Monday, December 30, 2024

Cám Ơn - 304Đen

 Thân Kính Cám Ơn




Bất Chợt - Nguyễn Đạm Luân

 Bất Chợt




Đi Tìm Một Chút Mặt Trời - Thuyên Huy

 

ĐI TÌM MỘT CHÚT MẶT TRỜI

Mượn tên thật của một người, nhân vật, tình tiết, bối cảnh trong chuyện được tự dựng bằng tưởng tượng

1.

    Hiển từ bến xe, kéo cao cổ áo lạnh mua ở chợ trời Hàm Nghi, mang túi xách đựng vài bộ quần áo và một lô sách, lửng thửng thả bộ về chỗ trọ. Vào hạ, Đà Lạt, có phần nào bớt lạnh, nhưng vẫn mù mờ sương khói dù trời đã ngấp nghé giữa trưa, lác đác trên đường từng cụm nhánh thông khô, nhỏ nhoi, vẫn còn ướt đẩm sương đêm trăn trở, đâu đó lưa thưa vài cánh hoa Pensé lẻ bạn tim tím bên lề cỏ quấn quanh, trông ngóng.

    Rớt kỳ thi cuối của bảy năm mài mòn ghế trung học, tại mình hơn là tại trời, ngại về trên nhà, cái chợ làng ít người nhưng nói to nói nhỏ thì nhiều đó sẽ làm ba má buồn, Hiển quyết định không về, tìm một chỗ để tạm quên đi, dặn lòng quyết “mài kinh nấu sử” thi lại kỳ hai, chỗ anh tìm đó là Đà Lạt. Trước hôm đi, chị Trâm, con cậu Út, con của bà dì thứ tư, em ngoại, chỗ Hiển ở đi thi, vừa từ Đà Lạt về nghỉ hè đưa cho Hiển chìa khóa phòng chị trên Đà Lạt, nơi chị ở tại khu nhà của sinh viên học sinh thuê trọ, mục sư Nhung, ông mục sư hiền lành, giúp người đầy lòng nhân ái, cuối mùa năm thứ hai trường Chính Trị Kinh Doanh, chờ chị trở lại trên đó rồi tính.




*

    Cầm chìa khóa, chưa kịp mở cửa, thì có một cô cũng vừa tới trước cửa căn bên cạnh, áo lạnh xuống tới khỏi gối, tóc xỏa buông dài không che đầu, còn lấm tấm chút hơi sương nhạt, Hiển quay ra chào, cô cũng mĩm cười chào lại, mặt trông ra ngạc nhiên, không chờ cô ta hỏi, Hiển lên tiếng, xưng tên và cho biết là em của chị Trâm, trốn Sài Gòn, lên đây tìm chỗ lảng quên nổi buồn “thi không ăn ớt thế mà cay”.

   Chị, Hoàng Yến, hơn Hiển chừng hai ba tuổi, cở đó, nhỏ hơn chị Trâm, vì chị Trâm vào trung học hơi trễ, học chung năm với chị, đáng lý chị đã vể nhà ở Sài Gòn cùng một ngày với chị Trâm nhưng phải ở lại hai ba bữa vì phải phụ bà dì từ Sài Gòn ra bán vườn bông cải trắng ở ngã ba suối Liên Hiệp. Cùng ở trọ chung phòng với chị còn có một cô nữa, đã về Nha Trang mấy ngày trước. Vốn nói năng nhanh miệng, có chút  thơ văn, nên Hiển quen với chị liền ngay khi vừa mới gặp. Phần chị Hoàng Yến thì, lúc đầu hơi e dè, ngại ngùng chút xíu nhưng sau đó cũng như Hiển, đứng bên này bên kia mà nói cười, hỏi qua hỏi lại không nghỉ.

    Bỏ túi xách, lôi mấy cuốn sách đã làm khổ anh ta cả năm qua nhưng rốt cuộc chẳng thương tình chút nào để đại trên bàn, lôi mấy cái áo cái quần nhăn nhúm ra để trên cái giường trống, bên cạnh giường của chị Trâm, đi tới đi lui, đi qua đi lại, nhìn cái này cái kia, cái nào chị Trâm cũng sắp có ngăn có nắp, nên Hiển cười nói thầm “đứng đụng tới nghe bạn”. Trời cũng sắp sỉ vào giữa trưa, sương vẫn mờ mờ ngoài đường phố, nắng vừa thức giấc, hé chút vạt xuyên sương xuống đường, ngồ ngộ, nhưng lạnh cũng cái lạnh như lúc vừa xuống xe. Bỏ đồ đạc nguyên đó Hiển ngồi nhìn ra sân trước, nghĩ tới lần thi kỳ hai, rùng mình tự hỏi, “liệu có chắc qua được truông này không”.

*

   Trời lưng lửng về chiều, đâu đó xong xuôi, định ra chợ kiếm cơm hay cái gì đó bỏ bụng, thì nhà bên có tiếng chị Hoàng Yến trước cửa hỏi, Hiển khoát áo khoát bước ra, hai người chào nhau, cười nói qua lại rồi, cùng đi về hướng dưới chợ.

    Hai người ngồi bên hiên ngoài cái quán cơm quen của chị Hoàng Yến, xế góc cà phê Tùng, nhìn xuống hồ Xuân Hương, sương giăng mắc một màu sương, che mờ làm nhạt màu xanh của những cây thông rậm lá, vắng người, không giống như trên này, nhất là chỗ rạp chiếu bóng Hòa Bình, đông người lại người qua, áo len áo choàng đủ màu khoe sắc thắm. Hai người nói với nhau nhiều lắm, nhưng không biết nói những gì, chỉ thấy cười luôn miệng. Chị đưa cho anh tấm giấy có ghi địa chỉ nhà ở Sài Gòn, dặn hôm nào về ghé, chị chờ, Hiển gật đầu nhưng không hứa khi nào.

*

    Buổi sáng, tiễn chị về Sài Gòn, chị đi rồi, trên đường trở về nhà trọ, trời cũng sương với sương, một mình đếm bước, con đường đã một lần anh đi bên người, dù một lần, bỗng dưng thấy bâng khuâng, man mác buồn. Buổi chiều, cũng ngoài hiên cái quán cơm hôm qua, nhìn xuống hồ một mình, bữa ăn sao không thấy ngon, thấy thiếu thiếu cái gì đó, Hiển chợt thấy lòng mình là lạ, hình như đã biết nhớ, nhớ người và nhớ cả tên Hoàng Yến.

   Đêm bên bàn, mấy trang đầu cuốn sách Toán khó nuốt mở nhưng Hiển cứ ngồi bất động, tư lự, đầu óc trống rổng chừng như không vô được chữ nào, xếp sách lại, mở hết cuốn môn này môn kia nhưng chỉ đọc bìa sách, một lúc rồi, bỏ đó, suốt đêm trằn trọc không ngủ, nằm chờ sáng. Sau một ngày lang thang nữa, đếm cành thông gầy guộc khô gãy vụn, lên xuống những con đường dốc lạ, chưa đủ quen, nhưng vẫn không làm sao quên được, cuối cùng, Hiển xếp đồ vào túi xách, xếp đặt mọi thứ đâu vào đó, bỏ Đà Lạt một sáng có chút nắng hạ lên trên bờ hồ, chuyến xe đò nhỏ ra khỏi bến, thoang thoảng đâu đó có tiếng thông reo lùa theo gió bất chợt về ngang, Hiển bổng dưng muốn khóc.

*

   Chị Trâm khá ngạc nhiên, mới đi có mấy ngày mà về rồi, Hiển lắc đầu, đành chịu, không nói lý do tại sao nhưng chỉ thốt ra hai tiếng “buồn quá”, rồi thôi. Chị chỉ biết thằng em buồn vì “học tài thi phận” thôi chứ chị không biết là hắn đã vướng buồn vì một chuyện khác, chưa nói ra, nhưng những ngày sau đó, lâu lâu lại thường nghe Hiển hỏi ra hỏi vô về Hoàng Yến, chị đăm ra thắc mắc, chẳng lẽ thằng em bị “tiếng sét” gì đó sao nhưng thấy Hiển lo học thiệt tình nên không nhắc tới làm gì. Một chiều, mượn xe Honda ở nhà, theo địa chỉ Hoàng Yến cho, chạy tìm xem thử, tới nơi, đứng trên lề đường bên này nhìn qua, căn biệt thự kín cổng cao tường trên đường Phan Than Giản, thật lâu, Hiển lặng lẻ bỏ đi.

   Còn may, Hiển đậu đươc kỳ hai, bảng niêm yết kết quả ở trường trung học Nguyễn Trãi bên Khánh Hội, không quá mấy chục tên, đậu hạng Thứ đủ rồi, miễn có đậu là được. Hiển báo tin cho chị Trâm rồi trở về tỉnh thăm nhà với “bảng hổ đề tên”. Chị Trâm mừng hơn anh ta nữa, hè cũng ngấp nghé tàn rồi, hai ba ngày nữa chị trở lên Đà Lạt chuẩn bị năm học mới. Hiển hứa sẽ trở xuống tiễn chị.

   Hoàng Yến tới thì Hiển vể tỉnh rồi, cô nàng qua để bàn chuyện giờ giấc đi đứng ngày mai, lần này hai người đi bằng Air Việt Nam, đã mua sẳn vé rồi. Để ý cô ta, cũng nhanh nhẹn, cũng lăng xăng nhưng chị Trâm thấy trên gương mặt Hoàng Yến, nụ cười có chút gì đó buồn buồn, ra về, chị tiễn Hoàng Yến ra cổng, nhìn cô nàng cười nói khẻ “Hiển đậu rồi”, trên đường về, chiếc xe Honda PC hình như cũng cùng cô nàng nhìn mông lung cười một mình, nắng cuối hạ Sài Gòn giữa trưa hôm đó rơi đầy hoa len lén cài trên suối tóc bay dài theo gió.

   *

    Vì má Hiển trở bệnh bất ngờ nên anh ở nán lại nhà thêm mấy ngày, trở xuống Sài Gòn thì chị Trâm đi rồi, cậu Út bảo chị nhắn lại là có gì chị sẽ viết thư về. Chị đi thì chắc là Hoàng Yến cũng đã không còn ở đây, môt lần nữa, Hiển chạy Honda tới nhà Hoàng Yến, cũng đứng trên lề đường xa bên kia nhìn qua, trời vừa dịu nắng, chiều chầm chậm xuống, từ trong nhà, chiếc xe hơi Peugeot 504 màu trắng từ từ ra khỏi hai cánh cổng sắt vừa mở rộng, chạy xuôi chiều ra xa lộ, Hiển nhìn theo, nhớ hình ảnh căn nhà mái tôn vách ván của mình, lặng lẽ bỏ đi, buồn.

    *

    Hiển thôi không còn ở bên cậu Út, vào ở nội trú tại trường mình học, nhờ có học bổng nên ba má không còn lo toan chuyện tiền bạc, đủ ăn đủ mặc, không thiếu có khi dư chút đỉnh, đủ ngồi cà phê cà pháo với bạn bè. Hai ba tháng, sau ngày vào học, làm quen với ghế giảng đường, Hiển viết thư gởi chị Trâm, cho chị biết mọi việc, không nói mình học ở đâu, rồi cũng nhận thư chị từ Đà Lạt, thư khá dài, chị kể Hoàng Yến nói nhiều lắm nhưng không nói là chuyện gì. Sau hai lần đứng bên đường nhìn nhà Hoàng Yến ở Sài Gòn, Hiển quên dần chút tình khó nói của mình, không buồn không dám nhắc tới nữa. Từ ngày ra ở chỗ khác, cũng ở Sài Gòn này nhưng không thường qua nhà cậu Út bên Gò Vấp lắm, vẫn thư đi thư lại với chị Trâm như trước, thư chị thì thường viết thêm vài chuyện về Hoàng Yến, thấy lúc này cô hay buồn xa xăm hơn những năm trước.

    *

     Cuối năm thứ hai, theo chương trình học, từ Cần Thơ trở lên Sài Gòn, trời cũng đã sắp hết hè, trướng học rục rịch tựu trường lại, ghé qua thăm cậu Út thì cũng là lúc chị Trâm về, đã tốt nghiệp, giã từ sương mù bốn mùa Đà Lạt, chờ xin việc làm. Hai chị em gặp lại nhau, không biết bao nhiêu chuyện mà nói, và Hiển cũng tiết lộ trường mình học, chị làm bộ giận trách mà cười, cái cười có vẻ mản nguyện chuyện gì đó.

   *

    Sài Gòn vào thu, mây lang thang xam xám trên đường phố, chưa có mưa, Chủ Nhật buổi chiều hai chị em ra phố, mai chị bắt đầu làm việc tại ngân hàng Pháp Á và đưa Hiển trở xuống Cần Thơ. Đi loanh quanh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Pasteur Lê Thánh Tôn nhìn người nhìn xe cộ, chị Trâm lâu lâu cứ nhìn đồng hồ đeo tay, tuy nói qua nói lại nhưng cũng thường ngó trên ngó dưới, xem ra có vẻ chờ chờ đợi đợi gì đó, Hiển mĩm cười thầm “chắc chờ anh nào đây”. Chưa năm giờ chiều, nắng nhạt, nắng đầu thu, rồi theo ý chị, hai người vào tiệm kem Mai Hương, ngồi bên bàn ngoài, nhìn ra đường. Bỏ chị ngồi đó, cũng cần kiếm một vài cuốn sách đem xuống dưới tỉnh đọc, Hiển đi qua tiệm sách Khai Trí, không xa bao nhiêu, chị tủm tỉm cười mà không nói gì.

    Trở lại tiệm kem, giờ đông người hơn lúc nãy, Hiển khựng lại chưa bước vội lên bực tam cấp, có cô nào đó ngồi bên, không nhìn ra đường, Hiển vừa bước trở ra đường, thì chị Trâm đứng lên vẫy tay gọi vào, cũng cùng lúc đó cô ngồi bên đứng lên, Hiển chưng hửng, Hoàng Yến sao. Ngồi xuống ghế, mấy cái bánh ngọt kêu để sẳn trên bàn, chưa có dấu đụng tới, chị Trâm cười ghẹo hỏi;

- Hiển nhớ ai đây không?

    Chưa kịp trả lời, không phải vì không có câu trả lời nhưng hình ảnh của buổi chiều ngắn ngủi ở hiên cái quán cơm trên Đà Lạt, bổng dưng, bất chợt, dù cố quên nhưng lại hiện rõ mồn một trong đầu, nên Hiển khựng lại, thì Hoàng Yến đã lên tiếng:

- Chắc hơn hai năm rồi, quên rồi cũng phải, mà quên thiệt hông?

- Cũng hơn hai năm, nhưng đâu có dễ quên được, Hiển cười nhìn Hoàng Yến.

Cô nàng nhìn chị Trâm:

- Hiển giờ nhìn lạ quá, Hiển khỏe không, chuyện hoc hành tời đâu rồi, không nghe chị Trâm kể gì hết?

    Hiển thầm cám ơn bà chị, đã giữ lời hứa tời bây giờ, chỉ nói là học đâu đó bên Luật bên Văn Khoa vậy thôi.

- Cũng vây thôi, phải ráng, nhờ còn may nên còn áo thư sinh, ghế giảng đường, chứ nếu không thì chắc đã giầy sô áo trận rồi.

    Chị Trâm ngồi nhìn hai người nói với nhau, không đầu không đuôi, cười trong bụng, biết rồi, ba ly kem lạnh được cô hầu bàn đem ra, chị làm dấu mời ăn, đưa tay cầm lấy cuốn sách Hiển mua lật lên xem trang bìa, cuộn truyện dịch “Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh”, hình như của Francois Sagan, Hoàng Yến cũng nhìn theo, buột miệng:

- Đọc cuốn này xong, chắc Hiển sẽ tìm được một chút mặt trời nào đó trong lòng nước lạnh của mình, Hoàng Yến đọc mấy lần từ hai năm nay, nhưng vẫn còn đi tìm, buồn ghê!

- Có nhiều khi nó ở đâu đó rồi mà mình không dám nhận thôi, để Hiển xem có phải lọt vào tình cảnh của Hoàng Yến không.

   Chị Trâm hiểu ngay cái gì giữa hai cô cậu này rồi, chị cười nhìn ra đường:

- Chịu mấy năm nước lạnh Đà Lạt, muốn “lắc lư con tàu đi” rồi, giờ chị nghĩ Hoàng Yến cũng nên đi tìm “một chút mặt trời” cho ấm đời.

   Hoàng Yến nhìn chị, rồi trộm nhìn Hiển:

- Nghe lời chị, em sẽ đi tìm dù chỉ một chút thôi cũng đủ”.

    Đường ngoài phố sắp lên đèn, người xe càng lúc càng đông hơn, chiều Chủ Nhật Sài Gòn là vậy, cả ba kéo nhau qua hẻm Casino ăn cơm chiều, bữa cơm tạm biệt, thì ra, Hoàng Yến cũng vào làm cho ngân hàng Pháp Á, một chỗ với chị Trâm, chính chị Trâm đã hẹn cô nàng ra, cho nên lúc nãy, Hiển cứ thấy chị nhìn đồng hồ tay hoài, và Hoàng Yến cũng biết ngày mai Hiển trở xuống Cần Thơ. Một bữa ăn vui cho ba người nhưng cũng là một bữa ăn có thêm hương vị xao xuyến lòng ai đó.

    Ra về, Hoàng Yến lái xe Honda theo hai chị em Hiển tới Gò Vấp, nhắn nhủ chị Trâm gì đó ngày mai, trước khi quay xe đi, trời chập chửng vào đêm từ lâu, Hoàng Yến nhìn Hiển nói khẻ” khi nào về nhớ cho Hoàng Yến biết nghe, nhớ giữ gìn sức khỏe”, dưới ánh đèn đường vàng mờ nhạt trước nhà, Hiển gật đầu nhưng không hứa, Hoàng Yến chạy xe đi, Hiển vẫn còn đứng đó, giằng co trong lòng, hai chữ thân phận, chị Trâm đã bỏ vào nhà từ lâu.

*

   Ra trường, hai năm sau, Hiển về Mỹ Tho làm việc, chưa và cũng không dám nghĩ, không dám mơ tới chút tình mới chớm, có về ghé Sài Gòn, trên đường về tỉnh thăm nhà, đôi ba lần, tạt ngang cậu Út, chuyện này chuyện nọ với chị Trâm, nghe cậu mợ chị sắp lấy chồng nhưng hỏi để mừng thì chị cười nói trổng “chừng nào thì biết liền”, biết giờ Hiển làm gì và ở đâu nhưng chị vẫn không tiết lộ với Hoàng Yến, mặc dù chị nhắc hoài là cô nàng cứ hỏi Hiển, chị thấy thương nhưng đành chịu, tánh tình thằng em chị không lạ, không buông bỏ hai chữ phận nghèo ra khỏi đời mình, không biết chừng nào mới thay đổi, chị cũng biết Hiển không quên được cái buổi chiều bên hiên quán cơm trên Đà Lạt và cái tên Hoàng Yến.

2.

     Trước ngày đưa ông Táo, bất ngờ chị Trâm và Hoàng Yến xuống Mỹ Tho. Trời cũng vừa giữa sáng, không lạnh không nóng, nắng dìu dịu, chợ tỉnh đông người mua người bán, xe cộ chất hàng gọi nhau ơi ới, ồn ào, đúng là ồn ào như cái chợ.

    Ba người trong văn phòng, Hiển chưng hửng, chuyện gì đây, nhìn lén chị Trâm ngầm hỏi, chị chỉ cười và cười, không nói nhưng xem ra có vẻ hài lòng, ba người nói qua hỏi lại, chuyện này chuyện nọ, vui vẻ như trước. Hoàng Yến cứ nhìn tấm bảng mica khắc tên và chức vụ để trên bàn làm việc, cũng như chị Trâm cười nhưng có chút trách móc:

-Bộ Hiển ghét Hoàng Yến lắm hay sao mà không thèm cho Hoàng Yến biết gì hết?

Hiển vừa định trả lời thì Chị Trâm giờ mới lên tiếng, nhìn hai người:

-Chuyện này dài như chuyện “nhân dân tự vệ”, thủng thẳng chị nói cho nghe.

    Cũng tới giờ nghỉ trưa, Hiển lái xe chở hai người ra cái quán cơm quen, trên đường rẽ vào phố chính. Trời rưng rức nắng, xe cộ thưa dần, đường có chút bụi nhạt đong đưa làm dáng. Thấy Hiển, bà chủ quán vồn vã ra chào, nhìn qua hai cô đi theo cười tủm tỉm. Vừa ăn vừa nghe chị Trâm, “có ngày nghỉ từ chỗ làm, chị rũ Hoàng Yến đi Mỹ Tho chơi, nhất là có qua ngã ba Trung Lương, trái cây đủ thứ mặc sức mà mua mang về, chị có một người quen rất thân ở dưới, cũng không lạ với Hoàng Yến, chiều mình về, xe đò chạy hà rầm, nhiều chuyến về lắm khỏi lo”

    Hoàng Yến tính cũng ham vui, lại nghe nói có ai đó quen mình, cố nặn đầu nhớ nhưng đành chịu, nên háo hức chịu đi, sau khi đi vòng vòng phố xá, tới công viên Lạc Hồng ngắm sông Mỹ Tho, nhìn đò máy xuôi ngược qua bên kia Cồn Phụng, ăn sáng, chị cứ tỉnh queo nhủng nha nhủng nhẳng, làm Hoàng Yến sốt ruột, nhắc tới nhắc lui, rồi hai người đón xe lôi máy tơi đây, địa chỉ Hiển chỉ dễ tìm ra, “vây đó người quen của chị mà cũng không lạ với cô”, chị Trâm, chỉ qua Hiển cười khoan khoái:

- Là anh này đây.

    Cả ba phá lên cười, bà chủ quán đang bưng dọn gì đó gần bên cũng quay qua nhìn cười lây, chẳng cần biết chuyện gì.

   Hiển đưa hai người ra bến xe đò nhỏ về Sài Gòn, chuyến xe chót cuối ngày, anh tài xế và anh lơ, thấy Hiển, đang ngồi hút thuốc gần xe, ngồi bật lên chào, vì Hiển không còn lạ gì với họ ở đây. Xe đủ khách, anh lơ giục lên đi sớm, nói vậy chứ cũng đứng chờ Hiển, Hoàng Yến xem ra bịn rịn, chị Trâm làm bộ ngó lơ, vừa bước vào xe, Hoàng Yến quay đầu lại:

- Khi nào về ăn Tết trên nhà trờ xuống, nhớ ghé qua nhà Hoàng Yến nghe, Hoàng Yến chờ, nhớ nghe.

    Chị Trâm nheo mắt nhìn Hiển lập lại:

- Nhớ nghe.

    Xe đò ra khỏi bến, anh lơ vẫy tay chào, Hiển ngồi yên trên xe nhìn theo, bổng dưng bâng khuâng nhớ.

3.

     Chiếc xe Peugeot 504 màu trắng ngừng lại ở chỗ bến xe chợ xã, ba má Hoàng Yến, Hoàng Yến và chị Trâm xuống xe, không có Hiển, ôm trên tay gì đó, nói cười đi trước tới căn nhà tôn vách ván, nằm xế chếch cuối khu phố, nhà Hiển, chú tài xế đứng tựa vào thành cửa xe, châm thuốc hút nhìn. Trời lưng lửng giữa sáng, nắng rực ấm, chợ còn đông, người bán người mua lóng nhóng, nhấp nhỏm nhỏ to, kéo nhau theo sau một khoảng xa, đứng tụm ba tụm năm nhìn. Bốn người vào nhà Hiển, không biết họ đã nói chuyện gì, chừng đâu hơn một tiếng mấy đồng hồ trở ra có cả ba má Hiển theo tiễn, chị Trâm, Hoàng Yến và ba Hoàng Yến đi trước, má Hoàng Yến vẫn còn nắm tay má Hiển nói gì đó, nói nhiều lắm, thấy ba má Hiển vui vẻ gật đầu mấy lần

    *

    Sáng thứ bảy, ngày nghỉ, Hiển trở lên Sào Gòn sớm, khi nhận được thư chị Trâm kêu về ăn giỗ bà dì Tư, má chị. Thư từ tay anh tài xế chiếc xe đò nhỏ mà Hiển thường đi đưa lại, từ xế trưa hôm qua chị ra bến xe, đón chuyến xe đò này, chuyến xe đò mà chị và Hoàng Yến về hôm xuống Mỹ Tho thăm Hiển, gởi thư khi xe trở về dưới, chị trả tiền như mua vé một chỗ ngồi. Thật vậy, về tới Gò Vấp, vào nhà thì đã có mặt khá đông bà con trên tỉnh xuống, đang bận rộn lo chuyện nấu nướng, ngạc nhiên là có cả Hoàng Yến, chưa kịp hỏi gì thì thấy Hiển, bà con trong nhà réo nhau trước sau, rối rích ngừng tay “một Hiển hai Hiển”, tiếng Hiển càng lớn thì đôi má Hoàng Yến xem ra càng ửng hồng hơn. Xong bữa giỗ, Hiển một lần nữa cùng chị trở qua nhà Hoàng Yến, chạy xe của chị Trâm một mình, chị thì ngồi cùng với Hoàng Yến, chạy sau không xa nhìn trước, hai người nói không nghỉ, thỉnh thoảng quay nhìn Hiển cười ngặt nghẽo.

   Đưa hai chị em ra cổng, ba má Hoàng Yến cùng theo ra, vẫn còn chút nắng muộn, chị Trâm vịn xe dứng chờ, ông cười tươi nói với Hiển, nhưng không ai nghe rõ ông nói gì, chỉ thấy Hiển gật đầu. Hoàng Yến nhìn ông rồi nhìn Hiển cười. Hai chị em, đi xa rồi, ba người vẫn còn đứng trên lề đường nhìn theo, cánh cổng sắt thường khép kín mọi ngày, chiều nay chưa chịu đóng.

4.

    Một sáng giữa thu, một lần nữa, dân chợ xã lại thấy chiếc xe Peugeot 504 màu trắng, lần này chiếc xe chạy gần tới nhà Hiển hơn, dân chợ cũng là dân chợ từ xưa, nhốn nháo, tụm ba tụm năm, mắt xa mắt gần dòm dòm ngó ngó. Người xuống xe, má của Hoàng Yến và có thêm Hiển, trên tay anh tài xế, và bà ôm nhiều gói bao giấy đỏ. Vào nhà không lâu, họ đi ra, có cả ba má Hiển, quần áo tươm tất lên xe, xe chạy ra đường lộ chính, đám dân chợ xã nhìn theo, đứng đó nhỏ to bàn tán với nhau, chợ đông người từ lâu vẫn chưa chịu tản đi.




    Cũng lúc đó, trên đường Phan Thanh Giản, người ta thấy chị Trâm, Hoàng Yến và ba của cô nàng đứng trước cổng biệt thự, hoa kết rực rỡ đủ màu, xem ra chiều vừa ý với hàng chữ màu đỏ thẳm lấp lánh một chút nắng mặt trời lên hiếm hoi trong cái se lạnh giữa thu,

Lễ Thành Hôn”.

 

Thuyên Huy 

 Trước khi vào Hạ 2023 

 

 

Chất Thơ Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung - Ngô Quang Minh

 

CHẤT THƠ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG





Đưa thơ vào trong tiểu thuyết, cho tiểu thuyết có chất lãng mạn nhằm tạo thi hứng cho cả người viết lẫn người đọc là đặc điểm cố hữu của 300 tiểu thuyết chương hồi thời Minh – Thanh. Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần có trên vài trăm bài thơ và khi thực hiện phim Hồng Lâu Mộng, các nghệ sĩ Bắc Kinh đã biến những bài thơ này thành nhạc từ – một dạng nhạc phủ – được hát lên, làm giàu thêm chất liệu nghệ thuật cho tác phẩm điện ảnh.
Nhà văn Kim Dung đã kế thừa phong cách đưa thơ vào tác phẩm tiểu thuyết như các nhà văn tiền bối mặc dù tiểu thuyết chương hồi của ông là tân văn tiểu thuyết. ở chừng mực nào đó, Kim Dung là một nhà thơ thực sự; ông đã viết cả vài trăm bài thơ, đặc biệt là thơ Thiền tông. Những bài thơ này chưa được in ra; người đời chỉ biết ông là nhà văn chứ chưa hề hiểu được ông còn là một nhà thơ. Chúng ta cũng lưu ý rằng ông nội Kim Dung đã từng làm tri huyện huyện Đơn Dương, Triết Giang và là một nhà thơ khá nổi tiếng cuối đời Thanh với thi tập Hải Ninh Sát Thị Sao Thị. Có lẽ âm vang của truyền thống tiểu thuyết Minh – Thanh, âm vang của truyền thống gia đình đã khiến Kim Dung mạnh dạn đưa thơ vào tiểu thuyết võ hiệp, làm cho những tác phẩm văn xuôi của ông mênh mang một màu thi ca lãng mạn, trữ tình.

Có những tác phẩm của Kim Dung lấy thơ làm nguồn cảm hứng chủ yếu. Đó là trường hợp bộ Hiệp Khách Hành gồm 12 quyển. Hiệp Khách Hành là tựa đề một bài thơ dài của nhà thơ Lý Bạch, một trong Đường – Tống bát đại gia mà lịch sử văn học Trung Quốc rất đỗi tự hào. Thơ Lý Bạch có nhiều thể tài: Diễm ca (ca ngợi cái đẹp), Túy ca (viết trong lúc say), Biệt ca (viết lúc chia tay nhau), Biên tái ca (viết về cuộc đời chinh chiến), Tình ca (ca ngợi tình yêu), Hành ca (ca ngợi chuyện giang hồ mạo hiểm),… Hiệp Khách Hành là một bài thơ ngũ ngôn, thuộc thể Hành ca, ca ngợi Ngụy Vô Kỵ, tức Lăng Tín Quân, công tử của nước Ngụy và 2 hiệp khách – Hầu Doanh, người giữ cửa Di Môn cùng Chu Hợi, anh hàng thịt. Hai người đã có công giúp Tín Lăng Quân đưa quân sang cứu nước Triệu, bảo vệ Hàm Đan, chống lại quân Tần thời Chiến quốc.

Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân yên chiếu bạch mã
Táp nạp như lưu tinh…Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Kiếm Ngô Câu rực rỡ tuyết sương
Ngân yên bạch mã huy hoàng
Vó câu vun vút như ngàn sao bay
Cách mười bước giết người chẳng trật
Ngàn dặm xa vùng vẫy mà chi?
Việc xong rũ áo ra đi
Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm
Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến
Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi
Này nem này rượu khuyên mời
Bên thời Chu Hợi bên thời Hầu Doanh
Ba chén cạn, thân mình xá kể?
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng!
Mắt hoa mặt đã nóng bừng
Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh
Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái
Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương
Người dù thác xương còn thơm ngát
Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào!
Kìa ai ẩn náu lên lầu
Chép kinh đến thủa bạc đầu chưa xong?

Đi vào trong tiểu thuyết Kim Dung, cả bài thơ Hiệp Khách Hành vẫn được giữ nguyên nhưng nó không còn là một bài thơ nữa. Nó chính là một pho võ công mà ai có tấm lòng chân chất nhất, ít cơ tâm nhất mới nhận ra được. Con người đó là một chàng trai không hề biết chữ: Thạch Phá Thiên tức Cẩu Tạp Chủng. Anh cóc cần bài thơ nói lên ý nghĩa gì, câu thơ biểu đạt điều gì. Anh chỉ nhìn nét chữ. Ví dụ chữ Hành gồm 6 nét thì anh khám phá ra sáu thế võ tương ứng với 6 nét đó chứ không cần biết Hành là đi hay chạy. Anh cứ lẳng lặng khám phá tự dạng như thế cho đến chữ cuối cùng và đắc thủ một môn thần công, điều mà có những người bỏ ra mấy chục năm vẫn không khám phá được. Kim Dung gọi đó là lối trước ý. Lục Mạch Thần Kiếm Truyện mênh mang một không khí lãng mạn, trữ tình của thơ. Đó là những câu thơ của Kim Dung làm ra để ca ngợi hoa trà, một quốc hoa của nước Đại Lý:

Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai
(Quần xanh, vóc ngọc tuồng quen mặt
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)

Hoặc:

Xuân câu thủy động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
(Giòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây trôi trái vải hồng).

Đó là những câu thơ do chính Kim Dung làm ra nhưng được gắn vào cho những nhân vật của mình, để các nhân vật tỏ tình trước tình nhân. Thí dụ Trấn Nam vương Đại Lý Đoàn Chính Thuần, một con người phong tình rất mực, thường “nói” với các tình nhân Vương phu nhân và Tu la đao Tần Hồng Miên. Với Vương phu nhân, một người rất yêu hoa, Đoàn Chính Thuần đọc:

Dưới khóm mẫu đơn đành bỏ mạng
Chết làm quỷ sứ cũng oai phong

Với Tần Hồng Miên, một người chuyên phóng Tu la đao, Đoàn Chính Thuần chỉ “biên tập” hai chữ mẫu đơn:

Dưới lưỡi Tu la đành bỏ mạng
Chết làm quỷ sứ cũng oai phong

Thi ca, từ phú không thể tách rời với thi pháp. Trong những ngày sống chung với Nguyễn Tinh Trúc, Đoàn Chính Thuần đã chép tặng bà này bài Sầm Viên Xuân, một bài từ danh tiếng:

Sóng thu dường điểm mực
Tóc phượng rủ bên tai
Dung nhan tuấn nhã
Vẻ thiên nhiên càng ngắm càng tươi
Cách hoa nhìn bóng dáng
Vằng vặc ánh sao thưa
Ngồi tựa lan can ngắm
Mặt hồ gươm phẳng lặng như tờ …
Bao giờ quên được
Hình ảnh lúc chia phôi
Khăn là ướt đẫm
Ly biệt đôi đàng dòng lệ rơi.

Đoàn Chính Thuần là một vương gia phong nhã, có riêng một thư pháp. Chính nhờ đó, Tiêu Phong đã đối chiếu nét chữ trên bài từ với nét chữ của một nhân vật ẩn danh được gọi là “Thủ lĩnh đại ca” trong lá thư viết về truyện giết cha ông ngoài Nhạn Môn Quan và biết Đoàn Chính Thuần không phải là người chủ mưu vụ giết cha mình.

Thơ luôn gắn liền với tình yêu, đặc biệt là những mối tình dang dở. Gần như Kim Dung tôn trọng triệt để mô thức đó… Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San thương yêu nhau. Rồi một người thứ ba – Lâm Bình Chi – hiện ra và Nhạc Linh San say mê Lâm Bình Chi, phụ rẫy mối tình của Lệnh Hồ Xung. Nàng lấy Lâm Bình Chi khi Lâm Bình Chi đã tự thiến (dẫn đao tự cung) để luyện Tịch Tà kiếm phổ. Biết chồng mình không còn là đàn ông nữa, Nhạc Linh San đau đớn nhớ thương chàng Lệnh Hồ Xung. Cô đã đề lên trên tấm vải một bài thơ của danh sĩ Lý Thương Ẩn, mượn thơ người để biểu đạt tâm trạng của mình:

Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan.

Ngày Nhạc Linh San chết đi, Lệnh Hồ Xung trở về núi Hoa Sơn. Anh vào căn phòng riêng của Nhạc Linh San và đọc được hai câu thơ ấy, biết được tâm trạng Nhạc Linh San và cảm thấy thương yêu cô gái bất hạnh hơn bao giờ hết.

Cũng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, ta đọc được những câu thơ bình dân khá nổi tiếng của người Trung Hoa. Gần như bọn giang hồ hào sĩ thường lấy những câu thơ nầy làm câu cửa miệng, đọc lên trong những tình huống thích hợp. Thí dụ khi chia tay nhau họ đọc:

Thanh sơn bích thủy
Hậu hội hữu kỳ
(Non xanh trơ đó
Nước biếc vẫn đây
Còn ngày gặp gỡ)

Hay khi khuyên ai xuống tay giết một người, họ thường đọc hai câu thơ:

Tiểu lượng phi quân tử
Vô độc bất trượng phu
(Lượng nhỏ chẳng thành người quân tử
Không độc sao nên đấng trượng phu)

Những câu thơ thông tục, đặt đúng vào vị trí trong văn cảnh, đã làm tác phẩm tăng thêm chất văn học.

Thơ luôn gắn liền với kinh điển của các tôn giáo, bang hội. Trong kinh của Báo hỏa giáo Ba Tư, có đến trên 100 bài thơ của Nga Mạc, đã được nhà thơ Quách Mạt Nhược dịch ra bản Quan Thoại. Kim Dung đã khéo léo sử dụng một bài thơ ngắn nói về số phận con người, gắn bài thơ đó vào thân phận Tiểu Siêu, cô gái lai Ba Tư – Trung Hoa trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tiểu Siêu thương yêu Trương Vô Kỵ nhưng không hề nói lên lòng thương yêu đó. Cô chỉ vẫn thường hát cho anh nghe:

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lại hề, hà sở chung

Chỉ có 17 chữ nhưng bài thơ cực kỳ hàm súc. Tôi xin tạm dịch:

Chợt đến như dòng nước chảy
Rồi tàn như gió thoảng mau
Chẳng biết từ nơi nào đến
Và chẳng biết tàn nơi đâu

Cho đến khi Tiểu Siêu hôn Trương Vô Kỵ, từ biệt anh để trở về Ba Tư, Trương Vô Kỵ mới khám phá ra ý nghĩa của tình yêu nằm trong lời kinh Bái Hỏa Giáo. Cuộc đời con người ngắn ngủi thì tình yêu cũng thế; cũng Lai như lưu thủy hề, thệ như phong và bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Tôi cho đoạn Tiểu Siêu chia tay Trương Vô Kỵ trên biển là đoạn hay nhất, giàu chất thơ nhất trong cả 11 pho tiểu thuyết đồ sộ của Kim Dung.

Thơ chính là Đạo. Kim Dung muốn bạn đọc của mình nhận ra điều ấỵ. Ông đã để cho những nhân vật của mình xuất khẩu thành thơ, ngôn từ đơn giản nhưng ý tứ – cái Đạo bên trong – lại rất bao la, thâm diệu. Thí dụ như bài thơ của nhà sư Trí Quan đọc cho kiều phong khi nghe Kiều Phong lên núi thiên thai, chùa Chỉ Quán, yết kiến ông và hỏi thăm gốc gác của mình. Tự thâm tâm, Kiều Phong rất xấu hổ, rất đau đớn vì mình là người Khiết Đan, mình không thuộc dân tộc Hán. Nhà sư Trí Quan đã giải quyết mối ưu tư nội tại của Kiều Phong bằng một bài thơ mang chất Thiền mênh mông:

Khiết Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần

Kim Dung đã đẩy tiểu thuyết của mình đi đến bờ cõi bao la của triết học. Và tùy trình độ nhận thức, cảm thụ; các nhân vật của ông ngộ hay không ngộ vấn đề. Tất nhiên, bài thơ như thế này rất gần gũi với con người, không đến nỗi bí hiểm như những công án của Thiền tông.

Trong 11 pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thơ Trung Hoa và thơ của Kim Dung xuất hiện đều đặn. Nó trung hòa với tính chất sắt máu của cuộc đấu tranh chánh – tà, thể hiện cái hồn của văn học tiểu thuyết chương hồi truyền thống. Nó kết hợp với thư pháp (phép viết chữ), hình thành nên những pho võ công cho phán quan bút, kiếm pháp, chưởng pháp. Nó làm nên tố chất lãng mạn cho tình yêu, chất triết lý cho tôn giáo, chất trí tuệ cho đời sống. Đưa thơ vào truyện kiếm hiệp như ông quả là thủ pháp của một nhà văn cao cường. Có thể nói, Kim Dung đã vượt xa những bậc tiền bối của mình trong hệ tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi Kim Dung là một nhà thơ có tài và tài năng của ông thực sự phát triển rực rỡ khi người tình Hạ Mộng ra đi khỏi vòng tay ông.

Ngô Quang Minh

 

 

Saturday, December 28, 2024

Những Đoản Khúc Bất Chợt - Nguyễn Cang

 NHỮNG ĐOẢN KHÚC BẤT CHỢT

1/. Điệu buồn tháng Tư

 











Tháng Tư chợt đổ cơn mưa

Trời nghiêng đất lở cho vừa xót xa

Chạy đâu khỏi chốn ta bà

Khổ đau cam chịu  cho qua kiếp người

Còn bao nhiêu chuyến ra khơi

Người đi kẻ ở cho đời trắng tay

 

2/. Tháng mười hai

 

Đường xưa vạt nắng đong đưa

Tâm tư  nặng trĩu sao chưa thấy về

Người đi mấy ải sơn khê

Trần gian hư ảo cơn mê gọi hồn

Gió mùa đông lạnh cô dơn

Anh nghe tóc rối giận hờn tương lai

 

3/. Còn lại nỗi đau

(nđt)

 

 

Tường đông gió lạnh thổi qua giàn

Cửa ngõ tiêu điều mấy chậu lan

Biển lặng thương thuyền qua bến đỗ

Chiều nghiêng bãi cạn báo đêm tàn

Thương hoài kỷ niệm trăng lồng bóng

Tưởng mãi trang đài  lệ thấm chan

Ảo mộng xây đời luôn tiếp diễn

Sầu lên rượu đỏ uống tuôn tràn

 

Nguyễn Cang ( Dec. 28, 2024)



 

 

 

 

Friday, December 27, 2024

Chỉ Bạch Vân Am - Diệp Văn & Hoài Niệm - Nguyễn Cang

 THƠ THI HỮU

Bài xướng, tg. Diệp Văn

 


















CHỈ BẠCH VÂN AM

 ( ngũ độ thanh+ bát vỹ đồng âm)

 

Triền non tháp cổ đọng sương dầy

Ngõ hẹp không cài cửa lắc lay

Đệ tử yên ngồi xiên cuối dãy    

Thiền sư tĩnh tọa thẳng lưng gầy

Không hề nhận lễ bao người trẩy

Dẫu lúc hành hương lại chỉ thầy

Rõ ở thời nay tường tận thấy

Rau trồng quả hái nghĩa là đây.

Diệp Văn (Dec .21, 2024 )

 

Bài họa, tg. Nguyễn Cang

HOÀI NIỆM

( ngũ độ thanh+ bát vỹ đồng âm)

 

Tháp cũ Chằm -Pa* cỏ mọc dầy

 Đông tàn liễu rủ nắng vờn lay

Thuyền ai đậu bến bên lầu dãy

Hãy chở dùm tôi lạnh dáng gầy

Lễ hội mừng xuân người bước trẩy

Đầu xuân dạo cảnh cũng theo thầy

Lìa quê viễn mộng đâu còn thấy

Lối nhỏ thôn đoài đợi mãi đây

Nguyễn Cang (Dec.24, 2024)

 

Chìm Trong Dĩ Vãng & Lại Nhớ Mùa Xuân

 CHÌM TRONG Dĩ VÃNG

 
















Cần Thơ loang ánh nắng chiều

Tiếng khua thuyền nhỏ liêu xiêu nắng vàng

Ninh Kiều bến nước thênh thang

Dắt dìu con trẻ tung tăng vui đùa

Gia đình hạnh phúc sớm trưa

Đôi ta vui vẻ như vừa biết nhau

Hạnh phúc chưa được là bao

Tin anh ngã xuống đi vào hư vô

Ninh Kiều tôi lại bơ vơ

Vắng anh ghế đá co ro đứng nhìn

Công viên hoa lá cũng buồn

Nhớ cha con trẻ lệ tuôn  một mình

Mẹ con cùng nhớ về anh

Cần Thơ còn đó sao đành xa xôi

Anh về đất mẹ xong rồi

Lặng nhìn con trẻ tuổi đời còn thơ

Thời gia qua lại từng giờ

Con nay khôn lớn, biết chờ  ai đây?

Giọt mưa canh vắng vơi đầy

Chìm trong dĩ vãng, chuyện ngày hôm qua…!!!

 

 25-12-2024

 Nguyễn thị Châu

 

LẠI NHỚ MÙA XUÂN

 

 

Tiếng chuông đâu đó xa gần

Ngẩn ngơ nhớ lại mùa Xuân năm nào

Một mùa ta đến với nhau

Ngập tràn xác pháo nhuộm màu đỏ xinh

Mùa Xuân đâu của riêng mình

Cùng nhau chào đón bình minh rộn ràng

Hoa Đào, hoa Cúc,hoa Lan

Hoa Mai khoe sắc xóm làng chung vui

Nhìn ra đường phố ngậm ngùi

Mùa Xuân còn đó tình phai mất rồi

Vì non vì nước anh đi

Xuân còn trở lại, anh thời đi xa

Thôi thì tình đã đi qua

Nhớ mùa Xuân cũ bỏ ta một mình

Đâu rồi giấc mộng tàn canh

Gió Xuân se lạnh, nhớ anh vô cùng.., !!!

 

 25-12-2024

 Nguyễn thị Châu