Thursday, February 16, 2023

Khao Làng Cho Lợn Bằng Một Bữa Tiệc Rau Nộm - Ngô Tất Tố

 

KHAO LÀNG CHO LỢN BẰNG MỘT BỮA TIỆC RAU NỘM

 

 (kiểm duyệt hồi Pháp) (1)… 
Hãy cứ đến làng tôi, các anh sẽ được như ý.  Mỗi khi gặp tôi, ông Ng. Tr. L. (2) thường nói câu đó để hả bớt sự uất ức chứa chất trong tâm can. 

Ngô Tất Tố




 

Không phải bị ai trong làng ăn hiếp mà đến phát phẫn. 

Cái uất của “cuốn tự điển sống” này chỉ là những món “hương hồn” “hương túy” tồn tích trong làng D. L. 

… (kiểm duyệt)… 

Theo lời ông L

… (kiểm duyệt)… 

Ngày nay, cái ngôi bá chủ của làng ấy hoàn toàn thuộc về họ Nguyễn của ông. Với làng này, họ ấy thật không khác gì đồng bào Kha Luân Bố với các dân tộc châu Mỹ. 

Các ngài đọc sử chắc đã nhận thấy sự hiển hách của ông Nguyễn Thực làng V.Đ. 

Họ nhà ông nguyên là dòng dõi vị quận công ấy. 

Đời Lê trung hưng, văn vận của họ này có thể tưởng như chói một góc trời. Cha đỗ, con đỗ, anh đỗ, em đỗ, cháu đỗ, chắt cũng đỗ nữa, trong nhà nhan nhản những ông Nghè là ông Nghè. Nếu lấy khoa cử làm mực cho sự thịnh vượng của các gia tộc, thì như thế kể đã thịnh vượng lắm lắm. 

Nhưng mà đến khi sơn hà nhà Lê tan nát thì cái văn mạch của làng V.Đ. cũng bị tắt liền. 

Và nó chạy tuột sang làng D.L. 

Tôi không rõ ông Kha Luân Bố của họ ấy là ai. Nghe như cái khi ông đó bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đến làng D.L. nhằm khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn gì đó. 

Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư phải tam đại mới được thành tổ. Nghĩa là từ đời ông gia nhập làng nào, thì đến đời cháu mới được hưởng đủ quyền lợi như những nguyên dân làng ấy. Nhưng, chi nhà họ Nguyễn đã phá được cái lệ ấy của làng D.L. Là vì họ này tới đây mới có hai đời đã có mấy ông thi đậu hương cống (3). 

Thế rồi, từ đó trở đi, văn vận họ này cứ bốc đùng đùng như lửa.

Hẳn ai cũng biết danh tiếng ông Nguyễn Tư Giản, một ông Hoàng giáp hay chữ nhất triều Tự Đức, đã được vua ấy cho tên là Nguyễn Văn Phú? 

Người ta nói rằng: họ Nguyễn V.Đ. ra ở D.L. đến ông ấy mới có độ ba, bốn đời. 

Kế thế hữu hoàng giáp, 

Toàn gia vô bạch đinh (4). 

Đấy là hai câu của vị danh thần ấy viết ở chỗ ngồi chơi mà ngày nay nhiều người vẫn còn truyền tụng. 

Bấy giờ một ông Bố chánh Nghệ An đã dùng điển tích vẻ vang của cha con Tô Thân và anh em Tống Kỳ mà mừng nhà ấy như vầy: 

Tam Tô phụ hảo, nhi tư hảo, 

Nhị Tống huynh nghi, đệ cộng nghi. 

Phải! Cảnh nhà họ Nguyễn hồi này, thật đã xứng đáng với đôi câu ấy. Các ngài chắc đã nghe qua hai câu sau đây của họ Vũ Mộ Trạch khắc ở nhà thờ: 

Cao, tằng, tổ, khảo dĩ lai, thập bát trạng nguyên tam tể tướng;

Đinh, Lý, Trần, Lê nhi hậu, bách dư tiến sĩ ngũ phong hầu (5). —-

Sự phát đạt của họ Nguyễn D.L. tuy không thấm vào đâu với những câu này, nhưng so với các vọng tộc khác, có lẽ cũng đứng vào bậc hiếm có. 

Phú quý ở đâu, trung tâm điểm của uy quyền ở đó, công lệ trời đất là vậy. … (kiểm duyệt)… 

Thì hãy nghe mấy tiếng xưng hô của xứ ấy. 

Theo đúng chế’ độ phong kiến, người dưới nói đến người trên chỉ được kêu chức, kêu tước, không được động đến họ tên. Ví như trong đời Lê, nói đến vua Lê, người ta dùng tiếng nhà vua, nói đến chúa Trịnh, người ta dùng đến tiếng nhà chúa, không cần động đến chữ Lê, chữ Trịnh, nếu động đến hai chữ ấy là thiếu kính trọng rồi. 

Họ Nguyễn D.L. tuy chẳng làm vua, làm chúa nhưng có nhiều người làm quan. Bởi vậy đối với họ này, hết thảy những người họ khác ở làng ấy đều dùng hai tiếng quan họ. Nói quan họ người ta hiểu ngay là họ Nguyễn rồi, không phải dùng đến chữ Nguyễn nữa. 

… (kiểm duyệt)… 

Ông Ng.Tr.L. đã bị liệt vào hạng người điên. Bởi vì ông ấy chỉ muốn cố lấp cho bằng cái rãnh ở giữa quan họ với con nhà bách tính. Có lẽ điên thật. Nếu không cớ sao ông ấy lại không thích hưởng những cái quyền lợi địa vị đặc biệt của người ta để dành cho mình?

Nhưng mà hình như cái điên ấy của ông L. đã thành cố tật, không thể chữa được, cho nên luôn luôn ông ấy cứ đem hương hồn, hương túy để làm đầu đề cho câu chuyện bông đùa. 

– Nhược tiểu dân tộc ở làng tôi mới được một cuộc giải phóng rất lớn. 

Một hôm ông L. tươi cười nói với tôi thế, giữa khi chúng tôi nằm trong phòng tối để nghe cái cảnh Hà Nội tắt đèn. 

– Nhà thờ của họ đã được dùng đến cái trống cái. 

Và, không để cho tôi nói xen, ông L. lại cắt nghĩa bằng giọng nghiêm trang: 

– Anh phải biết rằng: Trước đây, cái trống cái ở làng D.L. tức là nhạc khí riêng của quan họ nhà tôi. Chỉ có nhà thờ đại tôn tiểu tôn của quan họ nhà tôi trong khi cúng lễ mới được đánh trống, còn các nhà thờ của bọn bách tính thì phải cúng ngầm, không được dùng trống phách gì cả. Gần đây mới có một họ bắt chước quan họ sắm cái trống cái treo ở nhà thờ, mỗi lúc cúng lễ, họ cũng khua trống om sòm. Đáng lẽ thì cái họ ấy bị phạt và phải hủy cái trống đi rồi. Vì một cụ trong quan họ nhà tôi cho sự đó là chuyện quan hệ, nó có thể khiến cho nhà thờ bách tính và nhà thờ quan họ không khác gì nhau. May sao lại có ông khác quá thiên về mặt dân chủ, hết sức phản đối thuyết của cụ đó, cho nên họ bách tính ấy mới được thoát tội. Hú vía cho họ! 

Tôi còn phân vân chưa bình phẩm câu nào, thì ông L. lại tiếp: 

– Chỉ có một việc đánh trống, anh cũng đủ thấy quan họ chúng tôi khác lũ bách tính lắm rồi. Tuy vậy, dưới sự chi phối của chúng tôi, lũ bách tính đó cũng còn có quyền tự do. 

Hạn tắt đèn đã hết, trong phòng lại có ánh sáng. Với nụ cười cay chua, ông L. chuyển câu chuyện sang một đoạn khác:

– Tự do ăn rau nộm. 

Rồi ngồi phắt dậy, ông ấy kể thêm: 

– Làng tôi cũng như hết thảy làng khác, mỗi năm phải có một con lợn ỷ cúng thần. Ỷ của làng tôi không hùng vĩ bằng ỷ làng Yên Khê, nhưng trước kia, cũng phải hai tạ. 

Cái này thì quan họ cũng như bách tính. Lần ngôi chi thứ, người nào đến tuổi nuôi ỷ cúng thần, tất nhiên phải nuôi, dù là quan họ cũng không được trừ. Công việc nuôi ỷ thì chẳng có gì long trọng vì nó là việc nuôi một con lợn. Nhưng đến cái lễ xem ỷ thì quan trọng lắm. 

Năm nào cũng vậy, lệ ấy nhất định vào ngày 23 tháng chạp. Cách sáu ngày nữa thì người nuôi ỷ phải rước ỷ ra đình để làng giết thịt cúng thần. Vì vậy bữa đó, các bàn trong làng nhất tề tới nhà sự chủ – nói là khổ chủ thì đúng hơn – tới nhà khổ chủ để xem ỷ có béo tốt hay không. Ý nghĩa của tiếng xem ỷ chỉ có như vậy. Nhưng, đối với thôn quê, xem bằng mắt chưa đủ, người ta còn phải xem thêm bằng miệng. Nghĩa là chủ nhà phải thết dân làng một bữa, thì lễ xem ỷ mới là hoàn thành. 

Không phải giò, nem, ninh, mọc gì cả; bữa tiệc ấy chỉ có rau nộm với rượu và cơm mà thôi. Có điều thứ rau nộm này khác hẳn với rau nộm thường. Người ta đã dùng thịt lợn thái chỉ trộn với cuống giá và rau muống luộc. Trong một bát đến bảy phần thịt, rau và giá chỉ có ba phần. 

Dân làng bước vào đến cổng sự chủ, công việc đầu tiên là phải ngó vào chuồng lợn, để khen vài câu, rồi mới vào ngồi trong nhà. Thế là năm người một cỗ, theo bàn mà ngồi. Nhà chủ liền đệ vào giữa, một mâm đũa bát và một chậu rau nộm. Như thế tức là đủ lệ của làng, người nào muốn thêm thức gì là do hảo tâm của họ.

Rau hết lại sức, rượu hết lại rót, ai cũng ăn uống cho đến no say thì thôi. 

Làng tôi có mười sáu bàn, mỗi bàn hai mươi bốn người. Những như thết làng một bữa, cũng đủ hại cho người ta. Huống chi, ngoài những người có chức sự trong cuộc xem ỷ, lại còn anh em họ mạc đến giúp. 

Bất kỳ ai, hễ trong ngày ấy, bước chân vào đến nhà ấy là phải có rượu và rau nộm. Những nhà chật hẹp, người ta ngồi ngổn ngang khắp cả xó bếp, đầu thềm. Nhiều khi không cần đến mâm, mỗi người chỉ một lọ rượu và một chậu rau là đủ. 

Tôi đã mục kích những cảnh tượng đó, và không biết gọi nó là cảnh tượng gì. Nên tôi phải gọi tạm là cảnh tượng thất nghiệp. Bởi vì, lắm người lo xong một tiệc rau nộm để khao làng cho con lợn ỷ của mình thì phải hết cả cơ nghiệp. 

Tôi không thể nhịn cười: 

– Sao anh không cố cổ động cải cách cái tục ấy đi? 

Ông L. cũng cười: 

– Nó đã thành cái thiên kinh địa nghĩa (6) ở làng tôi rồi, cải cách làm sao nổi. 

Ngô Tất Tố 

Nguồn: Báo Con Ong, Số 19 – 11.10.1939,

 

Chú thích

(1) Không thể tìm ra tài liệu để khôi phục lại nội dung đã bị kiểm duyệt Pháp cắt bỏ nên từ đây xin được ghi gọn là (kiểm duyệt) theo đúng như văn bản lưu trữ tại thư viện. 

(2) Ng.Tr.L. tức Nguyễn Triệu Luật. 

(3) Hương cống: Cử nhân từ đời Gia Long trở về trước. 

(4) Đời này qua đời khác đều có người đỗ đạt cao. Cả nhà không ai là dân thường. 

(5) Kể bốn đời, từ đời cha về trước, đã có mười tám trạng nguyên, có ba tể tướng. Kể từ đời Đinh, Lý, Trần, Lê về sau, đã có hơn một trăm tiến sĩ. 

(6) Thiên kinh địa nghĩa: Đạo thường của trời, lẽ phải của đất, xưa nay không bao giờ thay đổi được.

 

 

No comments: