Friday, June 16, 2017

Cuộc Chiến Đấu Luôn Tiếp Tục- Phan Nhật Nam



Cuộc chiến đấu luôn tiếp tục
 

 
 

 

Dẫn Nhập: Tháng Sáu, 1972 đã là lần lịch sử chuyển mình, núi rừng, đất trời Miền Nam đồng vang dội chiến công - Quân Nam quyết liệt xốc tới nơi những chiến trường Quảng Trị, Bồng Sơn, Kon-Tum, An Lộc… hiện thực nghĩa vụ linh thiêng muôn thuở của Người Lính – Bảo Quốc An Dân. Tháng 6, năm 1972 lẫm liệt kia chỉ có được là hậu quả của Ngày 19 tháng 6, 1965 - Ngày Quân Lực VNCH - Thời điểm Người Lính Miền Nam nhận lãnh trách nhiệm giữ nước trong cơn  sóng gió quốc gia - Nhiệm vụ chiến đấu dưới biễu tượng Cờ Vàng Ba Sọc - Lá Cờ mang hình tượng chính thống đã uy nghi dựng lên suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Cao Bằng, Lạng Sơn đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái.. Biểu tượng Cờ Vàng Ba Sọc với Nền Cộng Hòa - Tổ Quốc Việt Nam là Một.

Từ hơn nghìn năm trước, Người Lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm, giáo, gánh nhiệm vụ an dân, giữ gìn đất nước..Trải qua bao thăng trầm, đổi thay thời thế, nhưng trách nhiệm Người Lính không hề thay đổi.. Vào thế kỷ 20, lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam từ quân trường ra đitrở thành Người Lính sống theo cùng vận nước cho đến buổi tàn cuộc 30 Tháng 4, 1975 không một lời than van, oán trách, yêu cầu đền đáp. Hôm nay, thế hệ người Việt sống sót sau cuộc chiến, thành phần người trẻ sinh trưởng nơi hải ngoại dần nhận ra điều kiêu hãnh: Quân Lực VNCH gồm những chiến binh với sức chiến đấu bền bỉ, kiên cường, những đơn vị không hề thua sút so với bất cứ quân đội nào trên thế giới Thế nênNgày 19 Tháng 6 năm 1965 cần phải được nhắc nhở đến để xác chứng cùng Lịch Sử và Quốc Dân: Quân Lực VNCH đã sống/chiến đấu vì Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam.

Người Lính VNCH hiện thực nghĩa vụ cao thượng của Đạo Quân Nhân Nghĩa, cứu dân lâm khổ nạn, lầm than suốt cuộc chiến bắt đầu từ năm 1960, với cao điểm máu xương Bình Giả 1964; Đồng Xoài 1965.. qua Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và cuối cùng với  trận thử sức quyết liệt tại Xuân Lộc, Long Khánh Tháng 4 năm 1975...  Chuỗi chiến đấu đằng đẵng dài theo hai thập niên nầy đã  được nung nấu từ một nguồn thúc dục tinh thần vô vàn chứ không thể đổi bằng một giá biểu lương bỗng; cũng không do từ một huy chương, cấp bậc tưởng thưởng.. Người lính đã bậm chặt môi, nghiến răng xốc tới.. Bởi từ dưới những đụn cát loang lỗ vùng Hải Lăng, Quảng Trị, nơi đường chạy loạn Bình Long, An Lộc trong Mùa Hè 1972.. chen giữa những xác chết nặng mùi có những dạng hình con người cử động..  Đấy là những người dân sống sót sau lần cộng sản thảm sáthồi sinh với tiếng nói đứt khúc, thì thầm hấp hối.. Lính tới!. Lính cộng hoà tớiMùa Xuân đẫm máu 1968 ở Huế, người dân cũng đã một lần kêu lên tiếng xúc động cảm khích thiêng liêng nầy... Lính tới!. Lính cộng hoà tớiLính mình tới!

Cuộc chiến kéo dài nửa thế kỷ trước trên đất nước Việt Nam, nơi Miền Nam đã được trả bằng giá máu của bao người gục chết hiện thực điều kỳ diệu cao thượng Thế hệ hôm nay đã, đang  sống từ máu bao nhiêu người đã chết. Người tiếp người như dĩ vãng được nối kết với hiện tại, hiện thực ở tương  lai. Cuộc chiến đấu ấy hôm nay đang tiếp tục với những thế hệ tuổi trẻ thứ hai, thứ ba nơi hải ngoại, ở trong nước.. Bởi danh hiệu Việt Nam/Việt Nam Cộng Hòa với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là một Thực Thể Chính Trị- Biễu Tượng Quốc Gia- Lý Chính Nghĩa- Nguồn Lực Chiến Đấu của vạn, triệu Người Việt dài theo Thế Kỷ 20, trước đây, và mai hậu. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã thấm đẫm giòng máu oanh liệt của nhị vị Trưng Nữ Vương hòa xuống Hát Giang năm 43 sau Công Nguyên,  lúc nước vừa mới tượng hình, được tiếp nối với lượng sóng sông Bạch Đằng của ba lần quân tướng Nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông ở Thế Kỷ 13. Đấy cũng là giòng máu kiên trung, hiến thân cho tổ quốc  khi Chiến Hạm Nhựt Tảo-Hải Quân 10 chìm xuống, hòa lẫn sóng biển Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974. Chiến hạm chìm xuống với Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, và những Người Lính Hải Quân Quân Lực Cộng Hòa giữ gìn trời, biển phương Nam. 
Lá Cờ Vàng không chỉ là biễu hiện của riêng những chế độ cầm quyền trên lãnh thổ đất Việt với Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) hay hai nền Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 nơi miền Nam. Ý Niệm-Danh Hiệu Cộng Hòa đã bao gồm trong lời hô dũng liệt của mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" nơi Yên Bái, sáng sông núi gờn gợn đau thắt, 17 tháng 6, 1930.. Cũng tương tự hành vi, lời hô quyết tử "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" của trung đội lính Nhảy Dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy, đã chọn lần cuối cùng để báo đền ân nghĩa quê hương bằng chính xác thân mình và đồng đội ở bùng binh Ngã Sáu, Chợ LớnCộng Hòa quả là ý niệm chỉ đạo tối thượng của cuộc chiến đấu sinh-/tử trên vùng đất lửa phương Nam.. Khởi đầu từ cuộc di cư vĩ đại năm 1954 rời bỏ Miền Bắc; lần chạy nạn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968; cảnh Mùa Hè Đỏ Lửa suốt ba vùng đất nước năm 1972, và sau oan khốc uất hận khi mất Cao Nguyên từ ngày 10 tháng 3, 1975, kết thúc với buổi nước mất, nhà tan 30/4/1975. Cuộc chiến đấu quyết liệt của toàn khối NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN KHÔNG CHẤP NHẬN CHẾ ĐỘ, CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN ĐỂ THỰC HIỆN Ý NIỆM CỘNG HÒA VIỆT NAM hôm nay luôn tiếp tục.

Phan Nhật Nam

 

 

No comments: