Tuesday, February 28, 2023

Ai Mua Thơ Tôi Bán Thơ Cho - Vũ Thế Thành

 

AI MUA THƠ, TÔI BÁN THƠ CHO

 

Cô cháu gái hỏi tôi: Bác viết văn hay lắm. Chắc bác làm thơ cũng hay. Con bé này giỡn chơi, hai mươi hai tuổi đầu, thi đâu đậu đó, tưởng thơ văn là bài luận mẫu, dễ như nhón hạt điều cho vào miệng ăn vặt.

Vũ Thế Thành

 

Tôi đáp, Trời đất! Mấy ông nhà văn trí tuệ lắm. Họ tái hiện những ngóc ngách của đời sống, của con người qua tác phẩm. Họ có trí tưởng tượng phong phú, biết hư cấu, rành rẽ tâm lý nhân vật, cho sống là sống, bảo chết là chết. Quyền lực vô biên… Nhà văn phải sáng tạo, cháu à! Còn bác chỉ là thằng viết tạp, văn vẻ thì gọi là tùy bút, nghĩa là viết tùy tiện, tùy hứng. Bác không thể sáng tạo, phải có sự kiện bác mới viết được. Còn làm thơ? Bác tuyệt đối không có khả năng làm thơ. Mấy ông làm thơ còn vĩ đại hơn nhà văn. Cùng một đề tài, nhà văn phải viết tới chục ngàn, trăm ngàn chữ mới diễn đạt nổi, còn mấy ông thi sĩ chỉ cần vài chục chữ.




 

Nâng chén khuây sầu, sầu lại thêm sầu…

Tôi giải thích bằng một kiến thức ‘ngang hông’ như thế, chẳng biết con bé có ngộ ra được cái tầm trọng đại của thế giới thơ văn không. Chuyện tôi không biết làm thơ là chân lý rồi, khỏi bàn, nhưng tôi giấu (dốt) con bé một điều tệ hại hơn nhiều, đó là trình độ thưởng thức thơ của tôi rất cọc cạch và kém cỏi.

Sự kém cỏi này không phải là không giải thích được. Hồi con đi học, nghe ông thầy giảng bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến, tới đoạn Sóng nước theo làn hơi gợn tí,  Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Tôi ngứa miệng đưa tay phát biểu: Sóng nước gợn tí là gió rất nhẹ. Gió nhẹ không thể làm chiếc lá rơi cái vèo được. Em e rằng tác giả không đi câu, mà ngồi nhà bịa ra bài thơ này. Thơ là bay bổng, là tận hưởng, mà lại ngập chìm theo cái kiểu… soi mói như thế thì nhã hứng thưởng thức thơ của tôi cọc cạch là phải.

Thằng bạn tôi có cô bạn gái học Văn Khoa, dễ thương, lãng mạn và sính thơ văn, nhưng trình độ thơ văn của tên đó khá lắm cũng chỉ cỡ… tôi, mặc dù y rất giỏi toán lý. Cái thứ viết thư cho người yêu mà chỉ toàn gạch đầu hàng thì số phận mối tình có thể tiên đoán được. Chuyện gì đến thì phải đến… Tôi đến nhà y chơi, thấy trên bàn là tờ giấy nguệch ngoạc bài thơ. Chúa ơi! Y làm thơ… Lâu quá rồi, tôi không nhớ nội dung, hình thức bài thơ ấy thế nào, nhưng chắc chắn đó là bài thơ có vần điệu tán loạn nhất mà tôi từng đọc, một thứ văn xuôi chấm xuống hàng nhiều lần. Tôi kéo y đi nhậu, cả buổi tối ngồi nghe nó trút nỗi niềm… Tôi bảo nó, ngày mai tao sẽ cho mày mượn tập thơ  Tâm tình hiến dâng của Tagore. Bài thơ của mày gây cho tao cảm xúc mạnh, đến độ tao liên tưởng tới ‘số phận’ của tao rồi cũng kết thúc như vậy. Thơ của mày hay hơn thơ Tagore!

Một tên mất căn bản về… thơ như tôi thì không đủ tư cách để phát biểu như thế nào là một bài thơ hay. Kẻ dốt thơ mà thích thơ là chuyện không thể, nhưng khoái thơ thì chắc không ai (nỡ) cấm. Có những câu thơ cũng làm tôi tâm tư, nghĩ ngợi, thường là những bài thơ chữ nghĩa đơn giản, người khó tính không chừng cho đó là thơ con cóc cũng nên, chẳng hạn:

Buổi chiều mẹ lên rẫy

Dưới bóng cây kơ-nia

Bóng tròn che lưng mẹ

Về nhớ anh mẹ khóc

Hay câu ca dao mà anh bạn tôi lêu lổng ở miền Nam Trung Bộ, nghe bà già 80 tuổi đọc lại:

Thò tay mà bứt ngọn ngò

Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ

Tôi khoái thơ Lý Bạch. Khoái không phải vì thơ ông hay (hiểu theo nghĩa hàn lâm, bác học) như người đời ca tụng, mà vì thơ ông có mùi… rượu. Những năm cuối đời Lý Bạch ghé Tuyên Châu, tại lầu Tạ Thiếu, ông làm thơ tiễn bạn:

Bỏ ta ra đi, đó là ngày hôm qua, không thể giữ lại được

Làm rối loạn lòng ta, là ngày hôm nay, nhiều nỗi lo phiền

Lấy dao chém nước, nước lại trôi đi

Nâng chén khuây sầu, sầu lại thêm sầu…

(Trần Trọng San diễn nghĩa)

Nghe thật cảm khái! Âm tiết Hán-Việt của bài thơ đọc nghêu ngao lên nghe cũng kêu lắm.Hình như bài thơ này đã được cải biên, thêm thắt dài ngoằng đưa vào phim Bao Công thì phải.

Thưởng thức thơ kém cỏi lại hay ngứa mồm thì khó lòng tránh khỏi vạ miệng. Đám bạn yêu thơ mỗi lần ngồi nhậu lại đem thơ ra tán, tự ngâm, tự khen và tự sướng. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì, thấy họ như từ từ bay lên thành người… cõi trên. Nhớ lại thằng bạn thất tình làm thơ ‘văn xuôi chấm xuống hàng’, mình vẫn có thể cảm nhận nỗi niềm của nó, còn ở đây kẻ cõi trên, người cõi dưới.Cái máu soi mói của tôi lại nổi lên. Thần khẩu hại xác phàm! Chúng xúm lại xỉ vả tôi là thằng hãm hiếp thơ ca. Tôi cúi đầu nhận tội.Có chơi có chịu.Còn chịu được là còn chơi.Chứng nào tật nấy, vài ba chén túy lúy rồi còn biết sợ ai.Khi say, tôi biến Tào Tháo thành đứa con hoang của Park Chung Hee còn được cơ mà. Độc tài mà được việc như cha nội này coi bộ cũng có lý.

Tôi biết một gã lái buôn xe (hơi), lúc đời lên hương, tay phải cầm tiền, tay trái làm thơ, kiếm chút danh chơi. Dạo này, gặp thời ế ẩm, cảm thán làm thơ kể chuyện vinh nhục của nghề. Y tự nhận mìnhnhư thằng trọc phú tiếp tay Tú Bà, và khi hành nghề thì chẳng khác gì Hàn Tín cúi người luồn trôn. Lái buôn mà ví với Hàn Tín thì khẩu khí coi bộ quá đà. Sao không ví như mấy em bia ôm chiều khách cho nó… mượt? Cảm nhận thơ phú với tôi là chuyện khó khăn, nhưng với bài thơ ‘lựu đạn’ này, tôi biết y đang thất chí, làm bài thơ này thơ rao bán nỗi lòng, nhưng chỉ với câu cuối Ta đem bán thứ nhiễu nhương làm giàu, tôi có thể đoán được cái bụng của y, sớm muộn rồi cũng lại ngựa quen đường cũ. Cái nghiệp buôn xế ngấm vào tim phổi y rồi. Cái khát vọng, hay tham vọng của con người có khi biểu lộ qua thơ là thế.

Lại có người làm thơ làm thơ giễu đời, phản ảnh những bức xúc chung của xã hội. Thơ loại này giống như vè, tôi gọi đại là… ‘thơ sến’. Nhưng thú thiệt, tôi lại khoái thơ sến, và thường ê a bên bàn rượu. Đây này, đọc thử vài câu của Nguyễn Bảo Sinh nghe chơi:

Tự do sướng nhất trên đời

Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!

Hay:

Muốn cho trộm khỏi vào nhà

Đề vào trước cửa, đây là nhà thơ.

Tôi có người bạn là thi sĩ thuộc loại có số má, lại kiêm tiến sĩ văn học, nghĩa là có thừa kỹ năng chặt chém. Anh ta mới có cháu nội. Hôm thôi nôi thằng bé, anh tặng bè bạn tập thơ Hạnh phúc làm ông. Tôi trích đoạn một bài thơ của anh:

Bé Gôn chưa đi được

Đã thích leo cầu thang

Được ông phía sau đỡ

Chân huơ như tướng tuồng…

(PQC)

Hình như khi người ta vui sướng quá, thì những ngôn từ bay bướm chạy đi đâu mất tiêu thì phải, chỉ còn lại chữ nghĩa mộc mạc thời hoang sơ, như bài thơ trong Kinh Thi Quan quan thư cưu, tại hà chi châu…Điều này làm tôi liên tưởng đến con vẹt của nhà văn Nhật Chiêu, nó rên rỉ theo tiếng kêu đang hồi sướng ngất của người đàn bà: Em chết mất… Nguyên sơ là thế. Con vẹt lặp lại vô cảm, nhưng tôi không phải là vẹt, tôi là người, nên tôi có thể chia sẻ cảm xúc với ‘thằng ông nội’ đang hồi ‘sướng ngất’ vì có ‘thằng cháu nội’.

Một người bạn khác của tôi còn giữ lại những bài thơ tặng vợ hồi hai người chưa lấy nhau. Thơ tình thì bốc mát trời ông địa rồi. Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Tôi hỏi nó, thơ hồi đó mày làm tặng bả, bao nhiêu phần trăm là cảm xúc nhớ nhung, bao nhiêu phần trăm là chơi chữ lấy le. Nó gãi đầu, không trả lời. Tôi lại hỏi, thế dạo sau này, tụi mày có mang thơ này ra đọc cho nhau nghe không? Nó gãi đầu… Già rồi mà còn mắc cỡ với những rung động đầu đời. Rõ khỉ!

Thưởng thức thơ là điều khó khăn. Đâu dễ gì nắm bắt được cảm xúc thật của tác giả khi chữ nghĩa cô đọng, súc tích như thế. Ba trăm năm sau có người khóc Tố Như hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn bây giờ thiên hạ đang phân tích, mổ xẻ từng đoạn, từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều và gán cho nó những ý tưởng mà khi làm thơ chắc gì Nguyễn Du đã nghĩ tới.

Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn, nếu đem ngắt câu xuống hàng thì chẳng khác gì bài thơ. Thú thật có nhiều ca từ của ông tôi nghe thấy hay hay, nhưng chẳng hiểu gì cả. Cảm xúc khởi đầu từ ý và nốt nhạc trộn lẫn, rồi sau đó, vần điệu đẻ ra ý, hay ý đẻ ra vần điệu đây? Đoạn ca từ nào trong bản nhạc là cảm xúc ban đầu? Nghe nói có người làm luận án về ca từ trong nhạc Trịnh. Tài thật! Là một nghệ sĩ tài hoa, Trịnh Công Sơn có những cảm xúc và tư duy về cuộc sống thể hiện qua nhạc phẩm của mình. Ông uống rượu nhiều, và kể cũng lạ, nhiều bài viết lại tìm thấy tính Thiền, tính Phật trong nhạc của ông.

Về bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, một bài báo trên tờ ‘Người Giáo Viên Nhân Dân’ cho rằng thôn Vỹ là một ổ điếm, và Hàn Mạc Tử đã có công phản ánh kiếp sống giang hồ, tố cáo tệ đoan của xã hội cũ, trong một bài thơ hiện thực, nhân đạo, một tiếng thở dài đáng quý. Thưởng thức thơ như thế thì… bó tay!

Trong thưởng thức thơ ca, người ta suy diễn nhiều hơn suy luận, và có khi còn thích tự lừa còn sướng hơn mười tự do.

Mới đây trên một trang mạng có đề cập tới vấn đề cần có… vú trong thơ. Dù tác giả đã cố công ngược thời gian Trung cổ (Les Troubadours) tìm về La Mã, Hy Lạp để bàng hoàng trước cặp vú để trần của Propertius và Catullus, hoặc ngẩn ngơ trước đôi gò của người đẹp Sappho…, thậm chí còn đi tìm vú trong kinh Cựu Ước. Rồi quay sang Đông phương, tìm trong văn hóa Khổng Mạnh và Tam giáo, trong Kinh Thi, rồi trong văn hóa Môn-Khmer và Mã Lai… Thú thật, đọc đi đọc lại vài lần, tôi chẳng thấy cái vú trong thơ mang tính nhục cảm nó đẹp chỗ nào.

Vú có đẹp không? Đẹp chứ, dù đó là trái đào hay quả mướp. Khi tôi được sáu tháng tuổi, mẹ tôi phải trải qua một cuộc giải phẫu lớn ở nhà thương. Tôi không chịu bú bình, sữa Guigoz hay Nestlé gì cũng mặc, bú rình cũng chê. Mấy bà chị chăm tôi, đành phải mớm đồ ăn vặt. Tôi sống sót nhờ… đậu đỏ bánh lọt. Mẹ tôi về nhà, làm gì còn sữa cho tôi bú, nhưng khi bà ôm tôi vào lòng, tôi lại chịu bú bình: tôi nhớ hơi mẹ. Có chuyện này, nói ra hơi… xấu hổ, đó là tối ngủ tôi cứ rúc vào lòng mẹ tôi và rờ… vú mẹ. Mãi cho đến khi tám, chín tuổi, tôi mới bỏ thói quen này vì bị chọc quê nhiều quá. Mẹ tôi cũng chẳng phiền hà gì, có lẽ bà thương cảm cho thằng con mới sáu tháng tuổi đã bị cai sữa cưỡng bức.

Lớn lên, mỗi khi nhìn hình ảnh em bé bú mẹ, tôi lại thấy tuyệt đẹp và thánh thiện. Nhân loại thái bình không phải ở bầu sữa mẹ sao? Lắm lúc tôi nghĩ, cần gì phải xử bắn hay treo cổ mấy tên diệt chủng. Bắt chúng về nhà bú sữa mẹ để chúng hiểu thế giới này cần bình an thế nào.

Đi tìm cái đẹp nhục cảm ‘trong thơ có vú’ thì tôi chịu thua trước cho… cao cờ.

Cô đơn có thật, nỗi buồn có thật, nhưng nhiều khi qua thơ văn, nó bay bổng và gia vị nhiều quá, rồi trở thành cô đơn hoang tưởng, nỗi buồn hoang tưởng. Mấy ai kiếm sống được bằng thơ đâu. Ai mua thơ, tôi bán thơ cho. Rao bán nỗi niềm mà lắng nghe hụt hẫng thì buồn biết mấy.

Người ta làm thơ có khi vì tức cảnh sinh tình, ý thơ lai láng, không ‘nhả’ thơ ra không chịu được. Cũng có khi làm thơ chỉ để bày tỏ nỗi niềm riêng tư, viết cho mình, mặc ai hiểu mặc ai không hiểu, khen chê mặc kệ. Họ làm thơ để xả stress, chứ không phải chơi trò chữ nghĩa. Thơ kiểu này cho dù hay dù dở, tôi cũng phải kính cẩn và chia sẻ vì tính chân thật của nó. 

Cách đây vài năm, sau một bữa tiệc kinh doanh, tôi được mời đến vũ trường giải trí tăng hai. Một cô gái đến mời tôi nhảy. Tôi ấp úng, xin lỗi, chân tôi bị… vọp bẻ. Tôi chỉ mới ‘bị vọp bẻ’ khi được mời nhảy. Ừ, không biết nhảy thì ngồi xem thiên hạ nhảy. Tiếng nhạc ầm ầm, ánh đèn chớp tắt theo điệu nhạc, vũ điệu quay cuồng, tất cả những thứ này dường như lệch pha, làm cử động của người nhảy trông như bị cà giựt, đứt quãng. Khuôn mặt của họ như bị biến dạng; tôi không biết họ đang cười, đang khóc, hay đang nói. Chỉ thỉnh thoảng lắm, mới thấy được khuôn mặt thật của họ với những biểu cảm qua ánh chớp.

Bây giờ tôi đã tiến bộ, đã tập tành nhảy chút chút cho ra cái điều văn minh với người, cũng slow rock, rumba… Nhảy đại như tập dưỡng sinh vậy thôi. Nhưng tôi vẫn còn sợ ánh đèn vũ trường, sợ trong hàng ngàn ánh đèn chớp tắt liên tục, tôi bỏ lỡ cơ may trong muôn một, nhận diện được khuôn mặt đích thực của con người. Cảm nhận về thơ của tôi cũng vất vả như thế. Tôi sợ sự ảo diệu của ngôn từ sẽ che khuất đi những cảm xúc thật sự.

Mỗi bài thơ là một bông hoa. Tôi như người mù, làm sao có thể chạm tay tới nỗi niềm của những bông hoa chỉ có sắc mà không có hương.

Vũ Thế Thành, Đà Lạt 2012
(trích ” Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ, 2022)

 

No comments: