Friday, April 29, 2016

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi) -Thuyên Huy



Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi)
 




Chương Hai Mươi

 

     Phượng lại bắt đầu nở lưa thưa trên đường phố, hè năm nay về có vẻ sớm hơn vì bọn tôi còn cả tháng nữa mới bãi trường. Ngày thi cuối năm chập chờn trong đầu lúc khoan lúc nhặt, phải cố mà học, cũng giống như thi tú tài một, rớt thì phải vô lính thế thôi. Chiến trận vẫn tiếp tục kéo dài từng ngày, tiếng đại bác ở phía nào bên trời nhiều đêm nghe rõ hơn tiếng xe trên đường phố. Hình như không ai muốn nhắc nhở gì tới nó nữa, người còn sống thì cứ tiếp tục sống trong vội vã trong hững hờ, người nằm xuống thì cứ nằm xuống trong tức tưởi trong vô tình. Bạn bè không còn lại bao nhiêu, trận đánh nhiều quá, nhiều đến nổi trận nào cũng có người quen chết, có thằng chết khi tuổi đời chưa kịp hết phần đầu của kiếp đời. Khăn tang, bia mộ đá tự nhiên trở thành một loài hoa dại không tên nở muộn nở màng trong đời, không cần theo cái chu kỳ bốn mùa xuân hạ hay thu đông của trời đất. Nở vội vàng bất chợt rồi cũng tàn trong u tình bất chợt.
 
 
 

    Sáng thứ bảy, Tùng về Long An từ chiều thứ sáu, nhà vắng, nắng sớm rọi sáng rực cái sân nhỏ trước hiên. Bưng ly cà phê mới pha ra cửa, đứng sớ rớ chưa kịp ngồi xuống cái băng bằng xi măng sát cạnh cửa sổ thì bác gái chủ nhà đối diện, đang quét sân trước gọi vọng qua hỏi thăm mạnh khỏe, tôi khẽ gật đầu cám ơn. Ở phía cuối đường chuông sớm từ nhà thờ ngã sáu chầm chậm đổ từng tiếng một. Đám con gái của mấy nhà có đạo xóm trong, áo dài áo ngắn ồn ào đi ngang bẽn lẽn nhìn. Đường vẫn vắng, vài ba con chim sẻ tung tăng bên mấy vũng nước còn đọng lại bên lề sau cơn mưa đêm qua. Đám con gái lúc nãy vừa ra tới đầu hẽm thì Chiêu và Thảo Ly tới, bỏ ly cà phê trên bực khung cửa sổ, chưa kịp mở cổng sắt thì Thảo Ly đã đẩy xe honda qua hơn nửa sân. Bọn tôi bỏ vào nhà, bà chủ nhà bên kia bước ra khép cửa nhìn tôi cười, nắng bắt đầu lưa thưa tràn qua bóng cây trứng cá đầu hẽm. Trời Sài Gòn gần những ngày đầu hè, nếu không có đôi ba cơn mưa bất chợt như hôm qua, có lẽ nắng mặc tình mà nóng. Chiêu có hẹn xế trưa qua đón tôi đến nhà bà dì ăn đám giỗ ba của ông dượng, nhưng lại đến sớm. Qua lại đôi ba câu bọn tôi thả bộ ra cuối chợ Nancy ăn sáng, chợ đầu ngày chưa mấy đông người qua lại, trừ những người bán hàng rong hối hả theo đò qua sông. Ông chủ tiệm người gốc Tiều châu thong thả bưng từng tô hủ tiếu một ra bàn, mĩm cười chào từng đứa. Sương đêm tan dần phía bên kia sông, nắng hắt lưa thưa vài sợi mỏng manh trên nước, nước sông giờ này vẫn chưa sạch màu bùn.

    Trên ngọn cây điệp già cạnh bờ ngay bến đò, con quạ đen từ đâu đó bay về, đôi cánh hình như vẫn còn ướt sương, đậu chưa kịp ngay, cất tiếng kêu kéo dài rã mệt. Tôi chợt dưng rùng mình, cái hình ảnh con quạ đen, đậu lẻ loi trên ngọn cây già trơ vơ giữa cánh đồng, gần nghĩa địa hôm chôn cất mẹ ruột mình làm ngụm cà phê ngèn ngẹn, một chút nước mắt ứa vội trong mắt, tôi cố quay qua một phía khác dấu không cho Chiêu và Thảo Ly biết là mình đã khóc. Ăn xong trời cũng vừa rực nắng, xe ba-gát chỡ cũi than bán dạo sắp hàng dài dọc theo bên này bờ sông, tiếng bạn hàng gọi nhau ra rả ồn ào ở phía cuối chợ. Bên kia đường Cộng Hòa có tiếng còi hụ của xe tuần cảnh. Sài gòn thêm một buổi sáng như thường lệ. Lại có tiếng chuông nhà thờ đổ, lễ sáng tan, bọn tôi băng qua đường theo sau đám người đi lễ về lại nhà. Mấy đứa con gái hồi sáng nói nói cười cười cố vượt qua, quay lại nhìn cũng với nụ cười bẽn lẽn như hồi sáng sớm.

    Chiêu bỏ vào trong dọn dẹp gì đó, Thảo Ly ngồi xuống cái ghế sát tường nhìn ra sân, tôi đứng xớ rớ chưa kịp đóng cửa sổ để chuẩn bị đi thì Thảo Ly đã hỏi:

- Hình như em thấy anh Ngữ không được vui cho lắm?

Tôi nhìn ra đường, hình ảnh con quạ đen và tiếng kêu rã mệt ở bờ sông cuối chợ, cứ lãng vãng trong đầu làm tôi lặng thinh chưa tìm được câu trả lời dù biết là Thảo Ly đang chờ. Quay lại nhìn thì Chiêu đã ngồi cạnh đó rồi. Nổi đau tuy không xé nát ruột gan nhưng cũng vừa đủ làm lòng tôi ray rứt, mà tôi cố giữ cho riêng mình, phút chốc bỗng dưng không làm sao dấu được nữa, một lần nữa như hồi sáng này, nước mắt chợt ứa ra, chảy dài trên mặt, tôi rấm rức lắc đầu:

- Anh thật đang có chuyện buồn.

- Sao anh không cho tụi em biết? Chiêu hỏi từng tiếng một.

Tôi lau vội nước mắt rồi ngồi xuống ghế. Thảo Ly nhìn Chiêu, cả hai lặng im chờ đợi. Tôi nói về cái ngày âm thầm, vội vã về Tây Ninh kịp nhìn mặt mẹ ruột lần cuối và tiếng kêu của con quạ đen trên ngọn cây già trong nghĩa địa, tiếng kêu mà tôi vừa nghe lại sáng hôm nay. Chuyện mà tôi định sẽ không nói cho ai, kể cả Chiêu nghe. Chiêu khóc rấm rức:

- Sao anh không cho em biết, tại sao em không được phép cùng anh có mặt hôm đó?

Tôi gục đầu ôm mặt:

- Một người buồn thôi cũng đã đủ lắm rồi.

Ngoài sân, nắng bỗng dưng thu mình trong mấy đám mây xám lờ đờ thấp không biết từ lúc nào. Phía bên sông lưa thưa vài cơn mưa bụi. Cả ba ngồi lặng câm, nước mắt không còn trên mặt nhưng trong lòng tôi vẫn khóc.
 
 
 

    Mùa thi mới đó chưa kịp đọc hết trang cuối cùng của mớ sách chằng chịch đã tới. Tới nhanh đến mức đám phượng đỏ bầm tuy là giữa mùa hè không nở theo kịp. Con đường Cộng Hòa đông nghẹt người từ mờ sáng sớm đến xế chiều, mặt mài ai nấy không thấy cười, nhất là đám con trai, biết ai còn ai đi sau mùa thi oan trái này. Tôi xuống chờ Chiêu thi ra sau khi xong phần mình, Tùng nấn ná hỏi gì đó với ông giáo sư già khó tính, nhờ tôi nói lại với Thảo Ly, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê bên cư xá Lữ Gia. Không giống như bên trường của Chiêu, trường đại học kỹ thuật Phú Thọ dù là ngày thi, vắng người và im lìm. Dựa lưng vào tường rào đứng chờ, nhìn ra đường, trời lấp xấp về chiều và đứng gió. Xe buýt mấy lần tới mấy lần đi, sinh viên vẫn còn đứng chật trên lề đường. Ra đến cổng không biết bao lâu rồi mà Xưa vẫn còn nói cười huyên thuyên với Chiêu và Thảo Ly, chẳng cần hỏi han gì tôi một tiếng. Chiêu nhìn tôi nheo mắt:

- Xưa cãi với tụi em về cái việc chọn nhiệm sở khi tốt nghiệp đó.

- Chuyện gì chớ chuyện này xin cho anh đứng ngoài nghe!

Xưa cười khẩy:

- Em đâu có cãi, em chỉ nói về tình hình thời cuộc thôi, chuyện tỉnh xa tỉnh gần đó mà.

- Xưa nó hù tụi em đó anh Ngữ ơi! Thảo Ly cũng nheo mắt chọc.

Chiêu đứng gần lại bên tôi hỏi nhỏ:

- Anh làm bài ra sao, được không nói cho em mừng.

Thảo Ly quàng vai Xưa nhìn Chiêu:

- Không có gì bí mật đâu nghe mi! Hỏi gì thì hỏi lớn lớn cho người ta nghe chút xíu coi có được hông.

Tôi cười:

- Chiêu lo anh làm bài không được, mấy cô thì sao, ai nấy cười toe toét thì khỏi cần phải hỏi phải không?

Tôi nhắc chuyện Tùng chờ, cả bọn thong thả thả bộ ra đầu ngã bảy đón xe buýt lên Bảy Hiền.

 

Thuyên Huy

(Còn tiếp)


 
 
 

No comments: