Tuesday, June 26, 2018

Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh


Trư Cuồng (Tiếp theo)




 
Nhật ký lợn

 
Ngày… tháng…

Những suy ngẫm của tôi rốt cuộc cũng vẫn chỉ là những suy ngẫm. Nó vẫn không phá nổi những hàng rào ngăn cách trong gia đình tôi. Không khí gia đình bình lặng nhưng thực chất lạnh lẽo; trong khi đó cuộc chiến tranh lợn vẫn tiếp diễn. Con lợn ỉn lang vẫn chống trả lại con lợn Bò một cách mãnh liệt; mình mẩy nó đầy vết thâm tím. Vợ tôi đã bắt đầu nói chuyện với tôi. Cô ấy đã bình tĩnh hơn. Chúng tôi nói chuyện với nhau từ tốn và lịch sự. Chúng tôi đều cố gắng lùi lại, dùng cái áo giáp lịch sự để tránh những ngôn ngữ thô bạo đụng độ lẫn nhau, vì sự đụng độ ngôn ngữ sẽ tạo ra những vết thương nhớ đời, không bao giờ có thể hàn gắn nổi.

- Có lẽ, ông nên bán con lợn Bò đi.

- Con lợn ấy lớn rất nhanh. Bán đi thì tiếc. Chỉ hai tháng nữa là nó đẫy tạ…

- Nhưng nó hung dữ quá… Thấy nó cắn con lợn Lang mà sót sa lòng dạ.

Tôi cúi đầu xuống nói nhỏ:

- Biết làm sao được… Nó chóng lớn… Mà gia đình thì cần tiền…

Vợ tôi cũng cúi đầu xuống, lầm lũi bỏ đi.

Ngày… tháng…

Cả ngày tôi chẳng nói nửa lời. Tôi lặng lẽ làm những công việc không tên: hết vớt bèo lại đến băm bèo, hết rửa chuồng lợn lại đến đi mua bã đậu, hết đun cám lại đến giờ cho lợn ăn…

Tôi chán ngán những cuộc giao tiếp, tôi chẳng muốn nhìn mặt ai nữa. Suốt ngày, tôi ở bên chuồng lợn để chăm sóc và quan sát chúng. Tôi như một kẻ mắc bệnh tâm thần ngộ nhận về niềm say mê của mình. Cũng có thể chẳng phải ngộ nhận mà đó là niềm vui thực sự của tôi. Tôi quan sát lũ lợn một cách tỉ mỉ như người viết văn quan sát cuộc đời…

Thì ra giống lợn ỉn cũng đê tiện chẳng kém giống lợn Bò. Cuộc chiến tranh lợn đã đến giai đoạn kết thúc thực sự. Đã phân biệt rõ kẻ thắng người thua. Chứng cứ: hôm nay đã thấy con ỉn út ve vãn lợn Bò. Ỉn út là một cô lợn cái hay ăn và vẫn chịu lép vế nhất trong đàn lợn ỉn. Tuy tính nó hiền, nhưng trước kia, khi đàn lợn ỉn còn nắm quyền thống trị, thỉnh thoảng cô út cũng vẫn dùng mõm thoi vào bụng con lợn Bò. Khi con Bò vùng lên, cô út vẫn đi theo hai con ỉn đàn anh, dẹp loạn lợn Bò, nhưng cô ta chỉ đàn áp con lợn Bò bằng cách hò la ồn ĩ.

Hôm nay, khi thấy con ỉn Lang mình mẩy thâm tím, và cứ lùi chạy mỗi khi con Bò xông tới, cô hiểu ngay phe ỉn của cô thua là phần chắc. Và cô tìm cách đổi cờ. Buổi trưa, khi lợn Bò nằm ngủ, cô ỉn út đã lân la đến bên nó và đánh hơi khịt khịt. Ái chà! Ve vãn đấy! Ve ông chủ mới đấy. Ông lợn Bò nhà ta mở mắt ra và hắt hơi, cô ỉn út lùi ngay lại xó chuồng đối diện, vừa ịt ịt khe khẽ vừa run rẩy như van xin:

- Em xin ông mà… Đúng là chúng nó… chứ em… có bụng dạ nào dám đánh lại ông.

Con Bò cũng tỏ vẻ quân tử, khi nghe thấy cái giọng ịt ịt thảm hại ấy, nó liền nhắm mắt lại. Và khi con ỉn út, lần thứ hai, mon men đến gần, nó vẫn nằm im lìm, giả vờ ngủ. Đúng hắn giả vờ ngủ, tôi quan sát thấy cái mũi hắn còn ngo ngoe có vẻ khoái chí. Có lẽ hắn phổng mũi, bởi vì cái giọng ịt ịt của con ỉn út nghe cũng êm tai, dễ thương.

 

Ngày… tháng…

Trong mọi cuộc chiến tranh đều có ngày hưu chiến. Thường thường, hai bên quân đội đối địch đều nêu nên tính chất nhân đạo của mình, và đề nghị đối phương ngừng đánh vào những ngày hội hè truyền thống để cho binh lính được hưởng những phút hoà bình cổ truyền của một cộng đồng hay một bộ tộc nào đó.

Chuồng lợn của tôi cũng đã xảy ra một ngày hưu chiến như vậy. Hôm nay, suốt từ sáng đến giờ không hề nghe thấy một tiếng chí choé nào; hai bên đã ngừng đánh nhau. Tôi ngồi hút thuốc lào vặt trong nhà, chợt lấy làm lạ vì sự im ắng ngoài chuồng lợn, mặc dù trời sáng đã từ lâu. Tôi nghĩ bụng: có khi đã lập lại hoà bình hoàn toàn rồi cũng nên.

Trời mưa. Tôi đội nón bước ra ngoài chuồng lợn. Thì ra chưa phải hoà bình, mà mới chỉ là hưu chiến; bởi vì chú lợn Bò đang nằm thượt; giang chân giang tay, hỉ hả trên chiếc tải, còn ba chú ỉn thì ngồi chồm hỗm ở góc chuồng khác, mắt vẫn nhìn sang con Bò với vẻ hậm hực.

Tôi thầm mừng và cả thầm lo; mừng vì một cuộc hưu chiến tạm thời cũng có thể tiến diễn tốt đẹp và trở thành một hoà bình lâu dài; còn lo vì thông thường sau cuộc hưu chiến, hình như hai bên đều được nạp lại cái năng lượng riêng của cộng đồng mình, nên họ sẽ thù địch, sẽ căm ghét nhau hơn, họ sẽ cắn xé nhau dữ dội hơn.

Tôi khôn ngoan nghĩ bụng: “Chính ta sẽ là người đứng giữa.” Nhiều khi vai trò của người thứ ba hoà giải rất quan trọng; nếu khôn khéo tìm ra được những lợi ích chung của cả đôi bên, thì người đứng giữa sẽ có thể làm cho hai đối thủ trở nên biết điều hơn, biết chấp nhận những điều khoản chung một cách phải chăng, để đi tới chỗ thoả hiệp với nhau và tiến tới hoà bình thực sự.

Nghĩ về vai trò đứng giữa của mình như vậy, nên tôi khuyên nhủ hai phe lợn:

- Các cậu ngốc lắm! Tranh dành với nhau ngôi bá chủ để làm gì ? Cái chuồng lợn của tớ bé tẹo, vả lại cư dân chỉ có bốn mống. Hãy thử nghĩ xem, một ông vua lại chỉ cai trị ba người dân thôi sao? Tớ thấy cuộc tranh dành này lố bịch lắm. Mà tranh dành nhau cái gì? Miếng ăn ư? Đằng nào cũng chỉ cần đủ no. Vả lại miếng ăn no hay đói đều do tớ cả cơ mà. Tớ xin đảm bảo cho các cậu đủ no. Ngừng hẳn đánh nhau lại nhé.

Con lợn Bò mắt tít đi, ti hí, như cười cợt và như muốn nói:

- Đến ông mà cũng không hiểu quy luật đó ư? Bất cứ ở đâu, hễ đã có hai người trở lên là phải có ngay một người chỉ huy và một người theo lệnh. Hai vợ chồng cũng phải có kẻ xướng người tuỳ, hoặc chồng nắm quyền, hoặc vợ nắm quyền. Không chấp nhận điều đó, thì vợ chồng cũng phải tan vỡ. Đó là qui luật của cuộc sống bầy đàn, sống cộng đồng, muốn tránh cũng không được. Vì vậy bốn người ở đây, ắt phải có người cầm đầu. Người cầm đầu đó ta gọi là trưởng, là thủ lĩnh, là tướng, là chủ, là chúa, hay là vua… tuỳ theo mức độ quyền lực. Thường người ta thích làm vua hơn cả, bởi vì vua có quyền tuyệt đối, tuyệt đối ở mọi lĩnh vực. Người nào nắm quyền tuyệt đối nhiều nhất, kẻ ấy là vua, dù cái tên gọi tuỳ theo thời đại có thể khác đi. Ông vua có quyền hưởng thụ vật chất và cả tinh thần nhiều nhất. Nói thật với ông, tôi thích làm vua, dù là vua trong chuồng lợn; bởi vì trong cái chuồng lợn dù nhỏ bé này, tôi sẽ được ăn nhiều hơn, và ba thằng ỉn kia sẽ là những tôi tớ hèn hạ của tôi. Tôi nói gì chúng cũng phải nghe, tôi muốn gì chúng cũng phải chiều. Tôi sẽ là kẻ sung sướng nhiều nhất, tự do nhiều nhất. Còn quyền hạn của lũ ỉn kia chỉ là biết vâng lời, biết ăn ít, biết nói ít, biết hầu hạ nhiều. Kẻ nào không nghe, chống lại thì phải đánh cho đến lúc câm miệng, hoặc cần thiết, đánh cho đến chết…

Tôi phá cười lên rồi gật gù:

- Chà chà! Một bài luận văn xã hội học của loài lợn. Nghe có vẻ sâu sắc đấy! Hùng biện đấy!… Nhưng thôi! Bàn cãi làm gì… Hôm nay trời mưa, rét, buồn… Và có lẽ là ngày tết của loài lợn. Đúng! Chắc là tết nên các cậu mới hưu chiến. Nghỉ đánh nhau là tốt. Hãy ăn tết cho vui. Hôm nay, tôi sẽ tăng khẩu phần tóp mỡ gấp đôi cho các cậu, tăng lượng mì gấp rưỡi, thay bèo bằng rau muống, còn ít nước cá kho tớ cũng đổ nốt vào nồi cám. Thấy chưa! Chỉ mới nói các món ăn thôi, các cậu đã sều bọt mép. Hoan hô ngày tết lợn! Rất tuyệt! – Tôi bắt đầu bốc – Này, tớ sẽ cho các cậu lơ mơ một chút rượu nữa. Thế nào? Nghe được chứ?

Cả bốn chú lợn đều chồm lên dóng tre mà ủn ỉn. Chúng đã đồng ý.

Hôm nay tôi khôn ngoan thật. Tôi hứa cho bọn lợn uống rượu, và tôi thực hiện điều đó ngay. Khi cho ăn, toi đổ cám chia làm hai máng. Lợn Bò ăn riêng mình một máng, và ba con ỉn ăn riêng mình một máng. Tôi đứng đấy, tay cầm roi tre, tay cầm chén rượu. Bọn lợn lao vào máng ăn không kịp thở. Tôi ngậm rượu trong mồm, rồi phun phì phì vào đàn lợn. Hơi rượu thơm lừng. Đàn lợn bỗng trở nên mơ màng, dịu dàng. Lạ chưa! Lợn cũng biết say. ăn xong, đôi bên rút luôn vào chỗ nghỉ, và chỉ một phút sau, chúng đã ngáy pho pho.

Đàn lợn say, và ta cũng say. Ta ngửa mặt lên trời, một mình cười ha hả. Ôi! Ta vui vui quá, vui đến chảy nước mắt ra đây. Ôi chao! Ta quá mệt mỏi vì cuộc chiến tranh của lợn Ta cho chúng uống rượu chỉ cốt đi tìm một ngày nghỉ ngơi. Ta muốn uống be đầy be vơi cho đầu óc quay cuồng rồi nằm lăn, chết lịm.

Mưa rơi! Mưa rơi!

Mưa thối đất thối cát, làm cái ngõ nghèo của ta trở thành một vũng bùn lầy lụa. Ta và đàn lợn của ta nằm giữa cái ao bùn mênh mông đó.

Mưa rơi! Mưa rơi!

Mưa rót đàn buồn vào trong tâm tưởng, làm ta nẫu ruột nẫu gan. Con ta ư? Vợ ta ư? Bạn bè ta ư? Các người thương ta mà sao nỡ bỏ ta một mình trên cái ốc đảo bơ vơ và lầy lụa này.

Tám ơi! Người ta bảo anh điên, nhưng thực ra anh điên hay là tôi điên?

Nghĩ đến Tám, tôi bỗng sờ tay lên ngực. Hôm qua, anh vừa trao cho tôi một trang của Bách Khoa Lợn.

Trong cái nửa tỉnh nửa say, trong tiếng mưa rơi, tôi mơ màng đọc…

Quái thai

Thông tấn xã vỉa hè cho biết ở Nam Định, có người đàn bà đẻ ra một ổ năm người con mình người, đầu lợn.

Tin vỉa hè, nhưng chắc là sự thực, bởi vì theo các nhà khoa học thì số quái thai trên thế giới ngày càng tăng. Tôi nhớ đã đọc một tờ báo Mỹ (Newsweek thì phải) năm ngoái, thấy đăng tin một người đàn bà Mỹ cũng đẻ được một ổ bốn đứa con mình người đầu lợn.

Như tôi đã phát biểu, nguồn gốc loài người ngoài chất khỉ, còn có chất lợn. Sách Tây Du có chép, Trư Bát Giới đã hiếp dâm và thông dâm với rất nhiều phụ nữ. Nhiều sách cổ khác cũng ghi lại những trường hợp phụ nữ thông dâm với lợn.

Các nhà bác học cho rằng việc sinh đẻ ra những quái thai người lợn là do con người đã thử bom nguyên tử quá nhiều. Những đám mây phóng xạ bay trên những tầng cao khí quyển, và bụi phóng xạ lẫn vào nước mưa rơi trên khắp địa cầu, con người do hít phải bụi phóng xạ, ăn phải cá phóng xạ… nên đã đẻ ra những quái thai.

Tôi cho rằng phải dùng thuyết di truyền để lý giải hiện tuợng quái thai. Riêng sự tạp giao từ thời hoang sơ với lợn đã tạo ra những con người – lợn. Có thể những gien lợn trội sẽ tạo ra những con người có đầu lợn, hoặc chân lợn, hoặc tai lợn… Cũng có thể gien lợn ấy lại nằm ở một tính cách, một tâm lý, và những điều đó sẽ không bao giờ xuất hiện cho ta dễ thấy như một bộ mặt lợn, hoặc cái tai lợn…

Con người tăng theo cấp số nhân, giống người –lợn cũng tăng theo cấp số nhân. Và vì khả năng nhân giống của lợn so với người lớn hơn, vì vậy số người – lợn trên trái đất khá đông.

Thật thú vị nếu ta có một thứ “Chiếu Trư kính“, nghĩa là một thứ kính nào đấy có thể nhìn ra những gien lợn trong mọi con người. Chắc rằng thứ “Chiếu Trư kính” ấy phải đem lại cho chúng ta nhiều điều sửng sốt, có thể ngạc nhiên nhiều hơn cả những điều mà ta đã tìm ra qua chiếc kính hiển vi; bởi vì kính hiển vi chỉ cho phép ta nhìn thấy những vật thể cực nhỏ trong cơ thể con người, còn “Chiếu Trư kính” thì lại có khả năng giúp ta nhìn thấy tính cách của con người.

 

Ngày… tháng…

Tin Lân bị bắt làm cho cái ngõ nghèo của tôi ồn ào hẳn lên. Người hàng xóm báo tin khi tôi đang cho lợn ăn. Tôi không tin ở tai mình nữa và tôi cũng không tin chuyện đó xảy ra. Lân là anh bộ đội phục viên, hiền lành, suốt ngày chỉ lăn lóc với đàn lợn… anh ấy không thể làm điều gì phi pháp.

Người hàng xóm giải thích:

- Thì anh cứ ra mà xem. Đã chín giờ rồi. Giờ này là giờ Lân nấu cám. Đáng lẽ cái lò luyện cám của anh ấy phải khói um. Thế mà, nay vẫn lặng tờ.

Tôi vội vã ra đường, nhìn về phía nhà Lân, quả nhiên không thấy ngọn khói đen sì như con rắn của anh bay lượn trên trời. Tôi hối hả đi đến nhà anh. Chị Lân và lũ trẻ con đang sụt sịt ở góc nhà.

- Câu chuyện ra làm sao? – Tôi hỏi.

Người đàn bà mếu máo trả lời:

- Họ đến từ sáng sớm. Họ đọc lệnh khám nhà. Họ bảo nhà tôi bị tố cáo tàng trữ của gian. Họ lục lọi rất kỹ rồi bắt anh ấy đi. Họ bảo tôi cứ yên chí, chắc có sự nhầm lẫn gì đấy, chỉ vài ngày anh ấy lại về.

- Họ mang theo những thứ gì đi.

- Một chiếc xe đạp… Tôi có hỏi… Họ bảo sự nhầm lẫn chắc bắt đầu từ chiếc xe đạp Phượng Hoàng này… Khốn khổ! Tôi bảo mua chiếc xe ấy bằng tiền bán lợn… Họ lại bảo không sao cứ yên chí… chỉ vài hôm anh ấy sẽ về cùng với chiếc xe đạp.

Tôi sốt ruột, hỏi gặng:

- Họ còn mang đi thứ gì khác nữa?

- À… Họ còn mang đi chồng giấy anh Lân vẫn để ở dưới đáy cái tủ mọt.

- À… Ra thế…

Tôi đã chợt hiểu vấn đề, tôi an ủi chị Lân vài câu rồi buồn bã ra về. Tôi buồn rũ hẳn đi, vừa sót xa vừa lo lắng, lo cho bạn và sót sa cho mình.

Chồng giấy mà họ lấy đi đó là tập bản thảo của tôi. Nó mới chỉ là cái trứng, cái bào thai, những dòng chữ của tôi đâu đã được nhìn ánh mặt trời… Thế mà họ đã bắt nó đi. Cả đến quyển sách cũng mang kiếp tù ngục.

Tôi lại ngồi vào chiếc ghế bành cà khổ và lại miên man suy nghĩ.

…Những năm tháng lưu đầy, tôi vẫn cặm cụi như con dã tràng đi theo cái nghiệp chướng của tôi. Tôi lầm lũi ghi ghi chép chép. Ban đêm, khi vợ con đã ngủ, tôi vặn to ngọn đèn dầu hoả, và dưới ánh sáng vàng khè, đã biết bao đêm, tôi thả trí tưởng tượng của tôi mặc cho nó nổi trôi trên trang giấy. Tôi là kẻ đi tìm một vẻ đẹp hiếm hoi ở đời này. Tôi là kẻ đi tìm một chút từ bi còn sót lại ở cõi nhân gian hiện đại. Những ngày thẩm vấn, đêm tôi vẫn viết. Những ngày cải tạo, sau nhọc nhằn tôi vẫn viết. Những ngày đói khát, tôi nhỏ nước mắt ra trên trang giấy. Viết để không in, viết còn để chuốc thêm lo lắng sợ hãi. Nhưng biết làm sao được… Đó là nghiệp chướng của tôi… nghiệp của một kẻ phải làm nhân chứng ở đời. Ta chỉ nói đến cái thật, ta đâu có làm hại cho ai, thậm chí chỉ làm lợi cho mọi người là khác. Cớ sao các người săn đuổi ta, dồn ta đến những miền cay cực. Cả số phận những trang giấy của ta cũng là số phận lưu đầy. Các ngươi chỉ biết truy tìm, chỉ biết huỷ bỏ, chỉ biết kết tội. Ôi! Từ ngàn đời xưa đã có tội yêu thư, yêu ngôn; đã có cắt lưỡi, chặt đầu, đã có nạn cung hình vì sách.

Trời hỡi! Nói lên những ý nghĩ mà cũng phải giấu giếm. Ta đã đút sách trong ống bương đầu hồi để cho con mắt người đời khỏi nhòm ngó. Chuột vào làm tổ trong sách, ta thương những tờ giấy nát vội phải đào hố, chôn sách ngủ im dưới đất. Mưa to, nước tràn nhà rách, ta lo lắng lôi sách lên để gối đầu giường. Ngồi bó gối, ta nhìn làn nước lũ mênh mông quanh mình; nhìn những con rắn phởn phơ ve vẩy, gặp kỳ hồng thuỷ, đang hành hoành bơi lội, ta muốn kêu to, xé sách, muốn gào gọi mưa lớn hơn nữa cho lũ cuốn phăng đi cả cái thế gian này cho khuất mắt.

Hôm ấy, ta đã ôm mặt khóc. Người bạn nghèo thương ta, hiểu ta, đã nâng niu trang sách, đem nó về, đặt dưới đáy chiếc tủ mọt. Và cũng vì những trang giấy nát ấy, hôm nay bạn tôi lâm nạn. Lân ơi! Cái ơn này của anh bao giờ tôi trả nổi.

Chị Lân ạ, họ sẽ trả chồng chị về, nhanh chóng thôi. Cái xe đạp chỉ là một cái cớ vớ vẩn bịa ra cho hợp lý, mặc dù nó không hề hợp lý. Họ muốn tìm cái khác cơ. Họ nghe nói rằng tôi vẫn viết; một vài người bạn đã đọc những bản thảo của tôi. Rồi người nọ đồn người kia và tiếng đồn đến tai họ. Như vậy, số phận cuốn sách phải là bị truy lùng, săn đuổi. Vợ tôi vẫn luôn luôn láy đi láy lại một điệp khúc buồn phiền;

- Anh viết để làm gì? Nên Vương nên Tướng gì? Bao nhiêu tai vạ vào thân, thế mà đêm nào anh cũng trong mắt ra, để mà hí húi, để mà lầm bầm một mình như thằng rồ. Tôi lạy anh, tôi van anh, anh bẻ bút đi.

Cây Lộc vừng hiền hậu quê tôi đã nói như vậy đó.

Hôm nay, thấy tôi nằm lì đắp chăn trên giường, mắt đắm nhìn vào xa vời, vợ tôi hình như cũng đoán biết ra được phần nào tâm trạng của tôi. Trong những ngày tôi bị thẩm vấn, tôi cũng đã nhiều lần nằm trơ trơ câm lặng như thế đó. Những lúc như vậy, tôi chẳng muốn nói chuyện với ai; và mọi người trong gia đình hình như cũng biết được lòng tôi, nên chẳng ai hỏi tôi một lời. Tôi cám ơn sự im lặng của mọi người, bởi vì mọi ngôn ngữ an ủi đều là thừa, là vớ vẩn; nó chẳng giúp gì được ta và chỉ làm lòng ta thêm bối rối.

Trong những lúc như thế này tâm trạng của tôi là gì? Oán hận ư? Cũng có; thương người ư? Cũng có; thương mình ư? Cũng có; chán nản ư? Cũng có; kiêu hãnh khắc kỷ ư? Cũng có. Tôi kiêu hãnh chấp nhận thách đố. Tôi xin gánh chịu. Lúc này, còn chút síu gì cần thiết nhất cho con người, chắc đó là nhân phẩm. Mong sao tôi cố giữ gìn được cho mình chút nhân phẩm đó. Và khi còn chút nhân phẩm, nếu tôi biết một sự thật nào đó nghiêm trọng mà tôi không nói ra, tức là tôi có tội.

Vợ tôi không nói trực tiếp với tôi, cô ta rì rầm với con dưới bếp. Lát sau, thằng Linh lên nhà bảo tôi:

- Bố ơi! Con nấu cháo cho bố ăn nhé?

 

Ngày… tháng…

Như tôi đã dự đoán và chờ đợi. Tôi đã nhận được giấy gọi của Cục Điều Tra Xét Hỏi. Cả đêm, tôi không ngủ, nằm suy nghĩ liên miên, cuối cùng cũng tìm ra được một quyết định cho thái độ của mình. Sáng, tôi dậy sớm, hâm bát cơm nguội cho nóng lên, rồi ăn. Những hạt cơm khô khốc như tắc lại ở cổ, song tôi cố nuốt. Tôi có nhiệm vụ phải ăn để ấm bụng, để lấy sức. Tôi thay quần áo, ăn mặc sạch sẽ, thậm chí còn lấy lược trải mớ tóc bù sù.

Sau đó, tôi đạp xe đạp đến phố B. Lần gọi này, người ta không hẹn tôi đến một trụ sở chính thức nào, mà lại hẹn ở ngôi nhà số 113 phố B. Tôi lần đi dọc theo dãy nhà số lẻ. Tôi tần ngần rồi ngạc nhiên; không có số nhà 113. Hay có sự nhầm lẫn. Có thể là số 13. Tôi đến số nhà 13. Đó là một cửa hàng bán đồ trang điểm cho phụ nữ. Thế là tôi tần ngần đứng và liếc nhìn người đàn bà trẻ lộng lẫy đứng sau một tủ kính nhỏ. Cuối cùng, tôi đánh bạo đến gần, nhưng chưa dám hỏi. Cô bán hàng nhìn tôi ăn mặc xoàng sĩnh nên không chào mời. Có lẽ cô ta tưởng tôi là một anh bộ đội già quê mùa nào đó, thấy những đồ lạ thì ngơ ngáo nhìn xem. Cuối cùng tôi cũng đánh bạo:

- Xin lỗi cô… Cho tôi hỏi nhờ… đây có phải là … một địa điểm… của công an.

- Công an gì? – Cô gái cong hàng mi giả ngạc nhiên hỏi lại.

Người chồng cô ta đang ở trong nhà, bước vội ra:

- Ông muốn hỏi gì?

- Tôi… Tôi muốn hỏi… Cục Điều Tra Xét Hỏi.

Người chồng mỉm cười:

- Thưa ông, ở đây chỉ có silíp, su chiêng, son, phấn, và nếu ông cần có cả viên tránh thụ thai… Ở đây chúng tôi ít quan tâm đến sự điều tra, xét hỏi. Chúng tôi chỉ quan tâm đến người đàn bà, sao cho đẹp…

Tôi đỏ bừng mặt, xin lỗi rồi dắt xe đi. Sau lưng tôi, vẫn còn nghe thấy tiếng cười khúc khích của đôi vợ chồng trẻ. Thế đấy, cuộc đời đâu cần đến những ưu tư của ta. Cái người ta cần là miếng ăn cho ngon, người đàn bà sao cho đẹp. Tôi là một thằng ngớ ngẩn, một thằng gàn, tôi đã lầm lẫn bước vào cõi đời này chăng? Tại sao tôi lại tự làm khốn khó vào thân…

Tôi buồn rầu, dắt xe đạp đi đến cuối phố; có lẽ tôi định về. Chính lúc ấy một chàng thanh niên trắng trẻo khôi ngô mặc bộ quần áo Jeans đến trước mặt tôi:

- Xin lỗi. Ông có phải là Hoàng …

- Vâng. Tôi đây.

- Đồng chí ấy chờ ông đã nửa tiếng.

- Tôi không tìm thấy số nhà 113.

Anh thanh niên chỉ cho tôi ngôi chùa nằm ở ngã tư đường phố. Một ngôi chùa to, có một bóng hoàng lan, có một vườn chuối xanh ngát, có những ngôi tháp táng mộ những sư tổ, cao thấp xây bằng gạch nung già để trần mộc mạc… Ngôi chùa không có số nhà, ngôi chùa nằm ở một ngã tư, chông chênh như chẳng thuộc về đâu. Té ra là thế.

Tôi bước qua cổng tam quan. Tôi bước vào nơi xa lánh tục lụy. Ô hay! ở chốn hư vô này, mà tục lụy vẫn xâm nhập được vào sao?

Sư tổ là một cụ già gày guộc đeo kính đang đứng bắt sâu cho một bụi hoa sói. Tôi kính cẩn chào.

Người sư già đáp lại “A di đà phật” . Rồi ông ngước nhìn khuôn mặt tôi. Một nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt vị tu hành. Người thanh niên bảo tôi chờ một lát, anh bước vào lối sau chùa. Tôi nói với sư già:

- Chỗ cụ tịch mịch quá. Thưa cụ, nhiều lúc cháu thèm tịch mịch…

- Thưa ông, cái tịch mịch là ở trong tâm. Tâm mà sáng thì ở giữa chốn phồn hoa, lòng ta vẫn tịch mịch.

Tôi cúi đầu lặng yên. Vị sư già lại cúi xuống bụi hoa. Câu nói của cụ là bâng quơ, hay một lời khuyên nhủ; tôi chẳng biết nữa, nhưng thực sự nhờ lời nói của cụ, lòng tôi bỗng bớt xốn xang.

Người thanh niên dẫn tôi vào nhà tổ. Ngôi chùa kiến trúc hình chữ tam, mà nhà tổ là nét chữ cuối cùng.

Người sĩ quan an ninh lần này là người khác; không phải con người gày guộc đeo kính như cách đây chục năm. Đó là một người tầm thước, không béo không gầy, vẻ mặt đôn hậu đã mang nhiều nếp nhăn từng trải, mớ tóc hoa râm đã ngả nhiều sang mầu trắng.

Ông ta hoà nhã bắt tay tôi, rồi mời tôi ngồi ở chiếc tràng kỷ đối diện. Ông ta mở đầu:

- Xin lỗi ông Hoàng. Tôi muốn hôm nay là một cuộc trao đổi chứ không phải là một cuộc thẩm vấn. Chính vì vậy, chúng tôi mới chọn địa điểm là ngôi chùa này. Chúng tôi nhờ tạm sư cụ để làm việc với ông.

Người tóc hoa râm bạc rót nước phích pha trà, rồi mời tôi hút thuốc.

Những lần trước là sự đe doạ, là căn phòng trắng lạnh lẽo phi nhân. Lần này là sự mời mọc, là một ngôi chùa nhân ái. Lần trước là một con người khắc khổ cứng nhắc, lần này là một con người từng trải đầm ấm. Tuy nhiên, tôi không hề ngạc nhiên. Tôi hiểu mục đích cuối cùng mới là quan trọng.

Chúng tôi bắt đầu vào cuộc trao đổi, hay nói cho đúng hơn, vào cuộc thẩm vấn êm ái:

- Ông Hoàng ạ. Chắc ông đã biết, chúng tôi đã sưu tập được bản thảo một cuốn tiểu thuyết của ông.

- Tôi biết các ông đã lấy ở nhà anh Lân. Việc đầu tiên tôi đề nghị, xin các ông thả anh ấy ra. Anh ấy không có tội.

- Việc đó chúng tôi sẽ giải quyết. Nhưng điều chúng tôi muốn biết là tại sao ông lại giấu cuốn sách đó đi nhỉ?

- Tôi không giấu. Tôi chỉ sợ mất nó. Chắc các ông cũng rõ quyển sách đó làm tôi mất bao tâm huyết.

- Thực ra việc mang giấu nó đi đã mang một hàm nghĩa phạm tội. Tại sao phải giấu? Vì nội dung của nó chứ gì? Nhưng thôi, đấy chỉ là vấn đề nhỏ, chúng ta cho qua. Điều chúng tôi muốn ông trao đổi đó là những quan điểm của ông về mọi mặt cuộc sống. Trong cuốn sách ông dùng nhiều đến ẩn dụ, biểu tượng…

- Thưa ông, cho phép tôi không cần trình bầy về những quan điểm nghệ thuật. Tôi cũng đã có ý định trao đổi thành thực với các ông về những quan niệm của tôi, vì thực ra có gì đáng giấu giếm đâu.

- Ông thành thực?

- Vâng tôi muốn thành thực. Bây giờ, thành thực là nguy hiểm, người ta bảo thành thực là xuẩn ngốc.

Đúng vậy. Nhiều người bạn đã khuyên tôi như vậy. Nói thẳng những ý kiến của mình ra với những người đang săn đuổi mình ư? Thật điên rồ. Nhưng đêm qua tôi đã quyết định rồi. Trong thực tế hiện đại, từ Đông sang Tây, vì những lý do văn hoá, vì sự đàn áp, vì những tham vọng… con người luôn phải khoác trên người bộ áo giáp giả dối. Sự thành thực chỉ là trò xa xỉ.

Thế nhưng, hôm nay tôi đã thành thực với những con người đã làm tôi đau khổ. Không phải thành thực để xin xỏ họ một điều gì. Cũng không phải vì muốn sắm vai anh hùng rởm. Tôi không cần, tôi bất cần mọi thứ. Tất cả chỉ vì tôi đã chán ngấy.

Khi Trung Quốc mang mấy chục vạn quân đánh tràn ra khắp biên giới nước ta, một anh bạn, cũng bị kết tội là một tên chống đối như tôi lại bị kết thêm cái tội thứ hai bởi vì vợ anh là người lai Trung Hoa, đã bảo tôi rằng: “Hay là tao chết, mày có thấy cần không? Bây giờ, tao có thể sẵn sàng cầm một bình xăng để tự tưới vào mình, tự châm mồi lửa vào mình, và chết bất cứ lúc nào, ở một địa điểm nào xét ra có lợi cho mọi người. Hoàng ơi! Mày nói thực lòng đi. Tao có cần làm thế không? ” Ôi! Cái thế hệ ngây thơ, lý tưởng chủ nghĩa của tôi đã bỏ cả tuổi xanh đẹp đẽ của mình và đầu óc đầy những ảo tưởng đẹp đẽ. Bây giờ, chúng tôi còn cần gì nữa đâu. Chúng ta đang đứng trước một ngõ cụt.

Chính vì thế nên tôi đã nói với người sĩ quan an ninh già kia:

- Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xoá bỏ tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay thế vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt của mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm khát một tấm áo giản dị nhưng vừa vặn. Chúng tôi chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.

Hình như người sỹ quan an ninh tóc bạc kia hơi thay đổi nét mặt; song, tuyệt nhiên tôi không tìm thấy trên khuôn mặt ông ta những biểu hiện cụ thể.

Tôi thì lột bỏ mặt nạ; còn ông ta vẫn đeo mặt nạ. Sự thành thực của tôi liệu có ý nghĩa gì không? Tuy nhiên, tôi vẫn nói, vẫn cố định hình những ý nghĩ mung lung trong tôi:

- Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích cỡ ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn. Nhưng cho dù, về mặt vật chất, các ông có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng: cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lý tưởng khác.

Người sĩ quan đã phải tỏ ra nôn nóng, ngắt lời tôi:

- Anh đang nói đến một thứ nhân đạo đúng ở mọi thời đại? Cái gốc rễ chống đối của anh là ở đó.

- Anh muốn nói sao tuỳ ý, tuy nhiên, các anh đã mất đi những cái tuyệt đối mà ở thời buổi nào con người cũng tìm kiếm. Lương tâm, cái đẹp, cái đạo lý, sự thương sót con người, tình yêu… tất cả những cái đó đều phải được lý tưởng hoá đến chỗ tuyệt đối. Cái tuyệt đối sẽ đúng ở mọi thời đại, và có nó con người mới trở thành người. Điều đáng buồn là những ai đi tìm đến chúng đều bị các anh cho là chống đối.

- Anh thù ghét chúng tôi đến thế sao?

- Tôi chỉ thù ghét sự lầm lạc man rợ.

- Còn chúng tôi?

- Tất cả chúng ta đều đáng thương.

Mặt người sĩ quan an ninh tóc bạc kia bỗng đỏ bừng, nhưng ông ta vẫn cố tự chế ngự mình để giọng nói vẫn ôn hoà:

- Những tư tưởng của anh hoàn toàn chống đối.

- Mong ông nói rõ.

- Anh muốn cái nhân đạo tuyệt đối thắng cái nhân đạo có tính giai cấp. Anh muốn cái tinh thần thắng cái vật chất…

- Có lẽ ông chưa hiểu hết tôi… Mà cũng có thể nói, có lẽ ông không hiểu được nỗi khát khao của mọi người. Nếu cái tinh thần mà không được tôn vinh…

Bây giờ thì người sỹ quan an ninh không đừng được nữa rồi. Ông ta bắt đầu tranh luận với tôi. Mặt ông ta đỏ bừng. Mắt ông long lanh. Giọng ông hùng hồn … Ông ta thật hay giả? Ông ta đã lột mặt nạ hay lại đeo chồng lên thêm một chiếc mặt nạ thứ hai? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng chúng tôi tranh luận với nhau rất lịch sự và rất gay cấn. Ông ta giảng giải cho tôi đủ mọi vấn đề: Hạnh phúc, dân chủ, giai cấp cần lao, chính quyền, bạo lực… Ông ta nhe nanh vuốt với tôi bằng ngôn ngữ… Càng gần về cuối cuộc trao đổi, lòng tôi càng thêm chán nản. Tôi nghĩ về những chiếc vỏ bọc, nghĩ về sự sơ cứng tâm hồn… Tôi hầu như không nghe thấy lời ông ta nói nữa, bởi vì cần gì nghe tôi đã biết hết ông ta nói gì. Tiếc thay! Một gương mặt hồn hậu thế kia! Đôi con mắt linh hoạt thế kia! Một giọng nói ấm áp thế kia!… Chắc cũng như tôi, ông ta đã đi vào cách mạng với một trái tim hoàn toàn trong trắng… Nhưng, chúng tôi đang đứng ở những chặng đường khác nhau… Và bây giờ, tôi đã bị coi là kẻ thù… là tội nhân của ông ta… Tiếc thay! Những chiếc vỏ bọc!… Này! Ông bạn già. Có thể nào tôi còn hy vọng ở ông một chút ít gì không nhỉ? Tôi tin vào lương tri. Chỉ có điều là phải sáng láng. Cách mạng cần phải được thiên khải (illuminé). Cũng có nhiều triều đại vua xưa kia của chúng ta đã được thiên khải, minh sáng; và người dân đã được ơn nhờ hạnh phúc. Tại sao thời hiện đại này lại không có sự thiên khải, sự minh sáng nhỉ? Tôi chắc là còn hy vọng.

Cái cách giao cảm hàm ẩn bằng tia mắt mà tôi vẫn thường dùng, có phần nào làm cho cuộc tranh luận dịu đi. Ở toà chính điện Phật, vị sư già đã bắt đầu gõ mõ. Tiếng chuông đã boong boong. Phải chăng tiếng chuông ấy, tiếng gõ mõ đều đều nhân từ ấy đã làm lòng chúng tôi dịu lại. Chúng tôi châm thuốc hút. Qua cuộc cấu xé hằn thù nhau bằng ngôn ngữ, hình như chúng tôi còn ngượng ngùng khi nhìn vào mặt nhau. Lúc ông ta đã nhìn thẳng được vào mắt tôi, thì đôi mắt ông ta đã hiền lành đi nhiều. Ông ta nói với tôi những lời cuối cùng:

- Ông Hoàng ạ. Tôi chỉ khuyên ông một điều: Ông cần có đầu óc thực tế hơn một chút. Có lẽ ông đã quá nhọc nhằn vì những trang sách của ông. Thực ra, chúng tôi cũng không muốn phiền toái. Nhưng, ông cũng phải để chúng tôi yên chứ…

Té ra mục đích cuối cùng của cuộc gặp gỡ này là việc khuyên tôi không nên cầm bút nữa. Vợ tôi cũng đã nhắc nhở tôi nhiều lần bằng điệp khúc ấy:

“Anh chỉ là cát bụi. Anh viết để làm gì? Sao đêm nào anh cũng trong mắt ra, để mà hí húi, để mà lầm bầm như một thằng điên, để mà chuốc thêm tội nợ. Anh chết đi, tôi sẽ chôn theo đống sách của anh vào hòm áo quan, để cho anh sung sướng.“

Xong cuộc, người sỹ quan an ninh già không bắt tay tôi, cũng không tiễn tôi ra cửa. Có lẽ khung cảnh nhân hậu của ngôi chùa làm tôi quên mất thân phận của tôi chăng, cho nên tôi mới nghĩ đến chuyện ấy. Thái độ của ông ta đã nhắc nhở tôi trở về vai trò của mình. Trong cuộc sống, con người hoàn toàn là những vai kịch mà số mệnh đã sắp đặt. Vai trò của người sỹ quan tóc bạc kia là vai trò của người cầm gậy. Ông ta phải có bộ mặt nghiêm nghị, phải có đôi mắt lạnh lùng, phải có thái độ cứng rắn đối với những người ông ta cho là phạm tội. Ông ta đứng đấy, trên thềm nhà tổ, tay chắp sau lưng, nhìn theo tôi như muốn răn đe. Ông ta đã làm đúng vai trò của mình. Còn tôi, vai trò của tôi là phải bước đi, đầu cúi xuống lưng trĩu nặng. Nhưng bộ óc phải luôn tỉnh táo, bởi vì đôi mắt tôi còn cần nhìn, bởi vì thân phần tôi là thân phận nhân chứng ở đời; bởi vì tôi còn muốn sung sướng – Như vợ tôi đã nói – Cái hòm áo quan lúc tôi chết sẽ đầy ắp những trang giấy mà tự tay tôi viết.

Đêm nay, tôi tìm gặp Hồ Ly.

Nỗi buồn sau cuộc gặp gỡ với người sỹ quan an ninh già kia, cứ ray rứt làm tôi không chịu nổi. Lòng tôi nhức nhối và tôi bỗng thấy nhớ Ly. Tôi thấy nhu cầu phải đi bên cạnh một người đàn bà đẹp. Chỉ đi bên cạnh thôi, chắc chắn lòng ta sẽ vơi nhẹ. Cái đẹp bên ta tự nó đã toả ấm, toả sáng, tự nó đã xua tan đi những phiền muộn ở đời.

Người đàn bà ấy rất chiều tôi. Ly bảo:

- Đêm nay Ly bỏ buổi dạy học, sẽ đi với anh đến đêm.

- Chúng mình đi bộ.

- Em cũng thích đi bộ.

Hà Nội đã lên đèn. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Tôi không nói và Ly cũng không nói. Cả Ly của tôi đêm nay cũng hơi buồn. Sao vậy? Tôi không muốn hỏi.

Chúng tôi đi thơ thẩn nhìn những con người tất bật hối hả, thỉnh thoảng Ly lại nhìn tôi và cười với tôi bằng nụ cười mỉm làm ánh mắt cô rực sáng.

Chúng tôi vào một quán cà phê, ngồi đối diện với nhau, cúi đầu ngoáy cốc và thỉnh thoảng nhìn nhau.

Chúng tôi vào một hiệu phở. Tôi vẫn thích nhìn Ly ăn. Cô ăn như một con mèo, nhẹ nhàng mà ngon lành. Cô cắn chiếc cọng hành xanh biếc vừa nhai vừa nhìn tôi cười. Cô húp một thìa nước sóng sánh; tiếng sụp soạt, tiếng suýt soa vì nóng, vì cay nghe đã thấy ngon.

- Sao cứ nhìn em thế? Ăn đi chứ anh… Mà này, hôm nay Ly cũng muốn nhìn anh ăn đấy.

- Tại sao?

Mãi đến khi đi cạnh nhau trên một phố vắng đầy cây, Hồ Ly mới hỏi tôi:

- Anh nghĩ gì vậy?

- À… Anh đang nghĩ cuộc sống thật giản dị; ví như chúng mình đang đi trên hè phố này, thật sung sướng. Vậy mà tại sao con người lại phải cấu xé nhau dữ dội đến như thế?

- Cũng lạ thật đấy.

- Còn Hồ Ly, em đang nghĩ gì?

- Em nghĩ rằng: ước gì con Hồ Ly của anh không phải đi xa để cho chúng ta cứ được đi bên nhau như thế này mãi mãi

Tôi dừng lại cầm tay cô gái

- Em nói sao?

Hồ Ly không trả lời.

- Em sắp phải đi xa?

Hồ Ly gật đầu. Tôi không hỏi thêm nữa. Tôi buông tay cô gái và tiếp tục vừa đi vừa suy nghĩ: “Thế đấy. Cái ốc đảo gia đình của ta tan rã. Rồi đến Hồ Ly, cái bóng mát cuối cùng của đời ta cũng bay đi nốt. Ta sẽ khát suốt đời.” Tôi thở dài. Nỗi buồn của tôi vừa hầu như được vơi nhẹ, nay bỗng sưng tấy lại. Nỗi căm phẫn số phận làm tôi tức thở. Trên quoãng đường đời tiếp tới, tôi sẽ một mình đương đầu với nắng chang chang. Tôi là kẻ mất bóng râm.

Hồ Ly nắm lấy tay tôi, làm tôi bước chậm lại.

- Anh Hoàng, anh đang nghĩ gì vậy?

Tôi lắc đầu. Cô gái bóp chặt tay tôi, hình như muốn truyền dịu dàng qua bàn tay để xua đuổi những ý tưởng đen tối đang như cơn lốc hình thành trong đầu óc tôi. Cô rụt rè nói:

- Em xin lỗi. Hình như… người ta vừa mới… hành hạ anh… có phải không?… Ôi! Tội nghiệp. Thế mà em lại làm phiền lòng anh thêm nữa.

Chúng tôi đi bên nhau cho đến lúc nỗi buồn sâu đậm đã dần chuyển thành dịu dàng man mát. Đến lúc ấy, nó lại cho ta niềm sung sướng. Sự sung sướng của kẻ chia xẻ, và kẻ được chia xẻ.

Chúng tôi đi có lẽ đến quá nửa đêm. Đôi chân của chúng tôi đều rời rã. Chúng tôi đi quên cả đêm giá lạnh.

Đã đến lúc phải chia tay. Hồ Ly dừng lại ngước nhìn tôi. Hình như đến phút cuối cùng này, cái rét cuối đông mới thấm vào cô:

- Anh ơi! Em lạnh lắm. Em đang run lên đây này.

Tôi nhẹ nhàng ôm lấy cái thân hình mảnh mai của Hồ Ly. Cô gái nép vào ngực tôi. Cô bỗng dưng nghẹn ngào:

- Tức thật! Tức thật!

Tôi vuốt ve mái tóc, cố làm dịu đi những súc cảm, những suy nghĩ trong cô. Cô gái vẫn tiếp:

- Tại sao? Tại sao… nhỉ?

Tôi rất cám ơn những ý nghĩ đang hình thành trong lòng mà cô gái không biểu hiện ra được. Ly vẫn cố tìm lời:

- Em rất muốn giúp anh.

- Anh hiểu. Hiểu chứ!

- Anh không hiểu. Vì em chẳng giúp gì được anh cả.

- Có chứ. Em giúp anh nhiều lắm.

- Ôi! Anh đừng nên nói thế.

- Thực đấy. Rất nhiều. Tiếng cười của em như pha lê! Hình ảnh của em là một bóng râm mát. Những tia mắt của em nữa…

- Hoàng ơi! Đừng phỉnh nịnh em.

- Em không hiểu đấy. Em không hiểu là chỉ riêng em đi bên anh thôi, điều đó đã quí giá cho anh biết chừng nào.

Vai Hồ Ly chợt rung lên.

- Em khóc đấy ư?

- Anh ơi! Sao nước mắt em không chảy ra được thế này?

Tôi thì thầm:

- Cứ áp đầu vào ngực anh là lòng em sẽ nguôi đi ngay.

Hồ Ly nức nở:

- Trời ơi! Nước mắt của tôi biến đi đâu rồi?

… …

Tôi thở dài khi viết những dòng chữ này. Nỗi chua xót của kẻ mất bóng râm, và nỗi chua xót của một bóng râm tan biến. Tất cả chỉ còn là hư không.

 

Ngày… tháng…

Cả ngày hôm nay tôi sốt.

 

Ngày… tháng…

Cơn sốt nhè nhẹ ru tôi vào một giấc ngủ triền miên. Ngủ mà chẳng phải là ngủ. Tôi lạc vào khu rừng rậm những ký ức, những hình ảnh, những suy nghĩ lan man không đầu không cuối. Tôi mặc cho chúng bay lượn nổi trôi, hòng mong chúng giúp tôi giải toả những năng lượng đang bị kìm hãm, để cuối cùng sự cân bằng tinh thần được trở lại.

Khi sự cân bằng đến, tức là tôi đã chết đi một chút. Hết ước muốn, hết ảo mộng, hết những trang giấy mà vợ tôi sẽ nhét đầy áo quan khi tôi chết, hết oán hận và có khi hết cả tình yêu.

Lúc này, trước mặt tôi chỉ là cái thực tế thường nhật chán phè. Lúc này bên tai tôi, chỉ còn tiếng lợn kêu và những lo toan eo óc. Chắc tôi còn chút ham sống nào đó, nên những lo toan ấy còn tồn tại trong tôi, nếu những âu lo sinh vật ấy cũng rời bỏ tôi nốt, chắc chắn tôi đã không còn chút mong muốn bám víu vào cõi đời này nữa.

Anh Lân đã về. Tôi chẳng ngạc nhiên gì về điều đó. Anh đến thăm tôi. Chúng tôi nắm lấy tay nhau chẳng nói câu gì. Tôi chẳng cảm ơn, và anh cũng chẳng kể lể; bởi vì điều đó chẳng cần thiết và bởi vì chúng tôi đã quá hiểu nhau, và đã quá hiểu vấn đề. Cuối cùng tôi chỉ nói với anh:

- Lân ạ. Mấy hôm nay mình hơi ốm. Mình nằm mê mệt đấy nhưng tai vẫn còn đủ tỉnh táo để nghe tiếng vợ con mình thì thào với nhau. Nhà mình đang gay go đấy… chắc mình sẽ trở thành người chăn lợn thực sự. Hình như, điều quan trọng nhất lúc này của mình là làm sao cho lũ con mình tồn tại được…

- Có lẽ Hoàng nghĩ đúng đấy –Lân se sẽ trả lời tôi.

 

Ngày… tháng…

Tôi đã bình tĩnh trở lại. Cùng với sự bình tĩnh ấy cơn sốt nhẹ cũng lui dần. Chỉ còn thấy một thoáng gai gai vào lúc buổi chiều.

Tôi lặng lẽ nhìn thẳng vào vấn đề. Gia đình đã hoàn toàn hết tiền và đã hết cả những cái đáng tiền để mà bán. Tôi đã bán chiếc xe Phượng Hoàng và thay thế bằng chiếc xe Xô Lếch mù tã tượi. Rồi cuối cùng cả chiếc xe tã tượi ấy cũng ra chợ Trời nốt. Cái xe đi làm của vợ tôi lẽ dĩ nhiên không thể đem bán. Quần áo toàn đồ không đáng tiền. Chẳng lẽ chiếc đòng hồ báo giờ đi làm của vợ tôi cũng bán nốt sao? Mà bán cũng chẳng được bao nhiêu.

Tôi bắt đàu nhìn vào tủ sách của mình. Một tủ sách khá nhiều sách quí mà tôi gom góp đã bao năm nay. Lẽ dĩ nhiên, tủ sách của tôi buộc phải vơi dần.

Những Hugo, Vũ Trọng Phụng, Shakespeare, Camus, Pirandello lần lượt từ biệt ngôi nhà tôi ở để lên đường lang thang. Ông Dos, ông Gorki là những nhà văn lang thang đã đành; đáng buồn là cả đến Tônstôi, nhà văn quí tộc, cũng rơi vào kiếp lang thang. Xin lỗi các cụ! Bởi vì lợn của tôi đang đói, các con tôi đang đói; các cụ hãy tha thứ cho tôi.

Hôm nay, đến lượt cụ Tchekhov lên đường vào kiếp “dưới đáy”. Tập truyện ngắn trong đó có Phòng số 6 của cụ hay là thế mà người lái sách chỉ trả tôi có mười hai đồng. Trong lúc đó, giá chợ hai mươi đồng một yến bã đậu. Than ôi! Một áng văn hay tuyệt vời như thế, mà không mua nổi một yến bã đậu.

Có bã đậu, lũ lợn của tôi ăn như điên, ăn thùng bất chi thình. Thằng Linh xem lợn ăn, nói với tôi:

- Bố ạ! Con lợn Bò nhà ta nhai gau gáu.

- Khỉ! Sao lại gau gáu? Trong bã đậu làm gì có xương.

- Có chứ! Đấy, bố nghe kỹ mà xem.

- Ừ nhỉ! Có tiếng nhai nghe ròn thật.

Linh phá lên cười:

- Trong bã đậu hôm nay có chân ông Tchekhov. Lợn Bò dĩ nhiên phải nhai gau gáu, vì loài lợn thích ăn xương.

- Vậy là ngày mai, nó sẽ nhai đến cái tay ông Tchekhov, và ngày kia …

- Ngày kia nó sẽ nhai đến xương sườn, rồi xương sống. Cuối cùng, sẽ đến lượt cái đầu ông Tchekhov.

Tôi rùng mình, bước vào nhà. Chợt thấy run lên. ớn lạnh. Lại cảm thấy mình ốm. Tôi lên giường, đắp chăn ngủ li bì. Lại sốt sao? Lại mê sảng sao? Nhắm mắt! Cứ thấy cái đầu lâu đội mũ phớt của Tchekhov bị gặm nham nhở và máu me ròng ròng.

- Tôi van ngài. Tôi có muốn thế đâu. Tôi vốn quí trọng tấm lòng nhân hậu của ngài… Song tôi quá nghèo… Biết làm sao được.

Cái đầu lâu Tchekhov buồn phiền, hiền từ đang đăm đăm nhìn tôi. Ô kìa! Tchekhov khóc.

- Xin ngài đừng khóc. Những giọt nước mắt của ngài đời chẳng nhìn thấy cơ mà.

- Chỉ có những trái tim khô cứng mới không nhìn thấy những giọt lệ người đời.

Tôi hối hận:

- Hay là để tôi đi… chuộc ngài về.

- Anh chuộc tôi bằng cách nào? Vì anh làm gì còn tiền bây giờ. Phải chăng anh lại định đem bán một ông nhà văn nào khác đi để lấy tiền. Không nên. Tôi không muốn con lợn Bò của anh sẽ nhai xương một ông Sartre để thế chân tôi.

Tôi ngậm ngùi:

- Đằng nào cũng thế thôi. Tôi biết lũ lợn của tôi sẽ lần lượt nhai đến cụ Tư Mã Thiên, và cả bà George Sand xinh đẹp và đa tình của nước Pháp.

Tchekhov hóm hỉnh:

- Này! Anh thấy không, chân tôi gày guộc thế mà bọn lợn nhà anh ăn vào lại thấy béo ra.

- Vâng. Lũ lợn bốc lên rất nhanh. Tôi nhận xét thấy, từ dạo ăn thịt các cụ nhà văn, lũ lợn nhà tôi tăng trọng với tốc độ phi thường. Con lợn Bò, chỉ trong vòng nửa tháng đã tăng từ bốn mươi cân lên tới sáu lăm cân.

Tôi yên lặng một lát, rồi hỏi thêm Tchekhov:

- Thưa cụ, cụ nghĩ xem có cách nào cứu vãn nổi không?

Tchekhov mỉm cười:

- Có chứ. Tôi nghĩ ra rồi. Ngày mai, lũ lợn của anh sẽ gặm đầu tôi. Nó thích gặm xương; thì cứ để cho nó tha hồ mà gau gáu. Điều cốt yếu, anh cần phải giữ lại trái tim tôi, đừng cho chúng ăn. Vả lại, còn tâm hồn ta nữa chứ. Tâm hồn ta là một thứ phi vật chất, lũ lợn của anh ăn thịt sao nổi cái phi vật chất.

… …

Tôi sửng sốt nghe những lời giảng của Tchekhov. Và tôi nhìn kỹ nhà văn. Con người nhân hậu ấy óng ánh hào quang. Tôi nhìn thật kỹ. Tchekhov từ từ tách ra làm hai: một bên là cái thân xác trần thế bị rách nát tơi tả; một bên là cái cốt tuỷ từ bi, hồng hào, mát mẻ, trong trẻo, tưởng như vơi mà hoá lại đầy.

 

(Còn tiếp)

 

Nguyễn Xuân Khánh

304Đen – Llttm - VV

 

 

No comments: