Monday, January 15, 2018

Ngõ Cư Xá Chu Mạnh Trinh Phú Nhuận - Quỳnh Giao


Ngõ Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận

*Bài viết của Quỳnh Giao , post để tưởng nhớ Nữ ca sĩ Quỳnh Giao, nhớ Sài Gòn....
 



Năm mới lên mười lăm tuổi, người viết đã hát thay cho thân mẫu trong nhiều ban nhạc của các đài phát thanh ở Sài Gòn. Cũng thời gian đó, gia đình dọn từ căn nhà ở đường Phan Ðình Phùng nối dài - ngày xưa ta vẫn gọi là đường Richaud prolongé - đến ngôi nhà trong ngõ Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận.

Thật ra ngôi nhà nằm trên con đường Chi Lăng nhỏ hẹp, lại mang tên ngõ Chu Mạnh Trinh, vì tên của ngôi trường tiểu học tọa lạc ngoài đầu ngõ.

Không biết vì nguyên nhân gì mà ngõ Chu Mạnh Trinh được giới nghệ sĩ rủ nhau đến cư ngụ, trở thành con ngõ của giới nghệ sĩ. Một hành lang đông đúc và ấm cúng.

Con ngõ dài và được đặt tên theo thứ tự ABC. Ngõ đầu tiên là ngõ A và B là nơi gia đình Nguyễn Mạnh Côn ẩn cư. Cách đó vài căn là nhà của nhà thơ trữ tình Hoàng Anh Tuấn.

Ngõ D có nhà văn quân đội Văn Quang trụ ở đầu, đối diện với nhà của ông là bản doanh của hai chàng độc thân tại chỗ lúc bấy giờ, là danh ca Anh Ngọc và nhà văn Thanh Nam.

Ðoạn giữa ngõ D là nơi gia đình cặp nghệ si cải lương Năm Châu-Kim Cúc đóng đô một thời, sau đó trở thành nhà của cặp Minh Trang-Dương Thiệu Tước và bầy nhi đồng bảy đứa, trong đó có người viết bài, dĩ nhiên! Ðối diện nhà mình là nhà của gia đình nhà văn Duyên Anh.

Hằng ngày bảy đứa trẻ tập dượt piano và violon đến bể con ráy, ngoài những lúc chạy chơi đùa giỡn. Hàng xóm chắc cũng phiền lòng mà không phàn nàn được!
Ði sâu hơn, bên tay phải là ngõ F, có nhà của Hoàng Nguyên, tác giả những bài hát về hoa đào..

Bên trái là ngõ G, nơi gia đình nhạc sĩ Phạm Duy đóng đô. Cũng với bầy nhi đồng nghịch như giặc, gồm bốn đứa con trai (Quang, Minh, Hùng, Cường) kéo theo hai đứa con gái (Thái Hiền, Thái Thảo) phá phách, hàng xóm tối ngày khiếu nại vì không ngớt bị phiền nhiễu!

Sau này, cô Thái Hằng sinh thêm Thái Hạnh và Duy Ðức, nhưng hai đứa con út thì hiền và ít nghịch bằng các anh chị.

Mới đầu nhà chỉ có một từng. Có thêm con, nhạc sĩ Phạm Duy xây thêm hai từng, vừa rộng rãi, thoáng mát, mà lại có chỗ riêng để ông làm việc.

Thời gian này người viết độ 16, 17 tuổi, đang được mời hát cho ban Hoa Xuân của ông, thường đến để nghe những sáng tác viết chưa ráo mực, và hôm sau trình bày trên đài.

Nhiều lắm, làm sao nhớ hết, nhưng nhớ nhất là bài “Kỷ Niệm”, “Ngày Ðó Chúng Mình”, những bản “Tâm Ca”, hay “Tôi Ðang Mơ Giấc Mộng Dài”...

Ði sâu vào nữa có nhà của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, nhà của nhạc sĩ Lê Dinh, và nhà của Tuấn Khanh. Nhạc sĩ Tuấn Khanh rất thân với gia đình Phạm Duy..

Cô Thái Hằng xem người vợ của nhạc sĩ Tuấn Khanh như em ruột. Tuấn Khanh kém tuổi Phạm Duy đúng một con giáp.

Thời đó, ngoài tình hàng xóm, còn có tình đồng nghiệp. Hàng ngày chẳng thấy nhau ở đầu ngõ thì gặp nhau ở trên các đài phát thanh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác rất sớm, từ khi còn ở Hà Nội.

Di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác, và là công chức làm trong ban chương trình ở đài. Ông có nhiều tài: sáng tác nhạc, đàn vĩ cầm và là một giọng hát vững vàng dưới trên Trần Ngọc. Ông thu ngắn tên thật là Trần Trọng Ngọc thành nghệ danh trước máy vi âm. Tuấn Khanh cộng tác với hầu hết các ban ở các đài phát thanh. Khi thì kéo violon, khi thì hát đơn ca, hoặc hợp ca, phụ họa. Vì giỏi nhạc, nhìn bài hát là xướng âm ra nên ông “bị” hát bè nhiều hơn là được hát giọng chính.

Ðây là sự thiệt thòi của nhiều ca sĩ giỏi nhạc. Như trường hợp Kim Tước, Châu Hà hát bè cho Mộc Lan, hay Thu Hà, Tuyết Hằng hát bè cho Hồng Vân.

Ông kể chuyện rằng khi còn ở Hà Nội, Tuấn Khanh đã dự thi tuyển lựa tài tử, và đứng hạng nhất cùng với Thanh Hằng. Ông chủ trương đọc thật rõ lời khi hát, và rất hài lòng khi sáng tác của mình được ca sĩ hát lời thật rõ ràng. Những người hát rõ lời làm vừa lòng ông là hai nàng “Thanh”: Thái Thanh và Hà Thanh.

Về sở thích ấy, nhạc sĩ Vũ Thành lại rất khó tính với cường độ và cao độ. Ðược mời hát ban của ông, hầu hết các ca sĩ phải có giọng kim, hát véo von, chót vót, thà không rõ lời chứ không cắn chữ khi ngân (vibrer). Và nhất là không được “láy” bậy!

Vũ Thành hài lòng riêng với cách trình bày của Anh Ngọc và Kim Tước. Số người ông cho là “danh ca: chỉ đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Nhạc sĩ Phạm Duy thuộc loại dễ tính. Ai hát cũng OK. Giọng Kim, giọng Thổ, “ca va tout!” Tuy nhiên, ông rất tinh tế khi nhận xét và sử dụng nghệ thuật trình bày của các ca sĩ.

Dĩ nhiên, Phạm Duy để Thái Thanh là người hát “Tình Ca” đầu tiên, mà cho đến giờ không còn ai hát như thế nữa. Ông rất “tinh” khi lấy giọng Duy Khánh làm lữ khách trong trường ca “Con Ðường Cái Quan”, và cũng Duy Khánh hát “Một Bàn Tay” độc đáo vô cũng..

Ông cũng đã để Kim Tước hát “Còn Gì Nữa Ðâu” khi vừa ráo mực để trở thành một trong những ca khúc mang nét quý phái nhất của ông.
Và hân hạnh biết bao cho người viết khi 17 tuổi, hát “Kỷ Niệm” lần đầu... Ông bảo: “Kỷ niệm là phải trong sáng, đôn hậu... Phải ở cái tuổi còn thơ ngây...”

Miên man nhớ lại kỷ niệm, rồi nhớ có lần hỏi Tuấn Khanh về sáng tác đầu tiên của ông. Mới biết “Hoa Xoan Bên Thềm Cũ” là ông viết cho vị hôn thê, đem lại thành công tức thì. Ca khúc được hát nhiều nhất trong các đại nhạc hội và là bài được thính giả yêu cầu nhiều nhất hồi đầu thập niên 60.

Sau thành công rực rỡ này, ông liên tiếp viết các tác phẩm cùng tiết điệu Boléro, có lời ca lành mạnh trong sáng với nội dung ca tụng tình người chiến sĩ và cô vợ hiền như “Một Sớm Anh Về”, “Chiều Biên Khu”, “Mùa Xuân Ðầu Tiên”... Bản chất giản dị và đôn hậu bàng bạc trong các sáng tác của ông.

Cũng như Minh Kỳ mà Quỳnh Giao đã viết một lần trước, Tuấn Khanh bắt được thị hiếu của thính giả rất nhanh nên khi tung ra các tác phẩm “Quán Nửa Khuya”, “Giọt Lệ Vu Quy” ông trở thành một tên tuổi quen thuộc hàng đầu. Sự thành công và cả sức mạnh đã giúp ông miệt mài sáng tác.

Có những tác phẩm viết cho quần chúng, những tác phẩm viết cho mình. Tuấn Khanh thành công về cả hai mặt tài chính và nghệ thuật.
Quỳnh Giao đặc biệt yêu thích các ca khúc nghệ thuật của ông trong “giai đoạn Chu Mạnh Trinh”, thời 1960, và chắc các thính giả khó tính cũng đồng ý.Ðó là “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Một Chiều Ðông”, “Mộng Ðêm Xuân”, “Ðồi Sim”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”.

Còn một ca khúc rất đẹp, làm nhạc đề cuốn phim cùng tên là “Mưa Lạnh Hoàng Hôn” của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Ðã có lúc người viết bài muốn thu âm ca khúc này, mà tìm không đủ lời ca.

Nhạc thuật của Tuấn Khanh không quá cầu kỳ, nhưng vẫn bóng bảy, thanh nhã. Lời ca không sâu quá, dễ hiểu, nhưng vẫn tình tứ, mà không tầm thường.Lại nhắc đến kỷ niệm, năm 1975, người viết đi thoát và nghe tin nhiều nghệ sĩ còn kẹt lại, trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Năm 1985, Quỳnh Giao từ Hoa Thịnh Ðốn về Nam Cali hát với Mai Hương một tuần lễ liền tại quán café LUP do lời mời của cặp Lê Uyên và Phương. Thật ngạc nhiên và sung sướng khi gặp lại ông, đã qua được bên này.
“Ðến để nghe cháu hát”, Tuấn Khanh nói như vậy, “chứ chú ít đi đâu lắm”.

Rồi đưa bài “Nỗi Niềm” ông mới sáng tác cho cô cháu xưa kia là hàng xóm. Trong bóng tối của phòng trà, người viết không đọc gì được.

Sáng sau cầm bài hát xem qua, và hát nhẩm theo, thì giật mình vì bài hát hay quá.

Nét nhạc sang trọng, uyển chuyển, bay bướm mà lời ca thì tình tứ, lãng mạn. Cuộc sống lây lất vất vả ở quê nhà không làm ông cạn nguồn sáng tác, mà trái lại.

Tối hôm ấy, Quỳnh Giao vừa đàn vừa hát “Nỗi Niềm” cho thính giả, và nhất cho tác giả thưởng thức, với tấm lòng ngưỡng mộ của mình. Giai đoạn này như một hồi sinh trong âm nhạc Tuấn Khanh.

Một loạt ca khúc bất hủ tung ra: “Nhạt Nhòa”, “Từ Ðó Khôn Nguôi”, “Tháng Chín Dòng Sông”, “Tại Vắng Anh”... đều là tuyệt phẩm.

Ðến một tuổi nào đó, người nghệ sĩ thường quay về cội nguồn đạo đức. Khi đã già Dương Thiệu Tước mới viết “Ơn Nghĩa Sinh Thành”, Phạm Duy mới viết mười bài “Ðạo Ca” , Vũ Thành mới viết “Thụy Khúc”, như để vỗ về giấc ngủ cuối...

Tuấn Khanh ở tuổi 70 đã viết đến 50 bài “Thiền Ca” phổ thơ của tu sĩ Tịnh Liên.

Bẩy mươi tuổi mà nguồn sáng tác còn mãnh liệt đáng nể.

Khi thấy Xuân về, chúng ta thường nhớ lại chuyện xưa. Ngõ Chu Mạnh Trinh vì vậy trở về cùng hoa xoan bên thềm cũ của Tuấn Khanh... những kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Qunh Giao

304Đen – Llttm - YD

No comments: