TIẾNG NƯỚC TÔI
Tôi đọc đâu đó bài báo nói về một người
Do Thái, được mẹ dạy từ thuở nhỏ những bài ca Do Thái, nghe và nói tiếng Hebrew
(tiếng Do Thái). Lên 5 tuổi, cậu bé rời khỏi nước Đức đi tỵ nạn tại một nước
nào đó ở châu Âu (tôi nhớ mang máng là Thụy Sỹ).
Vũ Thế Thành
Cha mẹ bị sát hại thời Đức Quốc xã. Cậu
bé được nuôi dưỡng nhờ lòng từ tâm nơi xứ người, nói tiếng Đức, viết tiếng Đức,
suy nghĩ bằng tiếng Đức, và rồi trở thành giáo sư đại học. Trong suốt cuộc đời
còn lại, kể từ khi lưu vong, cậu không nhớ một chút gì tiếng mẹ đẻ, không thể
nói, không thể nghe, không thể hiểu. Những ngày tháng cuối đời, khi rơi vào cơn
mê sảng, lúc tỉnh lúc mê, ông già gốc Do Thái lại nói lảm nhảm tiếng Hebrew,
hát đứt đoạn những bài ca Hebrew mẹ dạy.
Câu chuyện ông già lưu vong Do Thái
làm tôi nhớ đến bài ca “Tiếng nước tôi” của Phạm Duy. “Tôi yêu tiếng nước tôi,
từ khi mới ra đời…”. Một tình yêu đầy chất bản năng như con gà yêu tiếng gáy,
con chim cất tiếng hót.
Những năm sau 75, tên đường phố ở Sài
Gòn bị thay đổi. Đường Tự Do thành Đồng Khởi, đường Công Lý, nơi có tòa án
thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Hồng Thập Tự, nơi có trụ sở hội nhân đạo
quốc tế này thành Nguyễn Thị Minh Khai … Mơ ước Tự do – Công lý – Nhân đạo biến
thành cách mạng.
Thậm chí, những danh nhân chẳng tôi vạ
gì cũng bị thay đổi xáo trộn: đường Nguyễn Đình Chiểu (cũ) thành đường Trần Quốc
Toản (mới). Đường Trần Quốc Toản (cũ) thành đường Ba tháng Hai. Đường Phan Đình
Phùng (cũ) thành đường Nguyễn Đình Chiểu (mới),…
Rối loạn cái đầu! Rồi năm tháng cũng
làm tôi quen dần và thích nghi với tên đường mới. Gần 50 năm rồi còn gì.
Nhưng vài năm trở lại đây, trí nhớ
tôi bắt đầu lạng quạng, nhớ trước quên sau. Quên những thứ lẽ ra nên nhớ, và nhớ
những thứ lẽ ra nên quên. Tôi bắt đầu thấy khó khăn với những tên đường mới.
Nghĩ tới địa điểm nào đó thì tên đường cũ xuất hiện trong đầu, và buột miệng
nói ra như phản xạ, gây ngộ nhận với người đối thoại. Hẹn cà phê, hẹn nhậu cứ
tên đường cũ mà buột miệng, lỡ làng và bị than phiền không ít..
Ký ức thời tiểu học bỗng nhiên nhớ
rành mạch, từng ông thầy bà cô, những thằng bạn ngồi cạnh, ngồi trước, ngồi
sau, nhớ cả tên họ và tên của chúng đầy đủ… Ký ức tuổi thơ trở về như bản năng
“Tiếng nước tôi” thưở còn nằm nôi.
Chẳng lẽ đó là sự hấp hối của ký ức
???
Vũ Thế Thành
304Đen – Llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment