Thursday, December 18, 2014

Thơ Mùa Thu Của Nguyễn Khuyến - Võ Thu Tịnh


Thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến
dọn đường cho thế hệ 1930- 45

 

 


 

Mùa thu và thi nhân vốn có nhiều duyên nợ. Trước cảnh thu không ai cảm xúc sâu sắc bằng các nhà thơ, cho nên trong các bài thơ hay kim cổ, phải kể đến các bài vịnh về mùa thu.
 
    Từ xưa, một loạt 8 bài Thu hứng của Đỗ Phủ (712-770) đã được Kim Thánh Thán liệt vào số sáu tác phẩm tài tử hay nhất đời Đường.
 
I- Mùa Thu với Nguyễn Khuyến

    Về sau, ở nước ta, trong các bài thơ nôm vịnh thu, phải kể đến ba bài Thu điếu, Thu ẩmThu vịnh  của Nguyễn Khuyến (1835) người làng Yên-đổ (Hà-nam, Bắc phần), là những thi phẩm tuyệt tác hiện còn truyền tụng cho đến ngày nay.

Thu điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Thu ẩm

Năm gian nhà nhỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
Rưọu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.


Thu vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ  ra sợ thẹn với ông Đào!


Chú giải - Thu điếu : mùa thu câu cá (điếu: câu cá). Thu ẩm : mùa thu uống rượu (ẩm: uống) Thu vịnh : mùa thu làm thơ vịnh (tức cảnh).

     Bản chất của thơ là tình cảm, nên thơ trước hết được cảm nhận bằng trực giác. Khi ta nghe (hay đọc) ba bài thơ nầy, qua trực giác, ta cảm thấy như chính ta cũng có những xúc động như tác giả hoặc đã có lần ta cũng muốn thốt ra những lời tương tự. Như thế là vì giữa thi nhân và ta đã sẵn có một lối truyền đạt ngôn ngữ như nhau, một nếp, một vốn suy tư, cảm xúc Việt Nam như nhau.

  • A.- Truyền đạt ngôn ngữ

    Trong ba bài thơ trên, Nguyễn Khuyến dùng toàn những lời nói hàng ngày của thường dân Việt, không xen lẫn một danh từ Hán-Việt hay một từ, một điển tích ngoại lai nào (trừ điển tích "ông Đào" ở cuối bài Thu vịnh), và dùng nhiều từ vô nghĩa, như: lạnh lẽo, veo, tẻo teo, gợn , đưa vèo, lơ lửng, vắng teo (Thu điếu); le te, lập loè, phất phơ, lóng lánh, ngắt,  đỏ hoe,  say nhè (Thu ẩm); lơ thơ, hắt hiu (Thu vịnh)...
       
Trong ngôn ngữ Việt, mỗi từ phải có một nghĩa, nhưng cũng có nhiều từ vô nghĩa, dạng thể đơn như: veo, ngắt, hoe..., hoặc dạng thể kép, như 2 tiếng vô nghĩa được ghép với nhau: le te, lơ thơ, hiu  hắt; hoặc một tiếng vô nghĩa ghép với một tính từ (adjectif) tạo thành những tính từ kép như: lạnh lẽo, lạnh lùng, lạnh buốt, hay xanh rờn, xanh ,  xanh ngắt hay trong veo, trong vắt, trong trẻo...làm cho ngữ nghĩa tiếng Việt đưọc phong phú, tinh tế hơn. Đó là một đặc thù của ngôn ngữ Việt, không một ngôn ngữ nước nào có. 

Chú ý : Những "từ vô nghĩa" ở đoạn trên đây viết có gạch dưới.

1. Thể luật

- Ba bài mùa thu của Nguyễn Khuyến làm theo thể "thất ngôn bát cú Đường luật" tức là 8 câu, mỗi câu 7 chữ, luật đời Đường (620-905).

 2. Vần
- Thơ "Đường luật" độc vận và chỉ dùng vần bằng (B) ở vào tiếng

chót của các câu 1, 2, 4, 6, 8 (Bv). Còn các tiếng chót các câu khác (3,  5, 7), bao giờ cũng là những tiếng thanh trắc (T).

   Riêng ở ba bài nầy, vần hầu hết cũng là "từ vô nghĩa", đặc thù của tiếng Việt, giàu tính cách tượng hình: bài Thu điếu gieo vần eo (veo, teo, vèo, teo, bèo), gợi ra ý co cóng giá buốt của mùa thu; bài Thu ẩm á gieo vần oe (te, lòe, loe, hoe, nhè) gợi lên ý nhòe nhoẹt trong đêm tối hay loạng choạng của kẻ rượu say nhè; bài Thu vịnh gieo vần ao (cao, hiu, vào, nào, Đào), phải chăng đã gợi lại dáng bộ của kẻ há miệng nhìn, cảm hứng trước cảnh trí lạ thường.

 3. Luật bằng trắc - Tiếng bằng là những tiếng không có dấu hay có dấu huyền, tiếng trắc có một trong 4 dấu: sắc, nặng, hỏi, ngã. Thơ "Đường luật" có hai loại: Bài "luật bằng" là bài có chữ thứ 2 ở câu thứ nhất thanh bằng. Bài "luật trắc" là bài có chữ thứ 2 ở câu thứ nhất thanh trắc. Rồi, trong mỗi câu, cứ 2 tiếng bằng thì tiếp theo 2 tiếng trắc, rồi 2 tiếng bằng (Bài luật bằng: BB TT BB); và ngược lại, cứ 2 tiếng trắc thì tiếp theo 2 tiếng bằng, rồi 2 tiếng trắc (Bài luật trắc:  TT BB TT).

4. -Niêm (dính vào) trong mỗi bài, kể từ câu 1 xuống đến câu 8,  ghép thành 4 cặp câu (1-8), (2-3), (4-5), (6-7). Trong mỗi cặp, các chữ thứ 2 của câu đều có thanh bằng như nhau, hay trắc như nhau. - "bài luật bằng": cặp (1-8)  bằng, cặp (2-3) trắc, cặp (4-5) bằng, cặp (6-7) trắc. - "bài luật trắc": cặp (1-8) trắc, cặp (2-3) bằng, cặp (4-5) trắc, cặp (6-7) bằng.
                     

5. Bất luận -
      Theo đúng luật như trên thì khó quá, cho nên người ta lập ra lệ "bất luận", như "nhất, tam ngũ bất luận", nghĩa là trong mỗi câu, các chữ thứ nhất, thứ 3 và thứ 5 có thể không theo luật bằng trắc.
 Tuy vậy, đặc biệt, ở ba bài mùa thu trên đây, Nguyễn Khuyến chỉ áp dụng lệ "bất luận" với các chữ thứ nhất và thứ 3 mà thôi. Còn chữ thứ 5 thì thanh phải đối nghịch lại với thanh của chữ thứ 7 (chữ chót) ": nếu chữ thứ 7 có thanh bằng thì chữ thứ 5 phải có thanh trắc, và ngược lại.
    Ví dụ ở bài Thu điếu: nước (T) trong veo (B), (T) tẻo teo (B), hơi (B) gợn (T)... dưới (T) chân bèo (B); ở bài Thu ẩm: thấp (T)  le te (B), đóm (T) lập lòe (B), màu (B) khói nhạt (T)... đã (T) say nhè (B); ở bài Thu vịnh: mấy (T) từng cao (B), gió (T) hắt hiu (B), ... toan (B) cất bút (T), với (T) ông Đào (B).
   

 Chú ý : đoạn trên đây, các chữ thứ 5 đậm (gras) các chữ thứ 7 (chữ chót của câu) có gạch dưới (souligné)

Lối "đổi thanh nầy, rất tự nhiên trong thơ Việt, và vẫn chi phối hết thảy các thể thơ cũ và mới ", như Hoài Thanh có xác nhận trong Thi nhân Việt Nam. (1)

 Ở đây, Nguyễn Khuyến đã tận dụng lối "đổi thanh" đặc thù giữa chữ thứ 5 với chữ thứ 7 (chữ chót của câu), làm cho âm vận trong  ba bài mùa thu nầy có tính chất Việt Nam  hơn.
   
Cuối cùng, bản đồ thị kiểu mẫu được chỉnh lại (Việt Nam hóa theo Nguyễn Khuyến) như sau đây:
             

6. Khổ độc
- Trừ chữ thứ 5 ra, còn các chữ thứ nhất và thứ 3, tuy là « bất luận » có thể không theo luật bằng trắc, nhưng nếu theo luật bằng trắc nguyên là  thanh trắc đổi ra thanh bằng thì nghe thuận tai, còn nguyên là thanh bằng mà đổi ra thanh trắc thì lại nghe chướng tai (khổ độc). Vì vậy có khi bài làm đúng luật bằng trắc và đúng lệ "bất luận" nhưng đọc lên vẫn nghe không êm tai chút nào.

7. Tiết tấu
- Các chữ thứ 5 trong thơ "Đường luật" rất quan trọng, vì các câu thất (7 chữ) của "Đường luật" Trung-hoa bao giờ cũng phân thành 2 vế, vế thứ nhất 4 chữ, vế thứ nhì 3 chữ. Chữ thứ 5 là chữ bắt đầu vế thứ nhì. Nhấn mạnh vào chữ ấy làm cho nổi bật tiết tấu thơ "Đường luật". Như:

        Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo,
        Một chiếc thuyền câu / tẻo teo.

Còn các câu thất Việt Nam, trong thể "song thất lục bát" chẳng hạn, cũng phân thành hai vế, song khác với câu thất Trung-hoa là vế thứ nhất 3 chữ, vế thứ nhì 4 chữ, như:

         Ngoài đầu cầu / nước trong như lọc,
        Đường bên cầu / cỏ mọc còn non. (Chinh phụ)

        …Đất Quảng-nam / chưa mưa đã thấm,
        Rượu bồ-đào / chưa nhấm đã say. (ca dao).

   Làm thơ Đường luật mà dùng tiết tấu (3 - 4) Việt Nam thì  không đúng cách.

  •  B.-. Cấu trúc(một nếp suy tư) –

Trong một bài thơ "Đường luật", nhà làm thơ thường gọi hai câu đầu là "mạo" giới thiệu đề, hai câu 3 và 4 là"thực" tả rõ đề, hai câu 5 và 6 là "luận" nhân cái thực mà bàn luận thêm, hai câu cuối là "kết" hợp các ý cả bài mà khai triển tình tự. Hai câu thực (3 và 4), cũng như hai câu luận (5 và 6) phải đối  nhau.
  
   Nguyễn Khuyến đã trình bày tình ý trong cấu trúc gò bó Đường luật ấy một cách dễ dàng uyển chuyển:


   Đề bài Thu điếu là mùa thu đi câu, sau cảnh sóng gợn, lá vàng bay theo gió của mùa thu, thì tâm tình của nhà thơ đã lơ lửng gửi vào các tầng mây, đã  cảm thấy vắng teo qua ngõ trúc, để quay trở về đề mà than rằng "ôm cần lâu chẳng được!" Đề bài Thu ẩm là mùa thu uống rượu, sau cảnh khói nhạt trên giậu, bóng trăng loe trên ao của mùa thu, thì tâm tình nhà thơ vấn vương theo các câu hỏi "trời, ai nhuộm mà xanh ngắt?", "mắt, ai viền mà đỏ hoe?" để quay trở về đề mà than rằng "bình thường giỏi uống rượu, mà nay vài chén đã say nhè!" Đề bài Thu vịnh  là cảm hứng trước mùa thu mà làm thơ. Sau cảnh khói phủ trên nưóc biếc, trăng xuyên qua song cửa của đêm thu, thì tâm tình nhà thơ dẫn khởi theo "hoa năm ngoái", "ngỗng nước nào?" để rồi quay trở về đề mà than rằng "toan làm thơ mà thẹn với Đào Tiềm, một thi hào xưa chán cảnh lòn cúi của quan trường, đã từ chức về vườn, làm bài "Qui khứ lai từ" nổi danh tuyệt tác

  • C.- Thi hứng (một nếp cảm xúc)


     Các nhà thơ xưa thường tìm cảm hứng trong cảnh vật Trung-hoa, như sông Xích-bích, hồ Động-đình, bến Tầm-dương, sông Tiêu-tương, bến Phong-kiều,... Nhưng trong các thi phẩm Nguyễn Khuyến tuyệt nhiên không thấy có các cảnh Trung-hoa, hay các cảnh xây dựng theo tưởng tượng, mà những cảnh quen thuộc thường ngày của nông thôn Việt Nam.

1. Hình tượng
     Nhà thơ Yên-đỗ đã trình bày cảnh thu quen thuộc thường ngày ấy qua tất cả các đặc tính hằng hữu của mùa thu: Mùa thu là mùa

của gió heo may, của trời xanh, trăng sáng, là mùa lá rụng, là mùa côn trùng sinh sản, đêm tối đốm lập lòe đầy vườn, mùa thu là mùa nước ấm hơn đất và khí trời, nên bốc hơi lên như khói tỏa (vì nước bao giờ cũng lạnh hay nóng lâu hơn đất và khí trời), mùa thu còn là mùa hoa cúc nở, là mùa  chim trời bay tìm nơi ấm áp, tránh lạnh mùa đông... Phải là người đã sống và hòa mình thật sự với cảnh vật đồng quê Việt Nam như Nguyễn Khuyến mới có thể cô đọng tất cả các nét đặc thù của mùa thu, để dồn vào ba bài thơ "Đường luật" chật hẹp như thế được.
 
    Có thể cho rằng ba bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến là ba bức tranh sơn thủy. Xưa, Tô Đông Pha đã từng khen Vương Duy (701-761) "Trong thơ có họa, trong họa có thơ". Và chính J. F. Marmontel (1723-1799) ở phương Tây, cũng cho "thơ là một bức họa biết nói, là một ngôn từ có thể vẽ ra được bằng các hình tượng".

2. Dẫn khởi
     Trong thi ca, hình tượng là một  phương tiện tạo ra cảm giác mãnh liệt tối đa, mà đặc tính là dẫn khởi, tức là từ những hình ảnh nầy dẫn lần đến những hình ảnh, hay tình ý khác, đưa tâm tư ta đến những xúc cảm, tình tự cao xa hơn. Nếu bảo rằng "Thi ngôn kỳ chí dã" (thơ nói lên cái chí của mình) như trong sách Lễ Ký (thiên Nhạc Ký) xưa có câu, thì các bức họa mùa thu của Nguyễn Khuyến hẳn cũng có thể dẫn khởi đến một tâm sự u ẩn gì của tác giả. 
 
     Phải chăng đó là tâm sự của một bại thần, vì tuổi già, sức yếu mà đành khoanh tay trước nạn nước mất nhà tan. Nguyễn Khuyến thi Hương đỗ đầu năm 1864, đến năm 1871, đỗ đầu thi Hội và thi Đình (tam nguyên), làm quan đến chức Bố-chánh, Tổng-đốc... Gặp lúc quân Pháp đánh chiếm Nam kỳ, Bắc-kỳ, rồi Hà-nội và Huế lần lượt thất thủ, triều đình ký hòa ước nhận quyền bảo hộ của Pháp,     Nguyễn Khuyến liền lấy cớ đau mắt nặng mà cáo quan về hưu năm 1885, giả ngu, giả dại để khỏi bị Pháp ép ra làm quan:

              Trong thiên hạ có anh giả điếc
               Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây...

      Vận nước đã cùng, Nguyễn Khuyến chỉ còn biết tìm lẫn quên trong các thuyết Lão Trang, trong đời sống xóm làng, trong cảnh thanh nhàn giữa cảnh vật thiên nhiên, và thường ký gửi tâm sự mình vào những vần thơ bằng chữ nôm.

     Ở đây, sóng ao thu hơi gợn tíá: phải chăng phong trào Cần Vương ngày một yếu dần. Lá vàng theo gió bay vèo: vua Tự Đức, người cương quyết kháng chiến đến cùng, đã băng hà. Mây lơ lửng: vua Hàm Nghi bị lưu đày. Ngõ trúc khách vắng teo: trong nước người hiền tài ngày một hiếm. Ôm cần lâu chẳng đặng: như Lã Vọng đi câu chờ thời mà tuổi già sức yếu e không còn sức đợi lâu được (Thu điếu).

     Đêm khuya mùa thu, chỉ có bóng trăng loe, ánh đốm lập lòe, khói nước nhợt nhạt: tình trạng nước nhà nhiễu nhương đen tối. Ai nhuộm mà trời xanh ngắt: ai kiềm chế các vua đương thời? Không ai viền, sao mắt lại đỏ hoe: vì đâu mà khóc? Có tiếng giỏi rượu mà sao mới vài chén đã say nhè? Xưa có câu "Túy bất tại tửu, tại hồ thiên địa chi gian", phải chăng say không phải tại rượu mà tại nơi khoảng giữa trời đất giang sơn nầy. Hơn nữa, "thu ẩm hoàng hoa tửu" là một trong bốn cái thú hưởng nhàn thanh tao của người xưa, (2) sao lại uống đến say nhè, cho mắt đỏ hoe?  (Thu ẩm).
 
    Trời xanh thẳm, gió heo may, nước biếc, trăng sáng: tất cả cảnh vật mùa thu đã gợi niềm cảm hứng. Hoa năm ngoáiá: nhìn cúc nở, nhớ những ngày qua. Nghe ngỗng trên trời kêu: có phải tin tức các nhà cách mạng lưu vong từ nước nào bên ngoài nhắn về chăng? Cảm hứng trước mùa thu, Nguyễn Khuyến toan làm thơ vịnh cảnh, mà thẹn với người xưa, vì trước nạn xâm lăng, đã không làm gì được để cứu nước, sao còn bày trò ngâm vịnh làm gì cho thêm xấu hổ! (Thu vịnh).
 
    Và dẫn khởi xa hơn nữa: Bầu trời thu bao la, nước ao thu trong veo, người đi câu bé nhỏ thu hình trên chiếc thuyền tí hon, có sự tương phản trước cái vô cùng của Trời đất với cái mong manh về hình hài, làm cho ta phải suy gẫm về thân phận con người trước không gian và thời gian vô tận của vũ trụ. Nhìn hoa thu năm nay mà tưởng như hoa năm ngoái, nghe ngỗng kêu ngang trời mà băn khoăn tự hỏi ngỗng nước nào: tâm tư của thi nhân đã vượt ra ngoài thực tại ngày tháng và băng tìm theo mọi nẽo từ phương trời xa khuất.
 
     Nhưng, có người sẽ hỏi các điều suy đoán như trên, quả thật  có đúng với nguyên ý của Nguyễn Khuyến không? Hay đó chỉ do chủ quan của chúng tôi đã tưởng tượng thêu dệt ra chăng?

    Paul Valéry đã từng cảnh cáo rằng: "Đây là một sai lầm phản lại tính chất của thơ, đến có thể giết chết thơ đi, khi ta khẳng định rằng mỗi một thi phẩm chỉ tương ứng với một ý nghĩa đúng thật, độc nhất và phù hợp hay đồng nhất với một ý tưởng của tác giả mà thôi".
(3)

     Riêng về những lời suy đoán của chúng tôi trên đây, tưởng không phải là không có căn cứ, vì tương truyền, vào những ngày cuối đời, Nguyễn Khuyến đã âm thầm sống trong một thứ mặc cảm tội lỗi và  tủi nhục.

            Sách vở ích gì cho buổi ấy?
           Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
        ...Ơn vua chưa chút đền công
          Cúi trông thẹn đất, ngẩng trông
 
I I.- Mùa thu với Đỗ Phủ


     Trong những tự tình qua các bài về mùa thu nầy, Nguyễn Khuyến và Đỗ Phủ đều có những tâm sự đau buồn như nhau. Nhưng nếu Nguyễn Khuyến dùng cảnh thu tượng trưng cho những nỗi niềm chán nản, tủi nhục của mình một cách xa xôi, thì Đỗ Phủ đã dùng những hình tượng trong thiên nhiên làm bối cảnh, để miêu tả rõ ràng những uất hận  trong đời ông. Như ở hai câu thơ bất hủ trong bài Thu hứng  số 1:

             Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
             Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ / Con thuyền buộc chặt mối tình nhà. - Nguyễn Công Trứ dịch)

     Mà Nguyễn Khuyến  đã Việt hóa, và cô đọng lại một cách lơ lửng kín đáo hơn:

            Mấy chùm trưóc giậu hoa năm ngoái.

     Và nếu Đỗ Phủ đã luôn luôn tự tình lộ liễu, như trong bài Thu hứng số 3 của ông chẳng hạn:

            Đồng học thiếu niên đa bất tiện
            Ngũ-lăng cừu mã tự khinh phì.

(Bao nhiêu bạn trẻ nghèo xưa/    Áo cừu, ngựa béo nhởn nhơ kinh thành - Trần Trọng San dịch)
     Thì Nguyễn Khuyến  kín đáo dẫn khởi xa xôi hơn:

            Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
            Mới năm ba chén đã say nhè.


     Cô đọng, xa xôi qua những cảnh thu, cả một hệ thống hình tượng của Nguyễn Khuyến là những văn ảnh giàu dẫn khởi, "đưa hai thực tại xa cách nhau đến gần sát lại với nhau" để làm tăng cường lực xúc cảm, để tăng thêm thực chất
 
I I I - Mùa thu với nhà thơ thế hệ 30-45
 

    Mỗi năm, khi hoa cúc nở giữa những chiếc  lá vàng rơi, khi gió heo may hiu hắt dưới vầng trăng trong sáng... một số thi sĩ thế hệ 30-45, cũng cảm thấy rạo rực, cần mượn thi ca mà bộc lộ những nỗi hoài cảm riêng tư.

    Hoặc than khóc cho duyên kiếp dở dang như bà Tương Phố trong "Giọt lệ thu":

                Trời thu ảm đạm một màu,
                 Gió thu hiu hắt thêm sầu lòng em.
                Trăng thu bóng ngã bên thềm,
                Tình thu ai để duyên em bẽ bàng?

   
     Hoặc lắng nghe hồn mình ngơ ngác, đơn cô giữa mùa thu, như Lưu Trọng Lư trong "Tiếng thu":
  

    Em không nghe mùa thu
    Dưới trăng mờ thổn thức?
    Em không nghe rạo rực
    Hình ảnh kẻ chinh phu
    Trong lòng người cô phụ?
    Em không nghe rừng thu
    Lá thu kêu xào xạc
    Con nai vàng ngơ ngác
    Đạp trên là vàng khô?

   

Hoặc duyên dáng mơ màng như Xuân Diệu trong "Đây mùa thu tới" :

     .. Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
    Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
    Đây mùa thu tới - mùa thu tới
    Với áo mơ phai dệt lá vàng.

       Hơn một loài hoa đã rụng cành
    Trong vườn sắc đỏ rữa màu xanh:
    Những luồng run rẩy rung rinh lá...
    Đôi nhánh khô gầy xương mong manh...


                                           *
     Nhìn soát lại, về những bài thơ mùa thu, ngày xưa, Thi hứng của Đỗ Phủ là một trong sáu tác phẩm tài tử hay nhất đời Đường, bút pháp miêu tả kỳ diệu, chuyên dùng những hình tượng trong thiên nhiên làm bối cảnh trợ lực để tự tình những nỗi uất hận bình sinh của tác giả. Ngày nay, vào thế kỷ XIX ở nước ta,  các bài Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến là những bài thơ chữ nôm tuyệt tác trứ danh, được người đời truyền tụng cho đến ngày nay, tuy xây dựng theo những qui luật gò bó chặt chẽ của thơ "Đường luật", mà bao nhiêu tình ý, cảnh trí thuần chất Việt Nam đã được giao thoa một cách dung dị, uyển chuyển chưa từng thấy.
  
     Nhà thơ Yên-đổ đã Việt hóa hoàn toàn lời thơ và tình tự cảm hứng, đã thăng hoa những "từ vô nghĩa" đặc thù của ngôn ngữ ta để dùng làm phó từ (adverbe) bồi nghĩa khởi sắc cho những tính từ (adjectif) và động từ (verbe), khôi phục lại những thanh âm giàu nhạc tính hằng hữu của tiếng Việt. Đặc biệt hơn cả là dùng những văn ảnh giàu tính cách dẫn khởi cao xa, có thể cho rằng phần nào đã gần với khuynh hướng của thi phái "tượng trưng" Tây phương, chủ trương thơ dùng hình ảnh để biểu tượng cho tình ý, cảm xúc, không cần giải thích rõ, mà chỉ để  dẫn khởi, hơn là để miêu tả so sánh, một khuynh hướng đã  thấy manh nha trong các vần thơ mùa thu của thế hệ 30-45 trích dẫn trên đây.
    

Giá trị nghệ thuật của thơ vốn tùy thuộc vào đặc tính của ngôn ngữ, của lối diễn đạt tình ý và của quan niệm thẩm mỹ riêng biệt

của mỗi dân tộc. Nguyễn Khuyến đã dùng bình cũ Trung-hoa để  chứa đựng rượu mới cất lên từ những chất men nghìn đời ấy của dân tộc Việt Nam.
   
     Với một bút pháp tân kỳ đặc thù phát sinh từ lòng đất mẹ, nhà thơ Yên-đỗ đã Việt hóa hoàn toàn những sở đắc Hán học của mình, và chỉ với ba bài thơ nôm vịnh thu thôi, cũng đủ để gây được trong giới thức giả đương thời một niềm tin tưởng vững chắc vào khả năng diễn đạt thẩm mỹ thi ca của tiếng Việt, dọn đường cho các nhà thơ chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương sau nầy.
   
     Giáo sư Thanh Lãng trong Biểu nhất lãm văn học cận đại, đã từng xác nhận "Các nhà thơ của thế hệ 30-45 mắc nợ Yên-đổ rất nhiều... nhất là qua những bài thơ về mùa thu ."

    Trong những dân tộc cùng một nền văn hóa, hay ngay trong một dân tộc riêng rẻ, quan niệm về thơ còn thay đổi theo các khuynh hướng văn học, theo các biến hóa xã hội và lịch sử.

    Viên Mai, thi sĩ đời Thanh, khuyến cáo: "Nhà thơ rất nhiều, không nên khăng khăng tin vào lời nói của một người nào cho đó là chân lý, mà khinh bạc các nhà thơ trước ta... Nên biết rằng thơ Vương Xương Linh và Mạnh Hạo Nhiên là u nhàn thanh nhã, nhưng hai nhà thơ đó có làm được thơ biên tái đâu? Đỗ Phủ, Hàn Dũ thì thơ hùng tráng, nhưng khó đưa vào âm nhạc [...] Thương hoa xót nguyệt, không phải Ôn Đình Quân, Lý Đông Lang thì không thành. Sánh việc dựng lời, không phải Nguyễn Chẩn, Bạch Cư Dị thì không thạo. Người xưa, mỗi người nổi tiếng một môn, truyền mãi đến nay. Người sau không thể không học thông nhiều lối, theo từng đề tài mà sáng tác." (4)

Võ thu Tịnh

 

  • CHÚ  THÍCH

(1)- Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Hà Nội 1942, t. 41, bị chú 1: (Hễ câu thơ chia làm hai hay ba đoạn, chữ cuối các đoạn phải lần lượt bằng rồi trắc, hay trắc rồi bằng).
(2)- Xuân du phương thảo địa, hạ ngoạn lục hà trì, thu ẩm hoàng hoa tửu, đông ngâm bạch tuyết thi (Xuân dạo đất cỏ thơm, hè xem ao sen biếc, thu uống rượu hoa vàng, đông ngâm thơ vịnh tuyết).
(3)- P. Valéry:"C'est une erreur contraire à la nature de la poésie, et qui lui serait même mortelle, que de prendre qu'à tout poème correspond un sens véritable, unique, et conforme ou identique à quelque pensée de l'auteur" (Variété).
(4) Nam Trân  trích dịch, Thơ Đường, Lời tựa, Hà-nội 1987, trang 19.

 (304Đen - Lượm lặt trang mạng Thi Viện)

No comments: