Friday, February 10, 2023

Dẫn Em Vào Nhạc - Quỳnh Dao

 

DẪN EM VÀO NHẠC





 

Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.

Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.

Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” vừa được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 Tháng Mười vừa qua. Quỳnh Giao không viết về ông trước ngày đó như để giới thiệu sinh hoạt này.

Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.

Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 1950. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính mình bước vào thế giới đó.

Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.

Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”

Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì… ai mà nhịn được!

Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe.

Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.

Thời ấy, vào thập niên 1960 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày.

Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hòa âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bảy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.

Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc chủ đề”.

Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.

Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận…

Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình chùng xuống.

Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói… “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!

Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.

Thế mới chết… chị Thu Hồng!

Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu…

Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được… “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.

Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.

Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn – người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên – được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy Mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.

Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!

Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v… đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi.

Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc Chủ Ðề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.

“Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng góa phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?

Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.

Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc…

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên.

Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.

Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là áo mơ chưa hề phai trong tâm khảm ông.

Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần…

Quỳnh Giao

304Đen – llttm - OVV

 

 

No comments: