VIÊN NGỌC ẨN
Ông Tư thấm mệt gác cây cần lên chiếc thuyền
nan, ngước mắt nhìn trời, miệng chửi đổng.
Mẹ kiếp! Nắng dữ! Suốt 3 tháng liền chẳng
một giọt mưa. Cứ cái kiểu này thì làm ăn mẹ gì đây!
Câu cá tràu ở trên con bàu Lâm yên này đã gần
hai chục năm, ông tư chắt bóp dè sẻn, tuy không dư dả, nhưng cũng đắp đổi qua
ngày. Đặc biệt năm nay trời hạn mãi, cá tràu chẳng chịu vầy tổ đẻ trứng. Sự
tình cứ như thế này, ông không biết đào đâu ra tiền gạo nuôi đàn con nheo nhóc
và bà vợ ốm đau mãi ấy! Ông Tư cảm thấy mệt mỏi rã rời nghĩ đến cái cảnh con
thơ ngồi trên mui thuyền ngóng mắt chờ cha, vợ đau nằm trong xó xỉnh cầu nguyện
cho chồng làm ăn gặp vận. Càng nghĩ ông càng buồn!
Ông chạnh lòng nhớ lại những tháng năm còn sống
với bố mẹ. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn cay đắng vì lũ ông mà bố mẹ phải gánh chịu
không một lời than thở. Tình thương ấy cứ gắn mãi trong lòng mỗi người cho đến
khi mấy chị đi lấy chồng, ông lấy vợ, ở riêng. Tình mẫu tử thiêng liêng đã thấm
mềm trong cơ thịt và với ông, nó như một sợi dây vô hình đã ràng buộc vào con
thuyền lênh đênh, vào cái nghề cực khổ này. Bỗng tiếng tù và rúc một hồi dài
kéo ông quay về thực tại.
Con vịt mồi nằm trên sạp gỗ trố cặp mắt ráo hoảnh nhìn sang ông. Cây cần câu lưỡi
vẫn buộc chặt trên thân. Ông thầm nghĩ: không lẽ hôm nay chẳng hơn gì hôm qua
sao!
Mặt trời đã tròn bóng. Tiếng mái chèo lại bắt
đầu khua bì bõm, lau lách trên mép bờ bàu. Cứ thế con xuồng lấn dần những gần
cây số đường nước mà vẫn chưa
bói ra mẻ nào! Bất chợt từ phía bên kia đám lùng, một cái vẫy ầm toé nước. Ông
khấp khởi mừng thầm, lao nhanh xuống tới. Quả đúng như dự đoán. Một tổ cá vầy
trong bụi cỏ to hơn chiếc nón. Trứng trắng đã ngả màu đen xạm dàn trải lên lớp
màn đục. Ông đoán chắc là chúng sắp nở con. Cái nghề sống gần hai mươi năm ấy
đã dạy ông biết chắc một điều: trứng sắp nở, bố mẹ nó sẽ tợn hơn nhiều, bất chấp
cái chết để bảo vệ cho bằng được đàn con ra đời. Lòng ông rộn niềm vui. Tay ông
buộc vịt, tra mồi mà đầu ông mải nghĩ đến cuộc đọ sức tuy không cân xứng về lực,
nhưng tài mưu lược đôi bên có lẽ ngang tầm. Ông buột miệng quả quyết kêu lên:
“Tao sẽ thắng vì lũ con tao đang cần chúng mày!”.
Quả thực ông Tư đã thắng! Hai con cá tràu nằm
sườn sượt trong lòng xuồng. Chốc chốc chúng ngoi đầu lên, vẫy đuôi đành đạch
như cố tìm đường tẩu thoát để về với lũ con sắp ra đời của chúng, nhưng bất lực…
Ngôi nhìn cặp cá, ông Tư sắp sẵn trong đầu: một
con bán đi lấy tiền đong gạo. Con cá mẹ lớn hơn làm thịt nấu cháo cho lũ con
đánh bữa đỡ lòng qua những ngày đói khát. Sự dự tính tưởng chắc như cơm vào miệng.
Ai ngờ, con cá đã trút hết vảy để lộ cái thân hình nõn nà, bà Tư sơ ý, đánh rơi
xuống bàu, lẩn mất tăm.
Cơ sự đã thế ấy, hai vợ chồng và lũ con ông ngồi
sững sờ nhìn nhau! Chết điếng!
Sáng hôm sau khi ông mặt trời thức dậy, như
thường lệ, ông Tư tu một bát nước chè hầm, cho cần và vịt mồi vào xuồng rồi lướt
sóng ra đi. Ông gặp tổ cá sớm hơn hôm qua. Trước mắt ông cái tổ con đen sạm
cũng chỗ ấy, hôm qua, một con cá tràu thân trắng tợ bông đang lững lờ bơi qua
bơi lại. Mắt ông hoa lên, ông dụi tay xem lại. Bất chợt ông thảng thốt kêu lên:
“Chính nó rồi!”. Trời ơi! Vượt mấy cây số đường nước với cái hình hài trơ trụi
thế kia mà nó vẫn cố tìm về. Và về kịp, lúc những chấm cá tràu bắt đầu hiện li
ti trên mặt nước.
Lòng ông bàng hoàng! Tay chân bủn rủn! Không
còn ham muốn gì nữa, ông đành quay xuồng lặng lẽ trở về…
Từ đó, trên cái bàu Lâm Yên này, không còn ai
thấy bóng dáng con thuyền của gia đình ông Tư đỗ ở đấy nữa….
Xuân Đình
No comments:
Post a Comment