Monday, December 8, 2014

Kỷ Niệm Ấu Thơ - Phạm Vĩnh Thanh


Kỷ Niệm Ấu Thơ

 
    Thực sự tôi không phải là người mê cỗ nhạc dù là Nam, Trung hay Bắc, lại càng chưa bao giờ đi xem cải lương để nhìn thấy nghệ sĩ gạo cội Út Trà Ôn tận mặt trên sân khấu, ngoại trừ những bức ảnh thấy trên các bích chương quảng cáo khi còn bé đạp xe đi học. Một hôm trên đường đi làm về, nghe ‘radio’ tôi đươc thông báo người ca sĩ lão thành vừa qua đời ở Việt Nam, ông mất ở một tuổi khá thọ, 83. Đáng lẽ cũng như bao nhiêu cái chết khác của những cụ già mà ngày nào cáo phó, phân ưu cũng đưa tin, tôi sẽ quên ngay sau vài phút, thế nhưng, khi tin ông chết tôi lại bùi ngùi nhớ lại một kỷ niệm của chính mình.

    Vào khoảng 1950 -1951, khi tôi độ hai ba tuổi, thì tình hình chiến sự dâng cao, mỗi lần có những vụ càn quét thì chúng tôi phải chạy loạn, nghĩa là di tản ra nhựng làng mạc và đồng ruộng, chờ quân Pháp đi rồi thì quay về nhà. Vùng tôi ở là một làng quê ở giữa hai bên nên có thể là nạn nhân của bất cứ phe nào. Khi đó gia đình tôi có một cái máy hát chạy bằng dây cót, loại máy hát mà cái cần gắn kim khoằng khoằng như cái cổ ngỗng, những chiếc kim hát phải mài đi mài lại để dùng vì muốn mua phải lên tận Hà Nội mới có. Tôi không nhớ gia đình tôi có bao nhiêu cái đĩa hát (hay chỉ có một cái duy nhứt không chừng) nhưng tôi chỉ thích bài “Bàng Quyên- Tôn Tẩn mà về sau tôi mới biết rằng, đó là bài Tôn Tẩn giả điên do danh ca Út Trà Ôn hát. Những đêm khuya, nghe người nhà kể lại, tôi khóc rất dai cho đến khi chú tôi phải vặn bài hát này cho tôi nghe xong tôi mới chịu đi ngủ. Bài hát đó bây giờ tôi còn nhớ đúng một câu: “Trời đất ơi, nổi đoạn trường, chỉ vì tôi quá tin thằng Bàng Quyên nên nó mới chặt..ư ư..đứt một bàn chưn tôi..”, thế nhưng tiếng hát đó vẫn văng vẳng trong đầu tôi năm mươi ba năm qua, không phai mờ mặc dù khi nhắc đến thì chỉ là một kỷ niệm nhạt nhẽo và vu vơ, thực không đáng kể lại cho ai nghe.
 

    Sáng nay tôi nhận được một cái “e-mail” trong đó bạn tôi chuyển cho một bảng Câu Đố nhận được từ ai đó. Những câu đố này đúng ra là một bài học về nhân sinh, trong đó người viết đưa ra một loạt câu hỏi: “cho biết tên 5 người nhận giải Pulitzer năm năm qua, cho biết tên 5 người nhận giải Nobel năm năm qua, cho biết tên 5 người được bầu làm hoa hậu nước Mỹ trong năm năm qua..”. Một loạt danh nhân vẫn thường là những hàng tít lớn trên báo chí hàng ngày chúng ta hằng thấy nhưng có lẽ bạn cũng như tôi, không ai có cái trí nhớ siêu phàm để nhắc được tên các người đó. Kế đó, người đưa ra tiếp một số câu hỏi khác: “cho biết thầy giáo nào đã ảnh hưởng và làm cho bạn nhớ đến nhất, cho biết người giúp đỡ bạn và có những kỷ niệm nhiều nhất, cho biết người nào đã khuyến khích và hướng dẫn đời bạn..”. Sau khi nghiền ngẫm những câu hỏi này, chúng ta mới chợt nhớ ra rằng cuộc đời mình không được hằn dấu bằng những danh nhân to lớn của thời đại như mình vẫn tưởng, trái lại chúng ta có những kỷ niệm nhỏ, những người bạn khi còn học ở trung học, tiểu học, những mối tình rất vô tình nhưng vẫn đánh dấu một thuở hoa niên, có khi ngay ở lớp nhì lớp nhất chứ không phải khi đã khôn lớn.

    Cách đây không lâu, một người bạn tôi ở bên Úc có sáng kiến rủ rê và tìm kiếm những bạn bè cùng học với nhau từ năm đệ Thất ở Chu Văn An, để làm một cái diễn đàn nho nhỏ, viết nhằng viết cuội, ăn tục nói phét với nhau như khi còn là những đứa trẻ mười một mười hai. Quả thực, những cái “e-mail” qua lại gợi cho nhau nhiều kỷ niệm be bé mà đôi khi chúng ta quên bẳng đi nhưng vẫn còn in đậm trong óc một người bạn cũ của mình. Cái thú vị đó cũng có thể là một dấu hiệu của tuổi xế trưa khi ai nấy bước vào tuổi tri thiên mệnh rồi nhưng cũng có thể là một thực tế mà đến tận bây giờ chúng ta mới nhận ra. Người ta ít khi nhớ đến những bữa ăn đầy cao lương mỹ vị như những tiệc cưới, những buổi họp mặt, những vụ gây quỹ đã trở thành nhàm chán ở xứ Cờ Hoa này mà chúng ta phải đóng bộ, đóng kịch hàng tuần, hàng tháng như một món nợ miệng phải trả cho xong. Trái lại, những ngày khó khăn, chia với nhau một củ khoai, một điếu thuốc lại gợi nhớ nhiều hơn và cũng êm đềm hơn.

   Quả đúng vậy, đến lúc này, chúng tôi không viết để hỏi nhau về sự nghiệp, về bằng cấp, về gia sản và danh tiếng mỗi người đã thu đạt trong bốn chục năm qua. Chúng tôi nhắc cho nhau những bài thơ của Trần Trung Phương, Bàng Bá Lân, Tản Đà và những đoạn văn của Hà Mai Anh, Thanh Tịnh... Có những bài thơ giản dị mà đầy ý nghĩa chúng tôi đã nhắc lại, chẳng hạn:

“Thằng Ba đeo cặp kính râm

Than rằng trời đất tối tăm mịt mờ

Vội vàng đổi kính màu lơ

Cười rằng trời đất bây hóa xanh

Ba ta lại muốn chơi tinh

Thay đổi kính trắng nhìn quanh khắp nhà

Kêu rằng muôn vật đều nhòa

Mẹ Ba thấy vậy nhủ Ba đôi lời

Muốn trông cho rõ sự đời

Mà con đeo kính nực cười lắm thay

Dùng đôi mắt thật họa may

Hảy mau bỏ kính ra ngay

Dùng đôi mắt thật họa may đở nhầm”.

 Hay một bài ngăn ngắn khác:

“Chua cay mặn đắng ngọt bùi

Ở đời phải nếm đủ mùi mới hay

Nực cười cho thế gian này

Ngọt bùi ưa ít chua cay ưa nhiều”.

 

Những bài thơ giản dị đó vẫn còn nhớ rất kỹ sau hơn bốn mươi năm. Thành thử nếu tôi có bồi hồi đến giọng ca của ông Út Trà Ôn trong cái khung cảnh một đứa trẻ nhỏ cố tìm ra cái người bé tí xíu nào đó trong trong cái hộp hát vọng ra thì cũng là một lẽ thường.


    Có lẽ vì thế, đã lâu nay tôi ít khi đọc hồi ký của những danh nhân, những người đã từng đóng vai trò quan trọng trong các khúc quanh lịch sử của vài chục năm qua vì những chi tiết trong đó,  không còn thích thú như mấy cái “e-mail” của một tên bạn cũ học với nhau hồi còn bé hay tại vì thế mà cái chết của một ông tướng cũ ở Nam Cali lại ít gây xúc động cho tôi hơn cái chết của một người nghệ sĩ già ở Việt Nam.

 
Phạm Vĩnh Thanh

(Tuần báo Chuông Sài Gòn số 24 – Melbourne)

 

 

 

 

No comments: