TẬT MÊ NGHE THƠ
BÙI KIỆM
Hụt về quê thăm cha, hụt đi coi vợ năm đó đó, cũng vì tật mê nghe thơ
Bùi Kiệm. Không nhớ rõ đó là năm nào, việc có trên sáu chục năm, gần gần
bảy chục, duy nhớ mại mại, hoặc đó là năm 1924, tôi tập sự thơ ký quét bia rô
nơi trường máy đường Đỗ Hữu Vị cũ, nay là trường Trung học cơ khí Huỳnh Thúc
Kháng, hoặc đó là năm 1926, bị vợ vừa bỏ đi lấy chồng khác, (và xin anh em cô
bác đừng gọi tôi với chức tặng “học giả”, tôi thẹn lắm), duy quả nhớ năm nói
đây, tôi như ngựa sút chuồng, hư không chỗ nói, xa nhà xa cha.
Ba tôi ở thị trấn Sốc Trăng, tôi buông lung tập hút thuốc điếu, tập chửi
thề, tập uống bia, và sẵn được cho nghỉ bốn ngày ăn tết, tôi thừa dịp sáng 28
Tết, tôi mua vé xe định về nơi nhau rún trước thăm mấy em cũ, sau viếng Ba tôi
cho tròn chữ Hiếu, nhưng đêm lại, chưa 10 giờ, tôi ra bến xe, lúc ấy xe đặt bến
nơi hông chợ Bến Thành, quãng đường Viénol (nay là dường Phan Bội Châu), nhưng
anh lơ xe bảo tôi: “Còn sớm, đi chơi Tết đi, còn lâu lắm xe mới chạy.” Nghe
vậy, tôi bèn thả bộ qua đường gần đó là đường Amiral Courbet (nay là đường
Nguyễn An Ninh), đường nầy có đến ba khách sạn chứa em út, nào Nam Hồng Phát,
nào Nam Đồng Hương, nào Đỗ Văn Bính, tôi đang huýt gió đi lang thang, bỗng thấy
một đám phu xe kéo kéo tay, rần rần xách gọng xe kéo theo một anh phu xe khác,
anh nầy không mảy may gì là tay thiện nghệ làm ngựa người, anh ăn mặc khá sang,
áo thun mới trắng xóa, tay áo dài mới toanh, đầu chít khăn bàn tàn ong xốp lưỡi
đầu rìu, anh đang ngồi tréo ngoảy giữa hai gọng xe và đang nói thơ Vân Tiên,
lớp Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga, mà trời đất ôi, nay nhớ lại việc năm xửa năm xưa,
tôi mừng cho tôi tuy nay tuổi đã 92 trên đầu mà trí nhớ vẫn còn tinh anh, nhớ
kỹ từ cử chỉ, từ giọng nói, từ điệu bộ, và tôi bỗng mê gặp anh ấy đến nỗi khi
nhớ lại, khi chạy ra bến xe thì xe đã chạy mất đất từ hồi nào, bên phía chợ thì
thiên hạ bán buôn mua sắm rần rần, duy một mình ên tôi, lỡ khóc lỡ cười, lỡ
chuyến xe chót về nhà, lỡ bề hiếu đạo với Ba tôi, đứng tần ngần một lúc như
thằng ngáo mất quần, và đành trở bước lại chỗ ban nãy, tìm và may gặp lại anh
phu xe có cái giọng báo đời nầy, tôi không tiếc công tiếc áo quần, tôi ngồi xề
lại trên lề đường, bắt tay gạ chuyện cùng anh, và anh nầy rất tốt bụng, sau rốt
anh ríu ríu nghe lời tôi, xách gọng xe nối gót theo tôi, xít qua đường Hàng
Dừa, gọi đường Lacotte, cách đó không xa, phố ông Huyện cần, là nơi tôi ở đậu,
ăn cơm tháng, chủ nhà là anh Hai (Bùi Văn Khá), thông ngôn tòa án, sớm nầy anh
đã chia tay đi Ô Cắp Vũng Tàu tắm biển, nhà khóa cửa mà tôi không giữ chìa,
đành mời anh ấy ra áo, phủi cẳng và cùng tôi đổ xe khít sát mái hiên và cùng
nhau ngả lưng vào sập ván xập xệ nơi hàng ba, không chiếu lót cũng không mùng
mền, mặc cho đêm nay muỗi đốt… tôi xin thọ giáo… và nói tắt lại, dưới đây là
mấy lời anh tài tử kéo xe đã thuật và tôi đã ghi kỹ càng, anh xe truyền nghề và
tôi, thầy ký, đinh ninh hai đứa kết làm bạn tâm giao và quyết nối khố với nhau
trong nghề ca xướng:
“Tôi tên Nguyễn Văn Thêu, quê sanh tại cầu Rạch Bần, nay là đường Cô
Bắc, tôi học tối lớp Nhì (cours moyen) trường Cầu Kho, vì nghèo nên bỏ học, rất
may là tôi sắm được một tập nhỏ nhà Jh-Viết “Vè Bùi Kiệm” giá sáu xu (0$06),
tôi coi theo đó mà tập nói thơ giặm Vân Tiên, vả lại tôi đã từng nghe người mù
miền Trung rồi, và khi tôi thấy chỗ nào có vẻ trặc họng thì tôi châm chế lại,
tôi có khiếu,… và em Sển à, nay tôi thấy em cũng biết thương nghề, nên tôi
không giấu nghề và quyết truyền nghề nầy lại cho em tận tình, tỷ như mở đầu thơ
Vân Tiên, tỷ dụ như câu: “HỠI AI LẲNG LẶNG MÀ NGHE, GIỮ RĂN VIỆC TRƯỚC LÁNH DỀ
THÂN SAU”, rõ ràng ông Đồ Chiểu, vốn đui mù và sẵn tánh xuề xòa dễ dãi, bản
thảo ông đâu có và đâu còn để lại cho mà biết, cãi nhau vô ích, và theo ý riêng
của tôi là Thêu nầy, tuy “Dữ” đối với “Lành” là cân xứng, nhưng xét lại, em Sển
à, vậy chớ “Giữ răn” đối với “Lánh dề” thì cũng cân xứng lắm chớ, và nầy, nếu
Sển có vọc hoặc có học đờn cò, em thủ cây cung, em thọc mạnh được chữ “Lánh”
thật êm, rồi em kéo cây cung trở về, được ba chữ “Dề thăn sau”, thì nó êm ru bà
rù, thật khoái lỗ nhĩ vừa thật êm tai, trái lại nếu em kéo cây cung về và kéo
một về 4 tiếng “BÌNH BÌNH BÌNH BÌNH” (“Lành dề thân sau”) thì cây cung mất đà,
không thẳng trớn, em sẽ trặc có lẽ sẽ bể cuống họng mà chớ, 4 cái “bình bình”…
ấy quả lình bình, lĩnh bĩnh, làm sao cho êm tai và khoái lỗ nhĩ được? Em Sển
hiểu chưa, bí quyết nhà nghề chỉ nội bao nhiêu đó, và đây, như câu “THỐT THÔI
BÙI KIỆM VÀO NHÀ”, làm sao hát cho êm được và Thêu nầy, phải giặm thêm cho thật
dòn, và hát thêm dài dài giựt gân như vầy: THỐT MÀ Ứ THÔI, ANH BÙI KIỆM ẢNH
BƯỚC VÀO Ứ NHÀ, ẢNH THẤY MÀ NÀNG NGUYỆT MÀ Ứ NGA, đến đây phải giặm cho lẹ: LỖ
TAI CHỈ ĐEO ĐÔI BÔNG NHẬN HỘT, CÓ ĐEO CÂY KIỀNG VÀNG CHẠM, BẬN CÁI ÁO LUỠNG
ĐOẠN, ĐỘI CÁI KHĂN LỤC SOẠN, (hoặc) CHE CÂY DÙ LỤC SOẠN, BẬN QUẦN LÃNH LƯNG
RÚT, dứt câu nầy là hết giặm, và Thêu trở lại giọng nói thơ bình thường cổ điển
và hát Á KHIẾN TÂM BÀO ANH KIỆM CHẾT TÊ! và như vậy người nghe thật khoái trá
quăng tiền và Thêu lượm sướng tay cho chớ… Và vả lại bài Bùi Kiệm giặm, theo
anh (Thêu) là bài sau nầy dọn đường cho bài Vọng Cổ mặc sức biến chuyển để ăn
khách, nhưng thôi đừng nói thêm, hát giặm, nói giặm là nghề riêng ăn đứt của
người đất Bình Định, có câu: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”, khuyên Sển đừng
xía vào kẻo mắc kẹt, và câu chuyện hôm nay còn dài, hai đứa mình vừa gặp nhau
đây là duyên kỳ ngộ bất thường, để ra giêng rồi anh sẽ dạy rành, còn nay sắp
hết Tết, và mai nầy anh phải tranh thủ chạy tiền nuôi vợ nuôi con, ngủ hè, em
hãy ngủ cho ngon, chúc em mọi việc được như ý, riêng Nguyễn Văn Thêu nầy, sở dĩ
kéo gọng xe là để có nghề cho thằng Biện Tây hay thằng Biện Chà khỏi nắm đầu
cho vào bót, chớ nào anh có kéo xe chạy một cuốc nào, nội cái việc anh rao leo:
“Ai đi xe kéo chạy một chút bẻo thì tới không?” ấy là anh ghẹo chị bán chè
khoai, chỉ rao lảnh lót: “Bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát
khôông ơ ơ ơ!” làm cho ai đã ngủ cũng phải sai trẻ xách tô chén ra mua, và bây
giờ anh nhớ lại trước đây tuy có một ông Lương Văn Giáo, biết nhơn đạo, không
hề đi xe cho người kéo người…” Nhưng anh Thêu nói mặc anh, tôi đã đánh một giấc
ngon lành từ lâu hoắc, và sở dĩ hôm nay tôi viết bài nầy là tại tôi nhớ con
trai duy nhất của tôi nó quá bạc tình không về nhà và bỏ ba đứa thơ dại cho tôi
nuôi, chớ nói thật tôi nào muốn thi đua tranh lèo giựt giải cùng ai. Con ôi, Ba
nhớ, hãy mau về để tao trao gánh, chớ ăn rau muống hoài sao cho thấu!
Vương
Hồng Sển
(viết
ngày rằm tháng 10/9 novembre 92cho số xuân báo Lao Động)
Nguồn: Vương Hồng Sển, Tạp bút năm quí dậu 1993,
di cảo. Nxb Trẻ
304Đen – Llttm -sgtc
No comments:
Post a Comment