Wednesday, February 8, 2023

Rung Cây Dừa - Bình Nguyên Lộc

 

RUNG CÂY DỪA




 

Một khối đen đùn lên ở chân trời phía Đông Nam. Thầy giáo lấy tay che mắt, vì nắng sớm chói lòa, để theo dõi cây khói, cứ mọc lần lên cao ấy.

Khói mọc lên, tức là một chiếc tàu sắp đến gần bờ, mà khi tàu ở Đông Nam đến, thì là tàu tuần rồi. Những chiếc tàu ở Pháp qua, đều ở Tây Nam lại.

Gần một tháng nay, không có chiếc tàu nào chạy qua lối đây cả. Nên chi thầy giáo nghe vui rộn lên, như là thấy dáng bạn đằng xa.

Bạn?

Ừ, bạn, bạn thực đó, mặc dầu thầy giáo biết rõ ở trong nội địa, người ta xem tàu ấy và người trên tàu là thù.

Thầy giáo đã hờn một người, rồi hờn luôn cả loài người. Thầy trốn ra đây đã hăm hai năm. Không đứng bộ đinh của làng nào trên nước Việt Nam nữa, thì nước Việt Nam đó đánh nhau với ai, thầy không mảy may sốt ruột, và không xem “ai đó” là kẻ thù.

Đây là hòn Củ Tron, nói đúng ra là một đảo trong quần đảo Củ Tron (ngày nay gọi là quần đảo Nam Du, gần Phú Quốc). Hòn nầy, thật ra, gồm đâu lối hai mươi hòn đảo nhỏ.

 

Vịnh Thái Lan, phần thuộc hải phận Việt Nam, chi chít những đảo là đảo, như có đứa trẻ tinh nghịch nào hốt đá cuội mà vứt rải trên một cái ao con. Đảo ấy xúm xít lại với nhau từng chùm, thành nhiều bầy đảo riêng mà người dân trong nội địa, để đơn giản hóa, xem mỗi bầy như là một hòn duy nhứt và chỉ đặt một tên thôi.

Tại sao lại có sự đào ngũ nước nhà và loài người nầy? Có gì đâu? Thật trẻ con và buồn cười hết sức, thầy giáo đã thất vọng vì tình mà lại. Rõ là:

“Một người làm đĩ, xấu danh đờn bà!”.

Lời tục không sai.

Một người đờn bà đã phụ thầy, chỉ có một người thôi, thế mà thầy oán tất cả giống đờn bà, rồi oán lây cả loài người.

Thầy kêu đời là giả dối, người là xấu xa và đâm ra ngâm toàn thơ yếm thế và mê cảnh làm bạn với hươu nai trong những bài thơ đó.

Ban đầu, thầy định vào núi tu, nhưng trên Bảy Núi thì đang lắm ông đạo lăng nhăng, ông đạo Nằm, ông đạo Lết, ông đạo Huế, ông đạo Hù. Vả lại, thỉnh thoảng có những bà mộ các ông đạo ấy lên hành hương, thì cuộc đụng chạm với “những con ác quỷ” làm sao dứt được.

Những hòn đảo xa, xanh tím nơi chân trời ngoài kia, có những sự tích huyền ảo đối với người trên bờ, họ truyền miệng nhau mớ chuyện thần tiên ấy từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

Nên chi, bầy đảo chốn hải giác thiên nhai, vốn đã quyến rũ thầy từ thuở bé, bấy giờ, khi lòng thầy nát ngướu vì sự phản bội của một người đờn bà, nó lại kêu lên cái tiếng gọi xa xăm và quyến rũ của nó.

Ra tới quần đảo Củ Tron, thầy mới nhận ra là sống một mình không được, hay được mà khổ biết bao nhiêu. Vì thế, thay vì ở biệt tích trên một hòn hẻo lánh, thầy tá túc nơi một cù lao đông tám gia đình.

Thầy ta bỏ tên cũ, và dân đảo chờ mãi không nghe thầy xưng tên, mới kêu thầy là thầy giáo, và chức thầy giáo biến thành tên thầy từ đó.

Về vật chất, con người ở đây lùi về đời sống cổ sơ, tự làm lấy mọi việc, ít khi trao đổi hàng hóa với nội địa. Nhưng thứ nhứt là về mặt tinh thần. Cùng một nhịp với cuộc sống, họ cũng bỏ rơi lần lần những phiền toái xã giao về tình cảm, về ý nghĩa của một xã hội văn minh. Đời người, nhờ thế, mà ít bị ràng buộc biết bao.

Cây khói mọc lên cao, rồi ngã đầu dưới gió sớm, rồi ống khói tàu nhô lên. Trông từ xa, ống khói và làn khói giống như một cây đuốc, mà người cầm còn núp ở đâu dưới hố sâu.

Lần lần cả chiếc tuần dương hạm dình dàng bò lên trên góc biển hình tròn; đó là tế nhận tinh vi dưới hai con mắt biết khoa học của thầy giáo.

Nối đuôi tuần dương hạm là năm chiếc tuần hải ngạn nhỏ, trông như một con heo mẹ ột ệt dắt một bầy heo con.

Còi tàu hú vang rền, xịt khói dày đặc, rồi dừng lại ngoài khơi.

Không trông thấy rõ gì, mà thầy giáo vẫn biết họ đương hạ thủy những chiếc xuồng máy.

Cảnh nầy, độ ba tuần, lại diễn lại một lần. Lần đầu, cách đó mười năm. Thâm ý của Hải Quân Pháp là dòm ngó xem trên các đảo hẻo lánh ấy có Việt Minh hay không. Nhưng dân ở các đảo, và cả thầy giáo nữa, lại ngỡ là họ ghé xin nước, xin trái cây.

Không chiếc xuồng máy nào vào bờ mà không mang theo bơ, sữa, súc-cù-là, kẹo, bánh. Người dân ở đảo ngỡ đó là quà trao đổi, nên biếu lại nước suối ngọt, chuối, dừa. Thủy quân Pháp vui lòng nhận quà đó, để gây thân thiện. Rồi khi dòm ngó thấy dân chúng chất phác làm ăn, họ trở ra khơi. Nhưng thỉnh thoảng họ vẫn trở lại. Thật là một sự xem chừng kiên nhẫn.

Nhờ thế, thầy giáo biết rằng, dân ta đã đứng lên kháng Pháp. Lòng trần chưa gội sạch, nên khi nghe tin nầy, thầy nôn nao mấy hôm. Nhưng mà dứt là dứt! Ôi, đau như hôm vĩnh biệt đất liền, quyết tâm quên người yêu và thỉnh thoảng day lại nhìn ngọn cau ngả nghiêng dưới gió. Niềm đau vận nước hôm đó cũng ray rứt như là cuộc phân vân ngày đi. Thật là “linh đinh nửa nước, nửa dầu”. Nhưng thôi, dứt là dứt hẳn!

Khi xuồng máy cày mặt biển, lủi gần tới bờ, thầy giáo vội vàng rời chỗ nhắm, trở về xóm để báo tin cho người ta đủ ngày giờ đốn chuối, hái dừa.

Dưới xuồng chỉ có một Tiểu Đội thôi, nhưng tới tám người lính và viên Đội Trưởng lên bờ, mà họ lên tay không. Ngày thường thì họ võ trang tới chơn tóc, kẽ răng, và ở lại dưới xuồng đông hơn để ngừa nguy biến.

Thầy giáo làm thông ngôn. Bọn thủy thủ cũng chào hỏi vui vẻ như mọi lần, nhưng sắc mặt hơi buồn. Viên Đội Trưởng nói:

–Tôi đến đây lần cuối cùng, để từ biệt các anh.

–Anh đổi đi nơi khác à?

–Không.

–Vậy thì làm sao?

–Hiệp Định Giơ-neo, các anh biết chớ?

–Có, có nghe anh nói.

–Sau Hiệp Định đó, chúng tôi ngỡ còn được ở miền Nam. Nhưng chính phủ anh yêu cầu chúng tôi rút lui toàn diện.

–Vậy hả?

– Bây giờ thì các anh độc lập rồi đó, không còn nói ra, nói vào gì được nữa. Anh có về đất liền không, anh Giáo? Về mà hưởng độc lập.

–Không!

–Thế ra, cái chuyện ngày xưa ấy, cái chuyện xui anh trốn ra đây ấy, là chuyện lòng thật sự, quả như anh đã nói. Từ thuở giờ, chúng tôi ngỡ anh nói dối và vẫn xem chừng anh đấy.

Bọn lính thủy cười rần rần; một anh đưa cánh tay ra, trên da có xâm quả tim bị mũi tên xuyên ngang, máu chảy có giọt, mà rằng:

–Đây, tình đau khổ! “Ẻn” đã đập nát quả tim tôi, vậy mà tôi có thèm đi đâu. Hay nói cho đúng ra, tôi có đi, tôi đi cùng khắp bầu trời, để tìm nhiều “ẻn” khác, và tìm được dễ dàng.

Nhưng thầy giáo vẫn điềm nhiên:

–Thôi, vĩnh biệt!

–Vĩnh biệt!

–Vĩnh biệt!

Bọn thủy thủ bắt tay từng người, rồi mang quà trở xuống bờ biển.

Cả đảo đưa họ, rồi về nhà, trừ thầy giáo. Thầy đứng nhìn xuồng cập tàu, nhìn cột sắt đen vẽ nét đứng, nét ngang trên nền trời xanh lơ, và nhứt là lắng nghe tiếng còi thét lên trong không gian, gợi nhớ những chuyến đi, những cảnh non nước xa lạ, mà thầy mơ thuở còn bé, và bây giờ, mặc dầu đã ra đây rồi, vẫn còn mơ cái kỳ ảo của viễn phương.

Dứt là dứt! Tuy thế, cuộc hội kiến hôm nay vẫn làm huyên náo lòng thầy giáo như cái tin khởi nghĩa mười năm xưa. Vận nước thịnh, suy, hưng, vong triều đại, đó là những điều mà ta khó lòng dửng dưng được, và không thể đặt điều ấy ngang hàng với một câu chuyện tình.

Nhưng thôi, dứt là dứt!

Khi mấy con tàu chỉ còn bằng mấy cái vú cau mà trẻ con thả chơi trên bể cạn, thầy giáo quay lưng đi vào xóm, nhưng không ghé đó, lại đi thẳng ra bãi biển nghịch điểm.

Thầy đẩy xuống nước một chiếc thuyền độc mộc nằm phơi nắng trên bãi cát, rồi thót lên ngồi trên đó.

Giữa những cù lao trong quần đảo Củ Tron, là những vuông biển nhỏ im lặng như mặt hồ. Bơi xuồng trên bao nhiêu là hồ ấy, đi từ đảo nầy qua đảo kia, là cái thú vui vô song nhắc nhở cảnh người xưa chu du năm hồ, bốn biển, cảnh Từ Thức chèo thuyền chợt gặp Đào Nguyên.

Nhứt là những hòn đảo nầy là những hòn non bộ thiên nhiên, mà trong đất liền, nghe nói, ai cũng thèm nhểu nước miếng.

 

Đảo đá vôi lồi lõm những gộp đá hình thù kỳ dị, những hang non hiểm hóc, và những động là là mặt nước, trông như cửa động đào; gộp đá vôi thì mỗi gộp mỗi màu, trên ấy mọc lên những cây lùn, mà hình dáng lại cằn cỗi như cổ thụ, và tất cả soi bóng, in hình một cách trung thành, đầu lộn ngược, trên mặt biển đang nhạt màu trời và phẳng như gương.

Hạ nhẹ mái giầm, thầy giáo nhìn một sườn non và nhớ lại cái mộng của mình, là xây ở lưng chừng sườn non ấy một ngôi chùa, mái cong, lợp bằng ngói sứ nhiều màu. Ngôi chùa ấy, vài năm sẽ xanh rêu, và ngồi ở dưới xuồng trông lên, y hệt như ngắm non bộ, để rồi mơ đến hình ảnh nước Tàu ngày xưa, nước Tàu cổ kính trong tranh: một ngôi chùa cổ cheo leo trên sườn núi, trong rừng sâu, chiếc cầu đá bắt ngang sơn khê, bên cầu, hai tu sĩ, tóc, râu dài chảy trắng xuống như thác nước đổ, đang ngồi đánh ván cờ muôn thuở.

Thầy giáo bơi xuồng độc mộc từ hòn nầy qua hòn khác, cho đến lúc hoàng hôn nhuộm tím chân trời và mặt nước.

Mấy lúc nầy, thầy hơi mệt – đã năm mươi rồi, còn gì nữa! – nên chỉ làm lấy lệ, cho có mà sống lây lất qua ngày, và cho dư thời giờ đi dạo thả cửa như vầy.

Năm mươi ! Trời ơi, đã hăm hai năm rồi, thành tiên trong động vắng thì chưa thành, mà lòng trần vẫn còn xao động, mỗi khi một ngọn gió xa thổi đưa sóng đời tới.

Còn sống mấy năm nữa đây, rồi sẽ giã từ hẳn mọi thứ, kể cả đời sống cổ sơ bình dị nầy? Chắc cũng chẳng bao lâu, vì thầy giáo nghe trong người yếu lần. Năm mươi là khúc đường quanh, bước qua là nghe khác nẻo đi vừa bỏ, hễ dang nắng, dầm mưa là nghe muốn ể mình.

Lại còn!… Thầy giáo nghĩ tới đây, thì buồn đến muốn nhảy xuống biển cho rồi.

Ở đây, người dân sống tập thể trong nhiều điểm: thí dụ cất nhà, đốn gỗ để mổ xuồng, cuốc đất, trồng khoai, vân vân… Mấy lúc nay, thầy nghe yếu trong người, nên tự buông tha mình khỏi những khổ dịch vần công.

Người trong đảo, ban đầu, nhìn thầy bằng những cái nhìn trách móc, rồi sau đó, khinh thầy ra mặt. Thì ra, cũng còn vướng loài người với những ràng buộc phiền phức.

Đêm ấy, thầy giáo nhức đầu như có hai khúc gỗ kẹp hai bên màng tang, rồi ai đó chơi nghịch, siết chặt hai khúc gỗ lại. Ác mộng liên miên tới sáng, rồi lên cơn sốt. Rõ ràng là cảm thử.

Ở đây, người ta sống như người Thượng Cổ, hay như người sơn cước ngày nay. Ai có sức khỏe thì lướt khỏi bịnh tật. Lướt được là đi hết đường đời tới khi đầu bạc. Ai không dẻo dai là chết quay ra.

Nhưng trường hợp của thầy giáo chưa xảy ra bao giờ: không lăn đùng ra mà chết, cũng chẳng khỏi cơn sốt liên miên.

Người ta đến thăm thầy giáo trong ba ngày đầu, rồi thôi. Một mụ hàng xóm, thương tình, nấu khoai, phần chia của thầy, cho thầy ăn đỡ dạ trong năm ngày. Nhưng khoai của thầy hết sạch. Người ta nuôi thầy bằng khoai hàng xóm, trong nửa con trăng.

Thầy hết sốt nhưng vẫn nằm liệt. Một ông lão còn sõi, nhìn thầy rồi lắc đầu:

–Không thế khỏi. Như là bại, xụi ấy mà! Nằm riết đến thúi xương là chết !

Vậy, ra đây là một cái miệng vô ích.

Không giận ghét thầy, người ta vẫn không lui tới nữa. Cái miệng vô ích, kể như chết rồi. Không giết đó là may, ai hơi đâu mà nuôi mãi.

Sau hai ngày vắng khách. Thầy giáo bỗng hiểu và thầy bỗng rợn người lên khi nghĩ đến câu chuyện rung cây dừa, mà thầy được biết thuở bé, khi đọc địa dư.

Ngoài khơi Thái Bình Dương có những hòn đảo thần tiên, mà dân trên đó, suốt ngày, ca hát, vui chơi. Khi một người chủ gia đình trở nên già yếu, họ bắt y leo lên ngọn dừa, rồi áp nhau mà lung lay gốc cây dừa ấy.

Người leo cây, nếu bám chặt được, là sẽ sống thêm ít lúc. Bằng rủi tay rơi xuống, thì họ cho ngay hắn ta là một cái miệng vô ích, cần phải cô lập một nơi cho chết đói lần mòn.

Rung cây dừa! Thế ra, là mình bị họ rung cây dừa đây!

Sống cổ sơ bình dị ! Thú biết bao, mộc mạc thong thả biết bao! Nhưng cũng giống thú vật biết bao. Con thú đầu đàn, khi vồ hụt mồi lần đầu là bị đàn coi là hết khả năng, bị thay thế ngay, rồi bị thịt ngay.

Sống cổ sơ bình dị! Có làm mới có ăn, già nua là không còn hay ho gì nữa! Xã hội chỉ nuôi những cái miệng hữu ích thôi!

A ha ! Đó là một xã hội thú vật, cóc cần tình cảm, cóc cần tình thương đối với lớp “người trái chanh”, lớp người bị vắt hết cả nước cốt trong thời niên thiếu để dâng lên đoàn thể, và bây giờ chỉ còn trơ lại cái vỏ khô như xác ve.

Thầy giáo gượng dậy, lết cùng nhà và may sao, tìm được hũ khoai mà mụ láng giềng không thấy. Thầy ăn khoai sống mấy hôm.

Muốn về đất liền lắm, lần nầy. Nhưng ở đây thì không dung miệng vô ích, còn ở trong ấy, thì lại dung quá nhiều miệng vô ích. Không phải miệng lớp già, mà là những miệng ký sinh nhân. Chán thay, chạy ô mồ mắc ô mả, bây giờ muốn chạy thầy cả, lại ngại mắc thầy con.

Ở đâu hợp lý tưởng bây giờ để được dung thân buổi xế chiều của một cuộc đời, tuy lánh mặt, nhưng vẫn hữu ích? (Nếu không hữu ích thì cuộc đời ấy hẳn đã phải bị rung cây dừa ngay từ thuở mới ra đây).

Ngày xưa, sao mà quyết định quá dễ, dứt tình với người yêu, với loài người như dứt sợi bòng bong đeo trên rào. Bây giờ nó trợn trạo như là xuống không lọt, mà lên lại chẳng thông.

Quá nửa đời người rồi, và vào đoạn đường ấy, con người ngại trở bước lắm chăng?

“Mà ngươi, ngày xưa đã từ bỏ tất cả, cả những cái lớn lao, lẽ gì ngày nay lại không dám đánh rơi một khu sống không dung tha tình cảm, một khu sống mà người ta siêng năng để mà sống, như đàn kiến. Chỉ có thế thôi. Và như đàn kiến, con nào ngã dọc đường, thì mặc thây nó, không ai hơi dâu mà ngừng lại nhỏ cho vài giọt nước mắt, để cho rối trật tự của đoàn đang đi”.

–Mầy phải chọn, thầy giáo Lầu ơi!

Thầy giáo khiển trách mình và bất giác gọi đến cái tên, mà hăm hai năm nay thầy bỏ hẳn.

Thầy giật nẩy mình. Tên ấy vang lên như một giọng nói của một người thân yêu, dội trở lại với một hình bóng mờ xa của những người biết thương, thương nhiều quá, thương đến cả kẻ thù, đến cả những cái miệng hoàn toàn vô ích.

Lần thứ ba, lòng giáo Lầu huyên náo. Nhưng lần nầy, thầy không thản nhiên được, sau trận dao động đầu tiên.

Tiếng vang của mối tình đến, rồi tan trong gió.

Tiếng vang vận nước thoảng qua, rồi tắt lần trong thờ ơ của người yếm thế.

Nhưng tiếng vang của loài người, của xã hội văn minh lại kêu réo như tiếng còi tàu thỉnh du. Còi tàu vẳng đưa lên hình bóng nước non xa lạ, còn tiếng con người lại nghê nga chơn trời cũ, bóng bạn xưa, không thúc giục như còi tàu, nhưng lại thỏ thẻ, nỉ non, dai dẳng như lời mời nhẫn nại của một người nhiều hảo ý và thiết tha đón khách.

Sáng hôm sau, một chú Lỗ Bình Sơn tân thời, đầu bù, tóc rối, bơi chiếc xuồng độc mộc trở vào bờ, bịn rịn cù lao rung dừa nhưng lại háo hức hơn, vì mơ mảnh đất liền, biết thương đến con bò già, không kéo cày được nữa.

Bình Nguyên Lộc

 

 

No comments: