ĐI TÌM MỘT CHÚT MẶT TRỜI
Mượn tên thật của một người, nhân vật,
tình tiết, bối cảnh trong chuyện được tự dựng bằng tưởng tượng
1.
Hiển từ bến xe, kéo cao cổ áo lạnh mua ở chợ trời Hàm Nghi, mang túi
xách đựng vài bộ quần áo và một lô sách, lửng thửng thả bộ về chỗ trọ. Vào hạ,
Đà Lạt, có phần nào bớt lạnh, nhưng vẫn mù mờ sương khói dù trời đã ngấp nghé
giữa trưa, lác đác trên đường từng cụm nhánh thông khô, nhỏ nhoi, vẫn còn ướt đẩm
sương đêm trăn trở, đâu đó lưa thưa vài cánh hoa Pensé lẻ bạn tim tím bên lề cỏ
quấn quanh, trông ngóng.
Rớt kỳ thi cuối của bảy năm mài mòn ghế trung học, tại mình hơn là tại
trời, ngại về trên nhà, cái chợ làng ít người nhưng nói to nói nhỏ thì nhiều đó
sẽ làm ba má buồn, Hiển quyết định không về, tìm một chỗ để tạm quên đi, dặn
lòng quyết “mài kinh nấu sử” thi lại kỳ hai, chỗ anh tìm đó là Đà Lạt.
Trước hôm đi, chị Trâm, con cậu Út, con của bà dì thứ tư, em ngoại, chỗ Hiển ở
đi thi, vừa từ Đà Lạt về nghỉ hè đưa cho Hiển chìa khóa phòng chị trên Đà Lạt,
nơi chị ở tại khu nhà của sinh viên học sinh thuê trọ, mục sư Nhung, ông mục sư
hiền lành, giúp người đầy lòng nhân ái, cuối mùa năm thứ hai trường Chính Trị
Kinh Doanh, chờ chị trở lại trên đó rồi tính.
*
Cầm chìa khóa, chưa kịp mở cửa, thì có một cô cũng vừa tới trước cửa căn
bên cạnh, áo lạnh xuống tới khỏi gối, tóc xỏa buông dài không che đầu, còn lấm
tấm chút hơi sương nhạt, Hiển quay ra chào, cô cũng mĩm cười chào lại, mặt
trông ra ngạc nhiên, không chờ cô ta hỏi, Hiển lên tiếng, xưng tên và cho biết
là em của chị Trâm, trốn Sài Gòn, lên đây tìm chỗ lảng quên nổi buồn “thi
không ăn ớt thế mà cay”.
Chị, Hoàng Yến, hơn Hiển chừng hai ba tuổi, cở đó, nhỏ hơn chị Trâm, vì
chị Trâm vào trung học hơi trễ, học chung năm với chị, đáng lý chị đã vể nhà ở
Sài Gòn cùng một ngày với chị Trâm nhưng phải ở lại hai ba bữa vì phải phụ bà
dì từ Sài Gòn ra bán vườn bông cải trắng ở ngã ba suối Liên Hiệp. Cùng ở trọ
chung phòng với chị còn có một cô nữa, đã về Nha Trang mấy ngày trước. Vốn nói
năng nhanh miệng, có chút thơ văn, nên
Hiển quen với chị liền ngay khi vừa mới gặp. Phần chị Hoàng Yến thì, lúc đầu
hơi e dè, ngại ngùng chút xíu nhưng sau đó cũng như Hiển, đứng bên này bên kia
mà nói cười, hỏi qua hỏi lại không nghỉ.
Bỏ túi xách, lôi mấy cuốn sách đã làm khổ anh ta cả năm qua nhưng rốt cuộc
chẳng thương tình chút nào để đại trên bàn, lôi mấy cái áo cái quần nhăn nhúm
ra để trên cái giường trống, bên cạnh giường của chị Trâm, đi tới đi lui, đi
qua đi lại, nhìn cái này cái kia, cái nào chị Trâm cũng sắp có ngăn có nắp, nên
Hiển cười nói thầm “đứng đụng tới nghe bạn”. Trời cũng sắp sỉ vào giữa
trưa, sương vẫn mờ mờ ngoài đường phố, nắng vừa thức giấc, hé chút vạt xuyên
sương xuống đường, ngồ ngộ, nhưng lạnh cũng cái lạnh như lúc vừa xuống xe. Bỏ đồ
đạc nguyên đó Hiển ngồi nhìn ra sân trước, nghĩ tới lần thi kỳ hai, rùng mình tự
hỏi, “liệu có chắc qua được truông này không”.
*
Trời lưng lửng về chiều, đâu đó xong xuôi, định ra chợ kiếm cơm hay cái
gì đó bỏ bụng, thì nhà bên có tiếng chị Hoàng Yến trước cửa hỏi, Hiển khoát áo
khoát bước ra, hai người chào nhau, cười nói qua lại rồi, cùng đi về hướng dưới
chợ.
Hai người ngồi bên hiên ngoài cái quán cơm quen của chị Hoàng Yến, xế
góc cà phê Tùng, nhìn xuống hồ Xuân Hương, sương giăng mắc một màu sương, che mờ
làm nhạt màu xanh của những cây thông rậm lá, vắng người, không giống như trên
này, nhất là chỗ rạp chiếu bóng Hòa Bình, đông người lại người qua, áo len áo
choàng đủ màu khoe sắc thắm. Hai người nói với nhau nhiều lắm, nhưng không biết
nói những gì, chỉ thấy cười luôn miệng. Chị đưa cho anh tấm giấy có ghi địa chỉ
nhà ở Sài Gòn, dặn hôm nào về ghé, chị chờ, Hiển gật đầu nhưng không hứa khi
nào.
*
Buổi sáng, tiễn chị về Sài Gòn, chị đi rồi, trên đường trở về nhà trọ,
trời cũng sương với sương, một mình đếm bước, con đường đã một lần anh đi bên
người, dù một lần, bỗng dưng thấy bâng khuâng, man mác buồn. Buổi chiều, cũng
ngoài hiên cái quán cơm hôm qua, nhìn xuống hồ một mình, bữa ăn sao không thấy
ngon, thấy thiếu thiếu cái gì đó, Hiển chợt thấy lòng mình là lạ, hình như đã
biết nhớ, nhớ người và nhớ cả tên Hoàng Yến.
Đêm bên bàn, mấy trang đầu cuốn sách Toán khó nuốt mở nhưng Hiển cứ ngồi
bất động, tư lự, đầu óc trống rổng chừng như không vô được chữ nào, xếp sách lại,
mở hết cuốn môn này môn kia nhưng chỉ đọc bìa sách, một lúc rồi, bỏ đó, suốt
đêm trằn trọc không ngủ, nằm chờ sáng. Sau một ngày lang thang nữa, đếm cành
thông gầy guộc khô gãy vụn, lên xuống những con đường dốc lạ, chưa đủ quen,
nhưng vẫn không làm sao quên được, cuối cùng, Hiển xếp đồ vào túi xách, xếp đặt
mọi thứ đâu vào đó, bỏ Đà Lạt một sáng có chút nắng hạ lên trên bờ hồ, chuyến
xe đò nhỏ ra khỏi bến, thoang thoảng đâu đó có tiếng thông reo lùa theo gió bất
chợt về ngang, Hiển bổng dưng muốn khóc.
*
Chị Trâm khá ngạc nhiên, mới đi có mấy ngày mà về rồi, Hiển lắc đầu,
đành chịu, không nói lý do tại sao nhưng chỉ thốt ra hai tiếng “buồn quá”,
rồi thôi. Chị chỉ biết thằng em buồn vì “học tài thi phận” thôi chứ chị
không biết là hắn đã vướng buồn vì một chuyện khác, chưa nói ra, nhưng những
ngày sau đó, lâu lâu lại thường nghe Hiển hỏi ra hỏi vô về Hoàng Yến, chị đăm
ra thắc mắc, chẳng lẽ thằng em bị “tiếng sét” gì đó sao nhưng thấy Hiển
lo học thiệt tình nên không nhắc tới làm gì. Một chiều, mượn xe Honda ở nhà,
theo địa chỉ Hoàng Yến cho, chạy tìm xem thử, tới nơi, đứng trên lề đường bên
này nhìn qua, căn biệt thự kín cổng cao tường trên đường Phan Than Giản, thật
lâu, Hiển lặng lẻ bỏ đi.
Còn may, Hiển đậu đươc kỳ hai, bảng niêm yết kết quả ở trường trung học
Nguyễn Trãi bên Khánh Hội, không quá mấy chục tên, đậu hạng Thứ đủ rồi, miễn có
đậu là được. Hiển báo tin cho chị Trâm rồi trở về tỉnh thăm nhà với “bảng hổ
đề tên”. Chị Trâm mừng hơn anh ta nữa, hè cũng ngấp nghé tàn rồi, hai ba
ngày nữa chị trở lên Đà Lạt chuẩn bị năm học mới. Hiển hứa sẽ trở xuống tiễn chị.
Hoàng Yến tới thì Hiển vể tỉnh rồi, cô nàng qua để bàn chuyện giờ giấc
đi đứng ngày mai, lần này hai người đi bằng Air Việt Nam, đã mua sẳn vé rồi. Để
ý cô ta, cũng nhanh nhẹn, cũng lăng xăng nhưng chị Trâm thấy trên gương mặt
Hoàng Yến, nụ cười có chút gì đó buồn buồn, ra về, chị tiễn Hoàng Yến ra cổng,
nhìn cô nàng cười nói khẻ “Hiển đậu rồi”, trên đường về, chiếc xe Honda
PC hình như cũng cùng cô nàng nhìn mông lung cười một mình, nắng cuối hạ Sài
Gòn giữa trưa hôm đó rơi đầy hoa len lén cài trên suối tóc bay dài theo gió.
*
Vì má Hiển trở bệnh bất ngờ nên anh ở nán lại nhà thêm mấy ngày, trở xuống
Sài Gòn thì chị Trâm đi rồi, cậu Út bảo chị nhắn lại là có gì chị sẽ viết thư về.
Chị đi thì chắc là Hoàng Yến cũng đã không còn ở đây, môt lần nữa, Hiển chạy
Honda tới nhà Hoàng Yến, cũng đứng trên lề đường xa bên kia nhìn qua, trời vừa
dịu nắng, chiều chầm chậm xuống, từ trong nhà, chiếc xe hơi Peugeot 504 màu trắng
từ từ ra khỏi hai cánh cổng sắt vừa mở rộng, chạy xuôi chiều ra xa lộ, Hiển
nhìn theo, nhớ hình ảnh căn nhà mái tôn vách ván của mình, lặng lẽ bỏ đi, buồn.
*
Hiển thôi không còn ở bên cậu Út, vào ở nội trú tại trường mình học, nhờ
có học bổng nên ba má không còn lo toan chuyện tiền bạc, đủ ăn đủ mặc, không
thiếu có khi dư chút đỉnh, đủ ngồi cà phê cà pháo với bạn bè. Hai ba tháng, sau
ngày vào học, làm quen với ghế giảng đường, Hiển viết thư gởi chị Trâm, cho chị
biết mọi việc, không nói mình học ở đâu, rồi cũng nhận thư chị từ Đà Lạt, thư
khá dài, chị kể Hoàng Yến nói nhiều lắm nhưng không nói là chuyện gì. Sau hai lần
đứng bên đường nhìn nhà Hoàng Yến ở Sài Gòn, Hiển quên dần chút tình khó nói của
mình, không buồn không dám nhắc tới nữa. Từ ngày ra ở chỗ khác, cũng ở Sài Gòn
này nhưng không thường qua nhà cậu Út bên Gò Vấp lắm, vẫn thư đi thư lại với chị
Trâm như trước, thư chị thì thường viết thêm vài chuyện về Hoàng Yến, thấy lúc
này cô hay buồn xa xăm hơn những năm trước.
*
Cuối năm thứ hai, theo chương trình học, từ Cần Thơ trở lên Sài Gòn, trời
cũng đã sắp hết hè, trướng học rục rịch tựu trường lại, ghé qua thăm cậu Út thì
cũng là lúc chị Trâm về, đã tốt nghiệp, giã từ sương mù bốn mùa Đà Lạt, chờ xin
việc làm. Hai chị em gặp lại nhau, không biết bao nhiêu chuyện mà nói, và Hiển
cũng tiết lộ trường mình học, chị làm bộ giận trách mà cười, cái cười có vẻ mản
nguyện chuyện gì đó.
*
Sài Gòn vào thu, mây lang thang xam xám trên đường phố, chưa có mưa, Chủ
Nhật buổi chiều hai chị em ra phố, mai chị bắt đầu làm việc tại ngân hàng Pháp
Á và đưa Hiển trở xuống Cần Thơ. Đi loanh quanh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Pasteur Lê
Thánh Tôn nhìn người nhìn xe cộ, chị Trâm lâu lâu cứ nhìn đồng hồ đeo tay, tuy
nói qua nói lại nhưng cũng thường ngó trên ngó dưới, xem ra có vẻ chờ chờ đợi đợi
gì đó, Hiển mĩm cười thầm “chắc chờ anh nào đây”. Chưa năm giờ chiều, nắng
nhạt, nắng đầu thu, rồi theo ý chị, hai người vào tiệm kem Mai Hương, ngồi bên
bàn ngoài, nhìn ra đường. Bỏ chị ngồi đó, cũng cần kiếm một vài cuốn sách đem
xuống dưới tỉnh đọc, Hiển đi qua tiệm sách Khai Trí, không xa bao nhiêu, chị tủm
tỉm cười mà không nói gì.
Trở lại tiệm kem, giờ đông người hơn lúc nãy, Hiển khựng lại chưa bước vội
lên bực tam cấp, có cô nào đó ngồi bên, không nhìn ra đường, Hiển vừa bước trở
ra đường, thì chị Trâm đứng lên vẫy tay gọi vào, cũng cùng lúc đó cô ngồi bên đứng
lên, Hiển chưng hửng, Hoàng Yến sao. Ngồi xuống ghế, mấy cái bánh ngọt kêu để sẳn
trên bàn, chưa có dấu đụng tới, chị Trâm cười ghẹo hỏi;
- Hiển nhớ ai đây không?
Chưa kịp trả lời, không phải vì không có câu trả lời nhưng hình ảnh của
buổi chiều ngắn ngủi ở hiên cái quán cơm trên Đà Lạt, bổng dưng, bất chợt, dù cố
quên nhưng lại hiện rõ mồn một trong đầu, nên Hiển khựng lại, thì Hoàng Yến đã
lên tiếng:
- Chắc hơn hai năm rồi, quên rồi cũng
phải, mà quên thiệt hông?
- Cũng hơn hai năm, nhưng đâu có dễ
quên được, Hiển cười
nhìn Hoàng Yến.
Cô nàng nhìn chị Trâm:
- Hiển giờ nhìn lạ quá, Hiển khỏe
không, chuyện hoc hành tời đâu rồi, không nghe chị Trâm kể gì hết?
Hiển thầm cám ơn bà chị, đã giữ lời hứa tời bây giờ, chỉ nói là học đâu
đó bên Luật bên Văn Khoa vậy thôi.
- Cũng vây thôi, phải ráng, nhờ còn
may nên còn áo thư sinh, ghế giảng đường, chứ nếu không thì chắc đã giầy sô áo
trận rồi.
Chị Trâm ngồi nhìn hai người nói với nhau, không đầu không đuôi, cười
trong bụng, biết rồi, ba ly kem lạnh được cô hầu bàn đem ra, chị làm dấu mời
ăn, đưa tay cầm lấy cuốn sách Hiển mua lật lên xem trang bìa, cuộn truyện dịch
“Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh”, hình như của Francois Sagan, Hoàng
Yến cũng nhìn theo, buột miệng:
- Đọc cuốn này xong, chắc Hiển sẽ tìm
được một chút mặt trời nào đó trong lòng nước lạnh của mình, Hoàng Yến đọc mấy
lần từ hai năm nay, nhưng vẫn còn đi tìm, buồn ghê!
- Có nhiều khi nó ở đâu đó rồi mà
mình không dám nhận thôi, để Hiển xem có phải lọt vào tình cảnh của Hoàng Yến
không.
Chị Trâm hiểu ngay cái gì giữa hai cô cậu này rồi, chị cười nhìn ra đường:
- Chịu mấy năm nước lạnh Đà Lạt, muốn
“lắc lư con tàu đi” rồi, giờ chị nghĩ Hoàng Yến cũng nên đi tìm “một chút mặt
trời” cho ấm đời.
Hoàng Yến nhìn chị, rồi trộm nhìn Hiển:
- Nghe lời chị, em sẽ đi tìm dù chỉ một
chút thôi cũng đủ”.
Đường ngoài phố sắp lên đèn, người xe càng lúc càng đông hơn, chiều Chủ
Nhật Sài Gòn là vậy, cả ba kéo nhau qua hẻm Casino ăn cơm chiều, bữa cơm tạm biệt,
thì ra, Hoàng Yến cũng vào làm cho ngân hàng Pháp Á, một chỗ với chị Trâm,
chính chị Trâm đã hẹn cô nàng ra, cho nên lúc nãy, Hiển cứ thấy chị nhìn đồng hồ
tay hoài, và Hoàng Yến cũng biết ngày mai Hiển trở xuống Cần Thơ. Một bữa ăn
vui cho ba người nhưng cũng là một bữa ăn có thêm hương vị xao xuyến lòng ai
đó.
Ra về, Hoàng Yến lái xe Honda theo hai chị em Hiển tới Gò Vấp, nhắn nhủ
chị Trâm gì đó ngày mai, trước khi quay xe đi, trời chập chửng vào đêm từ lâu,
Hoàng Yến nhìn Hiển nói khẻ” khi nào về nhớ cho Hoàng Yến biết nghe, nhớ giữ
gìn sức khỏe”, dưới ánh đèn đường vàng mờ nhạt trước nhà, Hiển gật đầu
nhưng không hứa, Hoàng Yến chạy xe đi, Hiển vẫn còn đứng đó, giằng co trong
lòng, hai chữ thân phận, chị Trâm đã bỏ vào nhà từ lâu.
*
Ra trường, hai năm sau, Hiển về Mỹ Tho làm việc, chưa và cũng không dám
nghĩ, không dám mơ tới chút tình mới chớm, có về ghé Sài Gòn, trên đường về tỉnh
thăm nhà, đôi ba lần, tạt ngang cậu Út, chuyện này chuyện nọ với chị Trâm, nghe
cậu mợ chị sắp lấy chồng nhưng hỏi để mừng thì chị cười nói trổng “chừng nào
thì biết liền”, biết giờ Hiển làm gì và ở đâu nhưng chị vẫn không tiết lộ với
Hoàng Yến, mặc dù chị nhắc hoài là cô nàng cứ hỏi Hiển, chị thấy thương nhưng
đành chịu, tánh tình thằng em chị không lạ, không buông bỏ hai chữ phận nghèo
ra khỏi đời mình, không biết chừng nào mới thay đổi, chị cũng biết Hiển không
quên được cái buổi chiều bên hiên quán cơm trên Đà Lạt và cái tên Hoàng Yến.
2.
Trước ngày
đưa ông Táo, bất ngờ chị Trâm và Hoàng Yến xuống Mỹ Tho. Trời cũng vừa giữa
sáng, không lạnh không nóng, nắng dìu dịu, chợ tỉnh đông người mua người bán,
xe cộ chất hàng gọi nhau ơi ới, ồn ào, đúng là ồn ào như cái chợ.
Ba người trong văn phòng, Hiển chưng hửng, chuyện gì đây, nhìn lén chị
Trâm ngầm hỏi, chị chỉ cười và cười, không nói nhưng xem ra có vẻ hài lòng, ba
người nói qua hỏi lại, chuyện này chuyện nọ, vui vẻ như trước. Hoàng Yến cứ
nhìn tấm bảng mica khắc tên và chức vụ để trên bàn làm việc, cũng như chị Trâm
cười nhưng có chút trách móc:
-Bộ Hiển ghét Hoàng Yến lắm hay sao
mà không thèm cho Hoàng Yến biết gì hết?
Hiển vừa định trả lời thì Chị Trâm giờ
mới lên tiếng, nhìn hai người:
-Chuyện này dài như chuyện “nhân dân
tự vệ”, thủng thẳng chị nói cho nghe.
Cũng tới giờ nghỉ trưa, Hiển lái xe chở hai người ra cái quán cơm quen,
trên đường rẽ vào phố chính. Trời rưng rức nắng, xe cộ thưa dần, đường có chút
bụi nhạt đong đưa làm dáng. Thấy Hiển, bà chủ quán vồn vã ra chào, nhìn qua hai
cô đi theo cười tủm tỉm. Vừa ăn vừa nghe chị Trâm, “có ngày nghỉ từ chỗ làm,
chị rũ Hoàng Yến đi Mỹ Tho chơi, nhất là có qua ngã ba Trung Lương, trái cây đủ
thứ mặc sức mà mua mang về, chị có một người quen rất thân ở dưới, cũng không lạ
với Hoàng Yến, chiều mình về, xe đò chạy hà rầm, nhiều chuyến về lắm khỏi lo”
Hoàng Yến tính cũng ham vui, lại nghe nói có ai đó quen mình, cố nặn đầu
nhớ nhưng đành chịu, nên háo hức chịu đi, sau khi đi vòng vòng phố xá, tới công
viên Lạc Hồng ngắm sông Mỹ Tho, nhìn đò máy xuôi ngược qua bên kia Cồn Phụng, ăn
sáng, chị cứ tỉnh queo nhủng nha nhủng nhẳng, làm Hoàng Yến sốt ruột, nhắc tới
nhắc lui, rồi hai người đón xe lôi máy tơi đây, địa chỉ Hiển chỉ dễ tìm ra, “vây
đó người quen của chị mà cũng không lạ với cô”, chị Trâm, chỉ qua Hiển cười
khoan khoái:
- Là anh này đây.
Cả ba phá lên cười, bà chủ quán đang bưng dọn gì đó gần bên cũng quay
qua nhìn cười lây, chẳng cần biết chuyện gì.
Hiển đưa hai người ra bến xe đò nhỏ về Sài Gòn, chuyến xe chót cuối
ngày, anh tài xế và anh lơ, thấy Hiển, đang ngồi hút thuốc gần xe, ngồi bật lên
chào, vì Hiển không còn lạ gì với họ ở đây. Xe đủ khách, anh lơ giục lên đi sớm,
nói vậy chứ cũng đứng chờ Hiển, Hoàng Yến xem ra bịn rịn, chị Trâm làm bộ ngó
lơ, vừa bước vào xe, Hoàng Yến quay đầu lại:
- Khi nào về ăn Tết trên nhà trờ xuống,
nhớ ghé qua nhà Hoàng Yến nghe, Hoàng Yến chờ, nhớ nghe.
Chị Trâm nheo mắt nhìn Hiển lập lại:
- Nhớ nghe.
Xe đò ra khỏi bến, anh lơ vẫy tay chào, Hiển ngồi yên trên xe nhìn theo,
bổng dưng bâng khuâng nhớ.
3.
Chiếc xe Peugeot 504 màu trắng ngừng
lại ở chỗ bến xe chợ xã, ba má Hoàng Yến, Hoàng Yến và chị Trâm xuống xe, không
có Hiển, ôm trên tay gì đó, nói cười đi trước tới căn nhà tôn vách ván, nằm xế
chếch cuối khu phố, nhà Hiển, chú tài xế đứng tựa vào thành cửa xe, châm thuốc
hút nhìn. Trời lưng lửng giữa sáng, nắng rực ấm, chợ còn đông, người bán người
mua lóng nhóng, nhấp nhỏm nhỏ to, kéo nhau theo sau một khoảng xa, đứng tụm ba
tụm năm nhìn. Bốn người vào nhà Hiển, không biết họ đã nói chuyện gì, chừng đâu
hơn một tiếng mấy đồng hồ trở ra có cả ba má Hiển theo tiễn, chị Trâm, Hoàng Yến
và ba Hoàng Yến đi trước, má Hoàng Yến vẫn còn nắm tay má Hiển nói gì đó, nói
nhiều lắm, thấy ba má Hiển vui vẻ gật đầu mấy lần
*
Sáng thứ bảy, ngày nghỉ, Hiển trở lên Sào Gòn sớm, khi nhận được thư chị
Trâm kêu về ăn giỗ bà dì Tư, má chị. Thư từ tay anh tài xế chiếc xe đò nhỏ mà
Hiển thường đi đưa lại, từ xế trưa hôm qua chị ra bến xe, đón chuyến xe đò này,
chuyến xe đò mà chị và Hoàng Yến về hôm xuống Mỹ Tho thăm Hiển, gởi thư khi xe
trở về dưới, chị trả tiền như mua vé một chỗ ngồi. Thật vậy, về tới Gò Vấp, vào
nhà thì đã có mặt khá đông bà con trên tỉnh xuống, đang bận rộn lo chuyện nấu
nướng, ngạc nhiên là có cả Hoàng Yến, chưa kịp hỏi gì thì thấy Hiển, bà con
trong nhà réo nhau trước sau, rối rích ngừng tay “một Hiển hai Hiển”, tiếng
Hiển càng lớn thì đôi má Hoàng Yến xem ra càng ửng hồng hơn. Xong bữa giỗ, Hiển
một lần nữa cùng chị trở qua nhà Hoàng Yến, chạy xe của chị Trâm một mình, chị
thì ngồi cùng với Hoàng Yến, chạy sau không xa nhìn trước, hai người nói không
nghỉ, thỉnh thoảng quay nhìn Hiển cười ngặt nghẽo.
Đưa hai chị em ra cổng, ba má Hoàng Yến cùng theo ra, vẫn còn chút nắng
muộn, chị Trâm vịn xe dứng chờ, ông cười tươi nói với Hiển, nhưng không ai nghe
rõ ông nói gì, chỉ thấy Hiển gật đầu. Hoàng Yến nhìn ông rồi nhìn Hiển cười. Hai
chị em, đi xa rồi, ba người vẫn còn đứng trên lề đường nhìn theo, cánh cổng sắt
thường khép kín mọi ngày, chiều nay chưa chịu đóng.
4.
Một sáng giữa thu, một lần nữa, dân chợ xã lại thấy chiếc xe Peugeot 504
màu trắng, lần này chiếc xe chạy gần tới nhà Hiển hơn, dân chợ cũng là dân chợ
từ xưa, nhốn nháo, tụm ba tụm năm, mắt xa mắt gần dòm dòm ngó ngó. Người xuống
xe, má của Hoàng Yến và có thêm Hiển, trên tay anh tài xế, và bà ôm nhiều gói
bao giấy đỏ. Vào nhà không lâu, họ đi ra, có cả ba má Hiển, quần áo tươm tất
lên xe, xe chạy ra đường lộ chính, đám dân chợ xã nhìn theo, đứng đó nhỏ to bàn
tán với nhau, chợ đông người từ lâu vẫn chưa chịu tản đi.
Cũng lúc đó, trên đường Phan Thanh Giản, người ta thấy chị Trâm, Hoàng Yến
và ba của cô nàng đứng trước cổng biệt thự, hoa kết rực rỡ đủ màu, xem ra chiều
vừa ý với hàng chữ màu đỏ thẳm lấp lánh một chút nắng mặt trời lên hiếm hoi trong
cái se lạnh giữa thu,
“Lễ Thành Hôn”.
Thuyên
Huy
Trước khi vào Hạ 2023
No comments:
Post a Comment