Monday, October 26, 2015

Khi Người Rừng Xuống Đồng Bằng - Song Long



Khi Người Rừng Xuống Đồng Bằng

 


    Không biết có bạn nào đã xem phim Tarzan viếng thành phố Luân-Đôn chưa? Người rừng Tarzan vì phải đi cứu một con khỉ đột nên đã theo một người tình của xứ văn minh đến Luân Đôn để mong cứu được bạn mình. Đi cứu bạn thì tốt chứ! Đi theo người tình thì có gì bằng? Nhưng Luân-Đôn là một xứ văn minh có lối sống văn minh, rất khác xa với đời sống của rừng núi Phi-Châu, nơi Tarzan là chúa tể! Tarzan nhà ta lại không quen mặc quần áo nên rất khó chịu! Tarzan cũng chẳng quen với những tiện nghi trong một căn phòng chót vót nơi một khách sạn sang trọng. Tất cả đều lạ với người rừng của chúng ta! Tarzan nhảy lên một chiếc giường nệm, nhưng lại phải phóng xuống ngay vì cái giường lò xo này sao mà kinh thế! Nó nhún như một cái bẫy gì đó. Và cô bạn gái của Tarzan, người tình ấy đã phải bật cười vì vẻ ngô nghê của bạn mình!

    Cảnh đó có khác gì cái đám người vai mang túi dết, đầu đội nón cối, nón tai bèo, chân mang dép cao su, lần đầu tiên bỏ rừng xanh xuống thành phố, thành phố Quảng Ngãi, và vào một tiệm ăn đâu. Bốn anh chàng của núi rừng vừa ngồi vào bàn đã phải nhào ngay xuống đất, miệng hô to “lựu đạn” làm cho đám thực khách phải phì cười vì sự ngô nghê ngốc nghếch của họ. Chẳng có quả lựu đạn nào cả! Chỉ là tiếng xì xì của những chai bia bị khui ra thôi. Sau một lúc thấy mình chẳng giống ai, bốn anh chàng “Cách Mạng” bẻn lẻn đứng dậy trợn mắt nhìn đám người thực khách kia: “Cười gì? Chúng ông cho một phát vào đầu bây giờ!” Ai nấy đều xanh mặt. Họ đã từng nhớ cảnh chết chóc trên đường quốc lộ đi Bình Liên vừa qua! Mấy ông thần núi này muốn lôi ai ra ngoài cho một phát đạn vào đầu tùy ý! Bây giờ bắt đầu những ngày của khủng bố rồi! Các đồng chí rừng xanh mang luật rừng xanh xuống áp dụng, ai mà dám hó hé chứ!
    Thế rồi Tarzan được người tình dặn dò phải ở trong phòng, đừng có đi ra ngoài vì sợ bị lạc. Còn lại một mình không biết làm gì, Tarzan bắt đầu thám thính trong phòng! Chỗ nào cũng mới, chỗ nào cũng lạ cả! Ba cái muỗng cái nĩa chẳng biết để làm gì nữa? Ăn không được, Tarzan đành vứt bừa bãi! Anh chàng chỉ khoái có cái đĩa trái cây trên bàn thôi. Anh chàng bóc vài trái cắn thử. Ngon thì ăn tiếp, dở thì ném qua đầu, chẳng mấy chốc, một căn phòng kháng trang đẹp đẻ đã biến thành một đống rác khổng lồ không khác gì nơi rừng xanh mà Tarzan đã quá quen thuộc! Chán rồi, anh chàng nghĩ đến chuyện đi khám phá giang san mới của anh ta. Thang máy thì anh ta không dám dùng vì lạ quá. Anh ta quen leo trèo rồi! Anh ta bèn theo máng xối leo mãi tận mái nhà cao chót vót để quan sát làm cho thiên hạ phải sững sốt! Xe cộ bỗng tự nhiên bị tắt nghẽn vì ai nấy đều phải dừng lại xem cảnh có một không hai này. Cũng may là Tarzan không la hét đòi đâm họ, nếu không không biết họ sẽ phản ứng ra sao.
Cảnh này có khác gì lúc mấy ông nhà mình chiếm các cao ốc trong thành phố đâu. Cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới! Họ cứ chạy lên chạy xuống cầu thang như đám trẻ con lần đầu tiên được viếng một ngôi nhà lầu! Đụng cái gì cũng sờ, cũng xuýt xoa, cũng táy máy. “Ô hay bọn ngụy này sao mà sang thế nhỉ?” Cái gì cũng không biết, nên mới có chuyện mua một rổ cá về đổ vào bồn cầu mà rửa! Đang loay hoay thì một anh chàng táy máy kéo cái dây lòng thòng. Cái dây này để đây làm chi cho vướng! Thế là cả một mớ cá lặn sâu vào ống cống! “Đúng là bọn phản động! Ngay cả cái bồn rữa của chúng cũng phản động!”


Nhưng anh chàng chúa tể rừng xanh Tarzan không đến nỗi ngu ngốc lắm. Anh ta đi ra đường cũng biết tránh xe, cũng biết học hỏi. Anh ta biết mình đang lạc vào một xứ văn minh, nên anh ta cố tình học hỏi. Anh ta không dám đi ngang đi ngữa xem người ta bằng nửa con mắt, bắt người ta phải nói theo kiểu mình. Không biết thì học hỏi, không biết thì dựa cột mà nghe, ông bà mình xưa nói thế. Đám người rừng của thời đại lại không làm thế! Dốt nhưng lại thích nói chữ, không biết nhưng lại cho rằng cái gì mình cũng biết, và làm như ta đây sành điệu lắm. Thế mới có những câu được truyền tụng mãi về sau, truyền tụng vì đó là những thứ mà đám người xứ văn minh mãi đến bây giờ mới được học. Cái nồi ngồi trên cái cốc! Quá đúng đi chứ! Cái “nọc” cà phê không giống như cái nồi à? Bọn “ngụy” ngu ngốc quá nên mới gọi nó là cà-phê phin! Đồng hồ một cửa sổ, mười hai trụ điện! Một đám người quanh năm suốt tháng hằng mơ tưởng được giàu sang theo tiêu chuẩn “Đồng, Đài, Đạp” thì làm gì biết được nhưng loại đồng hồ như thế này! Thế là ta bèn đặt cho nó cái tên thật là “bình dân”, thật là “Cách Mạng”! Không đúng sao chứ? Đâu phải là số, toàn là những que, cái thẳng, cái xiên, trong tối lại tỏa sáng, không gọi nó là trụ điện thì gọi nó là gì? Còn cái ô hình vuông ấy không giống cái cửa sổ mà ta thường thấy à?

Người dân muốn cười lắm, nhưng không dám cười trước những cảnh ăn chơi của đám Tarzan đời mới này. Ai đời xích lô mà cũng có hạng nhất hạng nhì. Bạn có nín cười được không khi thấy cảnh hai anh nón tai bèo ngồi bó rọ dưới chỗ để chân của một chiếc xích lô, trong lúc cái ghế nệm thì lại bỏ trống? Thì ra là họ đang đi vé hạng nhì! Có những chuyện ăn chơi của họ nếu bây giờ kể lại, chắc là bạn sẽ nghĩ đến những chuyện thần thoại nghìn lẻ một đêm, nhưng đó lại là những câu chuyện có thật xảy ra năm 75, ngày mà đám người rừng bỏ núi xuống đồng bằng.

Thời Cách mạng mà! Chữ nghĩa cũng vậy! Chữ nào đổi được thì cứ đổi, chữ nào không đổi được ta bèn bỏ trái làm mặt cho nó khác đi một chút, chẳng hề gì? Đồng ruộng hoang vu thì ta cứ việc nói “ruộng đồng vu hoang”, hợp lý thì ta nói “lô gích”, nhà hộ sinh thì ta nói “xưởng đẻ” vì công nông làm nồng cốt mà, chỗ nào cũng là nhà máy cả mới đúng điệu. Thế mới có câu chuyện buồn cười “bảo đảm ba đồng lấy liền, đảm bảo năm đồng một giờ sau mới xong”! Chả là một anh tai bèo có một chiếc xe đạp xì lốp bèn đến một nơi vá xe đạp.

“Ê, vá giùm chiếc xe đạp coi!” “Dạ, anh cứ để đó cho em!”
“Có đảm bảo không đó!”
“Dạ, bảo đảm mà! Chỉ có ba đồng thôi!”
“Phải vá đảm bảo mới được!”

Thằng bé vá xe mỉm cười ý nhị. “Dạ, thường thì em vá xe bảo đảm lắm. Ai cũng vậy, em chỉ lấy có ba đồng thôi. Anh cứ việc ngồi đây chờ và lấy liền.”

“Không được, phải vá đảm bảo cho ông thôi!”
“Dạ, vá đảm bảo thì hơi mắc một chút! Phải năm đồng lần và một tiếng sau mới xong.”
“Ừ, thế cũng được! Nhưng phải vá đảm bảo cho ông đấy!”

Vậy đó, nhưng cũng chưa bằng cảnh nói dóc của mấy ông anh này. Hai ông anh thật trẻ măng, tuổi độ 17, 18 gì đó, đang đi tham quan thành phố Quảng Ngãi. Đến một góc đường Trần Hưng Đạo, ngước nhìn thấy một nơi có tấm bảng nhỏ: “Tại đây có sữa Honda”, một anh bỗng kéo tay anh kia lại.

“Tớ từng uống nhiều loại sữa, sữa nào cũng đã uống rồi, riêng cái loại sữa Honda này thì chưa bao giờ được nếm cả. Thôi mình vào đây làm mỗi đứa một cốc xem sao.”

Hai anh chàng khệnh khạng vào quán la lối: “Ê, tiệm gì mà dơ dáy vậy? Có cái ghế nào ngồi không, thằng nhỏ?”

Thằng bé nhìn hai ông kẹ cười mỉm. Tuy mặt mũi, quần áo nó lấm lem dầu nhớt, nhưng chưa từng có ai chê nó kiểu này hết. Hơn nữa hai ông kẹ này, ngoài hai khẩu AK mang trên vai chúc ngược, mũi súng bén gót chân, thì họ cũng còn non choẹt như nó chứ đâu có già gì, vậy mà dám gọi nó là thằng bé. Hơn nữa nó cũng chẳng biết họ đến đây đòi gì. Nó chẳng thấy ông nào có xe gắn máy cả.

“Dạ, hai anh vui lòng chờ chút!” Nó mang hai cái thùng đạn đựng đồ nghề của nó ra: “Dạ, hai ông anh ngồi đở đi.”

“Bộ mày muốn giởn mặt với chúng ông hả? Cho một viên là rồi đời đó nghe con! Bộ hết ghế rồi à? Buôn bán gì mà lạ thế?”

“Dạ không. Khách của em xưa nay cũng ngồi vậy mà!”
“Thôi được, ở đây có sữa Honda không?”
“Dạ có.”
“Cho bọn tớ hai ly có ống hút nhá!”

Đến đây thì cậu bé sửa xe đã hiểu phần nào cái dốt của hai ông kẹ rồi. Nó tủm tỉm cười và đi vào bên trong. Dân Quảng Ngãi mà. Sửa dấu hỏi với sữa dấu ngã đọc cũng giống nhau thôi. Lát sau nó mang ra hai ly giấy đựng dầu nhớt và hai cái phểu. “Ở đây không có ai dùng ống hút cả, chỉ có cái phểu giấy này thôi!”

“Sữa Honda gì mà lạ thế. Bộ chú mày định đầu độc cách mạng bằng dầu nhớt à?”

“Không phải hai ông anh mới kêu hai ly sữa Honda sao? Honda toàn là uống thứ sửa này không à!” Thằng bé toét miệng cười vì đã chọc quê mấy ông thần núi mà ai cũng phải sợ.
“Địt bố mày chọc giận ông hả?” Hắn quát lên, rồi không biết nghĩ sao, hắn xoay sang thằng bạn của hắn: “Thôi mình đi đi!”

Hai ông thần vừa mới đứng dậy, bỗng rầm một cái, một chiếc xe Honda ngã trên đường với hai ông thần khác đang bò lê bò càng trên đường nhựa nóng.

“Địt bố cái thằng ngụy ác ôn thật! Ngay cả chiếc xe của nó mà cũng dám phản động!” Thì ra là hai ông thần chưa biết đi xe Honda 68!

Nhưng cái dốt của mấy ông thần núi năm 75 không đâu bằng câu chuyện sau đây để kết thúc câu chuyện, vì không thể cứ cà kê dê ngỗng về chuyện của mấy ổng như chuyện nghìn lẻ một đêm được. Chuyện của mấy ổng dài lắm, nghìn lẻ một đêm mà thấm gì. Chuyện xảy ra tại chợ Quảng Ngãi. Hai ông thần đi rông khắp cả chợ tìm mua một cái lọc cà-phê. Không biết mấy ổng có biết cà phê là gì không nữa. Điều này tôi nghi lắm! Nói có sách mách có chứng là nghề của tôi. Tôi sẽ chứng minh cho quý bạn xem. Chuyện này cần những anh em từng ở tù năm 75 làm chứng cho. Trong số các đồ ăn tiếp tế trong những tháng đầu, cà-phê là một trong những thứ được cho qua dễ dàng nhất. Cứ khai rằng đó là thuốc nam, thuốc Bắc gì đó là xong. Mấy anh chàng bộ đội Miền Bắc có ai biết đó là thứ gì đâu! Họ chỉ bóp cái bị cho qua thôi! Trở lại câu chuyện của mấy ông thần đi tìm mua một cái lọc cà-phê. Ba cái phin cà-phê có gì mà quý, bày khắp chợ. Mấy ông tướng lại không biết nó như thế nào nên đi đâu cũng hỏi, nhưng lại cứ nhằm vào những chỗ không nên hỏi mà hỏi. Cuối cũng mấy ông thần ghé qua một quay hàng bày quần áo phụ nữ.

“Ở đây cô có “nọc” cà-phê không cô?”

“Dạ không,” cô nàng chúm chím cười. Gặp bọn lính ngày trước chắc cô sẽ nghĩ rằng họ đến trêu ghẹo cô, nhưng xem ra mấy ông thần này không có những ánh mắt đó.

Bỗng một ông ngó quanh ngó quất vào chỗ treo hàng bên trên. “Cô đùa với tôi à? “Nọc” cà-phê treo đầy thế kia mà bảo rằng không có! Bộ phản động hay sao mà không chịu bán đồ cho Cách Mạng?” Một tên nói lớn.

“À, cái đó hả? Bộ hai anh không biết sao?” Cô bán hàng cảm thấy hơi bực mình.
“Sao chúng ông lại không biết chứ? Có bán cái “nọc” ca-phê đó không thì bảo nào?”

“Dạ, bán chứ!” Cô nàng phì cười. “Nhưng cái nọc ca-phê này mắc đó. Hai chục một cái, nhưng anh muốn mua thì phải mua cả đôi! Ở đây không bán lẻ loại lọc cà-phê này!”

Tên này nhìn tên kia một lúc. “Thế cũng được. Cô cắt ra cho mỗi người một cái!”

Đã ba mươi mấy năm trôi qua. Ngày nay người rừng đã biết đời sống văn minh, đã biết bắt chước người, sống như mọi người, cũng làm ông nọ bà kia, nhưng cái cốt lõi vẫn không bỏ được. Cái gì thấy vừa con mắt vẫn còn muốn cướp lấy không. Nước nào cũng có luật pháp! Nhà nước ta cũng là một Nhà Nước có pháp quyền! Nhưng cái luật đó họ cứ sửa đổi hoài tùy theo nhu cầu của kẻ có sức mạnh! Ai chống đối cứ việc ghép cho cái tội! Tội gì cũng được, miễn rằng có lý do để bắt! Từ cái chuyện hai bao cao su biến thành tội chống phá nhà nước, không có nước nào làm được, nhưng lũ người rừng ngày nay này vẫn cứ làm được! Mặc tình ai nói gì thì nói, đường ta ta cứ đi. Họ nói “chỉ có ở Việt-Nam” tại vì họ không biết bản chất thật sự của “ta”. Luật của ta không phải là luật của họ! Luật của họ là luật của tự do, nhân quyền. Ta nói cho thế giới nghe này: “Dân ta không cần nhân quyền, không cần tự do gì cả, chỉ cần có cơm gạo thôi! Và pháp quyền của ta là luật của rừng xanh đấy!”

Nashville, TN, 11/8/2013

Song-Long

304Đen - Llttm

 

No comments: