Tặng bạn tri âm, Vũ Thành Sơn
Tôi gặp Vi Diệu trong một hiệu sách
quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập,
gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người
mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ Hiệu Sách Nhân
Dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố
mua bằng được.
Những người phụ trách bán sách ở các
Hiệu Sách Nhân Dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc mua bán đó, nên họ chỉ bán cho
những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này,
thỉnh thoảng tôi mới xoay sở được, nói chung là rất khó có cái giấy quý giá
này.
Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố
trong một quận nội thành Sài Gòn, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu
còn, tôi sẽ xoay sở giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin quận sở tại. Cô
gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy,
tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm
vẻ rét mướt cao nguyên tôi hằng ưa thích, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung
đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc sách gì.
Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột.
Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi
Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị
Xuân Diệu.
–Chắc ba hay má cô, người đã đặt tên
cho cô, rất thích thơ Xuân Diệu?
Cô gái lại mỉm cười, nói:
–Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên như vậy,
đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.
–Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?
Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật
đẹp, có một chiếc răng khểnh. Cô nói:
–Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều
hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.
Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay
cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi
Giáng nhiều không, cô nói:
–Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại
học Sư phạm, chỗ trường Đại học Vạn Hạnh trước đó. Hồi ấy vẫn thường thấy ông
Bùi Giáng đeo cái bị thiệt lớn. Tôi chợt nhớ để kể lại chuyện ông Bùi Giáng gạ
bán cho những người bán thuốc lá ở ven đường, bao thuốc lá Điện Biên, sản phẩm
của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, để chúng tôi có tiền uống rượu. Cô gái liền hỏi:
–Thế anh cũng không có tiền à?
–Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi
nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.
Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, hỏi:
–Bây giờ anh có giấy giới thiệu
không?
Tôi lắc đầu, nói:
–Khó là cái giấy giới thiệu.
Cô gái, vẻ nghĩ ngợi, rồi hỏi nhanh:
–Thế anh có tiền lấy bộ sách Lê-nin
toàn tập chứ?
–Chẳng lẽ lại không có tiền để mua.
Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin
toàn tập, không cần giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin gì hết.
oOo
Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại
gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng
rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế
Cường ở Hoa Kỳ về, tặng ông. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai,
làm ở ngành ngoại giao thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh
bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.
Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng
lên một vẻ điên dại, nói:
–Chớ Dã Quỳ Đại Ca tưởng trẫm vận áo
đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với trẫm, tới gặp một trang quốc sắc.
Ông Bùi Giáng dẫn tôi tới con phố hẹp,
đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang khép kín.
Ông đặt cái bị xuống, kéo cửa sắt rộng ra, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa
chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.
Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết
điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu
cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định
sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà Người Đẹp Hồng Ngự.
(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp
nhà thơ bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang
oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. Nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng
giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng (Nguyễn Thị) Xuân Diệu:
Gọi là Vi Diệu cô nương
Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.
Những ngày sau đó tôi thường xuyên tới
Hiệu Sách Nhân Dân, gần như ngày nào cũng tới, không phải để rình mua bộ sách
Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng
viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của những tháng ngày thằng
tôi bi đát.
Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước
quầy, một khoảng cách quá thân mật, quá thuận tiện cho hai người đối diện thì
thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi
gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy
một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không
che kín sát mặt đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi
chiếc giày, đặt bàn chân mình lên chân Vi Diệu. Cô vội rút chân ra khỏi chân
tôi, im lặng một lúc, cô hỏi tôi:
– Anh đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất
Linh rồi chứ?
Một ngày sau đó không lâu, tôi không
muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn, anh K. Và tôi được ai đấy cho
biết, anh K. sắp xuất cảnh, diện HO, bởi anh là con của một vị tướng trong Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vi Diệu cũng sẽ xuất cảnh cùng anh K. Tôi chưa hề biết,
gặp anh K., nhưng thân phụ của anh thì không riêng tôi, một triệu người lính
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết ông. Nhiều người cho rằng, vị tướng này có đeo
trước ngực cái bùa hay cái răng nanh của heo rừng gì đó, mũi tên hòn đạn của đối
phương thấy là phải né. Tôi từng thương xót
bụi tre vàng sọc xanh rất đẹp, trong khuôn viên tư dinh của vị tướng này. Mỗi
ngày vị tướng ra lệnh cho lính di chuyển bụi tre hết chỗ này tới chỗ kia, tới
khi bụi tre quá mỏi chân tức mình mà chết.
Trước ngày thành hôn với anh K., Vi
Diệu nói với tôi, cô muốn trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng
giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm giữ những
thứ ấy làm gì, tôi bảo Vi Diệu muốn liệng đi đâu cũng được. Vi Diệu nói:
–Tôi không thể liệng đi được. Anh
không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?
Tôi bảo tất nhiên tôi không hề muốn
như vậy, tôi chẳng muốn cái gì hết. Muốn cũng chẳng được, mà được cũng chẳng để
làm gì.
Bây giờ Vi Diệu ở kinh đô ánh sáng
Paris, có thể ngẫu nhiên đọc cái viết này, anh K. cũng có thể đọc. Nếu có gì
khiến anh K. khó chịu, Vi Diệu nói giùm tôi: “Để ý làm chi cái viết lách của
anh chàng tâm thần. Anh ta từng có giấy chứng nhận điều trị trong Trại Thần
Kinh Tâm Lý – Tổng Y Viện Cộng Hòa vào năm 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa.
Nguyễn Đạt
Nguồn: Da Màu
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment