Friday, February 3, 2023

Đi Qua Đồng Chiều - Sương Nguyệt Minh

 

ĐI QUA ĐỒNG CHIỀU

 

Tôi đánh xe trâu chở anh từ ga Xép về làng.



Tháng năm âm lịch. Cuối vụ gặt. Nước lấp xấp, đồng chiều trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng sót lại một vài đám ruộng nhà ai đó chưa gặt, lúa trĩu bông vàng suộm. Tiếng dế nỉ non và tiếng chẫu chuộc nhảy tõm xuống nước. Muồm muỗm, cào cào, châu chấu nhiều vô kể, đậu xúm xít hai bên bờ cỏ, có con xoè áo khoác xanh, áo cánh đỏ làm dáng. Bước chân trâu đánh động những sinh vật nhỏ nhoi của cánh đồng bay rào rào lên thành muôn nghìn chấm nhỏ xù xịt trên không trung. Khói xanh ở gò Mã Giáng ngún thành vệt dài theo chiều gió nam thổi. Bọn trẻ trâu đang vơ rơm rạ khô, bùi nhùi bỏ thêm vào đống lửa đỏ. Mùi khói rơm mới lẫn mùi cào cào, muồm muỗm nướng thơm ngầy ngậy. Anh chỉ về phía đó, hỏi:

-Cô gì ơi! Bọn trẻ làm gì thế?

-Nướng cào cào.

-Người nhà quê hay nhỉ!

Anh cười cười, ngường ngượng. Chẳng biết anh khen hay là chê. Tôi hỏi:

-Anh chưa nhìn thấy cào cào bao giờ à?

-Chưa! Cô gì ơi. Cô chở thuê. Ngày nào cũng đánh xe trâu lên ga à?

-Một tháng đôi ba bận thôi. Tôi phụ thêm cho cha. Sao anh không đi xe ô tô lại ngồi xe trâu chở hàng của tôi?

-Ô tô lúc nào đi chả được. ở bên kia tôi có nằm mơ cũng không thấy xe trâu. Lộc cộc. Thô sơ. Thế mà sướng. Người nhà quê hay nhỉ

Lòng tôi nhộn nhạo không yên. Anh thật ga lăng. Quần bò, áo thun, trên ngực in hình con Kănguru. Một mớn tóc xoăn xoã trên trán, mắt rất hoang dã như mắt cừu. Tôi đã bắt gặp hình ảnh này ở đâu nhỉ? Phải rồi, ở đồng cỏ, đồng cỏ mênh mông nước Ôxtrâylia trong phim. Nhưng móng tay anh để dài hồng hồng trắng và nước da còn trắng hơn tôi, trắng hơn nước da con gái làng. Mùi nước hoa đàn ông ngàn ngạt, lạ lắm! Tôi không quen mùi này nhưng cố hít hít. Bất chợt, tôi nhìn xuống đôi tay mình: da dày sất sước vì đi gặt lá lúa quất, dằm thóc đâm.

Một người đàn ông đang cầm sào tre dài, ngọn buộc một mảnh ni lông trắng bay lấp phấp lội bòm bọp theo sau đàn vịt. Vịt kêu váng một góc đồng chiều, đít vịt ngỏng vếch lên, mỏ vịt cắm xuống sùng sục kiếm thức ăn. Nước đồng đục ngầu nổi bong bóng, gốc dạ toẽ ra khi đàn vịt đi qua. Vịt đàn ăn lúa rơi vãi nhiều nhưng đang độ đẻ rộ con nào con nấy gầy rạc.

Ho…ọ! Tôi kéo thừng giằng ở mũi con Đen dừng xe lại. Con Đen ngênh nghênh đôi sừng cánh ná, mắt đỏ đòng đọc nhìn đàn vịt lau chau vượt qua đường sang cánh đồng bên vừa mới gặt xong. Tiếng vịt kêu: Cạc… Cạc… Cạc… Rồi tiếng trâu rống: ọ… ọ… ọ.” Anh đứng hẳn người lên, chăm chắm nhìn đàn vịt:

-Cái ông kia buồn cười nhỉ?

 Tôi bảo:

-Đuổi vịt. Ông ấy đang đuổi vịt.

-Người nhà quê hay nhỉ.

-Anh chưa nhìn thấy vịt bao giờ à?

-Ừ! Anh chỉ biết cừu và Kănguru thôi. Em có biết Thế vận hội Xít Nây người ta lấy biểu tượng Kănguru không? Không à! Bao giờ Việt Nam mình là chủ nhà của Uôn Cắp chẳng hạn. Lúc ấy, nước mình lấy con gì làm biểu tượng? Lấy vịt? Hay cào cào nhỉ?

Anh lại cười. Chẳng biết anh nghĩ gì về nhà quê chúng tôi?

 

Trời sâm sẩm tối. Xe trâu dừng trước nhà bác Hán. Bác Hán vồn vã:

-Xem nào. Xem nào. Thằng cháu bác to bằng nào rồi nào. Ôi trời ơi! Cao lớn hơn thằng bố mày. Có dễ đến hơn mười năm  mày chưa về quê ấy nhỉ? Bác cứ lo mày không biết đường về.

-Cả cái thành phố Xít Nây mênh mông chỗ nào cháu cũng biết. Huống hồ là cái làng quê bé tẹo này.

-Thế mày ngồi xe trâu có thích không?

-Thấy là lạ. Cháu muốn tìm cảm giác mới. Cứ như ngồi xe chó kéo của thổ dân úc ấy, bác ạ.

-Chuyến nghỉ hè này bác sẽ cho mày cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi dê nữa. Để cho mày hiểu như thế nào là nơi bố mày với bác đã sinh ra và lớn thành người, thằng cò ạ.

-Cháu chỉ sợ vài ba hôm, mẹ cháu xót con lại đánh điện về bắt cháu đi.

-Đến bốn lần giỗ họ, sao bố mày không về?

-Văn phòng đại diện bên úc có việc gấp; không chờ cháu được, ba mẹ cháu sang trước. Ba mẹ gửi bưu điện biếu bác hai triệu đồng, bác nhận được chưa?

Bác Hán bảo:

-Vẽ. Tao nhà quê ăn tiêu gì mấy. Cái bác cần là tình cảm cơ. Giá bố mày đổi hai triệu đồng thành mỗi năm hai lần về nhỉ?

Tôi bỏ nốt túi du lịch xuống cho anh. Cộc… cộc… Con Đen đánh sừng vào ách xe. Sừng con Đen quệt nhẹ vào hông anh. Anh nhảy dựng lên:

-Chết tôi rồi!

-Cái thằng! Thần hồn nát thần tính. Chết làm sao được.

Bác Hán mắng to rồi dịu giọng dần. Tôi bật cười khúc khích. Anh bẽn lẽn, ngượng nghịu: “Cái sừng cánh ná khềnh khoàng. Cháu kinh quá.” Tôi chào bác Hán rồi tôi quất roi tre đét vào mông con Đen đánh xe đi. Anh chạy theo: “ới, cô gì ơi! Tôi trả tiền cô chở thuê.” Anh ấn vào tay tôi tờ năm mươi ngàn đồng, số tiền này đong được hơn hai thùng thóc, hoặc một yến cá mè hoa, hay mười gánh rau răm.

Rất sòng phẳng! Tôi nhận ra ánh mắt của anh, ánh mắt soi vào thân phận làm thuê của tôi? Không dấu được, làm thuê ở đâu cũng là làm thuê.“Xe trâu nhà tôi chỉ chở hàng. Ai thích. Cho đi nhờ thôi. Tiền nong gì.” Có cái gì đó chạy dọc cổ tôi nghẹn tức. Tôi nhét trả tờ năm mươi ngàn đồng vào túi áo ngực anh. Anh ngạc nhiên, bảo: “Người nhà quê hay nhỉ.”

Tôi tên là Na, thời bé tôi đi học sớm một năm. Năm nay, tôi mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi đã bao nhiêu đêm tôi mơ được vào đại học như mấy chị ở làng. Vào đại học thích lắm! Được ra thủ đô học, được bay nhảy ở chân trời xa. Một chị bảo tôi: “Mày đã biết yêu chưa? Yêu hay lắm mày ạ.” Một chị khác nói: “Mày đẹp. Có khi con trai các trường khác xúm vào tán. Còn lâu mới học được.” Tôi rất mơ mộng, hay làm thơ. Người ta nói đàn bà dính với văn chương thường là nhọc nhằn, bất hạnh; lại bảo chỉ có làm sao đấy mới chạy trốn vào văn thơ? Con gái ở nông thôn làm thơ càng bất hạnh hơn. Sổ nhật ký của tôi đầy tâm sự, có gần một trăm bài thơ. Bài thơ nào cũng mang nỗi niềm bâng quơ, thoắt vui, chợt buồn đúng như cái tuổi mười sáu mười bảy của tôi vậy. Tuy nhiên, tôi dấu cha, dấu bạn bè, tôi làm thơ cho riêng mình. Cha tôi bảo: “Học nhiều chỉ tổ xí xớn theo giai. Đứng núi nọ trông núi kia làm gì. Tao không thể nuôi báo cô mày mãi. Lấy chồng đi cho xong chuyện.” Cha không cho tôi học tiếp. Chân trời xa của tôi chỉ dừng ở trong luỹ tre làng. Chả lẽ cuộc đời tôi cứ đi cấy, đi cắt cỏ, đi chăn dê và thỉnh thoảng đánh xe trâu thay cha lên ga Xép rồi lấy chồng?

Tôi lại nghĩ đến đồng chiều.
Tôi nghĩ về sự ngổn ngang cuống dạ.
Cuống dạ toẽ ra, nát nhừ khi vịt đàn đi qua.
Cuống dạ nhấn sâu dưới bùn khi chân trâu bước qua.
Đồng chiều vui, buồn, đớn đau, tủi hổ
Khi mặt trời đi qua, mặt trăng đi qua
Ngọn gió hoang lùa qua
Cánh cò cánh vạc bay qua
Bước chân người lam lũ đi qua
Mồ hôi trâu bò lẫn bùn non ngai ngái
Tôi cúi nhặt giọt mô hôi người thợ cày
Tôi lượm giọt nước mắt người thợ cấy
Tôi đau đớn, tôi gọi: Đồng chi…ều!…

Cha tôi biết chuyện.

Lúc ăn cơm, cha bảo: “Cái thứ nhà quê như mày ngàn đời nay vẫn ngu, Na ạ. Lòng tốt hão, nhiều khi lại tiếp tay cho thói kênh kiệu làm người ta kênh kiệu thêm. Cái bọn thành phố như nó chỉ muốn đè nén, áp bức nông thôn mình. Tội đếch gì mà sỹ diện hão. Sao mày không lấy tiền của lũ chúng nó đem cho cô Nếm điên ấy.” Tôi nhai trệu trạo, miếng cơm như miếng rơm rạ. Có vẻ như cha tôi rất ghét người thành phố, ghét đến mức đố kỵ. Theo ông thì nông thôn chỉ là bãi rác thải, là nơi dừng chân của người thành phố. Người nhà quê chỉ dùng lại đồ cũ, đồ hạng ba: Xe máy cũ, quần áo cũ, hàng hoá chất lượng thấp đều do người thành phố tuồn về. Họ bắt nạt sự ngu dốt của thôn quê. Còn các đồ ngon nhất người nhà quê lại đưa ra thành phố: Rau sạch, gà ri, lợn ỉn, dê, bê non, tôm hùm, cua bể… Bao nhiêu đồ ăn ngon người nhà quê đều cắp củm dành dụm mang bán cho người thành phố. Lẽ sống đời của người nghèo nông thôn vẫn là buôn trầu ăn chũm cau. Người nhà quê đều là người nghèo. Khổ thế!

Hoá ra, thời nhỏ, cha tôi và cha anh là bạn chăn trâu cắt cỏ rất thân nhau. Học hết cấp ba trường huyện thì số phận quẳng mỗi người đi một nơi. Nhà nghèo, cha tôi phải ở làng theo đít trâu, đi cày. Cha anh học lên đại học, lấy vợ người Hà Nội, cũng chả thấy cha anh đưa vợ về quê bao giờ. Người nhà quê bảo: “Con mẹ ấy không dám về nông thôn. Đi đường giẵm phải cứt trâu, ra vườn đạp phải cứt chó, ngồi trên hố xí hai ngăn, hơi thối bốc lên đít, nhìn xuống thấy bọ nhung nhúc, con mẹ Tràng An ấy chịu sao được. Người thành phố thơm tho sạch sẽ quen rồi…” Lâu lâu, cha anh mới đảo về quê một lần. Cha tôi bảo: “Đấm thèm vào mà ra Hà Nội.” Tình cảm cứ nhạt dần. Nhạt là phải! Tình cảm như con vật, con vật không được nuôi dưỡng chăm sóc con vật ốm o bệnh tật rồi chết. Tình cảm mà không năng đi lại vun quén, tình cảm chẳng còn. Mấy chục năm, thời gian biến cải, cha anh đã là một nhà kinh tế luôn sống ở nước ngoài, cha tôi vẫn là một thợ cày quanh quẩn từ làng ra đồng, từ đồng về làng. Xa nhau cũng là điều dễ hiểu.

Tôi về một lúc thì trăng lên. Trăng neo trên ngọn cây cau, đứng im phăng phắc. Không thấy gió thổi, chẳng thấy mây trôi. Thôn quê ngưng đọng tĩnh lặng quá. Cứ mãi thế này ốm mất.

Bên nhà bác Hán, anh bảo cái Hương: “Chiều nay, em đi xe trâu người ta không lấy tiền.” Cái Hương nói ngay: “Người ta là bạn chị đấy.” Anh khen: “Bạn chị xinh nhỉ. Người eo tuyệt vời. Con gái nhà quê, eo đẹp thế là sự lạ. Cái mũi dọc dừa. Mắt như mắt nai. Xinh lắm! Nhưng mà tù hãm, đôi mắt đang báo hiệu một sự tù đọng” Cái Hương hỏi: “Thăng nhìn thấy mắt nai ở đâu, đi săn thấy ở rừng à?” “Không. Em thấy ở trong vườn bách thú.” “Thế ra Thăng bảo bạn chị như con nai đẹp bị nhốt trong vườn bách thú, hở?” Anh chỉ mỉm cười thay cho câu trả lời. ấy là hôm sau cái Hương kể cho tôi nghe. Nghe biết vậy, càng thêm buồn.

Đường làng lênh loáng ánh trăng, màu vàng bát ngát trùm lên xóm mạc. Đang kỳ nghỉ hè, thỉnh thoảng bọn trẻ con lại chạy bình bịch lên trước mặt rồi đánh ào một cái ẩn vào bụi cây bên đường. Chúng đang chơi đánh trận giả. Anh và cái Hương đến cái giếng mặt nguyệt ở đầu làng. Tôi đang ngồi ở thềm giếng gội đầu. Mặt giếng tròn vành vạnh. Trăng nhởn nhơ soi mình dưới nước. Xung quanh rơm rạ cuối vụ gặt còn phơi đầy, vương cả vào thềm giếng. Tôi cầm nắm lá bưởi vò nhàu thả vào chậu nước gội đầu. Mùi lá bưởi xanh hăng hăng xộc vào mũi. Cái Hương bảo: “Tao biết ngay mà. Thế nào mày cũng ở đây.” Tôi ngước mắt lên: “Đồ ỡm ạ.” “Thăng có biết ai đây không?” “Đây là cô gì đánh xe trâu chở thuê.”

Cô gì đánh xe trâu… Tự nhiên tôi chạnh lòng, buồn. Cái Hương bảo:

-Bọn con gái nhà quê chúng tôi thường gội đầu bằng nước quả bồ kết nướng. Một tháng vài ba bận gội bằng lá bưởi.

-Người nhà quê hay nhỉ?

 Lại cái câu chết tiệt lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần này.

-Chứ không à. Bọn con gái thành phố, toàn dùng dầu gội đầu đóng hộp. Chắc gì cái nào hơn cái nào.

Lát sau, mùi hăng gắt mất đi, chỉ còn mùi lá bưởi thơm thoang thoảng. Tôi đứng dậy túm tóc quay vù vù, bụi nước bắn vào cả mặt anh. Tôi nghĩ đến quả bồ kết, đến lá bưởi và chuyến xe trâu đi qua đồng chiều, nghĩ đến tôi, đến thân phận của các cô gái làng.

Cái Hương bảo: “Thăng có biết bao nhiêu đôi lứa nên vợ nên chồng ở cái giếng này không?” Tôi giơ tay hong tóc dưới trăng, giục giã: “Hương kể cho anh Thăng nghe đi.” “Kể thì kể.”

… Ngày trước, yêu đương nhau, các cụ gọi là phải lòng í, có được tự do đi chơi bời, hôn hít nhau như bây giờ đâu. Muốn nhìn nhau, muốn nói với nhau câu gì, muốn hẹn nhau cái gì cứ xách thùng ra giếng làng gánh nước. Trai nhìn thấy bắp chân trần trắng nõn của con gái, động lòng ham muốn và yêu. Gái làng nhìn vồng ngực căng đầy nở nang, bắp tay săn chắc như cuộn chão của trai làng là động tình, yêu. Không có giếng làng chưa chắc họ đã thành vợ thành chồng. Lại có người đàn bà ra thành giếng vỗ bồm bộp: “Giếng ơi giếng. Tao thù mày. Tao thù mày. Không có giếng tao chẳng gặp cái thằng bạc tình ấy.” Chị ta điên vì thất tình, vì bị phụ bạc. Không có giếng làng chưa chắc chị ta đã bị phụ tình. Ngày ấy, chị ta là chị; bây giờ là cô – cô Nếm ba mươi lăm tuổi vẫn điên vì tình…

-Người nhà quê hay nhỉ?

Cái Hương thật thà:

-Ừ, người nhà quê hay thật. Chúng mình đi dong đường chơi nhá. Đứng đây mãi bất tiện, người làng ra múc nước lại đồn nói chuyện với giai.

Tôi cũng nói:

-Ừ. Đừng đứng đây. Mang tiếng lắm.

Ba chúng tôi đi bộ ra cây đa đầu làng. Đường làng toàn gạch Bát Tràng lát  nghiêng, có chỗ đi lại nhiều gạch lõm xuống. Gốc đa đầu làng vắng ngắt. Đa chín rơi bộp, bộp. Tiếng chim đi ăn đêm thả vào không trung thanh vắng. Cái Hương bảo: “Na, đưa chậu tao tìm chỗ dấu cho. Đi chơi ai lại cầm chậu thế này.” Cái Hương giật chậu nhựa từ tay tôi đi cùn cụt. Mãi chả thấy cái Hương quay lại. Anh bảo: “Cô gì ơi. Tôi ở bên úc về lạ nước lạ cái. Cái gì cũng lạ. Cô cho tôi đi thực tế nông thôn với.” “Anh Thăng hãy gọi em là Na. Tên quê mùa lắm phải không?”

Tóc tôi buông dài hong gió. Anh đi bên tôi, xa lạ và gần gũi. Mười bảy tuổi, lần đầu tiên tôi đi cùng một người con trai. Anh từ đâu đó đến, vụt sáng chói loà. Những thằng bạn ở lớp, những đứa con trai ở làng chỉ còn nhỏ bé, dại dột và mờ nhoà trong tôi. Bất ngờ, anh vơ tóc sau lưng tôi, tay anh chạm phải dây nịt vú. Tôi rùng mình, run dẩy. “Tóc em đẹp lắm.” Cả mớn tóc chưa khô ấp vào mặt anh. “Mùi lá bưởi, mùi đồng quê.”Anh thì thầm, anh quàng tay lên vai tôi. Người tôi nóng ran ran. Anh xoay người kéo tôi vào lòng ôm chặt. Ngực tôi căng cứng dềnh lên từng đợt, từng đợt. Bàn tay có những móng dài lần tìm ngực tôi trong làn áo. Một cái móng tay dài chạm vào núm vú, tôi như người bị điện giật. “Đừng anh!” Nói, nhưng tôi không đẩy tay anh ra. Lần đầu có người con trai chạm vào da thịt tôi.

Bất chợt có tiếng chửi vọng ra từ cái nhà kho cũ đã sạt một góc của Hợp tác xã. Tôi giật mình. Giọng đàn bà, chửi rất bài bản, ngoa ngoắt. Chửi rằng:

Cha tiên sư thằng đi qua
Cha tiên sư con đi lại
Mày bày mưu lập mẹo
Mày bắt con của bà
Bà chửi mày:
Cho trốc mồ lật mả
Cho quạ nó tha
Cho gà nó mổ.
Cho chết sông chết chợ
Chết vợ chết chồng
Chết cả tông giống năm đời,
mười đời nhà mày nhá…

Tôi đã ra khỏi vòng tay anh từ lúc nào. “Lạ quá! Chưa bao giờ anh được nghe đàn bà chửi như thế này. – Anh bảo vậy. – Chửi rất ngoa ngoắt nhưng không tục tĩu, nghe như hát, như xướng khúc đồng dao, như mê hoặc lòng người. Trong các đường phố Xít Nây hay những đồng cỏ mênh mông nước úc, người ta cũng chửi nhưng cục cằn, thô lỗ; khác thế này lắm.” Tôi nói: “Cô Nếm đấy. Đêm nào cũng chửi. Chửi sốt ruột. Có đêm em không ngủ được, nghe mãi cũng thuộc các bài chửi.” “Cô gì cũng giỏi nhỉ?” “Thật đấy! Anh có ai bắt nạt, em đến chửi thuê cho.” “Hay. Người nhà quê hay nhỉ?”

Chẳng ai biết cô Nếm từ đâu đến. Cô là người đàn bà bị phụ bạc tình phát điên bên giếng làng. Người lại bảo cô ở trên mạn Khánh Thượng xuống. Dân làng đã quen với tiếng chửi của cô Nếm điên mười mấy năm rồi. Cô không nhà cửa cô đi lang thang, nay cấy thuê cho nhà này mai gánh phân cho nhà kia. Cho tiền biết cầm; cho cơm, dong giềng, khoai lang luộc biết lấy ăn. Ban ngày đi làm thuê, ban đêm về nhà kho cũ, hoặc thềm hè nhà trẻ ngủ, ngủ không chăn không chiếu. Một ổ dạ là đủ vừa nằm vừa đắp. Mùa đông cũng như mùa hạ, cô Nếm điên sống trơ trơ cùng nắng mưa giá rét. Được cái trời thương, trời cho cô sức rất khoẻ. Chỉ phải mặt nhàu nhĩ nhăn nhúm, còn đùi vế nần nẫn, hai vú thây lẩy. Dường như thời tiết mưa nắng, giá lạnh bất lực trước sức khoẻ của cô. Cái sinh lực tràn đầy nóng hổi của người đàn bà điên ấy không biết là sự may mắn hay bất hạnh. Những đêm mưa dầm dề lê thê, những đêm đông lạnh giá kinh người có sức quyến rũ mời gọi bọn đàn ông đổ đó, đơm lờ, trúm lươn đêm mò đến. Lại những trưa, cô Nếm cấy thuê ở đồng không sông quạnh gặp bọn đun riu, kéo vó, đun te. Lúc ấy, không phải người với người nữa mà hoàn toàn là khát thèm sinh vật. Cứ vài năm, lại thấy cô Nếm chửa, bụng to kễnh. Không ai biết cô đẻ ở đâu, và những đứa bé ấy ai rình bế mất, bế đi đâu? Chỉ biết ắng đi vài ngày lại thấy cô xuất hiện với cái bụng lép kẹp, lại đi làm thuê. Gái mới đẻ đi làm thuê và chửi rất kinh. Chửi ngày này qua đêm khác, cô chửi rất to kẻ nào bế trộm con cô…

-Chửi tài thật. Người nhà quê hay nhỉ?

-Thôi, về đi, anh Thăng. Nghe cô Nếm chửi sốt ruột.

Tôi và anh về ngõ nhà bác Hán lúc cái Hương đang khoá cổng chuồng dê. “Chậu tao để trong sân kìa. Hai đứa về ăn ốc.” Hương ghé tai tôi nói nhỏ: “Tao giả bộ giấu chậu, về trước cho hai đứa mày tự do.” “Đồ nỡm. Thôi tao về đây chẳng chết với ông già.” “Sướng bỏ bà còn làm bộ”.

Sáng hôm sau, nhà tôi đánh gốc tre. Bụi tre đã chặt từ mấy tháng trước ngâm dưới ao, móc bùn phủ lên để sau này làm bếp. Bụi tre như cái nong, dày chi chít, cây  nọ chen cây kia, giờ chỉ còn gốc. Cha tôi nhờ bác Hán sang đánh giúp. Bác Hán cởi trần, mặc quần đùi, người vai u thịt bắp, khoẻ lắm. Phập… Choạc. Phập… Choạc. Bác có xà beng và cái búa như lưỡi tầm sét của Thiên Lôi. Mới hưng hửng sáng, bác đã đánh được một góc bụi tre. Tôi đứng vòng ngoài phụ giúp nhặt củi xếp thành đống. Anh Thăng sang, bảo:

-Tối hôm qua mút ốc ao. Kinh quá.

Tôi tự ái lây, bảo:

-Anh thì cái gì cũng kinh. Nhà quê chỉ có thế thôi.

-Thật đấy. Anh bước vào sân đã thấy bác Hán gái, chị dâu cả, chị Hương cùng xúm vào rổ sề ốc luộc. Bác Hán gái bảo: Thăng ngồi xuống đi. Chị cả ngồi lui ra một tý nào. ốc ngon lắm, cháu ạ. Anh ngồi xuống chả biết cách ăn làm sao. Bác Hán gái dạy: Cháu cầm thế này này, đưa đít ốc vào răng hàm cắn một mẩu nhỏ, xoay con ốc lại đưa mồm nó vào miệng mình. Mút. ừ. Mút đánh chụt một cái. Đấy, ngon chưa? Anh làm thử, cắn đít ốc ê răng, mút chụt… chụt mấy lần thịt ốc vẫn chẳng ra. Cứ như thời ăn lông ở lỗ! Không ăn nổi, đành thôi. Thổ dân úc thời nguyên thủy cũng chỉ ăn đến thế là cùng. Kinh bỏ cha. Bác Hán gái bảo: Chẳng biết bên úc người ta có mút ốc thế này không, cháu?

Bác Hán dừng búa bổ gốc, gạt mồ hôi trán: “Thằng này mất gốc rồi. Để tao bảo thằng bố mày.”Anh làm ngơ, nói lảng: “Bác cho cháu bổ thử vài cái”. “Tiên nhân mày. Tay học trò trắng thế kia thì làm ăn nỗi gì.” Anh Thăng bổ. Phịch… phịch… vài cái thì văng búa. Lại lấy bổ tiếp: Phịch… phịch. Mệt quá bỏ búa, cầm xà beng. Cuối cùng bỏ nốt. Cha tôi đánh xe trâu về đến cổng nhìn thấy. Ông để nguyên cả ách trâu bước lại gần: “Hỏng! Cái giống học trò trói gà không chặt chúng mày chỉ giỏi tán gái là nhanh. Trông mong gì lũ trẻ chúng mày. Thôi, để chúng tao múa. Đàn ông gì èo uột quá.” “Bác cứ nói thế chứ. Mỗi thời mỗi khác.” Anh ngường ngượng, mặt đỏ nhừ. Không biết bên úc người ta có tre để mà đánh gốc không nhỉ?

Buổi chiều, tôi đánh xe trâu ra đồng cắt lúa với cái Hương đổi công đánh gốc tre của bác Hán. Khoảnh lúa cuối cùng của nhà cái Hương cào cào, châu chấu, muồm muỗm nhiều vô kể. Cứ như cả cánh đồng chúng dồn nốt vào mấy khoảnh cuối cùng. ở góc đồng sát gò Mã Giáng, anh Vường đang úp nơm uồm uồm, bắt cá. Cái anh này là tay sát cá hạng nhất ở làng. Có buổi chiều, ruộng cạn nước, anh cạy tiểu sành vỡ nắp bị chòi ra ở chân gò. Cá trê ở trong tiểu đựng xương cốt người, lúc nhúc béo vàng ươm. Anh thò tay vào gạt xương bắt từng con một bỏ vào giỏ. Sáng hôm sau, vợ anh Vường đi chợ sớm bán cá. Từ hôm ấy, nhà tôi không bao giờ mua cá của anh Vường. Sau này, cứ thấy cá trê kho trong nồi là nghĩ đến các gióng xương, tôi nôn, nôn thốc nôn tháo.

Anh Thăng cũng ra đồng gặt. Tay lêu hêu cầm liềm trông rất buồn cười. Anh gọi tôi: “Cô gì ơi! Tôi đi khắp nơi, nhưng về quê tôi vụng lắm. Cô dạy tôi cắt lúa nhé.” “Nó là Na. Thăng cứ tên Na mà gọi.” “à. Vâng! Na dạy tôi nhé!” Cái Hương nhay nháy mắt, trêu anh: “Có mỗi cái tên mà quên thì nhớ người nó sao được.” Tôi lại gần anh: “Anh nhìn em làm đây này.” Xoẹt. Lưỡi liềm đưa rất nhanh. Anh làm theo. Trời ơi! Cắt lúa mà như cò cưa, cò cưa. Tôi và Hương phá lên cười.

Anh gọi: “Cô gì ơi! à quên. Na ơi. Năm nay Na thi vào đại học gì.” Tôi bảo: “Em vào đại học tiếng Anh, gọi là Cay Đì.” “Lại có trường đại học ấy nữa. Tên lạ nhỉ?” Cái Hương lanh chanh: “Cay Đì tức là đi cày. Sao Thăng tồ thế. Có vậy mà cũng không hiểu. Bố nó không cho đi học bắt ở nhà cấy cày, đánh xe trâu, chăn dê. Nó đang buồn đấy.” Anh có vẻ nuối tiếc cho tôi: “Thời đại này là thời đại bằng cấp. Chỉ có học và học, học mới thoát khỏi đồng ruộng, con trâu cái cày. Cô gì không học, rất gay…” Càng nghe anh nói tôi càng buồn. Tôi buồn cho thân phận không thoát khỏi làng của tôi. Anh lại hỏi Hương: “Còn chị Hương, em thấy trên bàn chị toàn sách Địa lý, Văn học. Lịch sử Việt Nam.” “Mình muốn sau này làm nhà sử học.” “Chị Hương nên học toán. Thời đại này là thời đại toán, tin học. Chị có biết vì sao kinh tế Việt Nam mình thua kém thế giới không? Không à! Là vì Việt Nam mình không có một nền toán học cho ra hồn. Thời đại tin học kỹ thuật số mà chị còn ngồi nhai nhải Nguyên nhân thất bại của Cao trào Xô viết Nghệ tĩnh thế là không thực tế.” “Mỗi người một đam mê, Thăng thích tin học nhưng chị thích làm nhà sử học. Thày giáo chị bảo: Làm dân nước Việt không biết sử nước nhà là không biết hồn nước. Thăng có biết ông tướng nào là Tổng chỉ huy đánh Điện Biên Phủ không?” Thăng ngập ngừng: “Ông…ông… à mà em không biết thật.” “Không biết thật?” “Vâng! Ba năm học phổ thông trung học bên úc, người ta không dạy em học Lịch sử Việt Nam.” “Phải rồi! Thăng sẽ học lịch sử, địa lý, văn học nước úc chứ. Lại còn các môn khoa học xã hội và nhân văn khác? Thăng mang trong người văn hoá gốc nước Việt hay nước úc nhỉ?” Không ngờ cái Hương đáo để thật. Anh ngượng nghịu, hơi cúi người rồi bỏ liềm, giả vờ đi bó lúa; cũng lội lọp sọp, lọp sọp, nhưng bước không vững, người cứ như sắp ngã. Đúng là giời đày!

Anh bắt gặp bắp chân trần của tôi. Anh cúi ôm lúa và mon men đến gần. Anh dán mắt vào bắp chân trần trắng vấy bùn của tôi và cố tình cúi chạm tay vào. Người tôi tê tê, tay rơi cả nắm lúa đang cắt.

-Thăng bắt muồm muỗm, cào cào đi. Gặt xong chúng mình đốt lửa nướng.

Có lẽ cái Hương đã nhìn thấy anh vuốt bắp chân tôi? Anh Thăng nghe lời bỏ liềm, bỏ bắp chân tôi, đi chộp cào cào. Tôi và cái Hương thỉnh thoảng bắt được con nào đều vặt chân bỏ vào mũ anh đang bưng.

Chất lúa lên xe trâu xong, tôi và Hương vơ rạ rơm khô người ta phơi ở gò Mã Giáng nổi lửa. Anh Thăng nghiêng mũ đổ cào cào, muồm muỗm vào. Râu, cánh, cháy khét, mỡ reo xèo xèo. Dập lửa bới tro, con nào con nấy bụng chín vàng, căng mọng. Hơi lửa làm mặt tôi và cái Hương đỏ hồng, mắt lúng liếng sáng. Anh Thăng nhìn tôi chăm chắm. “Thăng! Ăn đi nào.” Anh giật mình: “Em không biết cách ăn.” “Na! Mày dạy Thăng, hộ tao.” Tôi hướng dẫn anh vặt đầu muồm muỗm, vặt chỗ cánh cháy còn lại mà tay luống cuống quá. Vừa ăn vừa tán chuyện, ngón tay, miệng, cằm đứa nào cũng nhọ nhem. Anh bảo: “Người nhà quê hay nhỉ?”

“ ối giời ơi!”- Suồm … suồm. – “Người chế…ết…” Phía góc đồng sát gò Mã Giáng, anh Vường bỏ nơm chạy uồm uồm lên bờ. Sao lại có người chết nhỉ? Người cứng bóng vía như anh Vường mà còn hốt hoảng thế. Ba chúng tôi chạy đến. Anh Vường đã trấn tĩnh lại. “Trẻ con… trẻ con chết. ở kia kìa. Tôi úp phải.” Cái Hương bảo: “Anh thử lật nơm lên xem nào. Có khi trông gà hoá cuốc. Cái bắp chuối nhà nào vứt cũng nên”. “Thật đấy! Xác trẻ con. Tôi thò tay vào trong quờ phải.” Anh Vường lại lội xuống rồi thò tay nắm cổ nơm nhấc mạnh. Một cái xác trẻ sơ sinh (một cái thai thì đúng hơn) nổi lên và cái tã đụp màu nâu lều lều. Thôi rồi! Tôi đã nhận ra cái tã cô Nếm điên khoác mấy hôm trước đi gặt thuê cho nhà tôi. Hôm ấy, bụng cô mới lùm lùm, còn lâu mới đến tháng đẻ. Hay là cô Nếm sảo non. Nhưng ai là người theo dõi cô sảo non và vùi cái thai chưa thành người xuống đồng? Cái Hương mặt rất đăm chiêu. Anh Vường đã điềm nhiên trở lại làm việc nghĩa. Còn anh Thăng mặt kinh hoàng bạc phếch, miệng lẩm bẩm: “Tối tăm quá. Dã man… dã man quá.” Buồn! Tôi lại nghĩ về những sinh linh ở làng: Nhỏ nhoi. Mong manh. Và bấy dậy…

Đi qua liêu trai đồng chiều!
Bỏ lại cuộc sống xô bồ, đập va
Tôi đi qua, anh đi qua
Hãy lắng nghe
Gió hoang đuổi nhau hú gọi những linh hồn.
Nức nở luân hồi
Một, hai sinh linh, cả ngàn sinh linh…
Các xó xỉnh tối tăm
Những lương tri man dợ
Đâu những vì sao, đâu ngọn nến cháy…

Lại một buổi chiều. Một buổi chiều nữa đi qua. Tôi đánh xe trâu về đến cầu Lồng, dừng lại xem bọn trẻ con cắt cỏ, chăn bò đánh chắt đánh chuyền. Những đuôi tóc hoe vàng vì cháy nắng, những gương mặt sạm gió, những đôi mắt trong veo ngơ ngác. Cười và lại cười. Mắt lấp lánh dải que chuyền, tung quả găng.

Chuyền chuyền một.
Ăn củ khoai
Chuyền chuyền hai
Thích con trai
Chuyền chuyền ba
Ra con gái
Chuyền chuyền bốn…
Rồi lại:

Về làng
Phá cỗ
Xa làng
Xin ăn
Đi qua đồng
Về sang sông
Một cây ngô đồng
Hai cây ngô đồng
Gần thì nhớ
Xa là quên
Về qua sông
Đi qua đồng…

Xe ô tô tránh xe trâu của tôi và đỗ ở đầu cầu. Bọn trẻ con vội vã đứng dậy và dụi mắt tránh bụi. Cái Hương xuống xe chạy ngược về phía tôi: “Tối qua tao sang mày đã ngủ sớm. Tao đi Hà Nội đây.” “Mày đi thật à.” “Chú tao đánh điện về. Ra đó học ôn thì mới đỗ vào đại học.” Con Đen bị ruồi trâu cắn cứ dậm chân đòi đi, đuôi quất lên lưng đèn đẹt. Hai sừng cánh ná đánh cồng cộc vào ách vai. Anh đứng bên cửa xe, từ xa nói với đến: “Chị Hương cẩn thận. Cái sừng cánh ná con trâu kinh lắm.” Tôi lại hỏi: “Mày đi thật à?” “ừ, tao đi nhá.”

Cái Hương vội vã chạy quay trở lại. Anh kéo rộng cửa xe cho Hương vào. Vẫn bộ đồ hôm anh về đi nhờ xe trâu nhà tôi: Quần bò, áo thun có in hình con Kănguru. Anh chui vào xe, thò đầu ra ngoài giơ bàn tay có những móng dài trắng hồng vẫy vẫy: “Cô gì ơ… ơi! Tôi đi nhé.”

Một đám bụi mù cuốn sau xe ô tô con.

Tôi ứa nước mắt. Tôi nhìn xuống dưới ngực, cảm giác có các ngón tay móng dài, trắng hồng của anh đang lùng sục trên bầu vú như đêm trước hiện về. Tôi tủi thân. Hoàng hôn đỏ ối một góc chân trời. Tôi đánh xe trâu về…

Gió thổi.

Gió thổi miên man đi qua cánh đồng chiều. /.

Thanh Xuân Nam.Tháng 5. 2002

Sương Nguyệt Minh

Từ trang DDQGHCUC

No comments: