Thursday, October 29, 2020

Bóng Người Trên Sương Mù - Nhất Linh

 

Bóng Người Trên Sương Mù

 




Viết theo chuyện một người bạn kể lại.

Ở ngoài, đêm tối như mực. Trong toa hạng nhì, riêng tôi ngồi đối diện với Trạch, một người bạn cũ, tình cờ gặp vì cùng đi một chuyến xe. Mười năm trước, bạn tôi còn là một người cầm lái xe lửa, cũng hàn vi như tôi; bây giờ gặp nhau trong toa hạng nhì, hai người cùng ngạc nhiên và cùng mừng cho nhau.

Lúc nói chuyện, tôi thấy bên cạnh bạn có cái hộp khảm rất đẹp, liền cầm lấy xem, rồi tình cờ mở hộp ra; bạn tôi như có ý không bằng lòng, nhưng vì nể tôi nên không nói gì. Tôi nhìn vào hộp thấy rất lạ: hộp bịt kín, ở trong có một con bướm rất to, hai cánh đã xơ xác. Tôi hỏi bạn:
– Con bướm này vùng tôi thường thấy luôn, quý gì mà anh giữ cẩn thận thế này?
– Vâng, bướm thường, nói cho đúng thì chính là một con ngài, nhưng đối với tôi…
Vừa nói đến đấy, xe rầm rầm đi qua một cái cầu sắt. Bạn tôi lắng tai nghe rồi nói:
– Xe đi qua cầu N.G.. Tôi bắt con bướm chính ở giữa cái cầu này đã mười năm nay…
Thấy bạn có vẻ khác, tôi đoán có chuyện gì, liền hỏi:
– Con bướm này chắc cũng có sự tích gì đây?
– Vâng, nhưng sự tích buồn… chuyện đã ngoài mười năm: mười năm trước độ anh đi Saigon thì tôi còn là anh cầm lái tầu hỏa. Chính độ ấy tôi chạy con đường này, tình cảnh tôi độ ấy anh đã rõ.
– Cũng như tình cảnh tôi…
– Nhưng có một việc tôi không nói anh hay là độ ấy tôi có lấy một người vợ, nhưng giấu nhà, giấu mọi người, giấu anh. Chúng tôi sống trong tình cảnh nghèo khổ mà thật lấy làm sung sướng. Nhưng vì cảnh nghèo, vì nhà tôi không quen chịu được kham khổ nên người một ngày một yếu dần.
Về sau nhà tôi bị bịnh nặng mà tôi thì vẫn phải đi làm, không ai trông nom ở nhà. Một đêm nhà tôi yếu quá ngất người đi mấy lần, mà chính đêm ấy là đêm tôi được ông Chánh cử đi cầm lái chuyến xe riêng chở quan Toàn Quyền. Thật là một dịp rất hay cho tôi. Nhưng tôi biết không thể nào đi được, liền vào kêu với ông Chánh, nói là vợ ốm. Ông Chánh đập bàn đập ghế, gắt:
– Tôi không biết! Một là mười giờ đêm nay anh phải có mặt ở ga, hai là từ giờ này trở đi anh đừng bước chân tới đây nữa. Thôi anh ra!
Lời ông Chánh nói quả quyết, tôi phân vân không biết nghĩ ra sao: lúc về nhà, ngồi ở đầu giường, nhìn đến vợ mới biết rằng không đi được, dầu có mất việc làm cũng không cần.
Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo nghĩ, hỏi nguyên cớ vì sao, tôi liền đem việc ấy kể lại cho nhà tôi nghe. Nhà tôi nghe xong, vẻ mặt tươi hẳn lên bảo tôi rằng:
– Thế cậu đi chứ! Việc gì phải ngần ngừ! Tôi không việc gì đâu, đã thấy đỡ nhiều. Chiều mai về mua cái gì làm quà cho tôi đấy.
Tôi thấy nhà tôi cười nói vui vẻ, tôi vững tâm, thay quần áo ra ga. Đến ga đúng mười giờ. Nhưng khi cho xe chạy rồi, tôi mới thấy lo, tôi mới biết là tôi liều. Lúc đó tôi có cái cảm giác lạ lắm: hình như tôi đi thế này, lúc về chắc không nhìn thấy mặt vợ tôi nữa. Tôi cố định trí để cầm máy, nhưng chỉ được một lúc thôi.
Bỗng cả chuyến xe lửa nghiêng về một bên, rồi lắc lư như muốn đổ. Người “ét” của tôi vội bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi nói:
– Ô hay! hôm nay ông làm sao thế? Chỗ ấy đường cong nguy hiểm thế mà ông không hãm máy. Ông ngủ à?
Tôi không ngủ nhưng người tuy ở đây mà trí còn nghĩ đến người vợ nằm đợi chết một thân, một mình trong gian nhà nhỏ kia. Mắt tôi hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm cả người.
Xe đi vào khe núi, hết cao lại xuống thấp như có vẻ nhọc nhằn. Tôi thò đầu ra cửa nhìn thẳng trước mặt, nhưng đêm ấy sương mù đầy trời, không nhìn rõ gì cả, chỉ một màu trắng xóa dưới ánh hai cái đèn ở đầu toa.
Bỗng tôi thấy… rõ ràng, tôi thấy in trên sương mù một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay. Tôi dụi mắt tưởng mình trông hoảng, nhưng không, hình người đàn bà vẫn đấy. Tôi gọi người “ét” lại cửa toa, bảo ông ta nhìn rồi hỏi:
– Bác có thấy gì không?
Vừa nói xong hình người vụt biến mất. Bác “ét” thò đầu ra và bảo tôi:
– Chỉ thấy sương mù! ông lại mê ngủ rồi.
– Không rõ ràng tôi thấy có hình người đàn bà in trên sa mù nhưng vừa biến mất.
Người “ét” cười ra vẻ không tin, lấy xẻng xúc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Được một lát, hình người đàn bà lại hiện ra, lần này rõ ràng hơn, hai tay ngăn thẳng như muốn ngăn đường không cho xe chạy lên nữa.
Tôi gọi người “ét” nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy cứ cắm đầu xúc than cho vào lò. Tôi biết tôi không mê, tôi biết là cái hình người ấy có thật, mà ai cũng phải thấy. Tôi đến cầm lấy tay bác “ét” kéo bác ra xem rồi bảo, cả quyết:
– Nhìn xem!
Bác ta há hốc mồm giương to đôi mắt, hốt hoảng nói:
– Lạ thật!… ma ông ạ!
Xe tiến đến đâu, cái hình người lại đến đấy, có lúc mờ, lúc rõ, lơ lửng giữa lưng trời. Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự gì nguy hiểm.
Tôi bảo bác “ét”:
– Bác này, có sự gì lạ sắp xảy ra.
– Vâng, sao cái hình lại như lấy tay làm hiệu bảo ta đứng lại.
Cái hình người trước còn vẫy tay thong thả, sau vẫy thật nhanh như người tỏ ý thất vọng, vì bảo chúng tôi mà chúng tôi không nghe.
– Hay ta dừng xe lại xem sao, chắc là ma!
– Không được, tự nhiên vô cớ.
Còn tôi lúc bây giờ hai tai ù như người mất trí khôn: tôi văng vẳng nghe có tiếng người ở thật xa đưa lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:
– Đỗ lại! Đỗ lại!
Tôi lắng tai, tay nắm chặt lấy cái “phanh” như định hãm rồi lại không hãm. Một lát, tôi lại nghe thấy tiếng người đàn bà, rõ hơn lần trước, giục tôi:
– Hãm lại! Hãm ngay lại!
Lúc bấy giờ tôi không biết gì nữa, nhắm mắt hãm phanh lại thật mạnh. Các toa rùng một cái, bánh xe kêu rít lên trong đêm thanh vắng. Xe chạy từ từ một quãng rồi đỗ hẳn. Tôi chưa kịp bước xuống, đã thấy người “xếp tanh” cầm đèn lên hỏi:
– Việc gì thế?
Tôi luống cuống không biết trả lời làm sao, vì nói thật ai tin mình. Tôi trả lời một cách mập mờ:
– Chắc có sự gì lạ. Để tôi cầm đèn đi xem đã.
Lúc bấy giờ mấy ông quan hầu quan Toàn Quyền cũng vừa đến, rồi thấy lạ, đi theo chúng tôi. Vừa đi được một quãng thì nghe trước mặt có tiếng nước chảy ầm ầm. Tôi định tâm mới nhớ ra rằng đó là cầu N.G..
Mấy đêm ấy mưa lũ, nước chắc chảy xiết, nên mới réo to như vậy. Đến bờ sông, giơ đèn lên soi, mấy người đều kinh hoảng: cái cầu N.G. bị nước nguồn chảy về xoáy gẫy làm đôi.
Một tí nữa, nếu không hãm kịp thì cả một chuyến xe riêng chở quan Toàn Quyền đâm nhào xuống sông sâu, chắc không sống sót một ai; tưởng không có cái tai nạn nào ghê gớm hơn, thế mà chính vì tôi nên mới không có cái tai nạn ấy. Tôi đứng ngẩn người không hiểu sao cả.
Người “xếp tanh” mừng cuống quít, hỏi tôi:
– Sao ông biết mà hãm?
– Tôi cũng không hiểu.
Mấy người quan hầu có vẻ mừng lộ ra mặt, xúm xít quanh tôi hỏi dồn, tôi không biết trả lời ra sao, một lát, mọi người đứng giãn ra, quan Toàn Quyền đến, ngài không nề tôi là người lao động, trong lúc mừng quá, ngài giơ tay bắt tay tôi, cái bàn tay đầy bụi than, rồi ngài tỏ lời khen.
Tôi chắc rồi sau thế nào cũng được trọng thưởng, nhưng trọng thưởng lúc đó đối với tôi cũng như không. Tôi chỉ nghĩ đến nhà tôi ở nhà, không biết ra sao. Tôi đi trở lại và thoáng thấy cái gì bám ở cái đèn để đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to, vướng vào đen, đương đập cánh để tìm đường thoát. Chính là con bướm trong cái hộp này đây.
Trông thấy con bướm tôi thốt nghĩ ra ngay. Chính phải rồi, chính cái hình người đàn bà lúc nãy là cái bóng con bướm này in lên trên sương mù, đầu con bướm là đầu hình người mà hai cánh con bướm đập là hai cái tay người vẫy.
Tôi bắt con bướm rồi định thả cho nó bay đi, sau nghĩ con bướm đã giúp mình được việc, nên giữ lại làm kỷ niệm. Tôi nhìn vào đồng hồ trong toa, thấy kim chỉ đúng hai giờ đêm…
Hôm sau tôi vừa về tới cổng nhà thì thằng nhỏ chạy ra báo tin nhà tôi mất, mất vào khoảng một giờ đêm qua.
Tôi không hay tin nhảm; tôi chắc đó chỉ là một sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên, nhưng tôi vẫn yên trí rằng linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi tránh được tai nạn hôm ấy. Nhưng tránh được tai nạn mà làm gì, tôi thoát được thân tôi mà làm gì, giầu sang phú quý bây giờ đối với tôi cũng như không, tôi cũng chỉ như con bướm này, xác đấy mà hồn tận đâu đâu.
Bạn tôi kể xong câu chuyện, đậy cái hộp khảm lại, rồi lại thẫn thờ nói:
– Bây giờ chỉ còn lại cái xác bướm không hồn!

NHẤT LINH (1934)

 

Như Gốc Cây Khô - Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

 

Như Gốc Cây Khô






 

Mẹ đứng yên nhìn mặt hồ mêng mông trong nắng sớm, để cho lòng lắng đọng thêm hơn.  Chuyện hôm qua, mẹ còn như tê dại, khi bước ra đi không hẹn một ngày về, thấy nhói đau khi nhớ về ngôi nhà cũ, có thằng cháu nhỏ với dâu, con. 

Tháng Bảy mùa nầy hoa lá rất xinh tươi, làm mẹ nhớ những mùa hè của những năm tháng trước.  Mẹ thương mùa hạ vì mùa con nghĩ học và thường hay tiếp mẹ trồng rau.  Hoa vườn nhà mình, con thường hay quên tưới, chỉ tưới nhà bên vì… vướng nụ cười.  Chậu mồng tơi nhà mình không có, nhưng có cái chậu…lòng của cô nhỏ nhà bên.  Cô nhỏ nhà bên ra vào chưa ngơ ngẩn, nhưng mẹ của con đã ngẩn ngơ nhìn mơ ước một nàng dâu. 

Ngày con chuyển trường , mẹ cũng dọn theo.  Nơi xứ lạ mẹ con không rời bước, mẹ không ngại cứ vài năm thay đổi, lại phải bắt đầu bằng những công việc đầu tiên. 

Ngày dọn nhà, cô nhỏ bên kia, đôi mắt đỏ nhìn theo… mẹ khóc! Con lặng yên, nhìn thẳng, lái xe nhanh. 

Và cứ thế thời gian đi không đợi, mỗi ngày qua con rực rỡ thêm hơn.  Cô nhỏ nhà bên khi xưa, con quên rồi, mẹ vẫn nhớ, nên hân hoan con trao tặng trái tim, cho cô bạn học ra trường cùng con vài năm trước.  Rồi sự nghiệp lên cao, con trao nhẫn cưới, để tới một ngày mẹ được ẫm cháu đích tôn. Ôm được thằng cháu nội đầu lòng, mẹ khóc…thật ngon.  Nội cưng lắm đôi bàn tay nhỏ xíu, gót chân hồng , bụ bẫm làm sao! Guơng mặt sáng, đôi mắt to tròn long lanh ánh ngọc, tóc nó lưa thưa chỉ có một chùm thôi, nhưng đó là tuyệt phẩm được ơn trên ban tặng, nên cả nhà rộn rã nhận niềm vui. 

Mấy năm đầu, mẹ còn lo tiếp giúp, thay tã, đút cơm, tắm rửa, gội đầu…nhưng mấy năm sau, bịnh nào mẹ cũng có, cao máu, tiểu đường, sạn thận, đau khớp xương. Chỉ một thứ thôi đã làm người ta mệt mỏi, mà mẹ của con lại gôm hết vô mình, nên lắm lúc nằm cả ngày không dậy nỗi, thuốc để  đầu giường mẹ cũng  hay quên, mà thỉnh thoảng mẹ còn…quên luôn thằng cháu nhỏ, ngồi buồn hiu chờ nội dậy cùng chơi.  Cũng có những hôm mẹ không thèm ăn uống, làm cho con rất đỗi lo âu. Đồ ngon mỗi ngày các con thay đổi món,vậy mà mẹ nhai hoài nuốt không vô, thế nhưng nếu cho mẹ ăn cơm với miếng chao, trái chuối, mẹ sẽ ăn rất ngon và ăn được hoài không cần đổi món. Nhiều lúc hai vợ chồng con nhìn mẹ, nhìn hủ chao, trái chuối, rồi nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, không hiểu sao mẹ lại như thế nầy?  Làm như thể tụi con bạc đãi! 

Khi hai vợ chồng con đi làm hết, bà cháu ở nhà hủ hỉ có nhau, nó ngoan lắm nhưng hay phá phách, hết chạy lăng xăng rồi lại leo trèo, nhưng thích nhứt là chơi trò trốn kiếm, nội đi tìm nó thích chí cười vang.  Nội chân yếu, rượt đâu lại thằng cháu, trốn hết phòng nầy lại trốn đến phòng kia, nó luôn kiên tâm chờ nội tìm cho bằng được, rồi vỗ tay khen bà nội… giỏi ghê!  

Và cứ thế bà cháu ngày nào cũng chơi trò trốn kiếm, cho tới một ngày đột nhiên nó có…ý lạ, không trốn trong phòng trên, lại trốn dưới tầng hầm, trong kẹt nhỏ của căn phòng lò sưởi. 

Như thường lệ, nội kiếm kiếm, tìm tìm, không biết nữa, đi đâu rồi thằng cháu?  Hoảng quá nội ngồi nội khóc.  Kêu vợ con về, nó cũng hốt hoảng lo âu.  Kiếm hết khắp phòng không ra thằng nhỏ.  Chạy xuống tầng hầm mới thấy nó ngủ ngon, nằm quẹo cổ trong thế ngồi co rút.  Có lẽ mệt mỏi ngồi chờ nội kiếm quá lâu, nên nó buồn, rồi ngủ luôn một giấc.  Mẹ nó ẫm con trên tay mà mặt mày tái mét.  Khi nó trách hờn, mẹ cũng thấy đúng thôi.  Nên đâu có giận, lời dâu vừa mới nói, tự trách thân già sao chậm chạm, hay quên. 

Cũng ráng lắm con ơi mẹ nào muốn, quên trước quên sau, mãi cũng buồn.  Nhưng cái già, cái yếu, làm sao sửa? Mà để tự nhiên, thì dễ phiền lòng. Sau ngày đó vợ con sợ quá, canh cánh bên lòng, bếp lửa sợ mẹ quên.  Ngọn lửa hồng đâu chỉ để nấu canh, mà còn có thể làm tan hoang cuộc sống.  Càng suy nghĩ, vợ con càng sợ, đem thằng con gởi thẳng Daycare, vừa tốn tiền lại vừa tốn thời gian, mà nội nó thì ngồi không nhớ cháu.   

Tại trời chuyển lạnh hay tại nội già hay bịnh, mà ho hen lại cứ tới từng cơn.  Chờ cả ngày con, cháu mới về nhà, vừa mới được ôm thằng cháu vào lòng, chưa kịp hôn nó thì cơn ho đã tới, sặc sụa liên hồi, ôm mặt mà ho.  Khi cơn ho rũ rượi đã qua, thì cũng vừa kịp lúc mẹ nhận ra mình quá… gớm!  Nước mắt ràng rụa hòa cùng nước mũi, nước miếng văng tung dính cả vào tay. Trước mặt dâu, con, sao thấy quá ê chề!  Hình ảnh bà nội mà… ghê như thế, thì con, cháu, nào dù có thương, nhưng cũng biết sợ. Lập tức tụi con ôm ngay thằng con nhỏ, chạy vội ra khỏi phòng để mẹ tiếp tục ho. Mẹ vừa thương con, thương cháu , cũng lại vừa rầu rĩ, vì mỗi lần ho là mẹ đã… sản xuất ra biết bao triệu vi trùng, bay lượng vòng quanh trong căn nhà đóng kín.  Nên mẹ có cảm giác như không khí trong nhà ngột ngạt làm sao!  Và cứ thế mẹ của con vẫn không ngừng được, những cơn ho nối tiếp những cơn ho, dù thuốc nào bác sĩ cho toa, con cũng đã mua và mẹ đã y lời uống hết.  Đối ngược lại là tụi con đang lo rầu thấy rõ, cơm nước xong là co rúm vào phòng, đóng chặt cửa như đang lo bảo vệ thằng con, sợ “bầy” vi trùng….rượt đuổi tới nơi. Thương đứt ruột , mẹ quay đi lau nước mắt, cái cảnh nầy sao phải kéo dài? Vì già nua là bạn đồng hành với bịnh tật, mà bịnh tật là ổ chứa của vi trùng.  Ba thứ nầy khó thể tách rời nhau như định luật không bao giờ thay đổi.  Sống cái kiểu nầy sao không giống… sống.  Ngày lo âu, đêm cũng lo âu.  Mẹ đã không có tài sản gì để lại, thì để làm chi những thứ phiền!? 

Ai cũng vậy, sống chung là cùng nhau góp sức, chứ ngồi không sao thấy quá ngại ngùng.  Nhìn thằng con lớn ôm hôn thằng cháu nhỏ, mẹ ấm lòng quên ngày tháng qua mau. Mẹ vẫn ngồi đó như gốc cây chờ mục, chờ đến một ngày được làm…phân bón cho cây.  Nhưng hiện tại, sao thấy mình vô dụng, ngồi nhìn quanh, thấy ngày cũng như đêm.  Công việc duy nhứt trong nhà mà mẹ làm rất tốt, là lắng nghe bước chân khi con về, hay tiếng cười đùa của thằng cháu nhỏ. Chỉ bấy nhiêu “công sức” đó thôi mẹ làm được trong ngày, thì lấy gì làm bằng chứng thương yêu?  Dẫu biết rằng những năm tháng cũ, mẹ đã một đời tần tảo nuôi con, nhưng đó là chuyện của một thời quá khứ, cha mẹ nào cũng vất vã gì con, chứ có phải riêng đâu một mình mẹ, lội tuyết mà đi giữa xứ người. 

Bù lại đời tị nạn với những năm tháng dài gian khổ, con của mẹ giờ đã trưởng thành, có địa vị cao trong công việc đang làm, có gia đình hạnh phúc bên vợ đẹp, con ngoan.  Đó là do ơn phước nhiều đời để lại, con phải biết nâng niu, biết giử gìn! 

Mẹ hiểu lắm làm thân trai rất khó, ngang dọc ngoài đời , nhưng về nhà rất khổ, khi gia đình giờ đã ngã rẽ hai phe.  Phe vợ con yêu, phe mẹ già ưu uẩn, mà phe nào cũng là phe của đời con.  Người đàn ông nào cũng có hai người… đàn bà bên cạnh, mà mẹ theo con chỉ có nữa đường.  Nữa đường còn lại con cần người chung bước, lèo lái gia đình, gánh vác con thơ.  Chu kỳ cuộc sống cứ luân phiên thay đổi.  Gánh nặng gia đình, giờ đã tới phiên con.  Mẹ thương con bao nhiêu, thì con cũng sẽ, mấy mươi lần hơn thương lo cho đàn con nhỏ, mà tất cả chúng ta, kể cả con và mẹ cũng đã và đang, tiếp tục làm.     

Vợ của con cũng không phải là vô lý, khi lấy chồng, ai cũng muốn sống riêng tư.  Hai vợ chồng trẻ có bà già…chính giữa, thì làm sao có trọn niềm vui.  Mẹ hiểu ý, nên thường hay lãng tránh, cơm nước xong, mẹ lẳng lặng vào phòng.  Mẹ biết con xốn xang khi nhìn mẹ, lủi thủi một mình, chơi với bóng đêm.  Dẫu con biết đó không phải là cách tốt, nhưng cũng không biết có cách nào khác tốt hơn! 

Con không có cách, nhưng mẹ của con có cách. Mẹ già rồi, không cần nhiều thứ lắm, dù ở đâu cũng sẽ giống nhau thôi.  Ngày 24 tiếng đồng hồ, mẹ của con có đủ. Có cả ánh sáng ban ngày và nước mắt ban đêm. Mẹ sẽ một mình dọn về thành phố nhỏ, nơi khi xưa mẹ con mình định cư khi mới đến, để sống lặng yên cho đến cuối đời nầy. Cho dù mẹ ở nơi đâu, thì mùa hè cũng có lá, có hoa, có mây, có gió, có luôn những đêm dài. Mùa đông thì mẹ ngắm tuyết rơi, ngắm thêm nỗi nhớ, ngắm luôn tuổi già.  

Nhớ khi xưa đọc sách rồi mơ mộng, tưởng chốn thần tiên mới có đất lành.  Canada không phải là tiên cảnh, mà lại là một chốn bình yên, bao bọc mọi người từ lúc mới sinh ra, cho tới lúc già, đau, rồi chết. Tuổi trẻ được lo cho đi học, đói cho ăn, buồn khổ có người khuyên , bác sĩ gia đình là bạn hiền khi bịnh, bác sĩ chuyên khoa đâu đó xa gần, sẽ sẵn sàng khi người người cần đến, nên mẹ không lo gì khi tuổi già chồng chất, thân mẹ có một mình, mà bác sĩ ở khắp nơi. Ghi lại đây vài lời cho con đừng lo lắng.  Mẹ đã về quê, ở chơi lâu bên đó, con yên tâm, rồi mẹ sẽ về quay về 

Đêm cuối cùng trong ngôi nhà đầy ấp những thương yêu. Đêm đau đớn trong lòng, đêm tan nát trong tim. Ôm hai chiếc áo của con và của thằng cháu nhỏ vào lòng mẹ khóc lặng im, mẹ đã quyết lòng buông đi tất cả, chỉ giữ lại hai chiếc áo nầy bên cạnh, để ấm lòng chờ đến một ngày…đi. 

Đã biết trước, rồi cũng sẽ có một ngày… đi, sao mẹ không đi ngay bây giờ cho… đẹp!  Đẹp không gian và đẹp cả thời gian, tròn chử hiếu cho con và tròn lòng thương yêu của mẹ.  Rời xa con, từng tế bào mẹ khóc, nhưng nếu được tiếp tay con, để cứu nguy con tàu hạnh phúc, thì xá gì một chuyến đi xa.  Mẹ biết lắm thuyền gia đình con đã… khẳm, thì chờ làm chi cho tới lúc nó chìm! 

Hai thế hệ, có hai đời sống khác, tám tiếng đồng hồ trong sở đâu phải dễ qua mau, thời  điện toán việc làm đâu có dễ, mệt mỏi về nhà các con cần một chút riêng tư, cần thoáng mát với nụ cười con trẻ, mà mẹ già như gốc cây khô, nằm không đúng chổ giữa vườn hoa tươi mát, chỉ là để chờ ngày tan rã bón cho hoa.  Dẫu biết rằng cây mục tốt cho hoa, nhưng khi chưa đến lúc, thì cây khô làm hoa…xấu.  Mà mẹ đâu muốn các con là ông cắt cỏ, qúa bực mình vì…đụng phải gốc cây khô.  Nhưng nếu ông cắt cỏ cứ mặc kệ, để cây khô nằm yên đó, thì theo bốn mùa hoa tàn, rồi hoa nở, nhưng con, cháu của mẹ, chỉ có một mùa tuổi trẻ, thì hoang phí làm chi những tiếng cười! 

Đừng buồn nhé con, khi nghĩ hè về không gặp mẹ, bởi gì gốc cây khô phải tìm đến chốn rừng sâu, vì nơi đó là nơi duy nhứt, mở rộng lòng để chứa những tàn cây. Thời gian ở rừng là thời gian vô tận, nên không cần hối thúc để…ươm phân.  Bởi…đi chậm hay nhanh, rừng sâu vẫn đợi, nên mẹ thong dong đem đến chút thân già, chờ rửa mục góp phần cho hoa lá. 

Nếu mai sau bỗng nhiên trước sân nhà có cây hoa lạ, thì con ơi!  Mẹ đã quay về.

 

Nguyễn Sĩ Thùy Ngân

 

 

Âm Nhạc Miền Nam Hổng Độc Thì Cái Gì Mới Độc - Tư Nghèo

 

Âm Nhạc Miền Nam Mà Hổng Độc Thì Cái Gì Mới Độc!?

 






    Mấy hôm nay con rồn (rồng đứt đuôi) núp Trần Long Ẩn bị bà con xài xể te tua vì cha nội này ngứa miệng lu loa rằng toàn bộ văn hóa nghệ thuật miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa là độc hại. Từ bà già trầu Nam bộ móm xọm mà cứ trệu trạo trời ơi! bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà. Bạn tình ơi! Đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ; Rồi em Năm vừa bán hột dzịt lộn ở bến Ninh Kiều vừa rỉ rả thành phố buồn nhớ hông anh, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn làm vịt con đang bị luột nóng thấy mẹ cũng lạnh buốt tâm hồn theo; cho tới ông già lụm khụm xưa là bộ đội cụ Hù bây giờ cũng ai mua giăng tôi bán giăng cho giọng Bắc Kỳ nghe tức cười thấy mẹ… Tất cả đều ngưng hát cái rụp, quay sang chọi gạch, quăng đá con rồn-ẩn -đứt-đuôi túi bụi (long ẩn cái gì con bà nó ???).

 

Riêng Tư tui, ai quăng đá thì tui chịu, ai chọi gạch thì tui cũng… chịu luôn! Chớ Tư tui đồng ý nhất trí với ông cu nặng cụ Trần Long Ẩn. Âm nhạc miền Nam độc! Rất độc! Quá độc! Nói theo kiểu của giặc từ miền Bắc dzô Nam bàn tay nhuốm máu đồng bào là: Độc cực kỳ! 
Bà con bình tâm, bình tĩnh, bình an cõi lòng nghĩ lại coi: Hổng độc thì sao bolero của ta nó làm cho “bác cùng chúng cháu hành quân” sùi bọt mép, mắt lòi tròng trắng, giựt kinh phong, giãy phành phạch rồi xụi lơ ngay giữa hai hòn của bác!?

Thử coi nè: Cả đám văn hoá, văn nô, văn công, văn ở đợ, văn ô sin của đẻng, đứa ngồi chồm hổm kiểu khỉ Trường Sơn, đứa nằm banh chân kiểu động Pắc Pó, vừa nghe tới nghe lui, vừa xếp hạng Con đường xưa em đi thuộc loại độc hạng A, Rừng lá thấp thuộc loại độc hạng B… Tối dzìa đang ngủ, nửa đêm bị con đồng chí dzợ nó tát cái bốp, gào lên: Mày đi với con nào mà vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê… hở thằng đồng chí chồng khốn nạn!? Rồi cái gì mà tàn đêm khói lửa, giờ chỉ còn hai tiếng mến anh… Tàn cái đời mày nè!!! 
Thấy hông, nhạc vàng cực độc, độc cực kỳ làm chia loan rẽ thuý bao mối tình Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây của các đồng chí đực, đồng chí cái đẻng ta chớ giỡn chơi sao! 

Mà biết đâu chừng hổng phải chỉ mấy đứa biệt kích văn hoá đang vừa tắm vừa rên rĩ anh không chết đâu anh, vừa bắn súng nước vào nhạc vàng cực độc. Biết đâu lão Trọng nhà ta cũng lú lẫn canh ba giờ tý, mê sảng tình tang – chưa gặp em anh đã nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như… kim châm và lim dim, lâm dâm nhớ đến Kim Tiến đó chớ. 


Cho nên Tư tui chắc cú, sẵn sàng cá độ ăn 1 thua 100 rằng từ con mệ đào lẵng Kim Ngân cho tới danh hài Xuân Phúc, từ thèng tướng côn an Tô Lâm cho đến thèng bộ trưởng bốn Tê, tụi nó tụ năm tụm bảy hát karaoke với nhau thì bảo đảm con đào Kim Ngân và thèng hề Xuân Phúc cầm mi cờ rô mà rên với nhau rằng: Đời vẫn thế em ơi, xin đừng nói đến tình đời, em nhớ rằng đời là gian dối nhưng đôi ta mãi còn nhau… 


He he he, lúc đó đứa nào hừng chí kắt mạng đem chày ra sóc Bombo mà gào cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ / Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây / người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay / với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày… thì tụi nó sẽ lấy AK mà cắc cụp cum cho bỏ mạng đời.
Dzậy, âm nhạc miền Nam hổng độc thì con vịt nào vào đây để độc hơn!?


“Mình phải có thế nào người ta mới thế chứ” bà con ta!? 


Hổng độc sao tụi nó hộc…………. máu! hở bà con!?

Đây là một tấm hình được chụp vào thời điểm sau tháng 4 năm 1975.

 

    Đây là một tấm hình được chụp vào thời điểm sau tháng 4 năm 1975. Những chiếc xe Honda, Suzuki là tài sản của người miền Nam, bị Việt Cộng trưng dụng, tịch thu hay cướp đoạt để làm phương tiện di chuyển. Không rõ là di chuyển về Bắc hay dùng để chuyển quân (?) Nhưng chắc chắn một điều: Những chiếc xe này là tài sản của người miền Nam, mà bọn người tự xưng là giải phóng cướp đoạt. Chắc hẳn những người Việt Nam độ tuổi 50 trở lên, còn nhớ – làm sao mà quên được ! Chúng xông vào nhà, tự nhiên như ruồi, nhân danh cách mạng, quân giải phóng. Mặt mũi gian xảo, răng hô mả tấu, nói phét như két’. Cái gì chúng cũng rờ, ngó với cặp mắt thèm thuồng ! Và rồi chuyên gì đến cũng đến. Chúng hiện nguyên hình là một lũ ăn cướp nhân danh giải phóng. Chúng hành xử như một đoàn quân ngoại nhập, cướp từ con gà đến vàng bạc, nhà cửa xe cộ của người dân ! Chúng bê luôn tủ lạnh, quạt máy trần nhà, chúng cũng tháo. Hạ tầng cơ sở của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bị chúng phá bỏ, tháo dỡ, cướp đoạt đem về Bắc. Chúng sử dụng máy bay tàu hỏa, tàu thủy , và từng đoàn Molotova chở hết “chiến lợi phẩm” về Bắc Một miền Nam giàu có bỗng trở nên điêu tàn ! Tấm hình này là minh chứng cho hoạt cảnh của thời đó, cái thằng Bắc việt cộng ngồi đàng sau chiếc Honda cuối cùng trong đoàn xe này là minh chứng hùng hồn cho bộ mặt của những thằng bắc cộng. Nhìn nó thấy cái bộ mặt đểu giả khốn nạn làm sao ấy. Tiếng miền Nam gọi là láu cá chó ! Đ* má cặp kính đen chắc mới cướp được từ đâu đó ! Trong cái balô đàng sau, không biết nó vơ vét được gì trong đó ! Điếu thuốc nó ngậm trên môi cũng vậy. Nhưng tức cười nhất là tụi nó đ*o’ biết lái xe honda. Những thằng cầm tay lái đội nón tai bèo, là bọn Việt Cộng miền Nam, hoặc là bọn cỏ đuôi chó 30/4 theo đóm ăn tàn./.

* Trích từ facebook Quang Cầu Muối.

 

Tư Nghèo

304Đen – Llttm - tvvn

Trọn Tình Vẹn Nghĩa Người Dưng - vkp Phượng tím

 

TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA NGƯỜI DƯNG

 

( Đáp ý bài thơ THÔI NHỚ MỘT NGƯỜI DƯNG.của #nguoivotinh trên Facebook Tình Yêu Và Nổi Nhớ)

 

***NGƯỜI DƯNG CÙNG HỌ

 


















Người dưng cùng họ đắm say:

Con tàu- biển cả- miệt mài hành quân

Bỏ Ai gối lẻ chăn đơn

Giọt sầu hận tủi... lệ hờn mặn môi

Đành buông tay- chịu buồn thôi

Ông Trời sao nỡ chia đôi cuộc tình

Con tim chẳng chịu làm thinh

Cứ quay quắt nhớ người tình Đại dương

Mong chờ bóng dáng người dưng

Ngày mai trở lại... tưng bừng pháo hoa

Ái ân tha thiết đậm đà

Đất yêu biển mặn chan hòa trùng khơi...

Người xa cỏi tạm lâu rồi!!!

 

 

***NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ

 

     

Người dưng đâu phải dễ quên

Bởi vì khác họ nên thương nhau hoài

Dẫu cho trăm đắng nghìn cay

Cũng không chối bỏ buông tay dễ dàng

Xưa  qua đò  bước sang ngang...

Vội vàng nên chịu ngỡ ngàng xót đau

Càng tìm quên... nhớ càng cao

Nay đem thơ nhạc để lau bụi lòng

Xóa tan chuyện rối bồng bông

Lòng thanh thản- chấp nhận dòng đời trôi

Trọn tình vẹn nghĩa người ơi!!!

         

Saigon Tháng 10/2020

vkp phượng tím       

 

***** THÔI NHỚ MỘT NGƯỜI DƯNG

.

Có lẽ giờ cô ấy đã dần quên

Một hình bóng tưởng chừng như quen thuộc

Nụ cười từng hằn sâu trong tâm thức

Giấc mộng chập chờn cũng muốn được yêu thương.

Có lẽ giờ này cô ấy muốn bình yên

Chẳng nhung nhớ hay ưu phiền thêm nữa

Cô ấy đã lãng quên rồi tất cả

Lời yêu ai hẹn hứa... tự hôm nào.

Cô ấy giờ trong những giấc chiêm bao

Chẳng day dứt nghẹn ngào vì yêu nữa

Người ta hạnh phúc và yên bình thế

Cô thấy nhẹ nhàng... cô đã thấy mình vui.

(Đừng trách, đừng hờn cô ấy nhé người ơi

Bởi ai cũng... chỉ một đời... được sống

Vậy nếu duyên tình kia không trọn vẹn

Nên để cho người được thanh thản yêu ai).

Cô ấy bây giờ trong mỗi sớm ban mai

Bình yên ngắm nắng xuyên dài qua lá

Thôi chạnh lòng mỗi khi mùa qua phố

Tô chút son hồng... và thôi nhớ người dưng.

P/s:

Cô ấy bây giờ lòng thật sự bình yên...

 

#nguoivotinh

Văn Nghệ Đứng Đường - Bình Nguyên Lộc

 

Văn nghệ đứng đường





 

Một nhà làm báo tuyên bố : “Tôi không dám dùng lối diễn tả bằng văn nghệ nữa, vì văn nghệ là một thứ đại xa xí phẩm rất khó tìm khách”.
Ông ấy nói đúng theo tình trạng ở… nước khác.

 

Người Việt ta, không hiểu vì nghiệp chướng nào mà bận bịu mãi với văn nghệ, từ anh trạo phu đến bác xích lô ai cũng ngâm thơ.

Có phải chăng là nhờ những người hoạt động trong ngành văn nghệ đã tìm mọi cách để phổ-thông-hóa thứ đại xa xí phẩm ấy ?

Mà thật đó các bạn à ! Có một thứ văn nghệ mà nhiều bạn của ký-giả gọi là “văn nghệ đứng đường” vì nó bị phơi nắng từ sáng đến chiều ở các ngã ba đường cái. Nhưng bạn đừng tưởng ký-giả muốn ám chỉ đến những hàng sách lộ thiên bày trên vỉa hè trước các rạp chiếu bóng. Không, những hàng sách ấy chỉ bán những sách trinh thám nhập cảng vì mục đích chuyển ngân lậu, và những sách xuất bản theo quan niệm làm tiền kinh khủng mà nhiều báo đã tố cáo.

Ở đó người mua kì kèo bớt một thêm hai như mua cá, vì sách ghi giá ba mươi đồng mà mặc cả một hồi rốt cuộc chị phải trả có năm đồng thôi. Văn nghệ đứng đường chỉ trình diễn ở vùng Ông Lãnh, Xóm Củi, nơi tập trung các ghe thương hồ, và ở những xóm lao động thôi. Nếu những hàng sách loại trên làm cho kẻ thức giả công phẫn thì những hàng sách loại dưới, vì gương mặt mộc mạc của bìa sách, hay mời bạn cúi xuống để mua. Đó là những quyển sách mỏng dị thường, ghi giá bao nhiêu bán bấy nhiêu, nhưng không quyển nào để giá trên ba đồng cả. Bìa sách vẫn xanh xanh đỏ đỏ nhưng đó là những màu xanh đỏ của dân tộc, chớ không phải “bảy màu offset” của loại sách “đại giảm giá”, lai căng và trơ trẽn như me tây. Màu sắc cổ sơ và nét vẽ vụng dại của bìa sách sao mà hòa hợp với đất nước như thế ! Một ông chủ hiệu chạp phô kia đã gởi gắm rằng những ống tiền chế tạo theo hình thức con heo đất đo đỏ vàng vàng bán chạy gấp trăm lần những loại ống tiền khác, hình tủ sắt, hình đờn dương cầm, vân…vân…

Chi tiết thương mãi trên đây chứng tỏ rằng dân tộc chỉ thích hình dáng và màu sắc dân tộc thôi. Nhà trình bày sách hành động vì mục đích thương mãi đã đành, nhưng đã gián tiếp phụng sự văn nghệ, đưa nó một cách quyến rủ tới tay bình dân. Cúi xuống xem qua, bạn ngạc nhiên biết bao mà nghe từ dưới ấy thở lên những làn hơi lành mạnh nó như đưa bạn về những làng xa yên tĩnh, hay về những thời xưa bình dị nào. Đây là những nhan sách lỏm bỏm nhớ được: Quả dưa hấu, Hòn vọng phu, Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỵ Châu, Sự tích trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Nguyễn Biểu, Huyền Trân Công Chúa v…v… Thật là khác xa những nhan giựt gân hoặc những nhan ẻo lả của sách “đại giảm giá” : Xác chết chạy đâu, Đầu lâu đẫm máu, Liễu rũ bên hồ, Thôi còn đâu nữa mà mong v.v… Hầu hết những truyện cổ tích Việt Nam, những nhơn vật lịch sử của ta đều được viết thành sách in bán với giá thách đố cả mọi cạnh tranh, rẻ như một tờ báo hằng ngày. – Nhưng sách ấy có văn nghệ hay không chớ ?

 

Các bạn cứ lật xem thì khắc biết :

Truyện rằng ngày xưa,
Hùng Vương mười bảy làm vua nước nhà.
Thái bình thạnh trị âu ca,
Dưới trên trăm họ thuận hòa yên vui.
Bữa kia bỗng có một người.

Lá khoai anh ngỡ lá sen,
Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu,

Thương người thục nữ bao nhiêu,
Khiến lòng quân tử chín chiều tương tư.

Vẳng nghe như ai “nói thơ” trong thôn xóm, hoặc trên một chiếc thuyền thương hồ xuôi ngược nào, ở một thời mà Vọng cổ và Tân nhạc chưa ngự trị trên môi người dân. Nên biết rằng thi phẩm Lục Vân Tiên ngày xưa cũng ở trong chợ văn nghệ đứng đường ấy mà ra, thì biết đâu ngày kia các nhà phê bình lại không khám phá được vài danh tác trong mớ sách ba đồng nói trên. Dầu sao, hiện giờ công dụng của loại sách đó cũng đáng kể lắm rồi : ông Trần Bình Trọng đã lấn ông Tiết Nhơn Quý và ông Trương Phi đã nhường chỗ cho ông vua Quang Trung.

Có một người thóc mách kề tai tôi mà nói nhỏ rằng những tên lạ hoắc ký ở bìa sách đều là ẩn hiệu của thi sĩ Linh Lan tức là nhà văn Triệu Triệu. Gặp Linh Lang tôi hỏi :

– Sao anh lại giấu tên ?
– Tôi viết vội quá, không biết nó có thành thơ hay không.
– Cứ nhận lì đi. Có cần gì những vần ấy thành thơ tuyệt tác đâu. Nếu có thành thơ được thì quí còn rủi nó là vè đi nữa thì nội cái việc làm ra nó cũng đáng mến phục lắm rồi. Tại sao anh không sáng tác những chuyện tình éo le, những câu chuyện cướp rùng rợn lại nghiêng mình xuống kho tàng phủ bụi của dân tộc ? Mà lại dùng lối thơ đặc Việt là thơ lục bát ? Có phải chăng là phụng sự…
– Lớn lối quá, tôi không dám mong.

Khách thưởng thức món văn nghệ đứng đường nầy là ai ? Cố nhiên là những người bình dân. Nhưng có một hạng khách bất ngờ lắm, đó là học viên của các lớp phá mù chữ. Học chữ xong, không sách đọc, mấy ông cụ, bà cụ ấy sau một thời gian ngắn, quên tuốt cả i tờ. Vớ được một quyển Hòn vọng phu họ nghê nga cả ngày, đọc thơ như đọc văn xuôi. Nhưng khi đọc chữ chạy rót, họ bỗng thấy như trước mặt họ một chân trời mới lạ mở ra. Họ khóc gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, họ cười ông Cống Quỳnh kỳ khôi, họ ngán cái ghen bóng ghen gió của chồng người thiếu phụ Nam Xương. Tâm hồn và trí não của họ bỗng trở nên phong phú lạ kỳ. Một ông cụ bùi ngùi than:
– Trời ơi, đến bạc đầu tôi mới biết được thứ nầy.

Bình Nguyên Lộc (NHÂN LOẠI, 1957)

 

 

Friday, October 23, 2020

Người Đọc Tỉnh Lẻ - Ngọc Bút

 

Người đọc tỉnh lẻ

 




Yêu thì đọc gì? Một cô bé học trò trung học ở một quận lỵ nhỏ của một tỉnh nhỏ biên giới miền Đông Nam bộ đọc gì thuở ấy? Hoài, và bạn Hoài, đọc hầu hết những gì có trên kệ bày bán của tiệm sách nhỏ xíu duy nhất ở quận lỵ...

 

Tác phẩm truyện dài Hoài đọc lần đầu tiên trong đời là Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, năm một ngàn chin trăm sáu mươi lăm. Vừa đọc vừa khóc vì thương cô bé nhân vật chính trong truyện. Không nhớ ai đã cho Hoài mượn quyển truyện này. Hình như là của người chị họ con bác ruột. Cảm xúc ngập tràn và cô bé mười một tuổi, vốn được cô giáo lớp nhất (lớp năm bây giờ) khen những bài tập làm văn ở lớp và thường đọc cho cả lớp nghe, đã bắt đầu thích đọc sách văn chương và ao ước một ngày nào mình cũng viết được những truyện-tương-tự-như-vậy. Chỉ là mơ ước suông thôi. Mấy năm tiểu học trước đó Hoài không có mơ ước này, vì chỉ đọc mấy truyện tranh nhì nhằng kiểu như Tề Thiên Đại Thánh của thằng bạn bắn bi búng dây thun nhà cạnh bên hào hứng cho mượn! 

Hè năm đó Hoài thi đậu vào đệ thất (lớp sáu bây giờ) trường công lập. Từ đó Hoài bắt đầu học môn Việt Văn, và những năm sau chia thành kim văn và cổ văn. Thú thực là học giảng văn Hoài rất ngán cổ văn, vì khó hiểu, và thầy phải giảng mới hiểu. Còn kim văn, thực ra cũng là những bài khá kinh điển. Trong trí nhớ mù mờ của Hoài bây giờ, đó là những bài không mới mấy dù được gọi là “kim”, được trích từ các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và những tác phẩm cùng thời với Tự Lực Văn Đoàn hay sau đó ít lâu.

Lớp của chị họ Hoài, trên Hoài ba lớp, có một tủ sách luân lưu mua từ tiền quỹ lớp, và chị là người giữ tủ sách cho lớp, ở nhà; bạn cùng lớp mượn thì chị ghi vào sổ tên họ, ngày mượn, ngày trả. Giống như một “thư viện bỏ túi” và chị là quản thủ thư viện. Cơ hội để Hoài phát triển thói quen đọc sách văn chương là đây. Tủ sách chủ yếu gồm các sách của Tự Lực Văn Đoàn, của các nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, các sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê, v.v… Và Hoài đã đọc toàn bộ sách văn chương trong cái thư viện bỏ túi này, bắt đầu từ Chim Hót Trong Lồng từ năm cuối tiểu học cho đến giữa năm đệ lục (lớp bảy bây giờ) thì không còn gì nữa để mượn đọc. 

Nhưng không chỉ có thư viện bỏ túi ấy. Hoài may mắn có một người cậu họ làm thơ và cũng là thầy dạy Việt Văn của Hoài thời trung học đệ nhất cấp. Cậu làm nhiều thơ nhưng cả đời chỉ xuất bản duy nhất một tập thơ được nhà thơ Vũ Hoàng Chương khen ngợi và viết lời tựa, bìa của thi sĩ Đinh Hùng, tranh phụ bản của họa sĩ Vũ Hối (*). Thơ cậu được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc, ca sĩ Trúc Mai và Hoàng Oanh hát trên đài Phát thanh Saigon. Hầu như lễ bế giảng và phát phần thưởng cho học sinh giỏi năm học nào ở trường, thơ (và nhạc) của cậu cũng được các ca sĩ học trò cây nhà lá vườn ngâm và hát trong chương trình văn nghệ. Trong mắt Hoài thuở ấy cậu rất “đáng nể”, vì ngoài thế giới trường lớp của Hoài cậu còn thuộc về thế giới thơ văn. Cậu thường giới thiệu tác phẩm này tác phẩm nọ mới xuất hiện trên văn đàn cho học trò đọc – trong đó có Hoài. Cậu rất thương quý đứa cháu họ côi cút siêng học yêu văn chương là Hoài, nên khi được mời đi dự mấy chỗ họp mặt văn nghệ cậu hay dẫn Hoài (và mấy đứa bạn của Hoài) theo. Lâu dần niềm yêu thích văn chương, nói theo kiểu bây giờ, trở thành máu-thịt của Hoài.

Yêu thì đọc gì? Một cô bé học trò trung học ở một quận lỵ nhỏ của một tỉnh nhỏ biên giới miền Đông Nam bộ đọc gì thuở ấy? Hoài, và bạn Hoài, đọc hầu hết những gì có trên kệ bày bán của tiệm sách nhỏ xíu duy nhất ở quận lỵ. Tiệm sách nhỏ ấy bán đủ thứ, từ tập vở bút viết văn phòng phẩm, các bản nhạc to chỉ có hai tờ, sách giáo khoa đủ các môn học cho học trò tiểu học trung học cho tới sách truyện. Tiệm sách này cũng kiêm luôn việc bán nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san xuất bản ở thủ đô Saigon, nơi cách quận lỵ quê nhà Hoài chỉ 63km nhưng dường như xa lắm vì chiến tranh và đường đi không an toàn., 

Sau này khi Hoài lên trung học đệ nhị cấp, quận lỵ có thêm một tiệm sách nữa gần nhà Hoài, sách truyện văn chương nhiều hơn, “cập nhật” hơn, bày biện đẹp mắt quy củ hơn. Dĩ nhiên Hoài và bọn bạn cũng hay ghé tiệm sách này. Hoài “fair” lắm, không bao giờ đọc “cọp” mà không mua quyển nào mỗi lần rời khỏi tiệm sách. Nhiều bữa cả đám còn rủ nhau chạy xe Honda mượn của mấy anh lớp trên (thật là gan-cùng-mình!) về tỉnh lỵ cách đó 36km. Lại ghé vào một tiệm sách bề thế hơn, mua sách truyện, sau khi đã rong chơi vài nơi chốn và ghé thăm vài bạn-văn-nghệ ở các bút nhóm thơ văn.

Thời ấy các bút-nhóm hay thi-văn-đoàn rất nhiều, hầu như tỉnh nào thành phố nào cũng có, và Hoài cũng không tránh khỏi việc bị rủ rê vào bút nhóm của một anh bạn hàng xóm học trên mình một lớp nhưng lớn hơn ba tuổi (Chính người anh, người bạn thân thiết này đã dẫn dắt Hoài đọc “Tuổi Hoa” từ thời tiểu học và luôn luôn khen ngợi cổ vũ Hoài hãy đến với văn chương!). Ấy là chưa kể lâu lâu được về Saigon, không bao giờ Hoài quên ghé nhà sách Khai Trí ở 62 Lê Lợi để đọc “cọp” và mua sách về quê. Và cũng không bao giờ quên dạo tới dạo lui các quầy sách lộ thiên dọc đường Công Lý góc Lê Lợi. Ở đó cũng có rất nhiều sách mới ra lò, thậm chí còn có nhiều quyển không tìm thấy trong Khai Trí. Chính từ nơi đây Hoài có trong tay “Cái Chuồng Khỉ” của Nguyễn Đức Sơn và “Con Lừa Và Tôi” của Juan Ramon Jimenez. Những năm tháng trung học Hoài đã có một tủ sách văn chương nho nhỏ của riêng mình với nhữn tác giả “thời thượng” thuở ấy: Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Minh Quân, Duyên Anh, Mai Thảo, Võ Hồng, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, v.v…  

 

Lúc mới bắt đầu thích đọc thơ, Hoài chỉ biết thơ tiền chiến của Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hữu Loan, Quang Dũng… Sau này nhờ ông cậu khuyến khích nên đọc nhiều thơ hơn (chắc là vì cậu làm thơ!), Hoài bắt đầu đọc Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Hoài Khanh, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Thị Tuệ Mai, Phạm Thiên Thư… Hoài cũng đọc sách dịch, từ “Hoàng Tử Bé” của Saint Exupéry đến “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của J. D. Salinger đến “Sử Ký Tư Mã Thiên”! Rồi “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak, “Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết” của E. M. Remarque, “Tầng Đầu Địa Ngục” của A. I. Solzhenitsyn, v.v.. Sách dịch Hoài không có nhiều, nhưng đọc được nhiều là nhờ “mượn qua mượn lại” với mấy đứa bạn cũng thích đọc sách và hay mua sách như Hoài. Nhưng sách gối-đầu-giường của Hoài mấy năm đầu trung học đệ nhất cấp là “Thằng Vũ” của Duyên Anh và mấy năm trung học đệ nhị cấp là “Nẻo Về Của Ý” của thầy Nhất Hạnh mà Hoài vẫn còn giữ cho đến bây giờ.

Quyển kịch Thành Cát Tư Hãn là một trường hợp đặc biệt. Ông cậu ông thầy Việt văn nhà thơ đã tặng quyển kịch này cho Hoài; Hoài cực kỳ thích những câu thoại của ông già Thành Cát Tư Hãn trong kịch và rất ngưỡng mộ tác giả, nhưng phải đến năm 1973 khi học môn Lịch Sử Kịch Nghệ Việt Nam ở Đại học Văn Khoa Saigon Hoài mới được gặp tác giả vở kịch và cũng là thầy dạy môn học này, giáo sư Vũ Khắc Khoan. Còn mấy cuốn “cao siêu “ với tuổi Hoài thuở ấy như “Hố Thẳm Tư Tưởng” của Phạm Công Thiện thì Hoài chưa dám với tới. Hoài không biết nó là triết hay văn chương hay trộn lẫn cả hai. Ông anh của một đứa bạn Hoài là sinh viên trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc ở Saigon – hồi đó là trường đại học nhưng gọi là cao đẳng – về quê đi ra đường cứ kè kè kẹp nách quyển sách thời thượng này, ra dáng trí-thức đọc sách “cỡ” ấy. Một ông anh khác của một đứa bạn khác thì mở miệng ra là thơ Bùi Giáng với Thanh Tâm Tuyền! (Nhưng thật lòng mà nói, tâm hồn đơn sơ của Hoài “cảm” thơ Nguyên Sa và Hoài Khanh hơn).

Tủ sách của Hoài tuyệt nhiên không có tiểu thuyết diễm tình sướt mướt. Nhờ đâu? Nhờ đọc những lời giới thiệu và quảng cáo trên mấy tạp chí “đứng đắn” thuở còn nhỏ là “Tuổi Hoa”, lớn một chút là “Tuổi Ngọc”, và “Văn” và “Bách Khoa” và “Khởi Hành” v.v..  Song song với sách là báo, là các tạp chí văn chương. Hoài có một con nhỏ bạn thân mê đọc như Hoài. “Tuổi Hoa” và “Tuổi Ngọc” thì mỗi đứa tự mua tự đọc. Nhỏ bạn của Hoài còn mua cả tuần báo “Thiếu Nhi” và thỉnh thoảng Hoài cũng đọc “ké”. Nhưng “Văn” và “Bách Khoa” thì thường xuyên trao đổi lẫn nhau, Hoài mua bán nguyệt san “Văn” và con nhỏ bạn mua “Bách Khoa”. Hoài bắt đầu đọc “Văn” từ năm mười lăm tuổi, từ khi một anh bạn học trên hai lớp gởi tặng Hoài một quyển “Văn” kèm với mấy bài thơ anh sáng tác (viết trên giấy học trò có dấu vết cháy vàng chung quanh viền trang và những vết tròn của đầu thuốc lá đang cháy dí vào!). Hoài không nhớ rõ số mấy, chỉ nhớ loáng thoáng đó là tuyển tập thơ văn với nhiều truyện ngắn rất hay của các tác giả trẻ thời ấy. Và Hoài đã đọc “Văn” liên tục không bỏ sót số nào cho đến ngày xảy ra biến cố tháng Tư 1975.

Với “Khởi Hành” cũng vậy, Hoài đã có tờ tuần báo này từ số đầu cho đến số cuối là khi chuẩn bị thi Tú Tài II vào tháng 7 năm 1972. Từ “Văn”, “Bách Khoa” và “Khởi Hành”, Hoài thấy nhiều bài thơ và truyện ngắn rất hay của những nhà văn nhà thơ trẻ (thời đó) và lòng cứ tự hỏi, biết có khi nào mình viết được như vậy không. Có lẽ vì là người-nhà-quê, vì sống trong chiến tranh thường trực nên Hoài “cảm” được tác phẩm của họ chăng? Hoài rất thích giọng văn của Cung Tích Biền. Rồi nào là Nguyễn Xuân Hoàng, Ngụy Ngữ, Y Uyên, Mường Mán, Trần Hoài Thư, Mang Viên Long, Nguyễn Lệ Uyên, Lê Văn Thiện, Hoàng Ngọc Tuấn, v.v.. Cũng trên các tờ tạp chí ấy, Hoài đã “gặp” thơ của Luân Hoán, Hoàng Lộc, Cao Thoại Châu, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Bắc Sơn, Huy Tưởng, Lâm Chương, Phạm Cao Hoàng, Từ Kế Tường…  

Ngày từ giã quê nhà đến Saigon học đại học, Hoài đã xếp gọn tập vở và sách báo cũ vào các thùng giấy carton, để một góc trên căn gác gỗ nhỏ, là một cái kho chứa đồ đạc cũ của gia đình. “Văn” một thùng, “Khởi Hành” một thùng, “Tuổi Hoa” và “Tuổi Ngọc” mấy thùng. Nhiều năm tháng trôi qua, Hoài sống ở Saigon với biết bao biến cố trong đời mình, mệt bở hơi tai vì cơm áo gạo tiền. Nhiều lần về lại quê nhà và vài lần leo lên cái kho trên căn gác cũ, Hoài vẫn thấy mấy cái thùng nằm yên đó cùng bụi phủ mờ theo năm tháng. Quê nhà Hoài quá nhỏ, nên các chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy của chế độ mới đã không vươn tới cái kho bụi bặm này của gia đình Hoài. Hoài chưa từng mở mấy cái thùng ấy ra, dù biết gián chuột và mối mọt cũng chưa hề đụng đến nhờ không khí rất khô và nóng quanh năm suốt tháng trên căn gác. Hoài chưa từng mở mấy cái thùng ấy ra không phải vì không có thời giờ, mà vì quá ngậm ngùi buồn. Hoài yếu đuối, sợ mình đau đớn, sợ lòng tan nát khi mở ra những thùng carton chất chứa nhiều kỷ niệm của đời Hoài một thuở thanh xuân. Trong các thùng ấy còn có cả những tập thơ văn quay ronéo của bạn bè từ các bút nhóm gởi tặng, những giai phẩm xuân của ngôi trường thân yêu bảy năm trung học của Hoài, và một số sách cần cất giữ kín đáo được gói ghém thêm mang lên gác sau năm 1975. Cho đến một ngày tất cả tiêu tan thất lạc khi căn nhà xưa được các em còn ở lại quê nhà xây mới. Hoài ở xa, khi về thì đã không còn gì… Biết trách ai? Chính Hoài đã không tích cực dặn dò các em gìn giữ. Chính Hoài đã không lường trước được. Có ai lường trước được điều gì xảy ra cho đời mình, huống chi đây chỉ là những vật kỷ niệm của một sở thích rất riêng tư!

 

Hoài có phải là một người đọc tiêu biểu của miền Nam trong hai mươi năm ấy – nghĩa là có nhiều người đọc thuở ấy có hoàn cảnh tương tự như Hoài? Hoài thực lòng không biết; có thể là vậy mà cũng có thể không phải là vậy. Dù sao, cũng xin cảm tạ những người thầy, người anh đã “dẫn dắt” Hoài biết phải đọc gì từ thời mới lớn, để tâm hồn Hoài được phong phú an vui, một “tài sản” tinh thần quý giá còn mãi đến ngày nay qua bao cuộc “thương hải biến vi tang điền”.    

Ngọc Bút (Saigon 2015)

(*) Mưa Đêm Nay, thơ Trường Anh, nxb Đăng Trình, Saigon 1964. 

304Đen – Llttm –Sài Gòn thập cẩm

 

TTKH Và Thâm Tâm - Nguyễn Vỹ

 

TTKh và Thâm Tâm






 

Năm 1936-37 xuất hiện ở phố Chợ Hôm, ngoại ô Hà Nội, một nhóm văn sĩ trẻ với bút hiệu Trần Huyền Trân, Thâm Tâm và một vài người khác nữa. Ít ai để ý đến họ. Có lẽ vì họ là những người còn quá trẻ: Huyền Trân và Thâm Tâm 18, 19 tuổi, mới bắt đầu viết văn, chưa có gì đặc sắc. Lớp văn sĩ đi trước không chú ý đến họ. Nhưng họ dễ thương, vui vẻ, hồn nhiên, an phận ở một vị trí khiêm tốn, chẳng thân với ai, cũng chẳng làm phiền lòng ai. Họ sống một thế giới riêng của họ, không chung đụng với những nhóm đã nổi tiếng ít nhiều trong làng văn, làng báo lúc bấy giờ.

Họ có một tờ tuần báo nhỏ, lấy tên Bắc Hà ở phố Chợ Hôm, nơi đây họ làm văn nghệ với nhau, theo lối tài tử hơn chuyên nghiệp. Tờ báo bán không chạy lắm tuy có vài mục hài hước vui nhờ mấy bức vẽ của Tuấn Trình và nhiều cố gắng hứa hẹn trên bình diện văn chương. Hăng hái nhất và đóng vai chủ động trong tờ báo là Trần Huyền Trân. Thâm Tâm, biệt hiệu của Tuấn Trình, vẽ nhiều hơn viết, thỉnh thoảng đăng một vài bài thơ, vài mẩu chuyện ngắn. Đôi khi thấy xuất hiện trên mặt báo vài ba bài thơ có tính cách ca dao ái tình của Nguyễn Bính, học sinh lớp Nhất, trường tiểu học Hà Đông. Nguyễn Bính sau thi rớt, nghỉ học luôn.

Tuy không chơi thân, tôi quen biết Trần Huyền Trân khá nhiều, vì anh ta ở trọ một căn nhà trong ngõ Khâm Thiên, gần Ô Chợ Dừa. Thường đi một con đường nên chúng tôi gặp nhau và quen nhau. Đôi khi Trần Huyền Trân nhờ tôi viết bài cho tuần báo “cho vui” vì không có tiền nhuận bút. Để tỏ tình thông cảm văn nghệ, tôi có viết một truyện ngắn khôi hài và chỉ có một lần. Trong một số báo đặc biệt mùa hè, Tuấn Trình vẽ một cặp Bạch Nga bơi trên Hồ Hoàn Kiếm và ghi ở dưới: Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn.






Nguyễn Vỹ (1912-1971)


Tôi quen biết Tuấn Trình do Trần Huyền Trân giới thiệu. Nhà anh ở Chợ Hôm, cách chợ độ ba bốn trăm thước. Anh đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, người có phong độ hào hoa, lịch thiệp. Tôi thấy ở Sài Gòn có anh Hoàng Trúc Ly, nhà văn, giống na ná Tuấn Trình về dáng điệu cũng như tính tình, tư cách. Nhiều khi gặp Hoàng Trúc Ly trên đường Bonard Sài-Gòn, tôi quên lửng, cứ tưởng gặp Tuấn Trình trên phố Chợ Hôm, Hà Nội.


Một buổi chiều gần tối. Tuấn Trình đi lang thang gần chợ Khâm Thiên. Tôi từ Hà Nội về nhà, tưởng anh ta đến Trần Huyền Trân, nhưng anh bảo:”Thằng Huyền Trân nó đi đâu, không có nhà”.Tôi rủ anh về gác trọ của tôi ở cuối phố. Hôm ấy tôi có vài chục bạc trong túi, có thể làm một tiệc bánh giò chả lụa với Tuấn Trình. Tôi bảo anh ở lại cho vui. Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn-Điển, kể chuyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe.

Trần Thị Khánh là một cô học trò lớp nhất trường tiểu học Sinh-Từ. Thi hỏng, cô ở nhà giúp mẹ làm việc nội trợ. Nhà cô cũng ở đường Sinh-Từ, ngay cạnh Thanh-Giám, nơi đền thờ Khổng Tử. Thanh Giám là một thắng cảnh Hà-Nội, đã liệt vào cổ tích Việt Nam, xây cất từ đời nhà Lý, tu bổ dưới đời nhà Lê, hình chữ nhất, chung quanh xây tường đá ong, cao độ hai thước. Đền thờ ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, hai bên hồ dựng nhiều tấm bia ghi tên các tiến sĩ đời nhà Lê. Vào Thanh Giám, có cổng tam quan lớn, trước cổng có tấm bia đề hai chữ Hán: Hạ Mã, và hai trụ cao. Trong vườn trồng rất nhiều cây cổ thụ và các cây kiểng. Nơi đây rất yên tĩnh và mát mẻ, cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò tâm sự. Trước kia có một bầy quạ chiều tối bay về ngủ, cho nên người Pháp gọi là “Pagode des Corbeaux” (Chùa Quạ) ngoài danh từ lịch sử “Temple de Confucius” (Đền Khổng Tử).

Cô nữ sinh Trần Thị Khánh là một thiếu nữ đẹp, nét đẹp mơm mởm của cô gái dậy thì, thùy mị, nết na, nhưng không có gì đặc biệt. Tuấn Trình có người cô, nhà ở phố chợ Cửa Nam, gần Sinh-Từ. Anh thường đến đây và thấy cô Khánh đi chợ mỗi buổi sáng. Lúc ấy vào khoảng tháng 2 năm 1936, họa sĩ Tuấn Trình (tên gọi hồi đó) mới 19 tuổi, và cô Khánh 17 tuổi, thi rớt tiểu học và đã nghỉ học từ mùa hè năm trước. Tuấn Trình mới bắt đầu vẽ và viết chút ít trong tờ tuần báo Bắc Hà của Trần Huyền Trân vừa xuất bản.

Sau một vài tháng theo dõi, Tuấn Trình làm quen được với cô Khánh và gởi báo Bắc Hà tặng cô. Cô gái 17 tuổi, cảm mến người nghệ sĩ tài hoa, tình yêu chớm nở như cành hoa Antigone trắng vừa chớm nở trong tháng đầu hè trước sân nhà cô. Antigone là loại hoa của người Pháp đem qua hồi đầu thế kỷ, không thơm nhưng đẹp. Nó thuộc loại hoa dây, lá giống lá nho, cho nên ở miền Nam, nhiều người gọi là hoa nho. Nó có hai loại, loại hoa trắng và hoa hồng. Hoa nở vào đầu mùa hè, thành những chùm rất dễ thương, nụ hoa giống hình trái tim nho nhỏ. Ở Hà-Nội người ta trồng rất nhiều và bán rất nhiều trong chợ Đồng Xuân, cũng như ở chợ Hoa, bờ hồ Hoàn Kiếm. Cắm nó vào lọ để phòng khách, nó buông ra một vẻ đẹp lãng mạn, khả ái lắm. Người Bắc gọi tắt hoa Ti-Gôn. Ở phố Sinh Từ antigone mọc rất nhiều, như trước sân nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Nhược Pháp. Nhà trọ của Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều ở phố Nam Long có cả một giàn hoa trắng và hồng. Nhưng mùa đông lá rụng hoa tàn, thì không cảnh nào tiêu sơ quạnh quẽ bằng.

Tình yêu của Tuấn Trình và Trần Thị Khánh chớm nở ngay lúc những chùm Antigone vừa hé nụ, và chết trong những ngày giữa mùa đông năm đó, trong lúc giàn hoa ti-gôn úa tàn, rụng ngập đầy sân. Thời kỳ mơ mộng ngắn ngủi trong mấy tháng hè, sang hết mùa thu, không đem lại chút thỏa mãn nào cho tâm hồn khao khát của Tuấn Trình. Chính lúc này Tuấn Trình lấy bút hiệu Thâm Tâm và cho cô Khánh biết: Hình ảnh của em, anh ghi sâu vào thâm tâm anh. Trong bài Màu Máu Ti-Gôn, cũng có câu: ...Quên làm sao được thuở ban đầu – Một cánh ti gôn dạ khắc sâu.

Một vài bài thơ tình thức đêm làm tặng Khánh, những bài thơ đầu tiên đăng trên tuần báo Bắc Hà, đều ký Thâm Tâm, các tranh vẽ trong báo vẫn ký Tuấn Trình. Nhưng cô gái 17 tuổi, dè dặt theo lễ giáo nghiêm khắc của gia đình, chưa thật bao giờ đáp ứng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình – Thâm Tâm. Đó là điều đau khổ triền miên của chàng nghệ sĩ 19 tuổi. Trong lúc những cặp tình nhân trẻ trung dắt nhau đi du ngoạn khắp nơi thơ mộng ở Hà-Nội và ngoại ô: Hồ Tây, chùa Láng, Bạch Mai, Phúc Trang, Đền Voi Phục...thì Trần Thị Khánh cứ phải từ chối những lời mời của Thâm Tâm. Cô thường nói: “Thầy mẹ em nghiêm, gia đình em nghiêm lắm...” Lần nào cô Khánh cũng lặp lại chữ nghiêm gia giáo ấy để trả lời kỳ vọng khát khao của người yêu.

Chỉ được hai lần Khánh đến nơi hẹn, nhưng không được lâu. Lần thứ nhất, một đêm trăng, Khánh lén băng qua đường, vào vườn Thanh-Giám. Tuấn Trình đã chờ người yêu nơi đây, dưới bóng cổ thụ. Nhưng cô Khánh run cả người (theo lời Tuấn Trình kể lại) cậu cũng lính quýnh, tất cả những câu bay bướm cậu sắp sẵn để nói với nàng, bấy giờ cậu quên mất hết. Một lúc lâu Tuấn Trình mới nói được mấy lời tình tứ, nhưng lại trách móc, nghi ngờ, nàng không yêu mình. Nàng bảo:”Em không yêu anh sao dám ra đây gặp anh? Nhưng vì thầy me em nghiêm lắm, anh ạ.” Tuấn Trình hỏi chua chát: “Giờ phút này chỉ có thơ và mộng, chỉ có anh với em, ánh trăng đẹp của hai đứa mình có nghiêm không nhỉ?” Có lẽ vì bất bình câu nói mỉa mai của người yêu, Khánh lặng yên một phút rồi đáp: ”Ánh trăng đẹp, nhưng vẫn nghiêm đấy, anh ạ”. Cuộc gặp đêm ấy, chỉ lâu không đầy một tiếng đồng hồ. Tuấn Trình đặt một chiếc hôn âu yếm trên bàn tay của Khánh trước lúc nàng vội vã chạy về nhà.

Lần thứ hai, hai cô cậu cũng gặp nhau trong vườn Thanh (nhiều người sau này nói Thanh là Thanh Hóa, là hoàn toàn sai sự thật). Vườn Thanh-Giám đêm ấy cũng ngập ánh trăng thu. Nhưng thái độ của Khánh lạ lùng khó hiểu. Hình như Khánh muốn nói với Tuấn Trình một điều gì, nhưng ngại ngùng không nói. Chàng lặng lẽ vuốt mái tóc huyền của Khánh rồi khẽ bảo: Ước gì anh được yêu em như thế này mãi...Nàng buồn bã hỏi:”Anh định bao giờ đến xin thầy me cho chúng mình...” Chàng họa sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Chàng lơ đễnh bảo: “Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì...” Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây. Khánh không hỏi gì hơn nữa. Chàng nắm tay nàng đi dạo quanh hồ nước xanh rì lăn tăn gợn sóng, chàng dừng lại, khẽ kéo Khánh vào lòng, nhưng nàng khẽ buông ra, Tuấn Trình âu yếm nhìn nàng:”Em!” Khánh mải cười: ”Anh bảo gì?”.

- Hình ảnh của em, nụ cười của em, sẽ mãi mãi ghi sâu vào lòng dạ của anh, vào thâm tâm anh.

Trần Thị Khánh bẽn lẽn cười như để tạ ơn và xin từ giã. Tuấn Trình trằn trọc suốt đêm. Khánh muốn giấu chàng một điều gì quan trọng chăng? Tình yêu giữa hai người vẫn nguyên vẹn, thư từ qua lại vẫn âu yếm, nhưng Tuấn Trình bắt đầu thấy lòng buồn bã băn khoăn khi giàn hoa ti-gôn bắt đầu héo rụng trong nắng úa tàn thu. Thế rồi một hôm, chàng họa sĩ đa tình nhận được một bức thư của người yêu, không, của người hết yêu, báo tin nàng sắp lấy chồng.

Thư viết bằng mực tím, trên bốn trang giấy học trò, xé trong một quyển vở Nam Phương hoàng hậu (loại vở học trò rất thông dụng lúc bấy giờ). Thư do một cô bạn gái của Khánh đem đến tòa báo Bắc Hà trao tận tay Tuấn Trình. Cô bạn gái hỏi “ông Tuấn Trình” chứ không gọi Thâm Tâm. Ngoài bao thư cũng đề: Monsieur Tuấn Trình, nét chữ quen thuộc của T.T. Khánh. Đại khái, Khánh nhắc lại tình yêu “thơ mộng” của cô với “người nghệ sĩ tài hoa son trẻ” (những chữ cô dùng trong thư), tình yêu rất đẹp, nhưng vì thầy me của cô rất nghiêm, theo lễ giáo, nên dù người vị hôn phu của cô là một người chỉ mới biết sơ thôi, nhưng cô vẫn có bổn phận “giữ tròn chữ hiếu, không dám cãi lời thầy me đặt đâu ngồi đấy v.v...” Cô nói cô buồn lắm vì tình yêu dang dở, “Em yêu anh mãi mãi! Không bao giờ quên anh, nhưng ‘van’ anh đừng giận em, thương hại em, chứ đừng trách móc em v.v...” Cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc suốt đêm v.v...

Khánh không nói một câu nào về người vị hôn phu, không cho biết ngày cưới, và cuối thư ký tắt: K.H. Bức thư của K.H. chấm dứt một cách đột ngột cuộc tình duyên thật sự không mấy “thơ mộng” của họa sĩ Tuấn Trình và cô Trần Thị Khánh.

Sau do sự dọ hỏi vài người quen ở phố Sinh-Từ, Tuấn Trình được biết chồng cô Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, góa vợ và không có con. Trong câu thơ: ”Bên cạnh chồng Nghiêm luống tuổi rồi “  chỉ sự cách biệt tương đối giữa tuổi 39 của người chồng với tuổi hãy còn vị thành niên của cô Khánh. Đó chỉ là nhận xét chủ quan và mỉa mai của Thâm Tâm, so sánh tuổi mình 20 với người đàn ông được diễm phúc làm chồng cô Khánh, nhưng trên thực tế và theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình thì người chồng cô Khánh “giàu sang và trẻ đẹp” chứ không phải một ông già. Tuấn Trình cũng nhìn nhận rằng một người nhà giàu 40 tuổi, đẹp trai, không thể là một ông già.

Đám cưới đã nhờ mối lái qua lại từ lâu, và sính lễ có kiềng vàng, xuyến, nhẫn, vòng, kim cương, quần áo hàng lụa quí giá. Rước dâu bằng mười chiếc Citroen mới, cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo cưới màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi trên xe hoa như nàng công chúa ngồi cạnh người chồng mặc áo gấm xanh. Đêm trước hôm cô Khánh lên xe hoa, Thâm Tâm có tổ chức tại tòa báo Bắc Hà một tiệc thịt chó, uống Mai Quế Lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can tham dự. Họ say sưa, ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất. Người đau khổ trong cuộc tình duyên dang dở này không phải là cô Khánh. Trái lại, cô có đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô. Trần Huyền Trân đã gặp cô đi hí hởn với chồng vào ăn kem ở tiệm Blanche Neige (kem Bạch Tuyết), Bờ Hồ hai lần. Hai ông bà nhìn nhau và cười với nhau ra vẻ âu yếm lắm. Khánh đã có thai, được chồng săn sóc nâng đỡ lên chiếc xe nhà Citroen, lúc ra về, còn đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Trần Huyền Trân kể lại cảnh âu yếm đó cho Tuấn Trình nghe và kết luận: ”Con Khánh nó cho cậu leo cây, cậu còn si nó làm gì nữa, thêm tủi nhục”. Người đau khổ dĩ nhiên là Tuấn Trình, Thâm Tâm. Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can.

Vì một chút tự ái văn nghệ, đối với mấy người kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là Hai Sắc Hoa Ti Gôn ký T.T.Kh, với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ, con gái của người cô ở phố Cửa Nam, mang thư đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Cho nên giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình, và lời thơ khác hẳn những lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của Kh, báo tin sắp lấy chồng. Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác. Tuấn Trình đã nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận được một bức thư của Khánh, bức thư cuối cùng, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô. Trong thư phản đối đó, Khánh xưng tôi, chứ không xưng em như những thư trước, để chấm dứt trò chơi vô ích ấy. Thâm Tâm lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra “Bài Thơ Cuối Cùng”: Trách Ai mang cánh ti gôn ấy – Mà viết tình xưa Được Ích Gì? – Bài Thơ đan áo nay Rao Bán – Cho Khắp Người đời thóc mách xem – Là Giết Đời nhau đấy, Biết Không? – Dưới dàn hoa máu, tiếng mưa rung – Giận anh tôi viết dư dòng lệ– Là chút dư hương điệu cuối cùng – Từ nay anh hãy Bán Thơ Anh– Và Để Yên Tôi với một mình – Những cánh hoa lòng, Hừ Đã Bỏ– Còn đem mà Đổi Lấy Hư Vinh. Cô Khánh “Trách” người cũ không những đem chuyện tình xưa ra viết chẳng “Được Ích Gì” lại còn làm Bài Thơ đi “Rao Bán” cho người đời “Thóc Mách” mua xem. Như thế là Anh “Giết Đời Tôi anh Có Biết Không?” Anh đem bán thơ để kiếm chút “Hư Vinh” nhưng chuyện xưa đã bỏ rồi, anh hãy để tôi yên!...

Thâm Tâm lấy gần hết chữ và nghĩa trong bức thư đoạn tuyệt tàn nhẫn của Trần Thị Khánh làm Bài Thơ Cuối Cùng mà vẫn ký T.T.Kh, một lần cuối cùng. Rồi, để đáp lại, chàng làm một bài ký tên Thâm Tâm và cũng là bài cuối cùng, mỉa mai, chua chát: ...Đây Bài Thơ Chót Kính Dâng Tặng Bạn– Và thành chúc đời em luôn tươi sáng – Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh – Như hương trinh bát ngát dịu dàng – Hoa nhạc mới triều dâng tơ Hạnh Phúc...

Trên phương diện văn thơ cũng như tình cảm, ta chỉ thương hại Thâm Tâm, nhà thơ trẻ, hãy còn ngây thơ với tuổi 19, đầy thơ mộng, cứ tưởng rằng cô Khánh vẫn thành thật yêu chàng, rằng cô bị cha mẹ ép gả cho một “ông già”, nhưng cô vẫn giữ mối tình thiêng liêng chung thủy với người nghệ sĩ tài hoa. Cho nên tưởng làm vui lòng người yêu, chàng lấy tên nàng để ký dưới bài thơ thương tiếc, với những câu tình tứ như: Từ đấy thu rồi thu lại thu – Lòng tôi còn giá đến bao giờ? – Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ – Người ấy cho nên vẫn hững hờ – Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng – Trời ơi người ấy có buồn không? – Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ – Tựa trái tim phai, tựa máu hồng – Cho tôi ép nốt dòng dư lệ – Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Nhưng chàng thi sĩ có ngờ đâu không những cô Khánh không hề tỏ chút gì cảm động vì mối tình đau khổ, thủy chung của chàng, hoặc cảm ơn những bài thơ an ủi của chàng, mà trái lại cô còn gởi một bức thư vô cùng tàn nhẫn hằn học nào là “Anh giết đời tôi, anh biết không?” nào là anh mang chuyện cũ ra viết “chẳng ích gì”, cô lại còn tỏ ý khinh rẻ: “Từ nay anh cứ đem thơ anh bán rao để kiếm chút hư vinh, nhưng anh hãy để tôi yên” v.v...Bấy giờ Thâm Tâm mới thức tỉnh, tìm lời bào chữa cho mình! Nào là: ...Anh biết cái gì xưa đã chết – Anh càng buồn, càng muốn viết thành thơ– Nhưng thôi: Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ – Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn. Thâm Tâm tự hạ mình viết kính dâng tặng bạn có ý xin lỗi chua chát người không phải là người yêu của mình nữa, và chàng đã viết: Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào! (Nàng đã không muốn yêu nữa, thì giữ làm sao được?). Và: Có gì đâu, khi bướm muốn xa cành !

Thâm Tâm không những đã tỉnh ngộ, mà lại còn uất hận vì thái độ khinh bạc của cô Khánh: ...Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá – Nhưng lòng Anh đã bình thản lại rồi – Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi – Niềm uất hận của một thời lạc lối – Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối – Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền – Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên.

Thâm Tâm tự thú nhận: Lấy nghệ thuật văn thơ để làm trò hề múa rối, (vì sự thật chẳng có gì cả) trong mấy bài thơ ký tên T.T.Kh với mục đích “Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền, để khẩn cầu xin một nụ cười duyên”. Để rồi, mai mỉa thay, nhận những lời khinh khi ngạo mạn, và hằn học của nàng. Đó là “niềm uất hận” của Tuấn Trình trong một thời “lạc lối” (lầm đường lạc lối). Nhưng: Thôi em nhé, từ đây anh cất bước – Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui... Chàng hứa chấm dứt trò hề múa rối về văn thơ. Và nàng không mong gì hơn.

Để tôn trọng thực tế những sự kiện đã qua trong lịch sử hay trong văn học, để đừng xuyên tạc những chuyện không có, phải nói ngay rằng tên T.T.Kh không hề gợi một dư luận nào “xôn xao” ở thời tiền chiến, và cuộc tình duyên của Tuấn Trình (Thâm Tâm) với cô Trần Thị Khánh không hề gây một xúc động nào về tâm lý cũng như về văn chương trong giới văn nghệ và giới trẻ thời bấy giờ.

Tôi chắc rằng những nhà văn thơ tiền chiến ở Hà Nội hiện còn sống tại Sài-Gòn, như các anh Vi Huyền Đắc, Lê Tràng Kiều, Tchya, Vũ Bằng...(cả các anh Nhất Linh và Lê Văn Trương vừa tạ thế mấy năm trước) đều phải hết sức ngạc nhiên thấy một vài người của thế hệ hậu chiến ở Sài-Gòn bỗng dưng tôn sùng ba tên T.T.Kh thành một thần tượng và biến mối tình rất tầm thường, có thể nói là quá tầm thường của cô học trò cũ trường tiểu học Sinh-Từ, thành một thảm kịch của tình yêu.

Nguyễn Nhược Pháp, nhà ở gần nhà cô Khánh, chỉ cách năm, sáu căn, mà cũng không hề nghe nói đến cô này, và cũng không biết một tí gì về mối tình của một họa sĩ kiêm thi sĩ Tuấn Trình hay Thâm Tâm, xảy ra cùng dãy phố với anh.

Cũng như người đàn bà tên Mộng Cầm, hiện là vợ một giáo chức ở Phan Rang, đã phủ nhận những chuyện người ta thêu dệt về mối tình bạn của bà, lúc còn là nữ y tá, với thi sĩ Hàn Mặc Tử :” Tôi không thể yêu được một người bị bệnh cùi !” Bà Mộng Cầm đã thẳng thắn nói thế, không thể trách bà được.-

 

Nguyễn Vỹ

 

Ghi chú:

Rất tiếc không biết xuất xứ; ức đoán bài được viết vài năm sau khi Lê Văn Trương chết (1964) như Nguyễn Vỹ nhắc tên.
Nhiều người viết vể TTKH như những huyền thoại, khác với Nguyễn Vỹ nhưng không ai dám phủ nhận hay sửa sai bài nầy. Số người danh tiếng văn học Hà Nội sống ở Saigon dễ gì để cho người Quảng Ngãi nầy tung hoành mà không lên phản ứng. Nguyễn Vỹ đã nói ở chỗ khác rằng Lưu Trọng Lư dùng một bài thơ của Nhật để viết bài tự cho là để đời: con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô. Mới đây (2017) có bà cụ 90 tuổi tự nhận là người đem bài thơ của TTKH đến tòa soạn; bà là bạn của "tác giả" (?), bà cụ còn nói đã học chung tại trường Đồng Khánh Hà Nội trong khi cô Khánh không đậu tiểu học phải ở nhà giúp mẹ. Bà đã "tự sướng" làm bạn với một nữ thi sĩ, cũng như có người ghi trên danh thiếp là hàng xóm của ứng cử viên thống đốc (thất cử). Bám vào kẻ khác kiếm chút danh vọng là việc làm rất người; chẳng dám khen chê.

Antigone nhiều khi được gọi không đúng là hoa tim vỡ (broken heart / crève coeur)