kỳ thứ ba. Vợ Tư Sang thì vụng lắm, không có con Hạnh, bả không giữ được cái quán chạp phô. Con Hạnh ở tù thì coi như nhà đó đói.”

            – “Còn việc ông dắt mấy con nhỏ đi Rạch Giá thì sao?” Tôi vừa hỏi vừa cười.

            – “Một con cũng đã chết em, những mấy con thì làm gì nỗi! Hôm ra mắt đảng Dân Chủ ở Rạch Giá, xã trưởng kêu gọi đảng viên Dân Chủ đi cho đông để lấy điểm, can chi tới em đâu!”

            – “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. (2) Ông có biết câu thơ đó không? Châu U Vương cũng vì Bao Tự mà chết, Ngô Phù Sai cũng vì Tây Thi mà tiêu đời. Ông liệu cặp bồ cho lắm, không bị Việt Cộng giết thì có ngày bị Quốc gia cho vô tù lãng nhách.” Tôi cảnh cáo thiếu úy Sơn. Kể cho anh ta nghe câu chuyện cũ:

            Hồi ở Gò Công tôi nghe kể có anh Cảnh Sát Dã Chiến theo một con nhỏ rủ về ấp của nó. Anh ta đi ba ngày không về. Thiếu úy trung đội trưởng dẫn lính đi tìm. Tới nhà con nhỏ thì thấy anh Cảnh Sát Dã Chiến bị trói vào gốc so đũa, bị bắn chết đã ba ngày, kiến bò lên cắn hư cả mắt mũi. Tìm con nhỏ thì nó đã vượt sông cửa Tiểu qua Thượng Đức rồi.

            Ăn sáng xong, tôi họp nội bộ: Trưởng ban Tư Pháp, trưởng ban U-1 (Kế hoạch), U-2 (sưu tầm tin tức Việt Cộng), U-3 điều tra, để giải quyết việc con Hạnh.

Thiếu úy Kiệt nói:

            – “Nó còn vị thành niên, giải về Rạch Giá, ngoài đó khó giải quyết, tui lại bị rầy!”

            – “Gọi Tư Sang lên làm giấy bảo lãnh cho nó về. Thiếu úy Kiệt báo cho quận Long biết kẻo bên đó họ nghi ngờ mình tự ý giải quyết là có ý đồ bậy bạ.”

            Buổi chiều, khi Tư Sang lên tới, tôi đang ngồi nói chuyện chơi với quận Long trong văn phòng. Thấy y vào, tôi mời ngồi, nói:

            – “Tôi báo cáo với ông quận rồi, ổng đồng ý. Để Bảy Hùng làm giấy tờ xong, ông ký tên rồi đem con gái ông về.”

            Một lúc, tôi nói:

            – “Hết cha làm Việt Cộng tới con làm Việt Cộng. Bộ cha con ông không muốn ở yên hay sao vậy? Quốc Gia muốn dân được yên ổn làm ăn mà.”

            Tư Sang than:

            – “Khổ lắm ông, họ bắt ép hay lắm, không làm cũng không được.”

            – “Ông nói vậy chớ mấy người không làm giao liên cho Việt Cộng thì chết đói cả hay sao? Tự cha con ông muốn, tự mình tham mà ra chớ!” Giọng tôi hơi giận dữ.

            Tư Sang nói:

            – “Dạ thưa, ông nói vậy thì tui hay vậy, chớ ai mà không đốn được tràm, không bắt được cá thì đói lắm. Với lại họ tuyên truyền nghe hay lắm, làm như mình tưởng là thiệt vậy.”

            – “Họ tuyên truyền cái gì mà hay, ông Tư nói thử coi.” Tôi hỏi.

            – “Dạ, họ nói giúp “cách mạng chống Mỹ cứu nước”. Nước mình rừng vàng biển bạc nên Mỹ đem quân qua cướp lấy.” Tư Sang giải thích.

            – “Rừng vàng biển bạc” là cái gì? Là mấy con cá phân (3) ở ngoài hòn Ngang, hòn Heo. Rừng vàng là rừng Trà Tiên nầy chắc? Phải không?” Tôi hỏi.

            – “Dạ, họ nói vậy đó. Trà Tiên gỗ to nhiều lắm, lại vô số tổ ong, lấy mật.”  Tư Sang xác nhận.

            Tôi cười to:

            – “Tui nói thiệt với ông Tư, tụi Mỹ nó chẳng thèm gì cái rừng tràm nầy đâu. Ngay cả vùng châu thổ sông Cửu Long nầy nó cũng chẳng thèm. Ông có biết lưu vực sông Mississippi của nó rộng lớn như thế nào không? Tụi Mỹ gieo hạt bằng máy, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay, gặt có máy kéo. Tụi nó thèm gì cái rẫy của ông Tư ở Lung Lớn mà tụi nó đem quân qua đây, để ông gọi nó là “đế quốc Mỹ xâm lược”. “Ếch ngồi đáy giếng”. Cả cái đám chóp bu Việt Cộng cũng chỉ là đám ếch ngồi đáy giếng. Nói Mỹ xâm lược nước ta vì mấy đám ruộng phèn ở Kiên Giang nầy thì buồn cười quá! Ông Tư nói ra, người ta cười cho thúi đầu!”

            Bực mình, tôi “chưởi” Tư Sang một hơi như vậy cho đã!

            Chuyện về sau, nghe kể lại:

            Ngày 30 tháng Tư năm 1975, Đại tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng, Việt Cộng ra tiếp thu. Năm Tho nhân cơ hội nầy, bắn chết thiếu úy Sơn ở đầu cầu Lung Lớn. Mấy năm sau, con Hạnh đưa người đi vượt biên rồi đi luôn qua Mỹ. Năm nó làm Việt kiều hồi hương, mặc dù đã có chồng, có con, nó vẫn còn ra đầu cầu Lung Lớn, chỗ thiếu úy Sơn bị bắn, thắp nhang cho anh ta và khóc. Có lẽ ngoài việc nó yêu thầm anh ấy, nó còn mang ơn thiếu úy Sơn đã xin cho nó ra khỏi tù hồi năm ấy.

            (1) Quận Hiếu Lễ, tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Chương Thiện. Hiếu Lễ là cửa ngõ ngăn chận Việt Cộng xuất nhập mật khu U-Minh, mất an ninh. Nhân viên chính quyền, ai có lỗi, thường bị “đày” đi Hiếu Lễ, cũng có khi đi không về.

            (2) Lúc Nguyễn Giản Thanh còn đi học, thầy học là Đàm Thuận Huy, thấy học trò sắp ra về thì trời đổ mưa to, học trò không về được, thầy bèn ra vế đối để thử tài học trò:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
(Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách).

Nguyễn Giản Thanh liền đối lại là:
Sắc bất ba đào dị nịch nhân (Sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người).

Thầy Đàm Thuận Huy nói:
Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp.
Tương truyền, Nguyễn Giản Thanh, người làng Me, chỉ đậu bảng nhãn còn Hứa Tam Tỉnh, làng Ngọt, đậu trạng nguyên. Trong buổi lễ ra mắt vua, các tân khoa phải làm một bài phú dâng tặng vua và hoàng thái hậu. Hoàng thái hậu thấy Hứa Tam Tỉnh dung mạo xấu xí thì không ưng lắm, trong khi đó Nguyễn Giản Thanh khuôn mặt khôi ngô thanh tú nên bà muốn cân nhắc ông lên làm trạng nguyên. Vua vì muốn chiều lòng mẹ nên đánh giá bài phú của Nguyễn Giản Thanh cao hơn và trao danh hiệu trạng nguyên cho ông. Do đó dân gian có câu Trạng Me đè trạng Ngọt. (Theo WikiVN)

            (3) Loại cá nhỏ, thường dùng làm phân, nên gọi là cá phân.

Hoàng Long Hải
Trích “Hương Tràm Trà Tiên”

304Đen - Llttm

No comments: