Friday, December 20, 2024

Đêm Đông - Nguyễn Cang & Với Ai - Diệp Văn

 THƠ THÂN HỮU:

 
















Bài xướng:

ĐÊM ĐÔNG

(nđt)

Liễu rủ chiều rơi xuống cạnh thềm

Đông về lạnh lẽo thấy buồn thêm

Đường quê quạnh quẽ hành nhân rảo

Ngõ cụt đìu hiu cỏ úa mềm

Phận mỏng trầm tư buồn viễn xứ

Thân gầy khắc khoải lụy phần chêm

Người xưa bến đợi giờ đâu hỡi

Lạc lõng đời hư mấy thuở đềm

Nguyễn Cang ( Dec. 14, 2024)


Bài họa:

(nđt)    

VỚI AI

Đầu đông ráng đỏ rọi bên thềm

Vẳng giọng xưa hò dễ buốt thêm

Ngõ vắng mờ loang hàng bạch chỉ

Đường mơ khập khễnh dấu chân mềm

Quan trường một thủa hồn thu đáo

Miếu vũ bao lần dạ khổn chêm

Viễn xứ tình chung buồn phận mỏng

Lòng riêng khắc khoải giữ êm đềm

Dec 17, 2024 Diệp Văn

 

 

 

 

 

 

Noel Ngày Cũ - Nguyễn Cang

 NOEL NGÀY CŨ

 















Bài thánh ca buồn em còn nhớ chăng

No-el năm nào sương xuống lạnh căm

Lấp lánh sao trời chìm trong đáy mắt

Áo trắng em bay nét đẹp thiên thần

 

Ta quỳ dưới chân tượng thánh trên cao

Khấn nguyện suốt đời mãi mãi bên nhau

Dẫu xa cách vẫn một lòng chung thủy

Em khẻ hát bài Thánh ca dâng trào

 

Rồi gió lạnh xuân về qua bến lạ  

Để chiều nao áo trắng cũng thay màu

Em bước qua cầu rớt hạt mưa ngâu

Lời nguyện Chúa giờ hư hao biến mất

 

Con đường nhỏ trời mưa bay lất phất

Ta cô đơn chan chứa mối u hoài

Đã bao lần Chúa hiện xuống trần ai

Ta lặng lẽ  tìm nơi giáo đường cũ

 

Tượng hình Đức Mẹ trông buồn ủ rũ

Bài Thánh ca người cũ đã xa rồi

Thương vai gầy mái tóc thả buông lơi

Đêm thánh lễ nhớ hoài khung trời mộng

 

Nguyễn Cang (Dec. 13, 2024)

 

Ngày Vui Vội Tắt - Nguyễn Đạt

 

NGÀY VUI VỘI TẮT




Tặng bạn tri âm, Vũ Thành Sơn

Tôi gặp Vi Diệu trong một hiệu sách quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập, gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ Hiệu Sách Nhân Dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố mua bằng được.

Những người phụ trách bán sách ở các Hiệu Sách Nhân Dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc mua bán đó, nên họ chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này, thỉnh thoảng tôi mới xoay sở được, nói chung là rất khó có cái giấy quý giá này.

Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố trong một quận nội thành Sài Gòn, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu còn, tôi sẽ xoay sở giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin quận sở tại. Cô gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy, tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm vẻ rét mướt cao nguyên tôi hằng ưa thích, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc sách gì. Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột.

Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị Xuân Diệu.

–Chắc ba hay má cô, người đã đặt tên cho cô, rất thích thơ Xuân Diệu?

Cô gái lại mỉm cười, nói:

–Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên như vậy, đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.

–Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?

Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật đẹp, có một chiếc răng khểnh. Cô nói:

–Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.

Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi Giáng nhiều không, cô nói:

–Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại học Sư phạm, chỗ trường Đại học Vạn Hạnh trước đó. Hồi ấy vẫn thường thấy ông Bùi Giáng đeo cái bị thiệt lớn. Tôi chợt nhớ để kể lại chuyện ông Bùi Giáng gạ bán cho những người bán thuốc lá ở ven đường, bao thuốc lá Điện Biên, sản phẩm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, để chúng tôi có tiền uống rượu. Cô gái liền hỏi:

–Thế anh cũng không có tiền à?

–Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.

Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, hỏi:

–Bây giờ anh có giấy giới thiệu không?

Tôi lắc đầu, nói:

–Khó là cái giấy giới thiệu.

Cô gái, vẻ nghĩ ngợi, rồi hỏi nhanh:

–Thế anh có tiền lấy bộ sách Lê-nin toàn tập chứ?

–Chẳng lẽ lại không có tiền để mua.

Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tập, không cần giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin gì hết.

oOo

Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế Cường ở Hoa Kỳ về, tặng ông. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai, làm ở ngành ngoại giao thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.

Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một vẻ điên dại, nói:

–Chớ Dã Quỳ Đại Ca tưởng trẫm vận áo đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với trẫm, tới gặp một trang quốc sắc.

Ông Bùi Giáng dẫn tôi tới con phố hẹp, đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang khép kín. Ông đặt cái bị xuống, kéo cửa sắt rộng ra, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà Người Đẹp Hồng Ngự.

(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp nhà thơ bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. Nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng (Nguyễn Thị) Xuân Diệu:

Gọi là Vi Diệu cô nương
Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.

Những ngày sau đó tôi thường xuyên tới Hiệu Sách Nhân Dân, gần như ngày nào cũng tới, không phải để rình mua bộ sách Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của những tháng ngày thằng tôi bi đát.

Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước quầy, một khoảng cách quá thân mật, quá thuận tiện cho hai người đối diện thì thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không che kín sát mặt đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi chiếc giày, đặt bàn chân mình lên chân Vi Diệu. Cô vội rút chân ra khỏi chân tôi, im lặng một lúc, cô hỏi tôi:

– Anh đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất Linh rồi chứ?

Một ngày sau đó không lâu, tôi không muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn, anh K. Và tôi được ai đấy cho biết, anh K. sắp xuất cảnh, diện HO, bởi anh là con của một vị tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vi Diệu cũng sẽ xuất cảnh cùng anh K. Tôi chưa hề biết, gặp anh K., nhưng thân phụ của anh thì không riêng tôi, một triệu người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết ông. Nhiều người cho rằng, vị tướng này có đeo trước ngực cái bùa hay cái răng nanh của heo rừng gì đó, mũi tên hòn đạn của đối phương thấy là phải né. Tôi từng thương  xót bụi tre vàng sọc xanh rất đẹp, trong khuôn viên tư dinh của vị tướng này. Mỗi ngày vị tướng ra lệnh cho lính di chuyển bụi tre hết chỗ này tới chỗ kia, tới khi bụi tre quá mỏi chân tức mình mà chết.

Trước ngày thành hôn với anh K., Vi Diệu nói với tôi, cô muốn trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm giữ những thứ ấy làm gì, tôi bảo Vi Diệu muốn liệng đi đâu cũng được. Vi Diệu nói:

–Tôi không thể liệng đi được. Anh không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?

Tôi bảo tất nhiên tôi không hề muốn như vậy, tôi chẳng muốn cái gì hết. Muốn cũng chẳng được, mà được cũng chẳng để làm gì.

Bây giờ Vi Diệu ở kinh đô ánh sáng Paris, có thể ngẫu nhiên đọc cái viết này, anh K. cũng có thể đọc. Nếu có gì khiến anh K. khó chịu, Vi Diệu nói giùm tôi: “Để ý làm chi cái viết lách của anh chàng tâm thần. Anh ta từng có giấy chứng nhận điều trị trong Trại Thần Kinh Tâm Lý – Tổng Y Viện Cộng Hòa vào năm 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa.

 

Nguyễn Đạt

Nguồn: Da Màu

Từ trang DĐQGHCUC

 

 

Góc Khuất & Xuân Hội Ngộ - Nguyễn Thị Châu

 GÓC KHUẤT

 















Nhặt từng chiếc lá rụng trên sân

Lại nhớ mùa Xuân sắp đến gần

Vài ba chiếc lá còn sót lại

Lá cành ủ rũ nhớ bâng khuâng

 

Đêm nghe lá rớt buồn vô tận

Gió lạnh từ đâu bay tới đây?

Rưng rưng nước mắt nhiều cay đắng

Luôn nhớ về nơi kỷ niệm đầy

 

Anh đã nằm im dưới mộ sâu

Còn em tan nát trái tim sầu

Anh đi trả nợ hồn sông núi

Có còn tiếc nhớ lúc bên nhau?

 

Mùa Xuân năm ấy em có anh

Tiếng pháo mừng Xuân thật an lành

Cùng đón giao thừa, đêm trừ tịch

Bây giờ một góc, thật buồn tênh…!!!

 

18-12-2024

Nguyễn thị Châu

 

XUÂN HỘI NGỘ

 

Em là lục bình trôi sông vắng

Anh mây bốn phương trời bay cao

Khi nào gặp gỡ nhau đây hởi?

Kẻ ngược người xuôi biết làm sao?

 

Tháng năm cách trở bờ sông lạnh

Lênh đênh phận bạc biết tìm ai?

Anh đi, đi mãi ngoài sương gió

Em mang nhiều nỗi xót xa hoài

 

Rồi một ngày hai ta gặp lại

Chuyện vui buồn thương nhớ đầy vơi

Trao cho nhau một trời ký ức

Bao năm trăn trở, cách xa rồi

 

Hôm nay Xuân về, vui ngoài ngõ

Pháo giao thừa, sáng một góc trời

Ta nâng ly ngày vui hội ngộ

Xuân nầy hoa lá cũng tươi vui…!!!

 

18-12-2024

 Nguyễn thị Châu



 

Cõi Nghìn Trùng - Hoàng Trúc Ly

 CÕI NGHÌN TRÙNG

















Mai mốt em về, em về đâu?
Con sông nước chảy trắng chân cầu
Tiếng hát già nua người bạn cũ
Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau

Ngoài kia trời mưa buồn không em
Xa hỡi ngàn xa bóng nhạn chìm
Thương nhau ái ngại tìm đôi mắt
Chưa biết đêm nào thức trắng đêm

Mái tóc em bồng bềnh bể khơi
Áo mỏng vì em nằm đây nhớ đời
Chiêm bao nửa giấc trời mưa bụi
Thấp thoáng em về như lá rơi…

Hoàng Trúc Ly

Cấm Chợ - Nguyễn Công Hoan

 

CẤM CHỢ




 

Không hiểu vì cớ gì, từ tờ mờ sáng hôm nay, lính cơ sở huyện đứng đón các ngả đường, tay cầm roi mây, xua đuổi người các nơi, không cho gánh hàng đến bán ở chợ Huyện.

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau, nhưng cùng phải nhắc lại câu của bọn lính mà chính họ cũng không hiểu:

- Đó là lệnh quan.

Người ta lủi thủi về, lo lắng nôi hàng bị đọng ế. Rồi mai kia khi tiền hết, gạo hết, chồng con cha mẹ họ có lẽ phải nhăn nhó vì đói, trong khi nia thịt lợn vì trót mổ đã thối dần, hoặc mẹt bánh cuốn vì trót làm đã khô đét. Phải đổ đi hết.

Những giờ này, đáng lẽ trước cổng huyện, tiếng rào rào không ngớt. Hàng vạn người qua lại, chen chúc nhau, cạnh những lều tranh chạy dài, có dãy người ngồi la liệt sau khu bầy hàng, há to mồm ra để cười, để nói, để mời khách, để cãi nhau, hoặc đề ăn quà trộn lẫn với bụi.

Nhưng hôm nay, cả một sự ồn ào tấp nập làm loạn óc ấy không có nữa. Hôm nay chẳng khác hôm qua là ngày dưng, sự im lặng phẳng phiu đè trùm lên cả khu chợ rộng mênh mông này, khiến ai bước chân tới, cũng tưởng lạc vào một rừng cột. Chỗ này, vài thằng nhãi đánh đáo gò lưng xuống cố “cả cái” cho đúng lỗ. Chỗ kia, con ngựa hồng của quan, tiu nghỉu đứng trước bó tre còn trơ cành, thỉnh thoảng đập chân xuồng đất và cúp hai tai vặt lại đằng sau, khi giật mình vì tiếng cười của lũ trẻ.

***

Rồi đến phiên mười chín, hăm bốn và hăm chín, chợ cũng vẫn quạnh hiu như thường. Cứ sáng tinh sương, lính cơ đã chia nhau đứng các đường, xua người ta như xua vịt.

Những người mạnh đút lót lắm mới được phép đi, nhưng chỉ bán vụng trộm quàng quàng một lát, chứ không dám ràng rênh hàng giờ như mọi ngày. Bởi vậy, đồ ăn thức dùng phải lên giá rất cao. Kẻ giầu tranh nhau vung tiền ra mới mua nổi chút ít, nói chi đến người nghèo. Ao rau muống sau nhà trạm, chỉ trong hai hôm đã quang hẳn đi. Rồi khi lượt ngọn non đã hết, người ta không từ cả những lá già úa vàng. Người nghèo không có gì trừ bữa, phải vặt cả râm bụt, luộc lên để tống tạm vào dạ dầy. Ngoài phố đã hiện lên những thân hình nhăn nheo gầy khẳng. Ban ngày, cướp giật là thường. Ban đêm trộm cắp như rươi.

Mọi người thở dài, than vãn cùng nhau:

- Chúng ta đến chết đói hết.

Song sự cần sống bao giờ cũng khiến người ta trở nên liều lĩnh. Bởi vậy, họ rủ nhau đến nhà trưởng phố, nói:

- Nhờ ông vào xin với quan cho họp chợ, chứ đấy, ông xem, đã mươi hôm nay, đến người có tiền còn sống ngoắc ngoải nữa là chúng tôi.

Trưởng phố cười, lắc đầu:

- Tôi có sung sướng gì hơn anh em đâu. Anh em không có gạo, thì tôi cũng không có gạo, anh em bữa đói bữa no thì tôi cũng bữa đói bữa no. Nhưng, còn như anh em xui tôi vào xin quan cho họp chợ, thì thật tôi không dám làm một việc vô ích. Vì biết đâu, đây là quan ta thi hành một lệnh trên.

- Thế tại sao quan cấm chợ, ông cho chúng tôi biết.

Tôi cũng mập mờ như anh em mà thôi. Sáng hôm mười bốn, tôi thấy lính trong huyện bảo thế, thì tôi biết thế, chứ ai dám vào hỏi quan. Chính các ông Thừa, ông Lục cũng đoán phỏng đâu vì hôm mười ba, nhà Bài nó chết chóng quá, quan ngờ là bệnh thời khí nên vì vệ sinh chung, sợ bệnh lan đi các nơi, ngài mới cấm tạm chợ trong ít lâu.

- Nhưng nó có chết về số kia đâu? Nó bị cảm đấy mà, nếu không đã lây lung tung lên rồi. Và chính quan đốc tờ đã khám nghiệm.

Trưởng phố gật đầu:

- Phải, tôi cũng biết vậy.

- Thế thì nên trình quan biết chứ?

- Ồ anh em còn phải dạy ông quan nữa hay sao? Người ta thông minh, làm gì không rõ những việc ấy. Tôi chắc rằng ngài cẩn thận cho ta, muốn phòng ngừa bệnh ghê gớm ấy, nên ra lệnh cấm chợ trong ít lâu nữa. Người ta có trách nhiệm về việc cai trị, thì những lúc trời gieo tai vạ như lúc này, tất người ta cứ phép người ta làm, nếu không, đến tai quan trên, ai chịu lỗi cho người ta. Anh em thử nghĩ xem?

- Nhưng ông cũng như chúng tôi, đã trải biết bao cực khổ rồi, không thể chịu thêm được nữa. Vậy ông cứ vào xin quan mở chợ cho dân phố được nhờ.

Trưởng phố, lè lưỡi một cách sợ hãi;

- Anh em bảo tôi gì, tôi xin nghe ngay tức khắc, chứ việc này, bố tôi bảo tôi cũng không dám. Anh em đặt địa vị vào tôi mới rõ. Nếu tôi nói rằng phố xá hiện nay đã bình yên, thì có khác gì tôi dạy khôn ông quan hay không? Vả mình có thạo pháp luật về việc phòng bị bệnh thời khí đâu? Ngộ ông ấy vặn rằng lấy gì làm chứng mà dám nói là không còn bệnh nữa, anh em bảo tôi bẩm thế nào?

- Thì đấy, có người nào chết sau nhà Bài nữa đâu? Vậy nó chỉ là bị cảm.

Trưởng phố chắp tay vừa vái lấy vái để vừa cười, nói:

- Thôi, tôi xin anh em tha cho, đừng bắt tôi vào, lỡ có tội vạ chỉ một mình tôi chịu.

- Vậy chúng tôi cử người vào quan, để nói việc này có được không?

- Cái đó tuỳ anh em, tôi không biết.

***

Nhưng không cần có đại biểu dân phố nào, ông huyện mới biết. Từ ban nãy, đã có người nói đến tai ông rồi. Mà người ấy, tức là bà huyện.

Nguyên sự thiếu thốn đồ ăn thức dùng nó không nể cả quan phụ mẫu. Nó qua cổng chòi, đến nhà tư, và chui lọt vào dạ dày ông huyện. Mấy ngày đầu tiên, nhà bếp ra phố mua bán, thì bao giờ người ta cũng nể trọng quan mà nhường cho miếng ngon. Nhưng sự khủng hoảng mỗi ngày một to, thì dù trọng quan người ta cũng không nể nữa. Trước hết “giá nội” bị tăng, và sau có ngày không tìm được thứ gì mà mua cả. Bởi vậy bữa sáng hôm nay, mâm quan xơi không được chững chạc, nên quan có ý nghi, hỏi quan bà:

- Này, bà thử xem xét thằng bếp nó mua bán ra làm sao, tôi ngờ nó ăn bớt tiền chợ nên đến dăm hôm nay, nó dọn láo quá.

Quan bà cau mặt, đáp:

- Thì ông ra lệnh cấm chợ kia mà?

Quan ông trợn mắt, ngạc nhiên nhìn vợ:

- Tôi cấm chợ à? Có đâu?

- Đấy từ phiên mười bốn đến nay, chợ có họp nữa đâu? Đến mười hôm nay, phố xá họ khổ sở nheo nhóc lắm, ông cao xa, không rõ những việc ấy.

Ông huyện càng kinh ngạc, nói:

- Sao bà không bảo tôi? Thật à?

- Tôi biết đâu chỗ việc quan của ông mà nói.

Ông huyện ngẩn mặt một lát để nghĩ ngợi, rồi gọi đội lệ.

Ông hỏi:

- Ai bảo cấm chợ từ phiên mười bốn đến giờ?

Đội lệ ngơ ngác, gãi tai đáp:

- Bẩm quan lớn, con thấy thầy quản đồn nói rằng lệnh của quan lớn.

Ông huyện gắt:

- Gọi quản đồn lên đây.

Quản đồn hớt hơ hớt hải chạy lên. Quan hất hàm hỏi:

- Ai báo thầy cấm chợ.

- Lạy quan lớn, hôm ở phố có tên Bài nó chết, quan lớn báo cấm chợ, chờ xem quan đốc tờ khám xét xong hãy hay.

Quan huyện giơ hai tay lên trời tỏ ý thất vọng:

- Phải rồi, nhưng khi xét thấy nó chết về cảm thì phải cho chợ họp như thường chứ?

Quản đồn sợ hãi đáp:

- Lạy quan lớn, quan lớn không ra lệnh lại cho họp, nên con không dám tự tiện.

Ông huyện không nói gì, thở dài. Bà huyện chép miệng:

- Thế mà làm cho nhân dân sống dở chết dở gần nửa tháng rồi.

Đội lệ và quản đồn bị quở vừa ra khỏi, ông huyện chống tay ngồi yên lặng, hai mắt lờ đờ, rồi thở dài. Bà huyện trách:

- Tại ông không nói rõ, và khi khám không phải bệnh thời khí, ông quên không dặn lại quản đồn từ phiên sau cho họp chợ như thường.

Ông huyện nhìn vợ một cách hối hận, gật gù:

- Phải, tại tôi nhiều việc quá nên quên đứt đi mất.

Giữa lúc ấy, có tên lính vào, bẩm:

- Bẩm quan lớn, có mấy người hàng phố xin vào hầu.

Ông huyện cho phép họ vào. Thì là những người đến nhà trưởng phố ban nãy. Họ nói:

- Bẩm quan lớn, từ ngày có lệnh cấm chợ, nhân dân chúng tôi rất nheo nhóc khố sở. Đồ ăn gạo củi, lên giá một cách không ngờ...

Ông huyện không muốn nghe hết câu, ngắt lời:

- Tôi cũng biết trước thế. Nhưng các người muốn gì?

- Bẩm, chúng tôi muốn xin quan lớn cho phép họp chợ như cũ, kẻo đói to.

Ông huyện cau mặt đáp:

- Cái đó là lệnh trên bắt thế, chứ nào tôi có muốn. Nhưng để tôi xin cho. Các người hãy dằn lòng chờ ít lâu và nên yên trí trước rằng đang khi mọi nơi nhốn nháo về bệnh thời khí, thì việc xin mở chợ, là một việc rất khó. Song tôi cố hết sức xin, và may ra quan Sứ, quan Tuần nể lời tôi, thì mười phần cũng chắc được tám.

Đoàn đại biểu cảm tạ lòng tử tế thương dân của vị phúc tinh. Và chợ Huyện, từ phiên mồng chín trở đi, lại được vui vẻ sầm uất như trước.

Trong khi ngoài phố lác đác có một hai người chết đói trong khi tên bếp trong huyện cố hà hiếp tàn nhẫn mới mua được đồ ăn, bà huyện thường cự ông huyện sao không cho họp chợ ngay phiên mồng bốn là sau ngày ông biết cái lỗi quá lơ đễnh đến nỗi nhân dân quá khổ sở. Thì ông nháy một mắt, nói thầm:

- Không trách, người thật thà không làm nổi quan. Nếu hôm chúng nó vào xin họp chợ, mình nhận lỗi rằng mình quên, thì chúng nó oán đến mấy đời. Mình phải làm ra cách khó khăn, đổ cho lệnh trên, và mình làm ơn cố xin hộ. Như thế có phải chúng nó lại ơn mình nữa hay không! Cũng bởi vậy, tôi cần phải cấm thêm một phiên nữa cho ra dáng sự cấm là hợp lẽ phải và ngặt nghèo là nhường nào.

Bà huyện lắc đầu, bĩu môi để tỏ ý phản đối. Nhưng ông huyện thản nhiên đáp:

- Thế mà buồn cười đáo để, chúng tưởng mình làm ơn thực, xin góp nhau thửa bức hoành để tạ ơn. Thôi được càng được tiếng là nhân quan cần gì?

Nói đoạn, ông đắc chí, cười rung cả cái bụng xệ.

(6-1938)

Nguyễn Công Hoan

 

 

 

Sunday, December 15, 2024

Saturday, December 14, 2024

Suy Tư - Nguyễn Cang & Thời Nay - Diep Van

 THƠ XƯỚNG HỌA

1/. Bài xướng, tg: Nguyễn Cang

( ngũ độ thanh +bát vỹ đồng âm)

 



















SUY TƯ

Vừa  tin bạn khổ gió sương nhiều

Nghĩ  cuộc cơ hàn thảm bấy nhiêu

Độc tấu tình ca thương phận liễu

Cuồng say vũ điệu nhớ nương Kiều

Cầu xin hiệp lữ mau lòng hiểu

Khẩn nguyện anh hào chóng nghĩa xiêu

Tự hỏi yêu người sao vẫn thiếu

Đành thôi cũng mặc phải buông liều !


Nguyễn Cang ( Dec. 5, 2024)

2/. Bài họa, tg: Diep Van

THỜI NAY
( nđt+ bvđâ)

Bạc đãi ngày xưa vốn chẳng nhiều
Bây giờ gạt gẫm biết còn nhiêu
Lừa trên dụ dưới xem thường liễu
Độc đoán hành hung đổ lỗi kiều
Bội nghĩa cầu vinh tồi hết hiểu
Tham tiền hưởng lợi dễ dàng xiêu
Buồn thay lễ lạt đương thời thiếu
Lẽ đạo suy tàn lắm kẻ liều

Diep Van

Dec. 9, 2024

Đêm Đợi - Hoàng Lộc

 ĐÊM ĐỢI





















em chẳng còn gì cho anh nữa
mùa thu nhất định qua rồi
những con đường bắt đầu ướt át
nơi đây sắp vào những ngày mưa
anh thật sự mong manh trước cơn gió bất ngờ
tưởng anh cũng bất ngờ xiêu đỗ
thành phố anh sống hai mươi năm vẫn lạ
biết rằng phố ấy của người ta
trăng còn rằm trong anh nhưng đã khuyết trong đời
đồi nương càng ngày càng hoang dại
em chồng con về xa, rất xa mà lẻ loi
tìm không ra anh – đợi mỏi?
trắng đêm – anh đã đuối lòng anh
biết em không thể còn cho anh nữa
anh ngó trời cao
biết trời cũng đang khóc mùa trăng xưa.

Hoàng Lộc