Tuesday, June 9, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Bốn) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc – Chương Bốn

 
 
 
Chương Bốn


    Luông, người huyện đội trưởng du kích Việt Cộng, ngồi hút điếu thuốc rê, trong cái nhà chòi, bên kia con đường mòn bùn, len giữa hai bên truông nứa, trên miệng hầm, nhìn thằng Bon xách nước tắm. Hàng cây trâm bầu rậm lá, che kín nơi họ tạm dừng chân, chờ đêm xuống, đưa Bon qua mật khu Bời Lời, tránh máy bay L19 của VNCH thám thính. Chờ Bon tắm xong, Luông đưa cho nó hai vắt cơm nếp, có trộn muối, khẩu phần cơm chiều như thường lệ, thằng Bon cầm ăn một hơi, không nói tiếng nào. Ăn xong, nó mang túi xách chui vào hầm, khẻ rùng mình, gió nổi lên lành lạnh, ngủ chờ khuya theo ghe qua sông.

    Mật khu Bời Lời, nằm sâu hút giữa cái truông lầy rậm nứa, bụi nào bụi nấy, cao quá đầu người, dọc theo khúc rẽ rộng của sông Vàm Cỏ Đông, hai bên chằng chịt dừa nước, rễ dầy đặc như một đám rừng, khúc nào khúc nấy, lớn cả mấy người ôm, khoảng này vắng ghe tàu qua lại. Tàu bè từ hướng Long An lên Tây Ninh, không mấy qua đây, hầu như đều tách theo nhánh Ông Tộ, để có thể dừng nghỉ xả hơi ở chợ xã Long Giang, trước khi theo sông cái ra Cẩm Giang. Quân đội VNCH hành quân càn quét nhiều lần, nhưng thật ra, không có lần nào vào tận được trong lòng mật khu. Đôi ba lần đổ quân, băng ngang qua đồng Trà Cao vào, nhiều lắm cũng chừng vài cây số, du kích Việt cộng rút ngược vào sâu hoặc chui xuống hầm ngụy trang, không phản công lại, phá hủy sơ sài vài chục cái hố cá nhân, một vài hầm đựng lúa gạo rồi thôi. Thỉnh thoảng, máy bay dội bom hoặc pháo binh bắn hay tàu tuần võ trang pháo vào những lúc truy đuổi quân du kích sau khi bọn này tràn về tấn công đồn bót Địa phương quân hay Nghĩa quân những làng ấp quanh vùng. Mặt ngoài quốc lộ thì chịu, đứng bên này bờ nhìn qua bên ka, chỉ thấy toàn là rễ dừa nước và nứa, cả một khúc sông dài hơn mấy chục cây số, không có một chỗ nào có thể đặt chân lên được. Cuối cùng, mật khu Bời Lời tuy không lớn nhưng có thể gọi là một nơi hậu cứ an toàn cho hơn cả ngàn quân du kích. Từ khúc sông ấp Đồng Cò, quân Việt cộng theo cái lạch nhỏ, đốn một khoảng rễ dừa nước vừa đù, cho chiếc xuống ba lá lọt qua, rồi cột chứng lại ngụy trang làm ngõ vào, từ đó làm thành con đường di chuyển, len lỏi giữa truông về mật khu, bên trên thì đã có rừng nứa rậm che khuất. Tuy vậy, tính ra cũng phải mất ít nhất, là cả ngày đường, nếu đi theo ngả này vào mật khu và thường phải đi trong đêm để tránh máy bay quan sát L19 của quân VNCH.

    Nhà ở trong mật khu nằm theo từng khu một, xa nhau một khoảng đường, cất rất thấp và lợp bằng lá dừa nước và lá nứa, xen kẽ theo cây rừng cao rậm lá. Chung quanh xa xa đều có chòi canh, có bố trí sung phòng không nhẹ trong những ụ đất gò cao rãi rác. Khu huấn luyện, học tập nằm xa tận phía truông, về hướng sông, che khuất bởi đám dây leo chằng chịt lá. Mật khu được bao quanh bởi những cánh đồng dầy đặc hầm chông, bốn mùa nước che ngập phía trên mặt, khó ai biết được chỗ nào có chỗ nào không. Phương tiện di chuyển dùng xe gắn máy hay xe đạp, máy điện chỉ xài khi nào có chiếu phim hay đón cán bộ cấp lớn đền nghỉ chân, trên đường đi đâu đó ghé ngang. Muốn tấn công nó bằng bộ binh, dù là từ Trà Cú qua hay từ Trãng Bàng lên, không phải là chuyện dễ, cho nên mật khu tự nhiên là nơi tương đối an toàn, bất khả xâm phạm cho quân du kích Việt cộng sinh sống.

    Vì coi là không có cha mẹ, cho nên Bon được sắp vào ở chung với nhóm con nít có cha mẹ là du kích chết trận, trong một gian nhà lá vách bùn cuối bìa rừng. Nhóm này, do một chị du kích trẻ tên Lài lo, ai nấy đều gọi là “chị nuôi Lài”, người gốc Suối Cụt, có chồng trốn quân dịch, bỏ theo Việt cộng rồi chết trong trận tấn công căn cứ sư đoàn 25 của quân VNCH ở Củ Chi vài năm trước đây. Chị bỏ cái sạp bán đậu phộng nấu, bên lề đường chợ Suối Cụt, vào mật khu không lâu sau đó. Công tác của chị ta là lo chăm sóc ăn uống, áo quần và trông coi sinh hoạt hằng ngày của bọn trẻ này, tổng cộng trên dưới chừng năm sáu chục đứa. Từ ngày Bon vào đây, thỉnh thoảng vài hôm thì có thêm đôi ba đứa nhỏ hơn vào, không biết từ đâu. Đám con nít họp thành một đội gọi tên là “đội thiếu niên bác hồ Bời Lời”, đội được chia nhỏ thành từng nhóm mười đứa. Ngoài việc học chữ, cán bộ Việt cộng cũng huấn luyện thêm phần quân sự, vũ khí cho mấy đứa lớn tuổi, trong đó có Bon. Trời ở đây, đêm lạnh hơn ở Đồng Cò, vì chung quanh đều là bùn và nước. Trong giờ lao động, bọn trẻ phụ trồng rau, trồng khoai, bắp ngoài khu đồng thấp, nằm khuất giữa đám rừng, phần cái gọi là nghĩa địa liệt sĩ.

     So với đám con cháu “liệt sĩ vẻ vang”, Bon tương đối giỏi chữ nghĩa hơn, cho nên nó được cho làm đội trưởng dội Thiếu niên của mật khu Bời Lời. Mấy ngày đầu, khi mới vào, Bon cũng thấy nhớ nhà, nhất là ông bà Đốc Nhân, càng nhớ nó càng sợ kiếp đời chăn trâu trong mấy năm qua ở Đồng Cò, nhưng riết rồi quen dần. Bon vui vẻ theo đám bạn mới trong đội thiếu niên, tập lội sông, chui hầm, khi có đạn pháo của VNCH bắn vào hay máy bay bỏ bom, nó say sưa học tập, chống áp bức, bất công giai cấp, cách mạng vô sản, giải phóng miền Nam, không phải vì nó thấu hiểu cặn kẻ hay ôm ấp ước mơ theo “bác” như đám bạn khác, chỉ vì Bon ham đọc, trang sách đầy chữ, cái bìa vàng đục, bèo nhèo làm nó vui hẳn lên, không cần biết có ý nghĩa gì. Bon vài lần theo huyện đội di chuyển trong đêm, về tấn công lính VNCH tại mấy xã ấp trong vùng để học tập thực tế chiến đấu.

    Bí thư tỉnh đội du kích khen thưởng thành quả của Bon trong vai trò đội trưởng đội Thiếu niên mật khu Bời Lời, đưa đi tham dự đại hội “Thiếu niên bác hồ”, tổ chức tại cục R, Mỏ Vẹt, căn cứ của Mặt trận giải phóng miền Nam, nằm sâu bên kia biên giới Cam Bốt, tương đối gần như bất khả xâm phạm, có đại diện Đảng từ miền Bắc vào. Ngày lên đường, anh Huyện đội trưởng đưa Bon ra tới Trà Cú, từ đó nó được liên lạc viên du kích xã Long Giang đón, lính VNCH trên tỉnh, phối hợp với hải quân, hành quân càn quét vùng đồng lúa Long Khánh, Long Chữ, Bon phải kẹt lại hầm trốn của du kích xã Long Chữ mấy hôm, ăn khoai mì hai ba bữa. Lính VNCH tràn ngập, chiếm cả vùng, phá hủy hầm hố cơ sở, xã đội du kích chết vài chục mạng. Bon đến Mỏ Vẹt vừa đúng ngày khai mạc, cục R cờ xí ngập trời, xe cộ, ghe thuyền rộn rịp, nhà cửa kho hàng thẳng tấp. Người qua kẻ lại, sung ống, giấy tờ, ồn ào, không khác gì chợ xã chợ quận. Bon lại được cử làm đội trưởng đại biểu miền Nam, đọc bài phát biểu, ca ngợi công ơn “Bác”, nguyện sẽ học tập, lao động tốt, xứng đáng cháu ngoan, miền Nam thành đồng tổ quốc, bắt chước lập lại, giống hệt lời của cán bộ giáo viên nói, từ trên xuống dưới.

    Bon ở lại cục R, sau ngày đại hội, theo một ủy viên cao cấp của Mặt trận giải phóng miền Nam, gốc trung ương đảng ra Bắc, trước ngày Chánh phủ cách mạng lâm thời miền Nam thành lập, để tiếp tục học phổ thông và huấn luyện chánh trị. Bon rời Mỏ Vẹt, theo quân bộ đội hậu cần, lên tam biên, lần đường mòn Trường Sơn ra Bắc. Mưa đầu mùa, xối xả trên từng hàng cây ngọn lá, rừng cao nguyên lạnh suốt chuyến đi. Ông ủy viên cao cấp, sau này nắm chức vụ hàng bộ trưởng, vốn là một người tốt nghiệp luật từ bên Pháp về, hành nghề luật sư trong những năm đầu của chinh phủ Ngô Đình Diệm, sau đó bất mản, chống chính quyền, móc nối phe than Cộng vô bưng, đứng dưới ngọn cờ giải phóng miền Nam, do Cộng sản Hà Nội dựng lên, chạnh nhớ gia đình con cái, cũng cùng tuổi Bon, thấy Bon thông minh lanh lợi, ă nói hoạt bát, nhận làm con nuôi, xin mang về Bắc. Vài lần dùng giấy tờ giả mạo, trà trộn về Sài Gòn thăm con, vợ cũ ly dị từ lâu, không dám ở lâu vì an ninh cảnh sát VNCH lùng quá.

    Ra Hà Nội, hai cha con sống đơm chiếc với nhau, trong một căn nhà gạch cũ kỹ, cuối đường ra Hồ Tây, được bác đảng cấp cho, khi lấy người vợ sau, quê quán Hà Đông, làm giám đốc xí nghiệp quốc doanh xe đạp. Chung sống với nhau chừng ba bốn năm, bà bị bệnh ung thư chết, ông ở vậy cho tới giờ. Ngoài giờ học trong trường, ông gắng sức chỉ dạy Bon tiếng Pháp, thứ ngoại ngữ mà ông nói lưu loát không thua gì tiếng mẹ, không bao lâu nó rành rẻ viết đọc, ông hết sức hài lòng, mơ một ngày, giải phóng được miền Nam, thằng nhỏ sẽ tiếp nối ông trên đường cách mạng.
 
 

    Tốt nghiệp trung học phổ thông hạng xuất sắc, ý thức chính trị cao, quán triệt, thông suốt chính sách đường lối đảng, nắm vững mục tiêu đấu tranh giai cấp Mác Lê, Bom được kết nạp đảng viên, rồi cho sang Mạc Tư Khoa du học, bồi dưỡng lý thuyết và thực tế cộng sản đại đồng. Báo chí đảng ở Hà Nội, đăng bài ca ngợi Bon, đứa con cưng của giai cấp vô sản, nhờ ơn bác, phấn đấu thành công, xã phường, huyện tỉnh lấy đề tài học tập làm gương ra rã trong suốt mấy năm liền, ông ủy viên gốc miền Nam cũng được tiếng thơm lây. Bon rời Hà Nội trong một ngày đầu đông, cái lạnh rét da, phủ mờ phố xá, sương mù đục màu âm u, trông như nghĩa trang ma quái, trên chuyến máy bay già nua của “người đàn anh Liên sô vĩ đại”.

Thuyên Huy

(còn tiếp)

   

 

 

No comments: