Wednesday, September 27, 2023

Cô Nhỏ Trúc Quan Âm - Nguyễn Thái Hải

 

CÔ NHỎ TRÚC QUAN ÂM






Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường trung học tỉnh lỵ. Vì thế, vào giờ tan học, chừng mười một giờ rưỡi trưa hay năm giờ rưỡi chiều, những cô cậu nhỏ học sinh trung tiểu học nhà gần trường, ở khu xóm tôi hay khu xóm kế cận, đi bộ lũ lượt ngang qua trước nhà tôi. Những cô cậu nhỏ trong đồng phục học sinh nhắc nhở tôi thật nhiều đến những kỷ niệm ấu thơ, cho nên, tôi hay ẵm bé Dũng Tâm ra ngồi nơi ghế xích đu trước cửa, nhìn ngắm cảnh đẹp mắt và nên thơ đó vào mỗi buổi chiều.

Vợ chồng tôi chọn mua căn nhà này không phải vì nó rộng rãi, khang trang – chúng tôi mới có một đứa con, lại thích sống giản dị, đâu đòi hỏi tiện nghi gì lắm – nhưng vì căn nhà có một khoảng đất trống phía trước chừng bốn thước, đủ để chúng tôi làm một vườn bông. Vợ chồng tôi cùng chung một sở thích yêu cây cỏ, hoa lá. Dọn đến nhà mới, bỏ một tuần lễ để thu xếp trong nhà xong, chúng tôi ra tay trồng bông phía trước nhà ngay. Hàng rào kẽm gai ngoài cổng, chúng tôi trồng bìm năm lá, chỉ hai tháng đã xum xuê xanh mướt và rộ nở những cánh hoa màu tím hoa cà. Lối đi từ cổng vào trước cửa nhà, tôi cho trải đá vụn xanh và trồng cỏ chi lan dọc theo hai bên lề. Phần đất còn lại ở hai bên, chúng tôi trồng nhiều loại bông khác. Không lâu lắm, từ ngày dọn đến ở tới nay khoảng nửa năm, chúng tôi đã lập được một vườn bông như ý.

Chiều hôm đó, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi ẵm bé Dũng Tâm ra ngồi chơi nơi ghế xích đu. Con trai tôi vừa tròn hai tuổi, bướng bỉnh nhưng cũng dễ thương, có thể ngổi yên trên ghế xích đu với điều kiện trong tay phải có vài cái bánh bích quy. Vợ tôi luôn trữ sẵn bánh kẹo trong nhà để dỗ bé Dũng Tâm mà cũng để đãi khách tới chơi nhấm nháp với ly nước trà nóng nữa. Hôm đó, tôi dỗ Dũng Tâm bằng hai cái bánh để có thể yên tâm xách thùng tưới cây trước khi ra ngồi với con ngắm các cô cậu nhỏ học trò lũ lượt đi học về ngang qua. Mất chưa đầy mười phút tưới cây, nhưng tôi mất đến mười lăm phút mà chưa tỉa xong đám bông mười giờ mọc thật rậm, lan cả ra lối đi, trùm lên những bụi chi lan. Đang tỉa bông, tôi nghe tiếng a a của bé Dũng Tâm đồng thời với những tiếng trò chuyện huyên náo, tiếng chân người mỗi lúc một nhộn nhịp ngoài đường. Không cần nhìn ra, tôi cũng biết đã đến giờ tan học.

Nhưng bé Dũng tâm lại a a lên nữa. Tôi hỏi :

- Gì đó con ?

Con tôi, hai tay còn giữ nguyên hai cái bánh chưa ăn, đưa ra phía cổng để trả lời tôi. Tôi quay nhìn ra phía đó. Có mấy cô nhỏ đang lấp ló trước cổng nhà tôi, vừa mặc áo dài trắng, vừa mặc áo bà ba, nghĩa là lẫn lộn vừa trung, vừa tiểu học. Tôi hỏi :

- Gì đó các em ?

Mấy cô nhỏ thụt cả về hai bên, khuất sau hàng rào bìm năm lá. Rồi một cô nhỏ áo dài trắng bị đẩy ra, cô nhỏ lại chạy thụt vào. Kế là cô khác. Tôi nghe mấy cô nhỏ nói với nhau :

- Mầy hỏi đi.

- Thôi, mầy đi.

Mấy cô nhỏ thật dễ thương, tôi đoán cả bọn ghé lại nhà tôi chỉ vì vườn bông. Tôi rửa tay rồi bước ra trước cổng. Mấy cô nhỏ chạy dạt cả ra lề đường, định bỏ đi. Tôi hỏi một cô nhỏ còn đứng gần đó :

- Các em muốn hỏi gì ?

Cô nhỏ mặc áo dài trắng, tóc buông xõa, đôi mắt nai, có lẽ phải thu hết can đảm mới nói được câu :

- Tụi nó muốn xin ông ít cây bông…

Tôi cười để gây thiện cảm và nói với cô nhỏ mắt nai :

- Em nói với các bạn lại đây, rồi tôi cho.

Không đợi cô nhỏ gọi, cả bọn đến mười mấy cô nhỏ ở xa, trong trạc chín, mười, lớn lắm là mười hai, mười ba, đã ùa kéo lại bên cổng nhà tôi. Mấy cô nhỏ nhao nhao lên :

- Ông cho em một nhánh cúc.

- Bác cho cháu xin mấy ngọn mười giờ.

- Chú cho con nhánh lá thuộc bài…

Tôi đứng nơi cổng, hỏi cả bọn :

- Bộ tôi già lắm sao mà các em kêu bằng ông, bằng bác ?

Một cô nhỏ đáp :

- Ông có râu rồi mà !

Tôi bật cười vì câu nói hồn nhiên đó :

- Tôi mới hai mươi lăm tuổi…

Một cô nhỏ buột miệng :

- Anh hai của em cũng hai mươi lăm.

- Vậy các em có quyền coi tôi như anh hai các em vậy…

Cả bọn huých nhau huyên náo :

- Ê tụi bay, anh hai có con trai ngồi trong kia kìa…

- Anh hai tao có tới ba đứa lận, tụi nó phải kêu tao bằng cô… Ngon lành chưa ?

Anh hai ! Chị hai ra kìa…

Tôi quay nhìn vào nhà. Vợ tôi đã ra đứng trước cửa. Bé Dũng Tâm đòi mẹ ẵm, vợ tôi cúi xuống đỡ con. Tôi nói:

- Mấy cô nhỏ xin bông, em à.

Vợ tôi nói :

- Sao anh chưa mở cổng cho các em vào ?

Tôi vừa cười vừa mở cổng. Mấy cô nhỏ ùa vào. Trong cái hỗn độn đó, tôi nghe được mấy câu nói :

Chị hai dễ thương và oai ghê.

- Oai gì ?

Chị hai nói mở cổng là anh hai mở cổng liền…

Vợ tôi cười hỏi tôi :

- Tại sao hôm nay bỗng dưng anh lại là anh hai vậy ?

Tôi đáp :

- Tự ý mấy cô nhỏ gọi anh đó chứ.

Vợ tôi nói với mấy cô nhỏ :

- Các em lại đây chị bảo.

Mấy cô nhỏ xúm quanh vợ tôi như bầy học sinh trong vườn trẻ đứng quanh cô giáo. Tôi đứng một mình chứng kiến cảnh thơ mộng đó. Vợ tôi hỏi :

- Các em đến xin bông phải không ?

- Dạ phải.

- Chị sẽ cho mỗi em một nhánh bông tùy theo ý thích của từng em, nhưng trước hết, các em phải cho chị biết tên cái đã.

Vợ tôi vẫn thế, thích làm quen với các cô cậu nhỏ. Tôi nghe những cái tên con gái quen thuộc như Hồng, Châu, Thu, Lan, Tuyết, Hằng… nhưng chẳng tài nào nhớ được cô nhỏ nào tên gì. Tuy nhiên, tôi tin vợ tôi nhớ. Vợ tôi có một trí nhớ đáng kể và đã nhiều lần được chứng minh.

Để vợ tôi ở lại với mấy cô nhỏ chuyện trò, tôi thu dẹp đồ nghề tưới bông đem ra nhà sau. Khi tôi trở lên thì tất cả đã rời chỗ, xúm quanh chiếc ghế xích đu. Thấy tôi lên, mấy cô nhỏ bỗng cùng hướng về phía tôi. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi :

- Có chuyện gì rồi đây phải không ?

Một cô nhỏ áo bà ba nói :

- Em đã biết anh là ai rồi.

- Là ai ?

- Anh là anh Dũng Tâm trên báo chứ gì ?

- Chắc chị nói cho các em biết ?

Cô nhỏ không đáp mà nhìn vợ tôi cười. Đó là câu trả lời. Một cô nhỏ nói :

- Không ngờ lại gặp anh ở đây. Em sẽ nói cho tụi bạn biết và rủ tụi nó tới đây chơi…

Tôi cười nói với vợ tôi :

- Nhắm chừng đủ tiền mua bánh đãi mấy cô cậu nhỏ này không đấy mà lo giới thiệu ?

Vợ tôi cười không đáp, quay nói với mấy cô nhỏ :

- Thôi, các em lấy bông rồi về chứ ? Nào, em Thu, em thích bông gì ? Em Hằng ? Em Tuyết ?... ?

Tôi trố mắt nhìn vợ tôi gọi tên từng cô nhỏ mới quen mà thầm phục. Hỏi một vòng, vợ tôi tổng kết :

- Xin anh cho em năm nhánh duyên cúc, một bó mười giờ, một nhánh bướm bạc, một nhánh lá thuộc bài, hai đóa hồng nhung, và hai nhánh bông dừa…

Tôi vui vẻ hái đủ số. Vợ tôi chia cho từng cô nhỏ. Mỗi khi vợ tôi đưa một nhánh bông ra, lại gọi tên một cô nhỏ. Tôi cố ghi nhớ nhưng chỉ nhớ được cô nhỏ đầu tiên tên Tuyết xin nhánh bướm bạc, cô nhỏ thứ nhì tên Hằng xin nhánh lá thuộc bài và cô nhỏ mắt nai xin nhánh duyên cúc. Chín cô nhỏ còn lại với chín cái tên lẫn lộn, mù mờ rồi biến mất trong trí nhớ của tôi.

Có bông trong tay rồi, mười hai cô nhỏ xin phép ra về. Lần này thì vợ tôi ra mở cổng. Mỗi cô nhỏ trước khi ra về, không quên hôn bé dũng Tâm một cái thật kêu làm con tôi khó chịu, khóc ré lên. Tôi ngồi trên chiếc ghế xích đu đợi vợ tôi trở lại. Vợ tôi hỏi :

- Mấy cô nhỏ dễ thương chứ anh nhỉ ?

Tôi nhăn mặt :

- Anh chỉ sợ rồi vườn bông của mình trổ không kịp để mấy công nương đó xin quá. Mà nào phải chỉ có chừng đó cô nhỏ, mười hai có thể thành hai mươi bốn, nếu mỗi cô nhỏ chỉ cần kể truyện với một cô nhỏ bạn…

Bé Dũng Tâm nhoài người đòi tôi ẵm. Vợ tôi trao con cho tôi :

- Trả anh cục cưng đấy, em sửa soạn cơm tối.

Tôi ẵm bé Dũng Tâm, nựng con :

- Chắc mấy cô lúc nãy làm con bực mình lắm nhỉ ?

Rồi tôi gọi với vào trong nhà :

- Bắt đền con trai anh một cái bánh nghe em.

Tiếng vợ tôi vọng ra :

- Có ngay. Anh đợi em một phút.

Gió reo vui qua những nhánh lá thuộc bài. Tôi tưởng tượng ra sự vui vẻ của mười hai cô nhỏ xin bông trên đường về. Liệu những cô nhỏ dễ thương này có gợi cho tôi một hứng thú sáng tác nào chăng ?

° ° °

Từ đó, mỗi buổi chiều, trừ chiều chủ nhật và ngày lễ, vườn bông trước cửa nhà tôi trở thành trạm ghé chân đôi chút của không phải hai mươi bốn cô nhỏ như tôi nghĩ, mà nhiều hơn nữa, đến nỗi vợ tôi cũng chịu thua không nhớ nổi tên các cô cậu nhỏ. Có những cô cậu nhỏ hiếu kỳ ghé cùng chúng bạn một hai lần để xem mặt mũi anh Dũng Tâm báo Hồn Nhiên ra sao, những cô cậu khác thì để ngắm vườn bông một chút, cũng có cô cậu nhỏ ghé lại để hỏi thăm một vài người bạn cùng ban biên tập với tôi, một số tạt qua không mục đích. Chỉ một số nhỏ thường xuyên xin bông, về nhà chưng hay làm gì đó không rõ. Con số nhỏ đó trên dưới mười lăm mà vợ tôi nhớ tên rất rõ.

Phần tôi, một hôm tình cờ nói chuyện với vợ tôi về một cô nhỏ hay xin bông duyên cúc, trong lúc vợ tôi gọi tên cô nhỏ đó thì tôi gọi là cô nhỏ duyên cúc. Vợ tôi bật cười :

- Cô nhỏ duyên cúc ! Anh định đặt tên lại cho mấy cô nhỏ đó chắc ?

Tôi nảy ngay ra một ý :

- Ừ nhỉ ! Cái tên nghe cũng hay đấy chứ ? Anh mau quên, chắc phải gọi như thế mới nhớ được. Đâu nào, em nói sơ cho anh nghe về mấy cô nhỏ hay lui tới nhà mình xem sao…

- Cô nhỏ Lộc thường xin hồng nhung.

- Cô nhỏ đó sẽ là cô nhỏ Hồng Nhung.

- Cô nhỏ Thanh thích bông dừa trắng.

- Đó là cô nhỏ bông Dừa Trắng.

- Nhỏ Tiên thích cỏ chi lan.

- Cô nhỏ Chi Lan…

Những cái tên ngộ nghĩnh tôi gọi mấy cô nhỏ được tôi sử dụng từ đó. Và không ngờ, những cái tên đó khiến tôi dễ nhớ hơn là những cái tên Lộc, Thanh, Tiên, Tuyết… Nó cũng làm thích thú các cô nhỏ nữa. Cô nhỏ bướm bạc nói với tôi : “Anh là nhà văn có khác. “. Tôi nghĩ thầm, phải chăng sự tình cờ cũng là một yếu tố quan trọng trong khi làm văn nghệ ?

° ° °

Một sáng chủ nhật, tôi dành trọn buổi để cắt tỉa, tưới bón lại vườn bông. Đến cây Trúc Quan Âm, một loại trúc kiểng thân nhỏ bằng nửa cây đũa, lá phân nhánh nhiều, phải uốn theo một trụ sườn nào đó, thường ngắt cắm thêm vào các bình bông cúng, tôi phát giác ra rằng cây kiểng này bị ngắt ba nhánh lớn. Tôi cố nhớ xem mình có cắt hay không, nhưng nghĩ mãi không ra. Các cô nhỏ tới chơi thường chỉ xin một nhánh lá nhỏ chứ chưa hề xin cả một nhánh lớn. Tôi hỏi vợ tôi, vợ tôi nghĩ một lát rồi nói :

- Hôm qua em có cắt cho cô nhỏ Hồng Nhung một nhánh lá, nhưng một nhánh nhỏ thôi chứ đâu cắt ngang thân thế kia !

Thắc mắc của tôi không giải đáp được trong ngày hôm đó. Rồi tôi cũng quên bẵng đi đến cuối tuần đó, nhân ngắt một nhánh thêm vào bình bông cúng mồng một, tôi lại phát giác ra cây cây trúc quan âm bị cắt thêm hai nhánh lớn ngang thân nữa. Ai đã cắt nhánh trúc quan âm và cắt để làm gì ?

Tôi quyết để tâm tìm ra sự thực, không phải vì tiếc mấy nhánh trúc quan âm bị mất, cây trúc của tôi vốn tươi tốt, có cắt vài nhánh cũng chẳng sao, nhưng tôi muốn tìm ra câu trả lời cho thắc mắc của mình. Những buổi chiều sau đó, tôi kín đáo để ý đến những cô nhỏ lại gần cây trúc quan âm. Không uổng công, một tuần sau, vào buổi chiều thứ hai, tôi đã biết được ai là người cắt nhánh cây kiểng này. Đó là một cô nhỏ tiểu học, mặc bà ba hơi cũ, không xa lạ gì với gia đình tôi. Cô nhỏ là con của người thiếu phụ làm mướn cho gia đình cạnh nhà tôi. Cô nhỏ thừa lúc vợ tôi lo cắt bông cho mấy cô nhỏ khác và tôi khuất vào nhà trong, lấy cái bấm móng tay loại lớn ra cắt nhanh một nhánh trúc quan âm. Cô nhỏ có ngờ đâu tôi tránh vào nhà chính là để dò xét !

Tôi để yên cho cô nhỏ đem nhánh trúc quan âm về nhà. Câu hỏi ai đã cắt trúc quan âm giờ lại được thay bằng câu hỏi cô nhỏ cắt cây về làm gì ? Và tại sao cứ khoảng một tuần lại cắt một hai nhánh ?

Vợ tôi giúp tôi tìm được câu trả lời. Với một cái cớ, vợ tôi sang chơi gia đình bên cạnh, tìm cơ hội xuống bếp, nơi mẹ con cô nhỏ trú ngụ. Sự thực không ngờ, tôi tưởng như có thể kéo cả hồn tôi trở về thời dĩ vãng ấu thơ ngây dại xa xưa.

Bên cạnh bếp có một khoảng đất nhỏ không đầy một thước vuông mà cô nhỏ trồng đến phân nửa số bông có tại vườn bông của tôi. Cô nhỏ đã lấy hột giống từ vườn nhà tôi về, cũng gieo trồng, chăm sóc mỗi thứ một hai cây. Những nhánh trúc quan âm được cắm trang trọng trong một chậu kiểng nhỏ xíu, héo úa. Cô nhỏ có ngờ đâu rằng muốn trồng trúc quan âm, phải đào củ chứ đâu phải cắm nhánh. Thảo nào cứ khoảng một tuần, cô nhỏ lại cắt một nhánh về để trồng thay cho nhánh trước đã héo !

Kể xong những gì biết được từ cô nhỏ, vợ tôi cười bảo tôi :

- Thế là anh có bạn vong niên rồi nhé !

Tôi đáp :

- Em nói phải. Đâu dễ gì có được người bạn thích bông như thế, nhất nữa là một cô nhỏ tuổi tiểu học…

Tôi thoáng nghĩ trong trí, mình phải có một món quà gì cho cô nhỏ bạn vong niên đó chứ ! Phải, tại sao lại không nhỉ ?

° ° °

Cô nhỏ định cắt nhánh trúc quan âm, nhưng tôi đã từ trong nhà bước ra, cô nhỏ vội giấu cái bấm móng tay. Tôi cười thầm mà tội nghiệp cho cô nhỏ. Tôi hỏi cô nhỏ :

- Em thích cây trúc quan âm này chứ ?

- Dạ… thích.

- Coi vậy chứ nó dễ trồng lắm.

- …

- Chỉ cần cắm nhánh trong một hai ngày là cây mọc lên tươi tốt ngay.

- Vậy sao em cắm hoài… ?

- Em có trồng ?

Cô nhỏ thoáng đỏ mặt. Tội nghiệp người bạn vong niên của tôi, bị tôi nói đùa mà đâu biết. Cái tuổi hồn nhiên mới ngây thơ và đáng mến làm sao !

- Anh chị mới gầy được một bụi trúc quan âm để tặng một người bạn. Em có muốn xem không ?

Hỏi rồi không đợi cô nhỏ trả lời, tôi đi về một góc vườn bông, nơi tôi mới trồng một gốc trúc quan âm lấy từ gốc trúc cũ ra. Cô nhỏ nhìn mấy nhánh trúc mới đâm lên tươi mướt mà ngạc nhiên vô hạn. Tôi nói với một giọng bí mật :

- Anh chị biết có một người rất thích trúc quan âm trong số các em thường lui tới đây, nhưng tiếc rằng chưa biết rõ là em nào. Bụi trúc này để tặng cho em đó, nếu anh chị tìm ra…

Cô nhỏ lại đỏ mặt. Có tiếng vợ tôi gọi nhờ cắt dùm một nhánh bướm bạc, tôi để cô nhỏ trúc quan âm ở lại với bụi trúc, tiến về phía cây bướm bạc.

Hôm đó, tôi lại giả vờ lánh mặt vào trong nhà. Cô nhỏ, đúng như tôi dự đoán, lại thừa cơ hội không ai để ý, cắt một nhánh trúc quan âm đem về ! Cô nhỏ bạn vong niên của tôi ơi ! Làm sao trúc quan âm có thể trồng bằng cách cắm nhánh được !!!

° ° °

Bữa tiệc tất niên tàn, vợ tôi cũng đã nói xong lời từ giã và không quên chúc lành tất cả các cô nhỏ có mặt nhân dịp tết sắp đến. Bấy giờ tới phiên tôi :

- Những ngày tết phải về quê mừng xuân với ông bà nội bé Dũng Tâm, không ở lại với các em được, anh chị rất lấy làm tiếc. Tuy không được đón tiếp các em vào ngày tết, nhưng phần anh chị và bé Dũng Tâm vẫn luôn luôn nhớ đến các em, những đứa em nhỏ trước còn xa lạ, nay đã trở thành thân thiết của anh chị và bé Dũng Tâm. Trước khi lên đường về quê, anh chị muốn tặng mỗi em một món quà mà anh chị tin là các em đều thích… Các em chờ anh một chút nhé !

Các cô nhỏ nhao nhao hẳn lên khi thấy tôi đem từ nhà sau lên những cây bông ươm thật tươi tốt trong những giỏ đất màu mỡ. Vợ tôi bắt đầu công việc :

- Trước hết là Tiên…

Cô nhỏ Tiên tiến đến bên vợ chồng tôi, tôi lấy giỏ cỏ chi lan ra :

- Quà của cô nhỏ Chi Lan nhé ! Vừa lòng không ? Cô nhỏ ?

Cô nhỏ Tiên chớp mắt cảm động, đỡ lấy giỏ bông và lí nhí cám ơn. Vợ tôi gọi tiếp cô nhỏ Hằng, cô nhỏ Hồng phấn, rồi cô nhỏ Tuyết, Hương… cho đến khi chỉ còn lại giỏ cây duy nhất, giỏ trúc quan âm và cô nhỏ cắt trộm trúc hôm nào. Tôi cầm giỏ trúc quan âm lên. Vợ tôi nhìn cô nhỏ mỉm cười. Cô nhỏ bỗng nhiên đỏ mặt như say rượu rồi bỏ chạy ra về trước sự ngạc nhiên của các cô cậu khác. Hơn ai hết, vợ chồng tôi biết cô nhỏ đã hiểu chúng tôi thừa biết cô nhỏ thường cắt nhánh trúc mà không nói ra.

Các cô nhỏ ra về cả rồi, vợ chồng tôi cũng thu xếp đồ đạc để sáng hôm sau về quê sớm.

Sáng đó, hai mươi bảy tết, chúng tôi sang từ giã gia đình kế cận, tặng chủ nhân hai chậu bông duyên cúc đủ màu để chưng tết. Chúng tôi không quên xin phép được ra sau bếp để gặp cô nhỏ trúc quan âm mà đến lúc đó, chúng tôi cũng chưa biết tên là gì. Cô nhỏ xấu hổ trốn trong bếp, người mẹ phải gọi mãi mới ra. Vợ tôi trao cho cô nhỏ giỏ trúc quan âm :

- Chị đền em để chuộc cái lỗi anh đã đùa mà nói với em rằng trúc quan âm trồng bằng cách cắm nhánh, trong khi sự thực phải có củ mới trồng nó được. Em nhận chứ ? Em… Em gì nhỉ ?

Cô nhỏ hồng đôi má, đón lấy giỏ trúc quan âm và đáp nhẹ :

- Thưa chị… em tên Trúc…

Tôi cười nhẹ :

- … Trúc quan âm…

Vợ tôi cười. Cô nhỏ Trúc quan âm cũng cười theo. Những nhánh lá trúc quan âm xanh mơn mởn, khẽ rung trong cơn gió mai thổi nhẹ. Tôi tưởng như mình nhỏ lại. Ơi ! Ngày xưa ngây thơ sao đẹp quá. Cô nhỏ Trúc quan âm của tôi ơi, cô nhỏ có biết là tôi đang thèm được thơ ngây trồng trúc bằng cách cắm nhánh như cô nhỏ không?

Nguyễn Thái Hải

Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975

 

 

 

Chiều Tàn Thu Thôi Hát - Thuyên Huy

 Chiều Tàn Thu Thôi Hát




 













Con chim buồn thôi hát

Điệp khúc chiều tàn thu

Lá thu vàng tan tác

Đường dài phố sương mù

 

Người bỏ đi từ độ

Chim mất bạn lẻ đôi

Quạnh hiu trên cành cũ

Chim vẫn đứng bên đời

 

Như chim buồn lẻ bạn

Tôi cũng đứng bên đời

Lặng lẽ theo ngày tháng

Đếm từng giọt sầu rơi

 

Ở cuối dòng sông nhớ

Chim mỏi cánh ngậm ngùi

Tôi nghẹn ngào đầu phố

Khóc thầm gọi tình ơi

 

Lá rơi bay theo gió

Nắng tím chiều tàn thu

Chim hát lần sau cuối

Điệp khúc tuyệt tình thơ

 

Lá vẫn bay ngoài ngõ

Chuyến xe muộn qua ngang

Không có người năm cũ

Tình chết chiều thu tàn

 

Thuyên Huy

 

Vì Sao Áo Bà Ba Cần Có Năm Cúc - Hồ Quỳnh Châu

 


VÌ SAO ÁO BÀ BA CẦN CÓ NĂM CÚC?




 

Ngày ấy, tôi là một thợ may nghèo, chưa lành nghè nên chỉ dám mở một cửa hiệu nhỏ, nhận đồ sửa quần áo là chính. Một lần, được một anh bạn thân tặng một quyển sách tự học cắt may. Giọng anh vui vẻ: Thấy em khéo tay nên anh tặng em quyển này biết đâu lại giúp được gì cho nghề nghiệp.

Từ đó tôi bắt đầu học cắt may một cách say sưa.

Khi bước đầu có chút kiến thức về nghề, rồi được nhiều người khuyến khích, tôi liều mở một cửa hiệu khá to ngay trên mặt phố. Cửa hiệu của tôi khá đông khách. Ngoài ra còn có cả hơn chục người tới xin học việc.

Chưa thật sự có nhiều kiến thức và nghề cũng chưa cứng nên mỗi khi định dạy học sinh cắt cái gì thì tối hôm trước tôi ôn luyện cái đó, nghĩa là theo kiểu “cơm chấm cơm” như người ta thường nói. Vậy mà học sinh không hề phát hiện mà còn khen: Chị giảng dễ hiểu như giáo viên vậy. Ngày ấy tôi thường rất tự hào.

Nhưng có một lần…

Một bác khách hàng đến may chiếc áo bà ba. Áo bà ba rất khó cắt mà tôi lại chưa cắt bao giờ nên lưỡng lự muốn từ chối. Nhưng cuối cùng tôi liều nhận lời vì không muốn mọi người biết là mình còn yếu kém, sẽ bị giảm uy tín.

Hôm cắt chiếc áo bà ba, tôi đã thức trắng một đêm mò mẫm từng chút một, cuối cùng thì nó cũng thành. Rồi khi may cũng vậy, tôi cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, tự tay là phẳng phiu rồi treo lên chiếc móc, ngắm nghía gật gù ra chiều thích thú.

Bác khách hàng rất thấp, chỉ đến vai tôi nên chiếc áo ngắn cũn. Khi đơm cúc thấy chia khoảng cách làm năm như thông thường thì quá dầy, vì vậy nên tôi quyết định chia làm bốn cho cân xứng với chiếc áo. Làm xong việc ấy, tôi cảm thấy rất lý thú vì nghĩ mình đã có một cuộc canh tân tuyệt vời, chắc hẳn sẽ được khách hàng ưng ý.

Đúng hẹn, bác khách hàng đến lấy và mặc thử. Bác soi gương, ngắm trước ngắm sau rất lâu. Tôi thì thót tim, chỉ sợ bác ấy chê xấu và bắt đền. May quá bác cởi ra và bảo tôi cho vào túi. Tôi vui sướng như mở cờ trong bụng.

Đang gấp chiếc áo tự nhiên bác ấy cầm tay tôi và bảo:

Ơ! Sao em đơm cho chị có bốn cái cúc thế này?

Tôi giải thích: Vì cái áo ngắn quá nên đơm năm cúc nhìn rất xấu. Em đã thử đặt rồi nhưng nhìn rất vô lý! Đây là sự cải tiến của em đấy, chị biết không.

Bác hơi cau mày: Nhưng từ xưa đến giờ không ai làm như thế! Áo thì phải có năm cúc chứ em!

Tôi hơi phật ý: 

- Em đã nói rồi. Đây là một cải tiến của em. Chị mặc trông đẹp mà.

- Nhưng áo thì phải có năm chiếc cúc mới đúng. Cải tiến gì thì cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ.

Câu đi câu lại nhưng có lẽ bác ấy cũng không phải là người quá khó tính nên đã nhận chiếc áo với vẻ mặt không vui. Còn tôi thì thầm nghĩ, bác ta thật vô lý, đã làm đẹp cho mà lại không biết điều.

Tuy trả được chiếc áo, suốt cả ngày hôm đó tôi làm việc trong tâm trạng không thoải mái, bứt rứt khó chịu và thắc mắc rất nhiều về cái áo, tại sao nhất định cứ phải là năm cúc mà không phải là bốn hay sáu…

Hôm sau, tôi về nhà lục tung hòm quần áo của mẹ lên và đếm gần chục chiếc áo cả cũ lẫn mới và thấy cái nào cũng năm chiếc cúc cả. Nghĩ lại câu nói hôm qua của bác khách hàng “cải tiến nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ” tôi bỗng cảm thấy hình như mình đã có điều gì không phải.

 

Từ sau ngày ấy mỗi khi ra đường tôi thường nhìn chằm chặp những người già mặc áo bà ba để đếm từng chiếc cúc như người lẩn thẩn. Và đúng là chiếc áo bà ba nào cũng có đủ năm chiếc cúc. Lạ thế.

Nhiều năm trôi qua, tôi bỏ nghề may chuyển sang nghề bán hoa tươi, quên dần bác khách hàng năm xưa. Câu chuyện cũ cũng tưởng như trôi vào quá khứ.

Một buổi chiều tôi đang cắt những tờ báo cũ để gói hoa cho khách, thì bất chợt nhìn vào góc tờ báo có dòng chữ: Bí mật năm chiếc cúc áo.

Như người chết đuối vớ được cọc, tôi cầm tờ báo đọc lấy đọc để.

Câu chuyện kể rằng: Ngày xưa học trò toàn mặc áo bà ba, trên chiếc áo quy định năm chiếc cúc là tượng trưng cho năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Mỗi lần thầy giáo gọi, học trò lên bảng đầu cúi thấp khoanh tay trước ngực, khi trả lời không được, thầy giáo thường bắt trò vân vê 5 chiếc cúc áo và bắt nói về ý nghĩa của từng chiếc cúc một.

Chiếc cúc áo trên cùng là chữ nhân (người thiếu nhân sẽ trở thành kẻ độc ác). Chiếc thứ hai là chữ nghĩa (người thiếu nghĩa sẽ trở thành kẻ bội bạc). Cứ như vậy cho đến chiếc cuối cùng.

Chao ôi! Tôi vừa sung sướng vì đã giải được những thắc mắc của mình mấy chục năm nhưng lại xấu hổ về sự thiếu hiểu biết của mình. Giá như ngày ấy tôi hiểu được ý nghĩ của từng chiếc cúc áo thì đâu dám cả gan “cải tiến” cái áo bà ba thành bốn cái cúc như vậy. Hóa ra, sự cách tân của tôi chỉ là một việc làm liều lĩnh và điên rồ.

Sáng nay trời chớm Đông se lạnh, tôi mở tủ để lấy quần áo, tự nhiên tôi lại chọn cho mình cái áo có đủ năm chiếc cúc để mặc và chợt nghĩ đến bác khách hàng thấp bé ngày nào.

Bây giờ không biết bác đang sống ở nơi đâu. Nếu đọc được những dòng này, xin bác hãy quay lại gặp tôi ở cửa hàng hoa Minh Châu thuộc phường Hoa Chè, thành phố Sông Phượng.

Gặp lại bác, dù không còn làm nghề may nữa, tôi nhất định sẽ tưởng nhớ lại nghề cũ để may đền bác một chiếc áo bà ba thật đẹp, có đủ năm chiếc cúc.-

 

Hồ Quỳnh Châu

304Đen – llttm- MT68

Có Một Người Không Có Trong Đám Đông - Khuê Việt Trường

 

CÓ MỘT NGƯỜI KHÔNG CÓ TRONG ĐÁM ĐÔNG

 


Khi gặp Diễn lần đầu tiên, tôi biết rằng người đàn ông mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm cho đời mình đã xuất hiện. Đó là hôm khai mạc phòng tranh của các họa sĩ miền Trung và Tây Nguyên tổ chức thường kỳ tại trung tâm triển lãm thành phố.

Trong phòng khách của nhà tôi, có một bản sao bức Mùa thu vàng của Levitan. Bức họa khiến tôi thèm muốn có một lần nào đó được bước chân vào cái không khí thu thực sự với những con đường ngập lá vàng, những chiếc lá óng vàng khi những tia nắng mặt trời chiếu rọi qua. Có lẽ chính vì yêu mùa thu từ bức tranh của Levitan, mà khi bước vào phòng triển lãm, chạm phải bức tranh lạ lùng Mộng của tôi, tôi giật thót mình khi nhìn thấy gương mặt cô gái đang nhìn chiếc lá vàng chao rụng xuống bờ hồ là gương mặt của tôi. Tôi chứ không ai khác, đang chăm chú nhìn mùa thu đang trôi qua bằng một chiếc lá vàng. Tôi nhận ra phong cảnh làm nền cho bức tranh chính là hồ Hoàn Kiếm vì có ngọc tháp quen thuộc ẩn mình trong tranh. Càng đáng ngạc nhiên hơn vì tôi chưa hề đặt chân đến Hà Nội bao giờ.


Đó là bức tranh của Diễn, bức tranh không hề đoạt giải và cũng chẳng có chiếc nơ nào gắn lên để chứng tỏ rằng nó đã được mua. Còn tôi có mặt trong phòng tranh hôm đó không phải vì yêu thích hoặc đam mê nghệ thuật, mà bởi vì tôi có nhiệm vụ mang lẵng hoa tới cho kịp giờ khai mạc do một người khách gửi đến. Tôi làm việc ở bưu điện trung tâm.

Bức tranh chỉ ký tên rất gọn: Huỳnh Diễn. Và ngày hôm đó Diễn không có mặt tại phòng tranh, trong một buổi lễ mà mọi người đều mặt veston, thắt cravat, đôi giày của ai cũng đều đánh bóng và ai cũng mang bên mình một xấp danh thiếp để sẵn sàng giới thiệu về mình cho bất cứ một nhân vật nào có mặt. Những nhà doanh nghiệp luôn luôn được chú ý, có thể họ không hiểu gì về hội họa và cũng chẳng yêu thích gì hội họa, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra một món tiền lớn để mua bức tranh nào đó để chứng tỏ sự lịch lãm của mình trưóc đám đông. Diễn không có mặt, và chắc anh cũng không thiết tha gì để bán bức tranh duy nhất gửi dự treo. Chính sự không có mặt ấy thôi thúc tôi đi tìm anh để tìm câu trả lời tại sao anh lại có thể vẽ tôi- chứ không phải là ai khác- trong bức tranh của anh.

Hôm ấy, khi tôi đang ngồi ăn đỡ gói xôi mang theo trong buổi sáng đang vắng khách thì Diễn xuất hiện. Diễn đứng áp sát bên tấm kính chắn giữa giao dịch viên và khách hàng, nhìm chăm chăm vào tôi khiến tôi ngượng đến đỏ cả mặt. Anh nói như reo lên: " Đây rồi!" .

Vâng, sau này tôi mới biết câu chuyện về bức tranh của Diễn không phải là tình cờ, mà lại từ một cảm hứng. Diễn đã bắt gặp " tôi" trong một bức ảnh minh họa trên một tờ báo. Khi nhìn thấy bức ảnh, anh không nghĩ rằng sau đó anh đã bị ám ảnh và trong một lần ngẫu hứng dạo theo bờ hồ Hoàn Kiếm vào một ngày thu, anh đã thể hiện nét bút của mình. Hôm triển lãm anh vẫn còn đang ở tận Hà Nội vì bận một số việc chưa về kịp. Sau đó anh nghe bè bạn kể chuyện về cô gái đem hoa tới có khuôn mặt giống như bức chân dung do chính anh vẽ. Và anh đã tìm tới tôi.



° ° °

Anh không phải là người của đám đông chiêm nghiệm, khen ngợi hoặc chê bai. Thế giới sống của Diễn và tôi là hai thế giới khác. Nhưng khi chạm vào đôi mắt của Diễn, tôi biết tôi không thể nào để vuột mất anh.

Sáng hôm ấy, anh hẹn tôi ra tận Bãi Tiên, ngồi trong một quán vắng, nhìn ra một ghềnh đá. Những bọt sóng cứ mải mê lao vào tảng đá ấy rồi bắn tung toé lên cao. Anh nói rằng anh chọn nơi này bởi vì ít người tìm đến, và bởi vì anh chỉ thích sự tĩnh lặng. Diễn có lý, vì chính sự yên lặng của nơi này đã khiến cho tôi nghe được những tiếng bọt sóng vỡ tan khi chúng rơi vào ghềnh đá. Cũng từ buổi gặp gỡ ấy, tôi bước vào thế giới của Diễn một cách bất ngờ, và tôi cứ ngỡ rằng bằng linh cảm của một người phụ nữ, tôi có thể hiểu được hết những gì Diễn giấu kín trong tim.

Diễn đẹp trai với gương mặt toát ra một sức hút nhất định đối với người đối diện. Anh có nụ cười nửa môi khiến cho bất cứ ai đã gặp đều không thể quên được. Và thế là ngoài những giờ làm giao dịch viên bưu điện, thời gian còn lại tôi đều dành cho anh.

Nhưng tôi không hiểu tại sao một con người tài hoa và nhạy cảm như Diễn lại hoàn toàn không thích đám đông ? Anh không bao giờ có mặt trong những tiệc cưới, anh tách mình ra ngoài những cuộc nhậu nhẹt rượu chè hoặc có chăng thì anh luôn im lặng, không ồn ào. Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, anh không biết tặng hoa hoặc nói những lời hoa mỹ để làm đẹp lòng tôi.

Trong tình yêu, người ta không nhìn thấy sự thiếu hụt của nhau. Tôi bị cuốn vào Diễn như một con thiêu thân bị cuốn vào ánh đèn chói lòa. Diễn nói: " Có thể một ngày nào đó em sẽ chán anh" . Tôi im lặng, rồi nhìn vào đôi mắt anh đang chăm chú nhìn tôi: " Tại sao phải chán anh ?" . " Vì chúng ta ở hai thế giới riêng. Em cần phải gặp nhiều người, còn anh thì không muốn gặp ai" . Nhiều lần, anh từ chối khi tôi ngỏ ý theo anh đến Hà Nội. Hà Nội là nỗi mơ ước tìm gặp của tôi. ở đó, tôi nghe nói có nhiều đình chùa cổ với những huyền thoại khác nhau. Tôi muốn cùng Diễn lang thang trên những con đường đầy cây xanh của Hà Nội, ghé Hồ Tây ăn món ốc hấp gừng hoặc món bánh tôm lừng danh. Nhưng Diễn chỉ cười: " Gặp anh là đủ rồi. Hà Nội thì cũng như ở nơi đây thôi, cũng đường phố, cũng người và xe cộ" . Những cuộc gặp của chúng tôi hoàn toàn do Diễn chủ động tìm đến hoặc gọi điện thoại đến nơi tôi làm việc. Rồi chia tay, anh đưa tôi về trên chiếc xe của anh, rồi hẹn gặp. Anh mất hút trong đám đông.

Anh vẫn vẽ những bức tranh, những bức tranh có khi bán được, có khi được triển lãm. Nhưng trong tất cả những bức tranh Diễn vẽ sau này, không có bức nào tôi thích bằng bức tranh tôi đã gặp lần đầu, bức tranh vẽ mùa thu Hà Nội.

° ° °

Ai đó đã nói nếu cuộc sống thiếu sự bất ngờ thì cuộc sống trở nên nhàm chán. Điều đó có lẽ cho đến giờ này vẫn đúng. Cho nên tôi quyết định tạo cho Diễn một điều bất ngờ.

Thường thì mùa thu Diễn trở lại Hà Nội, anh sẽ xách giá vẽ lang thang ở Quảng Bá hoặc có thể lặn lội một nơi nào đó để cảm nhận cái huyền diệu của mùa gợi nhớ này. Anh không có cái thú viết thư, Diễn nói anh bận lắm. Và hơn hai tháng nay tôi đã lạc mất anh trong đám đông.

Cuối năm, công ty tổ chức cho những giao dịch viên một chuyến tham quan Hà Nội như là một cái cớ để thưởng công cho những cá nhân xuất sắc. Tôi là một trong những người được chọn đi.

Đất trời đang vào cuối đông, trời lúc nào cũng mây mù và buồn. Hà Nội tạo ấn tượng khá mạnh cho tôi, khi tôi vừa rời khỏi xe lửa, bước ra khỏi ga ngay đường Lê Duẩn. Địa chỉ nhà của Diễn tôi tìm thấy trên tấm bản đồ tôi mua ngay góc đường Quang Trung: phố Lò Đúc. Nhưng mãi hai ngày sau tôi mới tìm được đến nhà anh. Bởi lẽ sau hai ngày, chúng tôi mới được một ngày tự do, trước khi lên tàu trở về.

Tôi mường tượng ra buổi chiều se lạnh ở Hà Nội, Diễn sẽ tròn mắt khi bắt gặp tôi đứng trước nhà anh. Rồi anh sẽ chở tôi dạo quanh những con phố, đưa tôi ra tận hồ Hoàn Kiếm, như những đôi tình nhân, anh sẽ dành một chiếc ghế đá cho hai đứa, rồi anh sẽ hỏi tôi: " Em thích món ăn gì chỉ Hà Nội mới có ?" . Anh sẽ thoát ra khỏi cái vỏ bọc của mình, cùng tôi hòa vào đám đông.

Người lái xích lô chạy xe rất thong thả. Nhưng dù có chậm thì cuối cùng tôi cũng tìm ra nhà của Diễn. Căn nhà nhỏ như tổ chim, phía trước là một hàng phở với những chai lọ lỏng chỏng. Những căn nhà tổ chim và những hàng phở bình dân này đã trở thành quen mắt đối với tôi. Tôi chưa kịp nhìn kỹ ngôi nhà thì người đàn bà bán phở đã đon đả chào mời. Đó là một người đàn bà lớn tuổi. Tôi gật đầu rồi quyết định ngồi vào gọi một tô phở. Khi bà ta bưng bát phở để trước mặt tôi, tôi mới lên tiếng:

- Thưa bác, bác có biết nhà anh Diễn họa sĩ ở đâu không ạ ?

° ° °

Diễn không bao giờ là người của đám đông. Tôi rời Hà Nội với nỗi buồn ngất trời. Tôi cứ nhìn qua ô cửa tàu, nhìn những phong cảnh lướt qua như tiễn đưa mình trở về.

Có lần Diễn đã từng nói với tôi: " Cuộc sống không thơ mộng như tranh anh vẽ đâu. Em yêu anh qua những gam màu, anh yêu em qua một bức ảnh. Chúng ta đang sống trong ảo tưởng của màu sắc" .

Nhiều lần con tàu dừng lại, nhiều lần con tàu đi. Người vợ cam chịu của anh chắc giờ này đang mời từng bát phở kiếm sống. Còn anh, anh sẽ không ngờ rằng tôi đã đến và đã ăn một bát phở của vợ anh.

Khuê Việt Trường

 

 

Friday, September 22, 2023

Chút Tình Đầu - Đổ Trung Quân

 Chút Tình Đầu




Trăng Thề - Nguyễn Cang

TRĂNG THỀ

 














Trăng rằm mười sáu trăng treo

Sao khuya rơi rụng hắt hiu trái sầu

Vẳng nghe chuông đổ nguyện cầu

Người đi biền biệt biết đâu mà tìm

Hồn đau thầm kín trong tim

Trăm năm biết có tơ duyên kết nguyền

Trần gian lắm nỗi truân  chuyên

Dang tay níu lấy con thuyền hư vô

Yêu người một thoáng Cố Đô

Trường Tiền gãy nhịp sóng xô nghìn trùng

Hoa tàn một kiếp phù dung

Nhấp ly rượu đắng cho xong muộn phiền

Chiều vàng nghe tiếng Đỗ Quyên

Tưởng rằng Thục Đế hồn thiêng gọi về

Thương người ngàn dặm sơn khê

Nửa đêm thức giấc bốn bề hư không

Phương trời viễn mộng còn trông

Trăng treo nửa mảnh nghe lòng vấn vương

Người đi luống những đoạn trường

Đường xa xa mãi hết phương tìm về

Chiều rơi xuống thấp chân đê

Đường xưa lối cũ trăng thề lẻ loi!


Nguyễn Cang ( Sep. 16, 2023)

  

Nhà Anh Nhà Em & Thương Thầm - Nguyễn Thị Châu

 NHÀ ANH NHÀ EM



 













Nhà anh có những hàng Cau

Nhà em có những giàn trầu xanh tươi

Cách nhau chỉ dậu mùng tơi

Ngày xưa hai đứa cùng chơi vui đùa

Xây chòi lá chuối lưa thưa

Làm nơi tổ ấm cho vừa lòng em

Tuổi thơ một thuở êm đềm

Cho nhau tuổi ngọc bên thềm gió đưa

Những chiều cùng đứng dưới mưa

Nhặt tàu đu đủ che mưa cùng về

Cùng nhau ước hẹn câu thề

Vẫn câu vàng đá tình quê ngọt ngào

Anh đi bỏ lại hàng Cau

Giàn Trầu em cũng bắt đầu héo hon

Anh đi giữ nước giữ non

Quê hương mong đợi mỏi mòn canh thâu

Bây giờ nhìn lại dây Trầu

Hàng Cau còn đó người đâu không về?

Ra đi giữ vẹn câu thề

Máu anh đổ xuống cho quê hương buồn

Hàng Cau rười rượi lệ tuôn

Giàn Trầu lã ngọn buồn thương nhớ người.!!!

                    20-9-2023

                    Nguyễn thị Châu

-----------------------------------------

THƯƠNG THẦM

 

Mừng tết Trung Thi rạng đất Trời

Trăng vàng soi bóng khắp muôn nơi

Kiều diễm chị Hằng in đáy nước

Trẻ thơ vui hát chạy rong chơi

 

Cô em gái nhỏ tròn đôi tám

Cột tóc đuôi gà đứng ngẩn ngơ

Nhìn theo các bé đang đùa giỡn

Tay xách lồng đèn xanh đỏ lơ

 

 Cô bé nhìn ai cô bé cười?

Nụ cười duyên dáng rất xinh tươi

Chiếc áo ngắn tay màu tim tím

Hoà quyện ánh trăng đẹp tuyệt vời

 

Cô bé xinh xinh của ngày nào

Nay thành thiếu nữ tựa ánh sao

Không còn ra đứng xem đèn nửa

Để tôi nhìn lén dạ nao nao

 

Thu nay đã vắng em tôi rồi

Em bước theo chồng tôi lệ rơi

Tại tôi thương mến mà không nói

Thương thầm chất chứa mãi không vơi….!!

                     20-9-2023

Nguyễn thị Châu