Năm
nớ, tôi mười hai tuổi, mùng một Tết, tôi cùng ông Bốn đánh trâu lên thả trên
núi Đá Ghe. Buổi sáng đầu năm, mưa phùn tơ nhện. Tôi cỡi con Xe, giòng thêm con
nghé Sản. Ông Bốn cỡi con Pháo một mình. Lúa vụ Đông Xuân vừa lên gang tay, còn
vàng màu mạ úa. Đi tới đập Hố Cái, sắp lên núi, ông Bốn hỏi tôi: “Mi có ưng về
nhà đi chơi Tết không? Nếu mi ưng, chút nữa thả trâu xong để tau giữ giùm cho.
Tau già rồi, chẳng Tết nhứt chi. Linh hồn tau nằm ở trên đỉnh núi tê tề rồi…”.
Ông chỉ tay lên ngọn núi Đá Ghe. Trên đỉnh chỉ một màu xanh đen của rừng già
nhiệt đới. Hòn Đá Ghe xam xám như một con mắt trầm tư nhìn xuống làng mạc,
ruộng nương.
Tôi
vừa buồn, vừa bực vì ngày Tết vẫn phải đi giữ trâu, nghe nói rứa cũng ưng bụng
nhưng rồi phân vân. Ba con trâu, một người già một con nít bươn bả lên núi. Mùa
này, trên một thung lũng dưới chân hòn Đá Ghe, rừng đót vừa bị cháy xong đang
lên mầm mới. Lá đót non sắc như dao, chỉ có miệng mấy con trâu chịu đựng được.
Những lần cho trâu ăn chỗ ni, chân tay tôi đầy vết cắt. Ông Bốn đã già, da nhăn
nheo, lá đót cắt cũng không vô. Ổng hay nói tiếu lâm, chừ mi lấy dao cắt tau
cũng không còn hột máu. Hết máu rồi. Mi nghe nói trâu già không sợ dao phay
chưa? Tôi nói chưa nghe. Ông kêu già rồi thấy chuyện chi cũng thường, không còn
sợ hãi.
Năm
nớ ông Bốn bảy mươi ba tuổi ta, tôi mười hai. Một trẻ một già thường đi giữ
trâu chung. Những buổi ổng bận làm ruộng, gửi trâu cho tôi coi. Những buổi tôi
mắc đi học, gửi trâu lại cho ổng coi giùm. Dưới hố Đá Ghe, ông Bốn có một miếng
rẫy. Rẫy nằm bên khe, đá nhiều. Ổng khiêng đá về chất thành hàng rào xung
quanh. Không có con heo rừng mô lọt vô được. Bên trong hành rào đá có một cái
trại nhỏ, kiểu nhà sàn dân tộc. Bữa nớ mùa hè, tôi vô trại nằm ngủ. Mấy con trâu
thèm ngọn sắn nhảy được vào trong, làm hết sạch mấy hàng. Ông Bốn biết được kêu
tôi tới quất một roi vào mông chửi: “Thằng mất dạy! Mi coi ngó trâu rứa hả?”.
Tôi nén đau nói lại, con trâu của tôi mất dạy chớ không phải tôi. Ổng cười
liền. Lần sau nhớ dạy trâu lại đi nghe con. Tôi nói, trâu không dạy được, lỗ
tai nó dày như lỗ tai tôi, nói mấy cũng không nghe, ưng chi làm nấy.
Lên
tới cái thung lũng có nhiều đót, hai ông cháu thả mũi trâu ra. Ổng kêu, tau bớ
mi trèo lên hòn đá chơi. Tôi thấy ổng già nhưng tình hiếu động còn hơn tôi. Hai
người rẽ lối tìm đường lên hòn Đá Ghe. Hòn đá cao chừng hai chục thước, gấp đôi
gấp ba mái nhà tôi, hình dạng tự nhiên y chang chiếc ghe vĩ đại. Bên dưới hòn
đá, lòng boong phủ đầy, cao lút đầu tôi. Ổng vạch lối đi trước nói để rủi có
rắn lục nó cắn thì cắn tau, mi khỏi lo. Trèo lên được trên đỉnh hai ông cháu
thở mệt. Ổng ngồi xuống, mở bi đông rượu ra, ngửa cái nắp uống liền bốn cái.
Từ
trên cao, ngó xuống làng, núi chen gò, thấp thoáng những mái nhà tranh, bờ
ruộng bậc thang uốn những đường cong gợi cảm. Trên những bờ ruộng cong, người
người mặc áo mới đi chơi xuân to chỉ bằng ngón tay, di chuyển chậm chạp rất vui
mắt. Tôi ngó mê say, quên mất nỗi buồn ngày Tết không được đi chơi. Mưa xuân
chỉ vừa ướt lá, trời bắt đầu có nắng hanh hao. Ong bướm túa ra chập chờn như
hội. Con ong bầu đen trùi trũi, mập ú bay vù vù rất kinh. Con ong ruồi nhỏ xíu
như lằn xanh, ong vò vẽ khoang đen khoang vàng, ong mật đen xám, ong rú vàng
ươm… bay tíu tít như mưa.
Thình
lình, từ bên giồng Dương Dài có tiếng chó sủa ran. Ông Bốn dứt khỏi trầm tư,
hào hứng đứng dậy: “Tau với mi chạy qua đó bắt heo rừng chơi. Chắc thằng
Ngọc đi săn đầu năm. Ủa ! Bữa ni ngày thọ tử. Hèn chi…”. Nói xong ông dỏng tai
lên nghe. Đúng là thằng Ngọc rồi. Đó, mi có nghe không, tiếng sủa trầm đục đục
đó là của con Đớm đó. Con chó đó khôn kinh. Tao nghi lai sói. Nhà nó ở Hố Lớn,
chỗ nớ chó sói ra hoài. Nếu hắn mà lai chó sói, thằng Ngọc thiệt may mắn. Cũng
đồng loại nhưng sói ghét chó nhà. Có lần tau còn nghe con đớm đó không sợ cọp.
Nếu đúng như rứa thì hắn mang dòng máu sói. Sói tướng lĩnh, sói tự do, sói minh
chủ, sói giang hồ…
Sói!
Linh hồn của những ngọn núi quanh làng Trung Hạ ni.
-Ông
Bốn ơi! Ông nói linh hồn ông ở trên núi ni có phải là linh hồn sói không?
Ông
Bốn trả lời nhát gừng, mắt nhìn sang phía giồng Dương Dài:
-Ờ!
Linh hồn tau ở trên núi…
Đó
là ngọn núi hình con rồng, phần đuôi ở trên chóp đỉnh, phần đầu chúi xuống dưới
tận Hố Cái, y như nó từ trời sa xuống. Chỗ đầu rồng có một cái mả vôi.
Mùa mưa, bọn trẻ giữ trâu hay trèo lên mả ngồi chơi. Nghe nói trước đây, người
Chiêm Thành đã coi long mạch, chôn một cái mả ém ở đầu rồng. Từ đó trở đi, làng
Trung Hạ yên bình nhưng nghèo xơ xác.
Lâu
rồi, có một đạo sĩ cao tay ấn, muốn cứu cả làng nhưng đi tìm không ra cây duối
trắng trên lưng chừng giồng Dương Dài.
Đào
gốc duối trắng đi, yểm lên cái mã vôi, làng sẽ trở lại thịnh vượng.
Tiếng
chó sủa từ chỗ giữa thân con rồng ngày càng róng riết. Hai ông cháu trèo xuống
hố bươn ngược lên. Nắng xuân vời vợi trên những đọt rang sằm non xanh ngọc.
Những bụi rang sằm chỉ cao quá đầu người, lúp xúp kéo dài ngút ngát lên tới
đỉnh. Con rồng như khoát lên mình một lớp vảy xanh. Ở giữa một vạt đất trống có
dây chìu rối rắm, con Đớm màu xám tro đang đối đầu với con heo độc. Con heo to
chừng một tạ, nanh mọc cong lên, y như hai cái vòi con quỉ dữ. Nó đã trúng
thương, đang say giáo. Lông gáy nó màu vàng đỏ, dựng đứng lên. Ông Ngọc ngọn
giáo lơi trên tay, nhìn cục diện trận đấu. Dường như ông muốn dành việc kết
liễu cho con chó đầu đàn mà người ta đồn lai sói. Xung quanh hai địch thủ, đàn
chó săn hai mươi ba con khép kín thành vòng tròn sẵn sàng hỗ trợ thủ lĩnh nó
lúc nguy cấp.
Con
heo rừng độc dường như biết đây là trận đấu sinh tử nên bình tĩnh lạ lùng. Hai
bên nhìn thẳng vào mắt nhau thủ thế. Con chó Đớm rùn mình xuống, gầm những
tiếng khe khẽ nhưng ghê rợn trong miệng. Nhanh hơn chớp, con heo lão luyện lao
thẳng vào con Đớm, hai cặp nanh chuẩn bị xốc lên. Cú lao như rứa có thể hạ đối
thủ ngay lập tức nếu trúng đòn. Những con heo như ri đấu với cọp là chuyện
thường. Lớp da đã dày lại được lăn bùn rồi lăn sạn biến thành một lớp áo giáp
nanh cọp cắm vào cũng không nổi. Không ngờ con Đớm tinh ranh hơn. Nó nhanh
chóng lao thẳng về đối phương đang tiến rồi né qua một bên. Chỉ trong gang tấc
nữa thôi thì dính đòn đối thủ. Cái bóng xám vừa lướt qua mặt một cái, con heo
độc đã rơi vào thế bị động. Nó khựng lại để trở đòn nhưng không kịp. Con Đớm đã
quay ngoắc lại nhảy chồm lên lưng con heo
Đàn
chó hai mươi ba con đồng loạt nhào vô, trùm lên con heo một đám lố nhố màu nâu,
màu trắng, màu vàng, màu đen và vằn vện. Chừng tàn nửa điếu thuốc, ông Ngọc
thét lên một tiếng. Đàn chó vội ngoan ngoãn giãn ra. Con heo chỉ còn nằm thoi
thóp trên đống dây chìu nát bét dậy lên một mùi hăng hăng dễ chịu.
Ván
cờ sinh tử đã kết thúc. Qui luật muôn đời của những cánh rừng ở đây là rứa đó.
Ngay lập tức, ông Ngọc dùng con dao quắm mang bên mình, mổ bụng con heo, lấy bộ
lòng sống chia đều cho đàn chó. Chỉ có con Đớm không được chia phần. Nó đứng
ngó hai mươi ba con khác ăn say sưa, mắt nó ánh lên một niềm kiêu hãnh. Phần nó
chính là cái đầu con heo. Sau lễ cúng, ông Ngọc sẽ lấy cái đầu, nấu cho nó một
nồi cháo đậu xanh, bỏ cả chục trứng gà vô cho nó ăn. Nó chỉ ăn một mình. Kẻ
mạnh bao giờ cũng cô đơn như rứa đó!
Năm
mô, từ mồng một đến mồng bảy Tết, những thợ săn nổi tiếng làng Trung Hạ cũng tổ
chức lễ đi săn đầu năm. Đó là một tập tục lâu đời. Từ ngày cụ tiền hiền làng ni
đi mở đất. Thuở đó, trên rừng đầy cọp beo, dưới sông đầy cá sấu thuồng luồng.
Cuộc săn đầu năm trúng ngày thọ tử nhằm tránh cho bà con dân làng những tai
ương trong năm. Con thú săn được, cả làng cùng hưởng. Ba kể, năm tôi lên bốn,
làng săn được con nai chà cả tấn. Ngày Tết, cả làng kéo nhau đi nhận thịt.
Những nhà có trẻ con, thịt sống được bọc trong lá chuối, cột dây kéo lê đi trên
đường. Người ta tin rằng làm như rứa, con nít ăn thịt vô sẽ hết bệnh tật. “Mi
khỏe như con trâu chương cũng nhờ thịt nai năm bốn tuổi đó !” – ông Bốn vừa ngó
ông Ngọc xẻo thịt đùi heo ra nướng vừa nói với tôi.
Phải
nói con heo rừng thịt thiệt ngon. Ông Bốn chạy đi bẻ củi khô, ông Ngọc đi hái
tiêu rừng. Thịt để nguyên miếng như bàn tay, xiên vào cây nứa nướng lên thơm
phức. Hai người vừa ăn vừa uống rượu mang sẵn theo. Chứng ngà ngà say, ông Bốn
rót cho tôi một nắp bình đông rượu. “Mi uống thử đi. Ngày mai mi thành một
người đàn ông, trước sau chi cũng biết rượu. Đàn ông xứ ni không biết uống
rượu, không biết đi săn, không biết làm nương, làm rẫy đàn bà nó khinh!”.
Tôi
làm hết ba nắp, lòng thấy nôn nao. Buổi chiều đã tới mà không ai hay. Con heo
được chia ra ba phần để cõng về. Phần tôi ít hơn.
Trở
lại hòn Đá Ghe mồ hôi toát ra đầm đìa.
Nắng
xuân hanh vàng trên những ngọn đồi bát úp.
Kìa!
Giồng Dương Dài như một con rồng phủ lên mình màu xanh ngọc của chồi rang sằm.
Màu xanh chạy miết lên tới khúc đuôi tít tắp toàn mây trắng. Tôi chỉ cho ông
Bốn nhìn coi, hình như con rồng đang ở trên chín tầng mây hạ xuống ruộng đồng.
Ông ngó say mê, quên hết cả trời chiều.
-Linh
hồn tau ở trên ngọn núi kia…
Ông
nhắc đi nhắc lại câu đó như một lời khấn nguyện thầm kín. Tôi không hề biết ông
nói chi. Hỏi đi hỏi lại một câu, ông ơi, linh hồn ông là linh hồn con chó sói
à? Chẳng nghe ông đáp lại. Chỉ nghe mấy con chim khướu, con chào mào, con bồ
chao lùm, con bò cành mỏ vàng kêu râm ran.
Một
rừng bông vang từ chỗ tôi đứng đã nở hoa trắng xóa hồi mô không hay. Buổi sáng,
khi tôi với ông Bốn lùa trâu lên núi Đá Ghe chỉ thấy cây bông vang còn ươm nụ.
Rứa mà… Như một phép thần. Ông Bốn thì thầm như sợ rừng hoa kia phút chốc sẽ
biến đi giữa thiên đường trần thế.
-Chu
choa… Mi biết không, tau già rồi. Cả đời tau mới ngó thấy bông vang nở lần đầu
tiên đây. Ngày mai có nhắm mắt đi tau cũng không tiếc. Cả làng ni chưa ai thấy
hết, ngoài tau với mi… Mi còn nhỏ, mai này hãy nhớ bữa ni. Cả đời mi hãy nhớ…
Rừng
hoa bông vang mỗi năm chỉ nở một lần vô đúng dịp Tết. Cây bông vang thân màu
xám, vỏ trơn, lá gần giống như lá mai trắng. Hoa bông vang nhỏ hơn mai trắng,
nhụy vàng tươi, mỗi cây nở cả vạn bông, mùi hương thiệt dễ chịu. Hoa bông vang
chỉ nở trong khoảnh khắc vài phút. Rừng hoa hết cả tháng giêng mới tàn. Ra Tết,
người ta thi nhau đi lấy mật ong bông vang. Mật có mùi thơm không có thứ hương
hoa nào trên cuộc đời ni sánh nổi. Ai được thấy hoa bông vang nở một lần, trong
đời sẽ hạnh phúc!
Linh
hồn tôi khi nớ đang lìa khỏi xác thân. Người tôi mê đi giữa muôn ngàn âm thanh
của chim chóc mùa xuân. Hoa là hoa của trời. Mây là mây của núi…
Năm
nớ tôi mười hai tuổi, học lớp sáu trường Cây Bàng. Tết không có áo quần mới đi
chơi. Tôi phải đi giữ trâu để tránh gặp bạn bè cùng lớp. Đó là một mùa xuân
đáng nhớ trong đời. Năm sau tôi mười ba. Sau nữa tôi mười bốn, mười lăm… Bây
giờ mười tám.
Sau
ni, bao nhiêu mùa xuân qua, tôi cũng còn nhớ như in cái mùa bông vang cũ.
Như
thể mới vừa mới đây.
Như thể vẫn ở quanh đây.
Như thể không thời gian.
Như thể còn mãi mãi…
Yên Thy
viên, cuối năm Hợi
Hoa
Ngõ Hạnh
Nguồn:
văn học nghệ thuật
Từ
trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment