Monday, April 24, 2017

Riêng Một Phận Đời - Thuyên Huy


Riêng Một Phận Đời

Mượn một chút sự thật, phần còn lại chuyện được viết bằng tưởng tượng từ nhân vật, bối cảnh và tình tiết.
            Để tặng đám bạn cùng thời đã có những ngày như thế ở Kontum, Pleiku và Phú Bổn



 

    Mưa lớn, nước đuổi theo người, xối xả trút xuống đường như thác đổ, mùa đông ở đây là vậy, mới năm sáu giờ chiều mà trời đã mù mờ u ám, đường lên đèn từ lâu, đóm từng đóm sáng lập lòe run rẫy trong màn sương, lạnh lùng ma quái, giờ tan sở tan việc về, đường ngang đường dọc, xe cộ cứ nối đuôi nhau, để đèn sáng, lừ đừ chầm chậm thành hàng dài. Đứng chờ đèn báo qua đường, tại ngã tư Gordon – Barkly, Hưng kéo túi xách cũ sát vào người, che dưới cái áo mưa bằng nhựa, mang theo từ bên trại tỵ nạn ở Tân Gia Ba, được một người Mã Lai, làm nghề giới thiệu công nhân cho, khi ông này chở anh cùng mười mấy người khác, xuống làm việc tại một xưởng đóng thùng đựng những con lân, con sư tử bằng sứ, xuất cảng đi đâu đó ở khu quận một, để che mưa vì có nhiều hôm trời mưa dầm suốt ngày, cái áo vốn đã mỏng, chiều nay xem ra càng mỏng hơn, mềm nhũng như bánh tráng ướt.

    Chiếc xe buýt số 216 về Sunshine chợt tới, quẹo phải, đang sắp ngừng lại ở trạm phía bên kia đường, mưa vẫn mưa nặng hột, từ chỗ ca ngày ra, sợ trễ chuyến, không kịp buổi học đêm nay, Hưng vụt bước vội băng qua, không chờ cho đèn báo đỏ tắt hẳn, bị một chiếc xe chở hàng loại nhỏ, quẹo trái về hướng đường Ballarat, chắc cũng vội vã, cố vượt đèn, đụng hất tung ra gần khoảng giữa ngã tư, xe cộ dồn ứ lại mọi phía, chiếc xe buýt đã rời trạm trước đó không lâu. Người lái xe hàng, còn trẻ, bước ra khỏi xe, run lật bật, muốn khóc, Hưng nằm bất động, ướt sủng, nước mưa lấp xấp ngập thân người, hai ba người khác, ở hàng đầu, nhanh nhẹn nhảy xuống, đứng làm vòng tròn an toàn, cho tới khi cảnh sát và cứu thương tới, trời tối một màu nhạt nhòa sương, nhân viên cứu thương, mang Hưng lên rồi hụ còi chạy vụt đi, đưa vào bệnh viện Western General gần đó, một người cảnh sát chỉ dẫn cho xe cộ qua với khúc đèn lân tinh đỏ, anh còn lại, đứng nói chuyện với anh tài xế ở một bên lề, trên đường xe cộ thưa dần, không lâu chiếc xe cảnh sát bỏ chạy đi, mưa có phần nhẹ hột hơn nhưng chưa chịu tạnh hẳn.

    Chưa kịp bỏ tiền vào cái máy bán nước uống, Quỳnh Trang đã phải vội vã quay trở lại, vì tiếng từ loa phóng thanh gọi cô về khu cấp cứu vang lên, xem ra khẩn cấp, mấy cô ý tá trực xúm lại phía sau chiếc xe cứu thương, phụ một tay với hai anh nhân viên cứu thương, vừa đẩy cái xe băng ca có bệnh nhân vào tới cửa phòng đợi, thì Quỳnh Trang cũng vừa về tới, cô chụp lấy cái ống nghe trên bàn viết, nhận tờ giấy giao bệnh từ anh nhân viên cứu thương, hỏi hai ba câu gì đó, rồi bỏ ngang, để một trong mấy cô y tá lo tiếp, vội vàng đi tới chỗ bệnh nhân, đã mang qua cái giường, sát tường góc phòng, xung quanh tấm màn ni lông xanh dương che kín, đang được thay áo, nằm bất động, nhìn tới nhìn lui vết thương, không thấy ra máu nhiều, còn một chút đọng thành vệt ngay bên lổ mũi, trong khi hai ba cô y tá vây quanh, người chuyền nước biển, người gắn đầu kim lấy máu, bơm thuốc gì đó, mặt bệnh nhân trắng bệch và nhăn nhúm, nước mưa vẫn còn đọng lưa thưa trên mái tóc rối bời.

    Cầm lấy phiếu ghi chi tiết bệnh nhân lên, Quỳnh Trang giựt thốt người, cố nhìn kỹ, đọc một lần nữa tên bệnh nhân, ba chữ “Nguyễn Đạm Hưng” không thêm không bớt, tay chợt run run, cô đẩy người y tá qua một bên, đưa tay kéo ngọn đèn phụ trên đầu giường xuống gần đầu bệnh nhân, Quỳnh Trang buột miệng “trời ơi anh đây sao”. Trời giữa khuya, đã hết giờ trực, không ra về như mọi khi, Quỳnh Trang ngồi lặng thinh ở một phía đầu giường bệnh, hành lang lên xuống vắng người, thỉnh thoảng, có tiếng còi hụ của xe cứu thương kéo dài, xa xa ngoài bóng đêm. Bác sĩ và y tá thay phiên trực từ lâu, Quỳnh Trang cũng còn ngồi ở đó, mắt mở tròn, đỏ hoe, trên gường bệnh, nhịp thở Hưng mạnh và đều hơn trước đôi chút, ngoài sân trời chập choạng sáng.

*

   Hưng bỏ Buôn Hô, cái quận ở phía bắc, có 8 xã người Thượng và một xã người Kinh, chạy về Ban Mê Thuộc, gặp lại đám bạn đang làm tại tỉnh, ai nấy nhớn nháo, lo lắng ra mặt, bàn ra tán vào, quân Bắc việt pháo kích liên tục, nằm ngồi dưới hầm suốt mấy ngày, người nào người nấy lâm râm cầu trời khẩn đất, hy vọng còn may mắn thấy lại nhau lần nữa ở một nơi nào đó. Cuối cùng, ngày 10 tháng 3, tỉnh lỵ Ban Mê Thuộc thất thủ, phi trường Phụng Dực súng nổ vang trời, lửa cháy ngập một vùng, cũng như dân chúng hàng hàng lớp lớp chạy giặc, tay gồng tay gánh bất kể ngày đêm, Hưng nhập vào dòng người, theo chân các toán quân VNCH trên quốc lộ 1, đi về Phước An, nơi cách thị xã Ban Mê Thuộc khoảng ba mươi cây số tính về hướng Nha Trang, sáng sớm xe cộ, dân chạy giặc tại Phước An đông nghẹt người, già trẻ bé lớn. Tới cây số 32, đoàn người khựng lại, có dân có quân, từng nhóm nhỏ, kẻ đứng người ngồi tụm nhau hai bên đường, tiếng súng, tiếng đại bác vọng theo, kéo dài ghê rợn, trời vừa quá xế trưa, không thấy mưa, lạnh và thưa thớt một chút nắng pha bụi đỏ, sau gần bốn ngày đêm, đi nhiều hơn nghỉ, người cũng có phần mệt đừ, Hưng ngồi bệch xuống mé đường, dựa lưng vào gốc cây to, vỏ khô cằn khô đét, giữa cái nắng tháng ba, hai ba gia đình với sáu bảy đứa nhỏ, ở gần bên không mấy xa nhìn, Hưng kéo cái bao gạo sấy, cuối cùng trong ba lô lính cũ ra, định gì đó nhưng lại thôi, bỏ vào lại, lấy cái bi đông còn lưng lửng nước, đưa lên miệng nhấm đôi ba giọt, ngó mông lung vào rừng, mơ mơ màng màng, không buồn không vui, biết chừng nào sẽ về tới Nha Trang, phó thác cho định mạng trời đất, bụng có phần cồn cào đói nhưng vẫn còn chịu được.
 
 

    Từ dưới phía đường đi lên, ngang qua chỗ Hưng ngồi, hai vợ chồng mang túi mang bị, dắt theo hai đứa con trai năm bảy tuổi, nón che lụp sụp, khựng bước rồi thụt lùi lại, bỏ đồ xuống, ngồi cạnh bên, người chồng lấy tay lắc tay Hưng, buột miệng “trời ơi ông phó”, đầu Hưng ngã qua một bên, thiêm thiếp ngủ, anh vừa tiếp tục lắc tay vừa bảo vợ lấy cái bình làm bằng trái bầu, lớn hơn gấp đôi bi đông của lính ra, đưa lên miệng Hưng đổ từng ngụm một, hai đứa nhỏ ngồi ôm gối mẹ nhìn, súng vẫn nổ, phía bên này phía bên kia như đã nổ từ đó đến giờ, Hưng mấp mái môi chợt thức, ngồi bật dậy, cả hai trố mắt nhìn nhau, người chồng lên tiếng “Hy Kram đây ông phó”, Hưng thì thào “ anh Hy Kram hả, chưa tới Nha Trang sao”, Hy Kram cũng ngã lưng dựa vào gốc cây, cùng một phía với Hưng, người vợ xích lại gần chào, Hưng gật đầu mệt mỏi cười đáp lại.

    Hy Kram, người Thượng, là tiểu đội phó nghĩa quân ở chi khu Buôn Hô, hiền lành, siêng năng, làm việc đàng hoàng, được thiếu tá Trưng, quận trưởng chọn, cho về làm người cận vệ kiêm thông dịch viên tiếng Thượng cho Hưng, mỗi lần cần đi xuống xã ấp, sau ngày anh về nhận chức vài hôm, vì phần lớn dân chúng trong quận nói tiếng Thượng này Thượng kia, hiểu được ba bốn chữ cũng là may cho Hưng rồi, vợ anh, người nhỏ nhắn, lanh lẹ, thấy thương, có cái sạp bán khoai mì khoai lang trong nhà lòng chợ quận, sáng nào cũng lựa củ ngon củ ngọt bảo chồng, phải đem qua cho “ông phó Hưng” ăn sớm, kẻo đói bụng không làm việc nổi, cứ đó, riết rồi hai người xem nhau như anh em hơn là “chỉ huy thuộc cấp”. Ngày bỏ Buôn Hô, Hy Kram cứ nấn ná chờ đi chung với Hưng, nhưng chuyện bên quận cũng như bên chi khu không phải làm ngay một sớm một chiều, vã lại Hy Kram còn phải lo cho vợ và hai đứa con, bận bịu và cực nhọc hơn, Hưng một thân một mình, dầu sao cũng dễ tính, nghe lời anh, Hy Kram rời Buôn Hô trước, hẹn sẽ ráng gặp lại nhau ngoài Nha Trang. Trong hoảng loạn, ngột ngạt của tiếng súng, tiếng bom, Hy Kram túi xách túi mang, cùng vợ con quá giang chiếc xe đò nhỏ, chạy đường Buôn Hô – Ban Mê Thuộc, chở đầy ắp người, rời Buôn Hô với những đôi mắt bàng hoàng nhìn người ở lại, Hưng bắt tay vợ chồng Hy Kram, xoa đầu hai đứa nhỏ từ biệt, Hy Kram lặng câm, vợ anh sụt sùi “ông phó ráng cẩn thận, giữ gìn sức khỏe”, Hưng gượng cười gật đầu, mắt môi cay xé, họ chia tay nhau từ đó.

    Lính tráng, lớp chạy bộ lớp xe, dân chạy nạn, người hối người gọi nhau ơi ới cả một khúc đường rừng, đứng lên, một lần nữa tay quàng tay gánh, rục rịch nhắm hướng Nha Trang đi tiếp, trời về chiều, nắng vẫn còn lẩn quẩn ở lưng chừng, mặt trời chưa đi vội như mọi ngày, vợ chồng Hy Kram đở Hưng lên, Hưng nhai vội củ khoai mì nguội mà Hy Kram đưa, họ chầm chậm nhập vào dòng người tiếp nối người trên đường, phía trước mặt. Tới cây số 62 khoảng M’Rong Hô, đoàn người ngừng hẳn lại, tin từ đầu trên xuống cho biết, không thể đi lên được vì có cả một trung đoàn quân Bắc Việt đóng chốt ở cây số 72, cũng như trên đoạn đường trước, Hưng và gia đình anh Hy Kram tìm một chỗ ngồi nghĩ bên lề, trước vài lùm cây lớn, hai người nhìn trời nhìn đất, thở dài nhưng không nói gì cả, hai thẳng nhỏ nằm xuống đám lá khô dưới gốc, quàng tay nhau ngủ ngon lành. Như sựt nhớ ra điều gì đó, Hy Kram bảo vợ, lấy trong cái giỏ cây lồ ồ lớn ra một gói lá chuối hoang, cột cũng bằng giây lò ồ, bỏ vảo trong ba lô của Hưng, nhắc đi nhắc lại, “trong này đựng mấy củ khoai lang, khoai mì nướng chín, để đây cho ông phó đi đường, có mà ăn, tụi tui còn nhiều, không sao hết”. Gần giữa đêm, quân Bắc việt từ phía Buôn Phê, tràn ra tấn công đám quân lính VNCH còn lại trên quốc lộ 1, tiếng súng đại liên, tiếng nổ đại bác vang dội tứ hướng, tiếng người la hét, hòa nhau kinh khiếp cộng thêm lửa cháy rực đỏ cả một khoảng rừng lớn, tưởng chừng như đã tới giờ tận thế, trong mịt mù lửa đạn, ai nấy quàng túi, cõng con, chạy tán lạng, tìm chỗ trốn chết, đã có tiếng khóc, tiếng kêu than, chắc là có người chết, Hưng và hai vợ chồng Hy Kram lạc mất nhau, nghe mấy anh lính còn  quanh đây, một số người đã chạy băng qua rừng Chu Phong, Hưng thầm cầu mong vợ chồng Hy Kram và hai thằng nhỏ có mặt trong đám họ.

    Cây số 72 vẫn không qua được, cũng như dân tỵ nạn, lục đục người trước kẻ sau, nhóm ba nhóm năm, Hưng chạy ngược về lại cây số 62, buổi sáng sương mù mờ, trời còn hạ nhưng cũng lành lạnh, cái áo lính trên người, ươn ướt sương đêm làm Hưng rùng mình mấy lần, anh lừ đừ đi cặp theo phía bên mé bìa rừng, không mệt nhưng cảm thấy có phần chán nản, người tiếp người vội vã ngang qua nhìn thắc mắc. Trước mặt, lờ mờ một khoảng độ chừng không mấy xa, lấp xấp trên đám cỏ hoang, có bóng người và có tiếng ai đó khóc rấm rứt, đứt quảng nghèn nghẹn, người trên đường đi vẫn đi, đến gần, bên bìa cái hố đạn đại bác, lớn nhưng không sâu lắm, đen sậm còn chút mùi thuốc súng, Hưng dừng lại, đứa con gái, đầu quấn cái khăn trùm che kín, tóc dài ướt sũng giữa lưng, đang quỵ người ôm một người đàn bà, cũng có cái khăn quấn đầu, nằm bất động trên bờ hố, chỉ vỏn vẹn hai người, không có thêm một cái gì bên cạnh quanh đó. Hưng bỏ ba lô, lẹ ngồi xuống gọi, nghe tiếng “cô ơi cô ơi”, cô ngẫng đầu quay lên nhìn, buông lỏng đôi tay thon gầy, òa lên khóc sướt mướt, một chút ít mặt trời sáng hé lên từ phía đầu đường, đôi ba vạt nắng len qua ngang miệng hố, người đàn bà trọng tuổi nằm bất động, mặt xanh xao héo, chờ từng nhịp thở ngắn.

    Hưng làm dấu để anh xem thử, đứa con gái xích qua một bên bờ đất, không nói gì cứ khóc, anh lấy cái bi đông nước, đã được anh Hy Kram đổ thêm đầy từ trong ba lô ra, chầm chậm nhỏ từng giọt lên khóe miệng khô cằn há hốc của bà, hai mắt bà vẫn cứ nhắm nghiền, đứa con gái thẩn thờ nhìn như kẻ mất hồn, miệng lẩm bẩm hai tiếng “mẹ ơi mẹ ơi”, người trên đường, dắt díu ngang qua, không mấy ai ngừng lại, cứ đi như đã đi từ mấy ngày qua, Hưng ngừng đổ nước, ngồi chờ, không bao lâu, môi bà mấp mái, thều thào, đứa con gái nín bặt, kéo tay Hưng lắc mạnh,lấp bấp “mẹ em, mẹ em tỉnh rồi ”, cả hai cùng một lúc, thở phào nhẹ nhõm, lại có tiếng súng vang lên xa xa đâu đó, bà tỉnh thật, còn yếu, không nói được gì, mắt mở chưa trọn, hai mẹ con lạc từ khúc rừng Buôn Phê, đã không có gì ăn trong hơn ba ngày qua, trong cảnh này không ai biết ai mà bố thí, may đâu ra được tới đây, đứa con gái định cố dìu bà về đến cây số 62, hy vọng có quân lính VNCH giúp như người dân chạy nạn gặp trên đường nói. Hưng mừng quên cả đói, cả khát, anh mở gói đựng mấy củ khoai của vợ chồng Hy Kram bỏ trong ba lô ra, còn ăn được, đỡ bà ngồi dậy tựa vào lưng bờ hố, cô gái vừa bẻ từng miếng đút cho mẹ vừa nhai ngấu nghiến ăn ngon lành, Hưng chợt dưng cười một mình, còn có một bao gạo sấy nữa.

    Suốt buổi chiều, họ, ba người, tay đỡ tay dìu, người trước người sau, lầm lũi từng khúc đường, theo sau đoàn người vội vã, cũng về tới cái ấp nhỏ, chỉ có nhà, không có người, ở cây số 62, một số khá quân lính VNCH còn đó. Tìm được một chỗ nghỉ, xéo ở góc mái hiên cái nhà tranh xa đường lộ, vắng người, cô gái ngồi kế bên mẹ, Hưng dựa lưng vào vách đất nhìn mông lung, không biết đây là lần thứ mấy, suốt trên đường, hai mẹ con lập lại hai tiếng “cám ơn”. Giờ mới có dịp nhìn kỹ, Quỳnh Trang, trạc chừng mưới bảy mười tám, cô gái, rất giống mẹ, mặt mày tuy còn bơ phờ, hốc hác nhưng trông vẫn khá xinh, hỏi nhau, biết thêm, gia đình chỉ có hai mẹ con, ba mất sớm, người Đà Lạt, có một căn tiệm bán đồ gia dụng thường ngày và dụng cụ học sinh, giấy vở bút mực xế ngã tư Nguyễn Tri Phương – Phan Bội Châu ở chợ Ban Mê Thuộc, Quỳnh Trang đang học lớp đệ nhất trường trung học tỉnh, sắp sửa thi tú tài 2 mùa hè này, bác Phúc, mẹ của Quỳnh Trang, trước kia là thư ký đánh máy nhưng nghỉ hưu sớm, hiện cũng còn bà con đang làm ăn buôn bán ngoài Nha Trang. Đêm xuống, Hưng vòng lòng làm quen vài người lính quanh đó, xin được bịch gạo sấy, khẩu phần một người, có cả nước nóng đổ vào, mang về lại chỗ mình, ba người chia nhau ăn, phần của hai mẹ con nhiều, phần của Hưng ít. Rạng sáng ngày sau, chốt 72 vẫn bị đóng chặt, không làm sao qua được, dân bỏ Ban Mê Thuộc vẫn tiếp tục tới, Hưng cùng hai mẹ con, nhập theo dòng người chạy nạn và mấy trăm người lính VNCH theo đường rừng Chu Phong về Nha Trang.

    Người chạy nạn bằng đường bộ về Nha Trang cũng khá nhiều, chưa đến đây lần nào nên không biết lúc trước ra sao, đường phố đông nghẹt người xe lên xuống, có vẻ cũng rục rịch gì đó, giữa trưa, gió từ biển vào mang theo chút hơi lạnh mùi nước biển, dọc theo hai bên đường Duy Tân, lính nhiều hơn dân, súng ghìm súng mang, đăm đăm nhìn xuôi nhìn ngược. Đưa hai mẹ con tới nhà người bà con, tiệm thuốc tây đầu ngã quẹo xuống cầu đá, hai mẹ con Quỳnh Trang, một hai nằng nặc bảo Hưng ở lại nghỉ cho khỏe vài hôm, anh cám ơn rồi từ biệt, Quỳnh Trang đưa cho anh miếng giấy nhỏ, ghi địa chỉ ở Sài Gòn, hẹn có ngày gặp lại, hai mẹ con tiễn Hưng ra tới ngoài đường, từ một khoảng không mấy xa nhìn lại, hình như Quỳnh Trang khóc. Vào ở chung với dân chạy nạn xuống, tại cái trại mới được chính quyền tạm lập ra phía bên kia cầu, Hưng đi đến hết người này người kia, trên đường, ngoài phố, bên xe bến tàu, gần hai ba ngày, không tìm thấy vợ chồng Hy Kram và hai thằng nhỏ, buồn hiu buồn hắt, thôi cũng đành, ngày Hưng ngồi trên mui chiếc xe đò  chật nức người, rời Nha Trang xuôi nam, cũng là ngày quân VNCH triệt thoái bỏ cao nguyên.

*

    Sáng thứ bảy, cuối  hạ, chưa gì mà trời đã bắt đầu nắng gắt, hâm hấp nóng, loay hoay bỏ mấy bài làm, đem đi chụp bản sao để kịp gởi cho trường, vào túi xách, thì con bé Nhật An, con của anh chị Bảo, chủ nhà, nơi Hưng đang ở trọ trong cái bun-ga-lô nhỏ ở góc vườn sau, đang đứng chơi ngoài sân trước, chạy vào bảo có ai đến tìm, thấy hơi lạ, mở cửa nhìn ra đường, thật vậy, Quỳnh Trang đi theo sau, con bé tròn xoe mắt đứng nhìn, rồi khúc khích cười bỏ đi. Hưng mở cửa, ngài ngại mời cô ta vào, may mà phía trước gian phòng, nơi để bàn viết và hai ba kệ sách cũ, để đồ lặt vặt, còn dư được cái ghế gỗ mun còn khá tốt, xin từ hội Salvation Army hôm tuần rồi, nếu không chắc đành tạ lỗi. Mấy ngày đưa từ phòng hồi sinh, ra nằm phòng bệnh thường, Hưng nhớ mặt cô, không biết tên, chỉ biết là bác sỉ lo cho trường hợp mình, còn yếu nên cô cũng ít khi hỏi han gì nhiều, ngày xuất viện, Quỳnh Trang bận trực ở một bệnh viện khác, không có mặt, cô y tá người Phi đưa ra tới cửa, đọc tiếng Việt trài trại cho biết tên Quỳnh Trang khi Hưng hỏi, hỏi để mà hỏi vậy thôi, về nhà rồi Hưng cũng quên lững đi mất.

    Chuyện của những ngày lưng chừng tháng ba, trên khoảng đường cây số 62, Quỳnh Trang bồi hồi nhắc lại từng chút, đêm mưa nhận bệnh, đọc tên Hưng ghi trên phiếu bệnh nhân, vừa mừng vừa sợ, mừng vì được gặp lại người mà hai mẹ con thầm mong có ngày, sợ liệu có gì rũi ro xãy ra thì làm sao, khi mà suốt hai ba đêm, Hưng vẫn hôn mê thiêm thiếp, cô đã không ngủ trọn giấc, lòng không yên, đêm nào cũng cố kéo dài lời cầu nguyện, biết mẹ, bao nhiêu năm rồi vẫn nghĩ tới Hưng, nếu như ngày đó, hai mẹ con sợ câu hỏi “nếu như” này ghê lắm, hôm Hưng được đưa ra nằm ngoài khu bệnh thường, về nhà báo tin cho mẹ, hai mẹ con ôm nhau khóc ròng, Hưng ngồi nghe, nhìn Quỳnh Trang, không ngờ có ngày gặp lại nhau, vui mà mắt rươm rướm đỏ. Quỳnh Trang ra về, Hưng đứng ngoài cổng nhà nhìn theo, lâu lắm rồi, bất chợt lòng có chút gì đó xuyến xao xao xuyến.

    Xuống trạm xe buýt, ngay ngã ba, Hưng thả bộ, dọc con đường Templewood về hướng  dốc đồi, nhà Quỳnh Trang, một cái nhà hai tầng, nằm xen kẻ trong một khu có chừng hơn chục căn, thời điểm này, chỗ này được người Việt ở đây gọi là “khu nhà giàu”, vì đa số nhà cao cửa rộng, tầng hai tầng ba, là của bác sĩ, nha sĩ, luật sư, chủ nhà hàng, chủ hảng may và công ty gì gì đó, tường sơn màu lam nhạt, gần lưng chừng ngọn đồi xanh rì cỏ và những hàng cây khuynh diệp cao bắt đầu rụng lá đầu thu. Hưng đến thăm bác gái như đã hứa sau lần gặp lại Quỳnh Trang, hai mẹ con cùng ra cửa một lúc, Hưng áy náy vào, bác Phúc, trông còn khỏe, nhanh nhẹn, ôm chầm lấy anh, bật khóc “Hưng đây hả, cám ơn trời Phật, cám ơn trời Phật”, Quỳnh Trang đứng bên cạnh lặng người nhìn, ba người bùi ngùi nhắc lại chuyện cũ, hai mẹ con cứ nói nhiều lần cùng một câu “cám ơn Hưng đã cứu mạng hai người, nếu không, chắc không có được ngày này”, câu chuyện bỏ lững khi có người đến, bữa cơm trưa hôm đó, có thêm người khách tới trễ, người con trai, trạc cở tuổi Quỳnh Trang, tên Vũ, cũng là một bác sĩ làm ở bệnh viện Sunshine, xa chỗ Quỳnh Trang chừng mười lăm phút lái xe, ăn nói chậm rãi, lịch sự, dạ thưa, ở nhà cho biết anh và Quỳnh Trang đã được gia đình hai bên hứa hôn, chờ tính ngày làm lễ đính hôn chánh thức, xong bữa, Vũ không ở lại lâu vì phải trở lại ca trực, Hưng bắt tay anh ta chúc mừng, Vũ cười nhẹ cám ơn, vẫy tay lại, lái xe đi, Quỳnh Trang không thấy đứng ở cửa.

    Cũng không còn gì để ở lâu, mặc dù lòng xem ra nấn ná, Hưng chào ra về, hai mẹ con đưa Hưng xuống gần tới nửa đường dốc đồi, Quỳnh Trang đi bên mẹ, bác Phúc nắm tay anh nói vừa đủ ba người nghe “bác cám ơn con, cái ơn này, bác nhất định không quên” rồi quay qua Quỳnh Trang, cô nhìn bà, mắt long lanh chờ, bà tiếp “tiếc quá, ước gì và phải chi trời cho bác cháu mình gặp lại nhau sớm hơn, thì bác cũng như con Trang đâu phải lo nghĩ như vầy”, bà ngưng lại một chút “thôi để rồi bác tính”, không biết tính chuyện gì, bà bỏ lửng ở đó, Hưng chào lần nữa, trên đầu dốc, hai mẹ con đứng đó nhìn theo, lưng chừng xuống thấp, lẻ loi, vài ba cụm mây xám đầu thu, kéo nhau bỏ lên cao, trời hé đôi chút nắng muộn cuối đường, bất chợt Hưng quay lại, cửa nhà Quỳnh Trang vẫn còn để mở.
 



    Người giảng viên cho buổi học xong sớm, trời vừa giữa trưa, chưa vội về vì về cũng không có việc gì làm, Hưng thả bộ vào công viên Footscray, xuống bờ sông Maribyrnong, cái băng đá quen không có người, ngồi đó nhìn, dòng nước đứng chựng, không buồn nhúc nhích, sông còn hai lần nước lên nước xuống nhưng với mình, lâu lắm rồi vẫn chỉ là những buổi nước ròng khô cằn rong rêu sỏi đá, chợt nhớ tới Quỳnh Trang, đã có nhiều lần anh thấy lòng mình có cái gì đó là lạ, đến nổi phải buột miệng “không lẽ mình đã” nhưng không dám nghĩ tiếp. Nhìn lại mình, lưu lạc xứ người, mang tiếng học hành nhưng vốn liếng tiếng Anh không đủ để tìm được cái gọi là công việc “văn phòng, thư lại”, phải chi học ít đi chút xíu, thấy anh chàng trung sĩ thông dịch viên cho quân mình hồi đó, mang giày da, áo sơ mi, đi tới đi lui được bộ này bộ kia của chánh phủ, ngân hàng này ngân hàng nọ săn đón mà tủi nhưng thôi, từ lâu đã an vui với phận đời một thằng công nhân tầm thường, lương đủ cho mình và gởi về bên nhà cho mẹ già đơn chiếc, ngần đó Hưng thấy cũng hạnh phúc lắm rồi. Tình cờ gặp lại một chị bạn quen, học trên một hai lớp, chung xóm cùng quê cũ, trước làm thư ký trong tòa hành chánh tỉnh, qua đây trước một năm, hôm đang chờ xe lửa về Sunshine ở nhà ga Flinders, hỏi qua hỏi lại, về nghe lời chị, vài ngày sau, đi ghi danh cầu may, lại được vào học ở trường đại học Victoria, chưa biết học để làm gì nhưng cứ thử thời vận xem sao, ban ngày đi làm, tối về vào trường, học tới học lui, lật mòn tự điển nhưng cho tới giờ này mới đậu được hai ba tín chỉ, không biết tới chừng nào mới “vinh quy bái tổ” thôi thì, “đường xa ta cứ đi” thử xem con tạo xoay vần tới đâu. Hưng đón xe buýt về, không đến nhà Quỳnh Trang ăn cơm chiều như đã hứa.

*

    Chuyến xe buýt đêm, xuyên tiểu bang đi Brisbane, chầm chậm ngang qua những con phố quen, những con đường cũ, trời cuối thu, hai bên đường cây cối khẳng khiu trơ trụi lá, lờ mờ trong màn đêm lành lạnh, chập chững xuống như bóng ma, Hưng bỏ Melbourne đi, bỏ một tấm lòng có người hiểu, mang theo cái va li cũ, đựng không mấy nhiều, dăm ba cuốn sách, bốn năm bộ áo quần, mới cũ và một nổi lòng không ai hiểu, trả lại căn bun-ga-lô cho vợ chồng anh chị Bảo, cám ơn đã tận tình giúp đở trong suốt mấy năm qua, hẹn ngày gặp lại, trên đó chưa có chỗ ở chắc chắn, nên chưa biết thế nào, để thủng thẳng rồi cho tin sau, anh chị bùi ngùi từ biệt. Hình như ai đó bảo “không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng suối”, cho nên, nếu đúng như vậy thì, chuyện tháng ba của ngày trước không là chuyện tháng ba của bây giờ, Hưng vui lòng, xem đó là chút vui cho kiếp đời còn lại. Đường lên đèn từ lâu, trời bắt đầu lạnh hơn, kéo cao cổ áo, khẻ rùng mình, Hưng quay nhìn lại, qua màn sương đục màu, xe trên đường ra ngoại thành, bỏ Melbourne càng lúc càng xa dần như đóm lửa leo lét sau lưng chờ tắt, bất chợt thoáng mưa bụi cuối thu, đâu đó về, tạt ngang khung cửa xe, buồn thiu, Hưng nghèn nghẹn, cái lưng chừng tháng ba ở cây số 62 của những ngày năm đó, tưởng đã ngủ yên, bất chợt sống lại, nhưng chỉ là chút gì để nhớ của riêng một phận đời.

Thuyên Huy
Bendigo cuối thu 2016

No comments: